Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

ĐỂ HIỂU THÊM QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT



Quán Thế Âm Bồ tát



Hai bu với hòa thượng Thích Thanh Từ
ở Thiền viện Thường Chiếu 



Bạn TTM-Gốc Mai hỏi bu về “Ý nghĩa hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm”?
      Về việc này Hòa thượng Thích Thanh Từ đã có bài khá dài, hợp với mọi trình độ, bu nói lại không thể bằng được.        
     Thực ra hiểu cho thật kỹ nhân vật Quán Thế  Âm trong Phật giáo thì không dễ tí nào.  Mỗi môn phái, mỗi nền văn hóa có cách nhìn khác nhau về  bồ tát Quán Thế Âm. Hai mươi kinh luận dưới đây đều có nói đến Quán Thế Âm nhưng hình ảnh ngài qua đó không giống nhau hoàn toàn, ngoại trừ bản tính ngài là đại từ, đại bi, chuyên cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh khỏi đau khổ.  Hai mươi kinh luận đó là:

1- Kinh Hoa Nghiêm Q (quyển) 51.
2- Bát nhã ba la mật đa tâm kinh
3- Kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.6
4- Kinh Đại bảo tích Q.82,100.
5- Kinh Bi hoa
6- Kinh Đại nhật Q.1 (phẩm Cụ duyên)
7- Kinh Thiên quang nhãn Quán tự tại bồ tát bí mật pháp.
8-  Kinh Kim cương khủng bố tập hội phương quảng nghi quỉ Quán tự tại bồ tát tam thế tối thắng tâm minh vương.
9- Kinh Đà la ni tập Q.5
10- Luận Đại trí độ Q.26, 30, 34.
11- Luận Du già sư địa Q.7
12- Pháp hoa kinh văn cú Q.10 hạ
13- Pháp hoa nghĩa kí Q.8
14- Chú duy ma cật kinh
15- Bát nhã tâm kinh u tán quyển thượng
16- Đại Nhật Kinh sớ Q.5
17 -Tam bộ bí thích
18- Đại Đường Tây vực kí Q.3
19-  Huyền ứng âm nghĩa Q.5
20- Pháp uyển châu lâm Q.17.

(Thống kê theo Phật Quang đại từ điển, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. Sa môn Thích Quảng Độ dịch)
   
    Phật Quang đại từ điển dựa vào các kinh luận trên để đưa ra định nghĩa về Quán Thế Âm bồ tát, rất dài và có nhiều thuật ngữ không phải đọc lên hiểu ngay. Vậy, thay vì chép lại định nghĩa, hoặc nói về “Ý nghĩa hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm” bu tui mời TTM và các bạn đọc phần 1 phẩm 25 của kinh Diệu Pháp Liên Hoa do hòa thượng Thích Thanh Từ giảng giải, hy vọng các bạn sẽ ngộ ra được nhiều điều…

Phẩm 25
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
PHỔ MÔN

“Quán” là xem xét, “Thế Âm” là âm thanh của thế gian. Quán Thế Âm là xem xét âm thanh thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ tát. Ngài lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh, khởi lòng thương xót đến cứu độ cho hết khổ. “Phổ Môn” là cái cửa thông suốt khắp tất cả.  Bồ tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, hay lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh mà  hiện thân để hóa độ. Phương tiện hóa độ của ngài là cửa pháp thông suốt tất cả, ai ai cũng có thể vào tu,  không giới hạn. Mục đích của phẩm này là phá tưởng ấm vào Ngũ địa và Lục địa Bồ tát.

CHÁNH VĂN

1- Lúc bấy giờ, ngài Vô Tận Ý Bồ tát từ chỗ ngồi đứng dậy  trịch áo bày vai hữu, chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: “Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?”. Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ tát: “ Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ tát này một lòng xưng danh, Quán Thế Âm Bồ tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được gải thoát.
      Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát này dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được vì do sức oai thần của Bồ tát này mà được như vậy.
       Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ báu, nên vào trong biển lớn, giá sử gió đen thổi ghe thuyền của kia trôi tấp nơi nước quỷ la sát, trong ấy nếu có một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thời các người đó đều được thoát khỏi nạn quỷ la sát . Do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm.

