Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

NHẬT LỆ ƠI !






Bài này bu tui viết từ năm 2009, với tựa đề TẢN MẠN NHẬT LỆ. Ngồi trên rớ giàn mà viết, vừa viết vừa ngắm nhìn dòng sông. Nay xa Nhật Lệ hơn ngàn cây số, mỗi lần nhớ đến dòng sông bu tui chỉ thầm gọi Nhật Lệ ơi như với một người tình đã 5 năm xa cách…
                

Mươi lăm năn trở lại đây một số người viết về Quảng Bình cho ra đời khá nhiều sách địa chí làng xã, di tích và danh thắng. Thống kê sơ sơ đã có gần 20 quyển. Chẳng hạn "Địa chí Bảo Ninh", "Địa chí làng Thuận Bài", "Địa chí xã Thanh Trạch" của Nguyễn Tú. "xứ Ròn - Di Luân  thời gian và lịch sử" của Thái Vũ và Trần Đình Hiếu...Xa hơn nữa là "Những bài học lịch sử Quảng Bình 1937" của Lương Duy Thứ. "Địa lý lịch sử Quảng Bình - 1902" của Léopold Cadiere. "Ô Châu cận lục -1553" của Dương Văn An...Nhưng trong ngần ấy sách (kể cả những quyển chưa liệt kê ra ) Không thấy có tác giả nào chuyên tâm nghiên cứu các con sông và xuất xứ tên gọi của nó như là một đối tượng của chuyên ngành Địa-Văn hoá.
      Tôi làm nghề bắc cầu qua sông, đã nhiều lần ngụp lặn trong cái đẹp mê hồn của những Kiến Giang, Đại Giang, Linh Giang,  Nhật Lệ...nhưng như một kẻ phụ tình, không hiểu biết gì những cái tên lấp lánh trong kí ức suốt mấy mươi năm. Mãi đến gần đây, mới biết được sông Nhật Lệ từng có tên Đại Uyên và sông Ròn từng có tên Đồ Lê. Không hiểu Đại Uyên Và Đồ Lê đã phải là tên "quai nôi" của hai con sông này chưa? Chỉ biết là hai cái tên cổ ấy được ông Lê Đại Nguyên sống dưới triều Lương Võ Đế (505-5430) ghi trong sách "Thuỷ kinh chú" (1). Thực ra ông Đại Nguyên chỉ làm cái việc chú giải bộ sách "Thuỷ Kinh" từ thời nhà Hán (111 trước CN đến 43 sau CN) . Vào thời này người Hán đã "Diệt được Nam Việt lập thành bộ Giao Chỉ - cầm đầu là một viên Thứ sử, đóng đô ở Mê Linh, Yên Lãng - Vĩnh Phúc" (2). Trong bộ Thuỷ kinh, người Hán đã ghi chép rất tường tận về sông ngòi ở chính quốc cũng như ở các vùng đất mà họ thôn tính được. Vậy hai tên Đại Uyên và Đồ Lê hẳn phải được chép từ bản gốc thời nhà Hán cách nay ngót 2000 năm.
      Rõ ràng tên gọi Nhật Lệ xuất hiện sau sách "Thuỷ kinh chú" của Lương Võ Đế, nhưng cụ thể là vào ngày tháng năm nào thì chỉ có các bậc đại thức giả mới trả lời được. May thay, kẻ thiển học này dò ngược lịch sử và tìm được tự dạng hai chữ Nhật Lệ trong bộ sử thuộc loại cổ nhất của nước ta viết bằng chữ Hán là "Đại Việt sử ký toàn thư" do sử gia Ngô Sĩ Liên viết xong từ năm 1679 đời vua Lê Hy Tông. Ở mục Bản kỷ toàn thư quyển III trang 47, tờ 37a-b, sử quan  Ngô Sĩ Liên viết: 秋七月占成 國人具般等逃歸其國至日麗寨人執送京師 (thu thất nguyệt Chiêm Thành quốc nhân Cụ Bàn đẳng đào quy kỳ quốc chí Nhật Lệ trại nhân chấp tống kinh sư) nghĩa là :"Mùa thu tháng bảy, người nước Chiêm Thành là bọn Cụ Bàn trốn về nước, đến