Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

KHÔNG ĐỀ





Cậu con trai đi Yangon  (Myanmar) thiết kế kiến trúc, đưa về tặng ba bức phù điêu bằng bạc trên nền nhung đen. Mặt trước và mặt sau không hề có bất cứ  một thứ chữ gì.  Tức là tác giả thả nổi, ai muốn hiểu là gì cũng được. Bu muốn đặt cho nó một tên gọi nhưng không biết đặt như thế nào cho hết ý nghĩa. Vũ nữ trang phục đặc Phật giáo, lại bắn cung, đạo Phật không sát sinh vậy thì làm sao nàng lại phá giới. Nhưng trên cây cung không có dây, mũi tên nàng để dưới đất và giẫm chân lên. Toàn bộ vũ nữ là sự khẳng định và phủ định, Phật giáo và không Phật giáo, sát sinh và không sát sinh…Mời bạn đặt cho cái tên, càng ngắn càng hay vậy.
----------------
 Dưới đây là lời bình của các bạn và trả lời của bu bên facebook

Van Pham, Hoàng Kim, Giao Lang và 6 người khác thích điều này.
Lâm Huỳnh Cường: Để em đặt nha thầy. "jihad"
Bu Lu Khin: Cảm ơn bạn Lâm Huỳnh Cường đã mau mắn hưởng ứng bu. jihad là từ đạo hồi có nghĩa là thánh chiến, mà "em" vũ nữ kia là phật tử cua Myanmar...hihi
Lâm Huỳnh Cường vâng.. và nghĩa gốc của nó là "jihad" (chiến đấu với chính bản thân mình).
Lâm Huỳnh Cường: Em muốn nhấn mạnh đến sự tương đồng của các tôn giáo.. vì mặc dù đây là tượng của người phật giáo tạo.. nhưng có vẻ như đang mô tả đến một thời kỳ của đất nước họ dưới thời bà-la-môn (giống như riêm-kê của người khmer).
Huutoan Nguyen: Dọa thôi! Nôm na là vậy.
Lâm Huỳnh Cường: Cái này em nhặt được trên mạng "Al-Ghazali captured the essence of Jihad when he said: "The real Jihad is the warfare against (one's own) passions. Dr. Ibrahim Abu-Rabi calls Jihad "the execution of effort against evil in the self and every manifestation of evil in society." In a way, Jihad is the Muslim's purest sacrifice: a struggle to live a perfect life and completely submit to God."
Dang Hong Ky: Vô thường
Khiem Phan Khiem: Sắc Không.
Ngọc Yến: Mình cũng nghĩ như em Khiêm vậy. Có và không. Sắc tức thị không. Không tức thị sắc. Đúng nghĩa nhà Phật.
Nguyễn thị Kim Thanh: Chỉ biết nghe ngóng, hihi
Hương Ngàn: Nói về Phật giáo, em chịu!
Lâm Huỳnh Cường: Một tên thứ hai cho đề tài "buông"
Lâm Huỳnh Cường: Thưc ra em vẫn thích tên đầu em đặt "jihad".. vì em nghĩ người vũ công (võ sĩ?) đang cưỡi trên mũi tên.. thể hiện cuộc chiến đấu chống lại chính bản thân mình đúng với tinh thần của phật "chiến thắng bản thân mình" và cũng là tinh thần "jihad" của hồi giáo
Lâm Huỳnh Cường: Em nghĩ họa tiết này làm bằng dừa rất đẹp đấy chị Nguyễn thị Kim Thanh
Nguyễn thị Kim Thanh: Khó lắm, huhu
Bu Lu Khin TRẢ LỜI BẠN CƯỜNG
1) Trong bài viết trên, bu dùng chữ vũ nữ, bạn Cường lại nói vũ công (võ Sĩ??). Chữ võ của bạn có tự dạng (còn đọc là vũ) dùng trong các từ vũ khí (武器),vũ trang (武裝) . Còn tự dạng vũ trong vũ nữ 舞女 có nghĩa là múa (Người Tàu có đến 20 chữ vũ, ở đây ta chi nói đến hai chữ này thôi)
2- Bu tui đã từng đến Yangon và xem khá nhiều buổi ca múa nghệ thuật của họ. Người ta múa đèn, múa quạt, múa kiếm và phù điêu này là mô tả một vũ nữ trong điệu múa cung. Cây cung ở đây đã được cách điệu, chỉ có thân mà không có dây, có mũi teen nhưng đặt dưới đất cho vũ nữ giẫm chân lên. Múa nghệ thuật để thể hiện đường nét thân thể, thể hiện tính thượng võ của một dân tộc trong việc bảo vệ đất nước. Vua Trần Nhân Tông được gọi là Phật Hoàng nhưng ông cũng là một anh hùng chống giặc Nguyên Mông ở thế kỉ 13.
3- jihad là một từ cực hay trong đạo Hồi, trong tiếng Ả Rập, từ jihād được dịch là thánh chiến, là bổn phận tôn giáo của người Hồi giáo. Theo đoạn tiếng Anh bạn dẫn ra thì tiến sĩ Ibrahim Abu-Rabi gọi Jihad là "thực hiện các nỗ lực chống lại cái ác trong bản thân và mọi biểu hiện của cái ác trong xã hội." Thiển nghỉ của bu là:
- Tác giả phù bức điêu không nghĩ đến thánh chiến vì ông là người Phật giáo Myanmar. Thánh chiến của người Hồi giáo
thế kỉ13 đã góp phần tàn sát đạo Phật ở Ấn Độ cho đến diệt vong. Người Phật giáo không ngưỡng mộ gì thánh chiến của người Hồi.
- Không tìm thấy chi tiết nào trong phù điêu thể hiện sự “chống lại cái ác trong bản thân và mọi cái ác trong xã hội”
Bu Lu Khin TRẢ LỜI BẠN PHAN KHIÊM
Sắc không bạn nêu ra thoạt nghe rất có lý, vì nó là một khái niệm tối quan trọng trong đạo Phật. Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh ghi lại lời Như Lai: “Này Ông Xá Lợi Phất! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế…”. Câu này cũng có nghĩa rằng “chư hành vô thường chư pháp vô ngã”. Pháp trong đạo Phật rất nhiều ý nghĩa, nghĩa cuối cùng của pháp là “những thành phần dựng lập nên thế giới hiện hữu”. Cô vũ nữ kia là pháp, ông Phan Khiêm, ông bu…là những pháp, và đều là vô ngã. Vậy gọi bức phù điêu là sắc không thì quá chung chung, không nói rõ được nội dung ngôn ngữ điêu khắc của tác giả .

