Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

KHI VỢ VẮNG NHÀ



Người xây tổ ấm nhà bu


  Hai bu ở ghềnh Đá đĩa, Phú Yên năm 2012


Bố mẹ cu Bắp, cu Bơ


Cu Bơ (trái) cu Bắp (phải)



Dân gian có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Bu tui ở chung cư, đỡ phải xây nhà, thế nhưng sắm vai “lãnh đạo toàn diện và triệt để” một gia đình, dẫu không xây nhà thì nghĩa vụ đàn ông của bu xem ra vẫn còn nặng nề lắm.  Bà xã xây tổ ấm thì ở nhà riêng hay ở  chung cư cũng phải “xây” như nhau. Được cái bà ấy “xây” kỹ quá nên  bu tui nghiễm nhiên ở vào thế được bao cấp từ đầu đến tận chân răng theo đúng nghĩa đen của nó.  
     Gần nhà bu có  phòng khám nha khoa của bác sĩ Kim Cúc. Bu chuyên chữa trị ở đó nên quen thân bác sĩ Cúc như người nhà.  Một hôm, hàm răng vừa giả vừa thật của bu đột nhiên giở chứng, bà xã một hai áp giải đi bác sĩ Cúc.  Bu đi ngay và ngoan ngoãn nằm dài trên ghế nệm, cô bác sĩ thực tập lễ phép:  “bác đau làm sao ạ?”.  Bác sĩ Cúc nói ngay:   “ấy ấy, răng của ông, nhưng khai báo bệnh trạng và đề nghị chạy chữa như thế nào thì phải hỏi bà xã ông ấy”. Cả phòng ai cũng cười rộ, chuyện thật cứ như bịa.

***
Quản lý xã hội theo cơ chế bao cấp là đại họa cho chúng sanh. Ông chồng được vợ bao cấp quá đôi khi gặp phải bi hài kịch dở khóc dở cười. Số là đầu tháng bảy này, cô con gái bu đột nhiên sốt xuất huyết, nóng đến 40.6 độ, cả nhà tá hỏa. Thằng con rể cấp tốc chở vợ  nó và vợ bu lên bệnh viện Nhiệt Đới Sài Gòn.  Do gấp quá nên “người xây tổ ấm”  không kịp “di chúc” lại cho nhà “lãnh đạo toàn diện và triệt để” về mọi sự cần thiết . Chẳng hạn tiền bạc cất đâu, gạo cơm muối mắm  gia vị gia vung để  những chỗ nào, cá bống siêu thị muốn kho cho cứng phải làm sao …
     Đưa đón thằng cháu ngoại là cu Bắp gần năm tuổi đến “lớp lá” không có gì khó. Đoạn trường nhất là vụ cho thằng cu Bơ mười chín tháng tuổi ăn ngày bốn bữa: sáng, trưa, chiều, tối. Từ bệnh viện trên Sài Gòn bà xã gọi về giải đáp hằng chục câu hỏi của bu, bà đặc biệt  nhắc nhỡ về thời khắc biểu ăn uống của cu Bơ. Trong bốn bữa ăn của nó, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có cháo, sữa chua, váng sữa, pho ma, hoa quả.  Nhưng món cháo của nó sao mà nhiêu khê. Ngoài gạo là cố định ra, ngày này sang ngày khác phải  lần lượt thay đổi: rau, củ, quả, cùng luân phiên với các thứ thực phẩm như trứng, thịt nạc, tôm, cá, lươn, cua, ếch, chim câu. Rồi quy trình nấu các thứ đó… rồi xay sao cho nhuyễn.  Bu nghe ù ù cạc cạc, tai nọ ra tai kia, cuối cùng bảo nàng nói chậm để gõ vào máy tính, lưu trữ, nhớ đời.

