Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

NHỚ, QUÊN...





Hai hình trên: Người dân thương khóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp


1- Sau khi nghe ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn trước linh cửu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên thiếu tướng, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nói: “Tôi thấy nếu không nói ông ấy là một vị anh hùng dân tộc thì đó là điều chưa thỏa đáng, chưa xứng đáng với công lao bất hủ của Đại tướng và cũng không xứng đáng với cống hiến to lớn của đại tướng với dân tộc” (1) Giáo sư Huệ Chi nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, giải thích về sự kiện ấy “Ông ấy không nói đến chữ anh hùng của ông Võ Nguyên Giáp thì dễ hiểu  bởi vì  ông ấy là con người sách vở, ông ấy thấy Đại tướng trước chưa được phong anh hùng  bao giờ cả thì ông ấy tránh đi không dùng chữ anh hùng”(2)
    Cũng lạ, nước Nam ta có tiếng ra ngõ gặp anh hùng.  Bà Nguyễn thị Suốt chèo đò ngang trên sông Nhật Lệ chở dân và bộ đội qua lại giữa  Bảo Ninh và Đồng Hới trong chiến tranh được phong anh hùng. Mà không chở thì bà sống bằng gì nếu không có thu nhập từ khách sang sông. Ông Võ Xuân Nở nhặt một trái bom bi quả dứa trên mặt đường ném xuống Bàu Sen cho một chiếc xe qua cũng thành anh hùng.  Hihihi, bom bi quả dứa rơi xuống chạm đất mà câm thì đặt nghiêng nó trên đe rồi dùng búa tạ đập vở nó cũng không nổ.  Dạo đó loại bom này mới xuất hiện, ông  Nở  không biết nguyên lý nổ của nó,  người phong ông ấy là anh hùng ở tận ngoài bắc ít chịu bom đạn càng không biết. Thôi, thế cũng được, ngoài lòng yêu dân yêu nước ra đôi khi người ta phải liều chút xíu mới thành anh hùng. Vậy tướng Giáp lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu, làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 20 chưa đáng là anh hùng sao. Nhà nước chưa phong anh hùng cho tướng Giáp do quên hay thấy công trạng ông chưa bằng bà Nguyễn thị Suốt và ông Võ Xuân Nở.  Hihihi dân đen bó tay chấm com.
2-  Điếu văn bác Trọng  thấy kê cứu nhiều chức vụ của tướng Giáp: “Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.(3) Ơ hay!!  Hóa ra bác tổng Trọng quên mất Năm 1983 ông (VNG) được Hội đồng Bộ trưởng phân công kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch”(4). Có thể do trăm công nghìn việc, lại xúc động lúc quốc tang bối rối làm bác Trọng quên chăng. Còn nếu bác nhớ mà không đọc chẳng hóa ra bác chống lại  quyết định bổ nhiệm của Đảng và Nhà nước cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp sao.  Hay là bác Trọng cho rằng năm 1983 các đồng chí của tướng Giáp đang nắm vận mệnh quốc gia bày ra cái chức đó để làm mất uy tín và hạ nhục vị tướng huyền thoại ?  Cả hai trường hợp bác quên, hay làm như quên, thì dân Việt Nam có chút thiện cảm với bác, cho dù cái giọng đọc điếu văn của bác  hơi khô khan không thể hiện sự xúc động tự đáy lòng.
3- Nhà văn Nguyên Ngọc có viết “Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó là hai lẽ sinh sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời”(5).  Bác tổng Trọng thực hiện triết lý này thiệt khéo khi đọc điếu văn  trước linh cửu tướng Giáp. Bác nhớ mà làm như quên, bác có vẻ quên mà thực ra vẫn nhớ… hihihi thế mới là đại chính khách của một quốc gia vậy.


(1), (2) www.bbc.co.uk/vietnamese
(3).   http://thethaovanhoa.vn
(4). Võ Nguyên GiápWikipedia tiếng Việt
(5). http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/mot-nguyen-ngoc-thanh-xuan-trong-but-ky-tay-nguyen-n20130120051405967.htm



Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

TRỜI ĐẤT



 
 Bà già xinh (trái) bà bu (phải)


Bulukhin với Vũng Tàu 2012


Bạn TTM có mỹ danh Bà già xinh, trước đây là người nhiệt thành với blog, mấy tháng gần đây bạn ấy đang thực hiện sự rổng không trong tâm tưởng, như cốt cách của cây tre:  “vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã hư tâm”. (Chưa nhô khỏi đất đã có đốt, vươn đến xứ mây ruột rổng không).

