Phong cảnh xã Kỳ Nam, Hà Tĩnh , phía bắc đèo Ngang
Hoành sơn quan trên đỉnh đèo Ngang
Đền thờ bà chúa Liễu Hạnh dưới chân đèo Ngang (phía Quảng Bình)
Con gái Ngọc Tú và một số bạn ở ngân hàng Ngoại thương th. ph. HCM đề nghị Bu giải thích bốn câu ca dao:
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm
Có phải là hò đối đáp không ? vì nêú là hò đối đáp thì tại sao trong cùng một thời điểm mà truông nhà Hồ và phá Tam Giang lại có ý nghĩa phủ định lẫn nhau ? Truông là gì? nội tán là gì ?
Bu trả lời và xin được các Blogger bổ sung thêm, vì không dám qủa quyết là mình nói đúng.
Trước hết xin nói rằng 4 câu các bạn hỏi có trong sách "Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam" của Vũ Ngọc Phan in lần thứ 7 năm 1971. Tôi hồ nghi tính xác thực của nó vì vào năm cuối cùng của thế kỷ 19 học giả Ngô Giáp Đậu viết sách "Hoàng Việt long hưng chí" có dẫn 4 câu ấy như sau:
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm
Tôi nghĩ "thương anh em cũng muốn vô" như Ngô Giấp Đậu viết có lý hơn, vì thời đó thanh niên đàng ngoài vào đàng trong nhiều hơn là thanh niên đàng trong ra đàng ngoài. Một số đi theo chúa Nguyễn tính kế vạn đại dung thân, số khác đi theo đoàn quân chúa Trịnh vào chinh phạt chúa Nguyễn. Người vợ xa chồng muốn vô thăm nhưng hễ ra khỏi nhà là sợ, huống chi phải vượt qua truông nhà Hồ với phá Tam giang là những nơi nguy hiểm. "Lệnh nghiêm" có lý hơn "cấm nghiêm" vì quan nội tán chỉ thị mọi việc đều bằng lệnh. Và một lệnh có thể cấm nhiều thứ.
Theo truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế thì ngày xưa người ở phía bắc Hồ Xá muốn vào Huế có thể đi theo một trong hai đường. Đường bộ phải qua truông nhà Hồ (1) đường thuỷ phải qua phá Tam Giang (2). Nhưng cả hai đường đó dều là mối đe doạ đối với mọi người. Truông nhà Hồ là sào huyệt của một băng cướp, người đi qua đó bị chúng bắt nộp tiền mãi lộ, có khi bị cướp của giết người. Còn phá Tam Giang là nơi gặp gỡ của ba con sông để cùng đổ ra biển, thường có sóng to gió lớn làm lật thuyền bè qua lại. Bởi thế trong dân gian mới có câu ca:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Thời ấy chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) muốn được an dân bèn sai quan nội tán (3) Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725)(4) dẹp cướp ở truông nhà Hồ và chế ngự sóng gió ở phá Tam Giang. Quan nội tán tổ chức một đoàn xe chở lúa đi qua truông và cố tình cho bọn cướp bắt cả người lẫn xe dẫn về sào huyệt. Trên xe, một người lính bí mật rải lúa xuống mặt đường. Đội quân truy cướp cứ lần theo vết lúa mà bao vây diệt cả bọn. Với phá Tam Giang quan nội tán huy động quân dân lặn xuống đào sâu ba cửa sông, mở rộng lối phá thông ra biển. Nước ba con sông đổ về thoát nhanh, mặt nước phá Tam Giang thu nhỏ lại, làm giảm độ sâu dẫn đến giảm sóng. Sợ dân chưa tin vào biện pháp trị thuỷ đó, quan cho loan truyền trong dân chúng rằng quan nội tán sẽ dùng súng thần công tiêu diệt thần sóng. Mọi người sợ thần sóng không bị diệt sẽ nổi giận gây hoạ khôn lường. Nhưng đến ngày giờ đã định quan nội tán cho nổ ba loạt súng thần công, lửa chớp, khói bay mù mịt cả một vùng, dân chúng hoảng sợ nằm rạp sát đất. Đến khi định thần được thì thấy máu đỏ loang mặt phá và yên chí là thần sóng đã bị tiêu diệt. Thực ra quan nội tán đã cho người phục sẵn dưới nước, khi nghe súng nổ thì xả phẩm hồng ra. Quả nhiên từ đó phá Tam Giang không còn sóng dữ và cạn dần nên dân chúng còn gọi là phá Hạc Hải (5). Nổi lo qua truông nhà Hồ và phá Tam giang không còn nữa, dân gian mới thêm vào bốn câu trên hai câu:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm
Để trấn an khách phía bắc Hồ Xá vô Huế và ghi tạc công lao của quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng.
