Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

KHỔ VÌ CƯỜI !!

 

Nhà văn Hoàng Bình Trọng

 

Hai tác phẩm của nhà văn Hoàng Bình Trọng:

* Tiểu thuyết Bí mật một khu rừng

   * Trường ca  về Tướng Giáp            

 

 

Một dạo thấy trên báo mạng  có nhiều clip mô tả dân bắc Triều Tiên khóc lóc thảm thiết trước cái chết của ông Kim jong il. Cả ngàn vạn người vật vã đập đầu xuống đất, vươn tay lên trời la hét, nước mắt nước mũi dàn dụa. Người này thấy người bên cạnh khóc to thì cố gào lên to hơn cho ra vẻ đau đớn gấp bội.  Nhà báo Tom Geoghengan ở đài BBC khẳng định "Cả tương lai của anh tùy thuộc khả năng khóc được không. Không chỉ sự nghiệp, tấm thẻ đảng Lao Động, mà cả sinh mạng. Đó là chuyện sống hay chết."  Như một phản xạ tự nhiên, bu bấm di động gọi  anh bạn thân đang làm nghề viết văn ở một xóm nghèo vùng quê Quảng Bình: "Này ông Trọng, thấy dân bắc Hàn khóc ông Kim jong il dữ quá, tự nhiên tôi nhớ đến vụ cười chết người của ông năm 1969, có lẽ tôi phải đưa lên blog cho bạn bè đọc chơi chăng". Trọng dảy nảy " Ấy chết, tui đã chết rồi thì ông hãy coi chừng kẻo chết lây. Nói về tui răng đó cũng được nhưng động đến Thánh  thì phải cẩn thận…"

     

      Tên đầy đủ của bạn tui là Hoàng Bình Trọng, nguyên là kỹ sư địa chất thượng thặng, đã từng làm đoàn phó đoàn địa chất Mạo Khê, điều hành 600 cán bộ công nhân viên, chuyên đi tìm quặng, đánh giá chất lượng, trử lượng quặng, vẽ bản đồ phân bố...Giữa rừng xanh núi thẳm, ngoài công việc chuyên môn, Trọng còn là giáo viên văn hóa xuất sắc. Dạy toán cấp hai với Trọng dễ ợt, nhưng đến môn văn thì hơi lôi thôi.  Thế là cu cậu sáng tác thơ, văn xuôi, rồi nói thác là của các tác giả nổi tiếng như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, Tô Hoài… cho học viên hứng thú mà học. Một đoàn nhà văn Việt Nam thăm đoàn địa chất, lấy thơ văn của Trọng về Hà Nội đăng báo,  cứ dần dần thế Trọng thành nhà văn nổi tiếng.  Cho đến nay Trọng đã có 20 tác Phẩm vừa tiểu thuyết,  tập thơ, tập truyện ngắn và dịch thuật. Tiểu thuyết "Bí mật một khu rừng" của Trọng đã tái bản 4 lần , riêng lần tái bản thứ hai năm 1976 đã in đến 100 ngàn bản, sau đó được dịch ra tiếng Nga.   

