Cầu GIANH bắc qua sông LINH GIANG
Ở Quảng Bình
**********
Bóc tờ lịch ngày 27 tháng 11 năm 1999 tôi chợt nhớ ra cây cầu bắc qua sông Gianh vừa tròn một tuổi (1). Ở tuổi “thôi nôi” nó đủ sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương. Trên lưng “cậu bé” một tuổi ấy đã có ngót nửa triệu xe ô tô lăn bánh. Vòng cung ánh điện nối hai bờ cứ làm tôi liên tưởng một câu trong kinh phật: “Cây cầu là cái bản nhiên nối liền các thế giới không cho chúng ta phân tán. Khi qua cầu đêm sẽ sáng lên như ban ngày vì thế giới vô biên chỉ là ánh sáng” (2). Hành trình đến thế giới vô biên lại bắt đầu từ hữu hạn ngày 27 tháng 11 năm 1998. Hôm đó mưa gió đầy trời, nước sông Gianh lên cao chảy xiết, xe cộ ùn lại hai bờ vì phà buộc phải ngừng hoạt động. Bộ giao thông vận tải quyết định làm lễ khánh thành cầu sớm hơn dự kiến. Từ rất sớm, dân chúng đã đông nghịt hai bờ, đứng chen chúc trên 9 nhịp cầu. Bao nhiêu già trẻ gái trai là bấy nhiêu kiểu che mưa chắn gió: tơi chằm, nón lá, áo bạt, áo mưa, vài nhựa... có người liều ướt, rét run cầm cập nhưng nét mặt vẫn rạng rỡ hân hoan. Tôi lần xuống gầm cầu phía bắc tìm tấm bảng đồng khắc tên cầu nhưng không thấy. Trong bụng mừng thầm “cầu Gianh” chỉ là tên tạm để đọc diễn văn khánh thành chứ chưa phải tên chính thức. Tên chính thưc của nó hẳn là cầu Linh Giang. Trước mố cầu là một nắm hương cháy lập loè, toả khói thơm phức. Lư hương là những viên đá hộc được ghép lại. Chắc chắn lễ dâng hương này không nằm trong chương trình khánh thành cầu. Người nào đây muốn thỉnh linh hồn những ai vì đại nghĩa mà bỏ mình trên dòng sông và cáo yết thần sông rằng cây cầu đã được khai sinh? Người Việt từ xa xưa vẫn tâm niệm rằng thần sông thiêng lắm. Có chuyện kể: “Đô phủ thành hoàng thần quân” là thần sông Tô Lịch đã hoá phép phá tan nghìn cân đồng của Tiết độ sứ Cao Biền dùng yểm long mạch (3), Biền chuốc lấy hoạ là cứ xây thành Đại La lên lại đổ. Cách nay 1200 năm, nhà thơ Hésiod người Hy Lạp khuyến cáo những người qua sông rằng: “Đừng bao giờ qua những con sông với dòng chảy vĩnh hằng mà trước đó chưa đọc lời cầu nguyện, đừng mãi mê ngắm những dòng chảy tráng lệ của chúng mà trước đó chưa nhúng hai tay khỏi những điều ác vấy bẩn, chúng sẽ kéo cơn cuồng nộ của các thần linh trút xuống đầu mình, sẽ phải chịu những đòn trừng phạt khủng khiếp” (4). Vậy thì thay tên đổi họ một dòng sông đã chính danh cách nay hơn 17 thế kỷ không hiểu người ta có cầu nguyện gì không? Lạ thay, các bậc “Trị quốc bình thiên hạ” thuở xưa lưu lại hậu thế trước tác chất đầy lầu tàng thư, nhưng không thấy một dòng nào nói nguyên do đổi tên Linh Giang thành Sông Gianh. Chỉ thấy sách “Tấn thư châu quận ký” nói rằng: “Năm Thái Khang thứ 10 chia quận Tây Quyển mà lập huyện Thọ Linh, sông chảy qua Thọ Linh là Linh Giang” (5). Thái Khang thứ 10 là năm 290. Năm 1875 vua Tự Đức sai Quốc sử quán soạn sách "Đại Nam nhất thống chí", trong mục "hình thế" tỉnh Quảng Bình có ghi: " ... Phía bắc liền với Hoan Châu, núi cao thì có núi Đâu Mâu, và núi Thần Đinh, sông lớn thì có sông