GIẢNG

Phẩm này người đương cơ đứng ra thưa hỏi là Bồ tát Vô Tận Ý. Vô Tận Ý là ý tưởng không cùng, không dứt. Tại sao Bồ tát mà ý tưởng nhiều như vậy ? Như đã nói, phẩm này là phá tưởng ấm. Ý tưởng của chúng sanh có trăm ngàn muôn ức thứ, cái gì cũng nghĩ tưởng được, nên nói là Vô Tận Ý. Nhưng nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát thì mọi nghĩ tưởng dừng lại và hết khổ. Chỗ này nếu chúng ta không hiểu rõ sẽ lầm. Trong kinh Nhật tụng phẩm Phổ Môn được liệt vào kinh cầu an, ai đau bệnh tụng phẩm này cầu cho an ổn. Vậy phẩm Phổ Môn có phải để cầu an không?  Trong phẩm này Phật nói lên bổn sự của Bồ tát.  Bồ tát Quán Thế Âm ở đời quá khứ, Ngài khởi tâm từ bi tu hạnh quán xét tiếng kêu than của chúng sanh ở thế gian mà hiện thân đến cứu độ cho mọi loài hết đau khổ. Nếu chúng ta dựa trên chữ nghĩa hình tướng  thì ngang đây bị kẹt lớn. Như câu: “Có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức oai thần của Bồ tát này được như vậy”. Quý vị đọc phẩm này có tin lời Phật nói không? Đệ tử Phật mà không tin Phật thì tin ai? Vậy nếu có người nhóm một đống củi đốt lửa cháy hừng hực, bảo quý vị niệm Quán Thế Âm Bồ tát và đi vào đống lửa đó, xem thân quý vị có cháy không? Nếu thân quý vị bị cháy nám thì lời Phật nói không đúng. Quý vị nghĩ sao đây?.
     Lại một đoạn nữa: “Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu  Bồ tát Quán Thế Âm liền được chỗ cạn”.  Như vậy những người đi biển, thuyền chìm niệm danh hiệu Bồ tát, tất cả đều gặp chỗ cạn, hay cũng có người chết chìm? Những sự việc này nếu hiểu theo sự tướng thì thấy chống trái, còn hiểu theo lý tánh như kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật nói Bồ tát Quán Thế âm tu hạnh Phản văn văn tự tánh, tức là xoay lại nghe tánh nghe của mình. Tánh nghe là cái thể chân thật của mỗi người, không có tướng mạo, không có hình dáng. Đã không có hình dáng tướng mạo thì lửa nào thiêu được, nước nào chìm được? Nên nói niệm Quán Thế Âm tức là lắng nghe tánh nghe của chính mình, thì mọi chướng nạn của lửa nước đều qua khỏi.
    Lại một đoạn nữa: “ Có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng bạc, lưu ly…vào biển lớn, giả sử gió đen thổi ghe thuyền họ trôi tấp nơi nước quỷ la sát, nếu có một người trong đó xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thời các người đó thoát khỏi nạn quỷ la sát”. Chuyện này phải hiểu như thế nào? Xưa có một vị tướng công, tới hỏi đạo một tiền sư, ông nêu câu chuyện trên và hỏi rằng: “Ông là một vị tướng công mà đi hỏi vớ vẩn như vậy sao? Vị tướng công nghe chê mình nên nổi tức, mặt đỏ gay. Thiền sư chỉ: Đó, hắc phong đó.
     Vậy hắc phong là gì? Thiền sư không nói hắc phong là gió ào áo mây đen kéo mù mịt, mà nói hắc phong là cơn giận là cơn giận của con người. Sân giận nổi lên tự mình chịu khổ họa, lại còn gây khổ lụy cho người khác. Ví dụ ông A vô cớ kêu tên ông B chưởi. Ông B nổi sân, xông tới đánh đập ông A. Ông A bị đánh đau liền đánh lại ông B. Đó là ông B bi hắc phong thổi phiêu bạt tới nước la sát, bị quỷ la sát hại rồi. Nếu ông B vừa nổi sân, biết mình đang sân, liền niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, cơn sân lắng dịu lần rồi hết, đâu có đánh ông A  và bị ông A đánh lại đau khổ. Như vậy, Không phải Bồ tát Quán Âm cứu ông B thoát nạn quỷ la sát là gì. Hiểu như thế mới thực tế. Chớ trong lục địa cũng như hải đảo ngoài biển khơi, đảo nào  ở đâu,  có người ở  hay không có người ở, có quỷ hay không có quỷ, mọi người đều biết hết. Vậy nước la sát nằm ở vị trí nào trên địa cầu này? Như vậy hắc phong và nước quỷ la sát biểu trưng cho lòng sân giận của con người, rồi con người theo đó mà tạo nghiệp ác thọ quả báo khổ đau. Còn Quán Thế Âm là biểu trưng lòng từ bi, lòng từ bi khởi lên thì sân giận tiêu tan, nên nói bị hắc phong thổi phiêu bạt đến cõi nước la sát, niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì không bị hại là vậy.         

