Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

BẢN DỊCH BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC HAY NHẤT LÀ CỦA MỘT NHÀ THƠ QUẢNG BÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA TẢN ĐÀ

 
Hàn Sơn Tự là ngôi chùa cổ nằm ở phía tây của trấn Phong Kiều, Tô Châu.
Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ VI, trong niên hiệu Thiên Giám thời vua Lương Vũ Đế nhà Lương
 với tên gọi ban đầu là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp viện.

                        
 
Bài thơ Phong Kiều dạ bạc là tuyệt bút của Trương Kế làm cách nay khoảng 1250 năm,  phiên âm ra Hán Việt :

Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch xuôi:
Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời.
Khách nằm ngủ trước cảnh buồn của anh đèn
thuyền chài và hàng cây phong trên bờ sông.
Từ ngoại thành Cô Tô, chùa Hàn Sơn
Nửa đêm có tiếng chuông vọng đến thuyền khách

Chỉ với 28 chữ, bài thơ làm người đọc cảm được nỗi sầu của lữ khách giữa sông trăng hiu hắt anh đèn, với tiếng quạ kêu thảng thốt, với tiếng chuông chùa cô quạnh giữa  thinh không ... Phong Kiều dạ bạc đã được Khang Hữu Vi (1) viết lên đá và bản khắc còn lưu tại chùa Hàn Sơn ở Tô Châu cho đến  ngày nay. Các học giả Việt Nam  như Ngô Tất  Tố, Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Đản, Trần Trọng San ....đã từng dịch nhưng chưa có bản dịch nào hay bằng bản in ở trang 1311 mục “Thơ Đường đỉnh cao của văn minh nhân loại” trong sách ALMANACH (NXBVHTT 1995) mà nhóm làm sách cho là nhà thơ Tản Đà dịch. 

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Không rõ các tác giả sách ALMANACH căn cứ vào đâu mà khẳng định như thế, vì từ năm 1962, khi ấn hành “Thơ Đường tập I”, Nhà xuất bản Văn hóa - Viện Văn học đã ghi dưới bản dịch trên là “khuyết danh”. Làm như vậy là thận trọng vì thời đó người ta không có bằng chứng nào để nói bản dịch trên là của Tản Đà. Chúng ta đều biết toàn bộ văn dịch của Tản Đà có trong bộ Tản Đà vận văn gồm ba quyển, do Tản Đà Thư cục xuất bản lần thứ nhất  vào năm 1939, lần thứ hai vào năm 1940, lần thứ ba vào năm 1941.  Sau này Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản lần thứ nhất vào năm 1945, tái bản lần hai vào năm 1952. Trong lần in 1952 có đầy đủ nhất các tác phẩm của Tản Đà gồm thơ ca, từ khúc, chèo, sấm, lý, hát ả đầu, văn dịch...nhưng truyệt nhiên không có bản dịch Phong Kiều dạ bạc như đã nói trên. Thời đất nước chưa thống nhất, ở Sài Gòn có hai  quyển sách in bản dịch trên và ghi người dịch là Tản Đà. Đấy là “Thơ Đường tập 1” in năm 1957 của Trần Trọng San và “Văn chương Trích diễm” in năm 1957 của Lý Văn Hùng.  Sự nhầm lẫn của hai tác giả này dẫn đến các tập thơ Đường  in sau đó đều ghi bản dịch trên là của Tản Đà.

     Mãi đến năm 1995 khi khảo đính và chú thích bài Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (2), học giả Nguyễn Quảng Tuân cùng các cộng sự  tìm đọc tập Trong 99 chóp núi (Đinh Nhật Thận với Thu dạ lữ hoài ngâm) của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề mới hay rằng bản dịch lâu nay cho là của Tản Đà lại chính là của Nguyễn Hàm Ninh (3) một nhà thơ Quảng Bình. Số là, ở sách Trong  99 chóp núi do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1942 ông Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề cho hay: Trong quá trình làm sách ông có mượn được một số di cảo thơ văn của Đinh Nhật Thận trong tủ Sách của Nguyễn Hàm Ninh. Ông cũng may mắn tìm thêm được một số di cảo của Nguyễn Hàm Ninh là bạn thân của Đinh Nhật Thận và Cao Bá Quát, trong đó có bản dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc mà lâu nay người ta cho là của Tản Đà. Nguyên văn bài dịch Của Nguyễn Hàm Ninh được Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề chép lại như sau:

Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
Quạ kêu, trăng lặn, trời Sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San (4)

Câu đầu của bản dịch này (Quạ kêu, trăng lặn, trời Sương) có khác cầu đầu của bản dịch mà lâu nay nhiều người cho là của Tản Đà (Trăng tà chiếc quạ kêu sương )  lẽ do tam sao thất bản lâu ngày mà thành ra như vậy! 

