Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới của Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, nxb Đà Nẵng 1997
Con dấu của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, có bụi trúc ở giữa
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng bổng nhiên bác BOBI “tái xuất giang hồ” và đọc khá kỹ bài TẢN MẠN TRE của bu. Bác có nhận xét khá dài, với câu cuối cùng: “BOBI tôi có vài suy nghĩ và thắc mắc như vậy mong bu tiên sinh chỉ giáo”. Bu tui tóm tắt cái“thắc mắc như vậy” của bác BOBI như sau:
I- Câu “vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng
vân xứ dã hư tâm” đối không chuẩn. Vị (未) là phó từ có nghĩa “chưa” không thể
đối với đáo (到) là động từ có nghĩa đến. Xuất (出) là động từ chỉ sự xuất hiện, không
thể đối với lăng (崚) là tính từ chỉ sự cao vút. Như vậy đây không phải là câu đối mà là 2 câu thơ vịnh tre trúc.
II- Nếu ví
tre trúc như người, thì hai câu thơ trên đã đánh giá rất thấp tính cách con người,
bên ngoài có vẻ cứng cáp nhưng thực chất lòng rổng không. BOBI Chưa hình dung
ra được tại sao “những mắt tre trúc lại là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết
lí sâu xa.” Tài liệu nào nói ông Ngô Đình Diệm treo câu đối trên ở đầu giường
ngủ.
Bu tui xin hầu chuyện bác BOBI theo từng mục
trên:
I - Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế
nào cho ý, chữ, và luật bằng trắc cân xứng với nhau . Có ba loại câu đối:
1) Câu tiểu
đối là những câu 4 chữ trở xuống
2) Câu đối phú là những câu làm theo các lối đặt
câu của thể phú
3) Câu đối thơ là những câu làm theo thể thơ ngũ
ngôn hoặc thất ngôn. Những câu này phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu
“thực” hoặc hai câu “luận” trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thơ thất ngôn. (1)
Về
hình thức đối thì có “công đối” và
“khoan đối”. “Công đối” là đối chỉnh, “khoan đối” là đối không chỉnh. Yêu cầu đối
chỉnh được đặt ra nghiêm ngặt trong thi cử và trong thù ứng, còn thông thường
thì người ta đối linh hoạt, chấp nhận cả hai (2).
Bu tui cho rằng, câu “Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã hư tâm” có hình
thức khoan đối (đối không chỉnh). Tuy các từ không đối nhau thật chỉnh, nhưng đối
ý vẫn đạt được. Vị xuất thổ thời (chưa nhú lên khỏi mặt đất) đối với đáo lăng vân xứ (vươn cao chạm đến
mây trời). Tiên hữu tiết (thoạt đầu đã có đốt) đối với dã hư tâm (vốn dĩ ruột trống không). Thưởng thức câu đối
và thơ Đường mà không chấp nhận hình thức khoan đối và một số lỗi cá biệt thì có
lẽ phải đưa bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu ra khỏi sách “Những nền văn
minh thế giới”.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Con chim hạc màu
vàng (động vật) không đối được với áng mây màu trắng (hiện tượng thiên nhiên).
Tiếp theo nên “xóa sổ” bài Đèo Ba Dội của bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Câu “Một đèo, một đèo lại một đèo”. Không theo luật “ nhị, tứ, lục,
phân minh”, đúng ra chữ đèo thứ 4 phải trắc, chữ một thứ 6 phải bằng. Cuối
cùng bỏ luôn bài thơ “Độc Tiểu Thanh Kí” của Đại thi hào Nguyễn Du do thất niêm
hai câu cuối.
Bất tri tam bách dư niên hậu (câu 7)
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (câu 8)
Đúng ra chữ “tri”
phải trắc để niêm với chữ “vận” của câu 6 ở trên, chữ “hạ” phải bằng để niêm với chữ “hồ” câu 1 (3).