     
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

NGHÉ VÀ TRÂU !!







Bên nhà TTM Gốc Mai có đăng bài “Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Nội dung bài viết mời bạn vào địa chỉ  http://ttm0123a.blogspot.com.
   Đọc bài viết của bạn TTM Gốc Mai, bu tui liên tưởng chuyện nọ xọ chuyện kia. Chuyện huân chương Sao vàng được nhà nước VNDCCH đặt ra năm 1947.  Đến năm 1958 người đầu tiên được phong tặng là cụ Tôn Đức Thắng. Lúc này cả cụ Hồ và cụ Tôn còn thượng tại. Cụ Thắng được sử sách cho là tham gia binh biến Hắc Hải năm 1919, treo cờ, bắn đại bác vào cung điện Mùa Đông ở Pê téc bua từ một con tàu của Pháp. Nhưng nhà nghiên cứu Giebel chứng minh rằng năm 1919 ông Tôn Đức Thắng không có mặt trên bất cứ một con tàu nào của Pháp. Huhuhu! vụ ni  không biết nên tin vào ai.
     Bạn TTM Gốc Mai vào Google tìm bài TRÂU và NGHÉ của bu mà không thấy, thì đây, bu tui tái bản lại, mời bạn TTM Gốc Mai và các bạn đọc chơi…

***
Bạn vong niên của tôi là một ông nhà văn ngoài 80, đã có 25 quyển tiểu thuyết, 10 tập thơ, lý luận phê bình và tạp văn 5 quyển, những bài báo lặt vặt nhiều quá không tính làm gì. Hồi trai trẻ nghe đâu cụ bị họa văn chương Nhân văn Giai phẩm. Người ta cho cụ lên bờ xuống ruộng, thân tàn ma dại một thời. Mới đây cụ không khoẻ, tôi đến thăm, động viên: Cụ thế mà sướng, có tác phẩm để đời, sắp tới không khéo được giải thưởng nhà nước, tên cụ có khi lại được người ta đặt cho đường phố Thủ đô chứ chẳng chơi. Nghe thế, cụ quay phắt nhìn tôi, ý muốn nói gì nhưng có lẽ mệt hoặc cho là tôi nói tầm phào nên lại thôi. Vừa lúc thằng cháu đích tôn của cụ đi đâu về, mặt mũi đỏ như gà chọi. Tôi bảo nó, ông ốm mà mày thì lông nhông suốt ngày. Nó bảo, ấy, cháu đi chăn trâu mà chú. Tôi gặng, trâu hay là nghé, nó tròn mắt, trâu hẳn hoi, mà sao chú hỏi thế.  Tôi kể, hồi còn chiến tranh phá hoại, có thằng bé bằng tuổi mày được Hợp tác xã giao cho nuôi con nghé. Nó ấy à, siêng bằng vạn mày. Dắt nghé đi hết đồng gần sang đồng xa cho nghé ăn tròn bụng, lại cho nghé đầm nước. Đông che hè thoáng. Con nghé lớn như thổi, da bóng lừ như gỗ mun, đôi sừng vểnh lên nhọn hoắt trông hùng dũng lắm. Ấy thế mà dân làng quen miệng cứ bảo nó là nghé, chưa một ai gọi nó là trâu. Đến đây thì cụ nhà văn lão thành ra hiệu nhờ tôi xoay người cụ lại tư thế nằm nghiêng. Thằng bé sốt ruột dục, rồi sau đó thế nào hả chú? Tôi kể tiếp: Một hôm máy bay Mỹ ném bom vào làng, con nghé đẹp mộng mơ của thằng bé bị mảnh bom phạt đứt cổ, chết. Hợp tác xã mổ thịt chia cho xã viên. Mọi người gọi nhau ý ới, bà con ơi ra sân hợp tác xã nhận phần thịt trâu. Ông nhà văn già nghe đến đó thì ho lên mâý tiếng rồi mặt mày biến sắc phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ khám chán cũng không hiểu vì sao cụ lại sốc nặng thế. Tôi nhỉ bụng, hay tại câu chuyện sống là nghé, chết đi mới được gọi là trâu của minh mà nên nông nỗi.
   Đến giờ nhắc lại tôi vẫn còn ân hận về câu chuyện tào lao của mình.


Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

…VÀ TRONG LÒNG MƯA HƠN Ở NGOÀI TRỜI…


Thác bạc Long Cung ở Kim Bôi Hòa Bình




Nhạc sỹ Tô Hải khi còn là lính Vệ quốc đoàn



Đấy là một câu trong ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC của nhạc sĩ Tô Hải sáng tác khi ông mới 20 tuổi (1947).  
    Chàng trai Tô Hải vào Vệ Quốc Đoàn trong những ngày đầu cách mạng tháng 8 năm 1945,  đã từng qua hai trường huấn  luyện quân chính có văn bằng hẳn hoi nhưng ông không thành tá tướng như các bạn mà trở thành…nhạc sỹ!. Năm 1947 Tô Hải được điều về bộ tư lệnh mới thành lập làm thư ký riêng cho  một nhân vật mà theo ông  “Thật hấp dẫn và “quái dị” có tên là Thế Hùng, biệt hiệu Hùng hét”. Ông Hùng đã từng tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố (Tàu) với Hoàng Văn Thái và Hoàng Minh Thảo, nhưng do tiền sử  phục vụ trong quân đội Pháp nên không được vào đảng, chỉ giữ chức trưởng Ban Quản trị Liên khu bộ. Ông Hùng bất mãn với vai trò này, giận cá chém thớt, hét hò quát tháo đám dưới quyền, trừ anh lính biết làm nhạc Tô Hải. Ông tạo điều kiện cho Tô Hải sáng tác vì bản thân ông cũng có máu văn nghệ, bài hát Tây bài hát Tàu, cải lương, vọng cổ, ông làm được tuốt.  Hùng hét và Tô Hải cùng ở nhà bọ Phến vùng Thung Gio, một địa phương miền núi Hòa Bình. Bọ Phến có cô con gái cực xinh tên là Phẩm kém Tô Hải vài tuổi. Tiếng đàn tiếng hát của anh lính Tô Hải làm xao xuyến người đẹp miền sơn cước, và làn da khóe mắt cô Phẩm như làm anh lính đẹp trai, lắm chữ, đàn hay hơn hát hay hơn. Là người từng trải yêu đương, ông Hùng thấy giữa cặp trai tài gái sắc này đã lập lòe ngọn lửa tình có cơ bùng cháy. Một hôm ông nói  với Tô Hải “Mày chớ dại mà hứa hẹn gì! Không được đâu! Đã hứa mà không giữ lời với họ là có khi tiêu đời đấy con ạ”.
    
