Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

CÂU CHUYỆN NGUYÊN TIÊU


Trăng nguyên tiêu ở Thiền viện Chơn không Vũng Tàu



Thỉnh chuông

Đọc kinh Sám hối lục căn chiều thượng nguyên



Phật tử đến làm lễ


Người đi xem chùa



Sắp tết Nguyên tiêu bu tui vui chân thiền hành vào một nhà sách ở Vũng Tàu. Khách khứa vào ra tấp nập. Người ta ít mua sách mà chủ yếu mua tranh ảnh, và các bức thư pháp chữ  Hán, như chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm,  Đức, Nhẫn. Cô bán hàng có khuôn mặt ưa nhìn, tuy không biết chữ Hán song cũng thuộc được ngần ấy chữ để quảng cáo và giải thích cho khách hàng. Thế rồi người ta nhập về cho cô một hộp to thư pháp nữa.  Khi mở ra thì cô ngỡ ngàng không biết nó là chữ gì để giới thiệu cho khách. Một chàng trai cỡ hơn cô  vài tuổi thấy vậy thì muốn dồn cô vào  thế bí. Này em, cái chữ ấy là chữ gì nói cho anh biết để anh mua vài bức về treo tết Nguyên tiêu. Cô gái đỏ mặt lúng túng như gà mắc tóc, có vẻ như muốn tìm điện thoại để hỏi ai đó. Bu thấy tội nghiệp cô bé và nói với hai người: Đấy là chữ "xã" ( ) các cháu ạ. Nghe thế, cả cô lẫn cậu ngạc nhiên, chàng trai hỏi bu, chữ xã trong từ bi hỉ xả của đạo Phật hả chú?  Không phải cháu ạ, chữ xả trong đạo Phật có tự dạng ( )  khác chữ xã này và nghĩa nó cũng khác. Xả trong đạo Phật là xả bỏ. Với con người, đó là trạng thái không vui không buồn, tâm thức vững chắc, nằm ngoài mọi phân biệt. Các cháu lưu ý, chữ xả trong xả bỏ có dấu hỏi, còn chữ xã trong bức thư pháp này khi viết tiếng Việt phải đánh dấu ngã. Cô gái bán sách thật thà: Chú ơi cái chữ xã này nó hay ho cỡ nào, thiệt tình cháu hổng có biết, chú nói cho bọn cháu nghe với. Anh chàng nọ nghe chữ "bọn cháu" từ khóe miệng tươi như hoa kia  thì ra vẻ khoái chí. Bu tui  đã lỡ nói thì nói nốt: Chữ xã này ta vẫn nói hàng ngày như làng xã, xã hội. …Ngoài ra nó còn chỉ cái đền thờ ông Thổ Địa. Cấu tạo chữ xã mang ý nghĩa nhân văn và xã hội vô cùng sâu sắc. Nó gồm hai phần, bên trái là bộ kì ( ) tức thần đất, biểu tượng cho tâm linh, bên phải là chữ thổ ( ) tức đất đai, tài sản. Một xã hội được gọi là tốt đẹp, hợp đạo lý khi dân chúng trong xã hội đó có cuộc sống vật chất đầy đủ, và cuộc sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Còn nếu vật chất quá đầy đủ, thừa mứa, mà cuộc sống tinh thần nghèo nàn, thì đó là xã hội vô đạo. Ta vẫn thường nói là đạo đức xã hội sa đọa, xuống cấp. Ngược lại một xã hội nặng về tâm linh nhưng nghèo nàn  vật chất thì dân chúng sống lầm than đói khổ, lại mơ tưởng toàn chuyện viển vông. Ta gọi là xã hội duy ý chí.
    Bu tưởng nói cho hai người nghe, ai ngờ nhiều người sau lưng bu khen hay lắm, hay lắm, và mua mỗi người một chữ về treo tết Nguyên Tiêu. Chàng trai nọ lại hỏi bu "vậy chú ơi, vợ chồng gọi nhau là ông xã bà xã thì có phải là  chữ xã này không?  Đúng , hoàn toàn đúng  cháu ạ. Còn tại sao lại gọi là ông xã bà xã nói ra thì dài lắm…Thế là cu cậu nhìn vào cô bán hàng gọi to lên , này bà xã ơi … à quên cô bán chữ xã ơi, bán cho anh hai chữ nào , hihihi. …Có ai đó trêu, cặp này mà làm ông xã bà xã thì đẹp đôi lắm rồi.. Mọi người lại cười lên vui vẻ.


Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

TRĂNG HAY LÀ LƯNG ?


Truyện Kiều bản cổ nhất-khắc in năm 1866
LIỄU VĂN ĐƯỜNG-TỰ ĐỨC THẬP CỬU NIÊN




Cột 18 "Một người một vẻ mười phân vẹn mười" 
Cột 20  " Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang"


Cột 813 "Chung lưng mở một ngôi làng"



Câu hỏi nghe lạ! Trăng ở trên trời, lưng ở phía sau bụng thì quan hệ gì với nhau, nhưng ở đời mọi việc kì cục vẫn có thể xẩy ra, thế mới thành chuyện nói cho vui …hihihi.
I - Bạn đọc truyện Kiều của Nguyễn Du mà xem:
Câu thứ 20, tả nhan sắc Thúy Vân có hai cách viết:
  • “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” và
  • “Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang”.
Lý giải vụ này cũng đa đoan lắm.
Chưa thống kê các bản kiểu cổ, nội trong tủ sách của bu tui đã có các bản Kiều sau đây:
A - Các bản Kiều có câu 20: Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

 1.Từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh (nxb KHXH -1974)   
 2. Truyện Kiều bản cổ nhất khắc in năm 1866 (chữ Nôm và chữ Quốc ngữ - nxb Nghệ An - 2004)   
 3. Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Lê Xuân Lít giới thiệu (nxb TN – 2004)    
4. Truyện Kiều Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích (nxb ĐH và THCN -1973)    
 5. Kim Vân Kiều bản dịch ra tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh (có in kèm chữ Quốc Ngữ, nxb Văn học -1994)   
 6. Truyện Kiều đọc ngược của Phạm Đan Quế (nxbTN – 2002)
B - Bản Kiều có câu 20 : Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang

1- Tìm hiểu truyện Kiều của Lê Quế ( sách dày 499 trang nxb Nghệ An 2004)
II- Tại sao có chuyện tréo ngoe trăng lẫn vào  lưng như vậy?
Do cấu tạo chữ nôm không theo một ngữ pháp chuẩn, lại do việc khắc in ngày xưa tùy tiện.
Để hiểu cho tường tận chữ nôm là không dễ. Bu tui chỉ nói vài dòng về loại chữ này để các bạn lâu nay không quan tâm đến nó có thể theo dõi vấn đề bu đang bàn tới. Nôm là Nam, chữ Nôm tức là chữ của người Nam. Chữ Hán ngày xưa chủ yếu lưu hành trong giới cầm quyền và các nhà nho dùng để trứ tác, xướng họa. Mà thực ra chữ Hán không đủ từ ngữ cho người bình dân sử dụng trong sinh hoạt và giao tiếp. Một số người hay chữ buộc phải dùng chữ Hán để “chế biến” ra chữ Nôm. Chẳng hạn để có chữ “lưng”, người ta dùng chữ nhục (thịt) cộng với chữ lăng (vượt). Để có chữ “trăng”, thì dùng chữ nguyệt (trăng) cộng với chữ lăng (vượt)… Do không có quy chuẩn của nhà nước hướng dẫn nên bắc, trung, nam, mỗi vùng viết mỗi khác, có khi trong một vùng lại viết khác nhau tùy quan niệm “người sáng tác” và phương ngữ nơi đó. Do vậy một từ có thể viết được nhiều cách. Như từ “lưng” có 8 cách viết, từ “ngài” có 8 cách viết, từ “trăng” có 4 cách viết... Dưới đây bu tui dẫn ra cách viết các từ: “lưng”, “trăng”, “ngài” “người” rút trong bản Kiều bằng chữ Nôm mà giới khoa học cho là cổ nhất, khắc in năm 1866.

