Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Trong thực tế, quan sát giới động vật hoang dã nói chung, người ta chưa thấy những lãnh đạo các bầy đàn này có biểu hiện lợi dụng chức quyền để bắt các thành viên trong bầy đàn phải cống nạp hay hối lộ! Dù là thú hay là chim, thì con vật đầu đàn cũng vẫn sống cuộc sống như đồng loại, gần đồng loại, cùng đồng loại; sống trong bầy đàn, vất vả kiếm sống như bầy đàn, đói no cùng bầy đàn. Không ăn trên ngồi chốc, không nhà lầu xe hơi, không ngai vàng đế đô. Qua thế đủ thấy rằng, lãnh đạo là một vị trí rất cần thiết cho sự tồn vong của mọi bầy đàn, mọi cộng đồng. Tự do như loài chim cũng vẫn phải có con chim đầu đàn. Loài người là động vật cấp cao, phát triển với tốc độ lớn, lại càng cần sự lãnh đạo hơn bất kì loại động vật nào trong tự nhiên. Nhưng loài người đôi khi thua các loại động vật khác ở đức hy sinh vì cuộc sống cộng đồng. Không ít người cứ leo lên vị trí lãnh đạo là chỉ muốn hưởng thụ hơn người, quyền lực hơn người. Tuần VN

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

HẦU CHUYỆN BÁC BOBI

 

                          Anh nhà quê (Bu) lên thành phố!

 

 

Lang thang vào http://thovanhoangkim.blogspot.com  đọc bài “Bác Hồ rất ít trích dẫn”,  đến gần cuối bài thì sửng sốt thấy anh Hoàng Kim trích nguyên một Entry của Bu, cùng với “còm” của bạn bè hồi mồ ma Zà hu 360.  Bài của Bu có tựa đề “HẦU CHUYỆN BÁC BO BI”. Mấy năm rồi, nay đọc lại những gì mình viết thấy lòng dạ sao mà bồi hồi.  Zà hu 360 thuở ấy vui như tết, vậy mà bạn bè nay tứ tán đâu hết. Hai người đẹp TKO và Catulaho giả từ blog, bác BOBI thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích đâu bên plus, anh chàng Malieng trôi dạt tận đẩu tận đâu nay mới lò dò về với Multiply, đang nghỉ lấy sức. Trong  bài “Bác Hồ rất ít trích dẫn” Bu lược bớt phần của anh Hoàng Kim, chỉ tái bản lại phần Bu viết cùng với còm  của bạn bè hồi ấy, để nhớ lai một thời và để bạn bè “mân ti” ngày nay đọc chơi. 

 

* *

*

Comment ở blog Bulukhin, bác BO BI viết:  “Mấy thanh niên ngồi quán bia thỉnh thoảng hát: “Không có việc gì khó/ chỉ sợ tiền không nhiều...”. Bây giờ TKO hát: “Không có việc gì khó/ chỉ sợ mình không liều...” BOBI biết hình như có một bài thơ chữ Hán của người xưa nói về ý chí dời non lấp biển, nay được người đời dịch ra với nhiều dị bản vui vui. Bác Bu là người am hiểu thư tịch cổ, mong bác cố gắng tìm lại bài thơ chữ Hán đó để mọi người cùng đọc và suy ngẫm”.

@BULUKHIN: Mặc dầu biết phận mình văn dốt võ dát, nhưng được bác BOBI đã tin tưởng hỏi thì Bu tui cũng xin thưa lại dăm ba điều. Có gì chưa đúng mong các bạn chỉ giáo cho. Theo chỗ Bu biết thì thời Bắc Tống có ông Uông Chu làm ra loại thơ bốn câu, mỗi câu năm chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt). Sau này người Nam ta tham khảo thể thơ đó soạn ra sách “Ấu học ngũ ngôn thi” (thơ năm tiếng dạy trẻ học) còn gọi là Trạng nguyên thi, gồm 278 câu nói về lợi ích sự học tập và giấc mơ đỗ đạt, xin dẫn ra vài câu:

 

Tự tiểu đa tài học

Bình sinh chí khí cao

Biệt nhân hoài bảo kiếm

Ngã hữu bút như dao

(Tài năng học tập bộc lộ từ nhỏ

Xưa nay đều có chí khí

Người luyện võ chỉ thích bảo kiếm

Còn ta văn bút bén như dao)

 

Và để dạy cho trẻ ý chí đội đá vá vá trời, dời non lấp biển “Ấu học ngũ ngôn thi” có bài:

 

Tạc sơn thông đại hải

Phá thạch bố thanh thiên

Thế thượng vô nan sự

Nhân tâm tự bất kiên

(Đục đá thông ra biển

Đội đá vá trời xanh

Trên đời không việc khó

Chỉ sợ lòng không kiên)

 

Trong đó, hai câu “trên đời không việc khó/ chỉ sợ lòng không kiên” được người Nam ta biến tấu ra nhiều dị bản như “Không có việc gì khó/ chỉ sự tiền không nhiều” hoặc “không có việc gì khó /chỉ sợ mình không liều” như bác đã dẫn ra. Nhân thể cũng nói thêm, sách “Tấm lòng của Bác Hồ”, nhà xuất bản Công An Nhân dân năm 2005 có dẫn ra một đoạn như sau: “Năm 1950, trong một lần gặp gỡ anh em Thanh niên xung phong làm đường ở đèo Khế Thái Nguyên Bác Hồ đã đọc tặng mấy câu:

 

Không có việc gì khó

Chỉ sự lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí cũng làm nên

 

Bốn câu thơ ấy tuy mượn ý “Thánh hiền” nhưng đã được kiểm nghiệm trong thực tế cuộc sống của Bác Hồ mấy chục năm trước đó”. Hai chữ Thánh hiền được nhà xuất bản Công an Nhân dân cho vào ngoặc kép không hiểu có dụng ý gì. Hay là họ biết rõ xuất xứ bốn câu thơ ấy nhưng cứ muốn nó mang một nội dung cao siêu của thần thánh??.

@ MA LIÊNG:  Người hỏi hay mà người trả lời cũng hay, giá bác Bu đưa lên nguyên bản chứ Hán cho bọn em ngắm nghía (chứ không phải để đọc) thì thú vị biết mấy.

@TKO: Tạc sơn thông đại hải/Phá thạch bố thanh thiên/Thế thượng vô nan sự/ Nhân tâm tự bất kiên!...Bài thơ rất hay bác Bu nhĩ!

@NGUYENTHUTHUY 1401: “Trên đời không việc khó/chỉ sợ lòng không kiên”. Muôn sự thành hay bại đa phần đều do lòng người cả bác nhỉ? Những câu như “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” hay “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” cũng đều ca ngợi sự kiên trì, bên bỉ của con người. Cho em gửi lời thăm cu Rơm, chúc cháu hay ăn chóng lớn!

@CATULAHO: Hai chữ Thánh hiền trong ngoặc kép, theo em nhà xuất bản 

Công an Nhân dân muốn nói ý ấy không phải của thánh hiền, họ không muốn nói ra sách Ấu học ngũ ngôn thi đó thôi. Còn vì sao như thế thì chỉ có các bác ấy biết. Hihihi.

