Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

"BẤT NGHĨA SƠN" - NỖI OAN CỦA NÚI THẦN ĐINH !

                      Núi Thần Đinh nhìn từ bờ bắc sông Long Đại

                         Phế tích chùa Kim Phong (chùa Non)

 

                                         Đức tin

 

                   Đường lên đỉnh núi Thần Đinh theo dự án khôi phục

                            các công trình tâm linh của tỉnh Quảng Bình 

 

 

"Bất Nghĩa Sơn" - núi Bất Nghĩa - là tên gọi khác của núi Thần Đinh được Dương Văn An (1513-?)  ghi trong Sách Ô Châu cận lục: "Núi Thần Đinh tại xứ Rào Đá, huyện Khang Lộc. Tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành, đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi  là núi Bất Nghĩa. Bởi vì tất cả các núi đều hướng về phía tây, riêng núi này quay lưng lại" (1). Sau đó Lê Quý Đôn (1726-1784) viết sách Phủ biên tạp lục (PBTL) lại chép theo Dương Văn An và bỏ đi hai chữ tục truyền, thành ra: "Núi Thần Đinh ở huyện khang Lộc, xứ Thạch Giang (Rào Đá), các núi khác đều hướng về phía tây nam, riêng núi này lại hướng trái đi, cho nên còn gọi là núi Bất Nghĩa" (2). Tiếp theo, Phan Huy Chú (1782-1840) viết Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) cũng  dựa  theo sách Ô Châu và giản lược đi hai chữ tục tuyền: "Núi Thần Đinh ở xứ Tả Giang huyện Khang Lộc. Các núi đều hướng về phía tây, chỉ có một núi này quay lưng lại, cho nên lại gọi là núi Bất Nghĩa" (3). Đến trước năm 1875 Quốc sử quán triều Nguyễn cho ra đời bộ sách đồ sộ Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) cũng nói về núi Thần Đinh như PBTL và LTHCLC. "Núi Thần Đinh ở cách huyện Khang Lộc 20 dặm về phía nam, núi đá chót vót, các núi đều hướng về phía tây duy núi này hướng về phía nam nên lại có tên là núi Bất Nghĩa" (4).Vậy là, từ chỗ Dương Văn An chỉ cho là “tục truyền”, thì các nhà sử học sau ông giản lược hai chữ đó đi,  mặc nhiên  khẳng định núi Thần Đinh còn có tên là núi Bất Nghĩa. Cứ đà này, khi dự án "Khu di tích danh thắng núi Thần Đinh" (5) thành tựu, khách trong nước, khách nước ngoài đến chiêm bái hẳn được nghe thuyết minh: "Núi Thần Đinh cùng với Chùa Kim Phong trên độ cao 342 mét là một di tích và danh thắng của miền trung được sử sách nhắc đến. Núi này còn có tên là núi Bất Nghĩa" !! Với người phương đông mà học thuyết Nho Giáo ngấm vào xương tuỷ và "di truyền" cho đến ngày nay  thì: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" là những chuẩn mực đạo đức bất di bất dịch. Nghĩa, hiểu ngắn gọn là điều hợp với lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Người bất nghĩa là người  hành động không hợp đạo lý, bất chấp lẻ phải. Con người ấy sẽ bị người đời khinh miệt nguyền rủa.Vậy một ngọn núi  sắp trở thành điểm du lịch của xứ sở mang tên núi Bất Nghĩa hẳn là gây phản cảm cho du khách đến chiêm bái. Dưới đây chúng tôi xin được bàn góp đôi lời. 

