Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

ĐÔI ĐIỀU VỚI ĐỘNG PHONG NHA

 

                              Cửa động Phong Nha (nhìn từ trong ra)

                                         

                                    Đền Tiên sư Tự Cốc (thờ bài vị thần động)

                                 

 

                     Bức hoành Tiên Sư Tự Cốc (Chữ tiên viết sai)

                                      

                

           

Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng rộng những 200.000 ha chứa trong lòng nó một hệ thống 300 hang động lớn nhỏ.  Nhưng có lẽ hấp dẫn du khách vẫn là sông Son, sông Chày, cùng muôn trùng kì ảo của hang Cung Đình, Hang Tiên, Động Tiên Sơn... Ngày nay du khách trở lại Phong Nha - Kẻ Bàng đã thấy nhiều nét mới: Bến thuyền rộng có nhiều bậc cấp, nhà bán vé mái tròn, đền thờ thần động có tên Tiên Sư Tự Cốc, con đường 400 bậc đưa du khách lên cao 120 mét để thưởng ngoạn động Tiên Sơn...Nhưng sau khi chiêm bái bài vị “Diệu Ứng  Chi Thần” trong đền Tiên Sư Tự Cốc, đọc hết các chữ ta chữ Tàu trong khu vực động, lắng nghe các hướng dẫn viên du lịch thuyết minh về vẻ đẹp hang động , tôi xin có vài suy nghĩ về công tác quản lý một di tích và danh thắng tầm cỡ quốc gia và quốc tế này.

1- Nơi thắp hương cáo yết thần động.

Việc lập lại nơi thờ thần động Phong Nha là phù hợp với tâm linh người Việt. Du khách có chỗ thắp hương xin thần động được vào nơi ngài cai quản và phù hộ độ trì cho những điều tốt lành. Cách nay một thế kỷ, thủ tục thắp hương vô cùng thuận tiện vì dưới vòm hang có ba bàn thờ, du khách bước xuống thuyền là đến được nơi thắp hương. Ngày nay bàn thờ đặt trong đền Tiên Sư Tự Cốc trên đường lên động Tiên Sơn (động khô), cao hơn mặt nước sông Chày đến 30 mét.  Người lái thuyền gấp gáp đưa du khách vào động thật nhanh để tăng chuyến, tăng thu nhập, không bao giờ dừng thuyền lại cho mọi người làm thủ tục thắp hương.  Mà có dừng lại chăng nữa thì du khách ngước nhìn độ cao 30m với gần 200 bấc cấp cũng nản chí lắc đầu.  Vậy là du khách vào động Phong Nha có thể can các tội sau đây:

a- Với người chỉ vào động ướt (đi thuyền)  không  thắp hương  cáo yết thần động, nhập gia không tùy tục, can tội bất kính.

b- Với những người thăm động ướt xong lại lên động khô (Tiên Sơn) dừng lại thắp hương can tội “Tiền trảm hậu tấu”, tức là vào nhà người ta chán,  đến khi ra về mới xin phép chủ.

c- Với những người chỉ thăm động khô (Tiên Sơn) dừng lại thắp hương can tội “Dương đông kích tây”. Vì bài vị trong đền là của thần động ướt (đi thuyền).  Động Tiên Sơn (động khô) cho đến nay người ta chưa “bổ nhiệm” vị thần nào cai quản cả.

2- Tên gọi  “Tiên Sư Tự Cốc”

* Khi làm bức hoành “Tiên Sư Tự Cốc” và bài vị “Diệu Ứng Chi Thần”, các nhà quản lí di tích và danh thắng không dựa vào chính sử “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, mà dựa váo bài viết của một du khách  có tên Trần Kinh trong quyển “Quảng Bình thắng trích lục” (1).Về động Phong Nha sách Đại Nam nhất thống chí viết: “ Động Thầy Tiên cách huyện Bố Trạch 40 dặm về phía tây, lại có tên là động Núi Thầy...theo dòng nước đi vào khoảng hơn 100 trượng thì địa thế mở rộng, có một đống cát trắng, trước kia có tượng đá như hình người tiên, người địa phương  phụng thờ ở đây, triều trước sắc phong Thần Hiển Linh, ban cấp cho đồ thờ,  chép vào điển thờ, sau trải qua binh cách bị bỏ đã lâu, đến năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) gia phong làm Thần Ưng Diệu” (2).  Thế nhưng, không rõ ông Trần Kinh căn cứ vào sử liệu nào lại viết “Trước cửa động có một bàn thờ thần sắc phong “Diệu ứng chi thần” nên cũng có tên gọi là Tiên Sư Tự Cốc nữa” (3).  Ông Kinh đã nhầm Ưng Diệu ra Diệu Ứng. Diệu Ứng là nói về phẩm chất của một vị thần , còn Tiên Sư Tự Cốc là nói về bản thân hang đá thờ ông tiên,  hai khai niệm đó khác nhau một trời một vực, cớ sao ông Kinh lại dùng cụm từ  “nên cũng” để biến cái nọ thành cái kia ?

