Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

"LINH GIANG" LÀ SÔNG NÀO ??

 

 

 

 

 

 

 

                                                     SÔNG GIANH

 

Đang Chưa biết  viết gì lên blog thì báo Quảng Bình có thư gửi Bu mời viết báo xuân và báo tết. Xong được một bài Bu post lên multi mời các bạn đọc chơi và nếu có có lời góp  ý chỉ bảo thì Bu tui cảm ơn lắm

 

 

Đã từ lâu, người dân Quảng Bình và những ai quan tâm đến sử ký,  địa lý nước nhà, đều nghĩ rằng sông Gianh trước đây có tên là Linh Giang.  Nhưng mới đây, tạp chí Xưa & Nay - Hội khoa học Lịch sử Việt Nam số 341 tháng 10 năm 2009  đăng bài  viết của ông Tôn Thất Thọ có tựa đề   “LINH GIANG” LÀ SÔNG NÀO?  Ông dẫn ra các tư liệu lịch sử có đề cập đến tên Linh Giang, rồi chọn lấy tư liệu nào có niên đại cổ nhất để kết luận Linh Giang là tên cũ của sông Hương Thừa Thiên Huế, chứ không phải tên cũ của sông Gianh ở Quảng Bình. Tóm tắt bài viết của ông Thọ như sau:

1- Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) được biên soạn trước năm Tự Đức 29 (1875) viết: “Sông Linh Giang (sông Gianh): ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà (ĐNNTC, T.2, sđd, tr40). Như thế thì ĐNNTC được biên soạn vào thời điểm sớm nhất cách nay cũng đã 134 năm.

2- Dư địa chí do ông Nguyễn Trãi soạn năm 1434  có đoạn viết: “Hải cập Vân, Linh Duy, Thuận Hóa. Hải, Nam Hải dã. Ải, sơn dã. Linh, thủy danh. Thuận Hóa, cổ Việt Thường bộ” (dịch: Bể cùng núi Vân, sông Linh là ở Thuận Hóa - Bể là bể Nam Hải. Vân là Ải Sơn. Linh là tên sông. Thuận Hóa xưa là bộ Việt Thường)

3- Ô Châu cận lục do Ông Dương Văn An nhuận sắc năm 1553 đã chép rất rõ ràng về tên gọi sông Linh Giang: “Sông Linh Giang . Sông do hai nguồn Kim Trà và Đan Điền chảy vào, rộng sâu vô cùng, khúc uốn quanh co rất hữu tình. Phía tây nam có đền thờ Tứ Vị và trạm dịch Địa Linh. Phía đông bắc có chùa Sùng Hóa và bia Hoằng Phúc. Các nha môn như hiến ty, huyện đường, chưởng vệ đều đặt ven hai bên sông” (ÔCCL, Sđd, tr.24). Đền chùa danh lam: Chùa Sùng Hóa. Chùa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh trước có sông Linh Giang bao bọc, sau có đầm lớn vòng quanh, phía nam có sông Hòa Tài, phía bắc có bia Sùng Phúc....đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hóa Châu (ÔCCL tr.78)

4- Phủ Biên tạp lục do ông Lê Quý Đôn soạn năm 1776 đã chép: “Sông cái Đan Điền nguồn ở rất xa, bờ nam bờ bắc sông đều có dân cư, thành lớn Thuận Hóa ở về hạ lưu. Huyện Kim Trà ở ngả

Ba sông Kim Trà ...” (PBTL, Sđd, tr.96) ... “Từ bến các xã phường Lộc Điền Lũ Đăng đi thuyền theo sông Đại Linh là phía hữu sông, Đại Linh tức sông Gianh , qua hai xã Vân Lôi, La Hà, đến ngả ba là chỗ sông Gianh và sông Son gặp nhau” (PBTL, Sđd, tr.101) 

5- Để xác định thêm một lần nữa vị trí chùa Sùng Hóa, tác giả viết: “Về vị trí chùa Sùng Hóa, sách Đại Nam nhất thống chí, T.1, quyển 2 phủ Thừa Thiên chép: “ở xã Triêm An huyện Phú Lộc. Năm nhâm dần bản triều Thái tổ thứ 45 thuyền ngự qua xã này nhận thấy phía đông bắc bờ sông cây cối xanh tươi, chim đàn lượn đỗ, lấy làm thích, bèn dừng thuyền ngắm cảnh, thấy có di tích chùa cổ, sai sữa chữa lại và cho tên hiện nay. Nay không biết chỗ nào” (ĐNNTC, T.1 Sđd, tr.183)

     Sau khi dẫn ra các tư liệu trên, ông Thọ kết luận “Qua các địa danh và vị trí địa lý đã dẫn chứng trong các tư liệu có trước khi ĐNNTC ra đời (mà cụ thể là Ô Châu cận lục), như KimTrà, Đan Điền huyện Tư Vinh ...ta thấy rằng Linh Giang là tên gọi chỉ con sông Hương ở Thừa Thiên - Huế chứ không phải là sông Gianh như các sử thần nhà Nguyễn đã chép!”

