Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

NGÀY XƯA KHÔNG CŨ

Ngày xưa này diễn ra chưa lâu,  trên mảnh đất quê hương Ruchung tôi miền trung khốc liệt; nhưng cũng đã có được một khoảng lùi cần thiết, để trở thành cổ tích. Đó là một ngày xưa mà Ruchung tôi vừa mục sở thị, vừa tham dự. Trước cuộc chiến, làng quê còn nghèo khó, nhưng thật yên bình.

  

Chiến tranh xảy ra, cả quê hương chuyển xuống lòng đất, xe chưa qua nhà không tiếc kháng chiến. Cũng như mọi người, Ruchung tôi được đất mẹ bảo lãnh, chở che, để tồn tại và trưởng thành. Nhưng cũng có những người vĩnh viễn phải nằm lại trong lòng đất này, không thể tiếp tục trường chinh xuyên qua cuộc chiến.

Đất mẹ, thương thay phải chịu nhiều vết sẹo chiến tranh. Để chế ngự cuộc chiến, không còn cách nào khác phải chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi. Quảng Bình hai giỏi của một thời hoa lửa đã làm nên bản lĩnh của một vùng quê.

Trường Sơn Tây anh đi /thương em bên ấy mưa nhiều con đường gánh gạo /muỗi bay rừng già cho dài tay áo / hết rau rồi em có lấy măng không ?...( Phạm Tiến Duât.)

Những câu hỏi mà đáp án không có nhiều sự lựa chọn như thế đã dính kết cả cộng đồng thành một khối, dường như bất diệt. Và lẽ thường, dính kết cả lứa đôi, nồng nàn bất chấp cả lễ nghi, lẫn vật chất..

Cỗ cưới...cũng thấm đẫm tinh thần

Ngày xưa chưa xa này đã được định dạng. Các giá trị tinh thần của trùng trùng những ngày xưa bi tráng và oai hùng sẽ được bảo tồn và phát huy đúng với chân giá trị của nó. Còn những khoảnh khắc ngày xưa vật chất mà mọi người có thể nhìn ngắm, sờ nắn và chiêm nghiệm trên Myblog này, là được Ruchung tôi thực hiện tại một địa điểm cụ thể, không xa lạ ở TP Đồng Hới: Vực Quành, từ một đoàn làm phim đang tái hiện ngày xưa..

Sống trong lòng đất, Ruchung tôi thường xuyên chạm mặt với vô vàn hoa cỏ mà thân phận chủ đạo là yếu ớt và khiêm nhường . Nay, trở lại một chút  ngày xưa, cảnh quan, kỷ niệm đã ít nhiều đã thay đổi, duy chỉ có hoa cỏ là giữ nguyên được sự tươi mới, tràn trề sinh khí, một ngày xưa không cũ, khiến Ruchung tôi giật mình rưng rưng...

Ảnh tác giả, Ruchung tôi giữ bản quyền

Nguồn blog Ruchung

10 nhận xét:

  1. Có ai ghi âm lại lời bác Nguyễn Xuân Liên giới thiệu về điểm đến này hông. Nói dại mồm, lỡ bác ngã bệnh, ai kể cho con cháu về sau nghe nhỉ..:(

    Trả lờiXóa
  2. Có phải em vừa nhìn thấy cái hố bom không?

    Trả lờiXóa
  3. Những bức ảnh tư liệu thật đáng quý và lời bình cũng thật nặng lòng yêu quê hương. Chắc là bác Bu biết tác giả Ruchung phải không ạ?

    Trả lờiXóa
  4. 1-Các bức ảnh trên là làng trong chiến tranh ở Vực Quành, cách thành phố Đồng Hới khoảng 9 km về phía tây. Ông Nguyễn Xuân Liên người Hà Nội, trong những năm đánh Mỹ công tác ở QB. Sau khi hết chiến tranh, ông đã bán hết gia sản ở Hà Nội vào QB mua đất dựng lại toàn bộ một làng trong chiến tranh để các thế hệ con cháu đến tham quan, hiểu được cha ông chúng đã sống và chiến đấu như thế nào. Rất nhiều đoàn trong nước và nước ngoài đã đến thăm làng này.
    2- Người chụp ảnh là bạn hàng xóm của Bu, đã từng là lính, từng là cử nhân ngôn ngữ, và đang làm công tác khoa học...
    3- Bu và ông bạn này đã cùng nhau đến vực Quành không dưới 10 lần. Những tấm ảnh trên được bạn ấy chụp khi đoàn làm phim Truyện của đạo diễn Trần Vịnh về đây quay phim.
    4- Ảnh đẹp và lời bình có văn nên xem lại Bu vẫn xúc động như là người mới đến làng chiến tranh này lần đầu vậy.

