Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

GIAO LƯU BÈ BẠN ( I )

Một vài  bạn đặt ra cho Bu nhiều câu hỏi vừa thú vị vừa hóc hiểm. Chẳng hạn:

1- Bạn Malieng  YH360 hỏi : Các quẻ trong Kinh Dịch được luận từ dưới lên, nhưng riêng qủe Nhu có người bảo phải luận từ trên xuống , ý kiến Bulukhin thế nào cho Maliêng biết với.

2- Bạn TKO trên YH360 hỏi: Tại sao sau quẻ Kí tế lại đến qủe Vị tế mà không phải là quẻ khác?

    Hôm đến nhà Bu (ở Đồng Hới) nàng TKO nâng cây đàn ghi ta lên, những ngón tay búp măng  bật mấy hòa âm thánh thót rồi hỏi: Tại sao trong các gam thứ người ta lấy gam la thứ làm chuẩn, trong các gam trưởng người ta lấy gam đô trưởng làm chuẩn.

3- Bạn Huyền Trân đề nghị:   Cho em xin chữ Tâm và chữ Đức dưới dạng ngoằn nghoèo . Bác giải thích giùm sự hình thành các con chữ ấy.

***

     Nghe nói cái cổ (phía dưới cằm) của bạn Huyền Trân bị trục trặc, ngày ngày chỉ loanh quanh trong nhà, nên Bu nói chuyện với bạn ấy trước.  Biết đâu do nghiền ngẫm chữ TÂM  với chữ ĐỨC mà bạn ấy quên bớt chuyện cái cổ và  thấy nằm nhà cũng  có cái vui của nó. 

I- Chữ ngoằn ngoèo

Chữ vuông của người Tàu từ khởi thủy đến nay có 8 kiểu,  xem ra kiểu nào cũng ngoằn ngoèo, đại thể thế này:

1- Giáp cốt văn:  Đời nhà Thương (1711-1066 TCN), chữ được khắc trên mai rùa hoặc xương thú

2- Kim văn: Đời Thương Chu (khoảng 1066-255 TCN), Chữ được đúc hoặc khắc trên đồng thau

3- Tiểu triện: Đời nhà Tần (306- 207 TCN) loại chữ viết bằng mực xạ còn gọi là Tần triện

4-  Lệ thư: Đời nhà Hán (khoảng 206 TCN - 220 SCN) . Thông dụng trong đời Hán, bắt đầu cuối Tần đến thời Tam quốc. còn gọi là Hán lệ. Tá thư, Bát phân. Tuy còn giữ một số dạng nét của tiểu triện song đã có những nét mác lượn sóng tăng dần. Lệ thư làm cơ sở cho Khải thư sau này.

5- Khải thư: Xuất hiện vào cuối thời Hán (khoảng 220 SCN) và lưu hành cho đến ngày nay. Chữ Khải thư ít ngoằn ngoèo, còn gọi là Chính thư, Chân thư.

6- Thảo thư: Xuất hiện sớm hơn Khải thư, tức vào đầu nhà Hán (khoảng 206 TCN). Thoạt đầu Thảo thư là biến thể viết nhanh của Lệ thư nên còn gọi là Thảo Lệ, Chương Thảo. Từ cuối thời Hán trở đi chữ Thảo đã thoát ly hẳn chữ Lệ.

     Do chữ thảo được dùng nhiều nên hai chữ bạn hỏi, Bu chỉ dẫn ra chữ thảo mà bỏ qua chữ hành. (thực ra hai loại chữ này na ná nhau)

7- Hành thư: Đây là chữ nằm giữa Khải thư và Thảo thư, được sử dụng nhiều trong thời Tam quốc và thời nhà Tấn.

8- Giản thể: Là chữ phồn thể (phồn là đầy đủ, nhiều) viết bớt nét đi cho nhanh, ra đời thời ông Chu Ân Lai làm thủ tướng Trung Hoa lục địa. Người Đài Loan, Ma Cao, Hồng Công vẫn dùng chữ cũ, không xài lọai chữ cải cách này. 

