Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

DƯỚI BÓNG CÂY KƠ NIA



Bu dưới bóng cây kơ nia trên Quốc Lộ 27 năm 2001



Cứ mỗi lần nghe ca sĩ Măng thị Hội hát bài Dưới bóng cây  Kơ nia bu tui lại thẫn thờ có khi cả buổi.  Thẫn thờ vì nhớ Tây Nguyên, nhớ một chuyến công tác cách nay trên mười năm, bu cho dừng xe dưới mấy gốc cây kơ nia trên một đỉnh dốc gần đèo Chuối thuộc quốc lộ 27, mở to ca khúc Dưới bóng cây kơ nia lời thơ Ngọc Anh nhạc của Phan Huỳnh Điểu cho cả đoàn nghe. Nhạc quyện vào lời, lời quyện vào tiếng lá cây Kơ nia rì rào ngay trên đầu như thổn thức, như  nghẹn ngào, làm  cả đoàn ngồi lặng.  Bu thấy cay cay  khóe mắt nghĩ đến nhà thơ Ngọc Anh, một nghệ sĩ đã để lại cho đời bóng cây kơ nia thật tuyệt vời, nhưng trong các hồ sơ lưu trử không có tên ông ! (1)
    Ngọc Anh và Nguyên Ngọc là học sinh nhập ngũ cùng  một ngày, cùng làm lính, làm phóng viên mặt trận, rủ thêm Nhật Lai nữa lên Tây Nguyên, vì hăng hái, vì lãng mạn, vì thích phiêu lưu mạo hiểm. Ba ông lang thang khắp Tây Nguyên suốt thời kỳ đánh Pháp, làm đủ thứ việc không tên và có tên:  Đánh giặc, làm rẫy, đi vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền…cả rong chơi la cà trong các buôn Ê đê, Giarai, Mơ nông, Sê đăng, Triêng Dẻ, Cor…Trong ba người thì Ngọc Anh đẹp trai nhất, đẹp đến nỗi có lần đóng kịch hóa trang giả làm con gái, Nguyên Ngọc đứng cạnh bổng lúng túng  ngượng ngùng đến đỏ mặt như đứng cạnh một giai nhân thứ thiệt.  Thế nhưng trong ba người thì Ngọc Anh là Tây Nguyên nhất, Nguyên Ngọc tự nhận “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên. Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu” (1). Tập kết ra bắc Nhật Lai đã thành nhạc sỹ tiếng tăm, Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, còn Ngọc Anh  âm thầm về Ban Dân tộc Trung ương làm một cán bộ nghiên cứu. Có lần Nguyên Ngọc giục:  viết gì đi chứ, Ngọc Anh chỉ cười. 
  
***

     Khoảng 1956, 1957, trên các báo rải rác thấy đăng một số bài thơ Tây Nguyên, bên dưới chỉ ghi “Dân tộc Bana”, “Dân tộc Êđê”… kèm theo dòng chữ nhỏ hơn trong ngoặc đơn “Ngọc Anh dịch”.  Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay “Chính tôi mãi về sau này mới biết chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. “Bóng cây kơ nia” là bài hay nhất. Lạ lùng thay, tôi phải viết hàng mấy trăm trang hì hục để có một chút gì đó Tây Nguyên. Ngọc Anh chỉ viết:

Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc
 *
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ
 *
Rễ mày uống nước đâu?
Uống nước nguồn miền Bắc

*

Bài thơ được phổ nhạc, làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, cũng làm rung động cả những dân tộc ngoài biên giới Việt Nam khi nghe ca sỹ Măng thị Hôi đến biểu diễn.  Nhà thơ Ngọc Anh đã gieo hạt vào mỗi tâm hồn Việt Nam, mọc thành rừng cây kơ nia xanh tươi, tỏa mát cho rất nhiều thế hệ.  Ấy vậy mà  mỗi lần trình bày ca khúc Dưới  bóng cây kơ nia người ta chỉ nói vắn tắt “Sáng tác của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu”, Ngọc Anh trở thành vô danh.