     Đột nhiên có lệnh điều động trung đội phó Tô Đình Hải đi học trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Tô Hải nhớ lại: “Những ngày tôi chuẩn bị lên đường Phẩm không đi làm nương. Nàng cứ loanh quanh bên tôi như chờ tôi nói một lời hứa hẹn, một lời tỏ tình gì đó. Nghe lời ông  Hùng tôi miễn cưỡng im lặng về mối tình mà tôi ấp ủ bấy lâu với Phẩm, người con gái có đôi mắt mà đến khi từ giả cuộc đời có lẽ vẫn in hằn trong tâm  khảm. Nó sáng, nó đen, nó long lanh, nó nói hơn cả những điều cần phải nói bằng lời. Lúc chào mọi người lên đường, tôi cố tìm đôi mắt ấy lần cuối nhưng không thấy. Cô vô tình đến thế sao?  Hay cô đang nằm khóc vùi trên nhà sàn? Tôi bận rộn tìm lại đôi mắt huyền của Phẩm đến mức chẳng còn nghe thấy lời chúc mừng của anh em cơ quan và đồng bào trong bản. ..Lòng buồn nặng trĩu vì cuộc chia tay không hoàn chỉnh, tôi bước đi về hướng Chồng Mâm, Chợ Giời”…
     Sắp vén quần để chuẩn bị lội qua con suối đầu tiên của chín con suối độc thì nghe tiếng gọi anh Hải. Thì ra Phẩm đón đường tôi ở chân dốc này. Cô nói “Bọ Hùng bảo em ra đón anh ở đây”. Cuộc gặp gỡ có sắp xếp này té ra chính là sáng kiến của ông Hùng hét!  Hai đứa gặp nhau cứ như đã thổ lộ tình yêu, đã hẹn hò thề ước gì rồi. Phẩm trao cho tôi một gói xôi gạo cẩm, một chiếc vòng bạc, và nói trong tiếng nức nở “Anh Hải đi học thành tài, đánh Tây xong, nhớ về Thung Gio…lâu mấy em cũng đợi!”.
     Trời Hòa Bình  hôm ấy quá mù ra mưa, chàng trai Tô Hải quay lưng  giả từ người yêu về trường võ bị. Chân bước ra đi mà trái tim ở lại, anh hát thầm cho chính mình nghe: “Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi, và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời”.  Trong người lính 20 tuổi Tô Hải, hai bên đường anh đi, sau cả dãy núi Kim Bôi kia nữa là hình ảnh: “Một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trắng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh”. 
      Ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC theo bước chân người lính - nhạc sỹ Tô Hải - hình thành và hoàn thiện ngay trên đường đi.  Đêm liên hoan đầu tiên của tiểu đoàn chiêu sinh “ Tôi đã thả hồn trong tiếng đàn và hát lên sự thật của trái tim mình cho anh em khóa sinh nghe.  Họ im lặng đến kỳ lạ rồi xuýt xoa khi nghe tôi buông xuống câu   “Đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi”, họ vổ tay kéo dài và hét lên bis! bis…”
      Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC của nhạc sỹ tài năng Tô Hải vẫn làm ta xao xuyến bồi hồi, ca khúc không già theo năm tháng vì nó là tình yêu, mà tình yêu thì không có tuổi.

(Mời bạn vào nghe ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC do ca sỹ Khánh Ly trình bày)

(Nguồn: Hồi ký của nhạc sỹ Tô Hải)

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

YÊU NHAU







Ai đã đọc thơ văn trên ghế nhà trường đều biết điển tích “Chim liền cánh cây liền cành”. Tôi chỉ nhắc  lại đây vài hàng.
    Trời đất, thuở nào đó không rõ, sinh ra một guống chim kỳ lạ: Mỗi con chỉ có một cánh và một mắt. Muốn bay, hai con phải chắp cánh lại với nhau, một mắt thành cặp, một cánh thành hai. Ấy là định nghĩa của tình yêu. Tương tự như trong huyền thoại Hy Lạp cổ: một nữa của đàn ông là đàn bà, một nữa của em là anh, hai nửa tìm nhau. Tình yêu là vậy. Như chim liền cánh.
      Cây liền cành là chuyện của một thiếu phụ hái dâu. Nàng là thứ dân, nhưng nàng xinh đẹp, ông vua mê. Ông là vua, cho nên ông tự cho ông mọi quyền, kể cả quyền cướp vợ của dân. Ngươi chồng uất ức, tự vẫn. Người vợ bị triệu về kinh, vua muốn cưỡng bức. Người vợ nói: Muôn tâu bệ hạ, chuyện ấy được thôi, nhưng xin bệ hạ thong thả chút xíu, để thiếp này tắm gội, thay áo cho thơm. Áo quần tươm tất, hình hài thơm tho, nàng ngửa mặt lên trời vái hai lạy, rồi nhảy xuống từ từ lầu cao. Trong thi thể, nàng đã viết sẵn một lá thư xin được chôn chung một mộ với chồng. Ông vua ganh cả với người chết, hạ lệnh chôn hai mộ khác nhau. Vài ngày sau, giữa hai mộ mọc lên một cây, cây ấy lớn dần, cành lá quấn quýt.
      Bạch Cư Dị  đem tích ấy vào thơ, cho hiện hồn trong lời thề thốt giữa đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi:
Trên trời nguyện hóa chim liền cánh
Dưới đất làm cây nhánh dính liền
       Người  khuê phụ trong Chinh Phụ Ngâm cũng gửi tình yêu của mình như vậy đến chồng đang chinh chiến phương xa:
Thiếp xin về kiếp sau này
Như chim liền cánh như cây liền cành.
        Chuyện xưa, ai cũng biết. Nhưng cũng lạ:  Con người phải mượn chim, mượn cây để định nghĩa tình yêu. Vậy tại sao lại chặt cây, phá rừng, giết chim, bắt thú để nhậu? Trong cái hứng của tích xưa, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ đầu năm, mong những người yêu nhau cũng biết yêu tình yêu nơi vạn vật, yêu sự sống quanh mình.

