Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

PHỎNG VẤN ĐƯỜNG TĂNG








Bu ở Myanmar
Bà bu ở tuổi 50 
Đường Tăng bị (được) người đẹp dụ dỗ

Sắp tới đây, thầy trò Đường Tăng tái hợp trong phim “Dám hỏi đường ở nơi nào” là Tây Du Ký phiên bản 3D, do hai công ty của Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất.
   Có mới nhưng không nới cũ, bu tui mời bạn đọc “Phỏng vấn Đường Tăng” của phim Tôn Ngộ Không năm 1986


- Bạch thầy Đường Tăng
- Bần tăng đây… mà thí chủ cần gặp Đường Tăng nào?
- Thầy hỏi thế … hóa ra  có nhiều  Đường Tăng  sao ?
- Chỉ có hai thôi, ông Đường Tăng thứ thiệt  kia  là sư Huyền Trang tên tục Trần Huy  có bố là Trần Huệ quê ở Hà Nam. Khi vua  Đường Thái Tông cấm dân chúng chu du Ấn Độ thì ông ấy vẫn liều thân  sang  đó 17 năm để học  Phật. Sau ngày trở về ông  viết sách Đại Đường Tây Vực kí. Đường tăng  tui  không có quê hương bản quán, được sinh ra dưới ngòi bút văn sĩ Ngô Thừa Ân ở thời nhà Minh.
-  Dạ , cụ Ngô Thừa Ân thân phụ  thầy  viết Tây du kí, một trong Tứ đại danh tác của Tàu,  con đã đọc  và có vài thắc mắc…xin được hỏi thầy.
- Thắc mắc gì thí chủ cứ hỏi
- Bạch thầy, theo sử sách, khi thầy dẫn đoàn thỉnh kinh sang Tây Thiên thì đức Phật Thích ca đã nhập Niết bàn trên một ngàn năm rồi, vậy  làm sao có chuyện Phật tổ tiếp thầy cùng đoàn tùy tùng ở đền Đại Hùng chùa Lôi Âm ạ.
- Hà… hà…Không những bần tăng gặp Phật Tổ mà còn được ngài phong cho  chức danh Chiên đàn Công đức Phật, và phong cho Tôn Hành Giả chức danh Đấu Chiến Thắng Phật.
- Dạ, con thấy lạ …
- Bần tăng ghi nhận câu hỏi và sẽ giải thích cho thí chủ vào cuối cuộc gặp này… bây giờ thí chủ nêu tiếp thắc mắc đi.
- Bạch thầy, mới đây ở nước con có ông Giáo sư - Tổng bí thư đảng cộng sản - Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh…”(1), chuyện ấy hư thực ra sao xin thầy cho con biết.
- Cụ Ngô Thừa Ân  mô tả đoàn thỉnh kinh gặp Phật tổ cùng các ngài A Nan và Ca Diếp rất chi tiết và có phần hài hước, trào lộng, nên ông Giáo sư - Tổng bí thư nọ hiểu nhầm, quy oan bần tăng và oan cho cả nhà Phật.
- Dạ, cứ theo bút tích của nhà văn thì ngài  A Nan đã hỏi thầy:  “Thánh tăng từ phương  đông tới đây chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng, mau mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho”. Tưởng ông ấy nói giỡn chơi ai dè đến khi đổi kinh không chữ lấy kinh có chữ  thì A Nan,  Ca Diếp, đòi quà ráo riết,  thầy “đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng”  đưa cho họ….
