Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

NGHÉ VÀ TRÂU !!







Bên nhà TTM Gốc Mai có đăng bài “Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Nội dung bài viết mời bạn vào địa chỉ  http://ttm0123a.blogspot.com.
   Đọc bài viết của bạn TTM Gốc Mai, bu tui liên tưởng chuyện nọ xọ chuyện kia. Chuyện huân chương Sao vàng được nhà nước VNDCCH đặt ra năm 1947.  Đến năm 1958 người đầu tiên được phong tặng là cụ Tôn Đức Thắng. Lúc này cả cụ Hồ và cụ Tôn còn thượng tại. Cụ Thắng được sử sách cho là tham gia binh biến Hắc Hải năm 1919, treo cờ, bắn đại bác vào cung điện Mùa Đông ở Pê téc bua từ một con tàu của Pháp. Nhưng nhà nghiên cứu Giebel chứng minh rằng năm 1919 ông Tôn Đức Thắng không có mặt trên bất cứ một con tàu nào của Pháp. Huhuhu! vụ ni  không biết nên tin vào ai.
     Bạn TTM Gốc Mai vào Google tìm bài TRÂU và NGHÉ của bu mà không thấy, thì đây, bu tui tái bản lại, mời bạn TTM Gốc Mai và các bạn đọc chơi…

***
Bạn vong niên của tôi là một ông nhà văn ngoài 80, đã có 25 quyển tiểu thuyết, 10 tập thơ, lý luận phê bình và tạp văn 5 quyển, những bài báo lặt vặt nhiều quá không tính làm gì. Hồi trai trẻ nghe đâu cụ bị họa văn chương Nhân văn Giai phẩm. Người ta cho cụ lên bờ xuống ruộng, thân tàn ma dại một thời. Mới đây cụ không khoẻ, tôi đến thăm, động viên: Cụ thế mà sướng, có tác phẩm để đời, sắp tới không khéo được giải thưởng nhà nước, tên cụ có khi lại được người ta đặt cho đường phố Thủ đô chứ chẳng chơi. Nghe thế, cụ quay phắt nhìn tôi, ý muốn nói gì nhưng có lẽ mệt hoặc cho là tôi nói tầm phào nên lại thôi. Vừa lúc thằng cháu đích tôn của cụ đi đâu về, mặt mũi đỏ như gà chọi. Tôi bảo nó, ông ốm mà mày thì lông nhông suốt ngày. Nó bảo, ấy, cháu đi chăn trâu mà chú. Tôi gặng, trâu hay là nghé, nó tròn mắt, trâu hẳn hoi, mà sao chú hỏi thế.  Tôi kể, hồi còn chiến tranh phá hoại, có thằng bé bằng tuổi mày được Hợp tác xã giao cho nuôi con nghé. Nó ấy à, siêng bằng vạn mày. Dắt nghé đi hết đồng gần sang đồng xa cho nghé ăn tròn bụng, lại cho nghé đầm nước. Đông che hè thoáng. Con nghé lớn như thổi, da bóng lừ như gỗ mun, đôi sừng vểnh lên nhọn hoắt trông hùng dũng lắm. Ấy thế mà dân làng quen miệng cứ bảo nó là nghé, chưa một ai gọi nó là trâu. Đến đây thì cụ nhà văn lão thành ra hiệu nhờ tôi xoay người cụ lại tư thế nằm nghiêng. Thằng bé sốt ruột dục, rồi sau đó thế nào hả chú? Tôi kể tiếp: Một hôm máy bay Mỹ ném bom vào làng, con nghé đẹp mộng mơ của thằng bé bị mảnh bom phạt đứt cổ, chết. Hợp tác xã mổ thịt chia cho xã viên. Mọi người gọi nhau ý ới, bà con ơi ra sân hợp tác xã nhận phần thịt trâu. Ông nhà văn già nghe đến đó thì ho lên mâý tiếng rồi mặt mày biến sắc phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ khám chán cũng không hiểu vì sao cụ lại sốc nặng thế. Tôi nhỉ bụng, hay tại câu chuyện sống là nghé, chết đi mới được gọi là trâu của minh mà nên nông nỗi.
   Đến giờ nhắc lại tôi vẫn còn ân hận về câu chuyện tào lao của mình.