*

*   *

Người viết bài này đã đối chiếu những tư liệu mà ông Thọ trích dẫn và thấy rằng ông dẫn đúng như những gì mà sách in ra. Tuy nhiên cùng một sự việc mà tư liệu này ghi khác tư liệu kia, lại được tác giả dẫn ra cùng một lúc làm người đọc rối rắm khó hiểu, dẫn đến sức thuyết phục bài viết giảm đi. Chẳng hạn ở mục 3, sách Ô Châu cận lục khẳng định “Chùa Sùng Hóa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh trước có sông Linh Giang bao bọc, sau có đầm lớn vòng quanh”, nhưng đến mục 5 tác giả lại trích ĐNNTC bảo rằng Chùa Sùng Hóa “ở xã Triêm An huyện Phú Lộc”. Ai cũng biết sông Hương được tính từ ngả ba Bằng Lãng, nơi gặp nhau của nguồn Tả Trạch và nguồn Hữu Trạch  cho đến cửa biển Thuận An dài 33 km làm sao mà chảy qua địa phận huyên Phú Lộc được. Cũng ở mục 3, ông Dương Văn An viết trong Ô Châu cận lục: “Phía  tây nam (sông Linh Giang) có đền thờ Tứ Vị và trạm dịch Địa Linh. Phía đông bắc (sông Linh Giang) có chùa Sùng Hóa và bia Hoằng Phúc”. Như vậy, tên chùa Sùng Hóa có từ thời nhà Mạc, nhưng đến mục 5 thì tên chùa Sùng Hóa lại do “...Bản triều Thái tổ thứ 45 thuyền ngự qua xã này nhận thấy phía đông bắc bờ sông cây cối xanh tươi, chim đàn lượn đỗ, lấy làm thích, bèn dừng thuyền ngắm cảnh, thấy có di tích chùa cổ, sai sửa chữa lại và cho tên hiện nay”. Vậy thì tên chùa Sùng hóa do bản triều Thái tổ thứ 45 đặt ra hay đã có từ thời nhà Mạc. Và cứ theo ông Lê Quý Đôn (mục 5) nói rằng sông Đại Linh là sông Gianh. Chữ nôm: “sông” trước hai chữ “Đại Linh” là cách nói nửa nôm nữa Hán, vậy nếu nói thuần túy theo từ Hán Việt thì sông Đại Linh chính là Đại Linh Giang. “Đại” ở đây là tính từ chỉ sự lớn, còn Linh Giang là danh từ chỉ tên sông.  Đương nhiên lớn để so sánh với nhỏ, vậy xin dẫn ra đây vài số liệu nói về quy mô giữa sông Gianh và sông Hương.

- Chiều dài: Sông Gianh 160 km, sông Hương 30 km

- Lưu lượng trung bình: Sông Gianh 252 m3/s, sông Hương 179m3/s

- Diện tích lưu vực: Sông Gianh 4.680 km2, sông Hương 713 km2

Cũng cần nói thêm, từ Gianh không có nghĩa, nó chỉ là phương ngữ của người miền bắc chỉ cây cỏ tranh, trong thành ngữ “nhà gianh vách đất”. Tôi tin là người Quảng Bình từ xa xưa không dùng từ Gianh vô nghĩa đặt cho tên sông, mà do biến thể của một từ  nào đó chẳng hạn từ  ranh trong “ranh giới” thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hoặc từ “Giang” trong Đại Linh Giang như đã nói.  