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

MÀU ĐỎ QUẢ DÂU



Đường Hồ Chí Minh nhánh tây, dọc Trường Sơn (Quảng Bình)


Ngả tư giữa đường 20 và đường HCM nhánh tây. Trước mũi xe là cầu Chà Ang. (Bố Trạch Quảng Bình)


Suối Trường Sơn cắt qua đường HCM nhánh tây (Quảng Ninh, Quảng Bình)


BuLukhin hồi mới ra trường (ảnh chụp lại từ bằng tốt nghiệp Đại học) một trong hai nhân vật của hồi ức


Bulukhin tác giả bài viết


Dâu rừng ảnh mạng


Chưa đến tháng tư mà các phương tiện truyền thông đã nói nhiều về chiến dịch Hồ Chí Minh. Bu bồi hồi nhớ lại thời mới ra trường lăn lộn trên rừng Trường Sơn đảm bảo cầu đường thông suốt cho xe ra mặt trận. Mẫu hồi ức này đã đăng trên Multiply và báo Quảng Bình số tết năm 2013



Trên đường trở lại Phòng kỹ thuật công trường 15 bu lòng vui phơi phới, tự thưởng cho mình một cuộc vẫy vùng bơi lội trên dòng suối Hà Vi đẹp thâm u và huyền bí. Suối này gần một xóm nhà dân có đội Thanh niên xung phong 315 đóng quân. Nhìn lên đồi dâu rừng hấp dẫn quá, bu dấu vội chiếc xe đạp phượng hoàng vào lùm cây rồi  đi ngược lên đồi, thây kệ máy bay Mỹ ì ầm trên đầu.  Chao ôi là dâu, dâu bạt ngàn tít tắp. Cây dâu rừng không cao, chỉ lên đến ngực là cùng, quả to lắm bằng đầu ngón tay trỏ, mới nhú ra khoe màu xanh ngọc bích, dần dà chuyển sang đỏ tươi, chín mọng thâm trầm màu đỏ thẫm.  Sách Đại Nam nhất thống chí ghi “Rượu dâu: sản ở huyện Minh Chính, dùng quả dâu núi ủ thành rượu, vị ngọt, có lệ tiến”.  Lệ tiến là dâng lên vua, Minh Chính là huyện Bố Trạch Quảng Bình ngày nay, nơi có Quốc lộ 15 đi qua mà bu vừa lập chiến tích. Chỉ trong vòng mười lăm phút bu tuốt vào đầy chiếc mũ cối bọc vải xanh Tô Châu. Lại tìm một khoảnh đất có chỗ trũng để dọn tiệc ngộ nhỡ bom rơi đạn lạc mà lăn xuống. Không gì tuyệt bằng khi đang khát mà được chén dâu rừng. hihihi, ta là thảo dân, ta cũng là vua, không ai tiến thì ta tự tiến lấy. Cái vị dâu chua chua ngọt ngọt như có ma lực gọi mời, một mình làm một đại tiệc, chẳng mấy chốc mà bu xơi hết số dâu đựng trong chiếc mũ cối…

