Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

KINH VỆ ĐÀ SỐ 7

 

 

 

 

 

Nếu bỏ công tìm hiểu thì bạn sẽ biết được VỆ ĐÀ là bộ kinh tối cổ của người Ấn Độ. Nó là cội nguồn của Ấn Độ giáo,  Phật giáo, Thiên chúa giáo,  Hồi giáo ...Vệ Đà (từ gốc vid, -  hiểu biết) là hợp thành kiến thức của xã hội Ấn Độ được truyền khẩu từ 5000 năm đến 1500 năm trước CN,  bao gồm những bài thánh ca, kinh cầu nguyện, nghi lễ tế thần,  ma thuật, thơ ca về thiên nhiên tuyệt đẹp...Thế nhưng  nội dung KINH VỆ ĐÀ SỐ 7 nói gì thì Bu đang chịu, chưa tìm ra, bạn nào biết thì chỉ bảo cho anh chồng khốn khổ trong câu chuyện Bu vừa được nghe kể dưới đây.

 

Chuyện xảy ra ở một đất nước Hồi giáo nọ.

Có một anh chàng mạnh khỏe đẹp trai nhưng hơi bị cù lần, thế nhưng mèo mù vớ cá rán, chàng cưới được một cô vợ vừa xinh đẹp, laị vừa thông minh, phải cái hơi lẳng lơ đa tình. Chưa đến nỗi bỏ nhà ra đi vì luật Hồi giáo rất khắt khe với phụ nữ, nhưng cô nàng đã nhiều phen ngoại  tình. Anh chồng biết chắc điều đó nhưng chưa có bằng chứng hai năm rõ mười nên chưa làm gì được. Thế rồi ai đó tư vấn cho anh phải tìm học thuộc kinh Vệ Đà số 7 mới khép cô vợ không thủy chung kia vào khuôn phép được. Vậy là một liều ba bảy cũng liều, anh chồng khăn gói bỏ nhà ra đi tìm kinh Vệ Đà số 7.  Đã vượt qua không biết bao nhiều núi sông với bấy nhiêu đường đất, nhưng chàng vẫn chưa tìm được bảo bối cần tìm. Một hôm chàng  gặp một đám đàn bà đang giặt giũ bên giếng, liền lân la làm quen để hỏi về kinh Vệ Đà số 7. Một bà phốp pháp ra dáng đại ca của cả đám cật vấn chàng về lý do đi tìm học kinh Vệ Đà số 7, chàng thành thật kể hết sự tình. Nghe xong bà ta bảo, anh về làng ở với chúng tôi, chúng tôi sẽ dạy anh cái kinh rất mực thiêng liêng ấy. Anh vui vẻ nghe theo, và từ đó anh thành một dân quê thực thụ, các bà dạy anh cày cấy, làm các công việc đồng áng, lại dạy anh cách cãi vã đánh lộn... nghĩa là tất tật mọi thói ranh ma của người đời.  Đến một ngày kia anh quay về nhà, phải lúc người vợ đi vắng, trong anh lại bùng lên cơn giận vì biết chắc người vợ lại đi tòm tem. Cô em vợ biết được sự thể, đi mật báo với chị, cô chị nói nhỏ với em cứ về gặp anh rể làm thế này, thế này...Đêm đó cô em vào nằm cùng giường với anh rể. Vì có mạng che mặt nên chàng ta cứ nghĩ đấy là vợ mình. Nghỉ gần nghỉ xa, cơn giận lại bùng lên, anh cầm dao chém bay vèo mũi “vợ”. Cô em hoảng quá, ôm mũi chạy đi tìm chị khóc lóc kể lại sự tình. Người chị nghe xong tỉnh như sáo, ung dung về nhà, không gặp chồng ngay mà quỳ trước bàn thờ khấn to: “....nếu con quả thật không chung thủy với chồng con thì xin người cứ trừng phạt, còn nếu con bị oan uổng thì xin người hãy ban phép cho mũi con trở lại như xưa...” Anh chồng nghe chưa hết câu đã chạy đến giật phăng tấm mạng che mặt, và sững sờ thấy mũi vợ vẫn đẹp như xưa. Đến lượt anh quỳ thụp xuống bên cạnh vợ, nức nở nói lời xin lỗi, và thề nguyền từ nay đến suốt đời tin vợ, không dám nghi ngờ gì nữa.

Cho đến nay vợ chồng chàng trai nọ vẫn ở bên nhau, đêm đêm anh chồng vắt tay qua trán nghỉ về kinh Vệ Đà số 7 và không hiểu nó thực ra là gì. Hihihi!!      