@BOBI:  Cảm ơn bác Bu đã tìm ra được bài thơ trong “Ấu học ngũ ngôn thi’. Vì bác Bu không kịp đưa chữ Hán vào nên BOBI mạo muội thử đưa vào (theo yêu cầu của Malieng). Nếu có chữ nào sai, bác Bu hiệu đính sau

 

鑿山通大海
鍊石補青天
世常 無人事
人心自不堅

 

Phải thừa nhận rằng, ngoài nền triết học mà đỉnh cao là kinh dịch, thì nền văn học hàng ngàn năm trước đây của Trung Hoa cũng rất đồ sộ. Các bậc tiền nhân nước ta qua hàng thế kỉ và với kiến thức nho học uyên thâm đã tiếp thu và truyền thụ cho nhiều thế hệ con cháu. Tuy nhiên khi ngâm vịnh và đặc biệt khi viết thành sách các cụ đã không đề xuất xứ (chủ yếu là thơ) nên hậu duệ vẫn nhầm tưởng là của các cụ. Thậm chí có người biết nhưng vẫn lờ đi (!?)  Thiền sư Lê Mạnh Thát đã chỉ ra được nhiều bài như vậy, hoặc nhiều nhà nghiên cứu khác đã phát hiện khoảng hai phần ba nội dung trong “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn có xuất xứ từ Trung Quốc.  Luật nay gọi đó là vi phạm bản quyền. Dân gian gọi đó là đạo văn. Điều đáng xấu hổ, đạo văn ngày nay là một trong những cách tiếp cận  của giáo dục Việt Nam ta.: Từ cấp 1, các cháu đã làm văn với các bài văn mẫu. Nhiều luận án cử nhân, tiến sỹ, cũng copy gần như nguyên văn của người bảo vệ trước. Có giáo sư đầu ngành bê gần nguyên văn luận án của sinh viên, thay đề mục và đề tên mình vào để in thành sách. Nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành đều dịch thuật của nước ngoài (dù dịch sai nhiều).  Nhưng thôi, đấy là chuyên của thiên hạ. Còn khi nàng Cách Cách xinh đẹp TKO hát: “ Không có việc gì khó/ Chỉ sợ mình không liều”, BO BI cảm thấy hứng khởi, nỗi máu Lục văn Tiên định liều một phen, nhưng rồi nghĩ mình cầm tinh con thỏ nên chột dạ, hóa ra:

    Đời có nhiều việc khó

    Mà mình không nên liều

    Sợ đang cầm tinh con thỏ

    Lai biến thành tinh heo.

 

@BULUKHIN:   Bác BOBI kính mến, tôi đã đọc lại cái còm của bác vài lần và còn muốn đọc nữa. Bác nói khéo quá, kín kẽ quá, ai ngứa miệng muốn gây sự  với bác cũng không làm gì được. Tôi đang la cà trên đường phố Sài Gòn, vào hiệu nét dọc đường  máy móc tậm tịt, nên không làm sao mà nói cho hết được. Câu thứ 4 của bài thơ chữ Hán  bác chép lên có nhầm hai chữ, nguyên bản “thế thượng vô nan sự” 

( ) bác viết ra  “thế thường vô nhân sự” (世 常 無人事).  Một lần ở đâu đó tôi có nhắc đến sách Vân Đài loại ngữ của cụ Lên Quý Đôn,  Đúng như bác nói, cụ Lê hể mở miệng ra là y như ông này nói, ông kia nói, toàn những ông bên Tàu nói, chứ không thấy ông nói được mấy cả.  Và ngay phần ông nói không hiểu ông có “đạo” văn ai hay không,  hôm nào tôi phải xem lại đã, chứ nói hồ đồ về các cụ là không được.  Mà bác ạ, cuộc đời đa đoan lắm, ai đó nói “ăn cắp cái lưỡi câu thì bị vào tù, ăn cắp một quốc gia được gọi là vua”. Cho nên bác xem, vua chúa xưa nay thiếu gì kẻ ăn cắp.

Riêng với chú Malieng, chú mày “ngắm nghía” bản chữ Hán của bác BOBI (mà Bu đây có hiểu chỉnh lại hai chữ) đã được chưa? Khỏi phải chép lại nhé.  

@TKO:  Em chào cả nhà ạ! Cứ cái đà này em lại phải hót nhiều nhiều mấy câu liều mạng....Bu và BOBI cất giọng hòa âm hay như thế này thì em sẽ được mở mang thêm kiến thức ạ!  Cảm ơn chuyên gia ngôn ngữ Buluk và Thỏ BOBI nhé.

P/S: Đọc thơ comt của BOBI chết cười.

@NGANHA: Dạo quanh và dừng lại lại đây đọc những lời trao đổi của mọi người, NH thấy thú vị lắm lắm. Vốn không hiểu về chữ Hán nhưng lại rất háo hức lắng nghe, nên xin phép cho NH được ngồi im thỉnh giáo, được không ạ ?

@PNH: Chữ nghĩa xưa nay khó như thế, bể học bao la nên chỉ dám đứng ngoài hóng chuyện. Tuần tới tôi sẽ ghe bác Bu kéo đi chùa chiền, café nghe bác kể chuyện xưa nay nữa.

@THIEN PHONG: 世上无难事,人心自不坚  nguyên câu là Thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên. Chứ không phải là thế thường. .·陈元靓《事林广记》第九卷:世上无难事,人心自不坚。Câu này xuất  hiện trong sách “Sự lâm Quảng kí” quyển 9 của Trần Nguyên Tĩnh (?!) thời Tống, về sau được đưa vào trong Thần đồng thi của Uông Chu. Mời các bác vào Web này đọc:  http://zhidao.baidu.com/question/59294953.html  là có hết toàn bản. Văn bản Thần đồng thi và Trạng nguyên thi có nhiều dị đồng, do mỗi thời tam sao thất bản, thêm thắt vào mà khác. Uông Chu 汪洙 tên tự Đức Ôn 德温

người Ninh Ba là một học giả nổi tiếng thời Bắc Tống. Nguyên câu trích trong bài Thần đồng thi là:  凿山通大海 鍊石补青天 世上无难事 人心自不坚.

Đấy , các bác châm chước cho, và có gì chưa hiểu, qua blog tôi nhé!

@TORO: Do cách học của ta xưa, cứ dùng của người trước lắp vào thành bài của mình, lâu dần quên mất bản gốc, tưởng của mình cả. Chả thế mà vô số giai thoại của các danh nhân nước ta đã có sẵn trong sách tiếu thoại của Tàu từ bao giờ, ví dụ như Điếu văn chữ Nhất của Mạc Đỉnh Chi, câu đối “Quân ân thần khả báo” của Cao Bá Quát.

@BULUKHIN (Viết tối Noen 24.12.2010)

Tôi thấy phải nói thêm vài dòng về bài thơ chữ Hán mà bác BOBI và bác THIENPHONG trích dẫn. Hai bác đều viết câu thứ hai là  “Luyện thạch bố thanh thiên” (鍊石補青天) trong khi đó “Ấu học ngũ ngôn thi” mà tôi dẫn ra lại viết “Phá thạch bố thanh thiên” (石補青天). Có lẽ “phá” (破) hợp lý hơn. Người ta đập đá to thành đá hộc để dễ vận chuyển trong công việc vá trời.  Chứ  chưa thấy ai luyện đá cả. Bác BOBI viết chữ Phồn thể, bác THIENPHONG viết chữ giản thể nên một số bạn có thể bở ngỡ. Mời các bạn chỉ giáo thêm.



