Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

KINH KIM CANG NÓI GÌ ?

                                    Kinh Kim Cang, bản dịch từ Hán sang Việt

                    của Hòa Thượng Thích Thanh Từ (Thiền viện Thường Chiếu, Bà Rịa)

 

 

Bạn Huyền Trân viết vào Guestbook của Bu như sau:

.....Để vài hôm cho nhạt nhòa không khí Tết, rồi em sẽ được nghe những suy nghĩ về kinh Kim Cang qua lăng kính của Bác Bu nhé.

Trước hết phải nói với Huyền Trân và bạn bè là Bu không phải Phật tử, cũng chưa có ý định quy y tam bảo, chỉ đọc sách Phật cho biết vậy thôi.  Đạo Phật là một  nền giáo dục trí huệ để nhận biết rõ toàn triệt nhân sinh và vũ trụ. Học thuyết của Khổng Tử chỉ đề cập đến một đời người, từ khi sinh ra cho đến khi chết. Còn Phật pháp là nền giáo dục thông cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.  Bởi thế người ta không thể lấy cái trí học thông thường để xem xét, mà phải đặt mình vào một không gian khác, một hệ quy chiếu khác mới  hiểu được Phật pháp. Kinh Kim Cang (cũng gọi là kinh Kim Cương) là một trong những đỉnh cao của của tư tưởng Thích Ca.  Đây là quả bom nổ, làm  tan tành hai ngọn núi Kiến Chấp của chúng sinh. Cho nên Bu không dám nói là hiểu hết nó mà thuần túy tóm tắt dựa vào bản dịch của thầy Thích Thanh Từ. Do phải dùng nhiều chuyên ngữ nhà Phật khi tóm tắt nên Bu chú ý vào phần chú thích. Có thể với bạn đã am tường Phật pháp thì chú thích này thừa, nhưng Bu  nghỉ rằng  thừa vẫn hơn thiếu.

Sau khi đọc hết 32 đoạn kinh Kim Cang ta có thể tóm tắt các ý chính như sau:

1- Ta, người, chúng sinh  và tất cả mọi pháp (1) đều vô ngã (2)

2- Tất cả những gì ta thấy và biết được bên ngoài cũng như bên trong tâm (3) ta, kể cả Phật pháp đều là tướng (4), không thể chấp (5)

3- Lìa tất cả tướng tức là không chấp vào bất kì điều gì

4- Tướng tuy là vô ngã nhưng không thể đoạn diệt tướng vì trong tướng có tánh, tướng mất thì tánh mất

5- Tuy tướng không thể chấp, nhưng ta sống trong thế giới danh tướng (6), nên cứ phải tạm dùng danh tướng để mà nói với nhau và để hành động, như bố thí hay diệt độ (7)

6- Các pháp lành đều nên làm nhưng làm mà không chấp vào đâu, không chấp cả phước đức và vô thượng chánh đẳng chánh giác(8)

7- Kinh kim cang có thể tóm vào một câu cuối cùng “Không chấp các tướng như nhất động” . Nếu lại muốn tóm tắt câu này vào một chữ thì đó là “xả”(9)

Chú thích:

 (1) Pháp: Là một khái niệm quan trọng của đạo Phật có nhiều nghĩa:

- Quy luật bao trùm toàn thể vũ trụ, nhất là quy luật tái sinh dưới tác động của nghiệp.

- Giáo pháp của đức Phật, là người đã giác ngộ quy luật nói trên.  Đó là giáo pháp về sự thật tuyệt  đối. Người phật tử khi đã quy y tam bảo trong đó có quy y “pháp” chính là chấp nhận giáo pháp này.

