Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

VỚI BÁC PHÙNG CUNG

 

XEM ĐÊM

Thơ của Phùng Cung

  NXB Hội nhà văn 2011 

 

 

Vào nhà sách Đông Hải ở Vũng Tàu em khấp khởi mừng được gặp bác trên bìa tập thơ XEM ĐÊM.  Tay trái bác kẹp điếu thuốc, không thấy sợi khói bốc lên, chắc là lửa tắt rồi.  Khuôn mặt bác nhân hậu, chiếc kính lão to tướng hướng vào cõi xa xăm. Sau khi bác về trời 35 ngày, nhà thơ Hoàng Cầm đến nhà bác thắp hương tưởng nhớ, và để lại lưu bút có câu: " Cung ơi! Cứ đi đi rồi về ngay nhé". Thì bây giờ, tại nhà sách Đông Hải này, em gặp bác đã về thật.  XEM ĐÊM của bác ra mắt bạn đọc năm 1995 từ những đồng tiền dè xẻn của nhà Văn hóa Nguyễn Hữu Đang và sự nhiệt tình vô hạn của nhà thơ Phùng Quán. Số là bác Quán đến phố Mai Hắc Đế thăm bác, nhân thể biếu bác con diếc, con trôi vừa câu trộm được. Rồi cũng bữa đó bác Quán mê luôn bản thảo tập thơ XEM ĐÊM của bác đang xếp xó vì không có tiền in. Dạo ấy bác nghèo lắm, làm nghề dập đinh giúp vợ thì chỉ đủ sống lai rai, trong khi in tập thơ phải mất vài triệu. Nhà thơ Phùng Quán quyết chí đi đọc thơ rong của bác trong một năm khắp ba miền Bắc Trung Nam để có tiền cho bác in thơ, nhưng chưa kịp đi thì bác Nguyễn Hữu đang ngăn lại bảo, tôi sẽ cho chú Cung tiền in thơ, chú Quán khỏi đi đâu hết. Kể về những đồng tiền ki cóp được của nhà Văn hóa bị lưu đày Nguyễn Hữu Đang thì rơi nước mắt…Và như cách nói của Phùng Quán, nàng Hằng Nga của Phùng Cung ngủ vùi trong rừng đã gặp Hoàng Tử đánh thức dậy. 

     Bác Phùng Cung à, Cho đến nay em đã đọc "Con ngựa già của chúa Trịnh" của bác in hồi 1956 không dưới năm lần, và giá có đọc thêm năm mươi lần nữa thì em vẫn không hiểu nỗi bác đã chống Đảng, chống nhà nước Việt Nam ở chỗ nào để đến nỗi bị người có quyền bỏ tù suốt 12 năm (1961- 1973). Cái truyện ngắn ấy đâu khoảng 3000 từ, mà tóm tắt lại chỉ vài dòng: Ở làng Phương Lộ có người buôn ngựa họ Nông mới tậu được con ngựa Kim Bông trắng như tuyết, phi như thần. Bao nhiêu người gạ mua, ông họ Nông không bán, nhưng khi người của chúa Trịnh hỏi mua để tăng cường cho kỵ binh thì ông bán liền. Chúa Trịnh nghe kể về Kim Bông thì rất vui và tổ chức một cuộc đua để thử tài. Trong cuộc đua hôm ấy Kim Bông không chỉ thắng mà vượt xa đám ngựa còn lại, mọi người ngỡ như Kim Bông thi với đàn cừu. Mấy lần vào xông trận ở Linh Giang  Kim Bông tả xung hữu đột, chiến thắng lẫy lừng. Chúa Trịnh bèn đưa nó vào phủ, phong là Mã Lệnh, chuyên làm mẫu để huấn luyện cho đàn ngựa phủ Chúa. Kim Bông vốn ăn cỏ núi uống nước suối rừng, nay thấy đâu đâu cũng lâu đài nguy nga thì mất vẻ tự nhiên.Tài nghệ ở nơi trận mạc của Kim Bông không được dùng đến nên lâu ngày cũng mai một đi. Công việc kéo xe hầu chúa với hai cái lá đa che bớt mắt để chỉ được nhìn thẳng làm nó bỡ ngỡ…Dần dà Kim Bông già nua, không còn là ngựa thần như ngày xưa nữa. Vào thời điểm đó mặt trận ở giới tuyến Linh Giang có nguy cơ bị chúa Nguyễn áp đảo. Kỵ binh phải vào cuộc, Mã Lệnh Kim Bông cũng được lên đường chiến đấu. Trong các cuộc tỷ thí với kẻ thù Kim Bông đã nổ lực đến tối đa, nhưng sức cứ đuối dần đến nỗi đứt ruột…Trước khi nhắm mắt lìa đời nó rên khẻ như nói rằng chết thế này cũng là chết vì giang sơn, vì Chúa.