 

         
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Một trong những câu nói về Hà Nội hay nhất độc đáo nhất trong dịp Ngàn năm Thăng Long thuộc về nhà văn Nguyên Ngọc. Ông bảo: Hà Nội của ta đẹp thật, đẹp khủng khiếp, đẹp đến mức người ta đã phá nó ghê gớm, phá nó riết ráo thế mà nó vẫn còn đẹp như vậy.

Đọc tiếp ...

KIẾP NẠN THỨ 81

 

Sáng nào Bu tui cũng rủ rê bạn bè lối xóm đi dọc kè bờ sông thay vì tập khí công dưỡng sinh như bạn GRAPH gợi ý. Đi chán thì quần tam tụ tứ nơi mấy ghế đá vườn hoa để tán chuyện trên trời dưới đất. Anh nào cũng có chuyện kể để cười. Thường là những chuyện đầu Ngô mình Sở không có đầu đề, do anh này đọc đâu đó, anh kia nghe đâu đó, gom góp biên tập lại. Mời các bạn đọc chơi Kiếp nạn thứ 81.

 

Thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh,  thấm thoắt đã hai mươi năm, trải qua 80 kiếp nạn.  Công việc hoàn thành, thầy trò phấn khởi hộ kinh về cố quốc.  Đang mùa đông, đường qua Hi Mã Lạp Sơn phủ đầy băng tuyết, thầy trò Đường Tăng buộc phải đi vòng. Đến một nước nọ có biên giới với Tàu, thấy trên cổng thành ghi bốn chữ ĐẠI VỆ NAM QUỐC, Đường Tăng quay lại hỏi các trò:

- Đây có phải là nước Vệ danh tiếng, chính sự yên bình, vua sáng tôi hiền, luật pháp nghiêm minh, sản vật phong phú, nhân dân sống trong lục hòa,  khắp chốn cùng quê tươi vui lời ca tiếng hát đó không ?

Ngộ Không phi thân về phía kinh thành, một lát quay về nói:

- Thưa thầy, đúng là nước Vệ mà thầy nói đó ạ.

Thầy trò kéo nhau đến Hải quan phủ, ngỏ ý xin đổi điệp văn. Quan coi phủ nói:

- Từ Tây Trúc về Tàu sao các ngài không đại nhân hành đại lộ mà phải mua đường qua nướcVệ ?

 Đường Tăng trình bày việc đi thỉnh kinh, và nỗi khó khăn không trèo qua được núi cao đang mùa đông băng giá, phải đi nhờ qua quí quốc.

 Quan thản nhiên nói:

-  Ngài nói vậy nhưng chúng tôi chưa nghĩ vậy, mời các ngài hãy chờ chúng tôi kiểm tra hư thực ra sao đã. Nếu không có gì khả nghi chúng tôi sẽ làm thủ tục cho các ngài đi.

Đường Tăng biết nhập gia tùy tục, ngài vui vẻ chấp nhận để quan nước Vệ làm phận sự kiểm tra.  Ngày đầu tiên Bát Giới bị quan gọi lên hỏi:

- Anh tên gì

- Trư Bát Giới

Riêng phần trích ngang lí lịch Trư phải trình bày mất hai ngày, đến ngày thứ ba quan đổi giọng hỏi:

- Tại sao tai và mũi của mày to thế, có phải để nghe lén và ngửi mùi nước tao không?

Bát giới vò đầu thanh minh là cha sinh mẹ đẻ đã như thế, quan phán:

- Hừ, ai làm chứng là cha mẹ mày sinh ra mày đã như thế này, hay là mày mới phẩu thuật chính hình để chuyên nghề thám thính ? Mày có gì chứng minh điều mày nói là sự thật ?

Bát Giới nhăn nhó bảo rằng chỉ còn cách về nhà nhờ bà con xóm giềng xác nhận. Nhưng muốn về thì phải có điệp văn quan cấp cho. Quan lại bảo muốn có điệp văn  ta cấp thì mày phải có người xác nhận, chưa có hẳng cứ đợi đấy, khi nào có ta sẽ nói chuyện sau...

Hôm sau quan gọi Ngộ Không vào hỏi:

- Mày đi đâu cũng kè kè cái gậy sắt để làm gì?

- Thưa, để đánh yêu quái.

Quan nổi xung đập bàn quát.

- A, thằng này láo! Nước Vệ nổi tiếng an ninh trật tự, muôn dân sống an bình hạnh phúc, làm gì có yêu quái để mày đánh.  Phải chăng mày mang gậy là để chống đối người thi hành công vụ. Trả lời thành khẩn, nếu không chớ có trách.

Ngộ không trần tình, rằng đường sá xa xôi hiểm trở, đâu đâu cũng có hùm beo yêu quái rình rập gây sự. Cây gậy này tiểu trừ chúng, bảo vệ sự an toàn cho đoàn thỉnh kinh và giúp dân chúng qua cơn nguy khốn. Quan lại hỏi:  

- Thế mày đánh yêu quái đã xin phép ai chưa?

- Dạ chưa ạ.

Quan bảo:

-  Mày làm thế là vi phạm kỉ cương. Trước khi ra tay thì mày phải biết đối phương có đúng là yêu quái hay không.  Phải lập hồ sơ tội trạng, trình quan sở tại xét duyệt ra quyết định. Hừ! ai cũng manh động như mày thì thành ra loạn à? Đất nước tao đang yên lành mà mày vác gậy đi nghênh ngang thế kia, chẳng hóa ra mày bêu rếu nền an ninh nước Vệ sao?  Mày phải ở lại đây để tao thẩm tra tiếp, trước mắt tạm giữ cây gậy sắt của mày. Ngộ không định mở miệng phân bua thì quan đã cho người lôi ra khỏi công đường.  Ngày hôm sau đến lượt Ngộ Tĩnh bị điều lên công đường. Quan dọa:

-  Hai thằng kia đã nhận tội do thám và gây rối trật tự công cộng. Mày khôn hồn thì khai ngay mọi tội trạng để được nhận lượng khoan hồng của bản quốc. Nói ngay, cái hòm to tổ bố mày mang kia đựng những gì, bom mìn tự tạo, thuốc gây nghiện hê rô in, hay băng đĩa văn hóa đồi trụy?

Ngộ Tĩnh vả mồ hôi trán, lắp bắp:

- Thưa quan hòm đựng toàn kinh Phật

Sau khi ngó nghiêng những pho kinh Phật chữ nghĩa loằng ngoằng như dun bò, quan phán:

- Đợi tao cho người dịch hết ra tiếng Vệ xem ra sao đã, nhỡ  có tài liệu gì độc hại, chống đối lại chủ trương đường lối của nước Vệ thì sao?

