Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

ĐỪNG NHẦM ĐỘNG PHONG NHA NGÀY NAY VỚI ĐỘNG CHÂN LINH

 

                                                               38610006 copy 

                                                  Vách đá ở Phong Nha

 

Trong bài "Thế giới đệ nhất động" của tạp chí Xưa&Nay có viết rằng: "Ngày trước động (Phong Nha)có tên là động Chân Linh". Bulukhin cho đó là sự nhầm lẫn. Đã một lần Bu nói đến vấn đề này, mời các bạn xem bài dưới đây Bu đã cho in ở tạp chí Nhật Lệ năm 2004.

 

 

 

Sau khi Hội đồng di sản UNESCO trao cho vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng danh hiệu di sản thiên nhiên thế giời thì du khách trong nước, ngoài nước đến chiêm ngưỡng động Phong Nha tăng lên hẳn. Nhiều người trong số họ trước khi đến đây, đã tìm hiểu về hang động ở Quảng Bình qua một số thư tịch cổ như: Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (1513-?), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726-1784), Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782-1840), Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thời Tự Đức (1848-1883). Nhưng một số chú thích trong vài thư tịch ấy cho rằng động Phong Nhà ngày nay đã từng có tên là động Chân Linh, làm một số du khách yên chí hai động này là một, có người nghi ngờ về sự tồn tại của động Chân Linh. Xin đơn cử chú thích trong hai thư tịch cổ:

- Sách Ô Châu cận Lục, NXB Thuận Hoá 2001, do các ông Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc hiệu đính - dịch chú, ở trang 23 nói về động Chân Linh được hai ông chú thích: “Động Chân Linh về sau gọi là động Phong Nha”.

- Sách Phủ biên tạp lục, NXB KHXH năm 1977, do các ông Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, ông Đào Duy Anh hiệu đính. Ở trang 95 các ông chú thích: "Động Chân Linh Hiện nay gọi là động Phong Nha” (1).

          Trên tạp chí Xưa Nay gần đây đã có hai tác giả viết về động Phong Nha, Một người “bị” ảnh hưởng bởi các chú thích trên. Người còn lại nghi ngờ về sự tồn tại của động Chân Linh. Cụ thể là:

          - Ông Hồ Đắc Duy trong bài “Hành trình đến động Phong Nha” tạp chí Xưa Nay số 154 tháng 12 năm 2003 viếtChânh Linh ngày xưa hay Phong Nha hôm nay trở nên một thắng cảnh trên con đường huyền thoại này”.

- Ông Nguyễn Đình Đầu, trong bài “Động Phong Nha Kỳ quan thiên nhiên qua thư tịch cổ”, tạp chí Xưa nay số 208 tháng 3 năm 2004, viết Có lẽ vì lý do tư liệu nghiên cứu ngày lẫn lộn, nên Ô Châu cận lục đã mô tả động Chân Linh giống như động Tiên Sơn (phần khô của động Phong Nha). Còn động Chân Linh của sách Đại Nam Nhất thống chí thì nay không biết ở đâu và coi như mô tả khống. Hoặc giả hai động Chân Linh và Tiên Sư chỉ là cách gọi hay hai  hang động khác nhau”

Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên chúng tôi xin có vài ý kiến như sau:

