Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

DỊCH HAY PHÓNG TÁC ??





Trong số ca dao Việt Nam nói về nghề nông và giá trị hạt gạo thì bài: "Cày đồng đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi! bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần " có mặt trong nhiều tuyển tập, chẳng hạn: TỤC NGỮ CA DAO DÂN CA VIẾT NAM của học giả Vũ Ngọc Phan (1). TỤC NGỮ CA DAO VIỆT NAM của Hồng Khánh – Kỳ Anh sưu tầm biên soạn (2), CA DAO VIỆT NAM do Bích Hằng tuyển chọn (3). Không thấy các tác giả của ba tập sách trên chú thích gì về bốn câu đó, làm người đọc đinh ninh là ca dao Việt, thuần túy Việt Nam. Nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh cũng “yên trí đó là một trong những bài ca dao hay nhất của xứ ta từ trước” (4) Nhưng thực ra nó được dịch từ thơ Trung quốc (5).


鋤禾日當午
汗滴禾下土
誰知 盤中餐
粒粒 皆辛苦

* Phiên âm
Sừ hòa nhật đương ngọ
Hãn trích hòa hạ thổ
Thùy tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ

* Dịch thơ (chưa rõ dịch giả)
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.

Hiện nay có hai thuyết về tác giả bài thơ chữ Hán trên. Hoặc của Lý Thân (李紳,772 - 846) người Vô Tích tỉnh Giang Tô, hoặc của Nhiếp Di Trung (聶夷中, 837 - 884) người Hà Đông. Có điều lạ, trong “Toàn Đường thi” (全唐詩) (5) bốn câu trên được xếp vào ngũ ngôn tứ tuyệt vừa để ở mục Nhiếp Di Trung vừa để ở mục Lí Thân.
   Bu tui không hề có ý định xác minh Lí Thân hay Nhiếp Di Trung là tác giả, điều đó quá khó, vì chính các học gỉa thượng thặng của Tàu còn nói nước đôi, chưa dứt khoát được. Ở đây, bu muốn cùng các bạn luận giải xem tại sao từ: “sừ hòa nhật đương ngọ, hãn trích hòa hạ thổ, thùy tri bàn trung xan, lạp lạp giai tân khổ” mà một người Việt nào đó đã dịch ra: “cày đồng đang buổi ban trưa , mồ hôi thánh thót như mưa rộng cày, ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”.

1- Trước tiên chúng ta tìm hiểu nghĩa một số chữ Hán (6)
- Sừ 鋤 : khi danh từ, sừ là cái cuốc.
Ví dụ: Nguyễn Trãi có nói với bạn là Hữu Nhân: 他年淽溪約, 短笠荷春鋤 : “Tha niên Nhị Khê ước, Đoản lạp hạ xuân sừ”, nghĩa là: Năm nào hẹn về Nhị Khê đội nón lá, vác cuốc đi làm vụ xuân.
Khi động từ, thì sừ (鋤) là cuốc, ví dụ: sừ địa 鋤 地 là cuốc đất (7)
- Hòa 禾: lúa chưa tuốt ra khỏi bông, chưa cắt ra khỏi rơm rạ. Kinh thi có câu: Thập nguyệt nạp hòa giá 十月納禾稼 Tháng mười thu vào thóc lúa.
- Bàn 盤: Cái mâm. Mâm, khay. TruyệnThủy hử có câu: Thác xuất nhất bàn, lưỡng cá đoạn tử, nhất bách lạng hoa ngân, tạ sư 托出一盤, 兩個段子, 一百兩花銀, 謝師 . Nghĩa là: Bưng ra một mâm (gồm) hai tấm đoạn, một trăm lạng hoa ngân (để) tặng thầy.

2- Có hai câu đáng quan tâm:
- Câu thứ nhất: Sừ hòa nhật đương ngọ (鋤 禾日當午) Nếu cứ máy móc theo nghĩa từng chữ thì phải hiểu là: Cuốc lúa đương lúc ban trưa. Như vậy vô lí, vì không ai lại đi cuốc lúa. Nếu cày đồng thì chữ Hán đã có từ canh điền ( 耕田)
- Câu thứ ba: Thùy tri bàn trung xan (誰知 盤中餐)
Nếu máy móc theo từng từ thì phải hiểu câu này là: có ai biết được cơm trên mâm
- Có lẽ do cũng băn khoăn như bu tui nên Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng đã dịch cả bài như sau:
       Xới lúa, trời đứng bóng

Mồ hôi đổ xuống ruộng
Ai biết cơm trong mâm
Hạt hạt đều cay đắng. (4)
Chữ sừ (鋤) là cuốc, được Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng gọi là xới. Sừ hòa 鋤 禾 là xới lúa, tức là động tác làm cỏ lúa của nông dân.
3- Bu tui xin dẫn ra hai câu thơ của Nhiếp Di Trung trong “Điền gia nhị thủ” (田家二首)(5)liên quan đến sự cày đồng để đối chiếu với sừ hòa 鋤 禾 đã nói trên:
        父耕原上田

子削山下荒
Phiên âm:
Phụ canh nguyên thượng điền
Tử tước sơn hạ hoang
Dịch nghĩa:
Cha cày ruộng trên cao
Con vở hoang dưới núi
4- Từ luận giải trên, bu tui hồ nghi bài ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.
Do một người Việt cực tài nào đó dựa vào bài thơ chữ Hán rồi phóng tác ra chứ không gọi là dịch được. Mong các bạn có lời chỉ giáo.
------------------

(1) Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1971
(2) Nxb Đà Nẵng 2007
(3) Nxb Văn hóa Thông tin 2011
(4) http://www.thivien.net/viewwriting.php?ID=250
(5) huynhchuonghung.com
(6) Từ điển Hán Việt mạng.
(7) Từ điển Việt Hán của Đinh Gia Khánh


67 nhận xét:

  1. Một vài khuyết tật trong ẻn này, bu botay.com
    - Vạch trắng lại xuất hiện
    - Một câu lệch sang phải
    - Một số chữ đen hóa đỏ
    Biết thưa thốt
    không biết dựa cột nghe
    Bu tui đang ngoan ngoản dựa cột đây
    Huhuhu....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giời ạ! vậy mà cũng nhè nữa nè giời!
      Bà già vào xem đâu thấy có màu gì lạ đâu! hihiiiii