29 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc sinh thời, chỉ là nghé. Khi chết người có lợi (lúc đã là thịt chết toi), gọi là Trâu. Sử ta vậy đó, thôi Bu cứ "tào lao" cho đẹp chuyện. Cụ Tôn hiền lành, dựng cụ lên làm khổ Cụ. Khi Cụ là Chủ Tịch nước (cuối đời), đến thăm các cháu thiếu nhi, cụ chào "các đồng chí", tùy tùng nhắc: các cháu. Tôi nhớ như in hình ảnh cụ gặp thiếu nhi trên TV đen trắng. Thấy mà tội cho Cụ.
      Cầu chúc người nông dân miền Tây, người công nhân vô sản cần lao, yên lòng, chúng cháu rất biết ơn.

      Bài viết, một sám hối của thế hệ chúng mình. Trí mê và lòng hoang tưởng.
      Chúc Bu vui!
      (vừa đi xa về, ôm máy, trên đường gặp các Bạn theo 3G)

      Xóa
    2. Nhân nói đến huân chương Sao vàng mà cụ Tôn là người được đầu tiên thì bu cũng nhắc lại vậy thôi Vanpham à

      Xóa
  2. Thực ra không phải chỉ có ở VN mình mới có chuyện con Nghé chết mới được gọi con Trâu đâu anh Bu ơi! Ở nước ngoài, ta cũng thấy một số chuyện, ví dụ ta thấy một số họa sĩ khi còn sanh thời họ sống trong đói rét để làm nghệ thuật mãi đến sau khi họ chết thì họ mới nổi tiếng, được công nhận là DANH HỌA và tác phẩm của họ đến khi ấy lại được bán chạy và giá cao tới ngất ngưởng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở các nước phương Tây nhà nước đâu có phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân như ở ta. Ai có tài năng thì được hâm mộ, sống thoái mái, ai kém tài thì bị người đời quên lãng. Một số họa sỹ vẽ tranh ban đầu không ai hiểu, không ai mua, sau khi họa sỹ chết rồi người ta mới nhận ra tài năng của ông ta. Van gốc có bức tranh vẽ người đàn ông giá 92,5 triệu đô, nhưng ông ấy đã tự sát năm 37 tuổi. Trường hợp này không liên quan gì nghé và trâu.

      Xóa
  3. Ở miền Nam ngày trước nghe nói miền Bắc trước đây người ta gọi nhau là "đồng chí vợ, đồng chí chồng", và nói chuyện với nhau là "báo cáo đồng chí vợ...", hihi! tưởng là chuyện tuyên truyền nói xấu, ai dè Chủ tịch nước thăm các cháu thiếu nhi cũng gọi các cháu là "đồng chí". Chuyện này nên hiểu thế nào? Thiên đường (vì không có sự phân biệt, kể cả già trẻ), hay khôi hài?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ còn có đồng chí quỷ

      Xóa
    2. Vũ cao có câu thơ gọi người yêu đã hy sinh là đồng chí: "NHớ em anh gọi em đồng chí"
      Nhà thơ Võ Văn Trực (một thời phó tổng biên tập báo Văn nghệ) trong cải cách có nói "Đồng chí chó vàng" bị đội trói vào cột nhà, nhưng vì nhà thơ có thành tích nên chỉ trói một chân hihihi

      Xóa
    3. "Nhớ nhau..." chứ không phải "nhớ em..."

      Xóa
  4. Chao, mới tiếp lời bác VanPham, post lên thì thấy còm của bác đâu mất, hìhì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem lại thấy viết lỗi bác à. Bàn phím cứ nhảy lung tung phải xóa đi viết lại.
      Cảm ơn Bác!

      Xóa
  5. Đọc bài này của bác Bu HN bỗng nghĩ lung tung:
    -Chuyện kể rằng, nhà văn quân đội Sài Gòn: Nguyên Vũ (tác giả của Vành đai lửa, Đời pháo thủ) khi ra nước ngoài (bằng cách nào thì không rõ) đi học đại học và cao học ngành Sử. Khi vào văn khố Pháp nơi để tư liệu về chiến tranh Đông Dương tìm được đơn xin vào học trường đào tạo cán bộ thuộc địa ký tên Nguyễn Ái Quốc.
    -Cũng ông này tìm đến bảo tàng tàu thủy lấy mẫu đất bám vào đáy tàu và các kiểm nghiệm chuyên môn khác rồi kết luận rằng tàu Latouche de Tréville không hoạt động ở vùng biển VN!
    -Đã rất lâu rồi, báo Lao động chúa nhật đăng một bài phóng sự tên là "Chiều Mai Dịch", nói về việc trên bia mộ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ khắc tên, năm sinh, năm mất và mấy câu ngắn vài chục chữ (theo di chúc của ông).