       Có thể nói đệ nhất ngoằn ngoèo trong số các loại chữ trên là Thảo thư và Hành thư. Bu lấy chữ Tượng (con voi) làm dẫn chứng về sự ngoằn ngoèo và quá trình biến thể từ hình vẽ con voi đến giáp cốt, kim văn, tiểu triện, lệ thư, khải thư, thảo thư, và hành thư.

                                     DSCN0954

 II Sự hình thành chữ Tâm và chữ Đức

Để nói về mục này phải dẫn ra 6 cách (phép lục thư) cấu tạo chữ Hán sau đó mới xét xem chữ Tâm và chữ Đức thuộc vào cách thứ mấy trong số 6 cách đó.

1- Tượng hình: Là chữ được vẽ theo vật thể một cách đơn giản nhất, khái quát nhất chẳng hạn chữ tượng là con voi đã dẫn ra ở trên là một chữ tượng hình.

2- Chỉ sự: Dùng những kí hiệu để bày tỏ những sự việc hoặc ý niệm không thể vẽ ra được, chẳng hạn chữ thượng () là trên . Nét ngang là mặt đất, nét đứng là cái cọc nhô từ dưới lên, nét ngang nhỏ để chứng tỏ nó nằm phía trên mặt đất. Chữ hạ () là dưới thì ngược lại

3- Hội ý: Ghép nhiều hình,  hoặc nhiều chữ lại để thành chữ mới. Chẳng hạn chữ lâm () là rừng gồm có hai chữ mộc () ý nói nhiều cây tạo nên rừng. Chữ chiêm () là xem bói gồm chữ bốc () là bói ghép với chữ khẩu () là cái miệng. Miệng để đoán quẻ tốt xấu.

4- Chuyển chú: Là một hình thức sinh sôi nẩy nở của chữ viết, có nghĩa là  một chữ nào đó do thay đổi về ý nghĩa, dẫn đến thay đổi về hình thể,  từ đó sinh ra chữ mới.  Chẳng hạn chữ lão () và chữ khảo () đều có nghĩa là già,  nên người ta chuyển chữ lão để chú thích chữ khảo và chuyển chữ khảo chú tích cho chữ lão.

5- Giả tá:  Có một số từ trước đây chưa có chữ riêng, phải mượn chữ có âm đọc giống hoặc gần giống nó, chữ vay mượn sấy gọi là chữ giả tá. Chẳng hạn chữ đông () trong phương đông trước đây dùng để chỉ cái túi  dết, chữ vạn () là mười ngàn trước đây để chỉ con bò cạp. Chữ ô () là con quạ được mượn để nói ô hô (烏乎)

6- Chữ Hài thanh: Đây là loại chữ chiếm gần 90% trong toàn bộ chữ vuông của người Tàu. Chữ hài thanh có hai phần, một phần chỉ ý và một phần chỉ âm đọc. Chẳng hạn chữ đồng () là một kim loại, gồm chữ kim () chỉ kim loại nói chung , ghép với chữ đồng () chỉ âm đọc. Chữ quận () là  một khu vực hành chính gốm có chữ ấp () là vùng chỉ nghĩa, ghép với chữ quân () chỉ âm đọc.

* Chữ tâm 

Người Tàu có hai chữ tâm, chữ bạn hỏi ắc hẳn là chữ tâm để chỉ về tình cảm tư tưởng con người.  Chữ này  được người xưa mô tả từ một quả tim (xem hình vẽ). Quả tim ấy được vẽ đơn giản dần, đến đời Hán thì thành ra loại chữ khải  và cuối cùng là chữ thảo. Đây là một chữ tượng hình (mục 1 của II)

 

                                       DSCN0949

 * Chữ Đức

Người Tàu có hai chứ đức để chỉ về đức hạnh, đạo đức con người. Ở đây Bu giới thiệu chữ đức thông dụng nhất để bạn tham khảo. Chữ này được người xưa mô tả từ một con mắt ở ngả tư đường (xem hình vẽ).