      Xóa
    2. Cứ bà già vào là blog nó sợ
      Bà già xinh vạn tuế

      Xóa
  2. Tôi tin tuyệt đối vào bài viết này, Tôi cũng đã vài lần chứng kiến thơ của lãnh tụ có nguồn gốc cổ thi Hán Ngữ. Có điều chỉ biết vậy, có liên quan nhiều vấn đề nên không thích chứng minh, chỉ thấy đời không đáng tin cậy.
    Nay anh BU Phân tích và chứng minh bài ca dao này , tâm phục khẩu phục lắm! Cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hòn sỏi đã bấm đúng huyệt rồi, bu tui ngứa tay muốn viết cài điều bạn nói lắm, nó hơi công phu và phải... lựa lời!! hihihi

      Xóa
    2. Bac tin tuyet doi.
      Con Kichbu tin vao Bu....:)

      Xóa
    3. nhất trí ý kiến anh Sỏi, giữa thơ văn chữ Hán với thơ văn Hán Việt / thuần Việt dịch ra hay phỏng tác, hay bê nguyên văn là cả một quá trình minh chứng bằng lý luận, lập luận như anh Bu đây, cũng như tra cứu sách vỡ qua một thời gian khá dài, khá lâu, khá gian nan vất vả ngay thơ lãnh tụ mình cũng có vấn đề như ý anh Sỏi nói đồng thời mộc cũng có biết chút chút, nên chi mình là những người hậu sinh, đọc thế, biết thế cho nó lành anh Bu ạ, kính chúc anh sức khỏe và luôn có những bài viết tuyệt vời như trên nhé!

      Xóa
    4. Cảm ơn Bình Địa Mộc

      Xóa
  3. Có lẽ nhặt được bài ca dao này(Thì bỏ túi) chứ không phải dịch cũng chẳng phóng tác. Chẹp chẹp!

    Trả lờiXóa
  4. Rất công phu để nghiên cứu và viết ra bài này, đây là một bài viết tầm cỡ, phục bác BU
    Cái trang blogspot này có nhiều cái cũng khó chịu lắm. Với những "vướng mắc" như thế,. bác nên chép lại vào Word, sửa chữa, sau khi hoàn tất rồi chỉ chép lại và dán vào trang bài đăng, bác thử xem nhé
    Còn bài mới thì bác cũng nên bắt đầu từ word
    Chào bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bệnh nhân mà PS sang thăm tệ xá bu là quý hóa lắm.
      Nói thiệt, đề tài loại này bu còn nhiều nhiều có điều viết hơi công phu
      Nếu in thành sách thì có cả tập dày, nhưng chủ yếu viết mà chơi thôi.

      Xóa
    2. PS khỏe rồi bác ơi, chỉ cần một sự "động viên nho nhỏ" cũng tạo nên sức mạnh rồi
      PS bận nên ít sang nhà bạn bè, chắc cũng nhiều người phiền trách, ốm yếu lại càng không dán ... đi xa vì sợ .... trúng gió. Chỉ dám loanh quanh ở nhà một vài người quen thôi bác ạ, vậy cho nó lành.
      Bác Bu giỏi thiệt, lại còn cả tập sách dày thì chịu bác rồi
      Khi nào bác in thì nhớ cho Phusa đăng ký một bản nhé

      Xóa
    3. Đấy là nói thế chứ in ra mà làm gì PS ơi.
      Bao nhiêu bạn bè động viền, ũng hộ, mà bu từ chối
      Đưa lên blog là được rồi

      Xóa
  5. trước giờ e chỉ biết đó là ca dao :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đến học giả Hoài Thanh cũng nghĩ như vậy mà.

      Xóa
  6. Cao dao, tục ngữ... truyền thuyết hay thần thoại... trên thế giới có rất nhiều bản tương đồng hay khá giống nhau về ý nghĩa, có thể là "chép qua chép lại" rồi quên mất bản gốc (tam sao thất bổn). Riêng giữa Ta và Tàu thì đúng là có nhiều thứ nếu không ghi xuất xứ "made in China", thì tưởng là "made in Việt Nam", chuyện này tôi nghĩ cũng thường tình. Mới đây nhà thơ Trần Đăng Khoa còn la làng là quyển từ điển gì đó mới xuất bản, đã ghi thơ của ông là ca dao hay tục ngữ gì đó, mà quyển từ điển kia lại tham khảo một quyển sách khác do một nhà xuất bản trong miền Nam in, bản in này đã đưa thơ của TĐK vào văn học dân gian, không có tên tác giả :-))

    Bác Bu có công ngồi tìm ra mấy điều này thật đáng nể phục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehehe tam sao thất bản
      đằng này lại tứ ngũ lục thất bát... thì hỏi còn gì nữa

      Xóa
  7. Dịch hay phóng tác thì cũng phải dựa vào nguyên tác thui bác Bu à! Đọc bài viết của bác lúc nào cũng có cái để mà học. Xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui tâm đắc với ý kiến của bác PNH và bác Vũ Nho mời bạn tham khảo

      Xóa
    2. giáo đã tham khảo và cảm ơn các bác vì đã cho giáo mở rộng tầm nhìn và học hỏi nhiều kiến thức bổ ích. Giáo "chốt" một điều: Dù dịch hay phóng tác, nhưng cái nào đi vào lòng người và đã thành phổ biến, sống mãi với thời gian thì tác phẩm ấy đáng được vinh danh!

      Xóa
  8. Nhân đây tôi cũng xin nói qua về cái tựa của entry "Dịch hay phóng tác??". Dịch, theo tôi hiều có nghĩa là chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác mà vẫn giữ nguyên được nội dung, ý tứ sát với bản gốc. Thí dụ câu chuyện xảy ra tại Paris thì với bản dịch câu chuyện vẫn phải xảy ra tại Paris, tên tuổi nhân vật phải giữ nguyên. Còn phóng tác, thì chỉ dựa vào cốt truyện, còn những tình tiết, tên tuổi nhân vật, tên ngoại cảnh có thể thay đổi theo ý của người phóng tác, khôn cần phải đúng theo như nguyên bản. Trước năm 75 ở Saigon có nhà văn Hoàng Hải Thủy chuyên phóng tác truyện nước ngoài, chẳng hạn ông ấy viết quyển Kiều Giang, là phóng tác theo quyển Jane Eyre của nhà văn nữ Charlotte Bronte. Tuy nhiên nguyên tắc của dịch và phóng tác vẫn phải đề rõ ràng tên sách, tên tác giả của bản gốc.