       Trong tập XEM ĐÊM của bác có 303 bài thơ, nhưng em không thấy một bài nào bác ta thán nỗi đời đen bạc, khiến bác ma dại thân tàn. Trong nỗi đau tận cùng ấy bác chỉ nói đến cái đẹp thuần phác của một vùng quê bắc bộ thanh bình và đầy ắp tình người.  Rung động thẩm mỹ của một tù nhân biệt giam chỉ ngời lên những ruộng lúa, nương dâu, luống ngô, bãi sắn, với những con người lam lũ hiền lành, với cô con gái "ý tứ soi gương đáy nón", với người mẹ trẻ "sữa con so ướt yếm", với những con vật làm nên kỷ niệm tuổi thơ "Đủng đỉnh điệu cu cườm. Lay nhịp-gió may", "Cánh chuồn chuồn lia từng bóng râm con". Không gian trong thơ bác yên bình đến mức âm thanh đọng thành hình khối.


Đêm về khuya.

Trăng ngả màu hoa lý.

Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông

 (Đò khuya).


Tình thương trong bác không kém gì một vị Bồ tát.

 Bác thương người phụ nữ thảo hiền tất bật

Bước sấp ngữa

Em về chợ tối

Gió bãi khoai quấn quýt

Làm em mau nước mắt

Đèn con xóm trại đang chờ

(Về chợ tối)


Thương sang cánh bèo

Lênh đênh muôn dặm nước non

lạc vào ao cạn vẫn còn lênh đênh

(Bèo).


Thương đến lũ trâu bò hốt hoảng khi nghe tiếng trống phát lên từ tấm da khô của đồng loại

Chợt nghe trống dộng.

Trâu bò nhớn nhác.

Dùi quậy liên hồi.

Ê ẩm tấm da khô.

 (Ê ẩm).

 

Sinh thời, nhà thơ Hoàng Cầm có viết "Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có một tập thơ nào về một vùng quê nghèo khổ lại súc tích cô đọng, mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc như tập XEM ĐÊM…Một bài thơ, có khi chỉ một câu đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu".

     Trong trái tim Bồ tát của bác không có chỗ cho sự thù hận, dẫu cho cái ác có là nước sôi trăm độ thì càng làm bừng lên hương vị chân chính của trà


Quất mãi nước sôi.

Trà đau nát bã.

Không đổi giọng Tân - Cương

(Trà).     

 

 

26 nhận xét:

  1. Câu chuyện "Con ngưạ già của Chúa Trinh", M nhớ là có đọc rồi, nhưng quên đi và không nhớ rõ lắm về nguyên nhân, nên M vào lại trang này xem lại: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3n2n0n31n343tq83a3q3m3237nvnvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

    Và vào thêm trang Wiki :
    "Phùng Cung (1928 - 1997) là nhà thơ, nhà văn Việt Nam thế kỷ 20. Ông tham gia phong trào nhân văn giai phẩm tại miền Bắc vào những năm 1955 - 1957. Sau đó ông bị bắt giam 12 năm không có án, từ 1961 - 1973. Tác phẩm khiến ông rơi vào vòng lao lý là: Con ngựa già của Chúa Trịnh và Dạ Ký, ngụ ý đả kích những văn nghệ sĩ bẻ cong ngòi bút, không dám nói thật tiếng nói của mình, bị lưu đày trong cõi tung hô."

