Thánh Gióng
Trong Facebook nhà Phan Khiêm, ông đạo diễn phim
truyền hình Sói Đồng Hoang hỏi bu
Bác Bu Lu Khin có nhớ cái vụ câu đối mà em đưa vào phim
BÍ THƯ TỈNH ỦY không. Đó là câu đối mà ông Ngô Đình Diệm
vẫn treo trên đầu gường ngủ
"Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã hư tâm"
Thưa rằng bu tui không chỉ
nhớ mà sau khi xem phim Bí thư Tỉnh ủy
đã viết TẢN MẠN TRE đăng trên blog Multiply, trên báo tết Quảng Bình. Nay tái bản
có chữa lại, mời các bạn đọc và chỉ giáo
***
Cây tre đi vào huyền thoại
và gắn bó với người Việt đã bao đời nay. Có lẽ phải từ thời Thánh Gióng nhổ tre
phá tan giặc Ân, và hoàng tử Lang Liêu dùng lạt tre gói bánh chưng dâng vua
Hùng. Đến thế kỷ 20 tre lại theo người ra trận. Gậy tre tầm vông theo bộ đội đánh
Pháp. Chông tre của đồng bào Miền Nam đánh Mỹ. Măng tre đi vào bữa ăn người chiến
sĩ, lá tre tươi nguỵ trang che mắt quân thù, lá tre khô được anh nuôi thay củi
đun bếp. Sang thời hiện đại, đụng vào đâu trong gia đình người Việt cũng gặp
tre. Từ cái đũa tre, tăm tre, nơm bát cá, cho đến cái chổi tre, quạt nan tre…
Trong ẩm thực, con cháu nhà tre làm vui lòng bạn bè năm châu bốn biển bằng những
thực đơn nhắc đến đã thấy ngon: Bún măng, măng xào củ hành, măng kho thịt. Tre
đi vào văn hoá địa danh với những: Tỉnh Bến Tre , hồ Trúc Bạch, Bến Nứa, Trúc
Lâm Yên Tử, Khe tre, Suối Lồ ô...Người Nhật xem mận, thông, và tre, là những
cây báo điềm lành. Tre cũng là yếu tố chính trong hội họa đời Tống, chịu ảnh hưởng
mạnh mẽ của Phật giáo Thiền. Người
Bamoun và người Bamiléké thuộc Ca mơ run (Phi châu) gọi mỗi đốt tre là một nụ cười (Guis) - biểu
tượng của niềm vui sống giản dị, không bệnh tật chẳng ưu tư (1). Thế nhưng, các
nhà thông thái đã tốn khá nhiều giấy mực để bàn về cây tre. Cũng cái cây ấy
nhưng khi này tre, khi khác trúc. Sách "Điển cố văn học" (2) ở trang
412 có câu: "chặt hết trúc trên núi Nam Sơn, chẻ thành tre cũng chẳng đủ để
ghi tội ác Tuỳ Dượng Đế"(3). Hoá ra tre là mảnh nhỏ của trúc ?. Từ điển tiếng
Việt ở trang 1028 ghi: "Trúc - tên gọi chung của các loài tre nhỏ, gióng
thẳng". Thành ngữ "Trúc chẻ ngói tan" được từ điển này giải
thích: "Vì thế quân địch mạnh như chẻ tre, đánh đến đâu quân đối phương
tan rã đến đó". Vậy trúc chẻ ...tức chẻ tre! Trúc chẻ chữ Hán là phá trúc,
mà phá trúc người ta dịch ra tiếng Việt là chẻ tre. Uyên bác như cụ Đào Duy Anh
mà Trong từ điển truyện Kiều cũng gián tiếp đồng ý như thế. Sự oái oăm này
chung quy do cái kho từ vựng của mỗi nước trái hèo nhau. Ngoài ra còn do trong
văn chương của ta ngày xưa chữ tre không được dùng, chữ trúc không dược dịch.