***

    Thoạt đầu bu tui  tập sự đi chợ mua tôm đất, nghĩ bụng chỗ chợ búa rặt đàn bà con gái, phải ăn mặc sao cho lịch sự, chí ít cũng quần dài áo sơ mi. Loài tôm na ná như nhau, mặt mũi con tôm đất ra sao chưa biết, may nhờ các bà các cô thương tình chỉ cho. Bà bán tôm đất đon đả, anh thấy chưa, tôm tươi roi rói, cân kẹo không thiếu một ly. Nhưng đến khi trả tiền thì ôi thôi …cái ví trong túi quần lửng, khi thay bu quên nhét vào quần dài.  Đang lúng túng chưa biết tính sao thì người bán tươi cười, không sao, anh cứ về đi, hôm nào bà xã trả tiền cũng được, chị nhà mua hàng tôi hoài mà.
   Đi chợ, nấu nướng vất vả, nhưng cho cháu ăn còn vất vả hơn. Thằng bé lắc đầu lia lịa, tống cháo vào miệng thì nó phun ra phì phì, cặp mắt kính lão của ông ngoại mịt mờ không còn thấy gì nữa. Cuối cùng phải viện đến cái máy “ai pát” với vũ khúc kỳ quái của Hàn quốc “gang nam tai”. Thằng cháu ngoại  bấy giờ mới gật gật cái đầu theo tiết tấu nhạc, lấy đà  nuốt cháo vào bụng.  
   Đang yên đang lành thì người ta đến thu tiền điện, tiền nước, tiền dịch vụ chung cư, không sao, cứ trả cho đàng hoàng, hết tiền thì đến máy ATM  của Ngân hàng An Bình rút.  Máy dùng tiếng việt, nó hỏi thì mình bấm trả lời, nhưng sao vẫn thấy hồi hộp và bấm tùm lum, thế là máy nuốt luôn thẻ vào bụng nó. Định vào nhờ các cô ngân hàng xin lại thẻ nhưng hởi ôi, lúc đó đang là thứ 7 ngày mai chủ nhật, không ai làm việc, đành lủi thủi ra về.

***

Mấy ngày vợ ốm, cậu con rể  làm việc trên Sài Gòn để có dịp vào bệnh viện  thăm vợ, khoán trắng hai thằng con cho ông ngoại lo. Khổ thân cu Bơ, đang bú mẹ bổng dưng bị cắt cái rụp. Hể trời nhập nhoạng tối là nó nhớ mẹ, không khóc to, chỉ sụt sùi rỉ rả, nước mắt lưng tròng. Nó không chịu nằm giường mà ưa ngủ trên vai ông ngoại, làm ông phải ngồi tựa lưng vào tường, ngủ không ra ngủ, thức không ra thức, nghĩ khôn dồn sang nghĩ dại:  Mình gần đất xa trời đến nơi mà cháu thì còn bé tẹo, ngày nó khôn lớn mình đã tan biến vào cát bụi rồi. Cháu không làm sao hình dung nổi hình hài mặt mũi ông,  nếu có gọi ông ngoại ơi thì cũng chỉ khói hương, nhang đèn đáp lời cháu bằng sự im lặng

***

Hết hồi bỉ cực đến ngày thái lai, được tin con gái ra viện bu mừng hơn được vàng. Còn một tiếng nữa xe mới về đến Vũng Tàu mà bu tui đã đưa hai cháu xuống sân chung cư đợi mẹ và bà ngoại.  Nhìn cảnh thằng anh chạy trước, thằng em chập chững hò hét đuổi theo mà rưng rưng niềm vui.  Mới nuôi cháu có sáu ngày đã thấy cực nhọc vất vả,  giá kéo thêm mươi ngày nữa thì bu tui  không biết tính sao đây. Vậy  mà “người xây tổ ấm” của bu nuôi hai con suốt hai mươi lăm năm trời, từ lọt lòng cho đến khi thành đạt thì trên môi luôn luôn tươi thắm nụ cười.
Dân gian còn có câu:

“Chàng ơi phụ thiếp mà chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng”


Không, từ lâu nay bu tui vẫn nhất thiết không nghỉ thiếp là cơm nguội, mà là cơm nóng gạo tám xoan, nấu trong bếp mà hương thơm sực nức cả vườn nhà. 
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

ĐIẾC !!