 1- "Tín tận thư bất như vô thư"

Câu nói đó của ông Mạnh Tử, có nghĩa rằng: Tin sách một cách mù quáng, máy móc thì coi như chẳng đọc gì cả. Với sách Ô Châu cận lục thì lời khuyên trên càng xác đáng. Bởi chính Dương Văn An  đã nói trong lời tựa sách Ô Châu: "Đến năm quý sửu (1553) về nhà cư tang, nhân đọc khắp tác phẩm, đương thời có hai nho sĩ cùng quê đã chia nhau chép hai tập sách về hai phủ Tân Bình, Triệu Phong...tôi vui mừng được đọc các tập này, khảo thêm tín sử, tham bác lời khẩu truyền, chỗ rườm rà thì bỏ bớt, chỗ sơ lược thì bổ sung, gọi tên là Ô Châu Cận Lục cũng là chỉ muốn để tham khảo cho mình vậy" (6). Ông Trần Đại Vinh người tham gia hiệu đính và dịch chú sách Ô Châu có ghi lại ý kiến của nhà thư tịch học Trần văn Giáp: "Hiện tại ta còn có hai văn bản Ô Châu Cận Lục, nhưng đều bị biên chép sai lầm, sửa chữa tứ tung, và do đó bản chất đúng đắn của nó bị mất hẳn. Tuy vậy trong điều kiện hiếm tài liệu cổ, nó vẫn là sách có ích cho sự khảo cứu, nhất là khảo cứu các tỉnh miền Nam"(7). Vậy là cụ Mạnh tử nói chí phải, sách để chỉ tham chiếu chứ không phải là để tin tuyệt đối. Các nhà sử học sau Dương Văn An quá tin vào sách Ô Châu cận lục, làm cho nhiều thế hệ người đọc ngộ nhận về tên một địa danh Văn hóa ở miền trung.  

2-  "Tất cả các núi đều hướng về phía tây riêng núi này quay lưng lại" như sách Ô Châu viết là không chính xác.    

   Xem trên bản đồ địa hình Việt Nam thấy rõ dãy Trường Sơn từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế là một khối thống nhất của những dị biệt. Thống nhất là chạy theo hướng  tây bắc đến  đông nam. Dị biệt là nhiều dãy trong khối núi đó chạy theo nhiều hướng khác nhau. Núi non ở xã Trường Xuân  huyện Quảng Ninh Quảng Bình cũng nằm trong đặc tính chung đó. Cụ thể là Lèn Đông (nét ngang của chữ đinh) theo hướng bắc nam, nét dọc của chữ đinh (trên đỉnh có chùa Kim Phong) theo hướng đông bắc, lèn Khe Ngang cũng theo hướng đông bắc là hướng bị cho là bất nghĩa. Lại tạm cho là có một ông vua Lê dẫn bộ binh đi chinh phạt Chiêm Thành  qua vùng núi Thần Đinh. Vậy thì đoàn quân ấy tất phải đi qua Hoành Sơn (Đèo Ngang): "Ở cách huyện Bình Chánh 42 dặm ...một dãy núi từ xa ở phía tây dăng dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất, kéo ngang ra đến biển..."(8). Lại phải vượt qua: "Núi Động Man ở cách Huyện Bố Trạch 20 dặm về phía bắc, chân núi có khe chảy về bắc vào sông Đặng Đề, núi phiá đông kề biển, đá núi dựng đứng trên bờ, tục gọi Đá Nhảy"(9). Và cứ theo cách quy kết của nhà vua nọ thì  hai dãy Hoành Sơn và Động Man nói trên không chỉ can tội bất nghĩa mà còn đến mức là phản loạn, vì cả gan chạy ra tận biển đông. Vậy chả nhẽ ông vua Lê nọ có tư thù gì với núi Thần Đinh ?

3- Ông vua Lê nào đích thân cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành ?