Như vậy, 4 câu ca dao:
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truôngnhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm
Không phải là hò đối đáp tức thời mà hai câu trước và hai câu sau được dân gian sáng tác cách nhau một thời gian khá xa.
(1) Truông nhà Hồ: Theo từ điển tiếng Việt: Truông là vùng đất hoang, rộng, có nhiều cây cỏ. Ông Vũ Ngọc Phan trong "Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt
(2) Phá Tam Giang: Phá là vùng nước mặn có dãi đất ngăn cách với biển, thông ra biển bằng một dòng nước hẹp. Tam Giang là ba con sông lớn của Thừa Thiên Huế: sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương. Ba sông này đổ vào phá, phá thông ra biển bằng cửa Thuận An. Phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền, hình thành cách nay khoảng 2000 năm, là hệ thống đầm phá thuộc loại lớn của thế giới và lớn nhất Đông Nam Á. Phá có chiều dài 68 km, rộng 2-3,5 km, diện tích mặt nước 22.000 ha.
(3) Nội tán: Theo trí nhớ đã từng đọc ở đâu đó thì nội tán là chức quan chuyên dạy học cho con cháu nhà vua. Chưa tìm được từ điển giải thích từ này. Các sách "Quan chế học chế nhà Nguyễn", "Quan chức nhà Nguyễn " cũng không thấy nói đến
(4) Nguyễn Khoa Đăng: sinh 1691, là cháu bốn đời ông Nguyễn Đình Thân quê ở Hải Dương. Ông Thân theo Nguyễn Hoàng vào nam nhập tịch ở huyện Hương Trà thuộc Thừa Thiên Huế, đổi họ thành Nguyễn Khoa. Năm 1722 Nguyễn Khoa Đăng được thăng hàm nội tán kiêm Án sát sứ, coi hết các việc quân quốc, định lại điều lệ. Quan nội tán là người thanh liêm chính trực bị một số nịnh thần ghen ghét và lập mưu giết chết khi ông mới 35 tuổi (1725)
(5) Hạc Hải: Hạc là cạn, hải là biển. Hạc Hải là biển cạn, tên gọi khác của phá Tam Giang sau khi nó cạn dần (huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình cũng có một phá tên là Hạc Hải)
Bác Bu tra cứu kỹ thế rồi, anh em làm gì còn khe hở để nhét thêm chữ hoặc nghĩa cơ chứ !
Trả lờiXóaNhững điều bác nói ở trên đều phù hợp với những cái em đã được đọc qua. Chỉ bổ sung thêm tí xíu chỗ danh từ TRUÔNG.
Phương ngữ miền Đông Nam bộ còn lưu nhiều vết tích danh từ Truông, như ở Bình Dương quê YS giờ vẩn còn các địa danh như Truông mười tám, Dốc đầu truông...chẳng hạn.
Theo các bô lão thì Truông dùng để chỉ khu gò, trên đó là rừng chồi và có đường cái quan đi ngang. Có thể nhiều truông nằm liên tiếp nhau và phân cách nhau bằng con dốc trên đường cái quan.
Vài dòng thô thiển.
Tiếng Việt phong phú ghê cơ...Truông ..?
Trả lờiXóaCâu này khá phổ biến.
Trả lờiXóaBác Bu giải thích đúng quá còn gì. Nhưng tại sao Truông này lại gắn với nhà Hồ hả bác?
Đọc thú vị :-))
Trả lờiXóa@Bạn TORO
Trả lờiXóa- Bu có viết trong phần giải thích ghi chú đại ý: "Nhà Hồ khi lên nắm quyền (1400-1407) có di dân đàng ngoài vào và đặt quân đồn trú tại nơi mà ngày nay gọi là Hồ Xá. Hồ chỉ họ Hồ, xá là nơi ở (như ta vẫn nói bệnh xá, ký túc xá)
@ Bạn Yên Sơn:
Trả lờiXóaDo việc Bu đọc sách "Địa danh Việt Nam" của ông Đinh Xuân Vịnh có thống kê số truông ở Việt Nam: truông Bát, truông Trẩy (Hà Tĩnh), truông Bổn, truông Khấp, truông Mèn, truông Sắt, truông Thành (Nghệ An), truông Mây (Bình Định), truông Nhà Hồ (Quảng Trị). Nhận thấy cả 9 truông ấy đều ở miền trung nên yên chí là chỉ miền trung mới có từ truông. Cảm ơn bạn đã cho biết Bình Dương cũng có từ truông như thế.