 -  Vậy thí chủ  có biết  Phật tổ  nghỉ  sao về sự kiện này không.
 -  Dạ, mất chiếc bát tộ vàng Hành Giả tiếc ngẩn ngơ bèn khiếu nại lên Phật tổ, ngài cười nóiViệc hai người (A Nan, Ca Diếp) vòi lễ các ngươi  ta biết cả rồi. Có điều kinh không thể trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được”. Bạch thầy, thế chẳng phải nhà Phật đòi hối lộ là gì ạ.
- Thí chủ và ông Giáo sư nọ nên nhớ Tây du kí là một tiểu thuyết mang đặc điểm văn hóa phương đông, được xây dựng bằng một loạt hình tượng thấm đẫm triết lí Phật giáo, Lão giáo, đầy ắp  tính  ẩn dụ triết học. Muốn hiểu được Tây du kí  phải  giải mã những mật ngữ, chứ không thể hiểu nó theo nghĩa từ điển của từng dòng chữ được.
-  Thưa thầy, tức là phải đọc Tây du kí trong và sau các hàng chữ  sao.
- Hoàn toàn đúng vậy. Chiếc bát tộ vàng của vua Đại Đường đưa bần tăng là biểu tượng cho của cải, quyền lực, danh vọng,  của một đế chế ở thế gian, nay phải lìa bỏ nó mới thọ lãnh được đạo giải thoát của đức Phật.  Lại theo truyền thống Đạo học thì “Đạo pháp bất khinh truyền”, đấy là nội dung câu Phật tổ nói với Hành Giả “Kinh không thể trao cho một cách dễ dàng”. Quan điểm biện chứng của nhà Phật là mọi vật phải được được đổi ngang giá. Các nhà sư thọ hưởng vật chất tối thiểu để viết ra kinh thì nó phải được bù lại cái bát tộ vàng là vật ngang giá. Chính hai vị A Nan và Ca Diếp đã nói thẳng với bần tăng “Tay trắng trao kinh truyền đời người sau đến chết đói mất”.
- Bạch thầy, bây giờ con đi vào một vụ việc cụ thể… hơi có tính  nhạy cảm …chỉ sợ làm thầy phật ý.
- Không sao, thí chủ cứ nói.
- Dạ, sau khi đoàn thỉnh kinh rời xứ Tây Lương Nữ Quốc thì  thầy bị bị một người đẹp hóa phép cắp về  núi  Độc Dịch động Tỳ Bà, nàng trổ hết ngón nghề  ép thầy gửi cơn mưa móc  nhưng thầy như thể gang thép một mực từ chối. Đến nỗi thân phụ thầy - nhà văn Ngô Thừa Ân - phải đặt tựa đề cho hồi thứ năm mươi lăm rằng:
 “Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng
  Đứng đắn kiên trì chẳng hoại thân”
Nhưng cũng sự việc đó ở phim Tôn Ngộ Không của nữ đạo diễn Dương Khiết,  xem ra thầy không được cứng cõi thế…Vậy có thể coi nữ đạo diễn nọ xuyên tạc hình ảnh Hòa thượng Đường Tăng không.
- Ồ!  Không, hoàn toàn không, bần tăng phải nói thật,  cụ Ngô Thừa Ân không hiểu đúng bần tăng trong tình huống ấy bằng mấy trường đoạn phim Tôn Ngộ Không  của nữ đạo diễn Dương Khiết .
- Dạ…nghĩa là…