Linh Giang (Gianh) (6) và sông Nhật Lệ". Như vậy tính đến năm 1875 thì tên sông Linh Giang đã được dân gian gọi trong suốt 1586 năm, gần 16 thế kỷ. Mãi đến năm 1876 sử gia Đặng Xuân Bảng soạn sách “Sử học bị khảo” lại chép: “Quảng Bình có sông Gianh phát nguồn từ Thanh Lãng..” Tính cho đến năm 1998 thì tên sông Gianh mới có 123 năm. Cũng ở thời điểm 1998 tên Linh Giang đã có 1708 tuổi gấp gần 14 lần tuổi của tên sông Gianh. Người ta đã luận bàn khá nhiều về từ Gianh chưa rõ lai lịch và ngữ nghĩa này. Một giáo sư sử học danh tiếng phỏng đoán: Gianh có lẽ là Ranh trong ranh giới (Trịnh Nguyễn phân tranh) đọc theo tiếng Bắc. Nếu phỏng đoán này đúng thì có nên dùng nỗi đau chia cắt âý để đặt tên cho chiếc cầu không?. Người khác cho rằng Gianh là đọc “trại” của từ Giang (trong Linh Giang) mà ra. Chẳng hạn người ta đã đọc “trại” Minh Lễ thành Minh Lệ, Lũng Quýt thành Dung Quất, Betulông (Baietoulon) thành Bái Tử Long v.v...Nhưng hai từ Linh Giang không thể đọc "trại" thành một từ Gianh được. Linh Giang có nghĩa là sông thiêng liêng, huyền bí, còn Gianh không có trong từ điển Hán Việt, cũng không phải tiếng Việt phổ thông mà chỉ là phương ngữ (miền Bắc) chỉ cây cỏ tranh lợp nhà. Có lẽ ngoài câu thành ngữ của người miền Bắc nói về sự nghèo túng: “Nhà gianh vách đất” thì từ Gianh không thấy xuất hiện ở đâu nữa.
Đấy là ngược nguồn lịch sử để tìm tên sông, ngõ hầu góp một tiếng nói với các nhà Địa - Văn hoá khi làm sách địa chí, chứ người viết không có ý định kiến nghị đổi tên sông Gianh trở lại sông Linh Giang. Bởi tên sông Gianh dẫu sao cũng là một phần máu thịt của khúc ruột miền Trung từ 123 năm nay rồi. Nhưng cây cầu hiện đại đầu tiên qua sông Gianh có nhất thiết phải mang tên “Cầu Gianh” không? Nếu sông Gianh còn thêm nhiều cầu, chẳng nhẽ phải gọi chúng là cầu Gianh 1, cầu Gianh 2, cầu Gianh 3 như điểm danh binh sĩ trong quân ngũ. Ngày 20.9.1997 Bộ Giao thông vận tải có quyết định 2468 đổi tên Quốc lộ 29 thành Quốc lộ 12 thì Bộ và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có thêm quyết định đặt tên cầu qua sông Gianh là cầu Linh Giang cũng phải lẽ. Cho đến nay, tôi cũng như nhiều người hằng ước mong cây cầu qua sông Gianh mang chính cái tên khởi thuỷ của dòng sông cách nay 1708 năm. Ví dầu những giọt nước Linh Giang xa xưa đã trôi về miền cổ tích thì dòng sông vẫn luôn luôn là chính nó. CẦU LINH GIANG bắc qua sông Gianh là hình ảnh liên tục của quá khứ và hiện tại. Tên gọi ấy chính là âm thanh hình thành bởi tác động của những sức mạnh tạo nên nó, vì hai từ Linh Giang giàu sức gợi cảm, phù hợp với tâm linh người Việt, chuẩn xác về tu từ, làm nhớ lại cội nguồn một vùng đất miền Trung với vô vàn biến cố lịch sử. Sự phong phú về tên gọi những cây cầu trên một dòng sông và sức hàm chứa nội lực văn hoá của mỗi tên gọi ấy làm sang trọng thêm cho một vùng đất. Có lẽ vì thế chăng mà trên sông Hương của cố đô Huế có các tên cầu Tràng Tiền, Phú Xuân, Bạch Hổ, trên sông Hồng của thủ đô Hà Nội có những cầu Chương Dương, cầu Long Biên, cầu Thăng Long...