Quan giữ lại hòm kinh, Ngộ Tĩnh được tại ngoại.  Lúc này Ngộ Không cũng vừa vượt ngục trở về, Đường Tăng nói với hai đệ tử :

-  Không hiểu các chức trách nước Vệ có biết tôn quý kinh sách không,  chẳng may họ bán cho các tay đồng nát thì uổng công thấy trò ta, lại đắc tội to với nhà Đại Đường và Phật tổ Như Lai. Ngộ Không, con mau mau đằng vân phi vũ  đến xin  Phật tổ Như Lai ra tay cứu giúp,  thậm cấp, thậm cấp.

    Buổi sáng nọ, Phật tổ Như Lai đỉnh đạc vào Hải Quan phủ, chưa kịp trình bày vụ việc đã bị quan hỏi ngay:

- Đến đây có việc gì ?

- Xin ngài giúp đoàn thỉnh kinh nhà Đại Đường được về cố quốc sớm ạ.

Tên gì, quan hệ thế nào với đám người đó ?

- Tên Phật tổ Như Lai.

- Anh Lai cho biết, anh có hộ khẩu ở đâu, làm nghề gì?

- Thưa tôi ở Tây Trúc,  làm nghề tu hành.

- Tu hành tức là trồng cây hành làm gia vị? Công Tôn Tích ghi vào biên bản: anh Lai làm nghề nông.

Đức Như Lai vội xua tay:

- Tu hành không phải là nghề nông, chỉ chuyên tâm tu dưỡng, hướng tới chân thiện mỹ và giải thoát...

- Anh Lai trả lời đúng câu hỏi, tu thế lấy gì để sống ?

-  Thưa, nhờ ơn bố thí của chúng sinh.

Quan càu nhàu:

- Ăn xin còn làm bộ loanh quanh, Công Tôn Tích, ghi là nghề ăn xin, vậy quan hệ với đám người kia thế nào?

- Dạ, họ là đệ tử của tôi.

- À, thì ra các anh có tổ chức, có phân cấp hẳn hoi. Tôi phải làm rõ về tổ chức và tôn chỉ hoạt động của các anh, truy nguyên ai là người cấp phép...

                                                        

                                                         * *

*

Năm năm trôi qua, thầy trò Đường Tăng vẫn chưa đổi được điệp văn. Lòng dạ mọi người như lửa đốt, Đường Tăng sai Ngộ Không lên trời cầu cứu, Ngọc Hoàng nghe trình bày xong ngáp dài lắc đầu:

- Cái luật của nước Vệ nhiêu khê lắm, ta có xuống cũng bị họ bắt xác minh lí lịch. Ta đã sống cả tỉ tỉ năm, bạn bè trang lứa ra đi hết rồi, hỏi còn ai mà đứng ra xác minh với xác nhận. Xuống đó rồi cũng kẹt cứng như các người thôi.  

       Một hôm Ngộ Không la cà các quán nước vỉa hè thấy dân chúng đọc  báo nói rằng sắp có đoàn cấp cao nhà Đại Đường sang nước vệ công cán, vội về bẩm báo với  thầy Đường Tăng:

- Bạch thầy, bạch thầy, hoàng đế nhà Đại Đường sắp sang nướcVệ chuyến này chắc thoát, chắc thoát. Huhuhu.

Đường Tam Tạng đang lim dim ngủ liền choàng dậy mừng hú, kêu: thiệt không, thiệt không, rồi lẩm bẩm: Nam mô bổn sư Thích Ca mâu ni Phật,  cho con vượt qua kiếp nạn thứ 81, ...thứ 81... thứ 81...nam mô...nam mô...!!  Ngộ không, Ngộ Tĩnh, Trư Bát Giới sướng như điên, ôm nhau nhảy thâu đêm vũ khúc “Biệt Vệ hành” do ba chàng tự biên tự diễn rất là hoành tráng.

 

  

    

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

ĐÔI LỜI VỚI BẠN TORO...

                             Chữ Hán được viết theo chiều dọc thẻ tre

 

    Diễn viên Lã Thanh Huyền sắm vai Trần thị Dung trong phim Thái sư Trần Thủ Độ

( Đạo diễn cho bà Dung xoay sách thẻ tre 90 độ, và thời nhà Trần làm gì có sách thẻ tre để đọc)

 

 

Bạn TORO nhắn cho Bu thế này:

Bác tra giúp xem cái loại sách thẻ tre các cụ nhà mình có xài không, xài vào thời nào? Trông cái ảnh giới thiệu phim, thấy Lý Công Uẩn ngồi ở cái bàn có nhiều cuốn thẻ tre mà bực quá, cứ như là thời Tần Thủy Hoàng... Nhà Lý đã có thi cử, đã có Quốc tử giám thì dùng giấy từ lâu rồi chứ...

Cho đến nay, Bu chưa tìm thấy một quyển sách nào có thể tra cứu ngay được các cụ ta có xài sách thẻ tre không, và xài vào thời nào.  Chỉ biết rằng người Tàu đã biết viết chữ lên thẻ tre từ đời nhà Thương (1556 tcn - 1446 tcn). Sách Hậu Hán thư có ghi “Thời cổ đại, sách và tài liệu phần lớn được chép trên thẻ tre rồi sau đó chép lên lụa gọi là chỉ. Lụa đắt tiền, thẻ tre thì nặng, cả hai đều không thuận tiện” (1). (Có chuyện kể Đông Phương Sóc dâng thư cho Hán Vũ đế gồm 3000 thẻ tre, phải cần đến hai người mới gánh hết, nhà vua vất vả đọc hai tháng sau mới xong).  Năm 1972 các nhà khảo cổ Tàu khai quật hai ngôi mộ cổ ở Ngân Tước Sơn thuộc đông nam thành phố Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông, ở ngôi mộ thứ nhất thu được 4942 thẻ tre, ở ngôi mộ thứ hai thu được 32 thẻ. Trên các thẻ tre ấy thấy ghi các tác phẩm như: Tôn Tẫn binh Pháp (Tôn Tẫn viết) Tôn Tử binh pháp (Tôn Vũ viết) và nhiều sách khác. Thời gian chôn cất hai ngôi mộ này vào khoảng 140 tcn - 118 tcn, vậy các văn bản trên thẻ tre rõ ràng được viết từ trước đó (2).  Ở Việt Nam, bảo tàng lịch sử  không thấy chưng bày thẻ tre của người xưa trứ tác.  Trong thông báo “Những phát hiện mới nhất về khảo sát học lần thứ 45” của Viện Khảo cổ học (3) cũng không thấy nói đã phát hiện được thẻ tre ở đâu cả.  