- Nghĩa là khi bị người đẹp ở Động Tỳ Bà dụ dỗ bần tăng không gang thép như nhà văn mô tả mà đã bắt đầu mềm nhũn ra  như một người đàn ông chân chính. Phép thuật của người đẹp siêu việt đến nỗi tài nghệ như Tôn Ngộ Không đã từng làm trời sợ mà phải ôm đầu chạy về kêu đau oai oái. Không còn người bảo vệ nữa, nhan sắc ấy tự do độc chiếm bần tăng... kéo vào phòng kín… bản thân nàng thoát y một trăm phần trăm…
- Dạ, con thấy trong phim thầy có chống cự lại…
-  Chống cự yếu ớt, nhất là khi người đẹp vứt cây tích trượng,  lột tuốt áo cà sa, ôm chặt bần tăng vào lòng… nói thiệt, những Tây Thi, Vương Chiêu Quân có vẻ đẹp đến  trầm ngư, lạc nhạn, cũng không bằng người này…  May thay, vào chính lúc thiên nan vạn nan ấy Hành Giả được Mão Nhật Tinh Quân  trợ lực phá cửa xông vào cứu bần tăng khỏi bị mất nguyên dương,  gìn giữ được phẩm giá.
 - Bạch thầy, con vô cùng cảm thông với hoàn cảnh ngàn cân treo sợ tóc của thầy trước sự dụ dỗ chết người ấy. Chỉ thất vọng về vai trò lãnh đạo toàn diện và triệt để của thầy trong quá trình đi cầu đạo…
- Thí chủ thất vọng về bần tăng lắm sao
- Dạ, hẳn thầy còn nhớ hôm ở Bạch Hổ Lĩnh  thầy kiên quyết viết văn thư đuổi thẳng cánh Tôn Ngộ Không cho dù anh ta khẩn khoản xin thầy ở lại…
- Có chuyện đó, vì trong chưa đầy một canh giờ  Hành Giả lần lượt giết chết ba mạng người làm bần tăng  hãi hùng…Hành Giả đã khẩn thiết khẳng định ba người ấy là do yêu tinh Bạch cốt phu nhân biến hóa ra…Nhưng bần tăng lại đi nghe lời xúc xiểm xuyên tạc của Trư Bát Giới,  xử oan sai Hành Giả.
- Dạ,  hậu quả của việc thầy đuổi Ngộ  Không như thế nào ạ
-  Bần tăng đã sai lầm quá lớn, và sau đó phải chịu  nổi nhục nhớ đời.  Yêu tinh Hoàng Bào ở  Ba Nguyệt Động đã biến người tu hành như  bần tăng thành con hổ lông vàng,  tống  vào rọ, suýt chết đói.
- Dạ,  Thầy có cảm nghỉ gì khi được Phật tổ phong danh hiệu Chiên đàn Công đức Phật.
-  Bần tăng có tâm trạng áy náy về hai từ công đức… vì công lao chuyến đi chủ yếu của Tôn Ngộ Không, còn đức… than ôi, đôi khi bần tăng thất đức, luôn  bênh vực Trư Bát Giới tham lam trí trá,  đọc thần chú hành hạ Ngộ Không cho dù anh ta vô tội.  Bần tăng thấy mình độc tài, u mê, lú lẫn, đa nghi,  cao ngạo, nhu nhược… Lúc nhỏ bần tăng học thuộc Mạnh tử với lời dạy “Dân vi quý” nhưng khi lãnh đạo đoàn thỉnh kinh thì coi dân, đại diện   là Tôn Hành Giả như cỏ rác.
-  Dạ, xin thầy trở lại câu hỏi của con rằng Phật tổ quy tiên trên một ngàn năm mà thầy còn gặp được.
(Thầy Đường Tăng  rút chiếc đồng hồ quả quýt giắt lưng coi giờ rồi nhẹ nhàng)