***

 Chiến tích mà bu nói đến chẳng qua là chó ngáp phải ruồi. Số là hồi đó Mỹ chuyển hướng oanh kích từ quốc lộ 12 quay sang băm nát Quốc Lộ 15 đoạn từ phà Xuân Sơn (nay là bến thuyền Phong Nha) vào trị trấn Cộn.  Không hiểu không lực Hoa Kỳ định dở chiêu gì đây. Bu được giao nhiệm vụ đi thống kê có bao nhiêu hố bom làm hỏng đường cần phải san lấp, khối lượng san lấp là bao nhiêu, có bao nhiêu quả bom nổ chậm, tất cả những gì đã thống kê phải gắn vào lý trình đường bộ. “cậu phải làm chính xác và khẩn trương trong vòng bốn ngày để tôi có số liệu  báo cáo lên ban chỉ huy công trường trong cuộc họp bàn công tác bố trí quân cán trên toàn tuyến 15 sắp tới”. Đấy là mệnh lệnh của đồng chí trưởng phòng kỹ thuật kiêm bí thư chi bộ. Năm mươi cây số chi chít hố bom và bom nổ chậm mà thống kê trong vòng bốn ngày thì chỉ có phép lạ mới làm được. Thực ra, đồng chí trưởng phòng đang thực thi nghị quyết của chi bộ nhận định về một số cán bộ kỹ thuật trẻ không mấy nhiệt tình phấn đấu đứng vào hàng ngũ của đảng. Riêng bu chi bộ phê thêm, “anh này sặc mùi tiểu tư sản, nghe đâu học hành giỏi giang nhưng chỉ là lý thuyết suông, mới ra khỏi giảng đường đại học non tháng, kiến thức chiến tranh là dê rô, bởi vậy cần phải theo dõi và thử thách nhiều”. Thế nhưng chỉ có ba ngày là bu làm xong công việc. "Phép lạ" của bu là đi đến địa phương nào cũng trình giấy giới thiệu (do phòng hành chính cấp) cho người có trách nhiệm của địa phương đó. Thấy cậu bé thư sinh mà là kỹ sư cầu đường thì họ thương và nể, các cô choai choai càng nể tợn. Hóa ra khi bom nổ hoặc bom chưa nổ thì dân quân tự vệ nơi đó đã theo dõi, ghi sơ đồ, và cắm biển báo hiệu hẳn hoi. Bu chỉ việc xin ghi lại và thẩm tra những nơi thấy cần thiết.

 ***

Đúng là tham của rừng rưng nước mắt, đại tiệc dâu vừa xong thì bu thấy trong đầu ong ong, cả đồi dâu như chếnh choáng, cây cối ngả nghiêng, núi đồi lảo đảo. Bu lấy cặp tài liệu gối lên đầu và nằm lăn ra đất, chẳng còn biết trời trăng gì nữa… Không! Bu đang đi cạnh bờ suối Hà Vi thâm u và huyền bí, hai bàn chân không bén đất, mà lướt thướt trên đọt cây dâu rừng. Và kìa, nước suối Hà Vi dâng cao, bu chạy ngược lên đồi nhưng nước cứ đuổi theo mãi, mà lạ, càng chạy nhanh càng không thấy mình dịch chuyển được bao xa. Hoảng quá bu trèo lên một cây cao, nhưng các cành cây đầy rắn rết, chúng nó cũng chạy nước để được sống. Bu đành nhảy tùm xuống nước muốn ra sao thì ra, may sao vớ được một khúc gỗ đang trôi về phía cầu Hà Vi. Bu rùng mình vì lạnh, miệng ú ớ và vùng dậy. Quái lạ, mặt mũi tóc tai bu ướt sũng những nước là nước.  trước mặt bu nhập nhòa bóng người con gái mặc đồng phục “Ba sẵn sàng” màu cỏ úa. Nàng ngồi đó, tóc dài chấm đất, tay cầm chiếc khăn bông cũng màu cỏ úa ướt đẫm nước. “A! người này vắt nước lên mặt mũi mình đây”, bu nghĩ thế, và chưa kịp nói lời cảm ơn thì cô gái đưa bu một nắm lá tươi, nói như ra lệnh, anh nhai và và nuốt ngay nắm lá này vào… Bu ngoan ngoãn làm theo, vài phút sau thấy những gì trong bụng cứ bò dần lên cổ họng, vừa chạy khỏi chỗ nằm được vài bước thì nôn thốc nôn tháo. Sợ quá, dâu rừng nhào ra đỏ như vệt máu loang, được cái thấy người như nhẹ hẳn ra. Và sau khi ngấu nghiến hết veo ba bánh lương khô cao cấp A72,  uống vài ngụm nước có hòa mấy viên tăng lực của cô gái trao cho, bu mới hoàn hồn trở lại.

