Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

NÓI THÊM VỀ TÁC GIẢ BÀI THƠ TIỀN VÀ LÁ

 

                              Cầu Nhật Lệ ở t.p Đồng Hới (ảnh của Bạn Bu)

 

 

Cô giáo caonguyenbui hỏi Bu tác giả bài thơ Tiền và Lá là Nguyễn Bính hay Kiên Giang. Do chưa đủ cứ liệu để trả lời nên Bu phải cầu viện đến ông bạn có một kho tư liệu đồ sộ ở Hà Nội và được bạn ấy cho rằng bài thơ Tiền và Lá của Nguyễn Bính chứ không phải của Kiên Giang. Ông bạn Bu căn cứ vào hai tập thơ của Nguyễn Bính có đăng bài thơ Tiền và Lá, đó là:

1-  "Xuân tha hương"  do Đỗ Đình Thọ sưu tầm tuyển chọn, sở Văn Hóa thông tin Hà Nam Ninh xuất bản 1989. Số lượng in 8200 cuốn, bài Tiền và Lá ở trang 92.  Ông Thọ không cho biết bài thơ ấy được lấy từ nguồn nào.

2- "Nguyễn Bính thơ và đời" do Hoàng Xuân tuyển chọn, nxb Văn học in năm 1994, bài Tiền và Lá ở trang 13. Ông Hoàng Xuân chú thích bài Tiền và Lá lấy theo tài liệu của Đinh Việt Anh.

Ông bạn Bu xác quyết Hoàng Xuân là Lữ Huy Nguyên, giám đốc nxb Văn học thời đó nên những gì trong quyển "Nguyễn Bính thơ và đời" là đáng tin cậy (1). Ngày 13.7.2009 Bu post nguyên văn bức thư của bạn với tựa đề  "Gửi cô giáo caonguyen bui".  Từ đó đến nay hai chúng tôi  vẫn tiếp tục tìm kiếm cứ liệu để xem  kết luận trên đã chính xác chưa thì bật lên 3 vấn đề sau đây:

1- Trong số những tập thơ của Nguyễn Bính xuất bản khi tác giả còn sống không có bài Tiền và Lá

2- Bài thơ "Tiền và Lá" xuất hiện ở phần tác giả Kiên Giang trong tuyển tập "Thi nhân Việt Nam hiện đại" do Phạm Thanh tuyển chọn, nxb Khai Trí ấn hành 1959 tại Sài Gòn, lúc này Nguyễn Bính còn sống ở miền bắc.  Tập này dày 750 trang gồm có 58 tác giả, riêng Kiên Giang được chọn 10 bài, (nhưng không có bài "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" được mọi người  ưa thích). Mọi người đều biết ông Hùng Trương chủ nxb Khai Trí  và ông Phạm Thanh ở Sài Gòn  ngày trước là những người làm sách đứng đắn, có tâm và có trình độ.  

3- Trong "Giai thoại của thi sĩ" nhà thơ Bùi Chí Vinh (2) khẳng định bài thơ "Tiền và Lá" của tác giả Kiên Giang, ông Vinh viết:

"Như nhiều người đã biết, nhà thơ Kiên Giang nổi tiếng trong thi đàn Việt Nam với bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím – Từ ngày binh lửa ngập quê hương…” được phổ nhạc. Tuy nhiên tôi yêu mến nhất bài thơ TIỀN VÀ LÁ của ông, bài thơ hay đến nỗi một tờ báo ngoài Bắc ngộ nhận là thơ của thi sĩ Nguyễn Bính. Bằng trí nhớ lõm bõm (3), tôi xin chép ra đây bài thơ đó của ông, nếu sai chữ nào mong chú Kiên Giang lượng thứ"

TIỀN VÀ LÁ

Ngày xưa hớt tóc miểng vùa

Ngày xưa mẹ bắt đeo bùa cầu Ông

Đôi ta cùng học vỡ lòng

Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh

Đôi nhà cùng một sắc tranh

Chia nhau từng một trái chanh trái đào

Đêm vàng soi bóng trăng cao

Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời

Anh moi đất nắn tượng người

Em tha thẩn nhặt lá rơi làm tiền

Mỗi ngày chợ họp mười phiên

Anh đem tượng đất đổi tiền lá rơi

Nào ngờ mai mỉa cho tôi

Lớn lên em đã bị người ta mua

Kiếp tôi là kiếp nhà thơ

Vốn riêng chỉ có một mùa lá rơi

Tiền không là lá em ơi

Tiền là giấy bạc của đời in ra

Người ta giấy bạc đầy nhà

Cho nên mới được gọi là chồng em

Bây giờ những buổi chiều êm

Tôi đem lá đốt khói lên tận trời

Người mua đã bị mua rồi

Chợ đời họp một mình tôi. Vui gì… (4)

Qua phân tích trên thì bài thơ "Tiền và Lá" rõ ràng của tác giả Kiên Giang chứ không thể là của Nguyễn Bính. Bu nói lại để cô giáo caonguyenbui và các bạn được rõ, cũng mong các bạn thể tất cho sự vội vàng do thừa nhiệt tình mà thiếu cứ liệu.

