Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

LAN MAN VỚI CÂY ĐÀN TƠ RƯNG NƯỚC

                             Cổng vào "Một thoáng Việt Nam"

 

 

 

1- Nếu bạn chưa từng đến “Một thoáng Việt Nam” ở Củ Chi (cách Sài Gòn khoảng 50 cây số) thì vào Website: www.motthoangvietnam.vn cũng có thể hiểu được đôi phần về cái công trình văn hóa du lịch đồ sộ này. Ngoài các nghề truyền thống của người Việt,  nơi đây còn giới thiệu nhà truyền thống các vùng miền: Bắc, Trung, Nam , Tây Nguyên.... Nhưng thu hút sự chú ý của Bu hơn cả lại là cây đàn Tơ rưng nước của người Xê Đăng. Đàn, nhưng không thể kê trong phòng mà phải đặt ngoài rừng, cạnh dòng suối, vì  dài đến 100 mét (hoặc có thể hơn). Kết cấu đàn là những khung tam giác  bằng gỗ cao chừng 1,5 mét,  thanh đáy  có thể quay được trên hai trụ đóng xuống đất.   Khoảng 2/3 chiều cao khung gỗ có một thanh ngang, trên đó treo 3 ống lồ ô to nhỏ khác nhau, độ vát khác nhau, khi các ống lồ ô này đập vào một thanh gỗ (đáy khung tam giác) thì phát ra âm thanh. Đỉnh các tam giác được cố định vào một sợi dây thép dài  tùy theo ý định người  chế tạo. Một đầu sợi dây buộc vào rọ đá hộc làm nhiệm vụ con lắc, đầu kia cố định vào một máng nước bằng gỗ.  Khi  nước suối chảy vào đầy máng thì máng chúc xuống, con lắc đá bị kéo theo, sau khi nước ào ra ngoài, lập tức con lắc chuyển sang chiều ngược lại,  kéo máng vào vị trí hứng nước, cứ thế  khung tam giác khi lắc sang bên này, khi lắc sang bên kia làm các ống lồ ô gõ vào thanh ngang làm phát ra từng cơn mưa âm thanh. Gió trời đổi chiều, làm các nốt nhạc lồ ô không phát ra cùng một lúc mà thay đổi theo cách  “ngẩu hứng”. Trên chiều dài 100m, cứ 2m có một khung gỗ treo 3 ống lồ ô thì toàn bộ cây đàn Tơ Rưng nước có tới 153 nốt nhạc. (Trong khi đó cây đàn Piano có 7 quảng 8 với 36 phím đen và 52 phím trắng tổng cộng chỉ có 88 âm thanh mà thôi)

2-   Các nghệ sĩ gió, nước, và đá, đầy ắp cảm xúc thiên nhiên, phổ vào cây đàn Tơ rưng nước những  giai điệu, tiết tấu, điệu thức, hòa âm, biến thiên kì ảo. Một “cơn mưa âm thanh” phát ra là duy nhất, tuyệt không có đợt thứ hai giống y hệt thế, như là sự thăng hoa của các nghệ sỹ đích thực mà ta thường ngợi ca. Người nghe phát huy hết năng lực trực nhận, luôn luôn thấy mới lạ nên  không bao giờ chán. Đồng bào Xê Đăng làm ra cây đàn Tơ rưng nước không phải để chưng bày ở phường  phố mà để phục vụ núi rừng, cỏ cây,  mây trời, chim muông, của một vùng từ Măng Rơi cho đến chân núi Ngọc Linh - xứ sở lâu đời của họ. Có người bảo muông thú đôi khi ngẩn ngơ với tiếng đàn Tơ rưng  nước mà không còn muốn phá phách nương rẫy Xê Đăng nữa. Bu đã ngồi cả buổi chiều  để nghe đàn Tơ rưng nước và lan man nghỉ về tài nghệ của người Xê Đăng. Hẳn là họ không học điệu thức Tây phương với hệ thống tương quan các âm ổn định và không ổn định.  Có thể lắm, bao thế hệ người Xê Đăng đã kí thác hồn phách mình vào từng phím đàn lồ ô bằng truyền thống  điệu thức 5 âm: Cung, thương, dốc, chủy, vũ, như truyền thống nhiều nước Á châu trong đó có Việt Nam. Người xưa không chỉ dùng âm nhạc để giải trí mua vui, mà còn xem nó như một thứ đạo. Đạo âm thanh liên quan đến nền an vui hoặc bi thảm của non sông xã tắc. Chương Nhạc Ký sách Kinh Lễ (1) có đoạn nói về các điệu thức 5 âm thật thú vị: “Cung là vua, Thương là tôi thần, Giốc là dân, Chủy là sự việc trong nước, Vũ là vật chất. Năm điều này mà hài hòa thì xã tắc mới không đình trệ. Cung mà loạn thì (chính trị) tan hoang, bậc vua chúa sẽ sinh ra kiêu ngạo xa xỉ. Thương mà loạn thì (chính trị) đảo lộn, bầy tôi thần đốn mạt. Giốc mà loạn thì đáng lo sợ, dân chúng oán hận. Chủy mà loạn thì đáng bi ai, sự việc sẽ mệt mỏi.  Vũ mà  loạn thì nguy đến nơi, vật chất nhân tài cùng tận. Cả năm âm ấy (cung , Thương, Giốc , Chủy, Vũ) đều loạn thì trật tự đảo lộn, gọi là suy đồi. Tình trạng như vậy xẩy ra nhất định quốc gia có ngày diệt vong”.