Bác BOBI cho rằng : Vị xuất
thổ thời tiên hữu tiết. Đáo lăng vân xứ dã hư tâm là hai câu thơ vịnh tre trúc chứ không phải hai câu đối. Xin thưa, hai câu trên chính là hai câu đối
thơ như mục 3 đã nói. Nó thỏa mãn “nhị, tứ, lục, phân, minh”, không
“công đối” nhưng đã “khoan đối”. Nó thỏa mãn yêu cầu “thực” hoặc “luận” của thơ
thất ngôn bát cú. Nhưng đã là “thực” hoặc
“luận” thì đương nhiên nó có thể là hai trong số 8 câu của một bài thơ bát cú.
Tiếc là chưa ai tìm ra bài thơ nào có hai câu đó, chỉ biết rằng các trang mạng,
cũng như các trang giấy vẫn gọi nó là câu đối nói về cây tre.
II- Bác BOBI viết
“Nếu ví tre trúc như người thì BOBI tôi nghĩ rằng hai câu thơ trên đã đánh giá
rất thấp tính cách con người: Trông bên ngoài có vẻ đẹp đẽ cứng cáp (vì nhiều mắt,
nhiều đốt), nhưng thực chất là trong lòng rỗng không”.
Đấy là bác BOBI
nhìn cây tre với kích thước hình học và kết
cấu vật lý. Riêng bu tui cùng nhiều trang mạng, trang giấy, khác xem Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết. Đáo lăng vân
xứ dã hư tâm là một cây tre biểu tượng văn hóa nhằm ngợi ca ý chí phấn đấu
và sự tu tĩnh của con người. Khi chưa vào đời (vị xuất thổ thời) đã có tư chất
(tiên hữu tiết) khi trưởng thành (đáo lăng vân xứ) không tích cóp cho triêng
mình (dã hư tâm). Trong vanthekt.bogspot.com Sói Đồng Hoang viết “một tài
liệu có ghi đó là đôi câu đối được ông Ngô Đình Diệm khảm trai và treo ngay đầu
giường ngủ của mình”. Vanthekt. blogspot.com còn cho biết “Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, tất cả các khuôn dấu
của cơ quan chính quyền, kể cả khuôn dấu của tổng thống đều có hình bụi trúc ”(4)
Khi viết TẢN MẠN TRE, bu tui có tham khảo
mục “TRE” của sách TỪ ĐIỂN BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA THẾ GIỚI (5). Trang
946 viết : “Cũng không nên quên sức gợi của tiếng tre kẻo kẹt, một vài bậc
hiền minh coi là tiếng hiệu của sự thông tuệ”. Bác BOBI thấy không, hai thân
tre cọ vào nhau phát ra tiếng của sự thông tuệ thì “Mắt tre được cho là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu
suốt triết lí sâu xa” là hệ quả tất yếu mà thôi. “Biểu tượng văn hóa là chị em sinh đôi của lí
trí, nguồn cảm hứng cho các khám phá và cho tiến bộ. Uy tín ấy có được phần lớn
là do các hư cấu viễn tưởng có giá trị tiên báo mà khoa học dần dần đã xác minh…”
(6). Với cách nhìn biểu tượng văn hóa thì người Pigmée ở vùng Ituri Trung Phi, cho
rằng Thượng Đế Arebati có ba vật báu là
sấm, chớp và con tắc kè hoa. Con vật sáng thế này đã sáng tạo ra loài người cho
nên được sùng kính (tr 853). Dân Hy Lạp xem ruồi là con vật thiêng, có liên
quan với một số danh xưng của Zeus (7)và Apollon (8)(tr 785). Hai thông tin này
hẳn giúp bác BOBI không quá xa lạ với biểu tượng văn hóa của cây tre mà bu tui
đã đề cập tới.
******
(1) Việt Nam Văn học sử yếu của
Dương Quảng Hàm nxb Đồng Tháp 1983. Trong
thơ bát cú thì thực là câu 3 và câu 4, luận là câu 5 và câu 6.
(2) Thi Pháp thơ Đường của Nguyễn
thị Bích Hải nxb Thuận Hóa 1995. Về hai câu thơ của Thôi Hiệu bà Bích Hải nhận
xét “đối không chỉnh nhưng vẫn rất là hay”trang
182.