* Bức hoành bằng gỗ thiếp vàng chạm nổi 4 chữ Hán “Tiên Sư Tự Cốc”     (先 師 寺 谷) màu đen có nghĩa gì? Phải nói ngay rằng chữ tiên viết sai. Tiên ở đây chỉ ông tiên ( ) chứ không phải tiên ( ) trong đầu tiên, tiên phong như đã viết. Căn cứ vào 4 đại tự  kia,  phải dịch là: “Hang chùa (thờ) người thầy đầu tiên” nghe chẳng có nghĩa lý gì cả. Có lẽ người viết muốn nói “Chùa hang (thờ) thầy tiên”, và như vậy thì bốn chữ Hán phải là “Tiên Sư Cốc Tự” ( 師 谷 寺   ) chứ không phải “Tiên sư Tự Cốc”. Và xét cho cùng dùng chữ “tự” (chùa) không đúng. Chùa là công trình kiến trúc để thờ Phật, nhưng ở đây lại thờ thần tiên, hoàn toàn khác Phật.

3- Việc thuyết minh hang động  

* Cho đến nay, các hướng dẫn viên du khách ở động Phong Nha chưa có được một bản thuyết minh thống nhất và khoa học.  Các từ “hang” trong Hang Tiên,  Hang Cung Đình...  không phù hợp với tâm thức người Việt. Hang gợi lên một không gian chật hẹp, bẩn thỉu, như hang rắn, hang chuột. Một biệt thự dẫu có nguy nga tráng  lệ mà bọn trộm cướp ở người ta vẫn gọi đấy là hang ổ. Chuyện thần thoại người Việt đều nói Tiên ở động hoặc ở trên chín tầng mây chứ không ở hang, và cung đình là nơi vua ngự thì không thể gọi là Hang Cung Đình được.

*  Rất nhiều khối thạch nhủ tuyệt đẹp được các hướng dẫn viên mặc định cho một tên gọi. Chẳng hạn: “đây là mái tóc nàng tiên” trong khi một anh dân chài bảo là đầu con tôm hùm!  Anh nông dân làm vườn bảo giống quả mướp đắng !  Lại một khối thạch nhủ khác được cho là “Tượng Phật bà quan âm”,  trong khi du khách đạo Hồi nhìn giông giống ngài Mô ha mét sứ giả thánh Ala, anh ta không biết Phật bà quan âm là ai. Chưa nói du khách đứng ở một góc nhìn khác thì những mái tóc nàng tiên và Phật bà quan âm lại biến hóa ra một hình thù mới lạ, khác hẳn.

*  Giá trị lịch sử văn hóa của động Phong Nha gần như chưa được người thuyết minh đề cập tới.  Trong suốt 904 năm (192- 1096) người Chàm làm chủ vùng đất này và họ lưu giữ trong động nhiều kiệt tác điêu khắc. Sau năm 1096, người Đại Việt tiếp thu vùng đất phía nam Hoành Sơn, bảo tàng Phong Nha được bổ sung thêm tinh hoa văn hóa Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho hay:  “Bên phải lối vào động có một bàn thờ bằng gạch, trên bàn thờ có bức tượng bằng đá, hai chân xếp chéo, khăn quấn đầu che kín gáy” (4) “Tượng thần ngồi có 4 tay, hai tay dưới đặt trên gối , hai tay phía trên cầm cung và tên”... “ Tượng đức Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen tỏa ánh hào quang, tay để trên ngực, nắm lại theo tư thế thiền và nhiều bài vị bằng đất nung với nhiều loại kích thước khác nhau” (5)...Thiết nghĩ các nhà quản lí di tích và danh thắng có kế hoạch  phục chế lại  những bức tượng trên để du khách không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp của thạch nhũ mà còn hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của một vùng đất vốn được gọi là địa linh nhân kiệt thì hữu ích biết mấy. Đương nhiên, việc  xác định chính xác vị trí, hình khối, phong cách , niên đại những pho tượng trên cần đến những hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia và nguồn kinh phí xứng đáng. Tôi nghĩ đặt vấn đề này ra bây giờ không phải là quá sớm một khi Việt Nam đang là điểm đến của thiên niên kỉ mới. 