***

         Năm 1964 nhà thơ Ngọc Anh hy sinh dưới chân núi Ngọc Linh huyện Đăk Glei phía bắc tỉnh Kon tum.  Hai mươi ba năm sau chị Xoa vợ nhà thơ Ngọc Anh  cùng con trai tên là Bắc vào tìm hài cốt chồng.  Cuộc tìm kiếm được sự giúp đỡ của các vị lãnh đạo Gia lai và Kon tum diễn ra ròng rã trong  sáu tháng trời.  Đến một buổi trưa, ở chân núi Ngọc Linh, trong một làng của người Cor, anh cán bộ công tác thương binh xã hội của tỉnh thắp nhang khấn vái, cầm rựa đi chặt một mắt tre làm chén, tạm rót rượu bổng vấp một hòn đá nằm sâu trong đám lá mục. Anh moi tiếp lá mục quanh hòn đá thì phát hiện ra đá được xếp theo hình chữ nhật, ra ngày ấy  những người lính chôn cất đồng đội đã cẩn thận xếp đá quanh mộ để đánh dấu…cho ngày hôm nay! Chị Xoa còn nhận ra được chiếc  răng sâu bên trái hàm trên của người chồng chị chỉ được chung sống trước sau vẻn vẹn có bốn mươi ngày…Mộ Ngọc Anh bây giờ đặt ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn Quảng Nam. Tấm bia bia nhỏ ghi dòng chữ đỏ:

Liệt sĩ Ngọc Anh
Nhà văn
 
Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định “Trong danh sách tất cả hội viên Hội nhà Văn Việt Nam trước nay kể cả những người đã mất do Ban công tác hội viên của Hội lưu trử đến nay có tất cả 592 người. Không có tên Ngọc Anh”.  (1)
    Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơ nia tuyệt vời là một nghệ  sĩ vô danh.

***********


(1) Theo Tản mạn nhớ quên của Nguyên Ngọc

22 nhận xét:

  1. Nếu vậy, hãy trả lại tên cho nhà văn, phải không bác Bu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhờ bạn tự trả lời câu hỏi này, cảm ơn trước.

