Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

…VÀ TRONG LÒNG MƯA HƠN Ở NGOÀI TRỜI…


Thác bạc Long Cung ở Kim Bôi Hòa Bình




Nhạc sỹ Tô Hải khi còn là lính Vệ quốc đoàn



Đấy là một câu trong ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC của nhạc sĩ Tô Hải sáng tác khi ông mới 20 tuổi (1947).  
    Chàng trai Tô Hải vào Vệ Quốc Đoàn trong những ngày đầu cách mạng tháng 8 năm 1945,  đã từng qua hai trường huấn  luyện quân chính có văn bằng hẳn hoi nhưng ông không thành tá tướng như các bạn mà trở thành…nhạc sỹ!. Năm 1947 Tô Hải được điều về bộ tư lệnh mới thành lập làm thư ký riêng cho  một nhân vật mà theo ông  “Thật hấp dẫn và “quái dị” có tên là Thế Hùng, biệt hiệu Hùng hét”. Ông Hùng đã từng tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố (Tàu) với Hoàng Văn Thái và Hoàng Minh Thảo, nhưng do tiền sử  phục vụ trong quân đội Pháp nên không được vào đảng, chỉ giữ chức trưởng Ban Quản trị Liên khu bộ. Ông Hùng bất mãn với vai trò này, giận cá chém thớt, hét hò quát tháo đám dưới quyền, trừ anh lính biết làm nhạc Tô Hải. Ông tạo điều kiện cho Tô Hải sáng tác vì bản thân ông cũng có máu văn nghệ, bài hát Tây bài hát Tàu, cải lương, vọng cổ, ông làm được tuốt.  Hùng hét và Tô Hải cùng ở nhà bọ Phến vùng Thung Gio, một địa phương miền núi Hòa Bình. Bọ Phến có cô con gái cực xinh tên là Phẩm kém Tô Hải vài tuổi. Tiếng đàn tiếng hát của anh lính Tô Hải làm xao xuyến người đẹp miền sơn cước, và làn da khóe mắt cô Phẩm như làm anh lính đẹp trai, lắm chữ, đàn hay hơn hát hay hơn. Là người từng trải yêu đương, ông Hùng thấy giữa cặp trai tài gái sắc này đã lập lòe ngọn lửa tình có cơ bùng cháy. Một hôm ông nói  với Tô Hải “Mày chớ dại mà hứa hẹn gì! Không được đâu! Đã hứa mà không giữ lời với họ là có khi tiêu đời đấy con ạ”.
    
     Đột nhiên có lệnh điều động trung đội phó Tô Đình Hải đi học trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Tô Hải nhớ lại: “Những ngày tôi chuẩn bị lên đường Phẩm không đi làm nương. Nàng cứ loanh quanh bên tôi như chờ tôi nói một lời hứa hẹn, một lời tỏ tình gì đó. Nghe lời ông  Hùng tôi miễn cưỡng im lặng về mối tình mà tôi ấp ủ bấy lâu với Phẩm, người con gái có đôi mắt mà đến khi từ giả cuộc đời có lẽ vẫn in hằn trong tâm  khảm. Nó sáng, nó đen, nó long lanh, nó nói hơn cả những điều cần phải nói bằng lời. Lúc chào mọi người lên đường, tôi cố tìm đôi mắt ấy lần cuối nhưng không thấy. Cô vô tình đến thế sao?  Hay cô đang nằm khóc vùi trên nhà sàn? Tôi bận rộn tìm lại đôi mắt huyền của Phẩm đến mức chẳng còn nghe thấy lời chúc mừng của anh em cơ quan và đồng bào trong bản. ..Lòng buồn nặng trĩu vì cuộc chia tay không hoàn chỉnh, tôi bước đi về hướng Chồng Mâm, Chợ Giời”…
     Sắp vén quần để chuẩn bị lội qua con suối đầu tiên của chín con suối độc thì nghe tiếng gọi anh Hải. Thì ra Phẩm đón đường tôi ở chân dốc này. Cô nói “Bọ Hùng bảo em ra đón anh ở đây”. Cuộc gặp gỡ có sắp xếp này té ra chính là sáng kiến của ông Hùng hét!  Hai đứa gặp nhau cứ như đã thổ lộ tình yêu, đã hẹn hò thề ước gì rồi. Phẩm trao cho tôi một gói xôi gạo cẩm, một chiếc vòng bạc, và nói trong tiếng nức nở “Anh Hải đi học thành tài, đánh Tây xong, nhớ về Thung Gio…lâu mấy em cũng đợi!”.
     Trời Hòa Bình  hôm ấy quá mù ra mưa, chàng trai Tô Hải quay lưng  giả từ người yêu về trường võ bị. Chân bước ra đi mà trái tim ở lại, anh hát thầm cho chính mình nghe: “Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi, và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời”.  Trong người lính 20 tuổi Tô Hải, hai bên đường anh đi, sau cả dãy núi Kim Bôi kia nữa là hình ảnh: “Một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trắng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh”. 
      Ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC theo bước chân người lính - nhạc sỹ Tô Hải - hình thành và hoàn thiện ngay trên đường đi.  Đêm liên hoan đầu tiên của tiểu đoàn chiêu sinh “ Tôi đã thả hồn trong tiếng đàn và hát lên sự thật của trái tim mình cho anh em khóa sinh nghe.  Họ im lặng đến kỳ lạ rồi xuýt xoa khi nghe tôi buông xuống câu   “Đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi”, họ vổ tay kéo dài và hét lên bis! bis…”
      Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC của nhạc sỹ tài năng Tô Hải vẫn làm ta xao xuyến bồi hồi, ca khúc không già theo năm tháng vì nó là tình yêu, mà tình yêu thì không có tuổi.