    Chuyện một đời người, người ngoài nhìn lại chỉ một thoáng, nhưng người trong cuộc trải qua những gian nan ấy thì vô cùng, nhưng như anh Bu nhận xét qua tập thơ "Xem đêm", tập thơ này M chưa được xem, thì thấy Bác ấy quả có trái tim của Bồ tát, nên miệng chỉ mỉm cười mà bước qua dòng đời ô trọc này.

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác Bu!
    Bác xuất chiêu đầu năm rồi đấy à? Chúc mừng bác.

    Trả lờiXóa
  3. Vậy ban M có hiểu tại sao với cái truyện ấy mà người ta bỏ tù nhà thơ Phùng Cung 12 năm không, lại tù biệt giam nữa. Năm ông Cung vào tù cũng là năm bu tui vào đại học. Đám sinh viên ngoài bắc lúc đó hỏi nhau tại sao phùng Cung ở tù.Chịu không biết được. Và bây giờ vẫn còn chịu....

    Trả lờiXóa
  4. Chào Yên Sơn.
    Một dạo Mul cấm cửa nhà Yên Sơn, muốn chuyện trò với bạn mà đành chịu. Nay năm mới có khác hehehe.
    Đầu năm 2012 bu tui đã xuất chiêu "KHỔ VÌ CƯỜI" rồi, mời Yên Sơn ghé đọc.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi nghĩ lúc ấy mọi người cũng biết vì sao, và anh và các bạn cũng biết, và bây giờ tôi cũng hiểu vì sao..

    Mà cũng đã có người nói hộ cho chúng ta rồi, chúng ta có thể có người chỉ là vì không muốn nói ra hoặc là chưa muốn nói ra mà thôi.!

    Thời buổi ấy anh mà nói ra thì không biết anh Phu lục lộ ngày ấy có thể đi qua Lào.., để mà bây giờ online viết về những man mác về những cái cái cầu đã đi qua.., rồi nhớ về những cô thôn nữ Lào không nữa!!

    Trả lờiXóa
  6. 1- Cách đây 30 phút bu tui gọi ra Hà Nội cho một ông bạn thân theo dõi văn chương nước Nam rất kỹ để hỏi thêm vụ Phùng Cung. Năm 1961 cơn sóng Nhân văn Giai phẩm đã lắng xuống rồi, lúc bấy giờ Phùng Cung làm chánh văn phòng Hội Nhà văn VN. Bấy giờ Chế Lan Viên chỉ là ủy viên chấp hành hội nhưng muốn leo cao khoét sâu để trèo lên ghế lãnh đạo cho gần Tố Hữu. Họ Chế không thích gì họ Phùng nên nhắc lại vụ Con ngựa già của chúa Trịnh và hô lên: Với cái chuyện này thì bỏ tù cha này là đáng lắm ...thế là công an đến nhà khám xét và bỏ tù họ Phùng. Trước khi gia từ cõi đời Chế Lan Viên có làm thơ sám hối nhưng mà một tỷ tỷ lần sám hối cũng không rửa sạch tội của y. Bu đã ngồi với nhà thơ Hữu Loan (tác giả Màu tím Hoa sim) và được cụ Loan nói về họ Chế, có lẽ rồi bu tui cho lên blog một ngày gần đây...hehehe
    2- Đương nhiên hồi đó bu và bạn bè thừa biết họ Phùng bóng gió cách xử sự của Đảng với nhân tài và trí thức. Nhưng điều đó có lọt vào điều luật nào để bỏ tù người ta. Chao ôi nói ra thì dài dòng... Phùng Quán có tội gì mà lưu đày ông ta ngót 30 năm..huhuhu..