(1) Khang Hữu Vi:  (1858- 1927) Nhà văn lớn, nhà tư tưởng tư sản, lãnh tụ phái Duy tân ở Trung Quốc cuối thế kỷ 19
2) Đinh Nhật Thận: (1818- 1868)t danh sĩ quê ở Thanh Chương Nghệ An, tác giả “Thu dạ lữ hoài ngâm”
3) Nguyễn Hàm Ninh: (1808-1867) người làng Phù Hóa sau dời về ở làng Trung Thuần xã Quảng Lưu, Quảng Trạch. Năm 1831 đỗ đầu kì thi hương, đã từng làm tri huyện Lục Ngạn, Án Sát Khánh Hòa, ông nổi tiếng hay chữ. Là bạn xướng hóa với nhà thơ danh tiếng Cao Bá Quát.
4) Người viết bài này tham khảo bài viết “Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế của Nguyễn Quảng Tuân, mới đây  lại được hầu chuyện cụ Tuân tại tư thất của ông (53 Đinh Tiên Hoàng phường ĐaKao TPHCM) được ông  cung cấp cho những tư liệu cần thiết.
     
   
Multiply:  05/12/2009

30 nhận xét:

  1. 楓橋夜泊

    月落烏啼霜滿天,
    江楓漁火對愁眠。
    姑蘇城外寒山寺,
    夜半鐘聲到客船。

    Phong Kiều dạ bạc

    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
    Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

    Nửa đêm đậu bến Phong Kiều (Người dịch: Nguyễn Hàm Ninh)

    Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
    Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
    Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Yên Sơn đã đến sớm với Bu

    Trả lờiXóa
  3. "Người viết bài này tham khảo bài viết “Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế của Nguyễn Quảng Tuân", mới đây lại được hầu chuyện cụ Tuân tại tư thất của ông (53 Đinh Tiên Hoàng phường ĐaKao TPHCM) được ông cung cấp cho những tư liệu cần thiết."
    Không biết anh Bu có được xem chính thủ bút của Nguyễn Hàm Ninh dịch bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc không?
    Nhớ ngày xưa khi mới bước chân vào VK, K chưa biết một chữ Hán bẻ đôi mà khi đọc bài thơ này sao lại thấy một cảm giác man mác...

    Trả lờiXóa
  4. Quạ réo gọi trăng bên ánh sương
    Gió lùa cây bến lửa sầu vương
    Bến Cô Tô đó thuyền ai đậu
    Chuông vọng Hàn San nữa giấc thường.
    NYS

    Yên Sơn không biết trời cao đất dày là gì...! Mạn phép dịch bài thơ trên bằng câu tứ tuyệt, coi như vẻ bùa trước cửa Lỗ ban.
    hehe...

    Trả lờiXóa
  5. anhkim01

    Bu ngồi với cụ Tuân hai buổi chiều, được cụ cho đọc nhiều tài liệu thú vi lắm song không thấy có thủ bút của Nguyễn Hàm Ninh. (Cũng như nhóm làm sách Almanach cũng không có thủ bút của Tản Đà.) Thời các cụ không có máy ảnh KTS như bây giờ và và ý thức làm tư liệu
    cũng không được chặt chẽ như con cháu ngày nay. Cả ông Quảng Tuân cả Bu đây chỉ tin vào lời thuật của ông Nguyễn Văn Đề ...
    Cái chữ Vuông ấy hay lắm, bạn học từ bây giờ cũng chưa muộn mà

    Trả lờiXóa
  6. nguyenyenson

    Bạn Yên Sơn vô cùng dũng cảm, ai tài giỏi kệ họ, Vẽ bùa trước cửa Lỗ Ban hoặc đánh trống trước cửa nhà Sấm cũng vậy, Thế mới là tự do ngôn luân chứ sao.

