Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

MỘT LẦN ĐẾN MIẾN ĐIỆN (BÀI 4)

 

 

 

                  Đỉnh núi cao 1200 m, nơi tọa lạc chùa Kyaikhiyo linh thiêng và độc đáo

 

                Một trong nhiều nhà bảo tàng Phật tích ở chùa Kyaikhiyo

 

Khối đá ở chùa Kyaikhiyo chênh vênh thế này có lẽ trước khi có Phật Thích Ca không biết bao nhiêu ngàn năm

 

                          Mây núi ngang tầm nhìn 

 

                                           Mây núi còn ở dưới tầm nhìn

 

                         Các nhà sư đi nhận khẩu phần ở tu viện 

 

                                                   Bu ở chùa Kyaikhiyo

 

Chùa đầu tiên bu đến chiêm bái ở Miến Điện có tên  Kyaikhiyo toạ lạc trên một đỉnh núi cao 1200m so với mặt biển.  Đây là ngôi chùa rất linh thiêng và độc đáo. Nhưng hảy khoan nói về chùa, đoạn đường 200 cây số từ Răng gun đến chùa Kyaikhiyo, bu “mục sở thị” nhiều vụ cũng… đáng nói lắm ! …Hihihi

    Đã từng ở trong ngành giao thông nên bu có rất nhiều dịp đi xe buýt ở xứ mình cũng như xứ người. Anh thiết kế ra chiếc xe buýt đã tính được khoảng cách từ xe xuống đường sao cho các cụ ông, cụ bà, cho các nàng mang bầu, mang bì, lên xuống dễ dàng. Bởi vậy bu rất ngỡ ngàng khi thấy anh phụ lái người Miến trước khi mở cửa xe cho khách lên, xuống, còn đặt thêm chiếc ghế gỗ vào dưới bậc xe, làm cho khách hết còn cảm giác đang lên cao hay xuống thấp. Xong rồi, anh đứng ra một bên cười rất tươi, trao cho mỗi khách một chiếc khăn lạnh, hoặc một chiếc ô nếu là trời mưa. Vào toilet nhà hàng Kyaw  swa ở Bogo cách Răng gun 100 cây số (về phía nam) càng thấy sự chu đáo của người Miến hơi… lạ! Chỗ nam giới vào đã có hình vẽ bán thân người đàn ông mặc vét, thắt cà vạt, đội mủ phớt. Ở chỗ phụ nữ vào đã có hình vẽ bán thân người đàn bà tóc phi dê, mặc áo đầm. Người mù chữ của bất cứ dân tộc nào nhìn vào đó cũng biết phải đi vào phía nào cho đúng. Thế nhưng, ở cửa ra vào vẫn có thêm một chàng trai ăn mặc lịch sự dang tay khi chỉ sang buồng nam, khi chỉ sang buồng nữ, cứ như chú cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ ngoài đường phố. Khác chăng là, chú này không trang bị roi điện cùng máy bộ đàm như chú kia. Hehehe…

 

                    Nhà hàng chu đáo với khách hơi ...lạ, mà đáng nhớ

 

Xe buýt đi cách Răng gun 200 cây số thì dừng lại ở một vùng nhà dân. Anh chàng Cô cô thông báo: “Mời quý vị xuống và lên xe chuyên dụng, xe này sẽ chạy 11 cây số đường rừng, sau đó các vị đi bộ chừng 3 cây số đường dốc thì đến đỉnh núi có chùa Kyaikhiyo. Ai không đi bộ thì chi tiền thuê cáng”. Ái chà chà, xe chuyên dụng là xe tải không trần, ghế ngồi là các thanh gỗ đặt ngang. Xe chạy như bay, bất kể đường dốc hay đường gấp khúc tay áo. Các thượng đế tha hồ xiêu bên này, vẹo bên kia, cứ như ràng rào bị bão. Một cô gái Hà Thành nôn oẹ tứ tung, anh chồng ôm vợ vào lòng vuốt ve dỗ dành cứ như xi nê tình ái. Hihihi.  

 

                                  Lên xe đặc chủng !!