      Xóa
  2. Con qua đọc bài của bác Bu. Thấy bác viết con cũng nhận ra bài "Bóng cây Kơ nia" người ta chỉ nói Phan Huỳnh Điểu chứ không hề có Ngọc Anh Ngọc Em nào hết. Cảm hứng chính của bài hát thành vô danh. Bác Bu viết bài này và còm bên nhà bác Hiệp con mới biết thêm thông tin này. Cám ơn bác nhiều vì thông tin hữu ích này.
    Nói về nhà thơ Ngọc Anh con cũng thấy có chút gì đó giông giống với nhà văn Vũ Bằng. Hoạt động cách mạng miệt mài mà chẳng được công nhận điều gì. Các tác phẩm để lại cho đời không phải là ít nhưng hình như người ta đang "cố tình" quên và lờ đi tên tuổi ông. Thế hệ sau nên tìm cách "giải oan", trả lại tên cho các cụ cũng như Trưong Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Nguyễn Cơ Thạch....nhiều quá con không kể xiết.
    Chúc bác Bu ngày cuối tuần vui vẻ. Thân ái. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Thực ra trường hợp Ngọc Anh và Vũ Bằng không hoàn toàn giống nhau.
      Ngọc Anh bạn của nhà văn Nguyên Ngọc, hai ông cùng quê Quảng Nam , cùng tuổi (1934) cùng nhập ngũ 1950, cùng lên Tây Nguyên chiến đấu chống Pháp. Sau 1954 Nguyên Ngọc ra bắc, nổi tiếng với tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”, còn Ngọc Anh âm thầm về Ban Dân tộc Trung ương làm một cán bộ nghiên cứu. Có lần Nguyên Ngọc giục: viết gì đi chứ, Ngọc Anh chỉ cười. Theo Nguyên Ngọc, Ngọc Anh làm thơ rất nhiều nhưng đều ghi phỏng dịch dân ca Ê đê, Ba na, Gia rai…vì tính ông khiêm nhường lại muốn đề cao các dân tộc Tây Nguyên chống Pháp, chống Mỹ. Khoảng 1957 - 1958 nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đọc tập Tiếng hát miền Nam gặp bài Dưới bóng cây kơ nia, chỗ tác giả ghi Ngọc Anh phỏng dịch dân ca Ê đê, về sau tam sao thất bản, hình như người ta chỉ nhớ đến nhạc sĩ mà quên mất nhà thơ. Năm 1957 Hội nhà văn Việt Nam được thành Lập, ai vào hội phải có tác phẩm được in, phải có đơn xin vào hội, phải có ít nhất hai người giới thiệu, sau đó Ban chấp hành tổ tổ chức lễ kết nạp. Ngọc Anh không có mặt trong số hội xét kết nạp, không có tên trong các kỉ yếu, cho dù ông có bài thơ rất hay.
      2- Vũ Bằng quê gốc Hải Dương lớn hơn Ngọc Anh 21 tuổi. Năm 17 tuổi ông đã có tác phẩm đầu tay Lọ Văn (tập văn trào phúng). Năm 1946 cùng gia đình đi khác chiến, cuối năm 1948, trở về Hà Nội, bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. Năm 1954, được sự phân công của tổ chức, ông vào Sài Gòn, để lại vợ và con trai ở Hà Nội. Ông qua đời 1984 ở Sài Gòn. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo. Tác phấm Vũ Bằng khá đồ sộ trong đó bu thích nhất là “Bốn mươi năm nói láo” và kiệt tác “Thương nhớ mười hai”.
      3- Các nhân vật như Trương Vĩnh Kí, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt hiện đang còn những đánh giá trái chiều nhau. Nhưng cách nay gần 10 năm nhà văn Hoàng Lại Giang đã có tiểu thuyết về các ông ấy. Giang còn có tiểu thuyết về Tô Đông Pha, riêng hồi kí của Võ Văn Kiệt (Giang chấp bút) chưa được in. Giang thông báo với bác tỉnh Vĩnh Long đang làm phim vè Phan Thanh Giản.
      Anh chàng này suýt “toi” vì cho xuất bản “Chân dung nhà văn” của nhà thơ Xuân Sách năm 1982. Hồi đó Giang là giám đốc chi nhánh NXB văn học ở Sài Gòn. Sách in rồi bỏ kho không được phát hành, nhưng dần dà Giang cho bạn bè hết nhẵn, bác đây được Giang tặng cho quyển cuối cùng… hihi
      Trường ở Sài Gòn?? Muốn tìm hiểu thời sự văn chương cố kim đông tây thì đến Hoàng lại Giang chơi, bảo là bác Toàn dưới Vũng Tàu giới thiệu. 157/31 Hưng Phú, Quận 8, Sài Gòn. Đt: 0938418990.

      Xóa
  3. Vậy bài hát Bóng cây Kơ nia là phổ từ thơ của nhà thơ Ngọc Anh chứ không phải đơn thuần là sáng tác của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu?
    Tôi nghĩ xác minh điều này cũng không đến nỗi khó quá, sao người ta không làm nhỉ? là nhà văn, nhà thơ được điều vào công tác tại tây nguyên cơ mà.
    Cũng như tên đường Hoàng Kế Viêm mà bác Bu đã nhắc đến ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiện nay khi trình bày ca khúc Dưới bóng cây kơ nia người ta đều giới thiệu Nhạc Phan Huỳnh Điểu lời thơ Ngọc Anh. Tuy nhiên tên Ngọc Anh không có trong các kỉ yếu Hội nhà văn. Bia mộ ghi Nhà văn là ghi thế thôi chứ trong danh sách của Hội không có tên của ông ấy. Vào Hội nhà văn phải có đơn xin, có tác phẩm được in, có người giới thiệu, và có lễ kết nạp như kết nạp đảng vậy. Vì rất nhiều lý do rắc rối mà ông Ngọc Anh chưa phải là hội viên...Nhưng tên tuổi ông sống mãi với Tây Nguyên, với cây Kơ nia, chỉ cần vậy là đủ.

      Xóa
  4. Mãi giờ , lão mới biết câu chuyện lời thơ là của Ngọc Anh. Và hay hơn nữa là bác Bu cung cấp cho người đọc về khoảng thời gian hoạt động của 3 " Ông Tây nguyên ' này rất hấp dẫn.
    Ngoài bài thơ này , bác có bài nào của Ngọc Anh hay nữa không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo nhà Văn Nguyên Ngọc thì Ngọc Anh sáng tác nhiều lắm , nhưng do khiêm tốn do muốn đề cao các dân tộc Tây Nguyên đánh Mỹ mà nhà thơ đều ghi là phỏng dịch dân ca Ba na, Ê đê, Gia rai...Hiên bu chưa tìm ra những bài thơ khác của Ngọc Anh, may ra chỉ có Nguyên Ngọc bạn thân của Ngọc Anh biết được...