     Theo sách “100 nhân vật ảnh hưởng lịch sử Trung Quốc” thì  vào đầu thời Đông Hán (25 - 220) có ông Thái Luân (người Tàu) qua nhiều lần nghiên cứu, thí nghiệm, đã chế tạo thành công loại giấy bằng bông tơ thực vật, vỏ cây, sợi gai, lưới đánh cá rách...  loại giấy này giá thành thấp, mỏng, lại chắc, viết trơn tru.  Năm 105 vua Hòa đế (79 - 105) lập tức ra lệnh cho cả nước Tàu sử dụng loại giấy này. Thái Luân được vua phong Long Đình hầu, nên giấy của ông được gọi là giấy Thái Hầu.  Quan quân nhà Đông Hán khi xâm lược nước ta hẳn đã đem giấy Thái Hầu sang dùng trong công văn giấy tờ, trong các lớp dạy chữ  Hán, nhằm đào tạo các ông quan  Giao Chỉ phục vụ bộ máy cai trị của họ, như Lý Tiến và Lý Cầm  (thời Hán Linh đế 168-189).  Khâm định Việt sử thông giám cương mục khi nói về hoạt động của các thái thú nhà Hán có viết  “nhà Hán nghe tin Trương Tân mất  ban cho Sĩ Nhiếp (4) bức tỉ thư...”. Tỉ thư là tờ công văn bằng giấy có đóng dấu ấn để làm tin, tỉ thư không thể là thẻ tre vì không đóng dấu lên đó được.

      Theo Giáo sư tiến sĩ  Jeam - Pier Drége  giám đốc Viện Viễn đông bác cổ Pháp  thì thời nhà Tấn (265- 420) nước ta không chỉ  sử dụng giấy của Tàu mang sang  mà còn  làm ra giấy mật hương . Ông  cho hay, sách “Nam phương thảo mộc” của Kê Hàm có ghi  Mật hương chỉ (tức giấy mật hương BLK chú) làm bằng vỏ và lá của thứ cây có mùi mật. Giấy màu nâu, có những vân hình trứng cá. Giấy rất thơm, bền và mềm, khi thấm mực không bị mủn.  Năm Thái khang thứ 5 (284, đời Tấn) sứ bộ La Mã dâng đến 30.000 tờ. Hoàng đế ban cho Đỗ Dự là Bình Nam tướng quân và Đan Dương hầu 10.000 tờ để viết Xuân thu thích lệ và kinh truyện tập giải dâng lên vua...”. Lễ vật  không phải đến từ đế quốc La Mã mà đến từ bán đảo Đông Dương, cụ thể  là Nhật Nam tức một phần nước ta thời nhà Hán. Lý thời Trân (1518 -1593) trong “Bản thảo cương mục” giải thích cây có mùi mật nói trên là cây trầm hương mọc ở Việt Nam và Ấn Độ.

        Như vậy, chậm nhất là vào năm 284 nước ta đã sản xuất được giấy thì không lý do gì 727 năm sau, tức mùa xuân 1010 vua Lí Thái Tổ lại viết chiếu dời đô lên thẻ tre. Nếu nhà làm phim nào đó cho vua Lí Thái Tổ ngồi giữa một đống thẻ tre như TORO nói thì  những người ấy làm lấy được cho có phim, bất chấp các sự kiện lịch sử. Tệ hại hơn, trong phim Thái sư Trần Thủ Độ do Nguyễn Mạnh Tuấn viết kịch bản, Đào Duy Phúc đạo diễn (5) lại cho bà Trần thị Dung vợ vua Lý Huệ Tông (sau đó là vợ Trần Thủ Độ) đọc sách trúc, gián tiếp nói rằng thời nhà Trần thế kỉ 13 người dân Việt còn dùng sách thẻ tre, thẻ trúc như thời cổ bên Tàu. Diễn viên Lã Thanh Huyền sắm vai Trần thị Dung chăm chú đọc sách nhưng lại xoay sách đi 90 độ. Có lẽ ông đạo diễn cho rằng  người xưa viết chữ theo chiều ngang thanh tre, mà không biết rằng  người xưa lại viết chữ theo chiều dọc. Sự thiếu hiểu biết lịch sử của các nhà làm phim dẫn đến những sai lầm ấu trĩ, vừa phản lịch sử vừa phản văn hóa. Tiếc thay!

(1)   Theo “Những ghi chép đầu tiên về nghề làm giấy ở Việt Nam qua thư tịch Trung Hoa” - Từ điển mở

(2)  Theo “Thẻ tre Ngân Tước Sơn” - Từ điển mở

(3)  Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị vào ngày 29.9.2010

(4)  Trương Tân và Sĩ Nhiếp là các viên thái thú nhà Đông Hán cai trị Giao Chỉ thời bắc thuộc lần thứ 2

(5) http://tuoitre.vn

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

THUYẾT TÁI SINH - MỘT KỊCH BẢN LÝ GIẢI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI LÀM TA SUY NGHĨ

 

                      

 

 

                

 

 

Theo Phật giáo quan niệm, mỗi con người là sản phẩm của chính mình, chúng ta hiện tại là sản phẩm do chính chúng ta tạo nhân trong quá khứ và lúc này ta đang tạo ra chính mình trong tương lai. Cuộc sống là một quá trình liên tục chỉ tạm thời gián đoạn mỗi khi thân xác vật lý biến đổi không còn phù hợp cho việc tiếp tục tồn tại và dừng hoạt động, chúng ta tạm rơi vào trạng thái không còn thân xác cho đến khi có cơ hội kết hợp đủ các yếu tố cần thiết thì một chu kỳ sống mới với thân xác mới lại bắt đầu.

Nói như vậy nhưng không phải ai cũng có thể trải nghiệm chuyện này một cách bình thường như thực hiện một công thức khoa học vật lý nào đó rồi tất cả cùng đi đến nhất trí. Có một số rất ít người trải qua quá trình tu tập hành thiền công phu đạt đến một trạng thái nhận biết hoàn toàn khác với chúng ta mới có khả năng cảm nhận rõ rệt về hiện tượng Tái Sinh mà không còn phải bàn cãi gì nữa, còn với chúng ta chứng nghiệm chuyện này vẫn là điều chưa thể bởi phương cách tiếp cận nó khác với phương cách tiếp cận các kiến thức thông thường chúng ta đã quen làm. Tuy nhiên, dù chưa có khả năng như các bậc tu hành đạt đạo nhưng suy luận về nó vẫn giúp chúng ta chiêm nghiệm thêm về một kịch bản lý giải những khúc mắc, bí ẩn khi chúng ta quan sát đời sống quanh mình. Đây không hề là sự tự huyễn hoặc để quên đi nỗi siêu buồn rằng cuộc đời này là hữu hạn, người xấu, tốt, hay, dở dù cống hiến nhiều hay ít cho cuộc đời thì cuối cùng cũng bị thần chết lôi cổ đi như nhau, bình đẳng.

Nhìn sang lĩnh vực khoa học ta thấy có sự tương tự, có những nguyên lý khoa học chỉ rất ít người có kiến thức để hiểu còn lại chúng ta cũng chỉ biết chấp nhận điều họ tuyên bố và đôi khi chúng ta phát ngôn lại như chính mình cũng biết rõ điều đó vậy. Hiểu được những khái niệm về Bigbang, về Thuyết tương đối, về Hố đen trong vũ trụ, về các hạt cấu thành vật chất đâu phải là dễ dàng cho tất cả mọi người.

A. Thuyết tái sinh có ý nghĩa gì?

1. Lý giải tại sao con người có những khác biệt như:

- Bước chân vào cuộc đời với những hoàn cảnh sống thuận lợi, khó khăn khác nhau, thể trạng, sức vóc, bệnh tật, hình hài xấu, đẹp. Phải chăng do những quán tính, động lực là tàn dư của lối sống, cách sống từ chu kỳ sống trước, và rất nhiều chu kỳ sống trước nữa đã thúc đẩy dẫn dắt mỗi số phận bước qua những cánh cổng vào đời này khác nhau.