trại Nhật Lệ bị người trại ấy bắt được giải về Kinh sư" (3). Trích dẫn câu trên là một công đôi việc: Khẳng định được tự dạng chữ Lệ () trong rất nhiều chữ Lệ của người Hán, có nghĩa là đẹp đẽ, rực rỡ. Lại tính gần đúng, cũng con sông ấy được mang tên Đại Uyên  từ thời Hán (111- 43) đến sau thời Lương Võ Đế (543 - ? ) khoảng 1200 năm. Lại mang tên Nhật Lệ từ thời  Ngô sĩ Liên đến nay là 330 năm. Thực ra còn lâu hơn thế, vì khi sử quan Ngô sĩ Liên đặt bút viết sách thì hẳn là tên Nhật Lệ đã có trước đó từ rất lâu rồi.
      Tôi vẫn nghĩ một người không thông thạo Hán học cho lắm cũng trả lời ngay được Hồng Hà là sông đỏ, Hương Giang là sông thơm. Nhưng hỏi Nhật Lệ là gì hẳn anh ta không trả lời chóng vánh được. Lại nữa, Nhật Lệ là  từ Hán Việt nhưng theo tôi không nhất thiết do người Hán đặt ra. Mà có thể họ đọc "trại" tên (gì đó) của tộc người Mã Lai - Đa Đảo đã từng sinh sống ở vùng này. Chả nhẽ  một tộc người đã từng làm nên văn hoá Sa Huỳnh, Bàu Tró, dựng nên quốc gia Lâm Ấp (năm 196) (4) lại không có tên  gì để gọi con sông của xứ sở ? Nhà nghiên cứu Nguyễn Tú đã kê ra 33 từ Chăm có âm na ná tiếng Việt Quảng Bình. Chẳng hạn Thuk (lặng lẽ, bình yên) rất gần với tên chợ "Thùi" ở  làng Thạch Bàn huyện Lệ Thuỷ. Brong (lỗ rổng trong thân cây) mà người nuôi ong ở Quảng Bình vẫn gọi là "bọng ong" (5). Vậy Người Lâm Ấp trước đây gọi sông Nhật Lệ là gì?  Có lẽ phải chờ hậu thế kiến giải ! Ta hãy bằng lòng với từ Hán Việt  Nhật Lệ rất gợi cảm, đã từng làm nao lòng không biết bao văn nhân, thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ,  tự cổ chí kim.  Số người giải thích nghĩa hai chữ Nhật Lệ khá nhiều với nhiều cách khác nhau. Nhìn chung người ta tra nghĩa tự vị của từng chữ rồi ghép lại. Chữ Hán lại đồng âm dị nghĩa nên mỗi cách ghép lại tạo ra một nghĩa khác nhau. Trong từ điển Thiều Chữu có dẫn ra hai chữ nhật. Chữ thứ nhất () nghĩa là ngày, là mặt trời. Chữ thứ hai ( ) nghĩa là chạy ngựa  trạm.  Nhưng Lệ thì có đến ...17 chữ, chỉ xin dẫn ra vài chữ làm ví dụ: Chữ thứ 9 () là nước mắt, chữ thứ 14 ( ) là con hàu, chữ thứ 17 ( ) là rực rỡ đẹp đẽ.  Do vậy, người cho lệ  là con hàu thì bảo Nhật Lệ là ngựa trạm qua bãi hàu. Mới nghe thấy có lý vì địa danh Quán Hàu nằm trên đường thiên lý vượt qua sông Nhật Lệ. Người khác hiểu lệ là nước mắt lại cho rằng Nhật Lệ là ngày buồn, ngày của nước mắt, rồi viện ra hai chuyện tình lâm li trong lịch sử để minh hoạ: Rằng năm 1044 vua  Lý Thái Tông đưa quân  vào đánh Chiêm Thành chém được vua Chiêm là Sạ Đẩu, bắt sống thứ phi của Sạ Đẩu là nàng Mỵ Ê đưa về Đại Việt. Đoàn chiến thuyền của Lý Thái Tông hành diện đến Lý Nhân, vua sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê sang hầu. Nàng phẩn uất, ngầm quấn chăn vào người rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Xác