    Trả lờiXóa
  7. Trăng treo trên đỉnh Sài Gòn
    Không thuyền không bến đỗ, ai còn
    Người đi chen chúc, thiên nhiên vắng
    Một chút hồn son rồi cũng sờn!

    Trả lờiXóa
  8. "Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên" mà dịch là "Qụa kêu, trăng lặn, trời sương" nghe ấn tượng hơn, tạo tương phản về âm và về cảnh mạnh hơn để nổi bật thêm cái vế mềm mại sương khói ở câu sau :"Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ."

    Còm xong mới thấy mình liều, đúng là điếc không sợ súng đây mà :D

    Trả lờiXóa
  9. Cụ Nguyễn Quảng Tuân là thày dạy Việt văn thuở tôi học trung học, cụ dạy rất hay, nhất là giảng Kiều, học trò thời ấy thích văn chương cũng một phần là nhờ những người thày như thế. Bây giờ chắc không thể tìm đâu ra những người thày chỉ biết đến những gì mình truyền đạt lại cho trò, không màng đến tiền bạc và danh lợi.

    Trả lờiXóa
  10. Gió ko dám đụng đến đề tài này ..
    Nhưng thực tình Gió không tưởng tượng được anh chàng kĩ sư ngày xưa rong ruổi với bao nhiêu cây cầu dọc chiều dài tổ quốc lại hiểu văn học một cách uyên thâm như thế ...Phục anh đấy , ghé mỗi bài viết của anh luôn có thêm chút xíu mang về ... Cám ơn anh

    Trả lờiXóa
  11. quỷ cũng có dịp trò chuyện cùng bác Tuân nghe đàm luận phân tích nhiều về bài thơ này, thật thú vị lắm. Tích cả cái tích có cả bài thơ trên.

    Trả lờiXóa

  12. BẢN DỊCH BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC HAY NHẤT LÀ CỦA MỘT NHÀ THƠ QUẢNG BÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA TẢN ĐÀ

    Trả lờiXóa
  13. Bác BU giỏi quá, Phusa sang thăm bác đây, chúc bác một ngay thứ Bảy vui vẻ nhé

    Trả lờiXóa
  14. Ruchung tôi xin có vài thiển ý:

    [img] http://4.bp.blogspot.com/-mk2ofmwxIMI/UjPbN3pxIoI/AAAAAAAAA84/GiisndZoPVQ/s400/Rotation+of+Picture+189.jpg [/img]

    [img]http://blog.yimg.com/1/mrdTsFZ7s59fndt8T5XetWEWxoRVNzKKwoA4P4Xn.wO7uaOmkEkFjw--/74/l/XPiWZ8DzYxF5BDSecS.NAQ.jpg [/img]