Năm ấy, vào cuối thu, một người bạn mời tôi về cái cốc của anh để săn vịt trời. Cốc dựng lên giữa đầm lầy, trước mặt mênh mông lau sậy, hai bên rập rạp cây cao, nơi mỗi năm một lần, vào cuối thu, các giống chim thiên di bay về trú chân một đêm, trước khi tiếp tục viễn du ngàn dăm nữa. Tôi yêu sông nước nhưng đặc biệt đầm lầy quyến rủ tôi hơn cả vì dáng bí mật của nó, nhất là vào chiều hôm, khi sương mù phủ nhòa cảnh vật, gió rì rào như nói chuyện với ai trên bông lau, trời thấp xuống gần mặt nước, các ngôi sao run rẩy như ướt lạnh.
     Anh bạn đợi tôi trong cốc. Bước vào mắt tôi chạm ngay các chiến lợi phẩm treo trên vách để trang hoàng và chắc cũng để phô trương tài xạ thủ của chủ nhân : nào bồ nông, nào mỏ nhát, gà rừng, diều hâu, cú mèo, cò, vạc, vịt trời…la liệt đủ loại. Dường như chừng ấy cũng chưa đủ để nói lên hào khí của tay thiện xạ, bạn tôi bận một chiếc áo cánh rằn ri da báo và đội một cái mũ bằng da hải cẩu. Chúng tôi ngủ một giắc ngắn, thức dậy lúc ba giờ, ra khỏi cốc để đi đến điểm hẹn. Trời cuối thu nhưng lạnh rút gân, đất cứng như đã chết, không khí đặc quánh làm  khô rốc lá cây, côn trùng câm miệng, không rên rỉ được một lời.  Mặt trăng cuối đêm nhợt nhạt treo trên không, tỏa một làn ánh sáng mơ mờ như hấp hối, buồn tênh. Chúng tôi lầm lũi đi bên nhau vài chùng xuống dưới sức lạnh, miệng cóng, tai như sắp gảy, hai con chó sắn chạy phía trước, hơi thở phì ra đầy khói. Đến nơi quen chỗ chúng lao thẳng vào thẳng vào một túp lều tranh mọc giữa lau, canh bờ nước. Nước đã đông ngắt như đá, lau sậy khô queo, túp lều lộ ra giữa hoang vu như một bộ xương thời tiền sử.
     Lạnh quá tôi chịu không nỗi, chui ngay vào chăn vẫn còn run. Ngửa mặt lên trời, vầng trăng vẫn còn đó, như không đủ sứ để di chuyển. Bổng nhiên tôi ho, ho một trận dài như thể hai lá phổi báo động sắp đầu hàng, không thở được nữa. Bạn tôi sợ quá chạy ra ngoài, bao nhiêu lá khô anh mang hết vào nhóm lửa, anh lẩm bẩm: “Thôi thế là hết săn!”. Bởi vì đây là chuyện tối kỵ trong nghề săn, lửa sáng lên sẽ làm chim thức giấc sớm quá, khi trời chưa sáng, súng chưa thấy đích. Mà thực vậy, lửa vừa bốc lên, một tiếng kêu thảng thốt, lạc lỏng thét lên ngay trên đầu chúng tôi, tưởng chừng như một tiếng gọi hồn vẳng lại từ thuở hoang sơ trái đất. Tôi vùng ra khỏi chăn, tuôn ra cửa, bổng khựng lại trước một cảnh tượng kỳ vĩ chưa bao giơg thấy: mây hồng rạng đông hiện ra ở chân trời, đầm lầy như vừa dậy lại sức sống. Bạn tôi hét lên: “Tắt lửa”. Trên những vết mây hồng bắt đầu đậm nét, in hình bóng đen của những cặp cánh vịt trời bay qua lượn lại từng vòng. Một tia chớp lóe lên, “đoàng đoàng”, bạn tôi vừa nổ phát đầu.  