    Ở đây, điều bác Bu nói tới có lẽ do bản dịch, hay bản phóng tác đã trở nên quá phổ biến, hoặc do qua thời gian đã quá lâu, nên tên tuổi bản gốc đã rơi đâu mất, điều này ngay đối với những bản có xuất xứ ở Việt Nam cũng thế, có những câu thơ có tác giả đàng hoàng, mới cách nay vài chục năm mà nay những câu thơ ấy đã trở thành ca dao. Nếu không phải do cố tình bỏ mất, hoặc quên bản gốc, có lẽ cũng là một lẽ thường trong đời sống văn học.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Do bị "khống chế" bởi bài thơ của Lí Thân và một vài học giả mạng nên bu tui chưa thoát ra xa được, hoan nghênh ý kiến của PNH

      Xóa
  9. Tôi muốn nói thêm là ngoài những điều có thể là bản dịch hay phóng tác mà đã bị rơi rớt mất tên tuổi của bản gốc, như bác Bu đã hồ nghi bên trên, thì trong chữ nghĩa cũng có những cái khá giống nhau về ý tứ, ý nghĩa, giữa nước này nước khác, mà ta khó có thể nói ai dịch hay phóng tác của ai. Chẳng hạn vài câu thành ngữ, tục ngữ của Việt nam và của Pháp tôi chép dưới đây:
    Người mình nói "Quân tử nhất ngôn", người Pháp nói "Chose promise, chose due" (hứa là phải làm). Người mình nói "Bỏ con tép bắt con tôm", người Pháp có câu "Donner un oeuf pour avoir un boeuf" (chi quả trứng để có con bò). Người mình nói "Cẩn tắc vô ưu", người Pháp nói "Prudence est mère de sureté" (cẩn thận là mẹ của chắc chắn), và còn khá nhiều câu nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự giống nhau ấy là có thật và có rất nhiều nữa.
      Đã là con người thì Au Á gì cũng có những suy nghĩ giống nhau
      Rất cảm ơn những dẫn chứng của PNH

      Xóa
  10. Dù bắt nguồn từ bài thơ chữ Hán, nhưng tác giả đã Việt hóa rất nhiều, mang nhiều tâm tình người Việt hơn, nên có thể gọi là phóng tác. Nô chỉ chưa thích chữ "thánh thót", có vẻ không hợp với sự cực nhọc của người đi cày!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn đồng ý với bạn dungNobita
      Cảm ơn nhận xét rất hay của bạn

      Xóa
  11. Tôi rất kính nể sự công phu và uyên bác của bác Bu về bài viết này.
    Quả thực tôi mới chỉ biết rằng tác giả bài Xới lúa là Lý Thân, chứ không biết một ông thứ hai Nhiếp Di Trung cũng của Trung Quốc.
    Có điều bản phiên âm của bác Bu khác một chữ với bản phiên âm trong sách Thơ Đường, nxb Văn Học, HN, 1987. Đó là "thùy TRI" ( Ai biết) và "Thùy NIỆM" ( Ai nghĩ). Dù là NGHĨ hay BIẾT thì về cơ bản cũng không khác nhau nhiều. ( Tất nhiên là vẫn có nét khác).
    Tôi không dám chỉ giáo bác Bu, nhưng có một cách nghĩ không giống bác và một số người. Ấy là:
    - Tại sao ta cứ nghĩ là một nhà nho nào đó DỊCH thơ Lí Thân? Biết đâu thời ấy khi phong kiến phương Bắc cướp phá chúng ta, họ chả thu những câu ca dao này về, rồi Lý Thân dưa vào đó mà phóng tác ra bài thơ chữ Hán.
    - Có thể Lý Thân cũng không đọc ca dao Việt, mà cũng chả có ông nhà nho nào đọc LÝ Thân. Vấn đề là ở chỗ " Những tư tưởng" đề cao công lao của người làm ruộng gặp nhau, cảm xúc tương đồng nhau. ( Về chuyện này, nếu so sánh một số tục ngữ của các nước xa nhau về địa lý, khác nhau về văn hóa, tín ngưỡng thì sẽ rõ).
    - Khả năng cuối cùng mới là nhà nho ta dịch Lý Thân. Nhưng đâu có dịch sát. Một bên là Xới lúa, một bên là Cày đồng. Đi cày vất vả, nặng nhọc hơn Xới lúa. Và cày đồng, cái công việc bắt đầu từ làm đất, xa hơn việc xới lúa, nên người đời "dễ quên". Còn chuyện khi bưng bát cơm ăn và khi thấy cơm trên mâm. Ông tác giả Tàu nhấn mạnh : lạp lạp giai tân khổ: hạt hạt đều cay đắng. Trong khi đó, ông nhà thơ dân gian Việt Nam nói chuyện DẺO THƠM khi ăn cơm, cái đắng cay người đời đâu có cảm thấy khi ăn.
    Tóm lại, tôi không muốn cứ nhìn lệ thuộc, cài gì VN cũng phải dịch từ Tàu. Mà nếu có đem so hai bài, thì tôi nghiêng về sự tinh tế, sâu sắc của bài ca dao Việt Nam, không phải vì tôi là người Việt, mà thực tế là bài đó hay hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nhớ phân tích cũng rất có lý, PS tâm đắc câu này
      "Biết đâu thời ấy khi phong kiến phương Bắc cướp phá chúng ta, họ chả thu những câu ca dao này về, rồi Lý Thân dưa vào đó mà phóng tác ra bài thơ chữ Hán."
      Thật ra PS cũng không chuyên sâu về văn học, nhất lại là văn học Tàu nên cái vụ này PS MÍT ĐẶC lắm. Bác nào nói có lý là PS giơ tay ... xin chữ ký ngay thôi