    Cách nay lâu lắm bạn ấy bảo anh bu viết cái gì đó về Trời và Đất, bu nhận lời và cho đến hôm nay mới trả nợ được cho dù chủ nợ có thể không… buồn đòi nữa hihihi

 
***

1- Trần Khánh Dư là một võ tướng đời Trần, chiến tích đánh giặc đầy mình, nhưng do quan hệ "trên mức tình cảm" với con dâu Trần Hưng Đạo nên bị kỷ luật về quê đốt than kiếm sống. Ông có bài thơ nói về nghề đốt than, với hai câu đầu :

Một gánh Càn Khôn quảy xuống ngàn
Hỏi rằng chi đó dạ rằng than
………

Càn là một quẻ trong Bát quái gồm ba vạch dương ( ) . Dịch kinh nói: "Càn vi thiên" tức càn là  TRỜI. Khôn cũng là một quẻ khác trong bát quái gồm ba vạch âm ( ). Dịch kinh nói: "Khôn vị địa" tức Khôn là đất. Vậy tại sao ông Trần Khánh Dư bảo than là Càn Khôn ? Vì nó gồm có TRỜI và ĐẤT. Nghe hơi lạ, nhưng đúng thế. Để có than người ta đốn cây rừng, sắp xuống  hố, đốt, khi không còn ngọn lửa nữa thì lấy đất lấp hố lại, chờ nguội đào lên sẽ có tro và  than. Ngọn lửa khi gỗ cháy là phần năng lượng cây nhận được của mặt trời, bốc lên trả về TRỜI. Tro và than là phần cây nhận được của đất, trả cho ĐẤT. Trời cao vời vợi, đất thấp lè tè, nhưng lại kết hợp với nhau chặt chẽ trong từng mẫu lá, từng nhành cây (cũng là kết hợp âm dương) để làm nên rừng - môi trường sống, làm nên cây ngô, cây khoai, cây lúa…nuôi sống con người  

2- Tạo hóa phân công trời đất rạch ròi lắm. Dịch kinh chồng quẻ Càn lên quẻ Càn để có quẻ Thuần Càn (xem hình1 ) tượng trưng cho TRỜI (như quẻ Càn trong bát quái),  chồng quẻ Khôn lên quẻ Khôn thành quẻ Thuần Khôn ( xem hình 2)  tượng trưng cho đất (như quẻ Khôn trong bát quái)
Dịch kinh giảng về quẻ Thuần Càn: TRỜI có đức "nguyên"  vì là nguồn gốc của vạn vật, có đức "hanh" vì làm ra mây, mưa, để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức "lợi" và "trinh" vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được nguyên khí.
Dịch kinh giảng về quẻ Thuần Khôn: Càn tượng trưng TRỜI, thì Khôn tượng trưng ĐẤT, Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận, Càn tạo ra vạn vật vô hình thuộc phần khí, phải nhờ Khôn vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn…
  
 Hình 1, quẻ thuần càn (trời)



 Hình 2, quẻ thuần khôn (đất)


3- Phật giáo không đưa ra khái niệm Càn Khôn như Dịch kinh mà vẫn chứng minh được  TRỜI và ĐẤT có trong mỗi xác thân.  Theo nhà Phật thì con người do Ngũ uẩn tạo nên. Ngũ uẩn là 5 nhóm tượng trưng cho 5 yếu tố:  sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thọ, tưởng, hành, thức, trừu tượng thuộc về tâm. Còn sắc là thân và 6 giác quan (lục căn). Thân lại được cấu tạo bởi Tứ đại tức 4 yếu tố: Đất, nước, lửa, gió.  Đất, nước là phần xương tủy và máu thịt (khi hoai mục sẽ thành đất). Gió là hơi thở, lửa là thân nhiệt 37 độ do trời tạo nên. Nhưng đấy là nói TRỜI ĐẤT của thế giới ta bà ta đang sống.  Phật giáo Đại Thừa cho rằng quả địa cầu chỉ là một điểm nhỏ trong vũ trụ bao la, không phải là nơi duy nhất có sinh linh, mà con người cũng không phải là chúng sinh duy nhất. Chúng sinh vô cùng vô tận, mà hệ thống tinh tú cũng vô cùng vô tận. Tùy theo nghiệp thiện hay bất thiện đã tạo, chúng sinh có thể tái sinh vào một trong 31 cảnh giới. TRỜI và ĐẤT trong mỗi cảnh giới ấy là chuyện bất tận ngôn, không thuộc vào câu hỏi của bạn TTM    