3- Có một sự thực là Bu để cả buổi chiều nghe đàn Tơ rưng nước của người Xê Đăng chứ không thể gắng thêm nửa phút để nghe một số ca sỹ thuộc hàng sao trên truyền hình.  Đôi khi họ không hát mà đọc giật cục với cái đầu gật nhịp như con bổ củi. Có người đẹp mặc áo quần cho có mặc, chủ yếu để phô phang những thứ chỉ có giá trị khi kín đáo. Lại có ca sỹ đang hát bổng nhăn mặt ôm bụng quay quắt như đứt ruột đến nơi.  Đaọ đức nhân cách xã hội đang xuống cấp thì âm nhạc có xuống  theo cũng là sự thường. May mà các nhạc sỹ, ca sỹ, sáng tác và biểu diễn theo các điệu thức Tấy  phương. Không có căn cứ  khoa học chuẩn xác nào bảo các nghệ sỹ ấy làm hỏng âm nhạc, trong khi người thưởng thức nó vẫn đông như kiến. Lại cũng chưa có nhà nghiên cứu nào bảo gam “đô trưởng” là chủ tịch, gam “pha trưởng là bí thư”, hoặc gam “la thứ” là nông dân cày ruộng,  như kiểu sách Kinh Lễ của Khổng Tử. Cho nên Bu đành lạc quan mà tin rằng nền âm nhạc nước nhà chủ yếu đang thịnh chứ chưa đến nỗi đại loạn chăng  !!!!  

----------------

(1) Kinh lễ là một trong 5 kinh (ngũ kinh) của nhà Nho. Năm kinh ấy là: Kinh dịch, kinh thi,  kinh thư, kinh lể, và kinh Xuân Thu.

 

Con lắc đá nằm kín trong cá tấm đan bằng tre, xa ra là các khung tam giác treo các phím đàn lồ ô.

 

 

 

                             Máng đang xả nước để chuyển sang vị trí khác

 

    Khung tam giác treo 3 ống lồ ô đường kính khác nhau độ vát khác nhau

 

Để cây đàn không đơn điệu, đôi chỗ người ta thay các khung tam giác bằng các thanh ngang, dưới mỗi thanh treo 6 nốt nhạc lồ ô.  

26 nhận xét:

  1. Bây giờ Kichbu mới được biết cái đàn Trưng dài như thế....:)
    Cám ơn bác Bu..

    Trả lờiXóa
  2. Lưu ý là đàn tơ rưng nước kích bu à

    Trả lờiXóa
  3. "Đôi khi họ không hát mà đọc giật cục với cái đầu gật nhịp như con bổ củi. Có người đẹp mặc áo quần cho có mặc, chủ yếu để phô phang những thứ chỉ có giá trị khi kín đáo. Lại có ca sỹ đang hát bổng nhăn mặt ôm bụng quay quắt như đứt ruột đến nơi. Đaọ đức nhân cách xã hội đang xuống cấp thì âm nhạc có xuống theo cũng là sự thường."

    Nghe anh Bu nói về đàn Tơ rưng nước mới thấy nghệ thuật tự nó đã là tiếng nói , tiếng gọi , cái níu bắt người ta ngồi lại ...như anh Bu chỉ mê tiếng đàn mà ngồi cả buổi để hiểu nhiều hơn nữa về điều chỉ mới thấy và nghe . Hiểu thế để cũng biết tại sao anh Bu chân thật hết mình khi viết đoạn trên ... Gió đọc xong cứ cười một mình ...Có những thứ nghệ thuật không bao giờ chết ...và cũng có thứ "được gọi là nghệ thuật" nhưng chưa bao giờ sống ...anh Bu nhỉ ?