***

Cô gái “Ba sẵn sàng” bảo đã nhiều người say dâu rừng rồi, bụng đang đói mà ăn quá nhiều dâu vào là say. Em đang giặt dưới suối thấy có người giấu xe đạp vào bụi rồi đi lên đồi dâu mãi không thấy xuống là biết có chuyện rồi. Chị Hải ngoài Móng Cái mà biết chuyện anh say tít mù thế  này chắc lo lắm đây. Bu ngờ ngợ, sao con người trên trời rơi xuống này lại biết chị Hải ngoài Móng Cái?  Anh ngạc nhiên lắm sao? Em còn biết cả chuyện chị ấy đã từng hát cho các chiến sĩ cao xạ pháo ngoài ấy nghe bài Quảng Bình quê ta ơi nữa kia, vừa hát vừa khóc nức nở, người ta hỏi tại sao thế, chi ấy bảo, người yêu em đang chiến đấu trong tuyến lửa Quảng Bình… Thì có gì mà lạ, do anh quay đi trở lại nhiều lần, chiếc cặp ba dây anh làm gối tung ra, gió làm giấy tờ trong cặp bay tung tóe, em đã nhặt lại, sắp xếp ngăn nắp hộ anh, trong đó có lá thư chị Hải… Bu bảo, tôi cảm ơn cô lắm lắm, nhưng riêng vụ đọc thư thì tôi phải kiện cô ra tòa. Cô gái hồn nhiên, anh kiện thì em đi hầu, và thế này, anh trả lời được một câu hỏi của em thì em chịu hầu kiện, còn nếu không thì thôi. Cô hỏi đi, tôi sẵn sàng trả lời. Vậy anh nói em nghe, tại sao quả dâu có màu đỏ. Ơ hay! Thiên nhiên tạo hóa sinh ra thế thì tôi biết làm sao được, vậy thì cô có giải thích được tại sao không?

***

Cô gái kể với nụ cười không tắt trên môi. Ngày xửa ngày xưa quả dâu chín vẫn xanh, nó chỉ đỏ khi một đôi trai gái vùng này yêu nhau mà không đến với nhau được. Chàng trai con nhà quyền quý, giàu có, chữ nghĩa đầy mình. Cô gái tuy xinh đẹp nhưng nhà nghèo. Bố mẹ chàng trai kiên quyết không chọn cô gái nhà nghèo kia về làm con dâu. Bị bố mẹ ngăn cấm, nhưng hai người vẫn lén lút hẹn hò gặp gỡ nhau bên suối Hà Vi dưới chân đồi dâu này. Một hôm cô gái ra ngồi đợi người yêu ở mô đá to đùng bên suối mà chúng ta nhìn thấy kia. Đợi mãi, đợi mãi, vẫn chưa thấy người yêu đến. Bỗng nhiên một con hổ xuất hiện trước mặt, cô gái vùng chạy vào rừng dâu, hổ đuổi sát nút, cô gái cởi khăn ra ném vào mặt hổ. Con vật  theo bản năng, ngoạm lấy tấm khăn và giằng xé rách vụn. Cô gái chạy thoát thân…Bấy giờ cũng là lúc chàng trai đến chỗ hẹn người yêu, không thấy nàng đâu, chàng bổ đi tìm. Một lúc sau chàng phát hiện ra dấu chân hổ và nhặt được tấm khăn mà người yêu vẫn bịt mặt để dấu mọi người mỗi lần đến chỗ hẹn. Chàng bật khóc khi thấy tấm khăn đầm đìa máu đỏ, nghĩ là nàng đã bị hổ ăn thịt rồi. Thực ra đấy là máu con mồi còn dính vào miệng hổ mà nó vừa săn được trước đó chưa lâu. Chàng trai đau xót khôn cùng, trở lại chỗ hẹn và rút kiếm ra đâm vào ngực ... Cô gái thoát chết, trở lại chỗ hẹn thì ôi thôi chàng đã tắt thở. Nàng buồn rầu rút kiếm ra khỏi ngực chàng trai và cắm sâu vào trái tim mình để mong được gặp chàng ở một thế giới khác.  Máu hai người đã lần lượt phun ra ướt đẫm những quả dâu, biến chúng đang xanh  hóa thành đỏ. Thế rồi hết mùa này sang mùa khác, giống dâu có quả màu đỏ ấy lan tràn khắp cả vùng đồi mà anh và em nhìn thấy đó.