-----------------------------------

(1)  Ông Lữ Huy Nguyên đã qua đời năm 1998

(2)  Theo mạng Trần Hữu Dũng

(3)  Lõm bõm là cách nói vui của nhà thơ. Xin trích nguyên văn đoạn ông  Vinh so sánh trí nhớ của mình với người có trí nhớ siêu phàm là Lê Quý Đôn: " Tôi không “xịn” như tiên sinh Lê Quý Đôn, nhưng theo lời bạn bè thì trí nhớ cũng thuộc hàng cao thủ. Từ lúc 11 tuổi đến nay tôi đã làm trên 1000 bi thơ đủ nội dung thể loại và tự hào thuộc tối thiểu cũng hơn 800 bài mình ưa thích. Khác với bậc trí giả Lê Quý Đôn, tôi bắt buộc phải thuộc thơ mình vì yếu tố thời thế. Nói hú họa, chẳng may tôi bị bọn cường quyền bạo chúa nào đó bịt miệng thì với trí nhớ trời cho, ít ra tôi cũng để dành một số lượng thơ cần thiết để lại cho thế nhân qua ghi chép hoặc khạc thơ truyền khẩu trong bàn rượu thân hữu"

(4) Bài trên 24 câu, nhiều sách in chỉ 20 câu, chữ tranh có khi in là gianh, chữ trời có khi là giời như sau:

    Tuổi thơ tóc để gáo dừa

    Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong

    Hai ta cùng học vở lòng

    Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh

    Hai ta chung một mái tranh (gianh)

    Chia vui từng trái ngọt lành có nhau

    Đêm cùng đón ánh trăng cao

    Ngồi bên giếng ngọc đếm sao trên trời (giời )

    Em moi đất nặn hình người

    Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền

    Mỗi ngày chợ họp mười phiên

    Em mang ngồi bán lấy tiền lá rơi

   Tiền là giấy bạc em ơi

   Tiền là giấy bạc của người làm ra

   Người ta giấy bạc đầy nhà

   Cho nên mới được gọi là chồng em !

   Bây giờ mỗi buổi chiều lên

   Tôi gom lá đốt, khói lên ngút trời (giời )…

   Người ta đã bị mua rồi

   Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì ?

 

                                  Nhà thơ Bùi Chí Vinh (theo mạng THD)

19 nhận xét:

  1. Bác Bu rất chi li tỉ mỉ và cẩn trọng trong việc tìm cứ liệu.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Bu đã dày công tìm hiểu rồi, coi như chúng ta chấp nhận nhà thơ Kiên Giang thực sự là tác giả bài thơ "Tiền và lá"; Về phương diện nguồn gốc bài thơ, dựa theo những gì đã được công bố.

    Tuy nhiên, về mặt cảm thụ văn học; Bọn tôi, những người thích đọc thơ và cũng tập tành làm dăm câu thơ con cóc, thường nhắc đến khái niệm gọi là "hơi thơ"; Mà bài thơ "Tiền và lá" này đậm đặc hơi thơ Nguyễn Bính, trong khi nét thơ Kiên Giang có hơi khác, các bạn có thể đọc hết các bài thơ của Kiên Giang được lưu trử tại đây để có sự so sánh: http://vnthuquan.net/tho/tacpham.aspx?thisi=Ki%C3%AAn%20Giang

    Do vậy, có thể đặt giả thuyết. Thời gian Nguyễn Bính lưu lạc trong Nam và sống cùng Kiên Giang ở miền Tây, KG có ý làm một tứ thơ lục bát dựa theo trò chơi dân dã của trẻ em quê mình. Và Nguyễn Bính, ông hoàng thơ lục bát, đã cùng bạn chăm chút câu chữ để lột tả được hồn thơ Kiên Giang, đồng thời giữ được vẻ mượt mà như một bài dân ca phương Nam.
    Và Nguyễn Bính cũng nhìn nhận bài "Tiền và lá" này là của bạn mình, nhà thơ Kiên Giang.
    Giả thuyết thì cũng chỉ là... giả thuyết! Đây cũng chỉ là lập luận của những kẻ yêu thơ, mà như quí vị cũng biết, kẻ yêu thơ thường duy cảm chứ không duy lý...!

    Trả lờiXóa
  3. * Bạn Yên Sơn
    Bu hoàn toàn nhất trí với ý kiến của bạn Yên Sơn

    Trả lờiXóa
  4. *bạn zipposgvn
    Tính Bu muốn cẩn trọng nhưng lực bất tòng tâm nên vẫn xẩy ra sơ suất.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bác Bu rất nhiều, bác thật là nhiệt tình với CNB. Tình cờ post bài vọng cổ "Tiền và Lá"nên CNB mới phát hiện ra có hai ý kiến về tác giả bài thơ cùng tên. CNB không rành chuyện người xưa nên mang đi hỏi. Báo hại bác Bu phải bận tâm tìm dùm. CNB cũng nhờ bác Bu chuyển lời cảm ơn của CNB tới người bạn của bác dùm. Dân miền Nam thì ai cũng nói bài thơ này của KG, bởi vậy CNB thấy hoang mang. Hôm nay thì rõ rồi, nhờ bác đó. Bác cho CNB copy về nhà nhen bác?