      Xóa
    2. Bu được biết bác Vũ Nho là giáo sư tiến sĩ
      Ý kiến bác ấy rất hay và bu đang hiệu chỉnh lại bài viết của mình

      Xóa
    3. Với bác Vũ Nho

      Rất cảm ơn những ý kiến sâu sắc của bác
      Bác đã đưa ra nhiều khả năng để xem xét một cách thấu đáo vần đề này
      Bu tui sẽ tham khảo bác Vũ Nho, bác PNH, bác NaNo BoBi để hiệu chính lại bài viết

      Xóa
  12. Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
    Rạch ròi sao cho được, hở anh Bu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây đặt ra những khả năng có thể xẩy ra chớ chưa thể nói là rạch ròi

      Xóa
  13. Bài viết của bác Bu công phu, dày công tra cứu. NaNo xin ngả mũ kính phục. Tuy vậy, NaNo muốn trao đổi một số ý để được bác Bu luận giải thêm:
    - Không có căn cứ nào trong bài viết để nói rằng bài ca dao được dịch (hoặc phóng tác từ bài thơ của Lý Thân.
    - Ca dao, tục ngữ là sáng tác truyền miệng của người lao động qua nhiều đời để tổng kết một cách cô đọng, sâu sắc nhất những kinh nghiệm trong đời sống và lao động. Có những câu ca dao đã tồn tại hàng ngàn năm. Riêng về canh tác lúa nước VN và TQ có nhiều nét tương đồng nên ý trong các ca dao (tục ngữ) về sx nông nghiệp tương tự hoặc trùng nhau là điều bình thường, và có thể câu ca dao của VN từng có trước bài thơ của Lý Thân (?) Thực tế có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ của VN có ý tương tự như tục ngữ của TQ, nhưng không thể nói đều là được từ dịch tục ngữ của TQ.
    Ví dụ: Tục ngữ của TQ: Bạch thủ khởi gia (百手起家)
    Ca dao của VN: Nước lã mà vã nên hồ /Tay không dựng nổi cơ đồ mới hay
    Hoặc:
    Tục ngữ của TQ: Bách văn bất như nhất kiến (百聞不如一見)
    Của VN: Trăm nghe không bằng một thấy / Trăm thấy không bằng một sờ / Trăm sờ không bằng…(hề hề)
    - Trở lại câu ca dao “Cày đồng đang buổi ban trưa…” thì thấy ý trong ca dao sâu sắc hơn nhiều so với bài thơ của Lý Thân (như phân tích của bác Vũ Nho ). Cày đồng giữa trưa mà mồ hôi đổ xuống như mưa thì thật cơ cực (có thể lúc này đang nắng như đổ lửa và đồng ruộng bị hạn hán). Còn xới lúa (làm cỏ) thì nhẹ nhàng hơn nhiều.
    “Hạt hạt đều đắng cay” (Lạp lạp giai tân khổ) là nói về đắng cay của hạt gạo, tương tự như “gạo đem vào giã bao đau đớn), còn “đắng cay muôn phần” là nói về cái vất vả, cay đắng (bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hoặc cày thuê cho địa chủ) của người thợ cày để làm ra hạt gạo. Như vậy, mới đọc qua tưởng hai bài giống nhau, nhưng thực ra là khác nhau về cách tiếp cận thực tế. Bài của Lý Thân tiếp cận hời hợt hơn nhiều.
    Tóm lại theo NaNo thì bài ca dao không phải là dịch hoặc phóng tác. Mong bác Bu kiến giải thêm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua ý kiến của bác NaNo BoBim bác PNH và bác Vũ Nho bu tui sẽ hiệu chính lại bài viết.

      Xóa
  14. Ở đây, vì tôi thực sự không biết xuất xứ của những câu thơ (hay ca dao) trên nên chẳng luận bàn về xuất xứ. Nên xin tham gia một ý nhỏ:

    Thực ra, ta là người Việt nên khi đọc câu bằng tiếng Việt thì sẽ thấy câu: “Cày đồng đang buổi ban trưa… " sẽ cảm thấy nghe sao mà sâu sắc thế. Còn câu bằng chữ Hán kia nghe sao mà trúc trắc thế!

    Thì ngược lại nếu là một người Hán khi đọc "鋤禾日當午 sừ hòa nhật đương ngọ " (sừ: cày bừa)(Cày lúa giữa buổi ban trưa..) thì họ cũng cảm thấy nghe sao mà ý nghĩa và âm thanh của câu sừ hòa nhật đương ngọ cũng sâu sắc làm sao!

    鋤禾日當午 (cày lúa giữa buổi ban trưa)
    汗滴禾下土 (mồ hôi nhỏ giọt xuống lúa rồi rơi xuống đất)
    誰知盤中餐 (Có ai biết trong mâm盤 cơm (餐bữa ăn, bữa cơm))
    粒粒皆辛苦 (mỗi một hạt gạo đều vất vả)

    Do vậy, bài thơ (nếu gọi là phóng tác hay là câu ca dao của VN mình?):

    "Cày đồng đang buổi ban trưa
    Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
    Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
    Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.
    "

    Nếu là phóng tác hay biên dịch (nghĩa là không thoát ý của bản gốc) thì quả là bài thơ lục bát (hay câu ca dao) rất là hay và đủ ý. Nên rất đồng ý với nhận định ở phần kết luận của anh Bu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu không có từ điển nào gọi sừ 鋤 là cày cả mà là cuốc, (một số ít gọi là bừa) như bu đã trích dẫn câu nói của Nguyễn Trãi. Cày phài canh (耕) như bu đã trích dẫn.
      Mà sao lại cày lúa nhỉ?
      Qua ý kiến của PNH, bác Vũ Nho, NaNo BoBI bu tui sẽ hiệu chính lại phần sau cùng của bài viết cho hoàn hảo hơn

      Xóa
    2. Theo Tự điển của Thiều Chửu:

      鋤  sừ
      [Pinyin: chú, jǔ] [Giản thể: 锄]

      * Cái bừa. Nguyễn Trãi 阮廌  : Tha niên Nhị Khê ước, Đoản lạp hạ xuân sừ 他年淽溪約,短笠荷春鋤  (Tặng hữu nhân 贈友人) Năm nào hẹn về Nhị Khê (quê hương của Nguyễn Trãi), Đội nón lá, vác cuốc đi làm vụ xuân.