    Trả lờiXóa
  5. Xem entry này của Bu, nhưng rất tiếc chưa có dịp đến QB để có thể "mục sở thị" làng trong chiến tranh ở QB của ông NXL.
    Xin góp câu chuyện có vẻ lạc địa chỉ nhưng không lạc đề như sau:
    Ở khu di tích lịch sử Bến Dược, Củ Chi cũng có 1 khu "Tái tạo làng mạc trong chiến tranh" rất hoành tráng, với nhà cửa và hình nhân làm to như người thật. Với những ngôi nhà là nơi làm việc của bí thư cấp ủy, nơi hội họp, các ngành nghề dân chúng sinh sống trong chiến tranh như: tráng bánh, xay bột, làm ruộng trỉa lúa...v.v.
    Tôi có dịp trò chuyện cũng những "lão cách mạng" địa phương như: bác 7 Rờn, bác 6 Thặng, bác 4 Điểm..., giờ đều đã mất; Đây là những vị từng giữ trọng trách tại cấp ủy xã PMH. Các bác ấy đều nói: " Thằng Dũng (GĐ khu di tích) nó màu mè quá đi, thời đó làm gì mà được như vậy, ở chòi ở hầm thấy mẹ luôn mà giờ nó tả làm như tụi tao là...ông hoàng !"
    Những người sống tại nơi đó giờ chết hết, đám trẻ sau này lớn lên vô coi cũng tin sai cổ...!
    Xui quá, trong đám bị "xí gạt" đó hổng có tui !

    Trả lờiXóa
  6. "Nhờ trời" trong chiến tranh Bu nằm hầm chữ A mút mùa, ước mơ duy nhất là đêm đêm được lên mặt đất thắp một ngọn đèn dầu hỏa cho thật sáng mà đọc sách. Những gì ông NXL làm đây là đúng và có phần dưới sự thật vì ông không được cấp kinh phí. Gia sản ông chẳng được bao nhiêu. UBND tỉnh có vẻ ủng hộ còn xã thôn thì ra mặt chống đối, cho đến nay ông chưa được cấp quyền sử dụng đất. Thậm chí một ngôi nhà tự dưng bốc cháy. những thùng phuy, mảnh bom, những gì bằng sắt thép bị mất dần. Các vì kèo gỗ, tranh lợp nhà bị mối mọt gậm nhấm không được thay thế. Tuy thế ông chưa bán vé thâu tiền, chỉ có cái hòm kiểu như hòm "công đức", ai ủng hộ hoặc không ủng hộ ông cũng vui vẻ tiếp đón. Nếu bạn chưa đi miền trung thì nên đi một chuyện, gió Lào cát trắng nhưng mà đất và người đều mến khách.

    Trả lờiXóa
  7. Hồi đó Zip có một lần đến Vịnh Mốc, sơn đạo Vịnh Mốc. Đi sâu vào lòng núi, hình dung ra chiến tranh và những cảnh chết chóc ngày xưa mà phát kinh!

    Còn Quảng Bình thì Zip chỉ đi ngang qua theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Nay đọc entry này mới biết được một tí tẹo.

    Ruchung có nghĩa là gì thế, bác Bu? Zip thật sự không hiểu, lần đầu tiên mới nghe từ này.

    Trả lờiXóa
  8. Thời chiến tranh chắc Quảng Bình là nơi chịu nhiều bom đạn, mà bom đạn made in USA hay made in USSR cũng đều vô tình...

    Trả lờiXóa
  9. Bài viết giống như một cái nhìn ngoái lại ...nhớ cứ như ru .Xưa mà không cũ _ Có nhiều giá trị xưa mà không cũ khi ta biết quý nó thật sự phải không anh BU ?

    Trả lờiXóa
  10. Nhìn lại ngày xưa thật khó thể tưởng tượng được lúc đó các tỉnh niềm trung đã chịu dựng sự tàn khốc của chiến tranh như thế nào, thật khó quên và vì vậy không thể không quay đầu lại để nhớ và thương tất cả.....

    Trả lờiXóa