    Trả lờiXóa
  7. 1- Cách đây 30 phút bu tui gọi ra Hà Nội cho một ông bạn thân theo dõi văn chương nước Nam rất kỹ để hỏi thêm vụ Phùng Cung. Năm 1961 cơn sóng Nhân văn Giai phẩm đã lắng xuống rồi, lúc bấy giờ Phùng Cung làm chánh văn phòng Hội Nhà văn VN. Bấy giờ Chế Lan Viên chỉ là ủy viên chấp hành hội nhưng muốn leo cao khoét sâu để trèo lên ghế lãnh đạo cho gần Tố Hữu. Họ Chế không thích gì họ Phùng nên nhắc lại vụ Con ngựa già của chúa Trịnh và hô lên: Với cái chuyện này thì bỏ tù cha này là đáng lắm ...thế là công an đến nhà khám xét và bỏ tù họ Phùng. Trước khi gia từ cõi đời Chế Lan Viên có làm thơ sám hối nhưng mà một tỷ tỷ lần sám hối cũng không rửa sạch tội của y. Bu đã ngồi với nhà thơ Hữu Loan (tác giả Màu tím Hoa sim) và được cụ Loan nói về họ Chế, có lẽ rồi bu tui cho lên blog một ngày gần đây...hehehe
    2- Đương nhiên hồi đó bu và bạn bè thừa biết họ Phùng bóng gió cách xử sự của Đảng với nhân tài và trí thức. Nhưng điều đó có lọt vào điều luật nào để bỏ tù người ta. Chao ôi nói ra thì dài dòng... Phùng Quán có tội gì mà lưu đày ông ta ngót 30 năm..huhuhu..

    Trả lờiXóa
  8. Giữ trái tim cho cứng nhé! anh huhuhu thì sẽ làm bạn bè huhu theo đó.

    Mấy hôm nay anh treo những cuộc đời của những người trong cuộc. Giờ lịch sử đã minh chứng, sự tiến bộ của loài người, có công cụ internet đã làm cho con người ta tự do ngôn luận hơn. Và những bài viết của anh làm M nhớ đến những cuộc đời của người dân, có thể nói có lúc họ ở ngoài dòng xoáy đó rồi, nhưng vẫn còn đâu đó những ám ảnh..

    Anh biết không? vào đúng ngày 30/4/1975, M ở SG đứng ở chợ Gò Vấp nhìn đoàn người của hai bên đi qua đi lại, rồi trở về nhà bác sui (ba má chồng của chị gái) ở trọ chờ mẹ lên đón về miền giải phóng.

    Thì chiều hôm đó, hai bác gọi đàn con của bác ấy về nhà, kể về chuyện đấu tố năm xưa, kể rằng "ba mẹ là con cái của gia đình địa chủ, chạy vào nam, con trai trưởng (anh rể) là sĩ quan ngụy, thế nào giải phóng xong thì cũng bị đấu tố, thôi ba mẹ đi trước đây, các con còn nhỏ sẽ không sao.."

    Thế là con cái lạy sống bố mẹ, bố mẹ đêm hôm đó xuống ruộng rau muống ở Gò Vấp của gia đình, uống thuốc tử tự.

    M lúc ấy 21 tuổi, chẳng biết gì, ngơ ngác mà nhìn, không khóc được, không hiểu được vì sao, anh chị và mấy đứa em cũng thế !!! đành lòng để cho cha mẹ đi tử tự..

    Huhu.. Năm ngoái, có một việc liên quan đến bệnh ung thư của chị gái, anh chị không chịu đi bệnh viện, M tức quá trách anh rể là, "Anh có bị mê hoặc hoang tưởng không? bệnh thì vào bệnh viện... Thảo nào em nhớ đến ngày ấy, ngày ấy các em còn nhỏ, anh là sĩ quan, anh thấy cả triệu triệu người di cư vào nam, có ai đi tự tử đâu, hai bác là nông dân có hơn mẫu ruộng lúa và rau muống, hàng ngày đi bán nuôi con, có chính trị chính em gì.. mà anh đành lòng để cho hai bác đi tự tử mà không phân tích không ngăn cản..... "

    Cái thủa sai lầm ấy, những sợ hãi ám ảnh ăn sâu vào đầu óc của người dân như thế đó anh Bu ơi!
    Còn rất nhiều hoàn cảnh nữa.. Bao nhiêu người đã huhu mất của mất người và nuốt vào trong lòng như thế.