(Mời bạn vào nghe ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC do ca sỹ Khánh Ly trình bày)

(Nguồn: Hồi ký của nhạc sỹ Tô Hải)

29 nhận xét:

  1. Cảm ơn Bu tái xuất giang hồ, đăng một bài viết đẹp như Hồn bướm mơ tiên. Đâu đó thấy tiêu dao tráng sỹ, bến Tiêu tương, người ơi, về Thung Do, lâu mấy em cũng chờ. Và, một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng nắng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh trong NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC.
    .
    Chào Bu!

    Trả lờiXóa
  2. Bu tui rất phục tài năng nhạc sỹ Tô Hải, có lẽ rồi bu sẽ có bài nói về Hợp xướng Tiếng hát chiến sỹ biên thùy của ông. Câu chuyện về hợp xướng này có nhiều chi tiết rất thực mà cứ như bịa ...hihihi!

    Trả lờiXóa
  3. Câu chuyện thật đẹp, mối tình của chàng nhạc sỹ tài hoa với người đẹp sơn cước đẹp như mơ.

    Mà bác Bu dạo ni thấy toàn viết về chủ đề TÌNH YÊU thôi, nỏ biết có chi mô nhưng người đọc được đọc những cảm xúc thật đẹp và lãng mạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn TT, chủ đề tình yêu là điều bác Bu nhà mình đang quan tâm tới.

      Ậy, câu chuyện tình của Nhạc sĩ đẹp thật, nhưng mà có ở trong buôn Thượng rồi mới biết Sơn nữ..., hihi! Xưa tôi ở trong buôn đến nhà sàn, Sơn nữ cầm nửa con chuột nướng mời ăn, chạy mất dép :-)))

      Xóa
    2. Bu tui đã đến Kim Bôi Hòa Bình tắm nước nóng nhưng hồi ấy chưa biết câu chuyện tình của nhạc sỹ Tô Hai ở Thung Do. Cô Phẩm này chắc là người Mường, không hiểu có xơi thịt chuột nướng như người thượng của PNH không.

      Xóa
    3. TT hỏi thế làm bác Bu e thẹn, bẽn lẽn khó trả lời. hehe...

      Xóa
    4. Bẻn lẽn quá nên không nói gì thêm được huhuhu!

      Xóa
  4. Bài viết về một chuyện tình có thực, hay và dễ thương lắm anh Bu ơi. HN thích kết luận này: "Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC của nhạc sỹ tài năng Tô Hải vẫn làm ta xao xuyến bồi hồi, nó không già theo năm tháng vì nó là tình yêu, mà tình yêu thì không có tuổi", "Hồi ký của một thằng hèn" làm ta bất ngờ, làm nhiều người chới vời và "nhatsibaothu's blog" làm ta kính phục ông thêm phải không anh Bu?? .

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Nhiều người biết mình hèn, trong đó có bu, nhưng không dám viết ra như Tô Hải thôi. Viết ra được như Tô Hải chắc nhẹ người và sống được thanh thản hơn. Ông đã khai tử hầu hết tác phẩm âm nhạc khi còn là "thằng hèn" chỉ giữ lại vài bài, trong đó có Nụ cười sơn cước.

      Xóa
  5. Ca khúc càng nghe tuyệt vời hơn với... thiên tình lỡ này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một cậu bé 20 tuổi làm ra ca khúc này quả là tái năng phải không dungNobita

      Xóa
  6. Tuyệt hay...Thế hệ đó lạ, toàn những người tài tỏa sáng ở tuổi trên dưới 20.
    Khánh Linh hát bài này nhanh quá hay sao ấy, bác Bu ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khánh Ly hát nhịp van 3/4 theo bu tui thì vừa phải chứ không nhanh TORO à.