Tre (thanh bằng) không thể thay thế cho trúc (thanh trắc) được. Rốt cuộc các
tác giả đã chọn cái hay nhưng tối nghĩa, thay cho cái đúng nằm ngoài vòng luật
lệ. Thử tưởng tượng hai câu lục bát sau đây mà thay chữ trúc bằng chữ tre, đọc
lên sẽ ngang như cua bò.
Thu ăn măng trúc, đông ăn
giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm
ao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Miệng ăn măng trúc, măng
mai
Những giang cùng nứa lấy
ai bạn cùng
(ca dao)
Nguyễn Trãi viết Bình Ngô
đại cáo bằng chữ Hán, ông buộc phải dùng chữ trúc trong hai câu:
Quyết Đông hải chi thuỷ, bất túc dĩ trạc kỳ ô
Khánh Nam sơn chi trúc , bất túc dĩ thư kỳ ác
Cụ Bùi Kỷ không thể biến
trúc thành tre mà phải dịch:
Tát cạn nước Đông Hải,
không đủ rửa vết nhơ
Chặt hết trúc Nam Sơn,
không đủ ghi tội ác
Với người Việt, cây tre
còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, "bụi tre che tứ
phía". "Tre già măng mọc" là thế hệ trước nằm xuống, thế hệ sau
vươn lên giữ cho trường tồn nói giống . Đã có chiến sĩ hy sinh trong trận chiến
với tư thế đứng tựa vào cây rừng, miệng chưa tắt hết nụ cười, như cây tre cuối
đời còn gửi vào trời đất chùm hoa duy nhất màu vàng rơm lúa. Trong văn chương
dân gian nói về cây tre hay nhất có lẽ là câu đối
Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã hư tâm
(未 出 土 時 先 有 節
到 崚 雲 處 也 虚 心)
Chưa mọc lên khỏi mặt đất
đã có đốt
Chạm đến mây trời ruột vẫn
rổng không
Dân gian nói tre mà chính
là nói người. Một thứ người siêu việt vừa dân tộc vừa nhân loại. Chủng tộc tre
cũng có nam có nữ, có tre đực tre cái. Tre biết nghe, chả thế mà người đời nhắc
nhau "bụi tre có lỗ tai", liệu mà giữ mồm giữ miệng. Biết nghe thì phải
biết nhìn để mà phân biệt, để mà đối xử. Mắt tre được cho là một thứ tuệ nhãn
nhìn thấu suốt triết lí sâu xa. Lại có tre bánh tẻ đi vào ca dao, tôn vinh tình
yêu con người
Lạt này gói bánh chưng
xanh
Cho mai lấy trúc cho anh
lấy nàng
Chưa ai nói đến miệng tre
bao giờ nhưng " tiếng tre kẻo kẹt thì một vài bậc hiền minh coi là tiếng
hiệu của sự thông tuệ" (4) Cho nên cái cơ thể tre bé bỏng kia chưa nhú lên
khỏi mặt đất (vị xuất thổ thời) đã hàm chứa hình hài một cơ thể hoàn chỉnh
(tiên hữu tiết). Đấy chính là cái nhìn "nhân chi sơ tính bản thiện" của
ông cha ta trong bài học làm người. Cây tre chỉ hút tinh đất, khí trời, và ánh
sáng mà lớn lên và tu luyện cho đến lúc
chạm đến xứ mây (đáo lăng vân xứ) của ngài Lão Tử thì rổng không thân mình. Đến
đây thì Phật và Lão gặp nhau cùng “thoát ra ngoài các cơn lốc hình ảnh, các ham
muốn và cảm xúc, thoát ra khỏi bánh xe các cuộc đời phù du, để chỉ còn cảm thấy
niềm khát khao cái tuyệt đối" (5) .
Câu đối 14 từ Hán Việt, dịch
ra 16 chữ Quốc ngữ chỉ nói về giống tre của xứ sở. Và những ai học hết sách
thánh hiền, thông tuệ thiên kinh địa nghĩa, liệu có đáng nghiền ngẫm thêm bài học
về cây tre không ??