***

Câu chuyện làm bu bàng hoàng mặc dù không tin là có thật, và chưa biết phản ứng ra sao thì cô gái chỉ lên trời bảo, bây giờ nơi đây không còn hổ nữa mà trên trời kia, lũ con ma và thần sấm Hoa Kỳ đang gieo rắc cái chết. Anh xem, ba chiếc thần sấm đang kiến lập vòng tròn sát thủ, chúng ta ngồi ở tâm cái vòng tròn ấy đấy. Bu bảo, mục tiêu bọn này chắc chắn là cầu Hà Vi. Cô gái đế thêm, cầu Hà vi và những con người giữ cho chiếc cầu ấy thông xe ngày đêm…Bỗng cô gái nói to,  kìa một chiếc đang lấy độ cao, bu đảo mắt nhìn theo ngón tay cô gái chỉ, đột nhiên cô thét lên, nằm xu… uống …xuống, rồi xô mạnh bu vào chỗ đất trũng và nằm đè lên. Chao ôi, ta là nam nhi thân dài vai rộng, ai lại để một cô gái chân yếu tay mềm che chở thế này. Bu nổ lực vùng vẫy, cô gái dùng hết sức ấn đầu bu xuống, nói trong hơi thở, anh Toàn, anh rất cần cho cuộc chiến này, anh không được chết, hiểu chưa nào…Bỗng cả đồi dâu rùng rùng như động đất, tiếng gầm rú xé nát bầu trời, hai tiếng nổ liên tiếp xé tai. Mấy giây sau, đất đá rơi xuống chỗ hai đứa nằm nghe lộp độp, bu nhoài người xem cô gái có bị đất đá gây thương tích gì không. Cô hét vào tai bu, mới một chiếc cắt bom, còn hai chiếc nữa …Em không làm sao đâu. Sáu lần đất rung chuyển, sáu lần bom nổ, đúng như cô gái dự đoán…Rồi ba chiếc con ma cũng bay về phía biển. Cô gái thảng thốt, thôi chết rồi, xóm nhà dân đang cháy, đơn vị 315 của em không biết có làm sao không. Em phải về đây, bu nắm tay cô giữ lại như một phản ứng vô thức, nàng nói hẹn gặp lại anh, rồi vụt chạy như một cơn lốc về phía lửa khói nghi ngút bên kia suối. Bu quay lại chỗ bị say dâu rừng lấy cặp tài liệu và nhặt được chiếc khăn bông xanh màu cỏ úa của cô gái dùng để đắp nước lên mặt bu. Ở một góc khăn có chữ Na thêu chỉ đỏ. Na,  hẳn là tên cô gái Ba sẵn sàng, nàng vụt hiện rồi vụt biến trước bu như một tia chớp. Na..Na… thế nào anh cũng phải gặp lại được em

***

Cuộc sống thời chiến rày đây mai đó. Sau chuyến đi công tác nhớ đời ấy, bu được tổ chức ty giao thông điều lên công trường 12. Chỗ ở mới của bu là bản Lằng khằng thuộc tỉnh Khăm Muộn nước Lào. Nhiều năm sau, gặp ai ở công trường 15 cũ bu đều hỏi thăm về đơn vị 315 với người con gái có tên là Na. Mỗi người nói một cách. Người này bảo đơn vị 315 có cô giáo dạy bổ túc văn hóa tên là Nga đã hy sinh trong trận Mỹ thả bom bi. Người khác kể, đơn vị 315 có một cô giáo dạy văn hóa, không rõ tên gì, trước giải phóng lấy một anh cán bộ kỹ thuật trung cấp quê Thanh Hóa, cô ấy phải rời đơn vị về quê chồng vì đang nuôi con nhỏ.  Với bu, một khi quả dâu rừng còn màu đỏ, nước suối Hà Vi còn mải miết về xuôi, thì Na vẫn sống hoài trong kí ức một thời đạn bom vậy.

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

NGỖNG và NGHỀ NGỖNG


Bu ở núi đá Thiền Viện Chân Nguyên, Vũng Tàu

Bu và con gái Ngọc Tú


Ở blogspot, bác Vũ Nho có bài “ĐẦU XUÂN ĐỌC VỀ LOÀI DÊ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM” rất lý thú.  Khi nói về kinh nghiệm chăn nuôi phù hợp với năng lực hoàn cảnh, bài viết có dẫn ra câu:  “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng”.  Bác Vũ Nho nhận xét “Người Việt mình hay nói "nghề ngỗng" (để chỉ nghề thôi). Bây giờ lại có chuyện "không nghề nuôi ngỗng". Giải thích cho được ý nghĩa của câu tục ngữ này cũng không dễ!