Qua sông phải dọn mình là cách nói của nhà thơ. Dâng hương cầu nguyện là thành tâm của người tin có thần sông và linh hồn tồn tại. Tôi làm nghề thợ cầu, nên mỗi lần qua sông lại vơ vẩn nghĩ về tên sông tên cầu - những “định hình” có vẻ như không còn gì để mà nghĩ ngợi nữa. Nhưng xem ra cũng chưa hẳn thế. Xưa kia hoàng đế La mã là Pontifex nay là danh hiệu của Giáo hoàng có nghĩa là người bắc cầu. Pontifex vừa là người bắc cầu vừa chính là chiếc cầu ấy (4). Vị thiền sư người Nhật ở thế kỷ 13 là Nichiren nói về đức Phật rằng: “Đối với chúng sinh ngài là chiếc cầu lớn, giúp chúng vượt qua ngả chéo 6 con đường” (4) thì ra khối vật chất bê - tông cốt thép khi đã thành cây cầu, nó nghiễm nhiên đi vào biểu tượng văn hoá nhân loại như một sự tất yếu. Vậy tìm đặt một cái tên xứng đáng cho cây cầu qua sông Gianh mới hết tuổi “thôi nôi” đã có sức mạnh Phù Đổng kia cũng đáng để chúng ta suy nghĩ lắm thay.
Thợ cầu Bulukhin
Hai tấm hình cầu Rạch Miễu bạn Còi gửi tặng Bulukhin
---------------------------------------------------------------------
(1) Bài này viết từ 27.11.1999
(2) Kinh Chadogya Upanishad
(3) Lịch sử Việt Nam tập I. NXB KHXH 1976
(4) Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới của Jean Chevarier và Alain Gheerbrant. NXB Đà Nẵng và trường viết văn Nguyễn Du 1.1976
(5) Đất nước Việt
(6) Đại
Tên cầu mà đặt bằng tên cũ dòng sông. Linh Giang, thì hay quá. Một lần nào đó, cháu đưa cu Tít đi chơi đến bờ sông Gianh, nhìn thấy cây cầu nó sẽ hỏi:
Trả lờiXóa- Sao lại tên Linh Giang ?
Cháu sẽ khề khà mà rằng:
- Theo như bố đọc trên blog bác Bu...
Hihi
Linh Giang, tên ấy thật hay, vừa thơ mộng vừa huyền bí! Lại vừa cổ kính rêu phong. Quê tôi cũng có chiếc cầu đang bắc qua sông Gianh, không lớn như cây cầu bác Bu kể, vì dịch lên phía trên, dòng sông hẹp hơn. Bài này tôi đã đọc ở blog cũ, đọc lại vẫn thú vị! :-))
Trả lờiXóaCầu bạn danghongky nói là cầu Quảng Hải, bắc qua sông Gianh cách cầu hiện nay khoảng 7 cây số về phía thượng lưu. Bờ Bắc là xã Quảng Phong (có quốc lộ 12 lên Lào), bờ nam là xã Quảng Lộc. Cầu "ghé" qua xã Quảng Hải là hòn đảo chia sông thành hai dòng chảy. Đường vào cầu cả hai phía 900m, toàn cầu dài 700m. Đi hết xã Quảng Lộc (bờ nam) đến xã Quảng Hòa, quê hương bạn danghongky rất đẹp trai, và vui tính.