- Xin phép thí chủ, đã đến giờ bần tăng phải  thuyết giảng Sám pháp nguyện  cho chư Phật tử… Bần tăng tư vấn cho thí chủ  hãy đọc kỹ mục HƯ CẤU NGHỆ THUẬT ở  trang  165 sách  Thuật ngữ văn học của học giả Lại Nguyên Ân…Có khi thí chủ  hiểu rõ hơn chính bần tăng trả lời.
-  Dạ, con ngàn lần hoan hỷ cảm ơn và xin bái biệt thầy.


***********


(1) Nguồn:  http://www.tin247.com/chong_tham_nhung_toan_dan_toan_dang_deu_phai_vao_cuoc-1-22628532.html

Những câu viết xiên trong bài là trích từ sách Tây Du kí

19 nhận xét:

  1. Nguyên tắc trao đổi ngang giá là điểm tựa bằng vàng của cơ chế thi trường đến nhà Phật còn hiểu nhưng người cộng sản lại thích "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình " chỉ bằng họng súng thôi nên mới suy diễn đơn giản vậy ,bác Bu ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái còm của bạn quá hay không cần bình luận gì thêm nữa, thú thiệt lúc viết bu tui cũng chưa nghỉ ra thế, rất cảm ơn HHP

      Xóa
  2. Bài này em đọc rồi. Nhưng nay có 3 cái ảnh ở trên, có thể hiểu như thế này: Đường tăng bị (được) người đẹp dụ dỗ nhưng nhờ sự cứng cỏi nên thoát được. Còn ông Bu xưa cũng đi lấy kinh, nhưng may mắn gặp bà Bu, được bà Bu dụ dỗ, trước sắc đẹp mê hồn của bà Bu, ông Bu mềm nhũn ra, chân không thể bước thêm bước nào nữa. "Thôi, kinh chẳng kinh thời chớ, người đẹp này mà sa vào vòng tay người khác thì ông Bu đứt ruột mà chết mất!" Hơ hơ...
    Công nhận, vào tuổi năm mươi mà bà Bu còn làm nhiều người rụng tim!

    Trả lờiXóa
  3. Nhật Thành ơi
    1- Câu chuyện về bà bu hấp dẫn lắm nhà văn như bạn chưa chắc hình dung nỗi. Có dịp vào VT chính bà ấy kể thì bạn mới tin được, còn bu có viết ra thì ai cũng bảo "ông này bịa"... huhu
    2- Cảm hứng viết phỏng vấn trên là việc ông TBT bào ông Đường Tăng đưa hối lộ. (chú thích 1)
    3- Người đàn ông chân chính là biết rụng rời chân tay trước người đẹp. Bu rất khoái ông ĐT nói ra điều đó. Còn trơ như đá vững như đồng trong mô tả của Ngô Thừa Ân thì chán lắm
    4- Vậy cái ông bu kia có làm cho cây cối rụng lá không nhà văn ơi hihi

    Trả lờiXóa
  4. Đường tăng ngốc bỏ xừ, lấy kinh cứ việc đi lấy, còn chuyện yêu quái dụ dỗ cứ... tới luôn như Bát giới có sao đâu, không thành Phật cũng sẽ thành Bồ tát :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Phật nay cũng lạ, vợ con đầm đìa lại bảo mọi người tránh xa phụ nữ

      Xóa
  5. Hihi... anh hùng không qua được ải mỹ nhân. Nên dù cho Đường Tăng có luôn miệng niệm phật thì cũng không khỏi có chút xao lòng với những người đẹp rực lửa như Tỳ Bà hay trang đài như Tây nữ vương.
    Cô Bu có gương mặt hài hòa, cân đối cháu nhìn còn thấy say huống chi là chú Bu. Trách sao chú Bu am hiểu sách nhà phật nhưng không thể xuất gia. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Linh Lan ơi
      1- Đức Phật bảo tu tại gia vãn trở thành Bồ Tát được. Chú đã bỏ ra 15 năm đọc đạo phật, đọc để biết nhưng càng đọc càng không biết thế là cay cú càng đọc thêm nữa....Sắp tới đây chú có bài trả lời một anh bạn rằng muốn đọc lời gốc phật dạy thì đọc ở đâu...Đọc ba thứ này chắc cháu ngán ngẫm lắm
      2- Cô bu hồi ở tuổi 21 được mệnh danh người đẹp tủ lạnh. Nhưng do tài cúp điện của người cao thủ nên tủ lạnh không còn lạnh nữa...Nhiều khi chú muốn viết câu chuyện này nhưng sao lười quá hihi

      Xóa
  6. Cái ông tam tạng Phật của anh Bu lại biết nhận ra khuyết điểm của mình cơ đấy, Mấy ông Phật Sống bây giờ làm gì có khuyết điểm.
    Thậm chí 17 năm ông lãnh đạo cuộc hành hương đi lấy ""Lê Nin toàn tập"" thành công, nhưng vẫn chưa phải là một đàn ông chân chính { Chỉ suýt nữa)., nhưng thôi châm chước. Ông ấy dù sao còn hiểu được thế nào mới là một đàn ông chân chính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải ôn cố tri tân Sỏi ơi. Cái ông đần độn bảo thủ xưa kia còn biết sửa sai Phật bây giờ cái chi cũng đúng cả, đúng là mạt pháp rồi