*****

Bác tiến sĩ Vũ Nho có thâm niên mấy chục năm dạy văn chương ở Đại học mà bảo không dễ thì rõ ràng là khó, rất khó nữa đằng khác . Anh dân lục lộ - bu tui dám bàn “giàu  nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng”  kể như liều. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, chỗ nào sai sót xin bác Vũ Nho và bạn bè chỉ giáo cho vậy.
   Nhà giàu lắm của nhiều tiền sợ mất cắp thì phải nuôi chó giữ nhà không có chi lạ. Anh nghèo khó  nuôi dê là khôn ngoan. “Nuôi dê rất dễ, không tốn kém, không cần chuồng trại, các vùng núi chỉ cần thả dê sống trên núi đồi mà không tốn thực phẩm. Với giá bán cao, dê hiện là gia súc được nhiều hộ nông dân nuôi để xóa đói, giảm nghèo”(1). Câu “không nghề nuôi ngỗng” có ý chê bai người lêu lổng, ăn bám người khác, không chịu làm một nghề gì. Nhưng tại sao không nói không nghề nuôi thỏ, nuôi vịt…mà lại nuôi ngỗng. Vì trong dân gian vẫn có câu cửa miệng “anh này lông bông chẳng nghề ngỗng gì”. Đấy như là một dạng chơi chữ, nhằm gây cười, chứ thực ra nuôi ngỗng là một nghề nghiêm túc có từ lâu đời:
 “ngỗng được thuần hóa và chăn nuôi như một loại gia cầm để lấy thịt, trứng và lông, ngoài ra người ta còn nuôi chúng để giữ nhà, canh gác khá hiệu quả”(2). Chính ông Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn sau khi nghỉ việc đã lập trang trại nuôi  ngỗng trời khá hiệu quả (3). Rõ ràng anh lêu têu, siêng ăn nhác làm, thì khó mà làm nghề nuôi ngỗng cho tử tế  như người nông dân lam lũ và ngài Phó thủ tướng kia được.
      Theo sách TÌM HIỂU TIẾNG VIỆT LỊCH SỬ (4) thì tiếng Việt có những yếu tố mất nghĩa trong từ song tiết. Những từ này thường nằm trong tổ hợp song tiết đẳng lập với hai yếu tố lúc đầu vốn là đồng nghĩa. Sau này do một yếu tố mang tính trội hơn có khả năng biểu thị ý ngĩa của toàn tổ hợp nên yếu tố kia bị mất nghĩa hoàn toàn. Yếu tố mất nghĩa này trước kia vốn được sử dụng độc lập. Ví dụ hỏi han thì han trước kia vẫn được dùng với ý nghĩa là hỏi, chẳng hạn trong truyện Kiều. Câu 925 “Trước xe lơi lã han chào” và câu 3029 “Hai em hỏi trước han sau”. Trong Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi (5), bài số 18 có câu  “Chẳng âu ngặt chẳng âu già”, âu tức là lo, như ta vẫn nói lo âu. Và bài số 176 có câu “Cây kia toan đắn lại toan đo”,  thì đắn xưa cũng được dùng với nghĩa tính toán chiều dài chiều rộng. “Ta cũng có thể giải thích nghĩa của những yếu tố này bằng cách tìm hiểu từ nguyên của chúng. Ví dụ trong chợ búa thì búa là từ gốc Tày có nghĩa là chợ, trong súng ống thì súng là từ gốc Hán còn ống là từ gốc Tày có nghĩa là súng, trong chó má thì là từ gốc Tày có nghĩa là chó, trong xống áo thì xống là từ gốc Tày có nghĩa là quần, trong ngăn nắp thì nắp là từ gốc Môn - Khme có nghĩa là trật tự, trong ăn nhằm thì nhằm là từ gốc Môn - Khme có nghĩa là ăn, trong chim chóc  thì chóc là từ gốc Tày có nghĩa là chim, trong khô khốc thì khốc là từ gốc Môn - Khme có nghĩa là khô …”(6).
      Qua một loạt từ song tiết đã dẫn ra trên, bu tui có cơ sở để nói rằng trong nghề ngỗng thì nghề là từ gốc Hán (do chữ nghệ biến thể ra) còn ngỗng cũng là từ chỉ nghề, không phải để chỉ vật nuôi. Và như vậy chữ ngỗng trong nghề ngỗng phải là dấu hỏi chứ không thể là dấu ngã như khi ta viết ngỗng là con vật. Cái khó nữa là không biết ngổng (nghề ngổng) thuộc từ gốc Hán, gốc Tày, hay gốc Khme. Từ nga () trong chữ Hán là ngan hoặc ngỗng, vậy thì có thể nga dần dà biến thể ra ngỗng (vật nuôi) chăng.
   Và sau những gì đã nói làm xuất hiện câu hỏi là  ngổng trong nghề ngổng và ngỗng chỉ vật nuôi thì từ nào có trước, từ nào có sau trong lịch sử phát triển tiếng Việt. Vụ này kính nhờ  các bậc thức giả chỉ giáo cho, dân lục lộ là bu tui đây đang bó tay chấm com… hihi