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

ĐÔI ĐIỀU TÂM ĐẮC VỚI THIỀN SƯ THÍCH THANH TỪ

 

 

 

                      Bulukhin trước cổng Thiền Viện Thường Chiếu

 

                    Bu và bà xã bên cạnh Thiền sư Thích Thanh Từ (tháng 5.2010)

 

 

 

Bạn ST, một Phật tử chí thành đã hai lần hỏi Bu, đại ý : Sau khi đọc xong số sách của Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ tặng, chú tâm đắc điều gì nhất, nói cho cháu nghe với?  Nay Bu nói đôi điều với ST trên entry này để những bạn đã từng đối thoại, đã từng đọc các trước tác của thầy Thích Thanh Từ (hoặc những sách Phật giáo khác) cho thêm những lời chỉ giáo.

 

A - Số sách của thầy Thanh Từ tặng Bu trong dịp Bu diện kiến thầy ở Thiền Viện Thường Chiếu (Long Thành Đồng Nai) tháng 5 vừa rồi, gồm:

 

1- Tam quy ngũ giới

2-  Hoa sen trong bùn

3- Tam độc

4- Tội phước nghiệp báo

5- Mê tín chánh tín

6- Tu là dừng chuyển và sạch nghiệp

7- Tu trước khổ sau vui

8- Bát nhã tâm kinh giảng giải,

9- Tại sao tôi tu theo đạo Phật

10 - Tại sao tôi tu thiền

11- Tại sao tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần.

 

B- Những điều tâm đắc

Với Bu Tâm đắc là tâm trạng vui thích, thỏa chí, khi tiếp xúc với một người hay đọc  một quyển sách... Trong trường hợp này là những câu chữ mà thầy Thanh Từ viết ra đúng như Bu băn khoăn nhưng chưa có ai giải đáp cho. Thầy đã nói ra một cách thẳng thắn, như thầy nghĩ, chứ không theo một giáo án có sẵn. Chẳng hạn trong “TẠI SAO TÔI TU THIỀN” thầy viết: “Sau khi xuất gia tôi học được sử Phật và kinh, Luận, thấy rõ Thái tử Tất Đạt Đa (Siddattha) xuất gia tu thiền được giác ngộ thành Phật, các Kinh, Luận hầu hết đều dạy tu thiền, tại sao Sư Ông và Thầy tôi lại dạy tu tịnh độ? Đây là một nghi vấn khiến tôi phải suy nghỉ nhiều. Lần lượt học thêm Kinh, Luận, tôi hiểu rõ hơn lời Phật Tổ dạy, Pháp tu thiền đã đủ sức thuyết phục tôi. Trong khi Tăng sĩ Việt Nam đại đa số tu tịnh độ, tại sao tôi chọn pháp tu thiền? Hẳn phải có lý do thôi thúc tôi”.  Suy nghĩ của thầy Thanh Từ về pháp tu tịnh độ còn thể hiện trong sách “TẠI SAO TÔI CHỦ TRƯƠNG KHÔI PHỤC PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN” ở trang 72, 73 thầy viết: “Đời Trần tuy lấy Thiền tông làm chủ đạo truyền bá, song cũng có Tịnh độ đồng thời hoạt động. Tịnh độ có sự Tịnh độ và lý Tịnh độ. Về sự Tịnh độ phải tin có cõi Cực Lạc ở phương Tây, Đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi này. Nếu người chí thành niệm Phật và tha thiết cầu sanh về cõi Cực Lạc khi lâm chung được Phật Di Đà đón về Cực Lạc. Về lí Tịnh độ là “Tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh độ” hay “Tâm Tịnh độ tịnh”. Tức là tâm mình thanh tịnh là tịnh độ, tánh mình sáng suốt là Phật Di Đà. Tổ Trúc Lâm nói: “...Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tánh sáng soi, Mựa phải tìm về Cực Lạc. - Phú Cư trần Lạc Đạo , hồi thứ hai)

       Thiền tông  thừa nhận lý Tịnh độ, không thừa nhận sự Tịnh độ” .