    Những ngày cuối tháng 8 năm 1969 nhóm khảo sát của Trọng chui rúc trong vùng rừng Yên Tử Quảng Ninh. Cái Radio duy nhất của Trọng  hỏng đột ngột. Cả nhóm mù tịt với mọi tin tức, sống trong rừng cứ như người hoang dã.  Đầu tháng 9 năm 1969 cả nhóm lôi thôi lếch thếch kéo nhau về đơn vị. Để cho đỡ mệt, Trọng đề xuất mỗi người phải lần lượt kể một chuyện cười. Những chuyện Trọng kể ra bao giờ cũng được người  nghe cười bò lăn bò càng. Đột nhiên cả nhóm thấy giữa một đám cây rừng  khói hương nghi ngút. Trọng tiến nhanh lên trước thấy một ngôi mộ to tướng đất còn mới tinh, chung quanh lố nhố người bịt khăn tang . Đồng chí bí thư chi bộ thoáng nhìn thấy Trọng trên môi còn sót lại nụ cười thì quát lên. Anh Trọng! Bác Hồ từ trần mà anh còn cười à? Trọng sửng sốt, sao? Bác Hồ từ trần à? Chúng tôi ở trong rừng, radio hỏng không biết gì cả, còn tôi cười là cười chuyện tiếu lâm vừa đi vừa kể cho đỡ mệt chứ đâu có cười vì bác Hồ qua đời. Thế nhưng câu chuyện lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh từ trần mà kỹ sư, nhà văn, đoàn phó địa chất Hoàng Bình Trọng đã không khóc thì chớ lại còn cười cứ lan ra mãi, đến tai cấp trên. Hoàng Bình Trọng bị chi bộ cắt "chức" đối tượng Đảng. Cấp trên bắt viết bản tự kiểm điểm, nhà văn Trọng viết mấy lần vẫn còn bị  chê là chưa thành khẩn, phải viết lại…Sau đận đó Trọng vĩnh viễn không được vào Đảng, không còn uy tín để làm việc, mọi người xa lánh, đành xin nhập ngũ, vào nam ra trận.  Sau khi xuất ngũ, Trọng về  công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật  Vĩnh Phú, đến năm 1989  xin nghỉ "chế độ một cục", về quê xin vào làm ở Hội Văn học Nghệ Thuật Quảng Bình. Ông chủ tịch Hội này nhận  lời nhưng bảo Trọng ra Vĩnh Phú cắt giấy tờ chuyển vào. Ra đến Vĩnh Phú thì tỉnh đã chia ra hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thế là tỉnh nọ đùn trách nhiệm cho tỉnh kia. Nhà văn Hoàng Bình Trọng trở thành người không còn quá khứ và không có hộ khẩu ở quê nhà. Ông chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình lấy lý do đó từ chối việc tiếp nhận Trọng như đã hứa. Trọng thành người thất nghiệp. Hai triệu đồng "về một cục", như gió vào nhà trống. Nhà văn khăn gói vào Đồng Nai hợp đồng đào hố trồng cây cao su. Tay cầm bút nay cầm cuốc, xẻng, xà beng, thì lóng ngóng, định mức đào hố không đạt, lương không đủ sống, Trọng lần hồi về quê vào rừng đốt than hái củi.  Củi của Trọng là thứ cành cây to lắm bằng ngón chân cái,  vậy mà vẫn bị trạm Kiểm lâm bắt vì tội phá rừng và phạt bằng tiền. Xem ra tiền phạt còn nhiều hơn tiền bán củi. May sao trong số nhân viên trạm Kiểm lâm có nhiều anh đã từng say mê  nghe Đài tiếng nói Việt Nam đọc chuyện đêm khuya tiểu thuyết "Bí mật một khu rừng" của nhà văn Hoàng Bình Trọng, nên khi biết người đàn ông tóc rễ tre da đồng điếu kia chính là tác giả thì vô cùng ngạc nhiên và tha tội lâm tặc. Sau vụ đó tạp chí Nhật Lệ nhận Trọng vào làm biên tập. Năm 2008 tạp chí này Không xoay đủ lương kí hợp đồng tiếp, Hoàng Bình Trọng khăn gói về quê viết lách kiếm sống. Bài vở của Trọng được viết bằng tay sau đó bà vợ đánh máy chữ. Trọng không biết gì về vi tính, mà có biết cũng không đủ tiền mua. Rõ là người đẹp bên Tàu cười đi nghiêng nước, cười lại nghiêng thành, còn nhà văn Hoàng Bình Trọng chỉ với nụ cười sót lại trên môi  thì khuynh gia bại sản, thân tàn ma dại. Trọng làm nhiều thơ nhưng cu cậu hay ngâm ngợi mấy câu này:

Đã không chịu sống cúi luồn

Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời

Trót lầm làm một kiếp người

Thì đi cho hết trận cười bể dâu


--------------------------------------------------------------------------

(Bạn nào muốn biết thêm về nhà văn Hoàng Bình Trọng mời vào:

http://tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/409691/hoang-binh-trong-"tran-cuoi-be-dau".html)

 

26 nhận xét:

  1. Nếu không khóc ông Kim sẽ bị đi tù đó(Tin từ nước Nga)!

    Trả lờiXóa
  2. Đọc xong chợt nổi da gà
    Đời người một thoáng sao mà đớn đau!!

    Trả lờiXóa
  3. 5 triệu người đi dự lễ tang thì phải khóc rồi, 19 triệu người còn lại không biết có ai khóc nửa không ??

    Trả lờiXóa
  4. Mấy ngày sắp tết Trọng còn viết câu đối thuê. Mặc dầu rất khá về chữ Hán nhưng viết chữ xấu nên anh ta đọc qua điện thoại để bu viết hộ trên máy tính rồi bỏ phong bì gửi ra để Trọng giao cho người thuê. Hôm qua 11.1.2012 bu gửi phát nhanh cho Trọng câu đối thế này.

    Tác giả: Hoàng Bình Trọng

    讀 Độc .. 飮 Ẩm
    書 Thư .. 河 Hà
    知 Tri .... 思 Tư
    道 Đạo... 源 Nguyên
    成 Thành 創 Sáng
    名 Danh. 業 Nghiệp
    更 Cánh. 莫 Mạc
    想 Tưởng 忘 Vong
    故 Cố .... 先 Tiên
    鄉 Hương 祖 Tổ
    情 Tình... 德 Đức

    Trả lờiXóa
  5. Anh Bu ơi! Tính gửi font chữ kiểu viết thư pháp cho anh, nhưng hình như post vào đây không ra font chữ đó, để M gửi kiểu khác.

    Chữ Tiên Tổ hay Tổ Tiên cũng đều đúng, nhưng trong tiếng Hán, họ hay dùng Tổ Tiên hơn, nhưng vì đây là câu đối, nên chữ Tiên Tổ sẽ ổn hơn anh Bu nhỉ.!

    Trả lờiXóa
  6. Nụ cười nghiêng nước nghiêng thành
    Ông cười một nhếch, nhác đời đa đoan

    Trả lờiXóa
  7. tudinhhuong2410 thấy nhói là điều đáng mừng

    Trả lờiXóa
  8. Sẽ có một dịp nào đó ta lại nói về Tiên tổ và Tổ tiên

    Trả lờiXóa
  9. Đọc câu chuyện của anh Bu, Gió không cười được anh Bu ạ . cứ cảm thấy nghèn nghẹn và cảm thương gì đâu .

    Câu chuyện này đúng là chuyện chừng như khôi hài mà lại ra nước mắt, hay tại hai ngày ốm dậy Gió bỗng đa cảm hơn , tự dưng tưởng tượng đến bác HBT mà ngậm ngùi . Cứ như chuyện không thể tin được.
    Thế mới biết sống thật khó, sống để ra người còn khó hơn. Tiếng khóc chưa hẳn là thương tiếc, nụ cười chưa hẳn đã là mừng vui ...có khi còn oan khiên mang nặng cả đời .Nó được gán mác hết cả khi đó là một vở tuồng cần có mác...