*****


 (1) báo điện tử :  bariavungtau.com.vn
 (2) Theo :  vi.wikipedia.org
 (3) Báo điện tử : vtc.vn
 (4) Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử của Nguyễn Ngọc San. Nxb Đại học sư phạm 2003.
(5) Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, Nxb Văn học 2014
(6) Trang 197 sách Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử (chú thích 4)
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

HẦU CHUYỆN BÁC BOBI



Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới của Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, nxb Đà Nẵng 1997


Con dấu của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, có bụi trúc ở giữa


Đồng 50 xu của chính phủ VNCH thời tổng thống Ngô Đình Diệm có hình cây trúc (ảnh của PNH)


Sau một thời gian im hơi lặng tiếng bổng nhiên bác BOBI “tái xuất giang hồ” và đọc khá kỹ bài TẢN MẠN TRE của bu. Bác có nhận xét  khá dài, với câu cuối cùng: “BOBI tôi có vài suy nghĩ và thắc mắc như vậy mong bu tiên sinh chỉ giáo”.  Bu tui tóm tắt cái“thắc  mắc như vậy” của bác BOBI như sau:
I- Câu “vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã hư tâm” đối không chuẩn. Vị () là phó từ có nghĩa “chưa” không thể đối với đáo () là động từ có nghĩa đến. Xuất () là động từ chỉ sự xuất hiện, không thể đối với lăng () là tính từ chỉ sự cao vút. Như vậy đây không phải là câu đối  mà là 2 câu thơ  vịnh tre trúc.
II- Nếu ví tre trúc như người, thì hai câu thơ trên đã đánh giá rất thấp tính cách con người, bên ngoài có vẻ cứng cáp nhưng thực chất lòng rổng không. BOBI Chưa hình dung ra được tại sao “những mắt tre trúc lại là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết lí sâu xa.” Tài liệu nào nói ông Ngô Đình Diệm treo câu đối trên ở đầu giường ngủ.
      Bu tui xin hầu chuyện bác BOBI theo từng mục trên:
I -  Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ, và luật bằng trắc cân xứng với nhau . Có ba loại câu đối:
1) Câu tiểu đối là những câu 4 chữ trở xuống
2)  Câu đối phú là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú
3)  Câu đối thơ là những câu làm theo thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Những câu này phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu “thực” hoặc hai câu “luận” trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thơ thất ngôn. (1)
   Về hình thức đối thì có  “công đối” và “khoan đối”. “Công đối” là đối chỉnh, “khoan đối” là đối không chỉnh. Yêu cầu đối chỉnh được đặt ra nghiêm ngặt trong thi cử và trong thù ứng, còn thông thường thì người ta đối linh hoạt, chấp nhận cả hai (2).
    Bu tui cho rằng, câu “Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã hư tâm” có hình thức khoan đối (đối không chỉnh). Tuy các từ không đối nhau thật chỉnh, nhưng đối ý vẫn đạt được. Vị xuất thổ thời (chưa nhú lên khỏi mặt đất)  đối với đáo lăng vân xứ (vươn cao chạm đến mây trời). Tiên hữu tiết (thoạt đầu đã có đốt) đối với dã hư tâm  (vốn dĩ ruột trống không). Thưởng thức câu đối và thơ Đường mà không chấp nhận hình thức khoan đối và một số lỗi cá biệt thì có lẽ phải đưa bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu ra khỏi sách “Những nền văn minh thế giới”.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Con chim hạc màu vàng (động vật) không đối được với áng mây màu trắng (hiện tượng thiên nhiên). Tiếp theo nên “xóa sổ” bài Đèo Ba Dội của bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân  Hương. Câu “Một đèo, một đèo lại một đèo”. Không theo luật  “ nhị, tứ, lục, phân minh”, đúng ra  chữ đèo thứ 4 phải trắc, chữ một thứ 6 phải bằng. Cuối cùng bỏ luôn bài thơ “Độc Tiểu Thanh Kí” của Đại thi hào Nguyễn Du do thất niêm hai câu cuối.
Bất tri tam bách dư niên hậu       (câu 7)
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như    (câu 8)
Đúng ra chữ “tri” phải trắc để niêm với chữ “vận” của câu 6 ở trên,  chữ “hạ” phải bằng để niêm với chữ  “hồ” câu 1 (3).