-----------------------------------
(1) (4) (5): Sách Biểu tượng văn hoá thế giới của Jean
Chevalier và Alain gheerbrant nxb Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du 1997.
Bamoun và Bamiléké là những vùng đất thuộc Cameroun, châu phi.
(2) Điển cố văn học: Nhà XBKHXH- Hà Nội 1977 Đinh Gia
Khánh chủ biên
(3) Tuỳ Dượng Đế: Sách
"Điển cố văn học" có thể nhầm, vì Tuỳ Thư quyển 3 gọi tên nhân vật
này là Tuỳ Dạng Đế Dương Quảng (569-618 )- vị Hoàng Đế thứ 2 của triều Tuỳ, cực
kì xa hoa và dâm đảng, bị những kẻ nổi dậy thắt cổ chết tháng 3 năm thứ 14
(618)
Ôi ! Nhờ bài viết thật hay đầy ý nghĩa này của anh Bu mà em lại có điều kiện để nhớ về nền văn học của nước nhà ! Thật rõ chẳng những cây tre rất có ý nghĩa về lòng yêu nước của người dân qua các thời kỳ kháng chiến mà nó lại còn có ý nghĩa về ẩm thực nữa chứ ....nhất là đọc đến câu : " Gậy tre tầm vông theo bộ đội đánh Pháp. Chông tre của đồng bào Miền Nam đánh Mỹ " mà em thấy thấm ý vô cùng . Ox em rất khâm phục tinh thần chiến đấu người dân VN và bố chồng của em cũng đã từng tham gia cuộc chiến tranh ở VN trước đây ....giờ nhắc lại ông cụ vẫn luôn có ấn tượng tốt về tình yêu đất nước của người dân Việt Nam .....
Trả lờiXóaCám ơn sự cảm nhận và những lời nhận xét thiệt tình của Năng Tuyet
XóaTre, trúc, lồ ô, nứa... thực ra là "anh em con chú con bác", thuộc phân họ tre nứa (Bambusoidae), tùy theo loài mà hình dáng có khác nhau. Trúc thân nhỏ thường chỉ làm cần câu cá, tre, lồ ô, nứa thân lớn, chẻ nhỏ làm được những vật dụng như rổ, rá, giường, chõng, cả nhà cửa... Bây giờ người ta còn làm cả bê tông cốt... tre!
Trả lờiXóaNói không ngoa tre, trúc... là biểu tượng của làng quê, của con người Việt Nam, ngày xưa những người xa quê thường nhớ về lũy tre đầu làng...
Bên Tàu học tre của ta họ kêu là trúc cho nên Tàu ta lẫn lộn tùm lum
XóaBài của bác Bu uyên thâm hơn các bài về tre có tính tuyên truyền xung phong trước đây rất nhiều !
Trả lờiXóaCảm ơn sự so sánh của HHP
Xóa"Năm qua đi, tháng qua đi
Trả lờiXóaTre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau, mai sau, mai sau
Đất xanh xanh mãi xanh màu tre xanh"
Chú Bu khiến cháu nhớ lại bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy.
Dường như giờ tre cũng dần mất đi nơi xóm làng chú Bu ạ. Cháu về quê, để ý mãi mà không chụp được bông hoa tre nào cả. Lũy tre làng luôn là một nét văn hóa mang đậm hơi thở, dấu ấn của người Việt. Nó vừa lưu giữ lịch sử vừa biểu hiện tâm tính của người Việt. Một người bạn của cháu rất hay chụp tre. Những bức ảnh về tre của anh ấy mang đến hơi ấm, nét bình dị, sự bình yên của làng quê mà cháu rất thích xem.
Chú bu được biệt trong đời tre chỉ nở hoa một lần, hoa tre màu vàng rơm lúa. Hoa tàn thì tre cũng tàn cho nên Yên Vũ khó lòng chụp được hoa tre lắm
XóaGần đây các anh viết có nhiều bài rất hay. Có thì giờ đọc thong thả mới thấm. Nhớ năm trước bên blog nhà anh Văn Phạm Cũng có bài viết về phong cách và hồn cốt của trúc cũng hay và sâu sắc lắm. Bài này của anh cũng rất công phu. Hóa ra viết gì cũng cần cẩn trọng và lao tâm thì mới sướng.