    Cám ơn anh Bu vì nhờ đóbiết thêm về đàn Tơ rưng nước

    Trả lờiXóa
  4. Ước gì em được một lần nghe tiếng nhạc trong trẻo của nó.
    Sao anh không ghi âm và ghi hình lại để mọi người dễ hình dung hơn.
    Em cũng không chịu nổi "âm nhạc thời thượng" hiện nay.
    Ngòai công viên, một mình em tập Khí công trong khi hàng trăm người mỗi sáng nhảy say sưa theo tiếng nhạc bổ củi thùm thụp. Là tại mình lập dị và khó tính đấy thôi. :(

    Trả lờiXóa
  5. Dẫu sao đàn Tơ rưng Bu mô tả cũng đã bị miền xuôi hóa đi rồi. Người ta dùng nước máy để làm cho máng nước hoạt động. Chỉ thế thôi mà âm thanh gõ của nó làm Bu bồi hồi nhớ một dạo la cà trên Tây Nguyên. Giá được xem và nghe tiếng đàn Tơ rưng nước trên chính quê hương nó thì thú vị biết mấy

    Trả lờiXóa
  6. * Có dịp vào SG bạn chỉ đi thêm 50 cây số lên Củ Chi là được thưởng thức tiếng đàn ấy.
    * Bu chưa từng dùng máy ghi âm, mà có chăng nữa thì ghi rồi làm sao đưa lên blog cho bạn bè nghe được. Bu dốt máy tính vô cùng
    * Bu cũng nghĩ như bạn, nhiều khi hoang mang hay là mình cổ hủ quá rồi, huhuhu!

    Trả lờiXóa
  7. Anh dùng máy ảnh quay cũng tốt lắm, nó sẽ ghi âm luôn.
    Quay xong anh post lên Youtube.
    Sau đó coppi cái code rồi dán vào blog.
    Thế là mọi người cùng xem được.
    Ví dụ thế này:

    Trả lờiXóa
  8. Đoạn trên em quay bằng máy ảnh du lịch thông thường trong một buổi hòa nhạc tại nhà hát lớn. Âm thanh chỉ là ví dụ thôi vì còn nhiều tạp âm lắm, em không chỉnh sửa được.
    Cách để lập một trang cá nhân trên Youtube và post một clip lên đó không khó. Lần đầu chỉ cần kiên nhẫn một chút là biết cách làm. Anh thử xem nhé.

    Trả lờiXóa
  9. Đang bần thần bởi mấy cái thùng điện trên đường phố thủ đô, lại đươc bạn cho vào nhà hát lớn xem hòa nhạc. Thôi thì cái nọ bù cái kia chứ biết làm sao. Nơi Bu ở nhiều khi thắc mắc không biết hỏi ai. Bản thân Bu nhờ thằng con lập blog để theo dõi nó viết những gì, bây giờ con bỏ cuộc theo mưu sinh thì ông bố còn lai rai thế này, có khi lại bỏ nốt...

    Trả lờiXóa
  10. Zip vẫn chưa hình dung được nhưng nghe bác Bu tả cũng thấy thú vị!

    Trả lờiXóa
  11. Tiếc là sự tả của BU còn quá xa sự thật Zip à

    Trả lờiXóa
  12. Nghe tả hấp dẫn quá, ndnn rất thích những cái thuộc về thiên nhiên ...cảm ơn Bu nhé, em ghi sổ có dip sẽ ghé coi :)

    Trả lờiXóa
  13. Nếu ghé coi đàn Tơ rưng nước thì NDNN quá bộ ghé coi động Thiên Đường sẽ khai trương vào đầu tháng 7 năm 2010. Bu được biết động này đẹp hơn, hoành tráng hơn động Phong Nha. Một kì quan của tạo hóa dành cho đất Ô Châu nghèo nhất nước.!!!

    Trả lờiXóa
  14. Được nhà thơ ĐÊ HÁT TÊ thích là sướng hung rồi

    Trả lờiXóa
  15. Quá hay, người Tây Nguyên không ngốc nghếch như các quan người Kinh lầm tưởng... Có một nền minh triết Tây nguyên, cụ Nguyên Ngọc nói thế.
    Nói về nhạc và chính trị, cụ Nguyễn Trãi nói thật tha thiết " Sao cho khắp hang cùng xóm vắng không còn tiếng oán hờn, đó mới là cái gốc của nhạc". Câu này bây giờ nói ra thành nhạy cảm mất bác Bu ạ.

    Trả lờiXóa
  16. Đang mất gốc nhiều thứ phải không torovn ???