      * Bừa đất.
      Giết, trừ diệt.

      *****
      Tuy nhiên, theo cô bạn Đài Loan giải thích thêm là cũng gọi là cái cuốc, dùng sức người thì gọi là cuốc.

      Vì trong tình huống này thì kg ai gọi là cuốc lúa cả.

      Xóa
  15. Bác Bu có nhiều tư liệu và suy nghĩ sâu sắc quá.

    Trả lờiXóa
  16. Chúc Anh nhiều niềm vui, an lạc trong ngày Đại lễ Vu Lan nhé

    Trả lờiXóa
  17. Từ một tra cứu rất công phu và nhận xét ban đầu của bác Bu về một câu thơ chữ Hán và ca dao Việt Nam, các bạn đã có những nhận xét bổ sung rất hay. Tôi cũng xin mạn phép lạm bàn thêm một vài ý nữa.
    - Thứ nhất là về chữ "thánh thót" trong câu ca dao VN, mà bạn Nô đã nói là "có vẻ không hợp với sự cực nhọc của người đi cày!". Tôi thử tra lại một vài quyển từ điển thì thấy. Thánh thót: tiếng nước giỏ từng giọt (VN tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức - in năm 1931). Thánh thót: tiếng nước nhỏ từng giọt chậm rãi (từ điển tiếng Việt - Văn Tân chủ biên - NXB Khoa học Xã hội, xuất bản năm 1967). Thánh thót: chỉ mưa rơi từng giọt liên tiếp nhau. Nghĩa rộng là hình dung tiếng đàn, tiếng nước mắt rơi. (từ điển truyện Kiều - Đào Duy Anh - NXB Khoa học Xã hội, bản đầu tiên in năm 1974). Còn đa số các từ điển khác xuất bản gần đây thì giải nghĩa Thánh thót là tiếng mưa rơi, nước rơi... êm ái, du dương... có lẽ theo như nghĩa rộng hay thấy dùng trong văn học, thi ca, mà Đào Duy Anh đã nói trong Từ điển Truyện Kiều.
    Câu "Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày." của bài thơ (hay ca dao VN) chắc chắn đã có từ rất lâu, như vậy tiếng "thánh thót" sẽ được dùng với nghĩa ban đầu (nghĩa xưa) của nó là "tiếng giọt nước rơi", chứ không dùng như ta hiều ngày nay là tiếng du dương, êm ái (tiếng mưa rơi thánh nthót, tiếng chim hót thánh thót, tiếng đàn thánh thót).

    - Kế tiếp là chữ 鋤禾 (sừ hòa) mà chị TTM đã dịch là "cày lúa". Đúng như chị M. đã viết đại ý là có những câu tiếng Việt nghe hay nhưng theo người Hoa lại không hay, hoặc ngược lại. Sừ hòa, nếu dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là "cày lúa", như chị TTM, hay như bác Bu là "cuốc lúa", thì đúng là như bác Bu nói theo người mình là không ổn, ai lại đi cày hoặc cuốc cây lúa lên). Bản dịch của Khương Hữu Dụng là "xới lúa" rất hay, dĩ nhiên với nghĩa bóng chứ không phải nghĩa đen. Xới lúa ở đây không phải là "xới cây lúa", mà là "xới cỏ dại mọc ở chung quanh gốc lúa, để cỏ không mọc lấn áp làm hại lúa". trước kia khi tôi sống trên Tây nguyên, tôi đã được thấy cảnh "xới lúa" như thế, nhưng đối với "rẫy trồng lúa" không có nước, (chứ không phải ruộng lúa ngập nước như ở miền xuôi).
    Như vậy cái cảnh "sừ hòa" (cuốc lúa) là cách nói của người Hoa, tương ứng với "cày đồng" theo cách nói của người Việt. Hoặc đó là hành động "xới lúa", xới cỏ cho lúa, vì đây là "lúa rẫy" chứ không phải là lúa nước.

    Một vài thiển ý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Nhiếp Di Trung là người cũng được cho là tác giả bài thơ "Sừ hòa" có một bài thơ nói về nghề nông mà bu chỉ dẫn ra hai câu

      父耕原上田
      子削山下荒

      Phụ canh nguyên thượng điền
      Tử tước sơn hạ hoang

      Dịch:
      Cha cày ruộng trên cao
      Con vở hoang dưới núi

      Như vậy vào cái thời cách nay khoảng 1300 năm người Tàu vẫn dùng từ canh 耕 có nghĩa là cày. Canh điền là cày ruộng. Vậy thì sừ hòa sao lại cày ruộng được. Chữ sừ có từ điển gọi là bừa, nhưng tuyệt đại đa số gọi là cuốc (danh từ hoặc động từ). Nhà văn hóa lớn của ta là ông Nguyễn Trãi nói với bạn " Năm nào hẹn về Nhị Khê đội nón lá, vác cuốc đi làm vụ xuân" Chữ cuốc trong câu này ông Nguyễn Trãi gọi là SỪ. Cho nên bu vẫn cho rằng học giả Khương Hữu Dụng dịch sừ hòa là xới lúa rất có lý.
      2- Chúng ta không biết được bài ca dao cày đồng...xuất hiện từ lúc nào và tương ứng với thời gian đó thì thánh thót là gì. Bạn PNH trích từ điển in năm 1931 thì thánh thót là tiếng giọt mưa rơi, vậy trước rất xa 1931 thì thánh thót có còn là tiếng giọt mưa rơi nữa không? Tiếc thay, năm 1895 ông Huỳnh Tịnh của làm từ điển không có từ Thánh thót mà chỉ có từ Thảnh thót là "kêu lãnh lót kêu tiếng nhẹ và trong. Còn từ điển tiếng Việt bộ mới giải thích thánh thót "Trong, tươi sáng, lúc to lúc nhỏ, nghe vui tai"
      Bạn Nô thấy mồ hôi mà thánh thót kiểu này nghe không ổn.