----------------------------------------------------- 

(1) Quảng Bình thắng trích lục của Trần Kinh và Nguyễn Kinh Chi, thư viện Quảng Bình xuất bản 1998

(2) Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức, tập 2 trang 32 NXB Thuận Hóa 1992

(3) Bài động Phong Nha, trang 56 tác giả Trần Kinh, sách Quàng Bình thắng trích lục

(4) MC Paris: Các công trình của người Chăm ở Trung kì trong BEFEO. Tập 1 trang 25-26 (Theo PTS Nguyễn Văn Mạnh TCNL 5-1997)      

(5) Finol et Goloubew: Fouile de Đại Hữu BEFEO tập XXV 1925 trang 469,475 (Theo PTS Nguyễn Văn Mạnh TCNL 5-1997)       

24 nhận xét:

  1. Đọc và hiểu thêm về Phong Nha của quê nhà và thấy đáng trách vì chưa có dịp ngược sông Gianh lên thăm Phong Nha. Thấy anh khỏe là mừng, chúc cuối tuần ấm áp. Chị H tháng mấy nghỉ anh Bu?

    Trả lờiXóa
  2. Quê nhà ta còn nhiều việc đáng nói lắm, chỉ tiếc là nói không ai nghe
    Đầu tháng 5. 2011 Thu Hà nghỉ hưu. Mùng 6 tháng 3 này hai Bu lên đường Nam tiến bằng ô tô. Đi đường ven biển chứ không đi đường 1. Sẽ thông báo bạn đii cà phê chim.

    Trả lờiXóa
  3. Thuyết minh ở nhiều thắng tích còn lộn xộn lắm. Có nơi họ còn nói như hát, như đọc diễn cảm cơ.

    Trả lờiXóa
  4. Vừa thưởng thức mưa xuân bên nhà bạn về lại gặp bạn đến thăm nhà, cảm ơn người hàng xóm nhé

    Trả lờiXóa
  5. Anh Bu ơi! đưa bài này lên báo đi anh ạ.
    Thực ra ngành du lịch đã có trường đào tạo hướng dẫn viên du lịch, tôi cũng không biết rõ lắm chương trình dạy của trường, nên không dám nói về ngành này. Tuy nhiên thiết nghĩ người hướng dẫn viên du lịch ở từng địa phương, chí ít cũng phải hiểu rõ địa lý, lịch sử của tất cả các di tích, các danh lam thắng cảnh trong phạm vi mình đưa khách trong và ngoài nước đi thưởng ngoạn, chứ không thể ấm ớ nói trệch theo cái trí thức trống không và KHÔNG BIẾT của mình được.

    Nhìn Bức hoành Tiên Sư Tự Cốc, tự nhiên thấy suy nghĩ quá anh Bu ạ.

    Năm xưa cùng người bạn người Taiwan đi du lãm ở chùa Hương, các di tích vớ chữ viết toàn là chữ Hán và chữ Nôm ngày xưa. Tôi thực tình không biết chữ Nôm, chữ Hán cổ thì phải đọc ra thì mới hiểu được. Người bạn ấy nói rằng, thật là lạ! tại sao bút tích trong di tích của đất nước bạn mà các bạn không đọc được....!

    Thế là lại phải giải thích cho bạn ấy hiểu về lịch sử hình thành chữ Hán và chữ Quốc ngữ...