nàng trôi về phương nam, dạt vào sông Nhật Lệ...Lại vào năm 1306 tức 263 năm sau vụ Mỵ Ê, vua Trần Anh Tông muốn giữ hoà hiếu với Chiêm Thành bèn gả công chúa Trần Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Phải vâng lệnh cha lấy người mình không yêu, nàng Huyền Trân khóc suốt cuộc hành trình  từ Đại Việt vào đất Chiêm. Nước mắt nàng dâng đầy thành sông Nhật Lệ...Nhưng tuyệt đại đa số người ta giải thích Nhật Lệ (日麗 ) là "Ngày Đẹp". Nghe ra không ổn, vì tên một con sông sao lại đưa đơn vị thời gian là ngày vào ?  Với lại muốn là ngày đẹp thì tính từ đẹp (Lệ) phải đứng trước danh từ ngày (Nhật) thành ra Lệ Nhật, cũng như tính từ thơm (Hương) đứng trước danh từ sông (Giang) để có Hương Giang vậy. Thực ra trong  văn phạm chữ Hán chữ Lệ () có thể "đóng" nhiều vai. Khi là động từ nó chỉ sự phụ thuộc, kèm theo, liên quan. Khi là tính từ hoặc danh từ nó chỉ sự đối xứng, đẹp đẽ, rực rỡ (6). Nếu quan niệm chữ Lệ trong Nhật Lệ  là tính từ thì Nhật Lệ không phải là một từ kép để chỉ con sông, mà thành ra một câu có nghĩa: Mặt trời (thì) rực rỡ. Đối tượng quan sát ở đây là mặt trời nói chung. Vì đứng trên núi, đứng ở biển, hoặc bay trong không trung mà thấy mặt trời mọc đều nói được như thế. Cũng giống như người xưa viết  (phong hoà nhật lệ) tức là gió (thì) êm, mặt trời (thì)  rực rỡ. Gió và mặt trời  ở đây cũng chung chung, không chỉ vào một nơi nào cụ thể. Do vậy tôi vẫn nghỉ rằng Nhật Lệ trong trường hợp này là một danh từ kép chỉ một con sông cụ thể ở thành phố Đồng Hới Quảng Bình. Nó được ghép bởi một danh từ đơn (Nhật) với một danh từ đơn khác (Lệ) và ngầm hiểu có đại từ sở hữu "chi"  () ở giữa. Cũng như khi ta nói "nhân tài" ( 人才) hoặc "nhân lực" (人力 ) là ta đã giản ước đi chữ "chi" ( ) của hai mệnh đề "nhân chi tài" và "nhân chi lực",  tức tài của người và sức của người.  Trong quá trình viết bài này tôi may mắn được Giáo sư Ngô Đức Thọ (7) đưa cho tham khảo quyển "Nhật Dụng từ điển" của Đài Bắc xuất bản 1990. Ở mục chữ Lệ () là danh từ, tác giả sách dẫn ra một câu thơ của Hồ Thiên Du: 日之麗不無之燭 ( nhật chi lệ bất vô chi chúc giả) nghĩa là : sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được. Lấy ba chữ đầu 日之麗 (nhật chi lệ) và giản ước đi chữ  chi ( ),  ta có từ 日麗  (nhật lệ) có nghĩa là SỰ RỰC RỠ CỦA ÁNH MẶT TRỜI. Hẳn là người xưa đã đứng ở bờ nam dòng sông, nay là thành Phố Đồng Hới nhìn về hướng đông là cồn cát Bảo Ninh những lúc mặt trời mọc. Khi mặt trời nhô lên khỏi đụn cát thì mặt sông như được dát vàng lấp lánh trên một chiều dài hàng trăm mét. Người Đồng Hới vẫn có cái thú ra bờ sông ngắm mặt trời mọc. Dẫu có đến ngàn vạn lần thì vn cứ  háo hức như là mới thấy lần đầu. Vâng, đấy là Nhật Lệ, là dòng sông làm nặng lòng nhiều tao nhân mặc khách của vùng đất Quảng Bình của miền Trung.