    Bác BOBI cho rằng :  Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết. Đáo lăng vân xứ dã hư tâm  là hai câu thơ vịnh tre trúc  chứ không phải hai câu đối.  Xin thưa, hai câu trên chính là hai câu đối thơ  như mục 3 đã nói. Nó thỏa mãn “nhị, tứ, lục, phân, minh”, không “công đối” nhưng đã “khoan đối”. Nó thỏa mãn yêu cầu “thực” hoặc “luận” của thơ thất ngôn bát cú.  Nhưng đã là “thực” hoặc “luận” thì đương nhiên nó có thể là hai trong số 8 câu của một bài thơ bát cú. Tiếc là chưa ai tìm ra bài thơ nào có hai câu đó, chỉ biết rằng các trang mạng, cũng như các trang giấy vẫn gọi nó là câu đối nói về cây tre.
II- Bác BOBI viết “Nếu ví tre trúc như người thì BOBI tôi nghĩ rằng hai câu thơ trên đã đánh giá rất thấp tính cách con người: Trông bên ngoài có vẻ đẹp đẽ cứng cáp (vì nhiều mắt, nhiều đốt), nhưng thực chất là trong lòng rỗng không”.
Đấy là bác BOBI nhìn cây tre với  kích thước hình học và kết cấu vật lý. Riêng bu tui cùng nhiều trang mạng, trang giấy, khác xem Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết. Đáo lăng vân xứ dã hư tâm là một cây tre biểu tượng văn hóa nhằm ngợi ca ý chí phấn đấu và sự tu tĩnh của con người. Khi chưa vào đời (vị xuất thổ thời) đã có tư chất (tiên hữu tiết) khi trưởng thành (đáo lăng vân xứ) không tích cóp cho triêng mình (dã hư tâm). Trong vanthekt.bogspot.com Sói Đồng Hoang viết “một tài liệu có ghi đó là đôi câu đối được ông Ngô Đình Diệm khảm trai và treo ngay đầu giường ngủ của mình”. Vanthekt. blogspot.com còn cho biết  “Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, tất cả các khuôn dấu của cơ quan chính quyền, kể cả khuôn dấu của tổng thống đều có hình bụi trúc ”(4)
      Khi viết TẢN MẠN TRE, bu tui có tham khảo mục  “TRE” của sách TỪ ĐIỂN BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA THẾ GIỚI (5). Trang 946 viết : “Cũng không nên quên sức gợi của tiếng tre kẻo kẹt, một vài bậc hiền minh coi là tiếng hiệu của sự thông tuệ”. Bác BOBI thấy không, hai thân tre cọ vào nhau phát ra tiếng của sự thông tuệ thì  “Mắt tre được cho là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết lí sâu xa” là hệ quả tất yếu mà thôi.  “Biểu tượng văn hóa là chị em sinh đôi của lí trí, nguồn cảm hứng cho các khám phá và cho tiến bộ. Uy tín ấy có được phần lớn là do các hư cấu viễn tưởng có giá trị tiên báo mà khoa học dần dần đã xác minh…” (6). Với cách nhìn biểu tượng văn hóa thì người Pigmée ở vùng Ituri Trung Phi, cho rằng Thượng Đế Arebati  có ba vật báu là sấm, chớp và con tắc kè hoa. Con vật sáng thế này đã sáng tạo ra loài người cho nên được sùng kính (tr 853). Dân Hy Lạp xem ruồi là con vật thiêng, có liên quan với một số danh xưng của Zeus (7)và Apollon (8)(tr 785). Hai thông tin này hẳn giúp bác BOBI không quá xa lạ với biểu tượng văn hóa của cây tre mà bu tui đã đề cập tới.


******


(1) Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm nxb Đồng Tháp 1983.  Trong thơ bát cú thì thực là câu 3 và câu 4, luận là câu 5 và câu 6.
(2) Thi Pháp thơ Đường của Nguyễn thị Bích Hải nxb Thuận Hóa 1995. Về hai câu thơ của Thôi Hiệu bà Bích Hải nhận xét “đối không chỉnh nhưng vẫn  rất là hay”trang 182.
(3) Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du:
Tây hồ hoa uyển tẩn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận  kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Chữ hồ thứ 2 của câu đầu vần bằng nên bài thơ này thuộc luật bằng. Để cho đúng niêm toàn bài thì thì chữ tri câu 7 phải vần trắc để niêm với chữ vận ở câu 6, chữ hạ câu 8 phải  vần bằng để niêm với chữ hồ trong câu 1
(4) Xem hình ảnh ở đầu bài
(5) Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới (Huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, Dạng thể, các hình, màu sắc, con số) của Jean Chevalier, Alain Gheerbrant nxb Đà Nẵng 1997
(6) Trích lời mở đầu của Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới.
(7) Vị thần tối cao trong tôn giáo tiền Ấn Âu
(8) Vị thần Hy Lạp cổ đại
Đọc tiếp ...