   Theo Việt Nam sử lược (10) Lịch sử nước ta có hai dòng nhà Lê nhưng lại chia ra ba thời kỳ trị vì. Nhà Tiền Lê (980-1009) khởi đầu là Lê Đại Hành. Nhà Lê (1428-1788) khởi đầu là Lê Lợi. Nhà Hậu Lê (hậu duệ Lê Lợi 1553-1788) được tính từ Lê Trang Tông. Tổng cộng cả hai dòng có đến 27 ông vua Lê, và gần như cả 27 đời vua ấy ít nhiều đều có đụng độ với Chiêm Thành. Nhưng duy nhất  chỉ có vua Lê Thánh Tông đích thân cầm quân chinh phạt Chiêm Thành tại kinh đô của họ. Lý do chinh phạt được nhà vua nói rất kỹ  trong tờ chiếu khá dài viết ngày canh thìn mùng 6 tháng 11 năm canh dần (1470) (11). Trong đó vua kê tội  Trà Toàn (vua Chiêm Thành): "...Xua quân tiến đánh Hoá Châu, giết quân đồn thú, ton hót với Yên Kinh rằng Đại Việt đang chuẩn bị đại binh thôn tính nhà Minh..." Cũng ngày canh thìn mùng 6 tháng 11 năm canh dần ấy, vua lệnh cho Chinh lỗ tướng quân Lân quận công Đinh Liệt, phó tướng Kỳ quận công Lê Niệm đem 10 vạn thuỷ quân đi trước. Tiếp đến, ngày canh dần 16 tháng 11 (1470) nhà vua đích thân dẫn 15 vạn thuỷ quân lên đường (12). Đoàn thuỷ quân hùng hậu ấy không ghé vào cửa Gianh, không ghé vào cửa Nhật Lệ của Quảng Bình mà chỉ dừng lại ở Thuận Hoá để tập trận và cho người đi vẽ bản đồ Chiêm Thành. Vậy thì làm sao có chuyện nhà vua  cho lực sĩ quật  đánh vào núi Thần Đinh nằm cách cửa Nhật Lệ đến 30 cây số ?  Cũng cần nói thêm rằng, Lê Thánh tông là một đấng anh quân. Sau 38 năm làm vua ông đã để lại nhiều nét son chói lọi trong lịch sử văn hoá dân tộc. Bộ luật Hồng Đức dưới thời ông là một tiến bộ vượt bậc so với nhiều triều đại khác. Là một anh hùng dân tộc, ông còn là một nhà văn hoá lớn, một thi sĩ lỗi lạc. Ông đặt ra Thiền uyển cửu ca và tự mình làm Tao đàn nguyên suý. Lòng nhân ái của vua Lê Thánh Tông trở thành giai thoại truyền đời. Trong tờ chiếu khởi binh ông kể tội Trà Toàn với lời lẽ rất đanh thép. Nhưng khi bắt sống được y, nhà vua lại  hết lòng khoan dung. Ông nói với Trà Toàn  " Trong đám gươm giáo, ta sợ ngươi bị hại, nay may mà còn sống đến đây, ta thực yên  lòng"(13). Khi thấy các quan dẫn Trà Toàn đi gấp, nhà vua bảo: "Đưa đi thong thả thôi, người ta là vua của một nước sao lại bức nhau đến như vậy"(14). Một ông vua nhân ái đến mức ấy dẫu có hành quân bằng đường bộ qua núi Thần Đinh cũng không bao giờ làm một việc thô bạo, không bình thường, là cho lực sĩ quật đánh vào núi và gọi nó là núi Bất Nghiã .

4- Lòng dân đối với núi Thần Đinh.   