(3) Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của
Nguyễn Du:
Tây hồ hoa uyển tẩn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Chữ hồ thứ 2 của câu đầu vần bằng
nên bài thơ này thuộc luật bằng. Để cho đúng niêm toàn bài thì thì chữ tri câu
7 phải vần trắc để niêm với chữ vận ở câu 6, chữ hạ câu 8 phải vần bằng để niêm với chữ hồ trong câu 1
(4) Xem hình ảnh ở đầu bài
(5) Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế
giới (Huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, Dạng thể, các hình, màu sắc, con số)
của Jean Chevalier, Alain Gheerbrant nxb Đà Nẵng 1997
(6) Trích lời mở đầu của Từ điển
Biểu tượng Văn hóa thế giới.
(7) Vị thần tối cao trong tôn
giáo tiền Ấn Âu
(8) Vị thần Hy Lạp cổ đại
Thời TT Ngô Đình Diệm không phải chỉ có con dấu mới có hình bụi trúc, mà nhiều hình ảnh, vật dụng khác cũng có hình trúc. Trên đồng tiền xu mệnh giá 1 đồng, 50 xu, một mặt có hình ông Diệm mặt kia có hình bụi trúc (hình dạng bụi trúc giống như trên dấu ấn ảnh bác Bu đưa bên trên). Đặc biệt trên đồng 50 xu phát hành năm 1960 ghi 50 SU (SU chữ S), thì ở năm phát hành 1963 ghi 50 XU (XU chữ X).
Trả lờiXóaTrên mạng trong một tấm hình khác có chân dung ông Diệm, phía sau là cờ, bụi trúc, bên dưới có câu: Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM - TIẾT TRỰC TÂM HƯ. Nghĩa đen của câu TIẾT TRỰC TÂM HƯ là "đốt thẳng lòng rỗng không", chính là để chỉ Cây Trúc.
Cho nên tôi nghĩ nếu có tài liệu nói ông Diệm treo câu đối:
Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã hư tâm
(未 出 土 時 先 有 節
到 崚 雲 處 也 虚 心)
Là hoàn toàn có thể có.
Rất cảm ơn bạn PNH đã đưa những bằng chứng về cây trúc và tổng thống Ngô Đình Diệm
XóaBài viết rất chặt chẽ, đọc thát ý, Sỏi tâm phục, khẩu phục các huynh.
Trả lờiXóaBlog thế mới đã, mới đáng. Thật may mắn được làm bạn đọc của blog.
Cảm ơn bạn Hòn Sỏi đã đọc và có nhiều thiện ý với tác giả
XóaHihi ...thế hệ của tụi em không rành về chữ nghĩa , nhất là chữ Nho . Giờ qua thăm anh Bu được nghe các bậc tiền bối trao đổi với nhau về ngữ nghĩa mà em đây cảm phục vô cùng !!!!
Trả lờiXóaCám ơn những băn khoăn, thắc mắc của bác Nano Bobi.
Trả lờiXóaCũng rất cám ơn bác Bu về lời giải đáp chặt chẽ, tường minh!
Cám ơn bác Hiệp cung cấp thêm chi tiết!
Trong lần bình luận trước, tôi đã nói ý kiến của mình. Xin phép bác Bu cop bài này và bài trước về Blog nhà để nhiều người cùng được đọc.
Vẫn luôn là em, tài hèn ý mọn, chỉ biết qua thăm bác Bu và đọc mà k biết nói chi cả, Chúc bác Bu những ngày an lành, nhiều sức khỏe và cho đời những bài viết thế này.
Trả lờiXóaTất cả người đẹp Phúc Yên là một bài viết tuyệt hay rồi. VIOLET sang động viên bác bu vậy là bác cảm ơn lắm
XóaQua bài viết của bác Bu, những ý kiến, câu hỏi của bác BoBi, cùng những comments của bác Vũ Nho, của các bạn... bản thân tôi cũng biết thêm một điều về cố TT Ngô Đình Diệm (ông xuất thân từ một gia đình Nho gia), người đã đi vào lịch sử của nước VN, là ông rất thích cây trúc, biểu trưng cho người quân tử, và qua đó gián tiếp ông cũng tự ví ông như một người quân tử.