- Tính tình mỗi người rất khác nhau dù trong cùng một môi trường giáo dục, một hoàn cảnh sống, một gia đình. Những cái “cùng chung ” ấy do số phận ta và người xung quanh có một mẫu số chung bí ẩn nào đó, còn “cái khác” lại là vấn đề riêng của mỗi người không ai giống ai. Tuy nhiên do cùng trong các điều kiện như trên mà ít nhiều họ phải chịu một số ảnh hưởng như nhau. Ví dụ: cùng là người VN, cùng con nhà giầu hoặc nghèo, cùng con nhà học hành hoặc vô học, cùng ở một vùng hẻo lánh thiệt thòi hoặc ngược lại.v.v…

- Sự thông minh và ngu dốt trong nhận thức chung rất khác nhau, Người có khiếu về toán, người tung hoành dễ dàng trong văn chương thơ phú, người thành công trong hội hoạ, âm nhạc, kẻ nhạy bén làm ăn kinh doanh.v.v... Phải chăng đây cũng là một dạng quán tính đã có từ trước bị gián đoạn dở dang bởi kiếp sống hữu hạn trước đây nay tiếp tục tận dụng quán tính này để phát huy sở trường khác nhau. Ngay trong cùng một lĩnh vực nào đó cũng mạnh yếu khác nhau kẻ thành công nhanh chóng chói sáng, người suốt đời lận đận nhì nhằng.

- Trong tranh luận với nhau sự thiện cảm hay ác cảm khi đánh giá về một chủ đề cụ thể, về một nhân vật nào đó không ai chịu ai họ bám chặt vào lý lẽ của mình rồi viện dẫn những dẫn chứng, những hiện tượng thực tế nhưng có lợi cho chính kiến của mình, họ lạnh lùng với những dẫn chứng, luận cứ của đối thủ dù biết rằng đó là sự thật và không phải không có lý.

- Một diễn viên tài năng hoá thân vào nhiều nhân vật khác nhau, tính cách khác nhau, lứa tuổi khác nhau nhuần nhuyễn, chính xác và chân thực đến mức làm cho khán giả yêu ghét hoặc thích thú chính người diễn viên như nhân vật họ đảm nhận. Liệu có phải vô vàn kiếp sống đã trôi qua trong chính con người đang làm công việc diễn xuất kia không? Và mỗi một kiếp sống anh ta là những người rất khác nhau.
Và còn nhiều điều khác nữa.

2. Thuyết tái sinh giúp con người sống lương thiện có đạo đức hơn, nhìn cuộc đời bình thản hơn, không nặng so sánh hơn thua hay tham lam hưởng thụ:

- Họ chọn lối sống đạo đức để đầu tư cho tương lai tốt hơn cho dù chuyện này có động cơ tính toán nhưng cũng giúp xã hội đỡ nhức nhối hơn, cá nhân người thực thi lối sống có đạo đức lâu dần cũng chuyển hoá lượng biến thành chất và một lúc nào đó họ thực sự trở thành lương thiện từ trong gốc rễ của mình. Tin vào nhân quả con người không dám làm điều xấu ác, đồng thời tự phán xét mình nhiều hơn đó là sự phán xét chính xác nhất. Đây là một kết quả tích cực xét từ bất cứ góc độ nào.

- Con người sống bình thản hơn không còn lo lắng về kiến thức dở dang, sự nghiệp dở dang, tài năng dở dang, không còn day dứt bởi những điều mình chưa làm được, bởi ý nguyện không thành.v.v…Tin vào tái sinh nhân quả người ta yên tâm tin rằng rốt cuộc mình cũng sẽ thực hiện được ước muốn của mình bởi sự hữu hạn kiếp sống chỉ là tạm thời. Con người không cần gấp gáp nóng vội thực hiện các mục đích lớn lao của mình.

- Sự so sánh hơn thua cũng gây bao đau khổ và tội lỗi trong cộng đồng người, thuyết tái sinh giúp giải toả điều này. Người không gặp nhiều may mắn trong đời cũng có phần nào tự an ủi, tìm cho mình lối thoát khỏi hoàn cảnh theo cách lương thiện và tin tưởng vào cơ hội tốt đẹp của mình nếu mình thực sự xứng đáng. Kẻ đang thụ hưởng quá nhiều may mắn bởi anh ta có thể được số phận đồng loạt thanh toán những nhân tốt đẹp của anh ta trước đây,… Nhưng hãy cẩn thận, mỗi con người đều có tài sản trong hai ngân hàng phước và tội và luôn phải thanh toán khi cơ hội đến, nếu lối sống hiện tại của anh ta mang nhiều dấu hiệu bất lương tức là trong khi anh ta thụ hưởng nhưng không tiếp tục đầu tư thêm vào ngân hàng phước của mình, một khi quỹ phước còm cõi kia đã cạn anh ta sẽ đối mặt với kết cục khủng khiếp, nặng nề. Ở đây sẽ có thắc mắc rằng, vậy sao nhan nhản kẻ làm điều ác sờ sờ vẫn sống ung dung yên ổn sung túc đến mãn kiếp của mình thậm chí cái chết cũng rất nhẹ nhàng trong một bệnh viện đầy tiện nghi nào đó. Họ là ai?... một kẻ tội phạm chiến tranh trốn thoát được sự trừng phạt của con người, một kẻ nhấn nút những trái bom đồng loạt cướp đi một cách đau đớn sinh mạng hàng vạn con người. thuyết tái sinh cho ta câu trả lời rằng cái kết cục tất sẽ đến và họ sẽ phải thanh toán tất cả, chỉ có điều cuộc sống liên tục bị tạm thời gián đoạn nên sẽ có một “đoạn” hoặc nhiều “đoạn” sau đó chuyện trả giá sẽ cấp tập xảy ra.

- Nêu tin vào tái sinh nhân quả và suy ngẫm về điều này người ta không thể tham lam vơ vét để làm nô lệ cho lối sống hưởng thụ quá đáng. Một nhà tỷ phú với khối tài sản khổng lồ nhưng sống một cuộc sống đạm bạc, đơn giản, dùng tài sản của mình làm từ thiện. Rất có thể đó là dấu hiệu một lối sống khôn ngoan bởi khối tài sản hoàn toàn hợp pháp kia mới chỉ là hợp pháp so với luật lệ do con người đặt ra, còn luật của trời đất liệu anh ta có dám chắc không, biết đâu thành công của anh ta trong cạnh tranh lại vô tình và gián tiếp đẩy bao nhiêu con người vào những hệ luỵ u ám kéo dài, thậm chí tuyệt vọng, hoặc sự tàn phá môi trường sống với nhiều cấp độ khác nhau.

3. Thuyết tái sinh trả lời câu hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Câu hỏi treo lơ lửng trong ý nghĩ của bao con người từ cổ kim. Cuộc sống của mỗi người không thể bỗng dưng xuất hiện, rồi vận động, vật lộn trong cuộc sống đó với những tích luỹ, trải nghiệm, cống hiến, thu lượm rồi lại bỗng dưng tan biến hoàn toàn vào hư vô, hay dở thì kết cục cũng như nhau.