    Trả lờiXóa
  17. Nghe đàn Tơ rưng thì con biết nhưng đàn Tơ rưng nước chỗ cỗng vào "Một thoáng VN" chú nhắc con chưa đến, chưa thấy, chưa nghe!

    Cuối tuần rồi chú có đi đâu chơi không? Chú đọc mấy cuốn sách trong chuyến đi rồi gần xong chưa chú? Mong Đêm an lành cho chú!

    Trả lờiXóa
  18. Ngoài trời 40 độ, chỉ chơi với sách trong phòng thôi.
    Chú đọc sắp xong rồi sẽ có vài dòng vào một lúc nào đó....

    Trả lờiXóa
  19. Mình rất đồng cảm với anh Bu về sự tâm đắc của anh đối với cây đàn tơ rưng nước của người Xê Đăng.Mình cũng có vài ý kiến xin được phép chia xẻ với anh như sau :

    1.Thang âm của âm nhạc truyền thống châu Á,châu Phi châu Mỹ và các bộ lạc Thái Bình Dương đều là thang âm ngũ cung nhưng âm hưởng hoàn toàn khác nhau bởi trật tự của các quãng(interval)trong thang âm không giống nhau.Vì lý do đó mà ta phân biệt được nhạc Tàu,nhạc Nhật,nhạc Ả Rập,nhạc Ấn Độ,nhạc Ai Cập...v...v...Thậm chí trong nước VN ta,ngũ cung Quan Họ khác hẳn ngũ cung Huế và ngũ cung tài tử nam bộ,cũng như ngũ cung Tây Nguyên khác hẳn ngũ cung Tày,Mèo,Mường,Xê Đâng...v...v...

    2.Cung ,Thương,Giốc,Chủy,Vũ là ngũ âm của thang âm Lễ nhạc truyền thống Trung Quốc.Chúng có một âm hưởng khác hẳn âm hưởng của các dân tộc ít người bên ta.Ngoài ra 5 âm này còn dựa vào ngũ hành sanh khắc luận mà tạo nên cơ sở hòa âm khiến cho các âm không bị rơi vào chỗ loạn như anh Bu đã diễn giải.

    Trả lờiXóa
  20. * Cảm ơn bạn đã cho Bu thêm những hiểu biết về nhạc ngũ cung
    * Cái loạn mà Khổng tử nói trong sách Kinh lễ như Bu dẫn ra hẳn không phải loạn về trật tự các quảng mà loạn về tính chất xã hội, vì có như thế mới liên quan đến tồn vong quốc gia .

    Trả lờiXóa
  21. Mình cũng hiểu là Khổng Tử dùng hình tượng ngũ cung để giảng về trật tự xã hội dẫn tới sự tồn vong của quốc gia,cho nên ý mình muốn nói quy luật xã hội cũng tương tự như quy luật hòa âm,nếu biết khéo vận dụng thì xã hội sẽ ổn định,quốc gia sẽ hưng thịnh, giống như sự hài hòa trong âm nhạc khiến âm nhạc trở nên đẹp đẽ...

    Trả lờiXóa
  22. Cảm ơn Bu nhé, ndnn lại ghi sổ để dành. Nghe cái tên Thiên Đường là em muốn đi liền rồi :)

    Trả lờiXóa
  23. Mùng 1 tháng 9 này khai trương, hai Bu sẽ cùng hai cặp vợ chồng bạn thân ngoài Hà Nội vào chiêm ngưỡng để xác nhận thiên đường là có thật (còn Niết bàn thì xem đã hihihi) Có người đi về bảo Bu : Bất cứ ai trước khi chết nên đến đó một lần.
    NĐNN về quê nên ghé thăm một lần, hai Bu sẽ tư vấn (miển phí) cho bạn và sẽ cùng đi lần thứ n với bạn đến cái chỗ Thiên đường ấy. Khi NĐNN cần Bu sẽ cung cấp số nhà và số điện thoại.

    Trả lờiXóa
  24. Ôi ..Bu nhiệt tình và chu đáo quá! Ndnn cảm ơn hai Bu nhiều nhiều, vậy khi nào em có kế hoạch về sẽ nhờ anh chị nhé. Ndnn nhất định phải tới đó một lần ...để lúc chết xuống địa ngục em còn có cái mà ba hoa, rằng mình cũng từng ở thiên đường nè. Tháng 9 hai Bu đi về cho mọi người và ndnn biết tình hình với Bu nhé.

    Trả lờiXóa
  25. Hai cặp bạn thân Bu vào, hai Bu hộ tống chúng nó lên Thiên đường và xem như chuyến tiền trạm để nhỡ NĐNN có về mà tư vân chứ. hehehe.

    Trả lờiXóa