Trả lờiXóaBu tui vẫn cho cụ NGÔ ĐÌNH DIỆM xứng đáng là người quân tử
Trả lờiXóa- Cụ chống Phấp, và từ chức Thượng thư. Một ông quan đại thần nêu cao văn hóa từ chức chính là cụ Diệm (thân sinh cụ Diệm là cụ khả cũng từ chức thượng thư về Lệ Thủy làm ruộng)
- Cụ ăn sáng chỉ có cá bống kho khô với cháo gạo. Nơi cụ ngồi là bộ xô pha tuyềnh toàng, người ta bảo thay đồ mới cụ không chịu (không như TBT CS ngồi ngai vàng)
- Những giờ phút nghiêm trọng trọng đời cụ vẫn mặc bộ đồ tổng thống. Cụ bảo nếu có chết tôi phải chết trong tư cách tổng thống
- Cụ không có tài sản gì để lại sau khi chết đúng là hư tâm của cây Trúc
Rất muốn PNH chụp một đồng tiền có cây trúc như bạn nói
Bản thân tôi rất thích và phục ông Diệm, nhất là tư cách của ông. Ông xứng đáng là người quân tử, hơn hẳn rất nhiều những nhà lãnh đạo VN xưa nay.
XóaTôi không biết cách để đưa hình ảnh đồng xu thời ông Diệm lên comment, nhưng nếu bác Bu muốn có hình bổ túc cho entry, bác Bu có thể lên Google gõ tiền xu thời Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm sẽ tìm thấy trên phần hình ảnh.
Cảm ơn PNH bu tui sẽ tìm
XóaNếu muốn đưa thì PNH chụp ảnh rồi đưa lên blogspot như một bài viết viết bình thường. Riêng vụ đồng xu có cây trúc là một tứ hay rồi .
XóaSau đó bu tui coppy lại hihi
Rồi, tôi sẽ viết một entry ngắn về ý này của bác Bu, có hình đồng xu thời ông Diệm, bác chờ nhé.
XóaPhấn khởi lắm đang chờ đây
XóaĐể các ban theo dõi được dầy đủ câu chuyện CÂY TRE, bu tui xin đăng lại hai nhận xét của bác VŨ NHO sau khi đọc TẢN MẠN TRE của bu
Trả lờiXóaNhận xét 1 của bác Vũ Nho
Bài bác Bu viết rất hay và công phu.
Nhân đây xin cung cấp mấy câu ca dao về tre non và giang ( cũng họ nhà tre), mà sinh viên khoa Ngữ Văn ĐHSP Việt Bắc sư tầm. Nhà văn Vi Hồng, thầy dạy của chúng tôi đã công bố:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá, đan sàng được chăng?
Cô gái vùng rừng giang ( Đại từ, Thái Nguyên) trả lời:
Quê ta chẳng thiếu gì giang
Sao anh lại hỏi đan sàng bằng tre?
Thực tế thì người ta đan sàng ( một dụng cụ để làm gạo) bằng tre, nhưng cũng có thể bằng giang. Giang nhỏ hơn, dẻo hơn thường được dùng làm lạt. Có câu chuyện các văn nghệ sĩ đói, bàn chuyện ăn. Ông nào cũng nói về tiết canh. Các ông bèn đố nhau tiết canh đánh thế nào là ĐÔNG ( chắc) nhất. Ông thì bảo chọc đũa không thấu, ông thì cho là úp bát xuống không đổ... Cuối cùng tất cả chịu thua Nguyễn Tuân vì Nguyễn bảo tiết canh đông là có thể xâu lạt giang, quặc vào ghi đông xe đạp...
Nhận xét 2 của bác Vũ Nho
Tôi tán thành một nửa băn khoăn của bác Nano Bobi. Có lẽ 2 câu trên là hai câu của một bài thơ nằm trong vị trí đối nhau chăng. Khi đó việc đối không bắt buộc chặt chẽ như trong câu đối.
Tuy nhiên việc chê tre "đẹp mã. rỗng ruột" thì có nhẽ không phải. Cái hư tâm hay cái vô tâm kia có lẽ là chỉ việc đạt đến một trình độ tu hành hay đắc đạo nào đó. Cũng giống như hiện tượng người thường thì khi chết, ruột gan sẽ hư trước. Nhưng nhà tu hành đắc đạo khi viên tịch, thì lòng sạch không. Cứ thế người ta sơn phết lên thành TƯỢNG như trường hợp ở chùa Đậu chăng? Chờ các bác chỉ giáo!