    Trả lờiXóa
  6. 1- Ngài Nguyễn Ái Quốc thì còn nhiều gia thoại ly kỳ nữa...
    2- Nguyễn khắc Viện do ưu thời mẫn thế nên cuối đời phát biểu và viết lách không vừa ý đảng.

    Trả lờiXóa
  7. Những phát hiện rất thú vị bác Bu ạ!

    Trả lờiXóa
  8. Ở cái nước Việt Nam ta đâu chỉ có nghé biến thành trâu. Cũng có nhiều trường hợp biến ngược lại ấy chứ. Vì đất nước này lắm yêu quái hoặc "lắm người nhiều ma". Có những nhân vật khi còn sống được tôn thành trâu, thành siêu trâu, nhưng khi mất rồi thì người ta mới phát hiện ra (hoặc nói toẹt ra) đó chỉ là nghé thôi. Ví dụ: Tố Hữu đồng chí khi đương chức thì là siêu thi sĩ-siêu trâu. Báo chí, sách văn học các cấp, các kỳ thi của môn văn,.. thường là thơ của anh Lành. Nhưng khi chết rồi thì tức khắc biến thành nghé, đến luận án văn học không ai cũng muốn làm đề tài về thơ Tố Hữu (Nguyễn Đăng Mạnh). Có vô số các ví dụ tương tự bác Bu à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong tương lai có nhiều "siêu trâu" sẽ biến thành "SIÊU SÂU" đấy các bác ạ!

      Xóa
    2. Hình như sắp có "Luật ngoại tình" để trị những anh chị thích "rất tự do nên tươi nhạc tươi vần", nghĩa là không bắt được sâu thì ta quay ra bắt chim bắt bướm...hehe

      Xóa
    3. Bướm thì phải bắt vì nó đẻ ra trứng, trứng nở ra sâu ...

      Xóa
  9. Bác NaNO phát hiện ra một điều tất hay.
    Siêu trâu là con trâu to không tưởng tượng nỗi. Cứ như hòn núi Thái Sơn...rồi núi biền thành viên sỏi ...hihihi
    Ở nước Nam ta có nhà thơ Trần Dần hồi tháng 5-1955 khởi xướng phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu: đại loại Không có cách nhìn mới rõ rệt...Thơ Tố hữu có nhiều cái lười biếng...Ý lời tầm thường... nhìn sự vật chính trị công thức... Việc làm của Trần Dần kể như bóp dái ngựa, ông bị Tố Hữu nghiền cho ra bã đến nỗi dùng lưỡi dao bào cắt vào mạch máu tự tử, may cứu được. Mãi sau ngày Tố Hữu qua đời nhà phê bình Lại Nguyên Ân có bài: "Bây giờ còn ai đọc thơ Tố Hữu"...Hihihi đúng là siêu trâu biến thành nghé, núi Thái Sơn biến thành viên sỏi.

    Trả lờiXóa
  10. Nghe các bác đàm đạo râm ran lại nhớ đến "Cây khế nhà bác Lành", "con khỉ đỏ đít", bài phỏng vấn Tố Hữu của Nhật Hoa Khanh và "chân dung nhà thơ" của Xuân Sách nữa rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt" chứ không phải "cây táo đầu cành..."

      Xóa
    2. Cây táo ông Lành là truyện ngắn của Hoàng Cát.
      Tố Hữu có câu thơ cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt. Trong quá trình công tác ông Tố Hữu có tên LÀNH.
      Chỉ thế thôi là Hoàng Cát lên bờ xuống ruộng, ma dại thân tàn, ngồi bán nước chè chén ở Hà Nội. Khi ngồi Cát ta phải tháo cái chân gỗ ra trông thật tội nghiệp một đồng chí thương binh.

      Xóa
    3. Cảm ơn bác Nano bu tui dã chữa lại ...

      Xóa
  11. Trâu và nghé
    Bé vào to
    Thời gian co
    To thành bé
    Tưởng sáng chóe
    Hóa tối um
    Ở trong chum
    Ngỡ vũ trụ
    Xơi khoai ụ
    Bảo nhân sâm
    ...
    Trẻ con nó hát thế bác ạ. Dài lắm em không nhớ.

    Trả lờiXóa
  12. Nghĩ cho cùng, cần gì ai đó gọi NGHÉ hay TRÂU?
    Nó vẫn chỉ là chính nó thôi mà?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bản thân con vật gọi nó là gì cũng được
      Nhưng với người cách gọi nói lên bản chất của con người

      Xóa