      Xóa
    2. Riêng trong mục "mồ hôi thánh thót", tôi vẫn cho đây là tiếng chỉ những giọt mồ hôi của người cày ruộng rơi (một cách bình thường), như một số từ điển cũ đã giảng nghĩa, chứ không phải được hiểu theo nghĩa thánh thót là du dương, êm ái, trầm bổng, vui tai. Nếu hiểu theo nghĩa này (như những từ điển gần đây giải nghĩa chữ thánh thót), thì bài ca dao đã "thi vị" hóa quá đáng những giọt mồ hôi của sự vất vả, cực nhọc trong việc cày ruông mà ngay ở câu sau bài ca dao đã nói "đắng cay muôn phần", chẳng lẽ giọt mồ hôi của đắng cay muôn phần lại du dương, êm ái, thánh thót? Đến như những người không làm ruộng như chúng ta nghe còn cảm thấy kỳ cục, huống chi là người nông dân?

      Xóa
    3. Trong câu còm phía bên trên tôi trích dẫn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức in năm 1931 tại Hà Nội, thì từ Thánh thót có nghĩa là "tiếng nước giỏ từng giọt" chứ không phải là Thánh thót là "tiếng giọt mưa rơi".

      Xóa
    4. PNH
      Tôi vẫn nghĩ người Việt làm bài ca dao (cho là như thế) không định thi vị hóa nỗi nhọc nhằn của người nông dân.
      Với người đó thánh thót là tiếng nước giỏ từng giọt
      Nhưng với người đọc như ông Nô là du dương.
      Bất tận ngôn!
      Cũng nên xem lại từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức hồi 1931 đã đáng tin cậy chưa.

      Xóa
    5. Haha bác Bu ơi, tôi chỉ trích dẫn từ điển qua từng thời kỳ, để cố gắng hiểu bài ca dao trên (cũng cho là như thế, khi chúng ta cũng chưa đủ chứng cớ để kết luận nó là dịch, phóng tác, hay thậm chí "chôm ý" của Tàu hay Tàu chôm ý của ta), được "tương đối". Dĩ nhiên cái hiểu thế nào là tùy cách suy nghĩ của mỗi người. Đúng là bất tận ngôn.
      Còn chuyện từ điển này hay từ điển khác có đáng tin cậy hay không lại là vấn đề khác rồi, ta chỉ có thể nói cái từ ngữ của từ điển đó giải nghĩa không đáng tin cậy, khi mà ta chứng minh được là nó không đáng tin cậy.

      Xóa
  18. Khi vừa thấy tên bài này trong Inbox, HN vào đọc nhưng máy báo "trang này không tồn tại", nay mới vào thì được đọc cả nhiều ý kiến của nhiều vị thức giả nữa. Chỉ riêng chuyện "bươi" vấn đề này ra, chưa nói đi sâu đã là việc làm rất đáng hoan hô và kính nễ của bác Bu!
    Vừa rồi, nhân theo dõi bộ phim Nữ hoàng cafe (bản gốc của Venezuela được Việt hóa kịch bản), chuyện dịch hay phóng tác thành vấn đề bàn thảo nội bộ trong nhà, xin nói rằng có những sự "ăn cắp tác quyền" mà người ta gọi là đạo văn, đạo ý tưởng, lấy của người làm của mình, khi bị người đời phát hiện thì biện hộ nào là trùng lặp ý tưởng, nào là cùng tần số cảm nhận, đồng điệu khi quan sát hiện thực...và cũng có ví dụ đưa ra như trường hợp nhà văn Hoàng Hải Thủy (Jane Ere), Hà Mai Anh (En famille) là phóng tác. Riêng bài ca dao này thì HN đứng về phía những nhận định cho rằng không ai dịch của ai, mà VN và Tàu đều có và bài ca dao VN ý nghĩa hơn.
    Một việc khác, hình như bác Bu và Hòn Sỏi nhắc đến chuyện tế nhị có phải muốn nói đến câu: "Nhất niên chi kế mạc..."? Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Riêng bài ca dao này thì HN đứng về phía những nhận định cho rằng không ai dịch của ai, mà VN và Tàu đều có và bài ca dao VN ý nghĩa hơn"

      Bu cũng thiên về ý kiến của Hồng Ngọc, tuy nhiên những khả năng sau đây cũng nên đặt ra cho khách quan:
      - Người Việt phóng tác dựa vào bài của Lí Thân
      - Lí Thân tham khảo ca dao việt vì nó hay quá
      - Người Việt và người Tàu trùng lặp ý tưởng, cùng tần số cảm nhận...

      Xóa
    2. Hoàn toàn đồng ý với các khả năng có thể xãy ra. "Việc khác" chắc là chuyện nhạy cảm nên bác Bu chỉ mìm cười thật tươi một mình rồi ...lơ luốn? Hihi.

      Xóa
  19. Nhà bác Bu qui tụ toàn những "gạo cội" văn học VN và TQ, như bác Vũ Nho, bác Ngọc Hiệp Phạm, bác Dung Nobita, chị TTM Gốc Mai, bác Hồng Ngọc.... đúng là một vùng "sao sáng hội tụ"
    Chúc mừng chủ nhân đã có một bài viết thu hút.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong số tên bạn nêu ra thì bu tui là phu Lục lộ
      Người đẹp TTM 70% Tàu 30% Việt, nhà blog học ưu tú.
      Bác Hồng Ngọc Thầy dạy sử.
      PNH là nghệ nhân và nhà sưu tầm từ điển đông tây kim cổ
      Bác Dung Nobita là họa sĩ
      Bác Vũ Nho là Giáo sư tiến sĩ
      Phải kể thêm PHUSA là nhà thơ

      Xóa
    2. Phusa chỉ là người đọc và học hỏi qua các nhận xét tranh luận của mọi người thôi, thấy hay và thú vị lắm bác ạ.