- Giới luật trong đời sống tu hành

- Nội dung tâm thức, đối tượng của mọi quán chiếu, tư tưởng, sự phản ánh của sự vật lên tâm thức con người

- Những thành phần dựng lập lên thế giới hiện hữu, thuyết của Phật giáo thay thế cho tư tưởng “vật chất”, “nguyên tử” của triết học châu Âu

Tổng quát lại, người ta có thể hiểu pháp là “tất cả những gì có đặc tính của nó - không khiến ta lầm với cái khác - có những khuôn khổ riêng của nó, để nó làm phát sinh trong đầu óc ta một khái niệm về nó” (theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, lời dịch của Thích Nhất Hạnh) 

(2) Vô ngã: Quan điểm vô ngã là một giáo pháp quan trọng của đạo Phật, cho rằng không có một ngã, một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Theo đạo Phật, cái ngã - cái “tôi”- cũng chỉ là tập hợp của “năm  nhóm” gọi là ngũ uẩn, nó luôn luôn thay đổi, mất mát, và “tôi” chỉ là một sự giả hợp gắn liền với cái khổ. (Nói ngắn gọn về ngũ uẩn:  Là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, ngoài ngũ uẩn đó ra không có cái gì gọi là cái “ta”.  Năm nhóm là:  1) sắc: chỉ thân và sáu giác quan, 2) thụ: tức là cảm giác, 3) tưởng:  là nhận biết các cảm giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị...4) hành: là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng,  5) Thức: là bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)

(3) Tâm:  Là thuật ngữ quan trọng của đạo Phật có rất nhiều nghĩa (chỉ nói lên vài nghĩa cần thiết và dễ hiểu)

- Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt na (thức suy nghỉ và phân biệt) và Thức, (như  đã nói ở mục 5 trong ngũ uẩn). Tâm chỉ toàn bộ hoạt động của tâm trí.

-  Trong A tì đạt ma câu xá luận (là bộ luận quan trọng nhất của Nhất thiết hữu bộ do Thế  Thân soạn vào thế kỉ thứ 5 sau cn) thì tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới hiện tượng xuất hiện

(4) Tướng:  Là hình thù bên ngoài, được nhận biết do một trong sáu giác quan của thức (mục 5 trong ngũ uẩn)

(5) Chấp:  Là cầm, nắm, giữ, cũng có nghĩa khư khư giữ lấy ý kiến sai lạc của mình gọi là chấp nệ, chấp nhất, chấp trước. Vì chấp nên không thông đạt, chẳng sáng suốt,  chẳng tin tưởng vào chánh pháp, chẳng nghe theo lời lành của bậc thiện tri thức.

(6) Danh tướng: Tên gọi của tướng (xem mục (4): Tướng). Đừng nhầm với danh tướng là tên các tướng cầm quân trên trận mạc

(7) Diệt độ: Được dịch từ hai chữ Niết Bàn (nivana), đồng nghĩa với tịch diệt, bất sanh, vô vi, an lạc, giải thoát.

* Diệt là tiêu trừ nhân quả của vòng sinh tử,  luân hồi,  trừ diệt cái qủa của các mối khổ: Chúng khổ đều dứt, chẳng sinh ra nữa

* Độ là qua khỏi, tức qua khỏi bến mê mà đến bên lành, qua khỏi nguồn sinh tử, bên trầm luân.

(8) Vô thượng chánh đẳng chánh giác:  Là sự giác ngộ đến cùng tột, chỉ một vị Phật.

(9) xả:  Là xả bỏ, một trong những đức hạnh quan trọng trong đạo Phật. Xả có 2 nội dung:

a) Tình trạng không vui không buồn, độc lập với vui buồn

b) Tâm thức vững chắc, nằm ngoài mọi phân biệt. Trong kinh sách đạo Phật người ta thường hiểu theo nội dung này.