   Tên gọi núi Thần Đinh có từ bao giờ cho đến nay chưa ai nói chắc được. Có thể đấy là cách đặt tên của dân gian, vì ở đấy có hai dãy lèn đá tạo thành một nét ngang và một nét dọc thành ra chữ chữ đinh. Cũng có thể do một triều vua nào đó phong tặng mà ngày nay chúng ta thiếu sử liệu để khẳng định. Nhưng dẫu cách nào thì chữ Thần cũng đủ nói lên lòng tôn kính và ngưỡng mộ của người dân  nơi có núi Thần Đinh toạ lạc. Thiên thần và nhân thần ở nước ta có nhiều, riêng núi được gọi là thần chỉ có bốn trường hợp, đó là núi Thần Đẩu ở Tam Điệp Ninh Bình, núi Thần Vũ ở chỗ giáp giới giữa Huyện Diễn Châu và huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An, núi Thần Quy ở Phước Bình Đồng Nai, nơi sông Đồng Nai chảy vào Biên Hoà. Cuối cùng là núi Thần Đinh ở xã Trường Xuân, Quảng Ninh, Quảng Bình. Và hình như tên gọi núi Bất Nghĩa cũng chỉ có trong vài bộ sử đã dẫn ở trên,  chứ dân gian  không ai biết tới hoặc có biết cũng không mấy quan tâm. "Phép vua thua lệ làng", phép vua  bảo là núi Bất Nghĩa thì lệ làng vẫn cứ gọi là núi Thần Đinh. Không chỉ thế, cách nay gần 200 năm, nhân dân quanh vùng góp công góp của xây dựng trên đỉnh núi một ngôi chùa gọi là chùa Kim Phong (dân địa phương gọi là Chùa Non). Ngày nay chùa Kim Phong chỉ còn là phế tích nhưng "Khu di tích danh thắng núi Thần Đinh" đang là một hiện  thực sắp thành tựu. Đường lên chùa Kim Phong do công ty Tư vấn  Xây dựng Trường Sơn thiết kế đang được thi công, mở đầu cho việc xây dựng toàn bộ khu di tích danh thắng. Đấy là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn di sản văn hoá và mặc nhiên góp phần hoá giải nổi oan gần  năm trăm năm nay cho núi Thần Đinh. 

                                                                                       

(1) Trang 21 sách Ô Châu cận lục NXB Thuận Hoá 2001

(2) Trang 94 sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Tập1, NXB KHXH 1997

(3) Trang 192 sách Lịch triều hiến chương loại chí tập 1 của Phan Huy Chú. NXB KHXH 1992

(4) Trang 16, sách Đại Nam nhất thống chí, tập 2 của Quốc sử quán triều Nguyễn. NXB Thuận Hoá 1992

(5) Ngày 18.8.2004 UBND tỉnh QB đã có QĐ 2514 v/v xếp hạng khu di tích danh thắng núi Thần Đinh. Ngày  24.11.2004 UBND huyện QN ra QĐ907v/v phê duyệt nhiệm vụ Khảo sát và lập quy hoạch chi tiết khu di tích danh thắng núi Thần Đinh.

(6),(7) Trang 16 và 6, sách Ô Châu cận lục, NXB Thuận Hoá 2001

(8),(9) Trang 26, và 22 sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 2,  NXB Thuận Hoá 1992

(10) Của Trần Trọng Kim NXB VHTT 1999

(11), (12) Trang 445 sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB KHXH 1998

(13),(14)Trang 450 sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB KHXH 1998

22 nhận xét:

  1. Anh Bu tham khảo và viết rất là chi tiết. Mà phải đọc đi đọc lại vài lần mới nắm hết ý của ngọn núi mà anh nói đến.

    Trả lờiXóa
  2. Đụng đến nhiều sử gia với nhiều trích dẫn nên bài viết hơi khó đọc . Bạn phải "đọc đi đọc lại vài lần" là một sự quan tâm làm bu tui rất xúc động ...đậy. Cảm ơn người láng giềng nhé

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay và chí tình quá anh Bu ơi
    Gió cũng nghĩ ...có thể lời nói về ngọn núi chỉ là một lời nói vui của Vua Lê thôi chứ không thể là một lời ban tên cho ngọn núi được . Câu nói vui có thể được binh lính truyền đi rồi các sử gia không chọn lọc để ngọn núi lại bị oan tình từ cái tên như thế ...Và có lẽ vì nó không phải là cái tên được đặt một cách danh chính ngôn thuận nên không phải ai cũng biết _ Gió mới nghe lần đầu _

