Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

DƯỚI BÓNG CÂY CƠ NIA





Đoàn công tác của bu dưới bóng cây Kơnia, QL27 năm 2000



Cứ mỗi lần nghe ca sĩ Măng thị Hội hát bài Dưới bóng cây  Kơ nia bu tui lại thẫn thờ có khi cả buổi.  Thẫn thờ vì nhớ Tây Nguyên, nhớ một chuyến công tác cách nay trên mười năm, bu dừng xe dưới mấy gốc cây cơ nia trên một đỉnh dốc gần đèo Chuối thuộc quốc lộ 27, mở to ca khúc Dưới bóng cây cơ nia lời thơ Ngọc Anh nhạc của Phan Huỳnh Điểu cho cả đoàn nghe. Nhạc quyện vào lời, lời quyện vào tiếng lá cây Kơ nia rì rào ngay trên đầu mình như thổn thức, như  nghẹn ngào, làm  cả đoàn ngồi lặng.  Bu thấy cay cay  khóe mắt nghĩ đến nhà thơ Ngọc Anh, một nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơ nia tuyệt vời, là một nghệ ỹ vô danh.
    Ngọc Anh và Nguyên Ngọc là học sinh nhập ngũ cùng  một ngày, cùng làm lính, làm phóng viên mặt trận, rủ thêm Nhật Lai nữa lên Tây Nguyên, vì hăng hái, vì lãng mạn, vì thích phiêu lưu mạo hiểm. Ba ông lang thang khắp Tây Nguyên suốt thời kỳ đánh Pháp, làm đủ thứ việc không tên và có tên:  Đánh giặc, làm rẫy, đi vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền…cả rong chơi la cà trong các buôn Ê đê, Giarai, Mơnông, Sêđăng, Triêng Dẻ, Cor…Trong ba người thì Ngọc Anh đẹp trai nhất, đẹp đến nỗi có lần đóng kịch hóa trang giả làm con gái, Nguyên Ngọc đứng cạnh bổng lúng túng  ngượng ngùng đến đỏ mặt như đứng cạnh một giai nhân.  Thế nhưng trong ba người thì Ngọc Anh là Tây Nguyên nhất, Nguyên Ngọc tự nhận “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên. Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu” (1). Tập kết ra bắc Nhật Lai đã thành nhạc sỹ tiếng tăm, Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, còn Ngọc Anh  âm thầm về Ban Dân tộc Trung ương làm một cán bộ nghiên cứu. Có lần Nguyên Ngọc giục viết gì đi chứ, Ngọc Anh chỉ cười.  
 

*
*  *

     Khoảng 1956 1957, trên các báo rải rác thấy đăng một số bài thơ  Tây Nguyên, bên dưới chỉ ghi “Dân tộc Bana”, “Dân tộc Êđê” kèm theo dòng chữ nhỏ hơn trong ngoặc đơn “Ngọc Anh dịch”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay “Chính tôi mãi về sau này mới biết chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. “Bóng cây kơnia” là bài hay nhất. Lạ lùng thay, tôi phải viết hàng mấy trăm trang hì hục để có một chút gì đó Tây Nguyên. Ngọc Anh chỉ viết:

Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc

***
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ

***
Rể mày uống nước đâu?
Uống nước nguồn miền Bắc

***

Bài thơ được phổ nhạc, làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, cũng làm rung động cả những dân tộc ngoài biên giới Việt Nam khi nghe ca sỹ Măng thị Hôi đến biểu diễn.  Nhà thơ Ngọc Anh đã gieo hạt kơnia vào mỗi tâm hồn Việt Nam,  mọc thành cây  xanh tươi, tỏa bóng mát cho rất nhiều thế hệ.  Ấy vậy mà  mỗi lần trình bày ca khúc Dưới  bóng cây kơnia người ta chỉ nói vắn tắt “Sáng tác của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu”, Ngọc Anh trở thành vô danh.