Xả là một trong bảy giác chi và bốn phạm trú (10)  Bảy giác chi  là nhóm thứ 6 trong 37 bồ đề phần. ( Bồ đề phần là những điều cần thiết để đạt bồ đề)  37 phần này được chia thành 7 nhóm như sau

(1)- Bốn niệm xứ

(2) - Bốn tinh tiến

(3) - Bốn Như ý túc

(4) - Năm căn

(5) - Năm lực

(6) - Bảy giác chi (cái ta đang nói đến )

(7) - Bát chánh đạo

(4+4+4+5+5+7+8 = 37)

Bảy giác chi gồm:

(1)   pháp (phân tích đúng sai...)

(2)   Trạch tinh tiến

(3)   Hỉ

(4)   Khinh an

(5)    Niệm

(6)   Định

(7)   Xả

(10) Bốn phạm trú  cũng được gọi là tứ vô lương tâm. Bốn phạm trú là:  Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỉ vô lượng, và Xả vô lượng, nói gọn là TỪ BI HỈ XẢ.

39 nhận xét:

  1. Bác Bu nghiên cứu kinh Kim Cang (và nhiều kinh khác) đến như vầy mà chưa là Phật tử thì hẵn là bác còn đang có vấn đề gì chưa thông. Nhưng bác Bu diễn giải hơi "khô" làm kẻ hậu sinh tầm tầm như em đọc có phần "ngắc ngoải" hìhì.

    Bác nói thêm về ảnh hưởng của Kim Cang đối với riêng bác nhé. "CHẤP" và "XẢ" đối với bác trước và sau khi nghiên cứu kinh Kim Cang có thay đổi nhiều không vậy bác? Những phiền não trong đời, bác vượt qua bằng cách nào? Đó cũng là tinh thần của kinh Kim Cang. Mong bác Bu chia sẻ !

    Trả lờiXóa
  2. …Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
    Có chữ rằng” Vạn cảnh giai không”…
    (Văn tế thập loại chúng sinh- Nguyễn Du)


    Trả lờiXóa
  3. Vậy mà lúc sinh thời trước khi tịch diệt nghe nói Đức Thích Ca đã thốt lên với các đệ tử đại khái, hồi nào tới giờ ta chẳng nói gì cả, và có lần nhà thơ Bùi Giáng cũng nói, không chấp không cũng phải chấp có, không chấp trước cũng phải chấp sau, huhu!

    Trả lờiXóa
  4. vậy mà nghe nói trước khi tịch diệt Thích Ca đã nói với các đệ tử, đại khái: hồi nào tới giờ ta chẳng nói gì cả! Và thi sĩ Bùi Giáng cũng thốt lên: không chấp không cũng phải chấp có, không chấp trước cũng cũng phải chấp sau, huhu!

    Trả lờiXóa
  5. Và hình như càng cố gắng tìm hiểu về Kinh Phật, cũng như Kinh Thánh, lại càng không thể làm Phật Tử hay Con Chiên Của Chúa được, haha!

    Trả lờiXóa
  6. Có phải ý chú nhắc đến câu nói sau trong kinh Lăng già không?

    "Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm, nhưng thực ra ta chưa nói một lời nào! "

    Trả lờiXóa
  7. Có phải ý chú nhắc đến câu nói sau trong Kinh Lăng già không?

    "Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm, nhưng thực ra ta chưa nói một lời nào! "

    Trả lờiXóa
  8. NÊN SỬA TỰA ĐỀ BÀI: "NHỮNG ĐIỀU TÔI HIỂU VỀ KINH KIM CANG" THÌ THÍCH HƠP HƠN.

    Trả lờiXóa
  9. Em đoán có lẽ Bu còn lấn cấn chổ này (?) ...Nếu thông được điểm này Bu sẽ có được lòng tin chăng?

    Trả lờiXóa
  10. Tự dưng chú nhấc đến Kinh, làm sáng sớm con lại muốn đọc kinh, nên đọc vài câu kinh rồi đi làm! :)

    "Khể thủ tam-giới Tôn,
    Quy mạng thập-phương Phật.
    Ngã kim phát hoằng nguyện:
    Trì thử Kim-Cang kinh.
    Thượng báo tứ trọng ân,
    Hạ tế tam đồ khổ.
    Nhược hữu kiến văn giả,
    Tất phát bồ-đề tâm.
    Tận thử nhứt báo thân,
    Vãng sanh Cực-Lạc quốc."