Trong commet trước, BOBI tôi nêu một vài thắc mắc, chủ yếu là: 1. Cách hiểu của hai câu: 未 出 土 時 先 有 節 / 到 崚 雲 處 也 虚 心 (Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết / Đáo lăng vân xứ dã hư tâm). 2. Tại sao người Trung Hoa xưa lại ví trúc với người quân tử ?
Trả lờiXóaTrong cuộc hầu chuyện này, bác Bu đã giải đáp, nhưng BOBI tôi vẫn chưa thỏa mãn, nên muốn nêu lại thắc mắc một lần nữa một cách kỹ hơn, để bác Bu giải đáp tiếp nhé
1. Đã là câu đối hay thì mặc nhiên phải chỉnh về niêm luật, trong đó các từ loại phải đối nhau dẫn đến ý và lời mới đối nhau chan chát được. Hai câu « Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết / Đáo lăng vân xứ dã hư tâm » đã không đạt được điều này. Ví dụ chữ 有« hữu » và chữ 虚 « hư » không thể đối nhau vì « hữu » là động từ còn « hư » là tính từ. Về nghĩa : « hữu » là có, còn « dữ » là không thật, là giả, là hão,... (hữu chỉ đối với 無“vô » ; hư chỉ đối với 實“thực, thật » – xem Tự điển Hán Việt trích dẫn trên mạng). Vậy câu « Đáo lăng vân xứ dã hư tâm » mà dịch là « chạm đến mây trời ruột vẫn rỗng không » là không sát nghĩa. (空虛 “không hư” là rỗng không - xem Tự điển Hán Việt trích dẫn).
Với cách BB hiểu như trên, và vì bác Bu không trích dẫn nguồn nên BOBI mới nghi ngờ ông NĐD đã từng có treo hai câu thơ trên. Hình ảnh con dấu mà bác Bu copy từ mạng cũng không chứng minh được thắc mắc này.
Bác Bu lại nói đến hình thức đối thơ, phỏng đoán đây có thể là hai câu trong một bài thơ thất ngôn bát cú nào đó. Nếu đúng vậy thì chỉ có hai cặp câu 3-4 (thực) và 5-6 (luận) mới đối nhau chứ không phải “đương nhiên nó có thể là hai trong số 8 câu của một bài thơ bát cú » như bác Bu nói.
2. BOBI tôi cũng đã xem nhiều bài viết trên mạng và trên sách báo, nhưng vẫn cứ thắc mắc tại sao người Trung hoa lại ví trúc với người quân tử. ( !?), vì.
- Trúc mọc thẳng, thân hình tròn trịa, đốt cách đều, cành là xanh tươi quanh năm, nên trúc đẹp, nhưng cái đẹp đó mang dáng dấp thư sinh nhiều hơn. Khi gặp đối kháng quyết liệt thì dễ dàng bị khuất phục (chẻ rất dễ). Vậy có thể các văn nhân xưa khi trà dư tửu hậu, ngắm trăng ngâm vịnh rồi tự sướng ví mình như trúc chăng ? Mà đâu chỉ ví mỗi trúc là quân tử, người Trung hoa xưa còn nói đến tứ quân tử (mai-lan-trúc-cúc). Quân tử là người tài đức song toàn (tự điển Hoàng Phê), mà ngày xưa trúc mọc thành rừng, vậy trong một xã hội phong kiến độc tài, kẻ trung thì ít kẻ nịnh thì nhiều mà sao lắm quân tử thế, quân tử như rừng (?).
- Các cụ danh nhân ta xưa hầu như ít thấy (hoặc chưa thấy) tự ví mình là trúc. Thậm chí Nguyễn Công Trứ, người được coi là hiền tài nước Nam còn nói : « Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo ».