    Trả lờiXóa
  6. * Bạn CNB

    Việc trả lời CNB là một cách để Bu tui hiểu biết thêm chứ không có gì báo hại cả. Ngay bây giờ bạn có thể hỏi thêm bất cứ gì. Nếu chịu thì Bu dựa cột để nghe người khác chỉ bảo, nếu biết được thì trả lời liền.

    Trả lờiXóa
  7. ôi ôi bác Bu cứ tận tình thế coi chừng cô nàng CNB théc méc...chằn tinh trong truyện Thạch Sanh có nguồn gốc từ con gì trong thực tế thì bác sẽ khổ mất thôi! :D

    Trả lờiXóa
  8. Dạ, khi nào thắc mắc sẽ sang hỏi bác Bu ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Có thắc mắc nè, nàng là ai, nàng từ đâu tới?????

    Trả lờiXóa
  10. câu này khó quá đối với bác Bu. Nàng cho câu nào dễ hơn đi! ví dụ: đố bác Bu giữa tiền và lá K.A. thích món nào hơn?.
    :D

    Trả lờiXóa
  11. * Khietan
    Giữa tiền và lá bạn thích món nào hơn. Cái này bạn rõ hơn Bu. Có điều người ta nói về tiền nghe khiếp đảm lắm: Bạc ác chi mi rứa hởi tiền, mi làm thiên hạ lắm khi điên. Rồi bình luận: Nếu mở một phiên tòa xử đồng tiền thì phải phanh thây nó làm hai nửa, một nửa gửi lên thiên đường nữa kia đày xuống địa ngục. Riêng về lá chưa ai nói gì nặng lời. Lá trong thơ, nhạc, họa, tuyệt đẹp. Đến như một ngọn lá vàng rơi người ta cũng nghỉ đến tương lai sáng sủa: Thấy lá rụng xin đừng vội khóc, một lá rụng muôn ngàn cây mọc.

    Trả lờiXóa
  12. lá và tiền đều...đẹp và vô tội. Đảo điên tội lỗi do con người và những nguồn cơn bác Bu nhỉ! Túm lại K.A thích cả 2 thứ, hì hì..

    Trả lờiXóa
  13. Bạn Yên Sơn

    Trên rừng có nhiều thứ lá nguy hiểm như lá ngón dùng để tự sát, lá han đụng phải là mặt mũi sưng vù lên, tuy nhiên lá không làm tán gia bại sản như tiền nên người đời nói về tiền đôi khi nặng lời. Bản thân lá tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở nên người ta dùng lá làm lô gô cho nhãn mác...Ông Chim Trắng dùng lá nói tâm trạng chứ không miệt thị lá và đòi đưa nó ra tòa án. Đấy là nói cho vui, chứ cả lá và tiền trong văn chương chỉ là đối tượng thẩm mỹ, và ta không hy vọng nói như thế nào thì hoàn toàn chính xác 100%

    Trả lờiXóa
  14. Dạ, có một thứ lá làm tán gia bại sản đó anh! Nhưng trong thi ca chưa thấy ai tán tụng thứ lá này...!
    Anh đoán xem?

    Trả lờiXóa
  15. Bạn Yên Sơn

    Vàng lá ? Lá bài?

    Trả lờiXóa
  16. Hỏi tức là trả lời...! hehehe...

    Trả lờiXóa
  17. Cả hai nhà thơ đều đáng kính, chỉ có hậu thế ẩu xá lị thôi.
    Cẩu thả có khi là bản chất của những người mang danh vh dỏm. Có khi lấy cả bài hát của người đem về nhà mình cất rồi sau đó tung lên, bảo là của mình, ối giời ơi!

    Trả lờiXóa
  18. Khảo cổ hả bác?
    Chúc bác cuối tuần vui vẻ nhé!

    Trả lờiXóa
  19. Thật sự em rất thích thơ nhưng lại là người ít đọc thơ và cũng không thể nhớ hay thuộc thơ, cũng chẳng biết vì sau nữa, cứ đọc vừa xong là quên ngay lúc đó, ngày xưa để học thuộc 1 bài thơ để trả bài là em phải học hàng ngày để nhớ nhưng khi trả bài xong là bài thơ đó cũng chạy về ở lại với thầy cô luôn.
    Bài thơ này rất hay và anh đã viết rất rỏ nên em hiểu được tận tường hơn, mà đọc các comment cũng rất hay nữa. Thú vị ghê.

    Trả lờiXóa