      Xóa
  20. Bàn thêm với bác Bu:
    - Hình như bác Bu cứ lấn cấn nghĩa của từ “canh” có phải là “cày” không ? Theo NaNo thì khi xem xét nghĩa của từ/cụm từ trong bản dịch/phóng tác thì phải xem từ/cụm từ đó được ghép với từ nào, hoặc nằm trong ngữ cảnh nào của câu thơ (thậm chí xem cả tinh thần bài thơ để dịch cho phù hợp. Chẳng hạn: Từ “canh” không có nghĩa là “cày” mà chỉ có nghĩa là một công việc nặng nhọc nào đấy, nhưng khi ghép với các từ khác thì được dịch khác nhau theo cách dùng của người bản xứ: Cụ thể: Canh nông (耕農): công việc nhà nông; Canh tác (耕作): công việc đồng áng; Canh điền (耕田 ) cày ruộng; Thiệt canh (舌耕) là dạy học; Bút canh (筆耕) là viết thuê…Như vậy chữ canh (耕) trong câu thơ 父耕原上田 được dịch là “cày” là phù hợp vì có chữ điền (田) đi kèm ở cuối câu.
    - Ý trên đây của NaNo sẽ không đúng với trường hợp ngoại lệ là khi người dịch vì một lý do nào đó ngoài văn học đã cố tình dịch sai nghĩa của từ/cụm từ trong bản gốc. Ví dụ: Câu thơ “Mộng hồn hoàn nhiễm ngũ tiêm tinh" (夢魂 環繞五尖星) trong bài Thụy bất trước (睡不著) – “Nhật ký trong tù”, mà Nam Trân dịch là "Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh" là không đúng, vì 3 chữ ngũ tiêm tinh (五尖星) có nghĩa là năm ngôi sao nhọn (chứ không phải là ngôi sao vàng). Câu này chỉ có thể dịch: “Năm ngôi sao nhọn mộng hồn quanh". Theo quan niệm Đông Phương thì Ngũ Tinh là biểu tượng kỳ diệu và may mắn. Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Lộ ngũ tinh trinh tượng thái hanh” (露五星禎像泰亨 ).
    Thực tế ở nước ta có thể tìm được nhiều ví dụ cố tình dịch sai tương tự vì động cơ chính trị.
    - Sau một hồi commen trao đi đổi lại mà bác Bu lại vẫn đặt ra “3 khả năng để cho khách quan” thì nghe có vẻ “lửng lơ con cá vàng” hề hề.... Theo NaNo chỉ nên đưa ra một kết luận: Bài ca dao “Cày đồng…” là một trong những bài ca dao rất hay, thuần Việt và không phải là dịch hoặc phóng tác từ bất cứ bài thơ/bài văn nào của nước ngoài.

    Trả lờiXóa
  21. 1- Bu tui dẫn ra
    父耕原上田
    子削山下荒

    Phụ canh nguyên thượng điền
    Tử tước sơn hạ hoang
    Dịch:
    Cha cày ruộng trên cao
    Con vở hoang dưới núi
    Của Nhiếp Di Trung để khẳng định canh ở đay là cày chớ không hề lấn cấn
    Và như thế thì sừ hòa không thể là cày đồng được
    2- Không có căn cứ nào để khẳng định 4 câu ca dao kia là do người Việt sáng tác, là thuần Việt. Bu buộc phải đưa ra các khả năng có thể xẩy ra cho khách quan.

    Trả lờiXóa
  22. Hôm nay tôi vào đọc kỹ lại entry của bác Bu, thấy những ý chính bác muốn nói như sau (bác Bu xem có đúng không nhé):
    1/- Tựa entry của bác Bu là "Dịch hay phóng tác??", tựa này hàm ý bốn câu "Cày đồng..." ĐÃ được xem là bản dịch của bốn câu chữ Hán "Sừ hòa...". Căn cứ vào điều bác đã viết: Nhưng thực ra nó được dịch từ thơ Trung quốc (5).


    鋤禾日當午
    汗滴禾下土
    誰知 盤中餐
    粒粒 皆辛苦

    * Phiên âm
    Sừ hòa nhật đương ngọ
    Hãn trích hòa hạ thổ
    Thùy tri bàn trung xan
    Lạp lạp giai tân khổ

    * Dịch thơ (chưa rõ dịch giả)
    Cày đồng đang buổi ban trưa
    Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
    Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
    Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.

    Hình như căn cứ trên tôi không thấy bác Bu nói rõ TRÍCH DẪN TỪ NGUỒn HAY SÁCH NÀo?. (Cũng không cần thiết xác minh rõ bài thơ chữ Hán là của Lý Thân hay Nhiếp Di Trung), chỉ cần biết đó là thơ của Trung Quốc, và BẢN DỊCH chữ Việt là khuyết danh (chưa rõ dịch giả).
    2/- Tuy nhiên lại có điều rắc rối là bốn câu "Mồ hôi thánh thót...", các sách Việt Nam mà bác đã trích dẫn lại viết đó là cao dao Việt Nam, nghĩa là những câu nói, câu hát vần điệu lục bát đó là của người Việt.

    Như vậy vấn đề chỉ có thể rõ ràng khi:

    1/- Bác Bu xác minh lại điều mà trong entry bác nói là bài "Mồ hôi thánh thót..." khuyết danh, là dịch từ bài "Sừ hòa..." của người Trung Quốc, nguồn hay căn cứ bác đã trích dẫn có chính xác, đáng tin cậy hay không? Nếu chính xác thì đây là bài dịch chứ không phải là ca dao của Việt Nam như các sách Việt Nam đã viết mà bác nói trong entry, và bác đã hồ nghi không biết có phải là "dịch hay phóng tác??".