                     
                     Thiết bị làm điếc Madein Denmak




Ở đời có lắm chuyện oái oăm, người muốn nghe thì trời bắt phải điếc, người thính tai nhưng không muốn nghe những  điều khó chịu lại tự làm điếc mình.
     Bu có ông bạn ở cùng chung cư, đã từng đứng đầu một cơ quan xịn ngoài thành phố cảng Hải Phòng.  Ông không đụng đến máy tính nhưng tin tức trong nước, ngoài nước, trên báo lề phải, lề trái, ông nói vanh vách.  Lâu lâu ông đến phòng bu đàm đạo chuyện nhân tình thế thái, chuyện kim cổ đông tây.  Bu có nhận xét, cứ mỗi lần như thế ông lừa lừa thế nào để được ngồi phía tay trái bu. Hể bu nói, ông há miệng, nhướng mắt lên nghe có vẻ chăm chú lắm. Sau này mới biết ông gần như  điếc tai trái, chỉ nghe được tai phải.  Mới qnen ông đâu hơn một năm mà thấy tình trạng nghễnh ngãng ông bạn nặng thêm lên. Mỗi lần chuyện trò bu buộc phải tăng “volum” ông mới nghe thủng. 
       Mới đây ông bạn Hải Phòng ấy dẫn đến bu một ông  nghe bảo người Quảng Trị, “để ba chúng ta làm quen nhau mà chuyện trò cho đỡ cô đơn”, ông Hải Phòng mở đầu như vậy. Ông Quảng Trị cao lớn, da đỏ như đồng hun, mặt mày quắc thước  ra bộ trí thức lắm.  Bu đẩy chén trà về phía ông bạn mới, hỏi:
-  Quảng trị, vậy bác ở huyện nào.
- À …à..  tui mấy chục năm ở nam bộ chỉ loanh quanh Sài Gòn, rồi miền đông, miền tây chớ chưa sang Lào bao giờ. Nghe thế, ông Hải Phòng ghé sát tai ông Quảng Trị gào lên:
- Ông ấy hỏi bác ở huyện nào…
 - Á …à…à …tui ở huyện Hải Lăng.
Hóa ra hai tai ông Quảng Trị còn trầm trọng hơn ông Hải Phòng.  Cả buổi đàm đạo hôm ấy chủ nhà và khách cứ phải tăng “volum” hết cỡ, ông Quảng trị cũng gào lên để được nghe được chính tiếng nói của mình.  Người qua kẻ lại ngoài hành lang liếc mắt nhòm vào phòng bu, tưởng là ba ông già gây chuyện cãi nhau… hihihi.

***

Thế nhưng chính bu tui cũng bị vợ kêu vì tội …điếc!
Số là cách nay chừng nửa năm, bên kia đường Nguyễn Thái Học đối diện phòng bu ở mọc lên cửa hàng Điện máy.  Người ta câu khách bằng cách mở nhạc giật gân, và không ngớt lải nhải về sự hạ giá hàng hóa, âm thanh bục bục, bùng bùng, lọt qua sáu cửa sổ tra tấn bu từ sáng cho đến chín giờ tối. Đã nhiều lần bu cất công sang điều đình, hoặc gọi điện nhắc nhở nhưng không làm thủng tai được các chú Dienmay.com.  Thấy ông bố vợ khổ sở vì ồn, thằng con rể nhanh nhẫu kiếm cho một thiết bị chống ồn công nhiệp cực xịn Madein Denmak (Đan Mạch). Nhét cái này vào hai tai thì âm thanh ta bà mười phần biến đi chín, tám, chỉ còn lại một, hai.  Một hôm bu tui đang say sưa  đọc sách thì bà xã bực dọc xô cửa bước vào, mặt mũi nàng kém vui, môi miệng cử  động liên tục, trong khi bu đang thả hồn theo chuông mõ của ông A Di Đà ở tận kiếp trước. Cho đến khi nàng  “cưởng chế” tháo thiết bị chống ồn ở hai tai ra bu ra,  thì mới vở nhẽ: vợ và con gái đã thi nhau gọi điện thoại cả chục lần  từ lầu năm lên lầu 6 bảo xuống ăn cơm.  

    Huhuhu… ở cái xứ mình đúng là “ta nghe trong gió vi vu  nhiều chuyện lạ”, đang yên đang lành phải tự làm điếc mới sống nổi.   
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

CHUÔNG và MÕ








Nhà thơ Đơn Sa đã được nxb Văn học cho chào đời tập thơ “Những dòng sáng trong đêm” tháng 12-2011. Nhà phê bình Đinh Trần Toán gọi tập thơ ấy là “một cuộc chơi chữ nghĩa”. Hôm nay bu tui lang thang trên Facebook lại gặp Đơn Sa với bài thơ “Nẻo đường” và nói đùa với Đơn Sa: "bạn đang làm; một cuộc chơi chuông mõ độc đáo lắm"… hihihi!