Trả lờiXóaTrên blog này có thể đăng những bài dài, người viết bỏ ra nhiều công phu, còn bên "phây" gặp nhau đôi khi chỉ giơ tay cháo "thích" rồi ai đi đường nấy hihi
Trả lờiXóaDạ đúng rồi bác Bu, thế nên về đây chia sẻ là tốt nhất, phải không? :)
XóaĐúng lắm người đẹp ạ
XóaLuận về cây tre là một đề tài rất thú vị, nhất là cây tre đã gắn bó chặt chẽ hàng ngàn đời với người dân nước ta với truyền thống canh tác nông nghiệp và quần cư làng xã… Bác Bu đã có bài viết rất công phu, có nhiều thông tin bổ ích về công dụng của tre. Nhưng BOBI tôi vẫn còn lấn cấn về cách hiểu hai câu:
Trả lờiXóaVị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã hư tâm
未 出 土 時 先 有 節
到 崚 雲 處 也 虚 心
(Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã hư tâm)
Chưa mọc lên khỏi mặt đất đã có đốt
Chạm đến mây trời ruột vẫn rổng không
1. Theo BOBI tôi biết thì các cụ nho xưa đã dạy: Câu đối thì phải chỉnh về luật: phải đối từng cặp từ, đối ý, đối lời, đối bằng trắc… Vậy hai câu trên không phải là câu đối, vì không chỉnh.
Chẳng hạn:未-vị là phó từ (chưa) thì không thể đối với到- đáo là động từ (đến); 出- xuất là động từ (xuất hiện) thì không thể đối với 崚-lăng là tính từ (cao vút). Do đó未 出 土 không thể đối chỉnh với 到 崚 雲 … Tóm lại, BB nghĩ rằng đây không phải là câu đối mà là hai câu thơ vịnh một bức tranh trúc hoặc tre nào đó để tạo thành một bức thư họa hoàn chỉnh (thường là tranh thủy mặc).
2. Về ý nghĩa của hai câu trên:
- Họ nhà tre thuộc loại cây thân cứng, rỗng ở gióng, đặc ở mấu, nên có nhiều đốt. Khi mới nhú lên khỏi mặt đất (xuất thổ) đã nhìn thấy đốt, càng lên cao càng nhiều đốt. Vì bên trong rỗng nhiều hơn đặc nên chẻ tre rất dễ, không tốn nhiều sức. Khi chẻ, chỉ khó chút ở mấu đầu tiên, còn các mấu sau thì nhẹ nhàng hơn nhiều, vậy nên chẻ một thân cây tre sẽ rất nhanh. Người ta thường nói thắng như chẻ tre là như vậy.
- Nếu ví tre trúc như người thì BoBi tôi nghĩ rằng hai câu thơ trên đã đánh giá rất thấp tính cách con người: Trông bên ngoài có vẻ đẹp đẽ cứng cáp (vì nhiều mắt, nhiều đốt), nhưng thực chất là trong lòng rỗng không – hư tâm (nên chẻ rất dễ). Có nhiều bản chép là 無心 (vô tâm). Có lẽ vô tâm chính xác hơn vì phù hợp với ngôn ngữ nhà Phật (vô sinh, vô đức, vô tâm vô minh,…). BoBi tôi vẫn chưa hình dung ra được tại sao những mắt tre, trúc lại là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết lý sâu xa (lời của bác Bu). Và cũng không hiểu tại sao người xưa lại ví trúc (loại tre nhỏ) như người quân tử. Ví như vậy hóa ra người quân tử cũng chỉ để làm cảnh thôi sao, vì trúc quá nhỏ, mảnh mai quá, làm sao có thể cứng rắn và chịu đựng phong sương như cây tùng cây bách được…
3. Với suy nghĩ về ý nghĩa của hai câu thơ như vậy nên BOBI tôi rất nghi ngờ rằng ông Ngô Đình Diệm đã từng treo hai câu trên tại đầu gường ngủ, vì nội dung không phù hợp với tính cách, tư duy và trình độ Hán Nôm uyên thâm của ông Ngô Đình Diệm. (Bác Bu thử tìm hiểu xem tài liệu nào đã nói việc ông NĐD đã từng treo ở giường ngủ hai câu trên).