4. Tái sinh giúp giải toả bi kịch lớn nhất về tâm lý của con người đó là Cái Chết. Cái Chết là cú sốc khủng khiếp nhất với tất cả mọi người, cái chết của bạn bè, của người thân thiết gần gũi và đặc biệt là của chính mình, Cái Chết luôn ám ảnh mạnh mẽ nhất, ấn tượng sâu đậm nhất là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên có hai thái độ cần tránh đó là bi kịch hoá cực độ cái chết và coi thường cái chết.

- Cái chết chỉ là sự gián đoạn tạm thời bởi thân xác vật chất đã không còn đáp ứng được việc tiếp tục tồn tại, sau khi tái sinh vào một thân xác mới nó lại vận hành một chu kỳ mới trên cơ sở kế thừa tất cả những cái đã có, đã làm, đã gây ra từ những chu kỳ sống trước đó. Nhận thức như vậy để chúng ta không rơi vào trạng thái quá tuyệt vọng, không quá đau đớn, không quá tiếc nuối níu kéo, không quá dằn vặt, oán hờn. Chúng ta hãy cố gắng nhẹ nhàng chấp nhận cái chết dù biết rằng không dễ dàng gì.

- Chết là khủng khiếp nhưng lại nhan nhản những kẻ coi thường cái chết dù họ không phải anh hùng hay có hành vi can đảm gì cũng bởi nghĩ rằng chết là hết. Một kẻ tự sát, một kẻ thích phóng xe bạt mạng trên đường, một kẻ liên tục đổ rượu vào người rồi lý lẽ cuối cùng ai chả phải chết, kẻ tiêm chích chất độc hại vào người, đặc biệt có kẻ tước đoạt mạng sống của người khác mặc dù biết trước khả năng phải trả giá rất cao gần như không thoát nhưng vẫn nhắm mắt tiến hành. Nếu nhận thức được thuyết tái sinh chưa chắc họ đã dám coi thường cái chết đến như vậy bởi chết không phải là hết, một chu trình sống rất thấp kém như một con vật có thể đang chờ họ, đó mới là viến cành ngoài sức chịu đựng của họ ngăn họ dừng lại những hành vi dại dột.

B. Thuyết tái sinh có thực không?

Để tin tưởng vào thuyết tái sinh không có nghĩa chúng ta đi tìm đọc thật nhiều câu chuyện về tái sinh với những lời khẳng định là có thực kèm theo trong đó, không cần làm như vậy, chỉ cần chúng ta liên tục suy nghĩ về kịch bản này và suy luận những vấn đề cuộc sống có những dấu hiệu liên quan phù hợp.

Chúng ta cũng không cần quá thắc mắc sao không có ai đó nhớ gì rành mạch về các chu kỳ sống trước mà mình đã trải qua, đúng là hiện tại chưa có câu trả lời này và chưa biết khi nào nó sẽ được trả lời. Theo suy luận biết đâu quá trình tiến hoá về tư duy của con người Tạo hoá đưa ra những cách giải quyết bí ẩn chẳng hạn:

- Việc biết rõ các kiếp sống trước đó làm quá phức tạp quan hệ cuộc sống ân oán, nợ nần v.v…phức tạp trong việc cư xử, giả dụ con anh bây giờ đã từng là mẹ anh ngày trước, hay như câu chuyện một người nhìn xuyên qua được các kiếp sống thấy cảnh một người đang ăn thịt một con vật trước đây là cha mình, họ cho đứa con của họ cùng ăn mà đứa con trước đây lại là kẻ thù của mình, họ đuổi một con vật đang rình mò việc ăn của họ nhưng con vật kia lại từng là con mình. Đại loại ta tạm chấp nhận có sự phức tạp ở chỗ này.

- Việc biết rõ các kiếp sống trước đó làm nhàm chán khủng khiếp cuộc sống hiện tại mà con người chưa đáng phải chịu mức hình phạt này. Thông thường chúng ta yêu cuộc sống và khát khao sống mạnh mẽ vì chúng ta dường như thấy cuộc đời này hữu hạn. Thử hỏi hàng tỷ tỷ năm trôi qua ký ức của chúng ta không bị xoá nhoà, chúng ta nhìn hoa nở, mây bay, cảnh vật dù biến đổi liên tục và ngoạn mục đến đâu vẫn khiến chúng ta cực kỳ nhàm chán, có lẽ chúng ta chỉ muốn đứng hoặc ngồi yên rồi hoá đá nếu không thể chết đi và quên tất cả đi được.

Tóm lại, trong khi chúng ta chưa tìm được lối thoát nào khả dĩ cho bi kịch cuộc sống cá nhân đó là sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta chưa thể tu tập đạt đến nhận thức cần phải giải thoát như mục đích của đạo Phật. Chúng ta chấp nhận thuyết tái sinh nhân quả để làm cho cuộc sống của chúng ta an toàn, yên vui, khi gặp những biến cố, đổ vỡ hay mất mát thất bại lớn trong đời chúng ta dễ dàng hơn trong việc lấy lại thăng bằng bởi ta tự hiểu chúng ta chính là tác giả của các biến cố đó. Thiết nghĩ những điều đó cũng xứng đáng để làm ta suy nghĩ và tiếp tục tìm thêm ý nghĩa của nó.

                                                                                                     Phạm Viết Quang

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

GIÀ ƠI ! CHÀO BẠN !

                   Phối cảnh tổng thể Apsara resort (KTS Nguyễn Quốc Tuấn)

 

             Phác thảo Trung tâm hội nghị Quốc Tế (KTS Nguyễn Quốc Tuấn)

 

Cậu con trai Bu một thời lông bông bay nhảy, nay chí thú làm ăn nuôi vợ con. Ngoài việc hành nghề thiết kế kiến trúc, cu cậu còn hợp đồng dạy vẽ cho một trường Đại học dân lập, rỗi rãi viết cho các tạp chí kiến trúc, xây dựng... hoặc tếu táo trên Facebook bằng thứ phương ngữ quê nhà.  Bu giới thiệu chuyện vui Già ơi chào bạn của nó, mời các bạn đọc chơi...

 

Tối nay, tự dưng gặp lại người bạn già, ông này 65 tuổi. Đang định viết một bài về thằng Kuông, đành gác lại, viết về ông này trước, sợ sau quên mất thì uổng. Một nhân vật lạ và hiếm hoi mà mình từng gặp trong đời. người nam rặt nhưng ông mang cốt cách của một ông già bắc bộ ròng. Thâm trầm, sâu sắc.