 

                              Xuống xe đặc chủng để treo dốc hoặc lên cáng

 

                        Cáng Miến Điện là thế này đây (chưa lắp tấm gác chân)

 

                               Vị khách nhiều tuổi nhất đoàn

 

                                     Người đẹp Hà Thành sau cơn nôn ọe

 

                                                   Bu tui đi trước đây

 

                                                 Đội cáng xuất quân....                

 

                 

                                                            Và hành tiến...

 

                                                Đường gấp khúc lên núi

 

Đội trưởng cáng tuyên bố: Cứ 4 anh Miến khiêng một anh (chị) Việt, 16 du khách vị chi 64 anh phu cáng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, 16 vị này lần đầu được đi cáng, thoạt tiên ai cũng ngỡ ngàng, nhưng rồi quen ngay. Mấy anh cáng khôn lắm, nhè chỗ người ta bán coca, hay bò húc, để hạ cáng giải lao. Các “quan ông”, “quan bà” thấy người khiêng mình chân nam đá chân chiêu, thở hổn hà hổn hển, nước trầu bắn ra tung toé thì thương, mời giải khát cho lại sức. Tính ra tiền giải khát bằng tiền thuê cáng. Trước khi chia tay nhau, có vị khách còn cho mỗi anh phu cáng một đô la. Thế mà có chú còn ngoẹo đầu xin thêm cho kỳ được. Hehehe.

    Trên con đường dốc rợp cây xanh (phải đi cáng) lên chùa Kyaikhiyo có rất nhiều nhà sư khất thực. Các ngài đầu trần, chân đất, đắp thượng y màu vàng hoại sắc, đầu cúi đủ một tầm nhìn, cổ đeo túi đựng bình bát lòng thòng ngang bụng. Các vị đi khoan thai, khuôn mặt bình thản, không ra buồn, không ra vui, dẫu chỗ đông người mà như không nhìn thấy ai, thỉnh thoảng dừng lại trước trú xứ chờ thí chủ bố thí với dáng dấp kẻ ăn xin. Thế đấy, khất thực với phái tu Nam Tông thuộc về pháp Chánh mạng (một nhánh của Bát chánh đạo) nhằm nuôi sống tấm thân tứ đại, phù hợp giới luật và tuỳ thuận với Phật pháp. Luật tạng cấm người tu hành xuất gia dùng tiền, nhưng người bố thí cho tiền vào bình bát thì sư không từ chối, thậm chí có vị còn cười  tươi. Hihihi !

 

                                       Khất thực

  

                                                          Khất thực

 

                                          Cười tươi khi được bố thí tiền

 

Luật tạng cũng cấm người khất thực lên tiếng xin xỏ. Nhưng kìa ! Có tiếng khánh kêu keng keng, lại nghe như có tiếng trẻ nhỏ đọc Chú Đại Bi… A! Đây rồi! Một nhóm sư choai choai, đi đầu nhóm là một ông sư bé tẹo, có lẽ 8, 9 tuổi gì đó. Ông này gặp chúng sanh thì tay trái dơ khánh lên, tay phải vung dùi gõ 6 tiếng, cứ hai tiếng liền nhau làm một nhịp. Dứt tiếng khánh, ông đọc một tràng tiếng Miến có nhiều nguyên âm “a” mà bu nghe như là chú Đại bi vậy.

 

 

                  Ông sư tí hon vung dùi gõ khánh và đọc "thần chú" (?)

 

 

                          Chúng sanh bố thí tiền vào túi vải

 

Khác với  các đồng tu đi sau, nhà sư tí hon này không mang bình bát, chúng sanh bố thí tiền và mọi thứ vào túi vải. Nhiều người cho thế là không đúng bài khất thực. Ông và cả nhóm đi rồi mà bu cứ mãi nhìn theo… Lại nhớ xưa kia có vị sư hành thiền, ông sợ giẫm chết các con vật dưới chân nên khom người, đưa cây chổi quét sạch đoạn đường sắp bước chân vào. Cứ thế, ông đi hết chặng đường cần đi. Mọi người thấy vậy ngưỡng mộ và kính trọng lắm. Nhưng ngày nay, nếu có một nhà sư hành thiền trên đường Sài Gòn như thế thì thiên hạ cho đầu óc thầy có vấn đề. Ô tô, xe máy, như nước lũ thế kia sẽ sát sinh thầy trước khi thầy sát sinh các con vật dưới bàn chân. Tức là sát sinh trong đạo Phật đã có phần cải biên. Vậy ông sư bé tẹo kia  mang túi vải thay vì bình bát thì có chi lạ? Với lại, hai tay thầy mắc sử dụng chiếc khánh thì còn tay đâu để giữ cái bình bát ? Chưa nói chiếc bình bát to tổ bố thế kia thì thầy mang làm sao cho nỗi …Hehehe.