- Quan sát cây tre, rồi hình tượng hóa, nhân cách hóa và rút ra một số triết lý nhân văn trong cuộc sống, theo BB thì bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy là tinh tế và hay nhất
- Tự điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới (mà bác Bu đã dẫn) có đề cập đến các quan niệm khác nhau về cây tre của một số dân tộc trên thế giới, nhưng với Trung Hoa, tre chỉ được nói đến « là một trong những yếu tố chính của hội họa đời Tống », « hội họa về cây tre gần với khoa thư pháp... » và « Một văn bản đời Đường đồng nhất cây tre với con rắn » mà không hề đề cập đến trúc được ví với người quân tử như là một biểu tượng văn hóa của người Trung hoa...
3. Tóm lại, thắc mắc của BOBI đơn giản và chỉ bó hẹp trong hai câu thơ được cho là câu đối và Trúc quân tử thôi, nên cũng không cần mở rộng, diễn giải thêm các vấn đề khác, ví như công dụng của tre được đề cập trong ca dao tục ngữ, trong thơ văn và cả về thân thế sự nghiệp của ông NĐD. Năm mới chúc bác Bu có nhiều bài viết hay nhé.
Trong commen trên có chỗ viết nhầm hư thàng dữ - lỗi thằng đánh máy, hihi
Xóa1- Như đã nói có hai hình thức đối là “công đối” và “khoan đối”, người ta chấp nhận cả hai. Nhiều tên tuổi lừng danh đã dùng khoan đối riêng bác không chấp nhận là tùy bác.
Xóa2- Tại sao người Tàu và cả người Việt ví trúc là người quân tử thì hai câu đối này đã nói rồi. Đương nhiên bác BoBi cho là cây trúc không xứng đáng quân tử thì là quyền bác. Cũng như quốc sư Vũ Khiêu chọn hoa mào gà làm quốc hoa chớ không chọn hoa khác là quyền của quốc sư Vũ Khiêu
3- Dịch là phản. Từ ngôn ngữ này dịch sang ngôn ngữ khác không tuyệt đối như nhau được. Riêng hai câu này bác BOBI có cách nào dịch sát hơn thì công bố để bu tui cũng như những người khác tâm phục khẩu phục vậy.
4- Bu tui dẫn theo anh Sói Đồng Hoang về việc ông NĐD treo câu đối này trên đầu giường ngủ. (thực ra bu tui có đọc đâu đó nay chưa tìm lại được) . Riêng việc TT VNCH đưa trúc vào con dấu quốc gia, đưa trúc vào đồng tiền miền nam chứng tỏ ông ta xem trúc là quân tử. Cho nên việc ông treo câu đối tren là tin được. Riêng bác Bo Bi không tin thì cứ việc không tin…
5- Nhân thể nói thêm, bu tui đã liên lạc với giáo sư Ngô Đức Thọ - người đã 50 năm dịch chữ Hán. Bác Thọ nhắc tôi hai lần vế thứ hai “Đáo lăng vân xứ tổng vô tâm” và cho biết tác giả câu đối này là Diệp Công Siêu 葉公紹 (1904-1981), nhà ngoại giao, nhà văn , thư hoạ gia. Một giáo sư khác ở Đại Học Quy Nhơn sưu tầm ra 5 dị bản của câu đối này. Khi trả lời bu ông cho hay “Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết. Đáo lăng vân xứ tổng vô tâm” là một câu ông ta tìm ra giống y giáo sư sư Thọ
6- PGS Tiến sĩ văn học Vũ Nho (được đào tạo ở Nga, đã nghỉ hưu) chép Tản Mạn tre và Hầu chuyện bác Bo Bi về trang nhà theo bác “…Đây là bài viết hay, bổ ích cho nhiều người. Blog của VN tôi có nhiều bạn giáo viên Ngữ văn. Vì thế tôi tin các bạn ấy sẽ thú vị khi đọc bài này và có ích cho việc dạy học”. Dẫn ra chuyện này để bác BoBi thấy không ai nghỉ giống ai, mà có như thế thì cuộc đời mới phong phú và đáng sống biewets bao nhiêu.