    1. Bác Bu rất hạnh phúc là đã từng mục sở thị, từng được tựa vai vào bi văn khắc bài thơ PHONG KIỀU DẠ BẠC ngay tại chùa Hàn San, như một minh chứng là đã tiếp cận được bản gốc của bài thơ. Theo quan sát của Ruchung tôi thì ở bản khắc trên tấm bia, người ta đang dùng chữ “ngư” có bộ thủy 漁 với nghĩa là : bắt cá, chiếm đoạt cho câu 江楓漁火對愁眠.(Giang phong ngư hỏa đối sầu miên); trong khi đó, bác Bu lại dùng ở entry của mình một “nguyên tác” khác có chữ “ngư” không bộ thủy 魚 với nghĩa là : con cá 江楓魚火對愁眠,đó là điều Ruchung tôi chưa hiểu!
    2. Trong quá trình tra cứu, Ruchung tôi mới chỉ gặp được chữ “ngư” bộ thủy phối hợp với chữ “hỏa” thành tổ hợp từ “ngư hỏa” 漁火 cho các nghĩa : lửa thuyền chài, đèn của những người đi bắt cá mà thôi (Từ điển Hán Việt - Nguyễn Tôn Nhan- Nxb từ điển Bách khoa- 2003- tr.475), còn sự phối hợp 魚火 thì chưa thấy. Nếu sự phối hợp này (魚火)là có và có nghĩa, trộm nghĩ phải dịch là: con cá phát quang (trong bóng tối dưới biển sâu để săn mồi), chứ không thể là lửa thuyền chài, đèn của những người đi bắt cá
    3. Bản dùng trong entry hẳn không phải do bác Bu nghĩ ra mà chắc chắn là từ một “nguyên tác” nào đó được chuyển tải trên bản in giấy hoặc bản mềm được công bố từ quê hương của nó. Mới hay, ở Trung quốc, với bài thơ này đã và đang có sự tam sao thất bản! Đó mới chỉ là NGỮ, còn vấn đề NGHĨA, làm sao để hiểu thấu đáo ý và tình vọng lại (đáo đương đại – hehe!) từ hơn 1000 năm trước của Trương Kế thì ngay ở quý quốc hiện nay cũng đang bàn thảo thật mông lung!
    4. Trung quốc, một đất nước văn hiến, văn minh lâu đời, có chữ viết, có ý thức, có kỹ năng lưu trữ từ rất sớm và về sau phát triển với tốc độ phi mã, hẳn công tác chỉnh lý văn bản cổ với các công đoạn khoa học: biện ngụy, hiệu chính, huấn hỗ, cú đậu… để tìm ra một bản tốt (thiện bản) trước khi công bố, nhất là với các kiệt tác là điều không thể sao nhãng. Ấy vậy mà họ còn gặp khó khăn đối với “Phong kiều…”, thì ở xứ ta, ai đưa ra bản dịch, bài nghiên cứu nào về bài thơ này cũng vấp phải sự trao đổi, thì đó là sự liên tu bất tận vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Trước hết cảm ơn bạn Ruchung đã phát hiện sai sót của bu. Số là bu chép lại y chang một trang nào đó mà quên kiểm tra lại. Bu đã kịp thời sửa chữa.
      Cái chữ ngư ấy cũng đa đoan lắm, cá ở dưới nước nhưng lại là bộ hỏa. Chữ ngư bộ hỏa ấy thêm vào bộ thủy lại chỉ người câu cá.
      2- Ý kiến của bạn về chữ nghĩa hay lắm.

      Xóa
  15. Cám ơn sự bàn luận rất thấu đáo của bác Chung RU!
    Trong bài viết trước của bác Bu, nếu tôi không nhầm thì chính bác Chung RU đã nghi ngờ bản dịch PHONG KIỀU DẠ BẠC không phải của Tản Đà. Lúc đó, tôi chỉ tra trong sách của nxb Hương Sơn 1952 và thấy không có chuyện Tản Đà dịch. Tôi chỉ dám nghi vấn: hoặc là người làm sách bỏ sót, hoặc có thể Tản Đà không dịch? Nay bác Bu tra rõ ngọn nguồn, rất cám ơn bác Bu về sự công phu và chúng ta đánh dấu chấm hết cho một sự NHẦM lẫn.
    Bác Chung RU phát hiện trong bản chữ Hán của bác BU chữ ngư không kèm bộ chấm thủy, khác với bản được khắc bia. Tôi cho rằng nếu hiểu "ngư hỏa" là lửa của ông ngư (đánh cá) thì dứt khoát phải là chữ NGƯ như trong bản khắc bia. Bác Chung RU có nêu khả năng con cá "phát sáng" tôi nghĩ đó là đùa cho vui. Con cá phát sáng ở dưới nước thì sao mà người trên thuyền ở xa thấy được?
    Tôi có anh bạn thạo tiếng Trung nói rằng ngay ở TQ, người ta cũng tranh luận về thời gian trong bài thơ. Trăng đã lặn, sương đầy trời, quạ kêu là dấu hiệu trời sắp sáng. Thế mà câu cuối thì lại nói nửa đêm. Như vậy là mâu thuẫn về thời gian. Có người lại cho rằng trăng lặn sớm, quạ kêu, sương đầy trời không nhất thiết là trời sắp sáng. Họ cãi nhau như vậy đấy. Nhưng cãi thì cứ cãi, bài thơ cứ được khắc bia, truyền tụng.
    Góp với các bác thế để mong nhận được kiến giải xác đáng của các bậc cao minh!