*
*  *

        Năm 1964 nhà thơ Ngọc Anh hy sinh dưới chân núi Ngọc Linh huyện Đak Glei phía bắc tỉnh Kon tum.  Hai mươi ba năm sau chị Xoa vợ nhà thơ Ngọc Anh  cùng con trai tên là Bắc vào tìm hài cốt chồng.  Cuộc tìm kiếm được sự giúp đỡ của các vị lãnh đạo Gialai và Kontum diễn ra ròng rã trong  sáu tháng trời.  Đến một buổi trưa, ở chân núi Ngọc Linh, trong một làng của người Cor, anh cán bộ công tác thương binh xã hội của tỉnh thắp nhang khấn vái, cầm rựa đi chặt một mắt tre làm chén tạm rót rượu bổng vấp một hòn đá nằm sâu trong đám lá mục. Anh moi tiếp lá mục quanh hòn đá thì phát hiện ra đá được xếp theo hình chữ nhật, ra ngày ấy  những người lính chôn cất đồng đội đã cẩn thận xếp đá quanh mộ để đánh dấu…cho ngày hôm nay! Chị Xoa còn nhận ra được chiếc  răng sâu bên trái hàm trên của người chồng chị chỉ được chung sống trước sau vẻn vẹn có bốn mươi ngày…Mộ Ngọc Anh bây giờ đặt ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn Quảng Nam. Tấm bia bia nhỏ ghi dòng chữ đỏ:

Liệt sĩ Ngọc Anh
Nhà văn
     
Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định “Trong danh sách tất cả hội viên Hội nhà Văn Việt Nam trước nay kể cả những người đã mất do Ban công tác hội viên của Hội lưu trử đến nay có tất cả 592 người. Không có tên Ngọc Anh”.  (1)
    Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơnia tuyệt vời là một nghệ  sĩ vô danh.

***********

 Mời bạn thưởng thức ca khúc Dưới bóng cây kơnia, thơ Ngọc Anh nhạc Phan Huỳnh Điểu theo địa chỉ sau: 