Trả lờiXóaEm thích tên cầu Gianh hơn anh ạ. Cái tên này nhắc lại một vết cắt, một nỗi đau của lịch sử thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Em nhớ trước đây em có học bài thơ này ,từ hồi còn tiểu học kia " Đây sông Gianh nơi nồi da xáo thịt. . .". Em đã đi qua phà sông Gianh nhiều lần, lúc đi học ĐH ngoài Hà Nội, hồi đó tàu xe vất vả lắm, mỗi lần qua phà mất hàng giờ đồng hồ chờ đợi, mùa hè còn đỡ, mùa đông thì gió sông Gianh thổi hun hút, lạnh tái tê. Anh viết bài này hay lắm.
Trả lờiXóaSẽ có dịp nói thêm với mẹ Bầu Bí đề tài này nhé. Cảm ơn bạn đã đọc và cho ý kiến
Trả lờiXóaBài này bây giờ em mới đọc.
Trả lờiXóa"CẦU LINH GIANG bắc qua sông Gianh là hình ảnh liên tục của quá khứ và hiện tại. Tên gọi ấy chính là âm thanh hình thành bởi tác động của những sức mạnh tạo nên nó, vì hai từ Linh Giang giàu sức gợi cảm, phù hợp với tâm linh người Việt, chuẩn xác về tu từ, làm nhớ lại cội nguồn một vùng đất miền Trung với vô vàn biến cố lịch sử. Sự phong phú về tên gọi những cây cầu trên một dòng sông và sức hàm chứa nội lực văn hoá của mỗi tên gọi ấy làm sang trọng thêm cho một vùng đất. Có lẽ vì thế chăng mà trên sông Hương của cố đô Huế có các tên cầu Tràng Tiền, Phú Xuân, Bạch Hổ, trên sông Hồng của thủ đô Hà Nội có những cầu Chương Dương, cầu Long Biên, cầu Thăng Long..." Bác Bu đã viết đầy sức thuyết phục như thế, giờ có nói thêm câu nào cũng bằng thừa!
Hạnh phúc là người ta hiểu nhau, cảm ơn bạn Thủy
Trả lờiXóaCòi đọc rồi, nhưng chưa hết, sáng mai em vô còm tiếp nha, giờ em đi ngủ hén.
Trả lờiXóaCảm ơn bác Bu đã "ưu ái" dành tặng entry cho "bạn Còi", hì.
Trả lờiXóaMột người có tâm huyết và tri thức ... Viết thêm cái gì mới đi bác.
Trả lờiXóaMà kỹ thuật xây dựng MT của bác oách quá. Bái phục sư phụ. Hay con trai làm cho đấy ạ?!
Bác Bu ơi, CNB qua Multiply này được quen biêt bác thật may mắn, chỉ theo đọc thôi, chẳng dám nói gì....
Trả lờiXóaCô giáo tịnh ngôn quá, đọc xong bỏ đó ra về không nói lấy nửa câu.
Trả lờiXóaEm Còi đọc xong rồi, cũng chẳng phải em Còi quan tâm đến những nhịp cầu của quê hương gì đâu Bác. Tại đi chơi, có người chở nên ngồi sau táy máy chụp lia lịa vậy thôi. Em Còi vẫn khoái chụp những cây cầu khỉ hơn, hì.
Trả lờiXóanhatnhu2007@: Ở quê CNB cũng còn cầu khỉ, chắc hôm nào rảnh đi chụp post lên cùng chia sẻ....
Trả lờiXóaRất mong được xem nhiều nhịp cầu khỉ của hai bạn Còi và CNB
Trả lờiXóaNhớ Bác
Trả lờiXóaXuân đến ước về quê thăm bác
Trông hình mà tưởng nhớ người xa
Bâng khuâng ngắm nước Linh Giang chảy (1)
Sương khói đèo Ngang gợi nhớ nhà.
Hoàng Kim
(1) ảnh từ blog anh Bulukhin: Về với Linh Giang http://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng_Gianh
(2) Bài này đã đăng ở http://blog.360.yahoo.com.hoangkimvietnam tại đường dẫn http://blog.360.yahoo.com/blog-PkY01PA5dKccD9Dsho_NMlMcLZ4VHCMw?tag=nh%E1%BB%9Bb%C3%A1c) .