 Mình quen ông Tín trong quán cà fê chim ở Tao Đàn, ông là dân chơi chim kiểng nổi tiếng Sài Gòn. Có lần, nhìn thấy ông đọc Osho, mình cảm tình ngay lập tức, vì mình cũng là tín đồ của Osho. Lân la hỏi thăm. Riết thành bạn, sáng chủ nhật nào ông cũng dở cuốn sổ danh bạ bé tí to để trong hộp đựng kính, rồi nhờ người lạ bất kì bên cạnh gọi mình ra nói chuyện Osho và chim cảnh (ông không xài điện thoại)

Mụ Liêm, kém ông 31 tuổi, bỏ chồng bỏ con, lẽo đẽo đi theo ông Tín để xách mấy cái lồng. Thành bồ bịch lúc nào không hay. Mụ Liêm nặng cả tạ chứ không ít, hễ ông Tín nói về chim muông là mụ sướng rân cả người, cười tít mắt người nấc lên bần bật. Ngồi bên ông mụ Liêm lắc lư, lắc , anh kể chim "thụ phấn" ra sao đi. Ông bảo, bà thì chằm hăm có chừng đó thôi hen. Chim mà thụ phấn à? Ông quay sang đọc sách Osho. Mụ bưng phao câu ngoảy đi nựng mấy con chim. Chim, chim, chim, ăn đi, ăn đi. Lát Liêm tắm cho nha!!! Chim ngoan ! chim ngoan! Nom mụ mà nẫu cả ruột.

 Tối nay, gặp ông Tín lang thang trước cửa khách sạn Novotel, mình rủ ông vào quán càfê ngồi tâm sự chim cò, osho tí cho vui. Mới hay, mụ kia đã bỏ ông theo người khác. Mình hỏi, ở Sài Gòn, nói về chim kiểng, ông là nhất rồi, sao mụ Liêm lại bỏ ông mà đi? Ôi dào, thiên thu trôi đi trong phút chốc, mụ mê chim thằng đó hơn chim tao, Ủa! Lại có ông nào rành chim hơn bác nữa hả? ông hét lớn, thằng đó không chơi chim cảnh bao giờ... Hiểu chưa. Ngu! Mình ngậm ngùi không biết hỏi gì thêm. Trực quan sinh động kề bên, hỏi chi nữa thêm đau lòng.

.Thú thực. mình không rõ vóc dáng kẻ cuỗm tình tay trên kia thế nào. Chứ nhìn lại cái body ông Tín, thấy không trôông chi ngày súng nổ. Mụ Liêm, chắc cũng có cái lí của mụ. Ông bồ mới của mụ không chơi chim cảnh thì ...của ông chắc phải to sêm sêm đùi Lý Đức chứ chẳngchơi.Haizzzzzz!

 Cà fê với ông Tín xong mình nghĩ lan man. Mai mốt mình già đều từ trên xuống dưới, mà hai con mắt còn ráo hoảnh như chừ thì răng hè! Chắc tạo hóa không thiếu sót vậy đâu. Thượng đế nhớ dùm, đã cho tui già thì già tất tần tật nha. Chỗ héo queo, chỗ tươi tắn là không được mô đó.

 Từ ngày mụ Liêm theo người khác, ông thả chim về trời không còn một con nào, đốt sạch lồng chim. Ông bà nói đúng ghê chưa? Phụ nữ dễ có mấy tay. Cũng là chim là cò cả...sao mà nghẹn ngào, sao mà tội nghiệp ông bạn già mình quá quá! hu hu

Tối về nhà, vào Yahoo Messenger, thấy nick teen_chim add mình, cái nick lạ quá. Không hiểu teen nào mà khẳng định giới tính bằng cách đính cả chữ chim vào đít thế này. Hóa ra là ông Tín, mình paste lại đoạn chát để mọi người đọc cho vui.

teen_chim: cúc cu, chào Tuấn

Nguyen_Quoc_Tuan: cúc cù chào chim. Nhìn nick là biết có chim rồi. mình cũng có chim bạn ơi, đong lộn hàng rồi!

teen_chim: keke, rất nhiều chim, biết ai đây hông?

Nguyen_Quoc_Tuan: ai thế?

teen_chim: Tín đây, Tín chim, Tín_Liêm đây, Tín Osho đây. kekeke

Nguyen_Quoc_Tuan: Dạ chào bác Tín. Bác phát âm từ internet còn trầm trầy trầm trật mà giờ biêt chat à?

teen_chim: keke, nick bà Liêm tặng từ hồi xưa, nhớ bả quá lấy ra dùng, ai ngờ được việc mày ơi!

Nguyen_Quoc_Tuan: Bà Liêm tặng nick teen_chim á? hehe chim....của bác  giờ chạy lúp xúp như chim cánh cụt rồi, bay nhảy chi được nữa mà teen với tiếc!

teen_chim: giỡn không mày!  mấy cháu cấp ba thích lắm, đòi coi chim teen, tao gửi cho cái ảnh con yểng, xanh xanh đỏ đỏ các cháu thích lắm. kekeke, rứa mà sướng mày ơi. khen tao thú zị đó mày! Khen tao teen! kekeke

Nguyen_Quoc_Tuan đang trả lời...

teen_chim: mày chỉ tao hôn, ôm...cái coi!

Nguyen_Quoc_Tuan: Thôi bác ơi, bác chả chán chê với mụ Liêm rồi. Còn hỏi nữa!

teen_chim: không, không, làm mấy nụ hôn (:x) và ôm (>:D<) trên chát nè. Còn mụ Liêm chỉ thích chim tao nuôi thôi, còn của tao mụ chê là ...teen đó, nên mụ làm nick teen_chim này nè. kekeke

teen_chim: các cháu cứ ôm hôn mà không ôm lại được. Ở ngoài tao dở món đó thiệt, giờ trên YH mà dở nữa thì thua thiệt quá. teen mà hổng làm được gì hết trơn, mà có mất sức gì đâu mày! khỏe re à.

 Chat xong thấy tội nghiệp ông bạn già quá. Osho đâu rồi? bác ơi là bác ơi!

Nghĩ mà phục ông nào nghĩ ra ý tưởng mấy cái icon cảm xúc trên Yahoo Messenger. Quá nhân bản.

Đến cái tuổi sức tàn lực kiệt, thấy một cái icon "ôm", icon "hôn" trên chat là sung sướng lắm. Cảm xúc phơi phới như thiệt rứa. Có bết xơ lết đến mấy cũng ôm, cũng hôn, đáp lễ rõ sòng phẳng. Chơ, cái tuổi 65 ra ngoài đường mà sòng phẳng như trên chat, thì người đi đằng người, chim đi đằng chim hihihi.

Ngưng chat với ông Tín, mình tư lự đọc lui đọc tới mấy dòng của ổng. Một ông già, ngoài đời hào hoa, phong nhã thì chat cũng phải phong nhã, hào hoa cho bằng được.

Chắc là, sau khi thuộc bài "thể hiện cảm xúc online" ông lại đi gửi mấy cái ảnh chim kiểng cho các cháu cấp 3 và "ôm" "hôn" không thương tiếc trên mạng. Có khi lại thể hiện cho bõ, trả thù mụ Liêm.

Tối nay định bày đồ ra vẽ. Nghĩ đến câu nói của ông Tín mà mình nẫu ruột. "Tao giờ làm bạn với internet, chát nè, mail nè. à mày biết hông? Thằng nào nghĩ ra cái cái hộp mail hay quá xá. Có mục gửi mail cho chính mình, tối nào tao cũng ziết thư gửi cho chính tao hết trơn. Tao ziết xong, sáng mai tao đọc. Thấy đỡ buồn và hổng cô đơn đó mày"

 

Đọc tiếp ...