@bác Bu:
Trả lờiXóaChẳng những Bình Dương, mà ở Tây Ninh, ngoài TRẢNG ra cũng có nhiều Truông, tôi chỉ nhớ được có mỗi Truông Mít...nằm trên đường lên núi Bà Đen.
Còn vài cái truông nữa, nhưng bất chợt không kịp nhớ lại.
"Trào Minh-mạng năm 1720, Ngài vào cai-trị từ đất Quảng-Nam cho đến Phú-Yên. Trong ba năm ngài được phong chức Nội-Tán, coi hết công việc trọng-đại trong nước, cả quân-sự và dân-sự, được phong là Tổng-tri Trung-ngoại Quân-quốc Trọng-sự, tự đặt ra lệ luật mà cai-trị ở các xứ ấy...".
Trả lờiXóa"Ông được bổ vào Văn Chức Viên, đời Chúa Hiếu Minh, Nguyễn Phúc Chu ( 1691-1725). Năm Canh Tỵ 1720, Chúa Nguyễn phái Ông vào Quảng Nam, Phú Yên, dinh điền lập ấp. Năm Nhâm Dần 1722, Ông được thăng chức Nội Tán, kiêm Án Sát Sứ, Tổng - Tri Quân-Quốc Trọng-Sự, thân định điều lệ.
Ông đã tỏ ra biệt tài trong bốn việc chính yếu của nền cai trị thời xưa là: Kiều (cầu cống) - Lương (lương thực) - Đạo (đạo tặc) - Lộ (đường sá).
Theo Trang thông tin họ Nguyễn Khoa được viết bởi cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm trên đây thì, Nội Tán chắc không phải là chức quan chuyên dạy học cho con cháu nhà vua đâu anh Bu ạ.
Cái này là "trúng tủ" bác Bu rồi, đọc thấy viết cặn kẽ lắm.
Trả lờiXóa* Bạn anhkim01
Trả lờiXóaBạn đã rất kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu ông Nguyễn Khoa Đăng.
Trong đời ông hình như có dạy học nhưng Bu xác nhận chức nội tán không phải để phong cho ông quan làm nghề giáo học. Riêng điều này bạn hoàn toàn đúng. Ông mất năm 1725 đến năm 1802 Gia Long mới lên làm vua thì con vua đâu hồi ông còn sống để mà dạy?? Suy từ nghĩa đen hai chữ nội tán thì thấy rằng: Nội: Ở trong, đối lại với chữ ngoại (ngoài)....Tán: giúp, cổ xúy lên, phụ họa vào...(ta vẫn gọi tham tán ngoại giao). Công việc của hai ông quan nội tán trong lễ tế Nam Giao là: Xướng ở phía trong, mời vua lên lễ bàn thờ, quỳ dâng hương và đứng dậy....(ngoài 2 nội tán có thêm hai ông ngoại thông tán nữa...). Đọc mấy tập "Những người bạn cố đô Huế" ta có thể hiểu rất kỹ ông quan nội tán triều Nguyễn làm công việc gì. Bu chỉ lấy làm lạ không có từ điển nào, sách nào định nghĩa gảy gọn nội tán là gì.
Đọc bài này mới hiểu rõ câu ca dao trên, thật là hay bác Bu ạ!
Trả lờiXóaÔng nội tán Nguyễn Khoa Ðăng này cũng rất giỏi về kiều lộ giống anh Bu đây!
Trả lờiXóaÔng này giỏi kiều lộ, giỏi cả thủy lợi nữa.
Trả lờiXóaNhững cầu như cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Vĩnh Tuy thì chắc ông chào thua ...hihihihi.
Hic, con chỉ biết ghé thăm chú rồi....ngồi đọc thôi hà!
Trả lờiXóaBuổi tối thật vui chú nhé!
Bác Bu đổi lại cái tít đầu bài đi nhé:" Thương anh em cũng muốn vô" chứ không phải "thương em anh cũng muốn vô"- Một sự "nhầm lẫn" có chủ ý đây :))))))
Trả lờiXóaHị hị...bác Bu bị "bắt giò" trúng...bắp vế.