    Thế đấy anh Bu ạ. Cho nên điều anh phân tích ở trên thì cũng không ngạc nhiên lắm với thế hệ khập khểnh không có kế thừa về kiến thức phổ thông về lịch sử, về địa lý ... của một bộ phận trong đại bộ phận của chúng ta hiện nay chút nào cả!

    Trả lờiXóa
  6. 1- Bu đã đưa bai này lên báo (dài và kỹ hơn bài này) thậm chí còn tặng các em thuyết minh, các vị lãnh đạo vườn Phong Nha Kẻ Bàng nhưng kết quả là ...huhuhu
    2- Ở xứ mình con cháu không hiểu ông cha nói gì, không khác gì một lũ câm điếc. Được mới nới cũ, bỏ chữ Hán là một sai lầm. Người Hàn có chữ riêng nhưng trẻ con bên họ vẫn học chữ Hán. Mà nước Hàn là con rồng châu á chứ kém ai.
    3- Buồn thay người làm văn hóa lại thiếu văn hóa
    4- GS Hoàng Ngọc Hiến có một câu văn tắt: Cái nước Nam mình nó thế

    Trả lờiXóa
  7. Có được một du khách của động Phong Nha như bác Bu thật là quý hiếm!

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn bác đã giúp hiểu thêm về 1 địa danh và dù đã tham quan Phong Nha nhưng đúng là chỉ ngắm cảnh là chính mà chả rõ lịch sử...
    Nhà cháu không thích cái chữ tượng hình cũng như 'nước lạ' nhưng quả thực vào chùa chiền di tích xưa 'con cháu không hiểu ông cha nói gì, không khác 1 lũ câm điếc' thật và có lẽ đây là 1 bất hạnh đáng nói của dân tộc này mà nhiều người làm ngơ...

    Trả lờiXóa
  9. Anh Bu ơi! từ chiều đọc bài của anh, M cứ suy nghĩ mãi về chữ Tự và chữ Cốc, nên tối nay rãnh mới post vào đây đoạn tự điển Hán Việt về hai chữ này.

    TỰ 寺  tự
    [Pinyin: sì]
    1. Dinh quan.
    2 Tự nhân 寺人  kẻ hầu trong (hoạn quan).
    3. Chùa. Đời vua Hán Minh đế 漢明帝  mới đón hai vị sư bên Thiên Trúc 天竺  sang, vì chưa có chỗ ở riêng mới đón vào ở sở Hồng Lô Tự 鴻臚寺, vì thế nên về sau các chỗ SƯ ở đều gọi là TỰ.

    CỐC 谷: cốc, lộc, dục
    [Pinyin: gǔ]

    1. Lũng, suối, dòng nước chảy giữa hai trái núi gọi là cốc. Như ẩm cốc 飲谷  uống nước khe suối, nghĩa bóng chỉ sự ở ẩn.
    2. Hang, núi có chỗ thủng hỏm vào gọi là cốc. Như sơn cốc 山谷  hang núi.
    3. Cùng đường. Như Kinh Thi nói tiến thoái duy cốc 進退維谷  (Tang nhu 桑柔) tiến thoái đều cùng đường.
    4. Một âm là lộc. Lộc lãi 谷蠡  một danh hiệu phong sắc cho các chư hầu Hung nô.
    5. Lại một âm là dục. Nước Đột Dục Hồn 吐谷渾.
    6. Giản thể của chữ 穀.

    Trả lờiXóa
  10. Dù muốn hay không thì văn hóa Hán, chữ Hán ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Việt, bản sắc Việt. Bỏ chữ Hán là đoạn tuyệt quá khứ. Có người đã nói bắn vào quá khứ một phát súng lục thì tương lai sẽ nả vào một quả đại bác. Bu tui rất muốn bàn về đề tài này ....

    Trả lờiXóa
  11. Có thể hiếm nhưng lại không quý đâu huhuhu!!

    Trả lờiXóa
  12. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết.
    Bạn có đồng ý với bu là cái chữ tiên ấy đặt không đúng chỗ không?

    Trả lờiXóa
  13. 先  tiên, tiến
    [Pinyin: xiān]
    1. Trước.
    2. Người đã chết gọi là tiên. Như tiên đế 先帝  vua đời trước, tiên nghiêm 先嚴  cha xưa.
    3. Một âm là tiến. Làm trước. Như tiến ngã trước tiên 先我著鞭  liệu thế làm trước ta.