Do chữ nhục và chữ nguyệt trong các bản Kiều được khắc in giống nhau nên chữ “lưng” và chữ “trăng” có cùng tự dạng, làm người này đọc “khuôn trăng đầy đặn” và người kia đọc “khuôn lưng đầy đặn” đều là có lý cả, vấn đề còn lại là tùy cách hiểu của mỗi người mà thôi
III - Vậy lưng đúng hay trăng đúng ?
1- Ông Lê Quế (trong sách Tìm hiểu truyện Kiều, nxb Nghệ An - 2004) cho rằng “khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang” mới đúng như cách nghỉ của Nguyễn Du. Ông lập luận, lúc Thúy Vân mới 22 tuổi mà thoạt nhìn người ta đã thấy trang trọng, đầy đặn, nở nang, đoan trang còn khi luống tuổi thì như một cây cù mộc, tất cả những từ ngữ đó gợi lên cảm giác về một thân thể chắc chắn, đầy đặn, có phần chậm chạp, thân trọng. Đấy là một người đàn bà có đủ chức năng sinh nở, làm vợ, làm mẹ, đảm đang công việc gia đình. Còn nếu đọc “khuôn trăng đầy đặn” tức là Thúy Vân có khuôn mặt tròn xoay như mặt trăng, trán thấp, cằm lẹm, tướng hãm, đã không đẹp lại còn ngố nữa.
2- Học giả Đào Duy Anh trong Từ điển truyện Kiều cho rằng phải là “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, ông giải thích: “ vành mặt tròn trĩnh và nét lông mày dài hơn bình thường là tướng của người phụ nữ phúc hậu. Tả tướng phúc hậu của Thúy Vân.
3- Bu tui cho rằng ông Lê Quế đã tuyệt đối hóa sự ví von trong mô tả văn chương. Khi Đặng Trần Côn viết trong Chinh phụ ngâm “Sương như búa bổ mòn gốc liễu” thì không ai cho rằng tác giả đã thấy giọt sương cũng bằng thép như lưỡi búa. Nhìn vào người phụ nữ chỉ thấy lưng và khả năng sinh đẻ không thôi thì thô thiển và thực dụng. Chắc rằng văn hào Nguyễn Du không viết thế.
4- Xét bản liệt kê ở mục a và b thuộc phần I thì trong 7 quyển sách của bu, đã có 6 quyển ghi “khuôn trăng đầy đặn”, 1 quyển ghi “khuôn lưng đầy đặn”, như vậy khuôn trăng đầy đặn tuyệt đại đa số, chiếm gần 86%
IV - Ngài hay là người
Xem trong bản Kiều Nôm cổ nhất cho đến nay in vào năm 1866 (xem ở đầu bài) thì chữ người (câu 18) và chữ ngài (câu 20) phân biệt nhau rất rõ:
* Câu 18: “Một người một vẻ mười phân vẹn mười”
Trong bản Nôm, chữ người ở vị trí thứ 2 đọc từ trên xuống gồm ½ chữ ngại + chữ nhân
* Câu 20: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”
Trong bản Nôm, chữ ngài ở vị trí thứ 6 đọc từ trên xuống gồm chữ trùng +1/2 chữ ngại
Như vậy ngài thay vì người đã được chính Nguyễn Du trả lời bằng văn bản, thiết nghỉ khỏi phải bàn luận.
Học giả Thạch Giang nói thêm : “Nét ngài, ngài tức com bướm tằm, đây nói nét ngài là bởi chữ tàm my (mày tằm) hay ngọa tàm my (mày tằm nằm) = nét lông mày cong, đậm mà thanh, Chỉ lông mày đẹp nói chung”


Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

BÀI THƠ ĐỘC ĐÁO CỦA VUA TỰ ĐỨC











Hoàng đế Tự Đức (1829-1883) là ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn, ông giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.  Đặc biệt ông rất thích thơ và làm nhiều thơ, để lại cho hậu thế một di sản thi ca phong phú và đồ sộ.  Những lúc rãnh rỗi nhà vua  thường đàm đạo thi ca với các quan đại thần. Đã có nhiều mẫu chuyện ghi lại sự việc này, dưới đây là một trường hợp như thế.  Một hôm nhà vua cao hứng đọc một bài thơ chữ Hán cho các đại thần nghe và bảo: Các khanh ghi lại xem có đúng ý ta không. Các quan  chuẩn bị bút lông mực Tàu, và nhà vua đọc:
   
Tiêu hà tá hán khởi ư phong
Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung
Bất luận huân tiêu phàn khoái lực
Hốt văn hàn tín tự tiêu vong

Các đại thần là những người thông thuộc sử sách nên không ai quay cóp ai, đều chép lại bằng chư Hán như sau:


Trong đó ý các quan là:
Tiêu Hà ( ): ?-193 tcn, là thừa tướng nhà Hán
Phong ():        Vùng đất khởi quân  của  Hán Cao Tổ
Phàn Khoái ( ): -189 tcn, là công thần khai quốc nhà Hán
Hàn Tín ( ): 229-196 tcn, là một danh tướng bách chiến bách thắng của nhà Hán
Bài thơ trên được dịch:

Tiêu Hà giúp Hán đất Bái Phong
Thành sự nhờ nơi tướng tài trung
Chẳng ỷ sức hơi Phàn Khoái mạnh
Nhờ tài Hàn Tín, đấng kiêu hùng

Đại ý rằng: Tiêu Hà giúp nhà Hán ở Phong Bái, không dựa vào sức mạnh của Phàn Khoái, chỉ cần tài năng của Hàn Tín là thành công.


     Xem xong bản chép của các đại thần nhà vua cười bảo: Các khanh chưa hiểu ý ta. Ta không nói lịch sử nhà Hán mà nói về…con muỗi. Các quan tá hỏa nhìn nhau, hóa ra nhà vua lợi dụng tính đồng âm dị nghĩa của chữ Hán để thử  tài linh hoạt của các đại thần.  Đồng âm dị nghĩa tức là đọc như nhau nhưng nghĩa khác nhau. Chẳng hạn:

tiêu, (trong tên Tiêu Hà):  Cỏ tiêu, cỏ thơm
tiêu, (ý nhà vua):  Cây chuối
hà,  (trong tên Tiêu Hà):  Tại sao
hà, (ý nhà vua):  Cây sen, đài sen
hàn (trong tên Hàn Tín)
 hàn (ý nhà vua): Lạnh
Như vậy bài thơ nhà vua đọc phải viết thành

  

Bài này đọc lên nghe âm không khác gì bài các đại thần đã chép nhưng dịch ra thì ý khác hẳn:

Bẹ chuối, đài sen nối cánh rung
Bay vào màn trướng quấy lung tung
Chẳng cần phải tốn công hun đốt
Tin lạnh vừa đưa tẩu tán cùng.

Không những nhà vua vận dụng tuyệt giỏi tính đồng âm dị nghĩa trong chữ Hán mà còn biết tường tận đặc tính loài muỗi là trời lạnh thì tẩu tán chớ người ta không cần đốt lửa hun khói làm gì.



Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

TRÒ CHUYỆN VỚI HOA MAI





- Mai vàng à, tôi tự thấy mình có lỗi với bạn nhiều quá.
- Trên một phần ba thế kỷ bạn không đoái hoài đến hoa mai tui, hình như bạn có định kiến… 
- Vâng, bốn năm liền từ tân dậu (1981) đến nhâm tuất, quý hợi, giáp tý (1984), đón mai vàng về, bu tui bị kẻ cắp cuỗm mất mỗi năm một chiếc xe đạp, dạo đó là một tài sản lớn của một người hưởng lương.
 - Trên 30 năm ấy bạn thỉnh lay dơn đỏ về thì có thấy vận đỏ gì hơn đâu, thậm chí…
- Đúng là mai vàng linh thiêng và thấu suốt nỗi niềm người đời.
- Lại bài ca không quên! Mới đây bạn còm vào bài “Nhất chi mai” của ông NANO và phụ họa ông Ruchung tán tụng mai vàng lên tận trời xanh chưa đủ sao.
- Thì tự ngàn xưa người đời vẫn liệt hoa mai vào hàng tứ quý, ngang tàng như thi nhân họ Cao vẫn nói ta chỉ cúi đầu trước hoa mai, huống chi bu tui là anh phàm phu tục tử…
- Chao ôi là tâm địa người đời, ngợi ca đó phủ phàng đó. Cũng ngôi chung cư mà bạn đang ở, tết năm ngoái một đại gia bỏ ra cả trăm triệu bạc thỉnh về một Lão mai Đại tướng quân. Cả nhà đại gia thi nhau chăm chút từng ngọn lá, từng búp hoa… Thế mà chưa đến lễ hạ nêu người ta  đã phanh thây Lão mai thành từng mẫu nhỏ thả vào hộp rác từ lầu 18 xuống đất…
- Làm sao bạn biết việc đó
- Thì hoa có hồn  như người mà.
 Đại tướng quân kể khi rơi xuống hố rác thì chỉ trong phút chốc cả 21 tầng lầu kia người ta tiếp tục đổ rác xuống tới tấp. Thân hình Lão mai ngập ngụa trong mọi thứ bẩn thỉu, hôi thối. Cụ nghe tiếng khóc nỉ non bên cạnh, hỏi ra thì một cô đào Nhật Tân cũng đang thịt nát xương tan.
-  Đời hoa ngắn ngủi thế, biết làm sao được.
-  Chắc bạn đọc Hồng Lâu Mộng thì còn nhớ nàng Lâm Đại Ngọc không nỡ dẫm lên cánh mai rụng mà gom chúng lại rồi đào huyệt mai táng…Ba trăm năm trước có người như thế vậy mà bây giờ…
- Mai vàng à, ba trăm năm sau Lâm Đại Ngọc con người xử sự với nhau nhiều khi còn tệ hại huống chi đối với hoa. Đã có chuyện một chiến sĩ đánh Mỹ ở trong nam bị báo tử nhầm, mấy chục năm sau anh ta trở về xin làm thủ tục được sống mà khó khăn lắm.
- Có chuyện ấy sao.
- Địa phương anh ta bảo, cậu cứ tiếp tục là liệt sĩ cho nó thuận lợi đôi đường. Địa phương đã làm lễ truy điệu cậu rất hoành tráng, vợ con cậu đã được lĩnh phụ cấp mấy chục năm nay. Bây giờ cậu sống lại thì địa phương truy thu khoản tiền ấy cậu có trả nổi không. Chưa nói giấy tờ trình cấp nọ cấp kia phải mất hàng năm mà chưa xong.
- Nhưng đó là ngoại lệ, còn xử sự kiểu vắt chanh bỏ vỏ với hoa mai hoa đào… thì phổ biến trên quy mô toàn dân.
- Bạn mai vàng trách cũng phải lắm, lần này bu tui hóa kiếp mai vàng theo cách hỏa táng. Cái gì bạn nhận của mặt trời thì thành ngọn lửa trả về trời, cái gì bạn nhận được từ đất thì tro than trả về cho đất thế là sòng phẳng. Mai vàng rồi được luân  hồi, để kiếp sau lại tiếp tục nở vàng cho đời thêm đẹp…

***
Một ngọn gió lọt qua cửa sổ làm các bông hoa rung rinh nhè nhẹ, bu tui nghe như có tiếng reo vui, có lẽ hồn hoa đang phảng phất đâu đây.

   

     
Đọc tiếp ...