(1) Theo Tản mạn nhớ quên của Nguyên Ngọc 



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

NĂM TỴ NÓI CHUYỆN RẮN






Trong tất cả các loài động vật thì rắn duyên nợ với con người sớm nhất.  Phần Sáng thế của kinh Cựu ước cho hay khi Thiên chúa tạo ra nhân loại đầu tiên là ông Ađam và bà Eva thì đã có rắn.  Bà Eva vâng lời Thiên chúa  nhắc nhở về trái cấm “Các ngươi không được ăn, không được động tới kẻo chết”. Nhưng rắn bảo với bà Eva “Chẳng chết chóc gì đâu…ăn trái cây đó mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ như những vị thần biết điều thiện điều ác”.  Quả đúng như thế, vừa ăn xong trái cấm bà Eva liền chạy núp vào chỗ kín vì xấu hổ thấy mình trần truồng…Nếu quả đúng thế thì ngày nay con người phải biết ơn rắn, nhờ nó mà chúng ta biết xấu hổ, biết lẽ phải trái, thiện ác trong ứng xử.        
    Với các nhà khoa học thì rắn là động vật bò sát thuộc bộ có vảy, một nhánh của nhóm thằn lằn biến đổi thích ứng với chuyển vận bò bằng bụng và nuốt con mồi có kích thước lớn.  Một số loài rắn có hố má ở vào khoảng giữa mắt và mũi, chứa nhiều nút thần kinh, có thể phân biệt nhiệt độ đến mức chênh lệch 0,2 độ C ở khoảng cách vài ba centimet.  Hiện đã biết trên ba ngàn loài rắn xếp trong mười họ như trăn, rắn hai đầu, rắn mống, rắn da cóc,  rắn nước, rắn biển, rắn đuôi kêu…Rắn sống trên đất, trên cây, ăn chim, thú, thằn lằn….rắn biển ăn cá, rắn nước ngọt ăn ếch nhái, thịt rắn ăn được, da để thuộc, nọc đọc làm thuốc. Ở Việt Nam hiện có 140 loài trong đó có nhiều loài rắn độc như  rắn hổ mang, rắn hổ chúa, rắn cạp nong, rắn mai gầm,  rắn cạp nia, rắn lục…Rắn sinh sản bằng trứng, ấp bằng cách gạt trứng  thành đống  rồi cuộn tròn phủ lên. Riêng rắn biển đẻ con.  Rắn biển còn gọi là đẻn có cấu tạo đặc biệt để sống trong nước. Toàn thân dẹt, đuôi hình mái chèo, lỗ mũi có van chắn nước lọt vào trong.  Vùng quanh họng có các tuyến với hệ thống mao mạch phát triển có khă năng hấp thu oxy hòa tan trong nước.
             Rắn có mặt trên toàn thế giới và trở thành biểu tượng văn hóa riêng cho từng dân tộc. Người  Pícmê  vùng nam Camơrun vẽ rắn thành một vạch thẳng, xem nó là con đường, nhưng là đường sống, đường không có khởi đầu, không có kết thúc, nó có thể kéo dài bất tận về phía này hoặc phía kia. Nhưng khi sống động dậy, nó có khả năng biểu hiện mọi thứ, hóa thân thành mọi thứ.  Trong khi nhiều nơi cho  rắn là con vật có xương sống hiện thân cho tâm hồn hạ đẳng, cho cái tâm tăm tối, cho cái không bình thường, khó hiểu, huyền bí, thì tại Ấn Độ những người phụ nữ muốn có con phải nhận một con rắn hổ mang làm con nuôi. Người Tupi- Guarani ở Braxin thì cầm một con rắn quật vào háng người phụ nữ vô sinh để họ trở thành mắn đẻ. Ngoài ra, rắn canh giữ linh hồn trẻ con mà chúng phân phối cho loài người lần lượt theo nhu cầu của họ. Ta đến bất cứ ngôi chùa khơme nào cũng thấy biểu tượng con  rắn nhiều đầu được trang trí ở các góc mái, lan can, cột cờ, hình tượng  giống như rắn hổ mang, với cái mang phình ra rất to, trong đó 9, hoặc 7 hoặc 5 đầu rắn.  Người Khơ me ở Cam phu chia cũng như  ở Nam bộ Việt Nam gọi rắn là naga.  Theo truyền thuyết thần Naga là một công chúa có thân cốt rắn, luôn luôn ở trong ngôi tháp vàng, đêm đêm hiện thân bảo vệ cho nhà vua Khơ me. Người Khơ me Nam bộ cho rồng và rắn chung một loài, rắn là rồng nhỏ,  rắn lớn  là rồng.  Trong truyền thuyết phật giáo nói chung cũng cho rằng thần Naga 7 đầu che chở cho thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới gộc cây bồ đề để sau đó thành Phật.
      Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, người Việt còn thờ một số động vật như chim, rắn, cá sấu. Dân gian có câu “Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” . Thực ra hình tượng con rồng linh thiêng biểu trưng cho nòi giống tiên rồng của người Việt mang đầy đủ hai nét đặc điểm của cá sấu (đầu, vảy, chân) và rắn (thân dài). Do sự họ hàng gần gũi này mà âm lịch đã đặt cặp thìn - tỵ (rồng - rắn) đi cạnh nhau.  Một số bản tính của rắn được ám chỉ cho tính cách con người xuất hiện nhiều trong thành ngữ người Việt. “Thẳng như rắn bò” “lò dò như rắn mùng năm”. Với những kẻ bịa đặt khác sự thật là “Vẽ rắn thêm chân”. Phường tráo trở miệng nói ngọt mà lòng dạ độc ác là “Khẩu Phật tâm xà”. Với những kẻ phản bội tổ quốc, xem kẻ thù là bạn hữu được cho là “cõng rắn cắn gà nhà”… Quan hệ xã hội, sự phân chia giàu nghèo, giữa trọng và khinh,  được người dân ý thức, nhắc nhở nhau: “Khó khăn ở quán ở lều, bà cô ông cậu chẳng điều hỏi sao. Giàu sang ở tận bên Lào, hùm tha rắn cắn tìm vào cho nhanh”. Rắn có mặt duy nhất một lần trong  truyện Kiều của Nguyễn Du, đấy là khi nàng Kiều rơi vào thanh lâu lần thứ hai, có ý định trốn thoát “Thân ta ta phải lo âu, miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”. Trong các cuộc hò đối đáp giữa  trai gái  thôn quê, rắn cũng có mặt. Cô gái cất lời đố “con gì không chân đi năm rừng bảy rú, con gì không vú nuôi chín mười con”, anh con trai dáp lại “Con  rắn không chân đi năm rừng bảy rú, con gà không vú nuôi chín mười con” . Trong tình yêu nam nữ không chỉ có hoa lá trăng sao mà có cả.. rắn. Đã thương nhau thì theo nhau cho tới cùng “Đôi ta như rắn liu điu, nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau”. Yêu là tương tư, là thương nhớ “Con quạ đen, con cò trắng. Con ếch ngắn, con rắn dài. Em trông anh trông mãi trông hoài. Trông cho thấy mặt thân này mới yên”. Cũng có lúc giận dỗi trách nhau ngay cả khi không còn sống trên đời “Con rắn hổ đất nằm trên cây thục địa. Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên. Trách anh bạn tình gian dối đảo điên. Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em”.
         Vùng sông nước Cà Mau, U minh, có  nhiều loài rắn, người ta đặt hẳn một bài lô tô thống kê các thứ rắn và đặc tính của chúng, “U Minh nước đỏ/ Choại, dớn, cóc kèn/ Ăn ở cho hiền/ Dạo chơi với rắn/ Bất kỳ sâu cạn/ Rắn nước, rắn râu/ Bay trên trời cao/ Rắn rồng uốn khúc/ Chạy ngang chạy dọc/ Rắn ngựa phóng theo/ Hút gió thiệt kêu/ Là con rắn lục/ Mái rầm lục đục/ Bò chậm như rùa/ Mổ xuống bất ngờ/ Hổ mây ẩn nấp/ Coi chừng nó quất/ Là con rắn roi/ Ra đồng dạo chơi/ Là rắn bông súng/ Đựng đầy một thúng/ Là rắn cạp nia/ Ăn rồi ngậm nghe/ Hổ hành nấu cháo. Thực ra cháo rắn chỉ là một trong nhiều món ăn chế biến từ rắn. Ngoài ra còn các món như rắn nướng trui, rắn hầm sả…Rượu ngâm rắn còn dùng làm thuốc trị mỏi gối,  đau lưng, thận hư, khí nhược. Bình rượu gồm bộ ba mai gầm, rắn ráo, cạp nong, gọi là tam xà tửu. Thêm cặp rắn lục và cạp nia là ngũ xà tửu.  Càng nhiều rắn càng quý nhưng thông thường cũng chỉ đến 7 con - thất xà tửu.
    Nam bộ có nhiều rắn, nhiều tửu đồ nhậu rắn, nhưng có hẳn một làng chuyên nghề bắt rắn, nuôi rắn, tạo ra văn hóa ẩm thực rắn, làm hàng mỹ nghệ từ da rắn phải kể đến làng Lệ Mật ở Gia Lâm Hà Nội.  Ở đây người người bắt rắn, nhà nhà nuôi rắn, chế biến rắn.  Có thể nói Lệ Mật là trung tâm rắn lớn nhất miền bắc. Vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm làng tổ chức lễ hội rất rầm rộ. Khắp trong đình ngoài làng trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt đủ loại, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Phần hội diễn ra sôi nổi với trò múa rắn hết sức độc đáo. Con rắn được làm bằng nan tre bọc vải màu sặc sỡ tượng trưng cho thủy quái mà chàng trai họ Hoàng thời nhà Lý hạ gục, chàng được làng tôn làm thành hoàng. Trong lễ hội có hàng ngàn con rắn khắp nơi trên cả nước đến dự thi. Tiêu chuẩn thắng cuộc để giành vương miện là rắn to, rắn dài, rắn đẹp, hay rắn lạ .
      Những người tin vào thuật Phong thủy và triết lý Âm dương Ngũ hành cho rằng những đứa bé sinh vào năm Quý tỵ 2013 có tương lai tốt đẹp và gặp nhiều may mắn. Các bậc bố mẹ  hãy cứ tin  như thế, vì tin vào điều tốt đẹp vẫn còn hơn là  không tin vào gì cả .  


Đọc tiếp ...