(còn tiếp)

 

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

MỘT LẦN ĐẾN MIẾN ĐIỆN (BÀI 3)

                    Nhà ga ô tô và tầu hoả ở Răng gun

Du khách Việt Nam thăm nghĩa trang có 2700 lính Đồng minh hy sinh trong trận chiến chống Nhật ở Miến Điện

 

         Khách sạn 4 sao Royal Park ở Răng gun (nơi bu tá túc)

 

   Bu trước chùa Shwemawdaw (chùa vàng) ở Răng gun (cao nhất Miến Điện)

 

Bu ở chùa Kyaikhtiyo độc đáo và nổi tiếng thiêng liêng ở Mién Điện (cách Răng gun 2oo cây số)

 

Theo các nhà Trầu Học thì tập tục ăn trầu phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Đại Dương. Quốc đảo Đài Loan khoảng 25 triệu dân mà có tới 20% dân số ăn trầu. Cả nước mỗi năm chi ra 3 tỷ USD để nhai nhai, nhả nhả, một thứ chẳng ngon lành béo bổ gì. Thế nhưng  đứng đầu thế giới về vụ ăn trầu phảỉ là dân Miến Điện. Những ai đi Miến về đều nói thế, và bu tui loanh quanh nước Miến 5 ngày cũng thấy thế. Từ nông thôn cho chí thành thị, hang cùng ngõ hẽm nào cũng có người bán trầu, gặp 10 người thì đã có tới 4, 5 người nhai trầu bỏm bẻm.

 

 

Cách tiếp thị trầu của người Miến khác xa người Đài Loan. Các em “Tây Thi bán trầu hút khách” xứ Đài có chiêu câu khách ngoạn mục:  Áo mỏng liền váy ngắn, cúc cài chiếu lệ, “quên” mặc nội y, anh nào mua đủ 100 Đài tệ trầu cau thì em cho xem luôn vòng 1 !  Hehehe....Người Miến không thế, trầu bày ra đấy, ai cần thì mua không thì thôi, chẳng đon đả mời chào, không nói lời đưa đẩy. Như anh chàng đen nhẻm dưới đây, đã không mời thì chớ, còn trừng trừng nhìn khách, thượng đế nào yếu bóng vía có khi phải co giò …chạy.

  

Nhìn vào quầy bán trầu (ảnh dưới) của anh chàng này chỉ thấy trầu không , vôi, một hộp không nắp đựng vai (từ cây gỗ gì đó đẽo ra) còn 7 hộp khác đựng gì thì có trời biết nỗi. Bu đoán mò: Cau khô, vỏ chay, vỏ quạch, vỏ trầm, rễ sen, là những thứ người ăn trầu nói chung vẫn dùng. Có thể có thêm đinh hương và đậu khấu là hai món người Miến khoái xài như các nhà Trầu Học nói tới.

Bàn dân thiên hạ ăn trầu thì không nói làm gì, đằng này chú cảnh sát giao thông cũng ăn trầu khi đang thi hành công vụ (ảnh dưới). Tay phải chú cầm roi (điện ?), tay trái cầm bộ đàm. Đang tả xung hữu đột điều khiển người đi đường thì bổng chú ta dừng lại, nhổ toẹt bả trầu xuống đường. Nhè lúc này bu giơ máy ảnh lên, chú ta quay tít cây roi (điện?) và hô to: No photo. No photo!! Bu đành rút êm nhưng vẫn ghi nhanh được cảnh chú vào quán trầu mua tiếp 5 miếng, cho vào bao ni lông, đút túi quần để dành ăn tiếp…

 