      Xóa
  7. Bài này em nhớ là em có đọc lâu rùi chú Bu ui . Dưng mà, Đường Tăng " Bulukhin " đã bị nhan sắc U50 đẹp dã man trên kia hạ đo ván rồi, không đi thỉnh kinh nữa, mà chuyển sang... viết hồi ký kể chuyện cho con cháu bạn bè nghe rồi. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chú vẫn tu ở nhà bên cạnh bà ấy cũng được lắm Có Khi Nào à mhihihi

      Xóa
  8. Xem Tây Du Ký thích nhất là đoạn ở Tây Lương Mẫu Quộc . Diễn viên đóng vai Đường Tăng đóng rất đạt , toát mồ hôi , run rẩy khi ở bên Nữ Vương . Nếu không có Tỳ Bà tinh phá đám , tôi dám cá với bác Bu là Đường Tăng sẽ bị mất đời trai . Ông Ngô thừa Ân ác thiệt , bắt một vương quốc không có đàn ông , mấy bà muốn sinh phải uống nước sông , thiệt là uổng phí bao nhiêu gái đẹp . Tôi mà viết chuyện tôi sẽ cho bốn thầy trò Đường Tăng , kể cả con ngựa ở lại sinh con đẻ cái thật nhiều rồi đi lấy kinh sau cũng không muộn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Alaykum Salam kính mến
      Bác có ý nghĩ sao mà giống tui lạ. Đương nhiên nếu mà viết sách thì có lẽ tui cũng phải viết như Ngô Thừa Ân. Có chăng để Trư tiên sinh gửi cơn mưa móc cho vài em, chớ một quốc gia mà toàn đàn bà không có đàn ông sao mà tội nghiệp quá. Cũng chính vì thế mà thầy Đường Tăng của tui thú thiệt sắp mất nguyên dương đến nơi... may được Tôn Ngộ Không cứu thoát hihi

      Xóa
  9. Anh Bu ới , về chuyện của Đường Tăng bị người đẹp ở Động Tỳ Bà dụ dỗ em nghĩ chắc hổng " hấp dẫn " bằng chuyện của đường tăng Bu bị người đẹp xứ Huế mộng mơ hốt hồn đâu nè . Thế nên em sẽ cùng với các bạn chờ xem ký sự này của anh Bu đó nhé .

    Trả lờiXóa
  10. Bu tui không phải nhà tu hành nên bị một cô gái Huế bắt cầm tù mấy chục năm nay cũng là đáng đời rồi. Câu chuyên bu tui kể ra dài lắm và cũng ly kì lắm hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi chao ! Thế thì em sẽ đợi để đọc nè anh Bu ơi !

      Xóa
    2. Huhu nói vậy thôi chớ bu tui chưa dám hứa, Nang Tuyet đọc tạm thứ khá đã nhé

      Xóa
  11. Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Ý Thức là Tất Cả ” của Peter Francis Dziuban do Ông Vũ Toàn biên dịch và gửi tặng. Đây là một quyển sách nói về Phật tánh ( Tánh Biết, Bản lai diện mục, Chơn Tâm…) do một tác giả Tây Phương viết với văn phong hiện đại. Một quyển sách chỉ trực tiếp cho hành giả thấy lại “ viên ngọc bỏ quên trong chéo áo của mình ”. Cảm nhận riêng tôi đây là một tác phẩm rất xuất sắc. Thật là một duyên lành, phước báu lớn cho người tìm đạo khi đọc quyển sách này. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại
    email tôi sẽ gửi quyển sách này và vài quyển sách Đạo hay, đến các bạn

    Trả lờiXóa