    2/- Nếu các trích dẫn hay căn cứ khẳng định mình dịch thơ Tàu là không đủ chính xác và đáng tin cậy, thì vấn đề thứ hai mới được xem xét, là mỗi nước có một cách diễn tả những gì xảy ra ở xứ sở của mình, người Việt mình làm bài thơ đó để tả lại cái cực nhọc của nhà nông khi làm ra những hạt cơm dẻo hàng ngày ta ăn, không liên quan gì đến bài thơ Tàu.
    Còn chuyện xa xôi nữa ai chôm ý, của ai chỉ là phỏng đoán của mọi người..., khi chúng ta không đủ chứng cớ để xác định...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy hôm nay phải uống TIFFI, ngày mai đi Phú Quốc...
      Nay mới Reply bạn PNH ngắn gọn thế này:
      - Lúc đặt bút viết bu bị ám ảnh sự dịch thơ Tàu. Nhiều trang mạng đứng đắn đều nói thế. Một giáo sư Đại học Quy Nhơn khẳng định dịch thoát nên sừ mới thành ra cày, và hòa thành ra đồng... hihihi
      - Sắp viết xong thì buộc phải sửa tựa đề DICH HAY PHÓNG TÁC
      - cho nên lập ngôn không thực sự chặt chẽ
      - Đọc còm của các bạn bu nhận thức lại vấn đề ....
      - Về chữ thánh thót thì nó mang ý nghĩa thời bài bài ca dao ra đời, không thể lấy nghĩa hôm nay để xét lại nghĩa ngày xưa.
      - Bu sẽ viết lại bài này và đăng số tết báo QB năm tới. Cứ gần tết là báo QB mời bu tui viết bài.

      Xóa
  23. Cầu Tre kính chào Bloger Bulukhin!
    Vấn đề mà Bạn (xin phép được gọi như vậy ạ!) đưa ra trong bài viết này thật lí thú với Cầu Tre. Trân trọng cảm ơn Bạn vì bài viết!
    Cầu Tre học vấn rất sơ sài, vốn thực tế rất hạn hẹp, nhưng xin được chia sẻ vài thiển ý ạ.
    1. Cầu Tre thấy những giả thuyết mà Nhà nghiên cứu Ngọc Hiệp Phạm và GS Vũ Nho đưa ra rất có sức thuyết phục.
    2. Bài lục bát của người Việt hay hơn bài ngũ ngôn tứ tuyệt của người Tàu.
    3. Không thể hiểu từ "thánh thót" trong bài ca dao theo nghĩa dùng hiện nay mà phải hiểu theo nghĩa được dùng khi bài ca dao ra đời (có lẽ đã rất lâu). Nghĩa đó có thể khác xa với nghĩa "âm thanh du dương êm ái" được dùng hiện nay. Bởi theo qui luật phái sinh (?) của ngôn ngữ, một từ có thể có rất nhiều nghĩa, nghĩa gốc và nghĩa chuyển có thể khác xa nhau thậm chí đối lập. (Đó là còn chưa xét đến khả năng có thể thuộc về hiện tượng đồng âm..). Xin dẫn vài CHỮ tiếng Việt trước đây (nghĩa cổ- từ cổ(?)) được dùng khác xa so với nay:
    - "thiết tha": nghĩa cổ là: đau đớn, như bị cắt cứa - "Cảnh buồn người thiết tha lòng" (Chinh phụ ngâm)
    - "thức": màu, vẻ: - "Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ" (Nguyễn Trãi- Bảo kính cảnh giới 43)
    - "tiễn": ngát (chỉ mùi vị) - "Hồng liên trì đã tiễn mùi hương" (Nguyễn Trãi- Bảo kính cảnh giới 43)
    - nghỉ: hắn, nó, y (đại từ ngôi 3 số ít) - " Thấy nàng hiếu trọng tình thâm /Vì nàng, nghỉ cũng thương thầm xót vay" (Truyện Kiều, 609,610)
    - đòi: nhiều - "Nỗi riêng lớp lớp sóng giồi/ nghĩ đòi cơn, lại sụt sùi đòi cơn" (Truyện Kiều, 221,222); "Đòi phen gió táp mưa sa/ huyện thành đạp đổ 5 tòa cõi nam"...

    * Trong "Từ điển Truyện Kiều", học giả Đào Duy Anh cũng đã chú giải nghĩa của "thánh thót": 1. Rơi từng giọt - " giọt châu thánh thót quẹn bào/ Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình" (3015- 16) ; 2. hình dung tiếng đàn, các tiếng liên tiếp như giọt nước - Lĩnh lời nàng mới lựa dây/ Nỉ non thánh thót dễ say lòng người (1780-81).

    Như vậy, cụ Nguyễn Du đã dùng "thánh thót" với nghĩa tương tự nghĩa của "thánh thót" trong bài ca dao. Có thể kết luận "thánh thót" không hề lạc lõng mà được dùng rất chính xác, là nhãn tự của bài ca được chưa ạ?
    ...
    (Về từ "thánh thót", tự nhiên Cầu Tre lại nghĩ tới nhạc nước. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Cầu tre ghé thăm bu
      Mong được trao đổi với bạn dài dài

      Xóa
    2. Cầu tre cảm ơn Bạn Bulukhin.
      Cầu tre hy vọng chút "vốn" :) của mình có thể đáp lại "mong" của bạn dù chỉ chút ít.

      Xóa
    3. Có người cho rằng chuyện trò với nhau cũng như mua bán, mà mua bán thì phải có vốn...Bu tui đang làm đơn vay các "đại gia" đây hihi

      Xóa
  24. Cũng chỉ có đường này để update information, Bác Bu delete nếu đã đọc nhé. Thiệt là mạo phạm, mong đại xá:
    http://tranlequangnam.blogspot.com/2013/08/huynh-phan-ai-sai-lam-lech-lac-le-hieu.html

    Trả lờiXóa
  25. Bài mới đi bác BU ới ời..................
    Phusa sang thăm bác nè, bác khỏe không? bác đang bận nghiên cứu à?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu đang sụt sùi, cứ 4 tiếng uống môt viên TIFFY ...để đi đảo Phú Quốc với gia đình con gái và hai cháu ngoại.
      Bu đã đến PQ rồi nhưng con mời thì không nỡ từ chối.

      Có thể đưa lên chuyện cười để câu giờ vậy hihi

      Xóa
    2. OK, chuyện cười đi bác, đọc xả sì tret, mà bác nhớ đăng hình ở PHÚ QUỐC cho bà con nhìn với, chưa được đến PQ lần nào bác ạ

      Xóa
  26. Khách sạn Nha Trang cung cấp các thông tin về Khách sạn ở Nha Trang cho chuyến công tác hay kỳ nghỉ thú vị và đầy kỷ niệm của du khách đến Nha Trang. Dưới đây là danh sách khách sạn Nha Trang
    http://ksvadl.com/khach-san-dang-nang
    http://ksvadl.com/khach-san-ha-tinh

    Trả lờiXóa