1. Về sự xuất hiện sách Ô Châu cận lục, trong đó lần đầu tiên nói đến động Chân Linh.

Dương Văn An viết trong bài tựa sách Ô Châu cận lục đại ý: Từ 1553 đến 1555 ông về cư tang ở quê nhà (nay là Xã Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Trong thời gian đó, ông được hai nho sĩ cùng quê đưa cho đọc hai tập sách do hai ông ghi chép về hai phủ Tân Bình, Triệu Phong, với đầy đủ hình sông thế núi, tên gọi sản vật, lề thói phong tục. Ông Dương biên tập lại hai tập sách này theo phương pháp khảo thêm tín sử, tham bác lới khẩu truyền, chỗ rườm rà thì bở bớt, chỗ sơ lược thì bổ sung, gọi là Ô Châu cận lục, cũng là để tham khảo cho mình vậy”. Ở mục Động, sách Ô Châu viết: Động Chân Linh: tại nguồn Chân Linh châu Bố Chính, lưng núi liền núi biếc, mặt soi xuống sông xanh, Động có cửa vào, cửa hẹp vừa một chiếc thuyền, bên trong dần dần mở rộng. Người dạo xem phải đi thuyền. Trước hết phải thanh tâm trì giới, mới được nước lặng sóng êm, gió tan mù tản. Rồi thắp đuốc mem theo dòng chảy mà vào. Thoạt nghe gió thổi như đàn, âm vang trong động như muôn tiếng sáo. Đi vào chừng trăm dặm có khoảng trống như miệng cá, mở ra cảnh đất trời sáng sủa, mặt trời mặt trăng sáng tỏ, cỏ êm mây lặng không còn chút trần tục. Chim hót đón người, hoa chào mời khách, thật là riêng một cõi trời đất. Có tảng đá lớn bằng phẳng, có bàn cờ, con cờ. Bốn bên vách đá như đẽo gọt, xem những phiến có lấm chấm nhỏ, chỗ dáng đồng tiền, chỗ như sợi tóc, chỗ như dáng người, chỗ như ngọc đọng. Nước biếc hơn mắt nhà sư, núi xanh tươi như đầu Phật. Chim dạo in dấu chân trên nền cát, cá giỡn sóng, nước chẳng gợn tăm. Dẫu là cảnh trí nguồn Đào cũng không thể tô điểm gì thêm. Khách văn chương trong huyện nhiều người đề vịnh nơi đây, người đời sau xem chỗ đề thơ, tựa như có những vòng khuyên lỗ chỗ. Tục truyền trong động có cái hộp vàng chìm sâu đáy nước, một người thuật sĩ muốn vào lấy đi. Vừa tới cửa động, dân địa phương bảo rằng sóng gió chẳng thuận không thể vào được, người kia tự phụ cho là có thuật thần tiên, quẩy chèo mà tiến. Lát sau nghe có tiếng tù và, tiếng trống gióng lên ầm ầm, cả bọn nhìn nhau thất sắc, quay thuyền trở về. Việc linh dị đại loại như thế. Thơ cổ có câu:

Động môn vô toả thược

Tục khách bất tằng lai

(Cửa động không then khoá

Khách tục không  thể nào qua)

                                         Cũng đúng với chuyện này.

2. Vị trí và quy mô động Chân Linh như sách Ô Châu mô tả hoàn toàn khác động Phong Nha ngày nay.

Hiện nay không thể xác định được hai nho sĩ cùng quê với Dương Văn An khi mô tả động Chân Linh có đi điền giả hay không, và độ tin cậy của sự mô tả đến mức nào. Riêng với động Phong Nha chúng tôi đã có dịp ẩn nấp máy bay Mỹ năm 1966-1967 khi chúng đánh phá ác liệt bến phà Phong Nha, và đã trở lại đây nhiều lần sau ngày động mở cửa đón khách du lịch. Chúng tôi thấy động Chân Linh (qua sách Ô Châu) không thể là động Phong Nha ngày nay vì mấy lý do:

a. Động Chân Linh ở nguồn Chân Linh. Chữ “Linh” có dính dáng đến Linh Giang tức sông Gianh ngày nay. Còn Động Phong Nha nằm trên một nhánh nhỏ (dài khoảng 620m) của nguồn Son. Mà nguồn này thời nhà Hán có  tên là Lô Dung chứ chưa hề có tên khác liên quan đến chữ “Linh”.