 

                                      DSCN0950

 

Con mắt nhìn thẳng,  được thể hiện bằng một mũi tên chấm chấm. Cái hình vẽ ấy biến hóa hàng qua hàng ngàn năm, lần lượt từ giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện, lệ thư, khải thư, thảo thư, hành thư. Trong chữ đức của lối khải thư có chữ sách () chỉ con đường, có chữ trực () chỉ con mắt nhìn thẳng, và cuối cùng là chữ tâm () để chỉ về tình cảm con người. Bạn thấy đấy, chữ đức theo lối thảo thư rất ngoằn ngoèo (như bạn muốn) và khó mà nhận thấy những thành phần tạo ra nó như đã nói. Và qua phân tích thì chữ đức là loại chữ hội ý (mục 3 của II, nếu không có chữ tâm thì là chữ chỉ sự, mục 2 của II ) 

24 nhận xét:

  1. NH lại xin ngồi im thít nghe giảng giải về loại chữ tượng hình này ạ ! Nghe và rất thích thú !

    Cảm ơn Bu và sự giao lưu bè bạn . :)

    Trả lờiXóa
  2. Bu rất cảm ơn nhà thơ Ngân Hà là người đầu tiên đọc bài viết dài dòng văn tự này. Thấy bạn thích thú là Bu vui lắm rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Người học chữ Hán được dạy viết chữ Đức là Chim chích mà đậu cành tre, Thập trên, Tứ dưới, Nhất đè chữ Tâm.
    Chữ Tâm cũng nhiều vị tán ra kinh lắm, nghe đâu là nửa vầng trăng và ba ngôi sao sáng...
    Bây giơ fnhiều nhà mua chữ về treo, chữ nào cũng ý nghĩa cả, vì thế mới có chuyện một bên treo chữ Nhẫn, một bên treo chữ Tâm bác Bu ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Bác Bu bao giờ vẫn vậy, thật chu đáo và tận tâm với bạn bè. Nghe bác giảng về xuất xứ chữ Tâm và chữ Đức thật dễ hiểu. Cảm ơn Bác!

    Trả lờiXóa
  5. Oh, cám ơn bác Bu đã giảng giải nhiệt tình một câu hỏi của em. Bác phải dài dòng văn tự vậy chắc là mất nhiều công sức và thời gian lắm. Em hỏi một bác trả lời mười, ngồi nhà mà được học Thầy vậy thật là quý . Chắc em đăng ký là học trò dài dài, bác chuẩn bị soạn giáo án tiếp nhe hìhì!

    Giờ thì em nhớ mặt chữ TÂM và ĐỨC luôn rồi. Lại được biết 6 cách để cấu tạo ra chữ Hán (cám ơn bác Bu lần nữa). Thiệt tình là ngoài 3 chữ Tâm, Đức, và Nhân (viết kiểu ngoằn ngoèo), em chỉ nhớ có mấy con cờ tướng thôi hihihi. Già cờ đỏ, nhỏ cờ xanh nhe bác Bu :))

    Trả lờiXóa
  6. Em cũng tâm đắc câu hỏi của TKO.

    Trả lờiXóa
  7. Bạn TORO à

    Bạn dẫn ra câu "Chim chích mà đậu cành tre, Thập trên, Tứ dưới, Nhất đè chữ Tâm" là người ta nói cho có vần vèo thế thôi. Chứ học trò mà quan niệm về chữ đức như vậy là thầy đồ phạt liền. Cái cành tre ấy là chữ sách ( 彳) tạm cho là được. Còn cái gọi là "thập + tứ + nhất" chính là chữ trực ( 直 )như Bu đã dẫn ra ở tấm hình có con mắt giữa ngả tư đường. Nên nhớ rằng, chữ trực gồm có chữ mục và hai nét giao nhau như là chữ thập. Thoạt nhìn vào có vẻ như chữ thập nằm trên chữ tứ. Lại nữa, nét ngang dưới cùng của chữ mục dài hơn mấy nét ngang ở giữa nên người ta lại bảo là chữ nhất. Cho nên bạn nào có thuộc câu ca ấy thì cứ thuộc, nhưng xin đừng nghỉ rằng câu ấy mô tả chữ đức chuẩn xác như bản thân cấu tạo của nó. Cảm ơn TORO đưa ra vấn đề để làm cho sáng tỏ thêm về chữ đức.