NẺO ĐƯỜNG

Sáng.

Sớm mai lên núi theo ngàn
Đêm còn ở lại giữa làn sương trong
Mùa sương lắng khi nắng bồng
Gió đi quét lá …quét lòng nhân gian

Chuông thánh thót mõ ái oan
Một người nói với một đoàn người nghe
Bên thềm có mái hiên che
Trên trời là đám mây về… để đi

 
Tối.

Rừng đêm đá núi uy nghi
Chuông và mõ khẽ thầm thì nhắn trăng 
Trăng non vượt núi lên thăm
Sắc như mắt lá rau răm ngang trời

Thấy trăng chuông mõ rụng rời
Cái con mắt ấy vừa khơi tâm trần
Khói hương vòng tỏa bâng khuâng
Chắp tay lặng hỏi những lần tâm hoang 


Trở về.

Cùng đêm sương gió lang thang
Nghe chuông chơi núi vọng vang u huyền
Sáng xuôi con nước mũi thuyền
Phất áo nắng dòng sông duyên trải lòng

Theo nẻo thiền kiếm hư không
Thẳng bay chưa vút nhuốm cong bộn bề
Đường lên núi dốc đam mê
Dáng chùa bóng pháp đã về ngày xưa

Đã đến chưa …
đã thấy chưa …
Áo xám trắng…
vắng cả mùa…
vọng trôi…


Bài thơ gồm ba phần: Sáng, Tối, Trở về, nhưng bu tui tâm đắc hai phần đầu, trong hai phần này lại khoái hình ảnh chuông mõ. Nhân sự” nhà chùa ngoài sư sãi ra phải kể đến chuông mõ. Nó có phận sự riêng và có tiếng nói cũng rất riêng. Sư tụng kinh niệm phật, tiếng chuông siêu thoát giữa thinh không để báo hiệu, để nhắc nhỡ phật sự chúng sanh. Tiếng mõ giữ tiết tấu cho lời kinh du dương dễ vào lòng người. Nhà chùa có thể thiếu cái này cái kia nhưng không thể thiếu chuông mõ. Nói theo lý thuyết Trung quán của ngài Long Thọ thì chuông mõ là hai nhưng chỉ một.  Nhưng cái tai nhà thơ Đơn Sa cực thính, cực nhị nguyên, nghe tiếng chuông vui vẻ, còn tiếng mỏ thì buồn thảm.

“Chuông thánh thót mõ ái oan”

Nhưng nghịch lý tâm trạng chuông mõ không phải khi nào cũng biểu hiện như nhau. Có lúc cả hai tâm đắc, thầm thì, trước một sự việc gì đó, chẳng hạn:

Rừng đêm đá núi uy nghi
Chuông và mõ khẽ thầm thì nhắn trăng.

Mà lưu ý hộ, đây là trăng non, trăng lưỡi liềm, gợi cái đẹp dân gian rất truyền thống:

“Trăng non vượt núi lên thăm
Sắc như mắt lá rau răm ngang trời”.

Ai cũng biết, mắt lá răm một thời nói về vẻ đẹp con gái. Nó không bén như dao cau, không sắc sảo như mắt bồ câu, mà đăm đắm buồn, man mác yêu thương, có cái gì đó sâu lắng, quyến luyến như tình yêu đôi lứa. Cho nên, nhìn khuôn trăng này chuông mõ cũng bàng hoàng…

“Thấy trăng chuông mỏ rụng rời
Cái con mắt ấy còn khơi tâm trần

Nói thế có phần oan cho chuông mõ, nhưng bảo ai làm cho chuông  mõ lên tiếng thì sợ thừa ...chính tác giả cũng đã xa xôi bóng gió về cái sự bay mà chưa vút, đường đi lại cong cong…

Theo nẻo thiền kiếm hư không.
Thẳng bay chưa vút nhuốm cong bộn bề

Mới hay tu để giải thoát khó từ trong chùa khó ra, chớ riêng chi đám chúng sanh vô minh như chúng mình đây !!


Đọc tiếp ...