Và cứ cho là sông Hương đã từng có tên là Linh Giang thì việc trùng tên giữa hai con sông cũng không có gì lạ. Ở Việt Nam ta  việc trùng địa danh khá nhiều: Chẳng hạn Thừa Thiên - Huế có phá Hạc Hải thì huyện Quảng Ninh của Quảng Bình cũng có đầm Hạc Hải. Quảng Bình có sông Nhật Lệ thì ở Hà Tĩnh cũng có núi Nhật Lệ ở địa phận hai xã Ngụy Dương và Đại Nại (ĐNNTC . tập 2, tr. 90,  nxb Thuận Hóa 1992). Vậy thì có hai sông Linh Giang, một lớn ở Quảng Bình và một nhỏ ở Thừa Thiên Huế cũng là chuyện thường. Người viết bài này cho rằng các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết Đại Nam nhất thống chí không thể không tham bác các sách Ô Châu cận lục,  Dư địa chí, Phủ biên tạp lục. Thậm chí họ còn tham bác cả Tấn thư Châu quận chí mà học giả Đào Duy Anh trích ra trong “Đất nước Việt Nam qua các đời” (nxb Thuận Hóa 1994). Ở trang 80 sách này viết: “Tấn thư Châu quận chí nói rằng năm Thái Khang thứ 10 chia quận Tây Quyển mà lập huyện Thọ Linh, sông Thọ Linh là sông Linh Giang”. Thái Khang thứ 10 là năm 290 đời vua 

Vũ Đế thời Tây Tấn cách nay khoảng 1719 năm. Ngày nay huyện Thọ Linh không còn nữa nhưng Thọ Linh vẫn là tên của một thôn thuộc xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Hai chữ Thọ Linh  minh chứng cho lời ghi của Tấn thư Châu quận chí như đã trích dẫn.  Vậy, Phủ biên tạp lục gọi sông Gianh là sông Đại Linh, tức là Đại Linh Giang, dân chúng nói gọn hơn: Linh Giang, hoàn toàn phù hợp với Đại Nam nhất thống chỉ của Quốc sử quán triều Nguyễn vậy.

21 nhận xét:

  1. Vâng , Gió vẫn thích nghĩ Linh Giang là sông Gianh bởi những phân tích của anh Bu
    Trong bức hình dòng sông êm ả quá ..thế mà nó cũng làm chứng nhân lịch sử của một cuộc chia cách đấy anh Bu nhỉ

    Trả lờiXóa
  2. Quả thật em đọc mà cứ ù ù như vịt nghe sấm ấy vì nhiều kiến thức quá mà cái gì mình cũng chưa biết. Sở Giao thông công chính Đồng Hới mà lại đá sang sân Sở Văn hoá Quảng Bình thế này thì hiếm có thật!

    :D

    Trả lờiXóa
  3. Em cũng giống như chị thuỷ.hihi!Chắc phải đọc lại mấy lần.

    Trả lờiXóa
  4. Em cũng dựa cột đứng nghe...!
    hehe

    Trả lờiXóa
  5. * Bạn GIó
    Người có những rung cảm thơ hết sức tinh tế như bạn mà bỏ công đọc cái bài khô như ngói này làm Bu rất vui. Vâng lịch sử đã đặt tên cho sông, 1719 năm trước nó đã là Linh Giang...

    Trả lờiXóa
  6. * nguyenthuthuy1401
    Giám đốc sở Văn hóa nơi Bu ở có tên Phi. Địa phương này có nhiều ông Phi nên gười ta gọi ông là "Phi văn hóa" để khỏi nhầm với ông Phi khác. Dăm ba năm Bu mới thấy ông ta một lần, không hiểu rồi ông có cho Bu đứng vào sân Văn hóa của ông hay không!

    Trả lờiXóa
  7. * Bạn thaomnhhue
    * Bạn Yên Sơn
    Hình như ông Tôn Thất Thọ là nhà Huế học. Phải nhận rằng ông đọc nhiều sách, chỉ tiếc là những sách ông dẫn ra lại đá nhau. Cụ thể là Ô Châu Cận Lục và Đại Nam nhất thống chí. Ô Châu bảo chùa Sùng Hóa ở huyện Tư Vinh, Đại Nam bảo ở Phú Lộc. Thế là người đọc bó tay chấm com. Nhưng sách Ô châu cách ta chưa đầy 500 năm còn Thái Khang châu quận chí cách ta 1719 năm nói sông Gianh đã từng có tên là sông Linh Giang. Tóm tắt chỉ có thế thôi. Cảm ơn hai bạn đã đến nhà Bu và "chịu khó" đọc

    Trả lờiXóa
  8. Em có ông bác họ làm bên GTCC, chuyên xây dựng cầu. Ai hỏi gọi sao cho đúng "chức danh", bác biểu kêu bằng "Ông Tám đặt cầu"...hehe
    Vậy mà ai cũng khoái bác ấy mới vui chứ...!

    Trả lờiXóa
  9. Phản biện của anh Bu có lập luận rất chặt chẽ, hợp lý.
    Vừa rồi K có vô trang Người Quảng Bình Online, thấy có nhiều bài viết của anh, ngạc nhiên là sao không thấy ghi tên tác giả.