    Trả lờiXóa
  11. 1- Câu hỏi của HT nếu trả lời cho rốt ráo thì dài lắm, rồi Bu sẽ có một entrry vào một lúc nào đó để nói thêm ...Riêng việc “bác Bu diễn giải hơi khô” thì xin nói ngay rằng: Cái tên gọi kim cang nguyên nghĩa của tiếng Phạn là “Bài kinh về một loại Bát nhã ba la mật đa (sắc bén) có khả năng cắt đứt cả kim cương” Tức là phải dịch một từ gì đó để nói về loại vật liệu cứng hơn kim cương chứ không phải kim cương. H T thấy chưa? Nói về một thứ cứng hơn kim cương thì làm sao mà không khô cho được. Với lại kinh đó dùng nhiều thuật ngữ vốn dã khô như: tướng, pháp, vô ngã, vậy nói về nó không thể bằng những lời có cánh như nói về thơ tình hoặc tiểu thuyết mùi mẩn được.
    Như đã nói, Bu chưa định làm Phật Tử vì chưa hiểu hết cái cao xa vi diệu của Phật Pháp. Với lại, Phật tử là con Phật. nhưng là con Phật nào trong các ông Phật? Tạm cho qua các ông khác mà chỉ nói ông Thích Ca và ông A Di Đà thôi. Ông Thích Ca thì trích ngang lí lịch rất rõ ràng cho đến cụ tổ 7 đời, còn ông A Di Đà được đa số Phật tử VN tôn thờ thì mù mờ sương khói lắm. Đến nổi người ta phải mượn tạm ngày sinh của ông Vĩnh Minh Thọ Thiền sư ở bên Tàu làm ngày đản sinh cho ông! Lại nữa, ông ta là Giáo chủ Tịnh Độ Tông, là môn phái do nhà sư Tàu Đàm Loan sáng lập ra dưới triều đại nhà Đường thế kỉ thứ 7 cách ta 14 thế kỉ. Vậy thì những gì mà ông Thích Ca cách ta 25 thế kỷ đối đáp với ông A Di Đà như kinh Vô Lượng Thọ mô tả liệu có xác thực không? Đấy là nói sơ sơ cho vui, hẹn HT vào dịp khác trở lại vấn đề này.
    2- Bu sinh ra trong một một gia đình đại phong kiến, từ ông nội trở đi là quan đại thần nhà Nguyễn, giáo lý đạo Nho đi vào tế bào từ khi nào không biết. Phương châm sống của Bu không rời khuôn khổ truyền thống cha ông. Với Bu thì Hỉ Xả là “vui vẻ tha thứ những lỗi lầm người khác đã phạm đến ta, cũng như vui vẻ từ bỏ tất cả tài sắc đến ta nếu ta thấy cần, và thấy lợi cho người khác. Có tha thứ thì tâm ta mới thanh thản, an tịnh....” Đại khái thế.

    Trả lờiXóa
  12. Cụ Nguyễn Du không học Phật nhưng tuệ giác của cụ lớn lắm, được diễn đạt bằng những câu thơ: Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao,.. Tan sương đầu ngõ vén sương giữa trời.....Một mình biết, một mình mình hay ....

    Trả lờiXóa
  13. Tâm trạng của Bu vậy đó PNH ạ

    Trả lờiXóa
  14. Mấy câu ấy của phật tử Tịnh độ tông cầu về Tây phương cực lạc đấy. PNC Cứ niệm nhiều vào sẽ được A DI Đà đón về vãng sinh xứ sở của ông . Nhớ mang Laptop đi theo nhé, chứ sống với hương trầm, hổ phách, mã nảo, trên ấy cũng buồn...