************

(1): Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh NXB Thuận Hoá 1994
(2): Lịch sử Việt Nam tập I-NXB KHXH 1976
(3): Đại Việt sử ký toàn thư NXB KHXH năm 1998
(4): Lịch sử Việt Nam tập I- nhiều tác giả NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1983.
(5): Sử ký Quảng Bình của Nguyễn Tú 1996
(6): Hán văn Giáo khoa thư tập I- NXB Đà Nẵng 1997 của Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao.
(7): Giáo sư Ngô Đức Thọ nguyên công tác ở Viện Hán Nôm , người đã thâm niên  trên 50 năm dịch chữ Hán.





32 nhận xét:

  1. Tôi có 2 lần đến Đồng Hới, buổi sớm mai đứng ở bờ sông Nhât Lệ ngắm mặt trời mọc mới cảm thấy hết cái rực rỡ của ánh mặt trời, như bác Bu đã phân tích chữ Nhật Lệ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ bạn PNH đi xa nhất về phía bắc là Nhật Lệ mà lại đi đến hai lần.
      Chắc hẳn những Sông Hồng, sông Mã, sông Đuống.... đang hồi hộp chờ bước chân của bạn...

      Xóa
  2. Cả 3 bức hình minh họa đều gợi đến điệu hò khoan trong bài hát nổi tiếng về QB của NS Hoàng Vân. Bài hát cất lên thì hình ảnh trong nhạc luôn mang đến cho người nghe là Nhật Lệ và Kiến Giang...
    Đọc bài này của Bác Bu cho dù là dạng khảo cứu nhưng vẫn thấy đầy ắp tình quê , nhớ về xứ sở của tác giả. Ngoài ra biết thêm về chữ Nhật Lệ mà lâu nay quen gọi chứ không quen...nghĩ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhạc sĩ Hoàng Vân người bắc, ở Quảng Bình không lâu nhưng ông lại nhập tâm được những giai điệu dân ca Quảng Bình để đưa vào ca khúc QUẢNG BÌNH QUÊ TA ƠI rất nhuần nhuyễn. Hai chữ "nên chừ" rất Quảng Bình trong câu "rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi" nghe hoài vẫn thích nghe nữa. Khoan khoan hò khoan là tiếng đế. Quảng bình...Khoan khoan hò khoan...Bao mến thương... khoan khoan hò khoan...

      Xóa
  3. Hai từ Nhật Lệ thật là đẹp và nên thơ, lại gắn với tên một dòng sông nên thật dễ làm người ta xao xuyến và nặng lòng với nó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai từ ấy đều vằn trắc với hai dấu nặng, nhưng có lẽ ý nghĩa sâu thẳm của Nhật Lệ đã gợi cảm nhiều cho người nghe.

      Xóa
  4. Cách lý giải của bác thật có lý. Cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  5. Em chưa đi, đọc bài anh hay quá !

    Chúc anh năm mới an khang hạnh phúc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn đi thăm động Phong Nha hoặc động Sơn Đoòng ở Quảng Bình thế nào cũng được thấy sông Nhật Lệ.

      Xóa
  6. Em đọc kỹ bài của chú Bu, mới thấy mình đầu óc... ngắc ngơ ngắc ngéo. Thú tjiêt ( mà em tin đa số đều suy giống em ), cứ thấy chữ Lệ là nghĩ ngay đến... khóc lóc, nước mắt.
    Giờ nhờ chú Bu diễn giải, em mới biết ý nghĩa thật hay của 1 cái tên.
    Em có lần ra Quảng Bình. Nhìn từ phòng khách sạn ra, buổi sáng, chiều gì dòng sông cũng rực nắng. Đẹp lắm chú Bu. Tiếc là ngày đó em chưa biết cách canh chụp ảnh, nên ảnh lưu lại k đc đẹp. Hic

    Trả lờiXóa
  7. Hóa ra nhà thơ ĐAN THÙY đã đến Quảng Bình, thế là QB lấy làm vinh dự quá trời rồi.
    Đây là bài viết lắm chú thích mà bạn đọc Kỹ là bu tui vui mừng lắm vậy. Cảm ơn nhiều nhiều.

    Trả lờiXóa
  8. Bác gợi ra cái ý rất hay là trước đó người Chăm hẳn có tên con sông của mình. Nhật Lệ là tên do Đại Việt đặt rồi... Nhưng các cụ đặt tên hay quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa biết được người Chăm trước đây gọi sông Nhật Lệ là gì bạn ơi

      Xóa
    2. Anh Toàn ơi em lạc số Đt anh, xin anh số lại , cám ơn anh! Hữu Anh Qtri đi 0913485125

      Xóa
  9. Bài này HN đọc, viết cmt rồi cuối cùng không gửi được vì mất PW Google! Anh Bu viết khá công phu, chưa chắc một nhà nghiên cứu lịch sử làm được như anh vì anh tâm huyết với quê nhà, có phương pháp án khảo chứng tích và có duyên được tài liệu quý. Hihi.