      Xóa
    2. CT may mắm được biết bài thơ bài hát này từ nhỏ và cũng biết bài thơ này là do Ngọc Anh dịch một điệu hát Tây Nguyên (điệu Ka choi). Nhưng hoàn toàn không biết Ngọc Anh là ai và cũng không tìm hiểu :)
      Nay được đọc bài viết của bác Bu thấy thích thú vô cùng.
      Nhân đây, xin chép tặng Bloger tan2_62 một bài khác cũng ghi là Ngọc Anh dịch:
      GIỮ LẤY RỪNG
      (Theo điệu Pơlết)
      Người Tây Nguyên
      Đã giữ rừng
      Đốn cây to phải ngã
      Tát suối sâu phải cạn
      Nhổ cỏ không còn rễ dưới chân.

      Người tây Nguyên
      Đã giữ rừng
      Phải làm cho
      Hổ kêu sau núi
      Lợn trong chuồng không giật mình
      Sấu trườn dưới nước
      Người đang tắm không chạy lên bờ
      Diều hâu lượn trên trời
      Gà không sợ mất con.

      Người Tây Nguyên
      Đã giữ rừng
      Không sợ bầy chó sói
      Chẳng sợ lũ voi đàn
      Không ghê con hổ ác
      Hổ muốn phá rừng già
      Lùng rừng mắc mang cung
      lên đồi gặp tên thuốc
      Xuống nước trúng giáo mác
      Vào buôn gặp dân làng.

      Người Ka dong không theo con cú vọ
      Người M nông không theo con diều hâu
      Chúng ta theo hoa đỏ
      Chúng ta theo Cụ Hồ
      Người Tây Nguyên theo ông sao miền Bắc
      Sao miền Bắc sáng trên núi Tây Nguyên.(Dân tộc Ka dong)
      ----
      Tuy không biết gì về Ngọc Anh, ngoài cái tên đi liền với "Bóng cây Kơ-nia" nhưng chẳng hiểu sao cái tên ấy vẫn cứ tồn tại trong CT rất nét ngay từ khi thơ ấu! Và với suy nghĩ của CT thì: như thế cũng là quá đủ để thừa nhận về sự bất tử của một con người sau khi đã vắng bóng trên cõi thế!
      :):):)

      Xóa
    3. Bạn chép tặng Lão Tan_ 262 nhưng bu tui lại được đọc trước. Nếu Lao_Tan 262 không trở lại đây là lão bị thiệt thòi. Một mình bu tui được hưởng lợi. Phải cảm ơn bạn Cầu Tre nhiều nhiều

      Xóa
  5. Cám ơn anh cho em biết thêm một giai thoại văn học !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ biết thêm một cái gì đều là hay cả Hùng Phi ạ

      Xóa
  6. Đọc và buồn chú ạ. Cháu thích bài hát này, mấy chục năm nay vẫn nghĩ là nhạc và lời của Phan Huỳnh Điểu. Chắc không ít người giống cháu!
    Buồn nhất là ở đời thường có kẻ hữu danh vô thực, nhưng với nhà thơ Ngọc Anh thì ngược lại! Sự vô danh này bất công và chua xót, nhất là khi Ông ấy đã hy sinh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú bu viết bài này trong tâm trạng như cháu vậy
      Cảm ơn Chu Ngọc đã chia sẽ

      Xóa
  7. Thế mà tôi cứ tưởng tượng cây Kơ-nia thân phải to ,tán tròn và rộng ghê lắm chứ (?).Cám ơn bác Bu cho biết về nhân cách của một con người CS ngày trước đáng kính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những cây trong hình này phải hai người ôm đấy bạn HHP ơi