Nhận định về đường lối tu của Phật giáo Việt Nam thầy  Thanh Từ viết “Là tu sĩ Phật giáo Việt Nam, nếu bị người hỏi: “Hiện nay Thầy tu theo tông phái nào của Phật giáo?” chắc chắn tu sĩ này sẽ ngẩn ngơ không biết đáp thế nào. Tại sao vậy?  Chùa chiền Việt Nam hơn một thế kỉ nay đều lấy hai thời khóa tụng làm công phu tu tập. Trong hai thời, đầu hôm tụng kinh Di Đà, sau tụng chú vãng sanh, tiếp niệm danh hiệu Phật A Di Đà;  buổi khuya tụng chú Lăng Nghiêm, hoặc Đại Bi thập chú ..nếu hôm nào có đám cầu an cầu siêu thì tụng chú Đại Bi trước, tụng kinh sau. Công phu tu hành như vậy, biết thuộc tông phái nào. Thế mà đa số nói tu theo Tịnh Độ. Tụng kinh A Di Đà và niệm danh hiệu Phật A Di Đà thuộc về Tịnh Độ tông, tụng chú Đại Bi chú Lăng Nghiêm thuộc Mật tông. Nhận xét chín chắn thì hai thời khóa tụng Mật tông chiếm ưu thế” . Để trả lời câu hỏi tại sao lại có tính trạng đầu Ngô mình Sở trong việc tụng niệm như thế, thầy Thanh Từ cho rằng do ta tu hành teo kiểu Trung Quốc, thầy viết: “ Vua Thánh Tổ nhà Thanh hiệu Khang Hy (1662-1772) ra sắc lệnh mời Hòa thượng Ngọc Lâm Thông Tú (1614- 1675) cùng một số Hòa thượng hợp tác soạn “Nhị Thời Khóa Tụng”, buộc Tăng, Ni các chùa ở Trung Quốc trong thời kì này phải ứng dụng tu theo. Nhà Thanh thuộc dân tộc Mãn Châu ở miền bắc Trung Quốc, gần dãy núi Hy Mã Lạp Sơn cịu ảnh hưởng Phật Giáo Tây Tạng chuyên tu Mật tông. Nhà vua buộc các Hòa thượng soạn “Nhị Thời Khóa Tụng” đặt nặng mật tông hơn....Không biết Nhị Thời Khóa Tụng du nhập vào Việt Nam lúc nào, chỉ biết từ cuối thế kỉ 19 đến cuối thế kỉ 20 hầu hết các chùa Việt Nam đều lấy hai thời này làm công khóa tu hành. Ai vào chùa đều bị bắt buộc phải thuộc hai thời khóa tụng gọi là hai thời công phu nên có câu: “ Đi lính sợ trèo ải, ở sãi sợ Lăng Nghiêm”. (Trích “Tại sao tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần” )

 

ST à, nói hết những tâm đắc của Bu khi đọc 11 tập sách của thấy Thanh Từ tặng  thì còn nhiều lắm. Bu chỉ tóm tắt lại hai ý, một là thầy (nói rộng là Thiền tông) không tin vào pháp môn Sự Tịnh Độ, hai là hầu hết các chùa Việt Nam tụng niệm theo bài bản nhà Thanh thời Khang Hy vừa Tịnh Độ vừa  Mật Tông trong đó đặt nặng Mật tông hơn. Đấy cũng là những vấn đề mà Bu vẫn quan tâm khi  nhìn vào toàn cảnh Phật giáo Việt Nam. Có lẽ những Entrry sau Bu sẽ nói thêm những suy nghĩ của mình về những điều thầy Thanh Từ nói, và những suy nghĩ của thầy về Tu viện Chơn Như do Trưởng Lão Thích Thông Lạc trụ trì ở Trảng Bàng Tây Ninh. 

 

Tóm tắt vài dòng về  Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ.

- Thầy  có tên húy Trần Hữu Phước sinh: 24.7.1924 ở ấp Tích Khánh làng Tích Thiện Cần Thơ, nay là Vĩnh Long. Thầy xuất gia năm 25 tuổi

- Những trước tác Phật Giáo:

* Dịch và giảng giải 8 bộ Kinh

* Dịch và giảng giải 5 bộ Luận

* Viết 13 tập sách về Thiền

- Thành lập 28 tu viện: Trong đó ở Việt Nam 15, Hoa Kỳ 6, Canada 1, Úc 5, Pháp 1.

- Năm 1960- 1964:

* Vụ trưởng Phật học vụ

* Giáo sư kiêm Quản viện Phật học Huệ Nghiêm

* Giáo sư Viện đại học Vạn Hạnh và các Phật học Dược Sư, Từ Nghiêm....

- Hiện nay:

* Trụ trì Thiền viện Thường Chiếu (Long Thành, Đồng Nai)

 

 

 

 

           

Đọc tiếp ...