    Trả lờiXóa
  16. Sau khi nhận xét, tôi tìm xem lại bài bác Bu góp ý với ông Lê Nguyễn Lưu thì thấy chữ NGƯ có chấm thủy. Ngay bản com của bạn bác Bu ( bác Yen Son Nguyen) cũng viết có chấm thủy.
    楓橋夜泊

    月落烏啼霜滿天,
    江楓漁火對愁眠。
    姑蘇城外寒山寺,
    夜半鐘聲到客船。
    Không rõ bác Chung RU nêu ý kiến từ đâu? Hoặc sau khi bác Chung RU nêu, bác Bu có sửa lại? Tôi băn khoăn nên ghi thêm mấy dòng này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho ơi

      Do bu tui đang viêt bài trả lời vụ chứ Việt của ông PNH nên chưa trả lời ông ruchung được. Ông này nói đúng là bu viết chữ ngư thiếu bộ thủy (Bu cóp lại của ai đó trên mạng)nay bu đã chữa lại đúng rồi huhuhu.

      Xóa
  17. Với giáo thì ai dịch cũng được, miễn là đọc lên nghe hay, thế thôi! Biết đâu vài năm nữa lại có người phát hiện ta một bản thảo khác... Tất cả những nghi vấn về văn học thời gian sẽ cho câu trả lời, cũng có thể là khuyết danh cũng ko sao. Nhưng những phát hiện của bác Bu vẫn rất bổ ích cho những ai quan tâm đến văn học cổ. Cảm ơn bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe hay và hay thiệt đôi khi khác nhau bạn giaolang à

      Xóa
  18. Mộc ghé thăm anh, đọc bài, kính chúc anh vui!

    Trả lờiXóa
  19. Lại một nghi án văn học thật thú vị, thiệt tình thì lâu nay HN ù ù cạc cạc cứ tưởng là bản dịch của Tản Đà. Mà thôi, về chuyện này giaolang đã nói dùm HN trong comment ở trên rồi. Hơi bất ngờ vì lần này bác Bu chơi thêm "Nụ cười sơn cước" nữa. Haha.

    Trả lờiXóa
  20. Trong sách Việt nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (Bộ Văn Hóa Giáo Dục Saigon xuất bản năm 1964) có nói ông Nguyễn Hàm Ninh là bạn của Cao Bá Quát, nhà thơ Cao Bá Quát đã có thủ bút Hán văn khen ông Nguyễn Hàm Ninh trong một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Hàm Ninh "thiên cơ sở chí, lạc bút định bất phí tưởng" (tứ thơ tự nhiên đã đến, hạ bút xuống không cần tốn công suy nghĩ).

    Từ điển văn học Việt Nam của tác giả Lại Nguyên Ân, cho biết Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) là người phủ Quảng Trạch nay là tỉnh Quảng Bình. Ông làm quan triều đình, giỏi chữ nghĩa, thơ văn, tác phẩm của ông được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm.

    Bản dịch Phong kiều dạ bạc ghi trên nếu của ông Nguyễn Hàm Ninh thì được viết bằng chữ gì? Hán, hay Nôm? Thời của ông Nguyễn Hàm Ninh đã có chữ quốc ngữ, nhưng chắc chưa được hoàn chỉnh như chữ quốc ngữ của bản dịch. Văn phong, chữ của bản dịch bên trên rõ ràng là của thời chữ quốc ngữ đã hoàn chỉnh. Vậy bản dịch chữ quốc ngữ này là của ai?

    Tôi khá thắc mắc về điều này. Bác bu có thể làm sáng tỏ giúp.

    Trả lờiXóa
  21. Có thể kể những nhà thơ ở Đàng Ngoài (miền Bắc) cùng thời với ông Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867), như Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Cao Bá Quát (?-1854), Nguyễn Du (1766-1820), Hồ Xuân Hương (Thế kỷ 18-19), Bà Huyện Thanh Quan (Thế kỷ 19), Nguyễn Quý Tân (1811-1856), Nguyễn Trường Tộ (1827-1871), tất cả thơ văn, hoặc bài viết văn xuôi của họ đều viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, không thấy sử dụng chữ quốc ngữ.

    Như vậy một bài dịch thơ viết bằng chữ quốc ngữ với văn phong, từ ngữ hiện đại như bản dịch bài Phong kiếu dạ bạc ghi trên được cho là của ông Nguyễn Hàm Ninh thì khá lạ.