b. Theo mô tả của Dương Văn An, cửa Động Chân Linh hẹp chỉ đủ chỗ cho một con thuyền vào, trong khi cửa động Phong Nha rộng 12-15 mét, cao 7-8mét, có thể cùng một lúc 5-6 thuyền du lịch đi lọt được. Quan sát cửa động Phong Nha thấy không có dấu tích gì chứng tỏ cửa động trước đây hẹp nay được mở rộng ra.

c. Lại theo mô tả của Dương Văn An, sau khi lọt vào cửa động Chân Linh chừng 100 dặm thì có một khoảng trống nhìn thấy được mặt trời, mặt trăng. Trong khi ở động Phong Nha, đoàn khảo sát Hoàng Gia Anh với phương tiện thiết bị cực kỳ hiện đại chỉ đi được 7,2km (khoảng 16 dặm). Trong suốt chiều dài này không hề có khoảng trống nào trên trần động có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời (1).

d. Trên các vách đá động Phong Nha chỉ có dấu tích chữ Chàm, họ tên địa chỉ một số du khách, chứ không có dấu vết  bài thơ nào cho dầu chỉ là những vòng khuyên lỗ chỗ.

e. Sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức, tập 2 trang 27 ghi: “Động Chân Linh: ở cách huyện Minh Chính 11 dặm về phía Tây. Ở trang 28 ghi “Theo Quảng Bình tỉnh chí, thì động ở một ngọn núi đá về phía tây xã Lệ Sơn thượng”. Huyện Minh Chánh ngày nay thuộc huyện Tuyên Hoá, Lệ Sơn nay là xã Văn Hoá cũng thuộc huyện Tuyên Hoá, trong khi động Phong Nha ở huyện Bố Trạch. Đi đường thuỷ từ động Phong Nha đến động Chân Linh phải xuôi sông Son, sau đó ngược sông Gianh, tổng cộng 55km.

3. Đi tìm dấu tích đến Chân Linh Tiên Nữ và động Chân Linh.

Đầu tháng 5-2004, người viết bài này cùng ông Phạm Ngọc Hiên - kỹ sư địa chât và hai người dân làng Lệ Sơn thượng là nhà giáo Lương Ngọc Đệ, lão nông Lương Xuân Tùng đi tìm đền Chân Linh tiên Nữ và động Chân Linh, dựa vào những ghi chép sau đây của sách Đại Nam nhất thống chí:

- Theo Quảng Bình tỉnh chí thì động ở một ngọn núi đá về phía tây xã Lệ Sơn Thượng (trang 28).

- Về phía tây núi, bực đá mở ra một cái hang, trong hang có đền Chân Linh Tiên Nữ, khi hạn hán cầu đảo thường được ứng nghiệm (trang 28).

- Nay hỏi người địa phương đều nói, tục truyền núi này anh linh, nhưng cửa ngõ khoá chặt đã lâu. gần đây không có du khách đến thăm nữa (trang 28).

Chúng tôi đi theo đường sắt từ ga Lệ Sơn (theo chiều Sài Gòn - Hà Nội) khoảng 180m, nhìn phía trái thấy núi đá vôi nơi đây bị lõm sâu vào. Trên lưng chừng vách lèn ở cuối vết lõm, đá nhô ra một mặt phẳng khá rộng, đủ che phủ một diện tích chừng 15m2 trên mặt đất. Trèo lên độ cao khoảng 60m (so với đường ray xe lửa) đến sát điểm cuối vết lõm thấy trên mặt đất có một nền đá xây rộng chừng 10m2, rêu cỏ, cây dại mọc đầy. Chung quanh nền, ngổn ngang vôi vửa gạch đá đã vụn nát. Ông Lương Xuân Tùng cho biết đây là đền Chân Linh Tiên nữ, dân địa phương gọi là đền Bà. Hồi còn nhỏ tuổi ông đã từng lên đây và thấy đền Bà còn nguyên tường gạch, mái ngói, trên cột đền có nhiều chữ Hán được ốp bằng mảnh sứ. Khi trời làm hạn hán, dân làng Lệ Sơn làm lễ cúng đền Bà, sau đó giết một con chó, cắt lấy đầu dìm xuống sông Gianh trước khu vực đền. Thường thường sau đó vài hôm trời đổ mưa. Người ta tin rằng, đầu chó làm bẩn nước, Bà phải cho mưa để rửa sạch.