Hai con chó lao đi như tên bắn. Vịt bay tán loạn. Tôi nổ súng. Bạn tôi bắn lia lịa. Chó lao đi bên tả. Chó lao bên hữu. Chó chạy đi. Chó chạy về, miệng ngậm con vịt lông thấm máu, mắt mở trừng trừng nhìn tôi như muốn hỏi nguyên do.
       Ngày sáng dần, mây hồng bắt đầu nhường chỗ cho nền trời xanh. Một tia sáng chọc thủng chân mây, rọi sáng một vùng thung lũng đằng xa. Chúng tôi chuẩn bị ra về với đầy ắp chiến lợi phẩm, bổng hai con chim. Cổ vươn dài, cánh giăng thẳng, xẹt qua trên đầu tôi. Tôi nả súng. Một con rơi xuống ngay chân. Nó nằm ngửa, hai chân có quắp, bộ lông ngực trắng xóa đẫm đầy máu. Trên không, ngay trên đầu tôi, một tiếng chim gọi xuống, bi thảm, ngắn, xé ruột. Một tiếng, rồi hai tiếng, ba tiếng, tiếng gọi bay giờ nghe như than khóc, nảo nuột. Vừa kêu con chim vừa quay cuồng trong màu xanh của bầu trời, nhìn bạn nó trong tay tôi. Bạn tôi quỳ gối, tỳ súng vào vai, mắt sáng quắc như nẩy lửa, nhắm qua nhắm lại, chờ con chim bay đến gần. Anh nói: “Cậu vừa hạ con mái con trống không rời nó đâu”. Đúng vậy, con trống cứ vờn quanh chúng tôi, kêu thảm thiết với trời đất.  Hình như nó biết bạn tôi đang nhắm nó, nó tránh mũi súng, có khi bay thật xa, mất hút trong bầu trời như để mũi súng kia hạ xuống, nhưng lát sau quay về, vù đến. Bạn tôi ra lệnh: “Cậu đặt con mái xuống đất đi, nó sẽ đến tìm”. Con chim đến tìm thật, hạ thấp xuống như muốn đậu bên bạn, bất chấp họng súng hờm sẵn. Súng nổ. Con chim rơi thẳng một đường xuống đám lau. Con chó lao đến…
    
   Người trong chuyện không phải là tôi mà là văn hào Maupassant của Pháp, tôi chỉ tóm tắt chuyện để nhắc tích xưa. Để thấy rằng: người xưa và người nay hiểu tình yêu không khác. Cùng sống, cùng chết với nhau, dâu cùng hái, cánh cùng bay,  tình yêu là vậy, vạn vật cũng như người.  Rồi để thấm thêm một điều này nữa: tình yêu không có cái chết. Dù thân xác có chết, tình yêu vẫn sống. Tình yêu chính là sự sống. Ai bảo hai con chim đã chết? Chúng nó đang yêu nhau trong lương tâm những người nổ súng. Ai bảo vợ chồng người hai dâu đã chết? Hãy xem họ quấn quýt nhau trong cây.
     Xin gửi chuyện này đến những người đang yêu nhau.   

Cao Huy Thuần
Giáo sư đại học Pháp       


Đọc tiếp ...