    Dù sao Thần Đinh vẫn là một danh lam của QB nói riêng và của dất nước nói chung anh Bu nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  4. Chỉ có ông Lê Thánh Tông kéo Thủy quân quân đi đánh chiêm Thành để hỏi tội Trà Toàn. Làm sao có chuyện ông ấy qua nơi này được, mà qua đây để làm gì? Và nếu có một ông vua như thế thì khi qua đèo Ngang ông ấy phải kêu lên "Đại nghịch sơn" vì Hoành Sơn nhào ra tận biển đông. Bu cho là các ông đồ nho trà dư tửu hậu rồi bày đặt giởn chơi. Hai gã nho sinh ghi chép lại, ông Dương Văn An kí đại vào, thế thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Đọc Bất Nghĩa sơn chợt nhớ núi Voi Phục bên dòng suối Yến trên đường đến chùa Hương quá. Nơi ấy có 1 con voi bị phạt đít vì tội đi ngược đàn..

    Trả lờiXóa
  6. Ấy thế mà bu tui chưa đến chùa Hương, đúng là cổ hủ huhuhu.

    Trả lờiXóa
  7. Vậy thì thiếu xót quá đó bác Bu ơi!
    Mà đi thì phải đi vào những năm 2000 trở về trước, thì anh mới thấy hết vẻ đẹp thật sự của việc đi chùa Hương.

    Bắt đầu là từ Bến Đục anh ngồi vào con đò màu đỏ, nếu đi vào tháng hai AL, thì anh sẽ gặp ngay cây hoa Gạo đỏ đang nở hoa đỏ rực đứng ở bên bờ suối Yến. Rồi anh bước xuống đò, con đò sẽ đưa anh ghé ngang đền Trình trước (vì sao ghé đền Trình thì chắc anh biết rồi) vào đền thắp nhang lễ xong mới tiếp tục hành trình ngồi trên con đò bơi dọc theo con suối Yến đến chùa Hương. Đây mới là một trong những cái đặc biệt thơ mộng của việc đi chùa Hương đấy anh Bu ơi!.

    Con Suối Yến, gọi là suối, nhưng Suối Yến rộng như con sông nhỏ, nước trong veo (bến Đục mà nước trong), nhưng là dòng sông mà anh có thể nhìn tận đáy, và có thể thấy rong rêu xanh mọc lả lơi theo dòng chảy ở dưới đáy suối, anh có thể thò tay xuống vóc một cọng rong rêu... đó. Và dọc hai bên bờ suối Yến, anh có thể thấy chỗ thì hoa súng nở, chỗ thì đàn vịt đang bơi bơi... chỗ thì anh lại gặp những cây hoa đỏ cao ngất trời, hoa nở đỏ rực trời xa xa làm nổi bật những ngọn núi xanh thẳm... Ôi còn nhiều cái đẹp lắm, mà cần phải tận mắt thấy thì mới cảm nhận hết cái đẹp đó được...... Và giữa đường thì anh sẽ gặp dãy núi voi và cuối dãy núi thì anh sẽ nhìn thấy con voi bị phạt đít ấy vì tội đi ngược với đàn voi.. hihi .. dĩ nhiên là anh phải tưởng tượng rồi.. Sau đó đến bến (quên tên nữa rồi) ở dưới chân núi lên động Hương Tích thì anh ghé vào, ngày ấy có vài quán rải rác, chứ bây giờ thì anh sẽ thấy dày đặc những quán xá và.... rác.. ở ngay chân núi chùa Hương anh sẽ thấy người ta treo cả thịt cày và thịt rừng... - nên tôi chẳng thích kể chuyện bây giờ mà năm cuối tôi đi tham quan lại hình như là vào tháng 9 năm 2008 mà tôi đã được chứng kiến, chứ vào tháng 1- 2 - 3 AL thì còn khiếp nữa chắc.