    仙  tiên
    [Pinyin: xiān]
    1. Tiên. Nhà đạo sĩ luyện thuốc trừ cơm tu hành, cầu cho sống mãi không chết gọi là tiên 仙.
    2. Dùng để ngợi khen người chết. Như tiên du 仙遊  chơi cõi tiên, tiên thệ 仙逝  đi về cõi tiên, v.v.
    3. Đồng xu. Mười đồng xu là một hào.

    Ngoài ra người ta còn dùng trong xưng hô một cách trang trọng với người lớn tuổi, hay người có vai vế, hay người đáng kính trọng..
    Tiên sinh 先生
    黃先生: Hoàng Tiên sinh.
    Và M có tra chữ Tiên Sư trong những bài viết có chữ Tiên Sư 先師 thì có đoạn như sau:

    魯班先師廟 Lỗ Ban Tiên Sư Miếu.

    魯班先師廟,又稱魯班廟,位於西環青蓮臺15號,是香港島中唯一一間拜祭魯班的廟宇,現被列為香港一級歷史建築。廟宇建於清朝光緒十年(1884年),屬兩進式非合院建築物,供奉三行祖師魯班。廟宇設置多堵精巧護牆及大量雕刻塑像、浮雕及壁畫。

    Lỗ Ban Tiên Sư miếu ,hựu xưng Lỗ Ban miếu ,vị vu Tây hoàn thanh liên thai 15hào ,thị Hương Cảng đảo trung duy nhất nhất gian bái tế Lỗ Ban đích miếu vũ ,hiện bị liệt vi Hương Cảng nhất cấp lịch sử kiến trúc 。miếu vũ kiến vu Thanh triêu Quang Tự thập niên (1884niên ),chúc lưỡng tiến thức phi hợp viện kiến trúc vật ,cung phụng tam hành Tổ sư Lỗ Ban 。miếu vũ thiết trí đa đổ tinh xảo hộ tường cập đại lượng điêu khắc tố tượng 、phù điêu cập bích họa 。


    魯班先師廟(右)和魯班先師廟廣悅堂公所(左)

    M phóng lớn tấm hình cho nhìn rõ hơn chữ Tiên.


    Đây là Miếu thờ Lỗ Ban Tiên sư, tiếng Anh họ dịch là Lo Pan Temple đó anh Bulukhin ơi.

    http://zh.wikipedia.org/wiki/%E9%AD%AF%E7%8F%AD%E5%85%88%E5%B8%AB%E5%BB%9F

    Như vậy, chữ Tiên Sư ở động Phong Nha, có thể chấp nhận được anh ạ. Chỉ có điều, nên dùng chữ Miếu thay cho chữ Tự thì đúng cho việc thờ Thần Tiên hơn, vì chữ Tự chỉ dùng cho các ngôi chùa thờ Phật có Sư tăng ở mà thôi.

    Thử nghiên cứu kỹ tí nữa đi anh.

    Trả lờiXóa
  14. "Như vậy, chữ Tiên Sư ở động Phong Nha, có thể chấp nhận được anh ạ".

    Gọi Lỗ Ban tiên sư là đúng vì ông ta là tổ sư ngành kiến trúc, là người thầy đầu tiên chế tạo ra cái thước trong nghề mộc. Ông là người thật việc thật chứ không phải người của huyền thoại. Ở động Phong Nha không có ai như thế, dân gian quan niệm ở đó có một ông tiên (仙) biết phù phép biến hóa như ông tiên trong "Sự tích con muỗi mà bạn đã đọc" ...Bởi vậy trước khi người ta dựng đền động Phong Nha được dân gian gọi là động Tiên hoặc động Thầy Tiên. .

    Trả lờiXóa
  15. bulukhin wrote today at 2:25 AM
    Bác thức khuya.

    Có lẽ M đã nhầm lẫn với giữa người thực và Tiên. Vậy là anh phân tích đúng anh Bu ạ.