Tóm lại BOBI tôi có vài suy nghĩ và thắc mắc như vậy, mong tiên sinh Bulu chỉ giáo.
Trước hết vui vì bác đã trở lại blog, mong được thư thả để hầu chuyện bác đây hihi
XóaQua đây, em chỉ biết đọc và đọc, mở rộng tầm nhìn thôi. Bình loạn không nỗi rùi. chỉ biết là chú Bu bàn dìa cây tre nghe sướng thiệt, thêm cái còm của chú Nano nữa. Hic hic
Trả lờiXóaNhà thơ có biệt tài mô hình hóa những khái niệm trừu tượng thành những thứ người đọc sờ mó được như nỗi buồn, niềm vui, anh nắng,...mà bảo không bình loạn được câu nào thì hơi bị là rồi.
XóaLúc nào đó chu bu sẽ có entry HẦU CHUYỆN BÁC NANO mời nhà thơ sang đọc và bình loạn nhé
Lâu lâu mới thấy bác BoBi, và bác đã cho ngay một cái còm lý thú để đọc, nhiều cái để suy nghĩ. Trong khi chờ bác Bulukhin có bài HẦU CHUYỆN BÁC NANO, có lẽ là một bài dài trao đổi về những điều bác BoBi viết trong còm. Tôi xin có một vài thiển ý.
Trả lờiXóa1/ Xưa nay trong văn học, trong cuộc sống, người ta hay ví tre như người, và có lẽ cái ví ấy không hề "đánh giá rất thấp tính cách con người". Bởi như ta đã biết, tre (nói chung các loài thuộc họ tre, trúc), là một loại cây gắn liền với con người VN bao nhiêu đời nay, bụi tre trúc trong vườn nhà, lũy tre đầu làng, các vật dụng trong nhà, từ bàn ghế, giường nằm (chõng tre), đồ vật (nhất là những đồ vật liên quan đến ăn uống hằng ngày, cái rổ, rá, đôi đũa ăn cơm, cái lồng bàn để đậy...), cái cần trúc câu cá, đan thành nơm bắt cá cua..., măng để ăn từ tre trúc... Người dân ta xưa ít chữ, cũng không biết lý luận nhiều, ngần ấy thứ lợi ích từ tre, trúc, cũng đủ khiến cho họ coi tre trúc là bạn đồng hành, tre trúc trở thành biểu tượng của cuộc sống, và văn học có ví tre, trúc như người quả cũng không quá đáng.
2/ Lẽ thứ nhì là người xưa đã ví trúc (một loại tre nhỏ) như người quân tử. Điều này cũng dễ hiểu, bởi cây trúc tuy nhỏ nhưng luôn thẳng (cho nên mới được chọn làm cần câu) và những lá trúc khi ở trên cây thì xanh bốn mùa, không thay đổi... Dáng vẻ luôn thẳng vươn lên trời cao, lá không hề đổi màu... Đó cũng là tính cách của người quân tử, ngay thẳng và chỉ có một lòng...
Mấy thiển nghĩ góp vui với bác BoBi, bác Bu và cả nhà.
Nhất trí với PNH cả hai ý
XóaTừ Hữu gồm Mai lan cúc trúc mà
Bài bác Bu viết rất hay và công phu.
Trả lờiXóaNhân đây xin cung cấp mấy câu ca dao về tre non và giang ( cũng họ nhà tre), mà sinh viên khoa Ngữ Văn ĐHSP Việt Bắc sư tầm. Nhà văn Vi Hồng, thầy dạy của chúng tôi đã công bố:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá, đan sàng được chăng?