    Trả lờiXóa
  15. Cảm ơn bạn dã góp ý kiến.
    Khi chọn tựa đề ấy, Bu tui cho rằng kinh Kim Cang nói thế thì tóm tắt lại thế, nếu mà sai thì sẽ có người phản bác có như thế mới vở ra nhiều cái để mà hiểu biết thêm. Cũng như bộ kinh này đã có các nhà sư sau đây dịch từ Việt ra Hán
    - Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
    - Hòa Thượng Thiện Hoa
    - Cư sĩ Đỗ Nam
    Nhưng Thầy Thích Thanh Từ vẫn tiếp tục dịch, chứng tỏ người sau chưa bằng lòng với bản dịch của người trước...

    Trả lờiXóa
  16. Bu chưa thông được để có lòng tin không phải từ khái niệm chấp. Thực ra Bu có tiến bộ trong cái sự chấp: Không giáo điều, không tin cái mà mọi người tin hay làm ra vẻ tin, nghĩa là theo triệt để phương châm "tín tận thư bất như vô thư" (tin sách một cách mù quáng máy móc thì coi như chẳng đọc gì cả - Mạnh Tử). Trong ứng xử với người đối diên thì theo phương châm "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên" (Ba người cùng đi chắc chắn có thầy ta ở đó- Khổng Tử) . Lí do chưa có được niềm tin mời nđnn đọc mấy dòng Bu trả lời Huyền Trân ở trên cùng.

    Trả lờiXóa
  17. Laptop theo để Blogging hả chú? :)

    Trả lờiXóa
  18. Thế mấy câu kinh đó trong cuốn Kinh Kim Cang của chú hỏng thấy ah?

    Câu đó có trong Kinh Kim Cang-Bát Nhã Ba La Mật, do Thích Trí Tịnh dịch đấy ah!

    Chúc chú cuối tuần có nhiều thời gian để nghiên cứu sách nhé!

    Trả lờiXóa
  19. Bác Bu kiến thức thâm sâu, luôn tìm hiểu đến tận cùng vấn đề. Ước gì có một cuộc trao đổi giữa bác Bác Bu và ông Cao Huy Thuần về đề tài này để em có thể học hỏi thêm.

    Được biết bác Bu bị (hay được) ảnh hưởng mạnh bởi ý thức hệ phong kiến và đạo Nho. Khi nào có dịp mong được nghe bác nói về sự giống nhau và khác nhau giữa đạo Nho và đạo Phật nhé!

    Cám ơn bác rất nhiều về sự chia sẻ này!

    Trả lờiXóa
  20. Hòa thượngThích Trí Tịnh dịch kinh kim cang trong bộ Tam bảo tụng hằng ngày thành những bài kệ cho dễ thuộc. Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch ra văn xuôi như một giáo án để giảng dạy cho các thiền sinh nên cách diễn đạt có chỗ khác nhau.

    Trả lờiXóa
  21. không Blogging thì làm gì trên cái Quốc độ ấy cháu ơi hihihi.

    Trả lờiXóa
  22. "Vô ngã: Quan điểm vô ngã là một giáo pháp quan trọng của đạo Phật, cho rằng không có một ngã, một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật."

    Thật ra thì Gió không thể hiểu hết cái cao thâm của Kim Cang Kinh anh Bu ạ ...Nhưng Gió tâm đắc với quan điểm này . Càng sống ta càng thấy ...mọi sự đều thay đổi ...Biết để đôi khi lòng an nhiên hơn .Cám ơn anh Bu . Có lẽ phải đọc lại một vài lần nữa mới mong ...hiểu thêm chút ít

    Trả lờiXóa
  23. Kinh Kim Cang theo Bu là hỏa lực cuối cùng mà Phật giáo tấn công vào kiến chấp của chúng sinh. Biết vậy để an nhiên với cuộc sống mình hiện có, đừng quá suy nghỉ về sự sinh tử làm gì cho mệt mỏi.