    Bác Bu có thấy thế không?

    Cái này chắc chỉ có bác nghiên cứu may ra mới rõ được.

    Trả lờiXóa
  22. Chắc là các ông viết bằng chữ Nôm sau này người ta phiên ra chữ Quốc Ngữ
    Cũng như truyện Kiều của nguyễn Du viết bằng chữ Nôm bấy giờ người ta in bằng chữ quốc ngữ đó thôi. Bu có mộtquyển Kiều chữ nôm của Nguyễn Du để thỉnh thoảng đưa ra đối chiếu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho nên tôi thấy có chỗ mù mờ ở đây. Lẽ ra trong thông tin bác Bu ghi trong entry bài dịch Phong Kiều dạ bạc là của Nguyễn Hàm Ninh, thì ông Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề phải nói rõ là bài dịch này bằng chữ Nôm, và một ai đó dịch sang chữ quốc ngữ như trên. Trong khi ông Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề chỉ chép lại bài dịch nguyên văn là của Nguyễn Hàm Ninh, thiếu mất phần cũng rất quan trọng là ai dịch từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ (như bác Bu suy đoán).

      Còn đối với truyện Kiều của Nguyễn Du có khác, đây là sáng tác của Nguyễn Du bằng chữ Nôm chứ không phải dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm, và thêm điều tôi đã nói, văn phong, từ ngữ của bài dịch Phong Kiều dạ bạc rất hiện đại, lưu loát (nhất là về phần từ ngữ). Với bài thơ dịch ra chữ quốc ngữ ấy ngày nay ta còn cho là hay nhất, thì tôi nghĩ ở vào thời ông Nguyễn Hàm Ninh (ông mất năm 1867), khó có thể nào ông sử dụng được chữ Nôm hay như thế. Tôi đã thử so sánh nhiều đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du với bài thơ trên (cũng thể thơ lục bát). Phải công nhận bài thơ dịch được cho là của Nguyễn Hàm Ninh trên, hay và hiện đại hơn hẳn.

      Tôi vẫn thấy có gì đó lấn cấn trong chuyện này. Có thể nêu chuyện dịch thơ là của Nguyễn Hàm Ninh như một nghi vấn, hơn là một khẳng định ông Nguyễn Hàm Ninh chính là người dịch.


      Xóa
  23. "Ông cũng may mắn tìm thêm được một số di cảo của Nguyễn Hàm Ninh là bạn thân của Đinh Nhật Thận và Cao Bá Quát, trong đó có bản dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc mà lâu nay người ta cho là của Tản Đà. Nguyên văn bài dịch Của Nguyễn Hàm Ninh được Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề chép lại như sau:". Ở đây tôi xin nhấn mạnh chữ "nguyên văn".
    Di cảo là bản thảo CỦA người đã khuất để lại, ông Nguyễn Văn Đề đã lục được trong tủ sách cá nhân của ông Nguyễn Hàm Ninh, chứ không phải bản dịch ra chữ quốc ngữ (của ai đó, nếu có thì chắc là phải về sau này) của bản dịch bằng thơ Nôm của ông Nguyễn Hàm Ninh (nếu ông Nguyễn Hàm Ninh đã dịch bài thơ từ chữ Hán sang chữ Nôm)..
    Rối dữ à bác Bu?

    Trả lờiXóa
  24. Tôi cũng thấy rối dữ, như ý kiến của ai đó (Unknown) ở trên. Ông Đẩu Tiếp thấy trong đi cảo của ông Nguyễn Hàm Ninh có bàn bản dịch bài Phong kiều dạ bạc sang chữ Nôm, rồi liền quả quyết bản diễn Nôm đó là của ông Hàm Ninh thì tôi cho là không ổn, vì có thể ông Hàm Ninh chép lại của người khác. Thứ nữa, bản dịch đó là chữ Nôm thì phiên ra Quốc ngữ latin, thì nay dùng chứ sao lại tự ý sửa lại? Tóm lại là phải làm cái việc khảo cứu văn bản Nôm ở trên cho chặt chẽ cái đã, coi dịch giả đích thực là ai? Tôi thấy lập luận của cụ Quảng Tuân để cho đó là bản dịch của ông Hàm Ninh là thiếu thuyết phục!

    Trả lờiXóa