    Trở lại việc đến chùa Hương ngày ấy, lên bờ, anh đi bộ qua các bậc tam cấp rộng để lên đến một ngôi chùa đứng ngay chân núi mà cổng chùa, lư nhang giữa trời .. chùa ngày ấy cũng đẹp lắm, đây là chặng đầu. Sau đó mới là hành trình hành hương lên động Hương tích anh ạ!

    Anh sẽ thấy nhiều cụ già tay chống gậy cùng các đoàn người hành hương lần theo bậc đá tam cấp lên tới động Hương tích lễ Phật xong lại quay xuống, dĩ nhiên là trên đường leo lên động HT anh sẽ gặp rất nhiều ngôi chùa, am nhỏ bên đường đi. Và anh - trên đường đi bộ - anh có thể nhìn thấy núi non trùng điệp, thấy dưới các khe núi lác đác xa xa với những cảnh trí tuyệt vời. Người ta chỉ lên đến động lễ Phật, thưởng ngoạn đá nhũ trong động Hương Tích, xong lại đi xuống, vậy mà năm nào người dân cũng cầm cây gậy leo núi đi trẩy hội..

    Nhưng bây giờ, thì đã có cáp treo, đỡ phải leo núi đi hành hương như thủa trước, mà có thể ngồi ở cái con toa tàu nhỏ đi theo cáp mà lên tới tận gần động rồi, mất đi vẻ đẹp thật sự của việc đi hành hương, nhưng mà ngồi ở trên cái toa tàu nho nhỏ ấy đỡ đổ mồ hôi, đỡ leo lên những bậc đá trơn tuột, mà được ung dung ngồi ngắm cảnh cũng tuyệt mỹ lắm..

    Rồi do dân chúng ngày càng đến nhiều, đồng nghĩa với môi sinh bị phá vỡ, rừng núi bớt hoang sơ, rác hai bên đường sẽ nhiều hơn....

    Rau Sắng và mơ ở chùa Hương là 2 món đặc sản, hình như còn rượu nữa... Tôi có cái album hình đi chùa Hương năm gần đây nhất đó. Ngày trước còn chụp hình bằng phim nhựa thì chỉ có hình mà không lưu vào máy tính nên tôi chẳng post lên làm gì.

    Mà thôi tôi chẳng kể nữa đâu, anh tự đi mà mục kích nhé.. Chúc cặp mắt của anh chị sẽ vui nhiều hơn khi đi tận mắt ngắm chuyến hành hương chùa Hương...

    PP. 14/1AL Tân Mão.- 2:36AM.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi chợt tỉnh giấc, nhìn thấy anh huhu, mà phải mất gần bao nhiêu phút nhỉ, ngồi gõ cho anh mấy giòng. Anh chị hai người mà đi, cùng ngồi trên con đò đi trên suối Yến đến chùa Hương trẩy hội thì rất lãng mạn rất Valentine và rấy hay lắm đó...
    Đáng lẽ đưa bản nhạc Em đi chùa Hương vào đây, nhưng sực nhớ đây là entry anh nói về Bất Nghĩa Sơn.. hihi thôi tôi đi ngủ lại đây, ngày mai còn hành trình BẬN RỘN ư! của tôi nữa...

    Trả lờiXóa
  9. @ Cách bạn kể về chùa Hương rất tự nhiên, "rất dễ ghét" nên có thể không cần đi nữa mà chỉ tưởng tượng ra thôi cũng đã đẹp lắm rồi. Sợ đến chùa Hương mà gặp mấy ông sát sinh với đám thịt rừng bên đền chùa thì chán lắm. Không đến Chùa Hương nhưng bu có viết một bài "sự tích bài thơ Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp" đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, để tìm lại tặng bạn đọc chơi nhé...
    @ Cuộc đời này thực ra cũng chỉ là một giấc mộng. Bạn ảo với tui rồi tui cũng ảo cả với tui nữa, huhuhu! Gõ đến đây tự nhiên bu nhớ đến mấy câu thơ Nguyễn Bính trong bài Hoa với rượu:

    Thôi mộng mà thôi mộng mất thôi
    Hoa thừa rượu ế ấy tình tôi
    Từ khi Nhi bỏ nơi làng cũ
    Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi

    (Nhi là cô gái ông ấy tưởng tượng ra, cuộc tình lâm li ấy nhà thơ cũng tưởng tượng ra nốt...)