    May mà ông bạn anh Bu còn tin vào mình ... Có gặp cho Gió gửi lời thăm bác Trọng anh Bu nhá

    Trả lờiXóa
  10. Khóc và cười là một nhãn mác như mác vở tuồng là một nhận xét rất xác đáng của gió. Còm của bạn làm bu vui vì có người hiểu cặn kẽ câu chuyện hiểu được tâm tư người viết, cảm ơn gió nhiều nhiều...Bu sẽ truyền đạt lời thăm hỏi của gió đến HBT qua điện thoại

    Trả lờiXóa
  11. Bố này chết vẫn còn cười, nhưng bạn đọc thì cười ra nước mắt. So với BTT, ông Trọng còn may mắn chán.
    BCT BTT vừa ra quyết định ướp xác tiên đế, dựng tượng đài bất tử khắp cả nước và quan trong là cả nước đã đấu tố những kẻ không biểu lộ tình cảm thích hợp trước sự ra đi của lãnh tụ kính yêu, dự kiến hàng ngàn người sẽ bị tập trung cải tạo...

    Trả lờiXóa
  12. Đôi câu đối cổ chép lại hay ông Trọng sáng tác bác? Rất chỉnh. Có lẽ "ẩm thủy tư nguyên" tương đương "ẩm hà tư nguyên" nhưng hình như chữ "ẩm thủy" đúng kinh điển hơn...
    P/S
    Người cười, nước ngửa, thành xiêu
    Ông cười, Bác chết một đời đi tiêu...

    Trả lờiXóa
  13. Dân BTT đang vào mùa đói đi ăn rễ cây!, để dành tiền dựng tượng đài người VĨ đại.

    Trả lờiXóa
  14. Câu ấy ông Trọng sáng tác thuê và nhờ bu viết bằng máy tính gửi qua đường bưu điện.
    Trong quyển 5000 hoành phi câu đối viết ẩm hà tư nguyên có lúc lại ẩm thủy tư nguyên. Trong trường hợp câu đối này thì ẩm hà là phải vì còn nhịp điệu so với vế kia nữa

    Trả lờiXóa
  15. Bác Bu nhớ phone ngay nhé, động viên kịp thời..:)

    Trả lờiXóa
  16. "Bác Bu nhớ phone ngay nhé, động viên kịp thời."

    Phôn rồi kichbu ơi

    Trả lờiXóa
  17. Năm nay cháu sẽ mang hai câu đối này ra Văn Miếu cho các ông đồ xem các ông ấy viết ra răng chú à.

    Trả lờiXóa
  18. Câu chuyện được bác Bu kể lại thật sinh động và hay. Đúng là tai bay vạ gió cho bác Trọng, "chữ tài cùng với chữ tai một vần"!

    Trả lờiXóa
  19. Nếu tudinhhuong2410 đưa cho các nhà thư Pháp thì đưa cả chữ Vuông.
    Trọng đọc qua điện thoại nhờ chú viết chữ Vuông. Chữ này đồng âm dị nghĩa. Chẳng hạn có đến 25 chữ Tư, vấn đề là phải chọn chữ Tư nào cho đúng ý câu đối. Cảm ơn cháu.

    Trả lờiXóa
  20. Tai bay vạ gió thế nhưng cha này vẫn vui vẻ và yêu đời lắm, và có thế Trọng mới tiếp tục sống được

    Trả lờiXóa
  21. Em thấy mấy vụ khóc lóc về cái chết của ông Kim hài quá trời.
    Nhưng khi đọc chuyện về bạn của anh Bu, em thấy hài hơn, hài vì có nhiều người có cái não phẳng nên không phân biệt đâu thật giả, đúng sai, suy nghĩ sai lệch, tâng công đã làm cho cuộc đời người khác tơi tả.
    Thiệt tình, em thấy dù khi xưa em không hiểu biết nhiều nhưng em đã đúng khi không chọn con đường công danh đã được sắp đặt sẵn cho mình, bây giờ em mới có thể ngồi ung dung đọc blog anh Bu mà không thấy bị nhột. :))))))

    Trả lờiXóa
  22. Đọc còm này của chú và xem hình nhà văn ở trong bài, cháu thấy nhà văn quả là vững vàng trong mọi bão tố. Dù đời có oan nghiệt, đắng cay, ta vẫn phải sống sao cho trọn kiếp người chú ha.

    Trả lờiXóa