Trả lờiXóa* Bạn thuthuy và bạn Yên Sơn
Trả lờiXóaThương em anh cũng muốn vô là câu trong sách "Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam" của Vũ Ngọc Phan in lần thứ 7 năm 1971 được Bu lấy làm tựa cho bài viết, chứ không có gì nhầm lẫn cả. Tuy nhiên Bu cho rằng viết như ông Nguyễn Giáp Đậu trong sách "Hoàng Việt Long hưng chí" vào cuối thế kỷ 19 hợp lý hơn. Bởi nhà Hồ nắm chính quyền đưa quân ngoài bắc vào miền trung đồn trú. Só thanh niên trai tráng ngoài bắc vào nam để vợ con ở lại quê nhà. Người vợ nhớ chồng mới nói là Thương anh em cũng muốn vô".
Quả tình Bu tui thiệt thà như đếm, hoàn toàn không nhầm lẫn và càng không chủ ý nhầm lẫn làm gì cả. Mong hai bạn thương tình xét cho.huhuhu!
Thương em anh cũng muốn vô, hoặc thương anh em cũng muốn vô, ấy là câu nói của người Đàng ngoài nhớ thương người vợ (hoặc chồng) phải đi xa vào Đàng trong. Tôi chỉ hơi thắc mắc một chữ thôi, ấy là chữ "vô", chữ "vô" bây giờ là của người miền Nam hay dùng, trong khi người miền Bắc dùng chữ "vào", coi tường thuật bóng đá thì rõ, bóng chui vô lưới ông tường thuật của VTV la lớn "Vào...", vậy ngày xưa người Đàng ngoài cũng nói "vào" là "vô"?
Trả lờiXóaNgười miền bắc thời bấy giờ hẳn cũng biết người nam nói vào là vô. Lại phải vần với chứ Hồ ở câu dưới nên nói luôn thương anh em cũng muốn vô. Đấy là Bu nghỉ vậy
Trả lờiXóaĐang say rượu, lẻ ra không được phép xen vô câu chuyện đang ngọt giữa bác Hiệp và bác Bu...
Trả lờiXóanhưng em muốn nói 1 câu.
Chữ "VÔ" là của người miền Nam, là điều không thể chối, vậy câu "anh...muốn..vô" hay "em..muốn...vô" là câu của 1 anh (chị) người...miền Trung.
@nguyenyenson, chắc bác nguyenyenson nói đúng đấy.
Trả lờiXóaVà câu chuyện như thế sẽ hơi khác như chuyện bác Bu đã dẫn trong entry, nghĩa là người vợ Đàng ngoài có chồng phải vào Đàng trong (đi làm lính thú chẳng hạn), muốn vào thăm chồng nhưng sợ đường sá (đường bộ lẫn đường thủy) nguy hểm, cách trở...
Trả lờiXóaChuyện sẽ như thế này, xưa có anh học trò xứ Huế ra kinh đô Thăng Long ứng thí, trong thời gian ở kinh đô thì anh học trò... cua được một em gái Thăng Long (có thể là cô hàng nước chè xanh má lúm đồng tiền ở cổng trường thi), thi xong anh học trò phải về quê, dĩ nhiên là có cảnh chia tay bịn rịn, cô hàng nước hẹn hò... tái ngộ ở Huế. Hẹn thì hẹn thế nhưng thời ấy đường xá xa xôi trắc trở chưa có Việt Nam e lai, xe khách có giường nằm Hoàng Long, hay xe lửa, lẫn tàu du lịch cánh ngầm... cho nên mãi anh học trò xứ Huế chẳng thấy tăm hơi cô hàng nước đâu, và cái câu "Thương anh em cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang...", là câu của anh học trò xứ Huế ta thán cho hoàn cảnh của mình, chứ thực ra cô hàng nước ấy có biết truông nhà Hồ với phá Tam Giang là như thế nào đâu, hihi!
Vấn đề của bác Bu viết trong bài hay quá, làm kẻ chả biết gì như cháu cũng nhấp nhổm muốn góp lời. Vậy cháu cứ "tán" đại đi nhé, hihi
Trả lờiXóaVấn đề thứ nhất - "Em muốn vô" hay "Anh muốn vô" ?