    Trả lờiXóa
  10. Ở quanh khu vực Đền Hùng ( Phú Thọ ) cũng lưu truyền rằng có 99 quả núi quanh đó đều có hình con voi quay đầu về phương Nam, chỉ một con voi quay đầu về phương Bắc, nên con voi đó bị chặt đầu, quả núi đó có hình con voi bị chặt đầu.
    Chuyện núi Thần Đinh còn có tên là núi Bất Nghĩa, xét về tình cảm không ai muốn núi có tên ấy vì nó gây phản cảm, nhưng sách cũ đã ghi thế, dẫu chỉ là "tục truền" cũng phải có lý do của nó. Bu bác bỏ các sách ấy mà chưa có căn cứ xác đáng, nên tui thấy còn băn khoăn lắm !

    Trả lờiXóa
  11. @ Có thể do một ai đó với lí do nào đó nói quả núi ấy bất nghĩa. Nhưng không thể nói là vua Lê. Như đã trình bày Vua Lê Thánh Tông đi đường thủy chứ không đi qua đó
    @ Còn nói về việc quay lưng lại thì trên bản đồ không thấy quay gì cả. Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, đèo Phước Tượng, đèo Hải Vân còn đi ra tận biển sao không nói chúng nó bất nghĩa ?

    Trả lờiXóa
  12. Hay qua, minh oan cho một danh sơn...

    Trả lờiXóa
  13. Tui chỉ đề nghị còn lại quyền của ...lãnh đạo

    Trả lờiXóa
  14. Bài viết thật công phu bác ạ! Em đã nghe kể chuyện về con voi quay đầu ở chùa Hương (Hà Tây), con đại bàng quay đầu ở Hương tích (Hà Tĩnh).. giờ lại biết thêm về núi Bất nghĩa (Quảng Bình). Có thể dân gian đã hình dung, tưởng tượng và thêm thắt những truyền thuyết lạ về các hiện tượng thiên nhiên đặc biệt đó rồi lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mong sao các nhà lãnh đạo vào cuộc để núi Thần Đinh muôn đời vẫn là núi Thần Đinh, bác nhỉ!

    Trả lờiXóa
  15. Vừa xem một entry về Khổng, rất muốn xem bác Bu suy nghĩ gì về những bàn luận triết lý Khổng giáo của entry này.
    http://linalol.multiply.com/journal/item/774/774

    Trả lờiXóa
  16. Cũng có thể dân gian hay một tác giả vô danh nào đó dựng chuyện nhằm mục đích cảnh báo moi người về sự phản bội tập thẻ, phản bội cộng đồng.chứ không thể minh quân Lê Thánh Tông cho lực sĩ đánh vào núi ...như bu đã nói.

    Trả lờiXóa
  17. Tui đã đọc và sẽ có ý kiến.
    Bạn đã đọc tên 5 con sông có chữ đầu là Trường chưa ? Đọc "Em ở đầu sông Trường" người ta sẽ hỏi là Trường nào trong 5 con sông đó?

    Trả lờiXóa
  18. Vâng, đã đọc và hiểu ý khi nghe bác Bu nói đi tìm xem có bao nhiêu con sông với chữ đầu tên Trường. Sẽ biên dịch lại lần nữa sau khi suy nghĩ kỹ nhé!

    Trả lờiXóa
  19. Cách đặt tên này phản ánh tư duy bầy đàn của người Việt, không ưa những kẻ cá tính, sáng tạo, nổi trội... kiểu "khôn đọc, ngốc đàn" bác nhỉ?!

    Trả lờiXóa