      Xóa
  8. thỉnh thoangr em cũng ghé blg anh đọc bài nhưng ngại... comt vì thích lặng đọc( hiiii)
    hôm nay mạo muội chia sẻ chút cảm nhận - mong có gì chủ nhà bỏ qua cho ạ.
    em là người đang sống ở TN và em cũng hay nghe bài hát này- nhưng đúng là hôm nay đọc bài viết của anh, em mới biết tác giả của những câu thơ đó là của tác giả NGọc Anh. Mọi điều muộn vẫn hơn là k có. và em nghĩ chắc tác giả ở nơi lòng đất mẹ cũng sẽ thấy vui khi "Hiện nay khi trình bày ca khúc Dưới bóng cây kơ nia người ta đều giới thiệu Nhạc Phan Huỳnh Điểu lời thơ Ngọc Anh"*

    "Theo nhà Văn Nguyên Ngọc thì Ngọc Anh sáng tác nhiều lắm , nhưng do khiêm tốn do muốn đề cao các dân tộc Tây Nguyên đánh Mỹ mà nhà thơ đều ghi là phỏng dịch dân ca Ba na, Ê đê, Gia rai.."*(* * những lời anh chia sẻ với các bạn blg) vâng.Ngọc Anh -anh một người chiến sĩ đã để lại đời những lời thơ sau này qua nhạc sĩ P. H. Đ - chúng ta được nghe một ca khúc thật hay.
    cảm ơn tác giả N.A,cảm ơn nhạc sĩ P.H.Đ, và cảm ơn tác giả viết bài đã cho mọi ng hiểu thêm về BÓNG CÂY KƠ NIA.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui rất vui được một bạn sống ở Tây Nguyên ghé thăm và có lời nhận xét bài viết, mong chúng ta có dịp đối thoại dài dài. Lâu lắm chưa trở lại Tây Nguyên, nhớ lắm ...

      Xóa
  9. Cháu cảm ơn chú Bu cho cháu biết tác giả của Bóng cây kơ nia là ai. Cũng như được biết cây kơ nia thế nào. Tác giả Ngọc Anh hẳn là một người khiêm nhường, kín đáo và cao thượng khi dán nhãn những bài viết của mình thành dân ca. Thật chả bù cho những người thích bê của người khác về làm của mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Linh Lan có ý rất hay. Bây giờ người ta không khiêm nhường như NGọc Anh mà ăn cắp văn thơ nhau, nói văn hoa là đạo văn vậy.

      Xóa
  10. Em đã rất yêu thích bài hát này. Hồi học trong trường Đại học Sư Phạm, bạn Quỳnh Liên lớp em hát bài này cực hay nên trước khi giảng bài này và sau khi giảng các thầy đều gọi bạn ấy lên hát. Em cũng biết lời bài hát là của Ngọc Anh, cũng biết Ngọc Anh thường đề vào các sáng tác của mình là phỏng dịch theo dân ca Tây Nguyên...nhưng biết tường tận về tác giả Ngọc Anh và những năm tháng ông sống ở Tây Nguyên cùng Nguyên Ngọc và Nhật Lai thì hôm nay đọc bài của bác mới rõ đó ạ. Cám ơn bác đã cung cấp những thông tin thú vị. Cám ơn bác vì cảm nhận thật sâu sắc về bài thơ và ca khúc "Dưới bóng cây kơ nia". Được quen và đọc bài của bác trên mạng quả là một niềm vui và bổ ích thật sự ạ. Mong bác viết nhiều hơn để mọi người được đọc ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất nhiều người yêu thích bài hát này nhưng không biết gốc tích nhà thơ Ngọc Anh, bu tui cũng như vậy. May mắn thay được đọc Nguyên Ngọc mới hiểu rõ sự tình. Bu có cái may nữa là đã đến Tây Nguyên, đã ngồi dưới bóng cây Kơ nia để nghe bài hát "DƯỚI BÓNG CÂY KƠ NIA" Lời thơ Ngọc Anh nhạc Phan Huỳnh Điểu. Bu tui đã thẫn thờ cả buổi chiều, bảo cả đoàn lấy lương thực dự trử ra ăn để được ngồi với cây kơ nia lâu hơn, để được tưởng nhớ đến nhà thơ tài hoa nhiều hơn..Cảm thương ông biết bao khi ra đi mới 30 tuổi và chỉ ở với vợ được 40 ngày đêm...Rất cảm ơn sự chia sẽ thân tình của bạn.

      Xóa