Thử đặt câu ca dao trở lại bối cảnh văn hoá của nó, nghĩa là chừng thế kỷ 18 hay 19 gì đó. Tại thời điểm ấy, tư tưởng Tống nho (cựu nho) đang suy tàn ở nơi nó sinh ra (Trung Hoa) nhưng lại đang thịnh ở ta (Ta luôn dùng những học thuyết chính trị đã lỗi thời của thế giới). Tư tưởng ấy ảnh hưởng đến các cá thể như thế nào. Cháu tin rằng người đàn ông không được "bình đẳng" như bây giờ. Nghĩa là đàn ông không được "Thích yêu thì nói rằng yêu, không yêu thì nói một điều cho xong". Họ phải là những người "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" hay ít ra cũng thể hiện bên ngoài là thế. Đàn ông lúc bấy giờ mà thể hiện tình cảm nam nữ quyến luyến là đàn ông vứt đi, yếu đuối. Hãy xem thơ Nguyễn Bính "Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng", "Kẻo đây rồi chúng bạn cười, rằng em nhan sắc cho người si mê". Nói vậy không phải đàn ông thời xưa không có tình cảm. Các cụ cũng như bây giờ thôi, nhưng phải giấu, chỉ được thể hiện điều đó trong...buồng. Vậy nên, ca dao mang đậm chất nữ, chất trữ tình. Thường tình cảm thể hiện qua tâm trạng người con gái. Nào là "Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu", "Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người", v..v.. Ngay cả thơ Hồ Xuân Hương cũng vậy, đậm một chất nữ cho dù người sáng tác không phải một mình nữ sỹ họ Hồ. Nhiều nam nhân mượn dòng thơ này mà sáng tác chứ không phải do chính bà viết. Ca dao cũng thế. Chắc chắn nhiều bài là của đàn ông, nhưng mượn danh phụ nữ. Có thế, câu ca mới "thuận nhĩ" xã hội, mới đi vào lòng người thời bấy giờ. Vậy nên, câu ca dao bác Bu nêu, dù anh hay ả sáng tác thì chắc rằng cũng là "em muốn vô"
Vấn đề thứ hai - "vô" là đi hướng nào ?
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, có một hiện tượng là: Người ta luôn nói "Ra bắc, vào nam, xuống đông, lên đoài". Xứ Đông là miền biển, xuống là đúng rồi. Xứ Đoài là miền trung du, đất cổ, lên cũng chẳng cần thắc mắc gì. Riêng cụm "ra bắc, vào nam" có nhiều đàm luận. Cháu đọc được mấy giả thiết thế này:
GT thứ nhất: Người ta nói "ra" là đi ra ngoài, "vô/vào" là đi vào trong. Nước ta trước đây có hai phía để đi là phía nam và phía bắc (tây vướng trường sơn, đông vướng biển). Xuôi về Đèo Ngang, các nước nhỏ được coi như phên dậu cho Đại Việt, vẫn triều cống Đại Việt. Đi về phía đó coi như đi về nhà mình. Chỉ có sang Trung Hoa mới là đi "nước ngoài", đi ra.
GT thứ hai: Trải qua các triều Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các vua chúa càng về sau càng nhiều xuất tích từ xứ Thanh Nghệ. Nếu như nhà Lý có thể từ Mân Việt (nay thuộc Trung Quốc), nhà Trần có thể gốc tích xa xôi Phúc Kiến thì nhà hậu Lê từ Thanh Hoá, chúa Trịnh, nhà Nguyễn ở Tống Sơn, Gia Miêu. Tây Sơn từ Bình Định... Các tập đoàn này tiến ra Bắc, lấy Hà Nội/Thăng Long nhưng đúng là "ra", còn "vào/vô/về" là phía Nam. Mấy trăm năm đã hình thành một nếp ngôn ngữ chưa phai mờ.
GT thứ ba: Sự hằn rõ nhất trong ngoài là Đàng Trong và Đàng Ngoài. Có lẽ hai danh từ này cũng có can hệ gì đó trong Giả thiết 2 đã nêu. Và do vậy, người ta "vô" là "vô" Đàng Trong
Tạm kết luận rằng "người con gái" trong bài ca dao "muốn vô" phía Nam
Mấy điều thu lượm lõm bõm, cháu tán tỉnh cho vui, mong bác Bu chỉ giáo
Tán thành ý kiến của Le te 2009 về việc "em vô" :)
Trả lờiXóaVề thành ngữ cửa miệng "Vào Nam ra Bắc", là do tự ngàn xưa, ông cha ta đã quan niệm cương vực nước Việt nằm ở phía nam Trung Hoa. Về phương nam là về nhà, "Chim Việt đậu cành nam" hay phía nam là "đàng trong".
Phân biệt và khẳng định rằng nước lớn Trung Hoa ở phía bắc là nước người, phải luôn đề phòng nó sang cướp bóc, chớ "đéo" có 16 chữ vàng gì hết...!