7- Xin phép bác BoBi bu tui không bàn thêm gì về vụ này nữa vì đang bận “tán” câu “Giàu nuôi chó khó nuôi dê không nghề nuôi ngổng” trong một bài viết của bác Vũ Nho. Bác còn thắc mắc gì thêm nên chăng tìm các bậc cao thủ ở Hà Nội, ở Sài Gòn, ở nước ngoài…Chúc bác sức khỏe tươi trẻ trong mùa xuân con dê
Cháu sang thăm chú Bu. Ngồi dựa cửa ngóng các chú đàm đạo chuyện trúc tre, quân tử. Thật là được mở mang tầm mắt. Trước đây cháu đọc văn học TQ và VN thấy nhắc đến trúc là quân tử. Cháu cũng chỉ biết có thế, giờ thì hơn một chút rồi. Cảm ơn các chú nhiều.
Trả lờiXóaCác chú hay tranh luận ba chuyện đâu đâu chắc là không hợp tạng Yên Vũ rồi .
XóaBiết làm sao được. Mà có già có trẻ thế mới phong phú phải không
Hai câu "hữu tiết vô tâm" do ai đó tặng cho tổng thống Ngô Đình Diệm là cặp luận trong bài thơ "Vịnh Trúc" của Từ Đình Quân, một nhà thơ đời Tống. Nguyên văn bài ấy như sau:
Trả lờiXóa《詠竹》
不論台閣與山林 Bất luân đài các dữ sơn lâm
愛爾豈惟千畝陰 Ái nhĩ khởi duy thiên mẫu âm
未出土時先有節 Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
便淩雲去也無心 Tiện lăng vân khứ dã vô tâm
葛陂始與龍俱化 Cát pha thủy dữ long câu hóa
嶰穀聊同鳳一吟 Giải cối liêu đồng phụng nhất ngâm
月朗風清良夜永 Nguyệt lãng phong thanh lương dạ vĩnh
可憐王子獨知音 Khả lân vương tử độc tri âm
Mượn trúc để tỏ tiết tháo thì từ ta qua tàu, đời nào cũng có. Hình như Thép Mới có bài viết gì đó với cây tre được đưa vào cả sách trích giảng văn học. Chẳng hiểu các vị mượn đó để bóng gió với ý gì?
Vô cùng cảm ơn levinhhuy đã cung cấp cho tư liệu
XóaMuốn được levinhhuy cung cấp cho bài thơ dịch thì hay quá
Tre , trúc gì , mang ý nghĩa gì cũng được, hậu bối như em qua đọc bái là chính, đọc từng cái comment tranh luận là ...10. hì hì
Trả lờiXóaMà sao chú Bu xóa cái bài chúc 8/3 mất tiêu hà. hic hic
Chú định chúc chung chung chị em như nghỉ sao lại thích đến từng nhà một nên bỏ luôn
XóaBài viết hay, các còm cũng hay, nhất là tư liệu bạn levunhhuy cung cấp.
Trả lờiXóaBlogspot hợp với loại bài này Toro ạ
XóaBên phây toàn những người vội vàng, gặp nhau chỉ giơ tay chào thích rồi ai đi đường nấy nấy ..
đọc bên này yên tĩnh, tìm bài đọc lại để ngẫm , để nhớ dễ hơn bên face chú Bu hén. Bài chú Bu viết, thường phải đọc ít nhất 4 lần em mới nhớ mang máng , mới gom được chút kiến thức để dành... làm vốn. vụ nì phải cảm ơn chú bu thiệt nhiều nè. hì hì
XóaNếu tập trung cao độ hay nói như đạo Phật dọc một cách chánh niệm thì có thể không cần đến bốn lần đầu nhà thơ ơi
XóaLần đầu tiên qua nhà bác Bu đã thấy mê. Nhưng thời gian ít, hẹn hôm sau qua đọc tiếp để NT được mở rộng tầm mắt. Cảm ơn bác nhiều!
Trả lờiXóaVào nhà bạn được nghe nhạc hay, lại thú vị thấy bạn chủ trì một hội thảo do Hội VNNT Nghệ ân tổ chức. Chao ôi, Vinh, Nghệ An và bạn bè xứ Nghệ còn lưu lại trong bu tui vô vàn kí ức vui buồn...hehe lâu lâu lại trêu bà xã Nghệ ơi quê mẹ vợ của ta ơi...bà ấy đấm vào lưng tưởng bu tui chê bai xứ Nghệ
Xóa