    Trả lờiXóa
  24. Chẳng biết kinh Kim Cang có nói gì không nhỉ? hihi!

    Trả lờiXóa
  25. @Bác Bu, thì cũng là tâm trạng của PNH tui, huhu!

    Trả lờiXóa
  26. Và một câu cuối mà "chú tiểu PNH" muốn hỏi bác Bu: "Đạo là Đường hay Pháo Đài?"

    Trả lờiXóa
  27. Đạo là từ Hán Việt, có khoảng 7chữ đạo với các nghĩa sau:
    - Dẫn đưa, (người đi trước dẫn đường là tiền đạo)
    - Kẻ trộm
    - Lúa dê (cấy ruộng nước, một năm 2 mùa)
    - Cờ tiết mao
    - Cái đao làm bằng lông cầm để múa
    - Giẫm, xéo
    - Đạo lý, con đường
    Thầy Thích Thanh Từ khi nói về kinh Kim Cang có dùng hình ảnh nó là quả bom, là khối chất nổ mạnh phá tan kiến chấp chúng sanh. Bu tui gọi là hỏa lực cuối cùng. Chưa thấy sách nào nói đạo là pháo đài cả. Mà mê chấp là giặc vô minh buộc chúng sanh chui vào pháo đài đạo mà chống lại thì có sai đâu nhỉ. Hihihi

    Trả lờiXóa
  28. Máy dở chứng không reply cho bạn nđnn được !!!!!!

    Trả lờiXóa
  29. Cám ơn bác Bu đã tận tình giảng nghĩa, thôi thì người ta cứ chui vào pháp đài mà chống trả (vô vọng) với mê chấp và vô minh. Tôi nghe nói nếu không có ma thì cũng chẳng có Phật (Nếu không có quỷ ma/ khó bề thấy được Phật, thơ Nguyễn Đức Sơn), cũng như không có bùn thì cũng chẳng thể có sen... Biết làm sao?

    Trả lờiXóa
  30. * Hồi cải cách ruộng đất Đảng có khẩu hiệu: Có khổ nói khổ nông dân vùng lên ....
    * Phật bảo có khổ thì chớ vùng lên vùng xuống, mà phải diệt khổ bằng cách tu hành, hoặc niệm A Di Đà
    * Ông Khổng Khâu thì dạy cách làm dân và cách làm vua bằng một câu văn ngôn "quân quân thần thần"
    Nhưng rồi không có cách nào hết khổ cả vì khổ , cô đơn, là thuộc tính của con người rồi . huhuhu!

    Trả lờiXóa
  31. * Đảng dạy nông dân một thời : Có khổ nói khổ nông dân vùng lên
    * Phật dạy: chớ vùng lên vùng xuống gì cả hãy tu hành để diệt khổ
    * Khổng Tử dạy: Quân quân thần thần (dân cho ra dân vua cho ra vua) thì xã hội thanh bình
    Giữa ngả ba đường ấy vẫn thấy toàn khổ là khổ, vậy PNH đi vào đường nào? cho bu bám càng đi theo với Hehehe...

    Trả lờiXóa
  32. Đề nghị bác Bu chuỷen kinh Kim Cương thành thơ hay nhạc Ráp để hấp dẫn chúng sinh, chứ thế này khó quá. Ha ha, như ông sư bên Nhật ấy, đọc kinh theo nhạc Ráp, rất vui, mới thu hút được thí chủ trẻ đến chùa đấy.