Xin lỗi, mượn từ "đéo" bên entry của bác GiaoGia (http://giaogia.multiply.com/journal/item/171/171?replies_read=9) để nhấn mạnh ý (không có hàm ý thô tục)
@ Ban Lê Tê
Trả lờiXóa- Rất đồng ý với bạn là VN ta ảnh hưởng Tống Nho, và chỉ có Tống Nho mới dung hòa được với Phật giáo để làm nên bản sắc văn hóa Việt. Cụ Sào Nam Phan Bội Châu có nói trong Khổng học đăng :" Tựu trung có một điều thật lạ, từ Đường sắp lên Phật với Nho như giá với than không thể nào dung hợp được, mà từ Tống trở về sau lại khác hẳn "Tính lý học"của nhà Nho và "Tâm tính học" của nhà Phật thường thường pha lộn màu với nhau mà thành ra thức đồ ăn ngon tột cổ kim".
Trong cái "thức ăn" ấy vẫn tồn tại một quy định khắt khe về quan hệ nam nữ. Cha mẹ dạy con "nam nữ thụ thụ bất thân", nhưng tình yêu nam nữ là bản tính con người, Lê Tê bảo người con gái không được công khai nói lên "thương anh em cũng muốn vô" ? Thực ra họ còn táo tợn hơn thế, ca dao dân ca Vn ghi lại cho hậu thế những câu mà ta đọc lên cũng ngỡ ngàng:
Lẳng lơ đeo nhẫn cho vừa
Nhẫn rơi thì mất lẳng lơ vẫn còn
Lấy chồng chẳng biết mặt chồng
Đêm nằm tơ tưởng nghỉ ông láng giềng
Ngồi buồn vuốt bụng thở dài
NHớ chồng thì ít nhớ trai thì nhiều
* Chữ Vô như bạn phân tích Bu hoàn toàn nhất trí.
@ Bạn Yên Sơn
Trả lờiXóaNgười Nam nói vào là Vô là điều rõ ràng rồi, tuy nhiên người từ Thanh Hóa vào hết đất trung bộ cũng nói vào là Vô. Như Bu đã nói: Hồ Xá là nơi người họ Hồ ở (Ở QB có các vùng Lê Xá, Trần Xá là nơi họ Lê và họ Trần ở) Tuy nhiên đợt di dân lớn từ đàng ngoài vào đàng trong xẩy ra trong thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh. Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam sử lược rằng: "Năm mậu ngọ (1558) đời vua Anh Tông, Trịnh Kiểm mới tâu cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Bấy giờ những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính ở đất Thanh, Nghệ nhiều người đưa cả vợ con theo đi". Trong đoàn quân nam tiến ấy hẳn nhiên có những chàng trai không được đưa vợ đi theo, lại có những chàng trai có vợ chưa cưới càng không được đi theo. Thương anh em cũng muốn vô là tâm sự những người phụ nữ này. Cho nên nói như bạn, VÔ ở đây là tiếng miền trung, Bu nhận là phải.
@ Bạn PNH
Trả lờiXóaNgoài có tài chụp ảnh ra, bạn còn có tài viết kịch bản nữa.
Thắc mắc về chữ VÔ của bạn mở ra những thảo luận vô cùng bổ ích. Thực tình lâu nay cứ đọc vanh vách, bây giờ có người nêu ra mới thảo thảo luận cho ra nhẽ.
Nhà ngôn ngữ học xuất sắc Cao Xuân Hạo có nói: Phong ba bảo táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Ông Hạo đưa ra một nhận định táo bạo và làm Bu hoang mang " Sở dĩ việc dạy ngữ pháp tiếng Việt trong nhà trường của ta hoàn toàn thất bại là vì nội dung đem ra dạy chính là ngữ pháp tiếng Pháp chứ không phải ngữ pháp tiếng Việt, tuy dùng thí dụ bằng tiếng Việt" . Xem thế thì đôi khi chúng ta không hiểu được nhau đang viết gì cũng không lấy gì làm lạ. huhuhu!
Chắc em sẽ trở lại đọc entry này cùng các comment sau vì đã đến giờ em làm cơm trưa và thăm mấy khu vườn của em bên facebook rồi.
Trả lờiXóaHôm nay em mới ngồi đọc kỷ lại bài, thấy được nhiều điều mà mình chưa biết, nhất là những câu comment rất hay, đúng là dọc entry và các comment nhà anh là được mở mang nhiều điều mà bản thân có nhiều thiếu xót trong hiểu biết.
Trả lờiXóa