Chúng tôi lại đi thuyền ngược sông Gianh, men theo chân lèn cách nơi đền Bà khoảng chừng 500m, thấy vách đá có kẻ hở, bề rộng (ở ngang mặt nước sông) khoảng 60cm. Thuyền không thể lọt vào được. Cụ Hoán, 85 tuổi làm nghề đánh cá ở vùng này từ bé - người chủ thuyền - bảo đó là cửa động Chân Linh. Cụ cho biết thời trai trẻ, khi nước cạn có đôi lần lặn xuống sâu để vào động nhưng thấy vách đá lởm chởm thì quay ra ngay, sợ vào sâu sẽ không trở ra được. Thế hệ cha chú ông cũng chưa ai lặn vào động được. Qua quan sát của chúng tôi thì khối đá có khe hở như đã mô tả thấp hơn hẳn so với khối lèn đá sau nó. Có thể do một biến động nào đó, khối đá có cửa động (như sách Ô Châu mô tả) bị lún sâu xuống lòng sông làm mất lối vào động. Đúng như Đại Nam Nhất thống chí viết: “cửa ngõ khoá chặt đã lâu, gần đây không có du khách đến thăm nữa”

4. Một vài nhận xét và kiến nghị

- Khi viết Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn chép lại mục động Chân Linh theo sách Ô Châu có trước đó khoảng hai trăm năm. Sau Lê Quý Đôn vài mươi năm, Phan Huy Chú cũng tham khảo sách Ô Châu để viết về động Chân Linh trong Lịch triều hiến chương loại chí. Như vậy, từ thời Dương Văn An cho đến trước khi Quốc sử quán nhà Nguyễn ra đời, các nhà viết dư địa chí của đất nước chưa hề biết đến động Phong Nha, trong khi người Chàm đã đặt tượng phật trong đó trước năm 1069 (là lúc Chế Củ dâng các châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính cho Đại Việt)??

- Khi Quốc sử quán triều Nguyễn viết Đại Nam nhất thống chí, có đề cập đến động Thầy Tiên, nay là Động Phong Nha, nhưng vẫn chép lại Động Chân Linh của sách Ô Chây (mặc dầu đã phát hiện được “cửa ngõ khoá chặt đã lâu, gần đây không có du khách đến thăm nữa”). Đây là lý do để ông Nguyễn Đình Đầu nghi hoặc trong bài viết của mình.

- Động Phong Nha là một phần của Di sản thiên nhiên thế giới. Để du khách đến đây không nghi ngờ, nhầm lẫn với động Chân Linh của quá khứ, chúng tôi mong muốn ngành bảo tồn di tích và danh thắng của Quảng Bình cùng với Hội hang động Việt Nam làm rõ hơn những gì chúng tôi đã trình bày. Cũng mong, khi tái bản lại Phủ biên tạp lục, Ô Châu cận lục, các nhà làm sách nên sửa chữa lại phần ghi chú về động Chân Linh.

.............

(1) Theo sách: PHONG NHA - KẺ BÀNG , tư liệu tổng quan

Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Bình - 2002

7 nhận xét:

  1. Hay quá! Anh Bu thật tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  2. Được Hoàng Kim và danghongky khen là sướng hung!!

    Trả lờiXóa
  3. Các em hướng dẫn du lịch phải nên theo học với bác trước khi ra làm việc....

    Trả lờiXóa
  4. Còm của CNB gợi ý cho Bu viết thêm về thuyết minh ở động Phong Nha

    Trả lờiXóa
  5. cũng vui bác ạ. Cu Lập được ngày chụp anh và ký tá tơi bời. Hic

    Trả lờiXóa