    Trả lờiXóa
  33. Đúng là phải chuyển thành nhạc Ráp để cho dễ thuộc nhưng Bu dốt nhác ráp lắm TORO à
    Có Thầy Thích Trí Tịnh viết thành kệ nhưng Bu không có cái bản ấy

    Trả lờiXóa
  34. Bản kinh Kim Cang Bu đang có là của thầy Thích Thanh Từ dịch từ Hán ra việt bằng văn xuôi. Ở đoạn thứ 17 nguyên văn chữ Hán "Nhĩ thời Tu Bồ Đề bách phật ngôn:
    - Thế Tôn! Thiên nam tử, thiện nữ nhân phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kì tâm

    Những dòng tiếp theo PNC ghép vào một đoan khác ???. Nếu PNC muốn đối chiếu thì sau khi trích ra phải nói là đoạn thứ mấy, và tựa đề đoạn ấy là gì . Toàn bộ kinh này có 32 đoạn :

    KINH KIM CANG Giảng giải
    MỤC LỤC

    Lời đầu sách

    Lược khảo


    Đoạn 1 Pháp hội nhân do

    Đoạn 2 Thiện Hiện khải thỉnh

    Đoạn 3 Đại thừa chánh tông

    Đoạn 4 Diệu hạnh vô trụ

    Đoạn 5 Như lý thật kiến

    Đoạn 6 Chánh tín hi hữu

    Đoạn 7 Vô đắc vô thuyết

    Đoạn 8 Y pháp xuất sanh
    Đoạn 9 Nhất tướng vô tướng

    Đoạn 10 Trang nghiêm Tịnh độ

    Đoạn 11 Vô vi phước thắng

    Đoạn 12 Tôn trọng chánh giáo

    Đoạn 13 Như pháp thọ trì

    Đoạn 14 Ly tướng tịch diệt

    Đoạn 15 Trì kinh công đức

    Đoạn 16 Năng tịnh nghiệp chướng

    Đoạn 17 Cứu kính vô ngã

    Đoạn 18 Nhất thể đồng quán

    Đoạn 19 Pháp giới thông hóa

    Đoạn 20 Ly sắc ly tướng

    Đoạn 21 Phi thuyết sở thuyết

    Đoạn 22 Vô pháp khả đắc

    Đoạn 23 Tịnh tâm hành thiện

    Đoạn 24 Phước trí vô tỉ

    Đoạn 25 Hóa vô sở hóa

    Đoạn 26 Pháp thân phi tướng

    Đoạn 27 Vô đoạn, vô diệt

    Đoạn 28 Bất thọ, bất tham

    Đoạn 29 Uy nghi tịch tĩnh

    Đoạn 30 Nhất hiệp tướng lý

    Đoạn 31 Tri kiến bất sanh

    Đoạn 32 Ứng hóa phi chân

    Tóm tắt

    Trả lờiXóa
  35. Hic, con đâu có muốn đối chiếu,cũng hỏng có đủ khả năng, thời gian đối chiếu vì thấy chú nhắc đến Kinh Kim Cang do Thích Trí Tịnh dịch ra thì con trích thôi đó mà!

    Trả lờiXóa
  36. PNC thử đưa lên một đoạn do thầy Thích Trí Tịnh viết thành kệ (có tựa đề từng đoạn như Bu đưa lên) xem có khác với thầy Thích Thanh Từ dịch không. Đây là vấn đề tham khảo để học hỏi đấy.

    Trả lờiXóa
  37. PNC thử đưa lên một đoạn (trong 32 đoạn) để Bu đối chiếu xem có sai khác nhau nhiều không. Làm để học hỏi đấy mà.

    Trả lờiXóa
  38. Chào anh @bulukhin -
    anh cho địa chỉ hôm nào tôi sẽ gửi cho anh quyển Kim Cang Kinh bằng tiếng Hoa (do các bạn Taiwan mang qua cho tôi).
    TTM

    Trả lờiXóa
  39. Bác Bu à tôi qua nhà bác nhưng không thể com trong blog hoặc ngoài Guesbook được, đành phải lấy một cái cũ trong message còm cho bác. Hôm nay là sinh nhật của bác hả? nếu đúng thì chúc mừng bác nhé.

    Trả lờiXóa