    Trả lờiXóa
  8. Thu thuy
    Khi viết bài trả lời Huyền Trân Bu nghỉ đến các bạn chưa hề quan tâm đến chữ vuông. cho nên cố gắng viết sao cho các bạn này nhỡ đọc phải có thể hiểu được. Thủy bảo dễ hiểu thì Bu sướng lắm .

    Trả lờiXóa
  9. "Nghe nói cái cổ (phía trên cằm) của bạn Huyền Trân" ... Cái cổ phía trên cằm là sao bác? Ở ngoài Bắc trên cằm chỉ có đôi môi thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Dạ, đọc xong rồi nhưng sẽ còn quay trở lại để đọc lại cho ngấm ạ!

    Cám ơn Bulk ạ! :-)

    Trả lờiXóa
  11. Violet
    Tưởng ai xa hóa ra là violet, xin mời bạn tiếp tục đọc, nếu có thắc mắc gì Bu sẽ nói lại ngay.

    Trả lờiXóa
  12. em sang để mở mắt to mà đọc thôi.

    Trả lờiXóa
  13. Hic, con chỉ biết đọc chứ hỏng dám mở miệng ah! :)

    Trả lờiXóa
  14. Em đọc chầm chậm thì cũng được hiểu đôi phần thôi hà nhưng thấy hay và chỉ biết vậy.
    Em có nghe nhà em kể lại khi cha em còn sống rất thích học chữ Hán nhưng chỉ biết học lóm thôi vì thời đó loạn lạc quá, cha cũng hay lãnh phần khắc chữ Hán vào những mộ bia dùm bà con nhưng cũng có chữ đúng chữ sai vài nét gì đó, tiếc là cha em bị lính Mỹ bắt và hành quyết khi mới 32 tuổi thôi.

    Trả lờiXóa
  15. Em là TKO, em mới làm lại 1 em multéo mới, nếu mà không được nữa là em mất tích trên giang hồ luôn đó bác Buluk! Bác chẳng con được em hỏi những câu hỏi thú vị nữa đâu! Huhu!:-)
    Cảm ơn bác Buluk nhiều vì vẫn còn nhớ đến câu hỏi của TKO. Chúc hai bác Buluk luôn vui khỏe ạ! Gia đình luôn nhận được dồi dào chữ Tâm và Đức!

    Trả lờiXóa
  16. Đừng vội bi quan người láng giềng ơi, sao lại mất tích được. Sắp tới đây Bu sẽ trả lời bạn về Kinh dịch và nhạc lý. Vấn đề không khó nhưng phải nói sao cho bạn và ai đọc cũng hiểu được thôi.

    Trả lờiXóa
  17. Cảm ơn Bác Buluk nhiều nhé.

    Trả lờiXóa
  18. CNB thì đọc mà chưa hiểu, xin bác Bu copy về đọc tiếp. Hic.

    Trả lờiXóa
  19. Cháu cũng đáng bị thày đánh đòn bác Bu ạ, vì rất đinh ninh câu "Chim chích..."
    Nghe bác Bu giải thích mới vỡ ra, lại mở từ điển điện tử xem chữ Trực (直). Hóa ra bộ Mục (目-mắt) còn có thể viết nằm ngang nên chữ Trực trông như "thập trên, tứ dưới, nhất"...dưới cùng. Bây giờ thì cháu thuộc đinh ninh chữ Đức rồi. Lại biết thêm chữ Trực (cháu chưa biết chữ này). Đa tạ bác Bu

    Trả lờiXóa
  20. Hihi, quen miệng, "xem" bác Bu giải thích lại thành "nghe" :D

    Trả lờiXóa
  21. Vừa đọc vừa tra từ điển như Lê Tê là xưa nay hiếm đấy.

    Trả lờiXóa
  22. Cho N. làm wen với bác BULUKHIN nha

    Trả lờiXóa