Người Việt ta ăn trầu chưa đến mức nổi tiếng thế giới, nhưng đã có một nềnVăn Hoá Trầu mang bản sắc Việt rất độc đáo, với sự tích trầu cau bi thương và cảm động, với tâm sự của dân gian: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Thương nhau cau sáu bửa ba, ghét nau cau sáu bửa ra làm mười. Rồi những nhà thơ viết về trầu: Xóm làng đã đỏ đèn đâu, chờ em ăn giập miếng giầu em sang (Nguyễn Bính). Các cụ ông say thuốc, các cụ bà say giầu, còn con trai con gái. chỉ nhìn mà say nhau (tác giả ?). Vậy thì xài trầu tầm cỡ nước Miến Điện hẳn phải có một nền Văn Hoá Trầu cực kì phong phú không kém gì người Việt, chưa nói là hơn . Hiềm nỗi chính phủ nước này chủ trương bế quan toả cảng, các nhà báo, nhà nghiên cứu không được tự do vào đó hành nghề. Văn học dân gian Miến chưa có ai dịch thuật giới thiệu. Bu tui được cái văn dốt võ dát, ở Miến có 5 ngày, chỉ nói được vài dòng chung chung, cốt mua vui cho bạn bè vậy, hehehe..

(còn tiếp....)

P/S

Đoạn nói về “Tây Thi bán trầu hút khách”  và tấm hình minh hoạ dưới đây bu dẫn theo tác giả Thu Hà trên báo điện tử Vietnamnet.  

 

  

     

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

MỘT LẦN ĐẾN MIẾN ĐIỆN (BÀI 2)

 

                               Cỏ và hoa xứ Miến

                         Bu trước hoàng cung cố đô Bogo

 

 

                 Bu với anh Côcô - hướng dẫn du lịch người Miến

 

 

6 giờ sáng ngày đầu tiên ở Răng gun bu rủ một anh bạn xách máy ảnh đi dạo phố coi thử cảnh vật xứ người ra sao. Quái lạ, trời sáng trưng rồi mà sao phố xá vẫn đóng im ỉm? Hoá ra, với người Miến lúc đó mới 5 giờ 30. Giờ họ chậm hơn giờ mình nửa tiếng. Định về lại khách sạn thì thấy một anh Miến đạp chiếc xe đi ngược chiều. Nói đạp xe nhưng chiếc xe ấy không hẳn là xe đạp, mà là một thứ “xi đờ ca” chạy bằng cơ bắp. Ngoài phần xe đạp thông thường ra, người ta gắn vào (bên phải người lái) một cái thùng để chở khách. Bu ra hiệu dừng xe và chễm chệ ngồi vào thùng. Anh chàng Miến khom lưng, guồng chân, nói một tràng líu ríu, chằc là hỏi “ông đi đâu”. Xe lăn bánh được một đoạn, bu ra hiệu dừng xe, đưa cho anh lái một đô la, nhảy vội xuống đất. Anh chàng kia không ra mừng, không ra ngạc nhiên, đạp xe đi, ngoái lại nói một tràng líu ríu, có thể là cảm ơn, cũng có thể bảo chụp hình cả người lẩn xe người ta mà trả có một đô, đồ keo kiệt!  Hehehe

                                         

                                                                       Bu chễm chệ ngồi lên thùng...

 

                                          

                          Bạn bu quan sát chiếc "xi đờ ca" chạy bằng chân

 

 

Có anh đi Miến Điện về viết như đinh đóng cột lên mạng, con gái Miến ra đường trang điểm bằng vôi bột xoa lên má. Khiếp! vôi bột mà xoa lên má thì bỏng da, hỏi còn gì là má nữa.  Ấy thế mà  các cô rao bán hàng lưu niệm ở nơi đông khách du lịch hai má cứ trắng xóa như hề tuồng. Chả nhẽ da mặt mấy em Miến này chịu được vôi bột?  Cho đến khi vào khách sạn Kyaik Hto (trên đỉnh núi cao 1200m so với mặt biển) mới biết thứ bột trắng ấy được mài từ thân cây thanaka (chỉ có ở Miến Điện). Khúc gỗ thanaka bằng cái cốc vại mài lên đá với nước lả. Dung dịch thu được trắng đục như sữa, xoa lên da chống được tia tử ngoại mặt trời và làm trắng da. Khổ! Nào có thấy em nào trắng, em nào em nấy da dẽ cứ như đồng điếu đấy thôi.