4- Học thuyết Nho giáo mà người khởi xướng là Khổng Tử cho rằng có Trời làm chủ tể vũ trụ, nó là một đấng có hình dạng, có tình cảm, có tư dục như người ta. Khổng Tử tin vào thiên mệnh nên ngài nói rằng "Bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử giã" (Luận ngữ) tức không biết mệnh trời thì không lấy gì làm quân tử. Nhưng Lão Tử lại phủ định việc nhân cách hóa TRỜI ĐẤT. Với con mắt  của LảoTử, trời và đất là sự tồn tại của tự nhiên, nó không có yêu ghét giống con người, càng không phải chúa tể của vạn vật, vạn vật tuân theo quy luật vận hành của thiên nhiên mà phát triển trong TRỜI ĐẤT. Lão Tử và Trang Tử nhất trí nhau ở chỗ : Hợp nhất với TRỜI là Đạo, thích ứng với ĐẤT là Đức, thực hiện ở vạn vật là Nghĩa. Các ngài còn cho rằng:  Nghĩa gồm ở trong Đức, Đức ở trong Đạo, Đạo gồm ở trong TRỜI (Trang Tử của Nguyễn Hiến Lê)

5- Trong sách Hoàng cực kinh thế của Thiệu Khang Tiết (1011-1077 thời bắc Tống) có luận về TRỜI ĐẤT: " TRỜI bởi động mà sinh ra, ĐẤT bởi tĩnh mà sinh ra. Một động một tĩnh giao với nhau mà thành ra cái đạo TRỜI ĐẤT …Mặt trời làm nóng, mặt trăng làm lạnh, tinh làm ngày, thần làm đêm. Nóng, lạnh, tinh, thần, giao nhau là sự biến đổi của TRỜI ĐẤT.
…Cái lớn của sự động gọi là thái dương, cái nhỏ của sự động gọi là thiếu dương, cái lớn của sự tĩnh gọi là thái âm, cái nhỏ của sự tĩnh gọi là thiếu âm. Thái dương làm mặt TRỜI, thái âm làm mặt trăng, thiếu dương làm các ngôi sao, thiếu âm làm khoảng cao mờ trên trời. Nhật, nguyệt, tinh , thần, giao với nhau là cái thể của TRỜI. Thái nhu làm nước, thái cương làm lửa, thiếu nhu làm ĐẤT,  thiếu cương làm đá. Thủy, hỏa, thổ, thạch giao với nhau thành cái thế của ĐẤT vậy…(Nho giáo của Trần Trọng Kim )

6- Thiên chúa giáo cho rằng Trời và Đất do Thiên chúa tạo ra trong vòng 6 ngày, ngày đầu tiên gọi là thứ 2, ngày cuối cùng là thứ 7, sau đó chúa nghỉ giải lao gọi là ngày chủ nhật, đúng ra phải là chúa nhật, ngày của chúa.  Điều này được nói rõ trong Kinh Thánh, phần Cựu Ước trang 27 thuộc “Phần 1. Thiên chúa sáng tạo . Con người sa ngã”

7- Người Việt ta từ thuở xa xưa sống bằng nghề trồng lúa nước. Để có mùa màng bội thu thì mưa nắng đúng thời vụ và nước phân cần giống trên đồng ruộng là những yếu tố vô cùng cần thiết. Người nông dân tin có ông TRỜI, nên ngoài bàn thờ gia tiên còn có bàn thờ Trời trước sân nhà. Lại  có chỗ thờ ĐẤT biểu thượng bằng ông Địa ở góc nhà. Khát vọng của người dân quê thể hiện trong những câu ca:

Trông TRỜI trông ĐẤT trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

Hoặc

Lạy TRỜI mưa thuận gió đều
Cho đồng lúa tốt cho chiều lòng em

Trời đất xa nhau thế nhưng lại bị…
Hạt mưa dài mối lạt
Buộc Đất Trời vào nhau

Cặp TRỜI ĐẤT với nhà thơ đôi khi mang tính hài hước. Sinh thời Tản Đà ngày say nhiều hơn ngày tỉnh. Cái gì đối với ông cũng có vẻ như đang say xỉn, ông viết:

ĐẤT say đất cũng lăn quay
TRỜI say mặt cũng đỏ gay, ai cười?

Xuân Diệu có mấy câu thơ nói về ĐẤT :

Trái ĐẤT ba phần tư nước mắt.
Đi như giọt lệ giữa không trung

Trời Đất là chuyện to tát, nói mãi không cùng,  mong các bạn chỉ giáo thêm.




Đọc tiếp ...