      Xóa
  7. "Nụ cười sơn cước" là một bài hát hay của nhạc sĩ Tô Hải, phù hợp với tình cảm của những thanh niên trí thức, thành phố đi tham gia kháng chiến. Giai điệu, lời ca thật nhẹ nhàng, trong sáng. Tiếc rằng, cũng như số phận của nhiều bài hát "tiền chiến" khác, đều bị ghép vào lập trường lãng mạn, tiểu tư sản, nghĩa là đã "để tâm hồn treo ngược trên cành cây" nên ngày xưa ít được phổ biến. Ngay bài "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao còn bị đánh giá là có tư tưởng lạc quan tếu.
    Có lẽ bài hát để đời của Tô Hải phải là "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy". Một bài hát trữ tình, nhưng đậm chất anh hùng ca. Trong lúc TQ tìm mọi cách lấn chiếm lãnh thổ thì bài hát này phải luôn được cất lên mới đúng. Nhưng tiếc rằng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Có hai sự tiếc:
      Một là bài hát động tới cảnh giác giặc Tàu.
      Hai là tác giả của nó là nhạc sĩ Tô Hải bảo rằng cuộc đời sáng tác của ông là làm theo mệnh lệnh cấp trên, là thằng hèn
      Cho nên dù có muốn thì cục biểu diễn cũng không cho hát
      2- Sự ra đời hợp xướng Tiếng hát biên thùy của Tô Hải có nhiều chi tiết bi hài lắm, rồi thế nào bu tui cũng viết một cái gì đó...

      Xóa
  8. Bu xuất hiện hoành tráng nhỉ! hehe_đúng là mưa ngoài hiên to cở nào cũng hông bằng mưa (dù lí nhí) trong lòng pác Bu nhỉ! hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái lạnh bên trong mới giá buốt nảo nùng phải không nhabaokhongth e?

      Xóa
  9. Vừa nghe nhạc vừa đọc lời cho thấm.

    Nụ Cười Sơn Cước
    Tô Hải

    Tôi nhớ mãi một chiều xuân.. chia phôi,
    mây mờ buông xuống núi đồi
    và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời.
    Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi
    và dâng sầu lên mi mắt người về.

    Ngơ ngẩn đàn chim ngừng tiếng hót,
    và mưa Xuân đang tưới luống u sầu,
    buồn cho dòng nước mờ xóa bóng chim uyên
    và gió chiều còn khóc thương mãi
    mối tình còn vấn vương.

    Ai về sau dãy núi Kim - Bôi,
    nhắn giùm tim tôi chưa phai mờ,
    hình dung một chiếc thắt lưng xanh,
    một chiếc khăn màu trắng trăng,
    một chiếc vòng sáng lóng lánh,
    với nụ cười nàng quá xinh.

    Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng,
    dệt tơ bằng mấy cung yêu thương
    gởi lòng trong trắng,
    của mấy bông hoa rừng
    đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi.


    Trả lờiXóa
  10. Chỉ có chị TTM mới là người chu đáo nhất đã bổ sung thêm bài thơ vào để cho entry này của bác Bu thêm hoàn hảo! Em chưa mua tặng được cho hai bác chữ tri âm thì vẫn còn thấy lòng còn chưa yên!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì chị không còn biết còm gì ở đây nữa, nên chỉ còn biết bổ sung vào cho thêm tí hương vị của entry ý mà.

      Thì Chị em mình cũng là "tri âm" đấy chứ, chỉ nghe tiếng ho là đã biết bệnh ý của nhau rồi mà.

      Xóa
    2. Hu huhu bà già xinh đẹp làm như thờ ơ với chuyện tình yêu lắm...

      Xóa
    3. Bà già đã tám mươi tư
      Ngồi bên cửa sổ viết thư thăm người
      Thăm người cũng đã thập mười
      Hỏi người năm ấy còn cười mấy răng..

      Xóa
  11. bác Bu ơi, hình suối nước nóng lộ thiên sao giống như thác Bản Giốc vậy bác ơi???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ảnh bu lấy từ nét thấy họ ghi chú vậy mà

      Xóa
    2. Ảnh trên đúng là Thác Bản Giốc

      Xóa
    3. Cảm ơn bạn bố susu và NANO phát hiện ra tấm ảnh trước đây là Thác Bản Giốc. Bu máy móc theo ông Google nên nhầm lẫn.
      Bu đã thay ảnh Thác Bạc Long Cung ở kim Bôi Hòa bình
      Cáo lỗi cùng các bạn

      Xóa
  12. mộc ghé thăm anh, đọc bài rồi, không dám bình nhưng mộc biết nhạc hồi xưa bài nào cũng hay, cũng lưu danh muôn thủa anh há!

    Trả lờiXóa
  13. Tôi nhớ mãi một chiều xuân.. chia phôi,
    mây mờ buông xuống núi đồi
    và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời.
    Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi
    và dâng sầu lên mi mắt người về.

    .... Bản thân lời nhạc đã quá hay, không cần phải bình gì thêm bác Bu.

    Sau này khi trở lại Kim Bôi khoảng năm 1973 nhạc sỹ đã gặp lại cô Phẩm của ngày xưa. Nhưng một kỷ niệm buồn là cô Phẩm không biết Tô Hải là ai. Nhắc lại chuyện đó là một kỷ niệm buồn của Tô Hải...

    Vậy nên rồi mọi thứ đều vô thường bác Bu.

    Trả lờiXóa