 

 

 

 

 

                           Lều trang điểm thanaka ở khách sạn Kyaik Hto

 

                  Nữ du khách Hà Nội đang mài gỗ thanaka lên đá

                                 (trong lều trang điểm)

 

Trong số những vật phẩm bu tui mang về tặng bà xã có một phiến gỗ thanaka và một cái đĩa đá mài hình tròn. Sau khi nghe bu thuyết trình về công dụng trang điểm của nó, bà xã nguýt dài: Ôi dào, trang với chả điểm kiểu này thì có mà dở hơi. Hihihi!!

 

(Còn tiếp...)

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

MỘT LẦN ĐẾN MIẾN ĐIỆN (BÀI 1)






                                            Bu với một nhà sư Miến Điện

              Chùa tháp ở Miến điện


Bu thích gọi Myanma là Miến Điện vì nghe nó thâm u, kì bí, phù hợp với những thông tin về đất nước này bao giờ cũng trái chiều, gây tò mò, thắc mắc.  Có người bảo Miến Điện tương đương Việt Nam 35 năm trước (khoảng 1976) tức là lúc dân ta còn nhai hạt bo bo thay gạo, mọi hàng hóa trên đời phải mua bằng tem phiếu.  Mấy chú bộ đội trong nam về bắc còn tòng teng cái khung xe đạp và con búp bê nhựa sau ba lô... Tờ thông báo du lịch Miến Điện của Ami tour nhắc nhỡ quý khách có thể mang theo mỳ gói hoặc mắm ruốc đề phòng ăn không hợp khẩu vị.  Ở Răng Gun 19 giờ là đóng cửa, quý khách không nên ra ngoài một mình...Bởi vậy khi máy bay tiếp đất Răng Gun, Bu tui trong bụng không yên... Càng thêm sợ khi làm thủ tục nhập cảnh thấy nhà ga tối om, cúp điện! Đến hồi máy nổ chạy lên thì ơ kìa,  nhà ga họ lộng lẫy không kém chi Nội Bài và Tân Sơn Nhất, chưa nói là hơn. Riêng tấm thảm hoa ở phòng đợi dài 110 mét, rộng 11 mét tuyệt đẹp ( không có chỗ nối)  đã làm các vị Việt Nam thầm phục. Các sân bay xứ mình không nói làm gì, phòng đợi ở sân bay Bangkok (cách nay 10 năm) ở sân bay Bắc Kinh, Thượng Hải cách nay 5 năm bu tui chưa  thấy tấm thảm lót nền sang trọng thế. 



Một mẫu của tấm thảm dài 110m rộng 11m trải kín phòng đợi trong nhà ga hàng không


                               Phòng làm thủ tục nhập cảnh (đêm vừa cúp điện)


                                              Bên ngoài nhà ga hàng không


                                            Đường đến sân bay Răng Gun

Bữa ăn tối đầu tiến đến Răng gun ở nhà hàng  Bangkok Kitchen tuyệt ngon.  Chỉ riêng mấy loại nước chấm, các bà nội trợ khó tính Hà Nội đã khen rối rít. Bốn ngày, bốn bữa ăn sáng, tám bữa ăn chính chưa thấy vị  khách Việt Nam nào kêu không hợp khẩu vị.   Ngủ đêm ở khách  sạn Royal Park 4 sao  sang trọng và tiện nghi.

                                Bữa ăn tối đầu tiên ở nhà hàng Bangkok Kitchen
 

                                   Bên ngoài khách  sạn 4 sao Royal Park

                                                 Bên trong khách sạn

                                                    Bên trong Khách sạn
                                     

19 gìờ đèn điện ngoài phố sáng trưng, xe tắc xi mời đi dạo phố, không dám đi vì ngôn ngữ bất đồng,  với lại xe họ không có đồng hồ đếm cây số, chỉ áng chừng để tính tiền. Cả thành phố chưa thấy cây xăng nào, nghe bảo các chỗ đổ xăng người ta xếp thùng, phuy, cao lêu nghêu, người bán đong từng xô đổ vào ô tô, bên cạnh đó có nơi nhà hàng ăn uống vẫn lửa đỏ từng  bừng.

                                  Taxi chạy đầy phố

Vài ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Răng Gun bạn đọc tạm, Bu còn viết tiếp.

 

 

   

Đọc tiếp ...