Cô gái vùng rừng giang ( Đại từ, Thái Nguyên) trả lời:
Quê ta chẳng thiếu gì giang
Sao anh lại hỏi đan sàng bằng tre?
Thực tế thì người ta đan sàng ( một dụng cụ để làm gạo) bằng tre, nhưng cũng có thể bằng giang. Giang nhỏ hơn, dẻo hơn thường được dùng làm lạt. Có câu chuyện các văn nghệ sĩ đói, bàn chuyện ăn. Ông nào cũng nói về tiết canh. Các ông bèn đố nhau tiết canh đánh thế nào là ĐÔNG ( chắc) nhất. Ông thì bảo chọc đũa không thấu, ông thì cho là úp bát xuống không đổ... Cuối cùng tất cả chịu thua Nguyễn Tuân vì Nguyễn bảo tiết canh đông là có thể xâu lạt giang, quặc vào ghi đông xe đạp...
Cảm ơn bác Vũ Nho đã sang bu đọc và có nhận xét.
XóaTre ra trận và lạt tre cũng tham gia huấn luyện binh sỹ trên thao trường, Có chuyện kể, ngày xưa đám dân quân tự vệ khi tập đi đều bước không biết chân nào là chân phải chân nào là chân trái. Đồng chí chỉ huy sáng kiến buộc lạt tre vào chân trái và ra lệnh khi nào tôi hô có lạt thì bước chân trái lên, tôi hô không lạt thì bước chân phải lên Thế là thao trường vang lên gióng giã tiếng ngài chi huy:Tất cả nghiêm đi đều bước, có lạt, không lạt, có lạt không lạt....hihi
Tôi tán thành một nửa băn khoăn của bác Nano Bobi. Có lẽ 2 câu trên là hai câu của một bài thơ nằm trong vị trí đối nhau chăng. Khi đó việc đối không bắt buộc chặt chẽ như trong câu đối.
Trả lờiXóaTuy nhiên việc chê tre "đẹp mã. rỗng ruột" thì có nhẽ không phải. Cai hư tâm hay cái vô tâm kia có lẽ là chỉ việc đạt đến một trình độ tu hành hay đắc đạo nào đó. Cũng giống như hiện tượng người thường thì khi chết, ruột gan sẽ hư trước. Nhưng nhà tu hành đắc đạo khi viên tịch, thì lòng sạch không. Cứ thế người ta sơn phết lên thành TƯỢNG như trường hợp ở chùa Đậu chăng? Chờ các bác chỉ giáo!
Ở đây có vấn đề là phải hiểu thế nào là biểu tương văn hóa
XóaCây tre, cây trúc không phải là con người mà là biểu tượng văn hóa nói về tính cách con người.....Những ý kiến của bác rất bổ ích cho bu
Giờ thị xã nơi em ở, tìm đỏ mắt chả ra một cây tre nữa. em hèn mọn, k đủ tài để bàn về lịch sử, chỉ biết lòng rất nhẹ nhàng, thư thái, khi bắt gặp đâu đó hình ảnh lũy tre rì rào trước gió Nghe bình yên đến lạ
Trả lờiXóaNgười thơ viết văn xuôi cứ như thơ
Xóa..Thân gầy guộc, lá mong manh
Trả lờiXóaMà sao nên lũy nên thành tre ơi..
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu..
Với cháu, tre là biểu tượng đẹp về con người Việt Nam. Ở đâu tre cũng đẹp, cả trong thơ văn và ngoài cuộc sống, chú Bu nhỉ!
Đúng như thế Chu Ngọc à
XóaHôm nào có bài trả bác BOBI mời cô giáo sang đọc và cho điểm nhé
Theo chân Chu Ngọc sang thăm nhà. Xin được làm quen với chủ nhà, với lời chúc tốt lành đầu năm mới ạ!
Trả lờiXóaCảm ơn Ngọc Lan Hoàng mong được đối thoại dài dài ạ
Xóa