    Vì như anh phân tích về truyền thuyết ở Động Phong Nha, là ông Tiên ở động phong nha, thì cái am xây để thờ ông Tiên ở đó gọi là Cốc. Và chữ Tiên ở đây, lại là chữ 仙 (bộ nhân ở bên cạnh bộ sơn), chữ Tiên ở đây cũng là một bậc thần tiên, cũng là cái tên ngắn gọn mà dân gian đặt cho ông Tiên, vì vậy ông thầy Tiên phải là 仙師 mới đúng.

    Bác Bu vẫn là ông thầy am hiểu rất sâu sắc về Hán học và cả về huyền thoại nữa.


    Trả lờiXóa
  16. Bác Bu ơi, bài này của bác rất hay và cần để nhiều người được đọc, theo thiển ý của nhà cháu thì bác gửi bài này cho blog Nguyễn Xuân Diện đi, blog này nhiều người đọc và có liên quan đến chủ đề bác quan tâm: http://nguyenxuandien.blogspot.com/

    Trả lờiXóa
  17. Vậy là hôm nay chú đang trên đường Nam tiến phải không? Đi đường bình an chú nhé!
    Chú còn nhớ hứa với con cái gì không nè? Hihi, nhớ cà phê Chim với chú đèn lồng đỏ cho con đi theo với nghen!

    Hic, biết đến bao giờ con mới đến được cái động Phong Nha này!

    Trả lờiXóa
  18. Không rành về "chữ vuông" như bác Bu, cho nên nghe bác lý giải thấy rất có lý, chữ "Tiên" có lẽ là "Thần tiên" chứ không phải "đầu tiên". Nếu nơi đây hồi nào giờ là một ngôi chùa luôn có người trụ trì thì chữ "tiên" có lẽ là "đầu tiên" (để tưởng nhớ hay ghi ơn người đầu tiên lập ra ngôi chùa chẳng hạn), còn không thì nghĩa "thần tiên" có lý hơn, bởi nơi đây là chốn "thâm sơn cùng cốc", phong cảnh hữu tình, thường được cho là nơi chốn của tiên ở.
    Còn chữ "tự cốc" tôi hơi phân vân, tại sao đã gọi là "cốc", nghĩa là cái "hang" ở nơi sơn dã, là nơi các đạo sĩ, ẩn sĩ, hoặc thần tiên cư trú, tu luyện... thì tại sao lại có thêm chữ "tự" viết chữ Hán ở đây được hiểu là "chùa" (chỗ thày tu ở), vậy là hoặc viết dư chữ "cốc" hoặc dư chữ "tự". Câu này nếu viết là "Tiên (thần tiên) sư cốc", có nghĩa là "hang của thày tiên ở" nghe có lý hơn.
    Còn nếu vẫn giữ "Tiên sư tự cốc", thì chữ "tự" khi tra từ điển (Hán - Việt của Đào Duy Anh xuất bản năm 1957 tại Saigon mà tôi có), thấy có nhiều nghĩa, trong đó có 2 nghĩa đáng chú ý, một là "chùa" như chữ viết và đã nói, hai "tự" có nghĩa là "chỗ đất ẩm thấp", viết khác chữ "tự" là "chùa". Nghĩa thứ hai này đáng chú ý. Nơi đây là hang động dĩ nhiên là phải ẩm thấp, nếu thế chữ "tự cốc" có thể mang nghĩa là "cái cốc (hang) ẩm thấp" không? Và nguyên chữ "Tiên sư tự cốc" có hàm ý nghĩa là "cái cốc (hang) ẩm thấp nơi thày tiên ở" hay không?
    Đây chỉ là thiển ý bác xem chỉ giáo thêm.

    Trả lờiXóa
  19. Tôi và lão Đèn đỏ chờ bác cafe chim đây. hehe!

    Trả lờiXóa
  20. Có đại lão gia đây mà để QBinhf có đệ nhất danh thắng viết tùm lum như thế, gay go thật.
    Hoành phi nên đề là Tiên Sư Cốc Miếu hợp hơn phải không bác? Vả lại chữ sai chính tả và quá xấu. Đây không phải chữ của người viết chữ Hán thành thục.
    Chúc các bác Nam du vui vẻ, cà phê Chim xả làng chơi chim.

    Trả lờiXóa
  21. Chắc giờ này bác đã về tới nhà bình an rồi.

    Trả lờiXóa
  22. Làm một phá mười là thế đấy

    Trả lờiXóa