    Trả lờiXóa
  10. Cháu đọc bài này trên Xưa & Nay, lại nhớ một bài bác Bu đã từng viết về tên Linh Giang (hồi bên Y360), đang suýt xoa giá mà bác Bu cho ý kiến. Quả nhiên có kiến giải. Thích quá

    Về chuyện trùng tên, cháu có một kinh nghiệm vừa gặp tuần trước. Quê cháu là làng chợ Dầu (xưa là Trầu-Phù Lưu)-xã Tân Hồng-huyện Tiên Sơn (tên cũ, nay đã đổi). Vừa rồi cháu đi làm một công trình ở Hà Tây cũ, đến một nơi và vô cùng ngạc nhiên khi cũng có Chợ Dầu, có xã Tân Hồng, có một nhà máy mang tên Tiên Sơn

    Trả lờiXóa
  11. anhkim01
    Đúng là Bụt chùa nhà không thiêng. Bu chưa một lần đọc Quảng Bình online nên không biết là họ viết những gì trong đó.

    Trả lờiXóa
  12. Lê Tê
    Cảm ơn bạn dã theo dõi bài viết Về sông Linh Giang của ông TTT trên Xưa Nay và phản biện của Bu.

    Trả lờiXóa
  13. Tóm lại là Sông Hương cũng có khi được gọi là Linh Giang phải không bác. Còn sông Gianh đích thị là Linh Giang của bác Bu rồi...
    Em dùng ài Lã Bất Vi của bác đăng Tạp chí rồi ạ. Cám ơn bác. Em tiền trảm hậu tấu.

    Trả lờiXóa
  14. Tôi nghĩ địa danh trùng tên nhau cũng là chuyện rất bình thường, nhất là những tên mang ý nghĩa ước lệ chứ không phải đặc trưng như Linh Giang chẳng hạn, cái nguyên nhân lớn nhất có thể là do yếu tố di cư của con người (di cư kinh tế, di cư chính trị, di cư tôn giáo, vân vân... mà ở VN rất thường xảy ra xưa nay), khi di chuyển khỏi nơi chốn cũ bất cứ vì lý do gì, con người vẫn luôn nhớ về quá khứ và thường hay lấy những địa danh quê hương xưa đặt ở quê hương mới (bên Mỹ mà còn có Tiểu Saigon và chợ... Bến Thành nữa chứ). Nguyên nhân quan trọng không kém nữa là người mình rất thích đặt tên theo "chữ", những tên chữ có ý nghĩa như Phú, Bình, Thọ, Xuân... thường thấy trong rất nhiều địa danh ở nước ta. Có lẽ tên Linh Giang cũng không nằm ngoài những quy luật ấy.
    Ấy là tôi nghĩ thế.

    Trả lờiXóa
  15. Sông Linh Giang ở Huế có ông A Di Đà hay đến tắm :)

    Trả lờiXóa
  16. nhulytacy
    Sau đó nước lũ ào về ông ấy bị trôi về Tây phương cực lạc. Tức là cực khổ do lạc đường.hihihi.

    Trả lờiXóa
  17. Cái chuyện này thì em chỉ biết ngồi hóng gió đông và nghe mọi người bàn luận thôi.

    Trả lờiXóa
  18. lanvuive
    Chịu khó ngồi nghe là tác giả cảm động lắm rồi

    Trả lờiXóa
  19. Đọc entry này, Zip cũng chỉ biết dựa cột mà nghe. Nhưng bù lại, nhặt được một nụ cười, từ câu chuyện bác Bu nói về ông "Phi văn hoá" ở comment phía trên. Ông làm văn hoá tên Phi, nên gọi là "phi văn hoá" :))

    Trả lờiXóa
  20. Comment bên nhà đưa qua:
    Về tên sông Gianh là Linh Giang thì lâu nay em chỉ nghe theo bác Bu và đã hơn một năm nay em cứ ký tên là Linh Giang để tưởng nhớ sông Gianh quê nhà. Đúng sai em không rành và cái tên Linh Giang thành quen rồi, sao bỏ được! Linh Giang lại từng là tên gọi sông Hương thì cũng không sai, nhưng sao ta không coi là ở một thời điểm lịch sử nhất định, có thể không trùng nhau, hai con sông "có quyền" cùng mang cái tên thiêng liêng ấy chứ?
    Tóm lại người sông Gianh rất muốn biết những kiến giải liên quan đến tên con sông lừng danh này, nhưng sức hèn tài mọn, đành dựa cột lắng nghe các cao nhân thôi. Đa tạ!

    Trả lờiXóa