    Trả lờiXóa
  10. Vì yêu dòng sông quê nhà quá bác à

    Trả lờiXóa
  11. Gia đình em đã nhận được những trang viết của bác và em cũng đã tranh thủ đọc hết lượt các trang viết đó nhưng vì vội đi Hà Nội trông cháu ngay nên đọc chưa thật kĩ lưỡng lắm và cũng chưa thể có những cảm nhận cụ thể được. Chỉ biết rằng đó là những trang viết của một người thật tâm huyết với quê hương, rất thận trọng và tỷ mỷ trong nghiên cứu lý giải các vấn đề.
    Một kĩ sư cầu đường mà khả năng nghiên cứu và viết văn như bác thật hiếm lắm thay.
    Bác lại còn có cả một truyện tình độc đáo và lý thú nữa. Khi nào trông cháu về, em sẽ đọc lại kĩ lưỡng hơn. Giờ chỉ có đôi dòng thế thôi bác ạ.
    Chắc ông xã em đọc cũng sẽ thích lắm đấy ạ

    Trả lờiXóa
  12. Lần đầu đến thăm bạn mong cùng giao lưu học hỏi

    Trả lờiXóa
  13. Cảm ơn bạn ghé thăm mong được đối thoại dài dài.

    Trả lờiXóa
  14. Marg đến Quảng Bình được một lần và đã được ngắm mặt trời lên ở dòng sông Nhật Lệ . Cảnh vật quả là rất đẹp , như cái tên của dòng sông vậy . Marg vẫn còn nhớ cái rớ và nhà chòi trên sông .
    Nhưng M lại đặc biệt thích dòng sông Son với màu nước xanh ngăn ngắt ôm cả bầu trời và dáng núi trong lòng sông .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu bạn được ngồi thuyền trên sông Son về đến biển thì chắc còn thích thú nữa. Nhật lệ đoạn thượng nguồn cũng đẹp lắm.
      Dồng sông cũng như hoa hậu vậy cô nào cũng mê hồn nhưng không ai giống ai.

      Xóa
  15. Ảnh chụp đẹp quá và bài viết thì thật kĩ lưỡng và giàu sức thuyết phục. Cám ơn bác đã đem đến một cách lý giải về tên gọi một dòng sông.
    Tình yêu quê hương và lòng ham hiểu biết đã tạo nên những luận bàn kiến giải thật lý thú này của bác Bu chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Học trò yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
      Nghề lục lộ như bu thì yêu quê hương qua các dòng sông.
      Bu còn nhiều ảnh Nhật Lệ Song Thu à

      Xóa
  16. "Tôi làm nghề bắc cầu qua sông, đã nhiều lần ngụp lặn trong cái đẹp mê hồn của những Kiến Giang, Đại Giang, Linh Giang, Nhật Lệ...nhưng như một kẻ phụ tình, không hiểu biết gì những cái tên lấp lánh trong kí ức suốt mấy mươi năm"
    Em đọc được sự trăn trở, như day dứt, như nuối tiếc, cái hình ảnh ấy, bác Bu ví như một kẻ phụ tình, lặn ngụp trong những khắc khoải, cho đến ngày vỡ òa, vì khám phá ra những ẩn sâu chất chứa...
    em nghe đến dòng sông Nhật Lệ nhiều, nhưng chưa có duyên may được một lần đi và ngắm nó. Ngắm tạm qua mấy tấm hình bác đưa lên vậy. :)
    Đấy chưa, em nói rồi, bác là nhà phân tích con chữ sâu sắc nhất mà em từng biết

    Trả lờiXóa
  17. Đại hội đang đến vận mệnh dân tộc đất nước ... Chí sĩ ngồi ngắm trăng . Làm mình nhớ :
    Cách đây hơn 2 thế kỉ, cụ Lê Quý Đôn, một nhà khoa học thiên tài của Việt Nam đã chỉ ra năm nguy cơ mất nước nếu không ngăn chặn được, đó là: “Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt”.

    Trả lờiXóa
  18. Dòng Nhật Lệ tên thì quen thuộc với rất nhiều người Việt, nhưng không phải ai cũng hiểu nghĩa của cái tên này. Cháu cũng vậy. Cảm ơn chú Bu nhiều nhiều ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chu Ngọc đã từng đến Nhật Lệ chưa??
      Đi thăm động Phong Nha thì được biết Nhật Lệ ngay mà

      Xóa
  19. Cháu vừa đi Hà Giang chú Bu à. Cùng trường quyên góp áo ấm, sách vở..cho HS những huyện sát biên giới! Qua đèo Mã Pí lèng, lại tranh cãi về ý nghĩa địa danh này. Mỗi người nói một cách, nào là Ngựa phải cúi mặt, nào là ngựa sợ hết hồn..cháu đang tìm hỏi ông Gogoole xem sao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú đã đọc thơ và ảnh minh họa của Chu Ngọc, định sang viết vài chữ thì người đẹp đã sang đây hihi

      Xóa