    Rồi ai sám hối, ai rửa sạch những nỗi đau của dân tộc đây.
    Sau giải phóng, đáng lẽ có quốc sách để đất nước giàu lên, thế mà lại nghèo một thủa, chỉ giàu lên những tham nhũng, những ô trọc.. nhìn lại, lại thua Thái Lan, thua Philipine, thua Hàn Quốc, thua Đài Loan.. huhu.. M đi làm thuê mà buồn đó.

    Con bé Lian ở Campuchia đưa Ba nó qua VN, khám bệnh đã đời, cuối cùng lại qua Thailand mổ.. vì sao!

    Trả lờiXóa
  9. Ông con trai của hai bác ấy không ngăn bố mẹ là sai lầm rồi
    Còn hai bác ấy cũng hơi vội, bất luận trong trường hợp nào tự hủy mình đi là không nên. Bài học cho chúng ta đấy

    Trả lờiXóa
  10. Đầu nămTây mới và cũng như cuối năm Ta cũ, em vào đây đọc.....và đọc.
    Ngồi lặng lẽ với bao chuyện mình không biết.
    Lịch sữ đã đi qua, bao người đã nằm xuống, xương máu người VN của cả 2 bên như chất thành sông, thành núi, nước mắt nào cạn với những nỗi đau riêng, vậy mà lại xuất hiện một lớp kẻ tiểu nhân, cơ hội muốn một tay nắm lấy trời, làm bao điều thất đức, tạo nỗi oan khiên cho người trung thực, cũng bởi chữ Quyền.
    Thật buồn quá anh Bu à.

    Trả lờiXóa
  11. Một nhà thơ đôn hậu nhưng lịch sử chọn ra để "hành hình", cái tay "lịch sử" ở nước mình nó ác thế. Nhưng đã là lịch sử thì an nỡ oan trách, có lẽ bác Phùng Cung cũng nghĩ thế mà không oán trời trách đất chăng?!
    Nói vậy nhưng mà xót xa... cho thân phận những người cùng cảnh ngộ bác PC!

    Trả lờiXóa
  12. Cuộc đời lắm nỗi oan khiên , chúng ta mong lấy hai chữ bình thường vậy lantran à

    Trả lờiXóa
  13. Bắt đầu từ cha nhà thơ họ Chế.
    Đúng là tay cơ hội

    Trả lờiXóa
  14. Có giống như nhà thơ Việt Phương không chú?

    Trả lờiXóa
  15. Chao ôi! Được như Việt Phương thì phúc 70 đời cho họ Phùng. Việt Phương một thời làm thư kí cho ông Phạm Văn Đồng và cũng làm mê mẩn đám sinh viên miền bắc. Ông có cách nói làm người nghe gần như nín thở, há hốc mồm để nuốt lấy từng lời. Bản thân chú bu đây đã ngồi giữa mưa tầm tã để nghe ông Phương nói. Vào lúc đó thì họ Phùng đã vào tù với cái Truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh" mà chú đã tóm tắt trên kia. Mà không vào tù thì chẳng ai biết đến họ Phùng. Ông Tô Hoài (Trong Cát bụ chân ai) nhắc đến họ Phùng với những lời lẽ cao ngạo và trịch thượng. Bảo Phùng Cung là anh điếu đóm, chạy cờ hiệu !!
    Đang yên ổn và lừng lẫy tiếng tăm thì Việt Phương xoay ra làm thơ. Phải nói rằng thơ Việt Phương hay, lạ, không a dua xuôi chiều như Xuân Diệu, Chế Lan Viên..và một sô thơ nô khác.Tập "Cửa mở" của Việt Phương ra đời như cơn sóng thần nhấn chìm tên tuổi ông ta cho đến tận ngày nay. Bị các nhà tuyên huấn và đám văn nô đánh tời bời nhưng người đọc như chú (và nhiều người khác nữa) thì khoái thi sĩ Việt Phương lắm. Dẫu sao thì ông Phương chưa phải bị biệt giam 12 năm trong nhà tù như Phùng Cung. Tập "Cửa mở" đã tái bản cháu nên tìm đọc

    Trả lờiXóa
  16. Chú Bu à, chú đã có các tập thơ Cửa mở (tái bản), Cửa đã mở (phần 2 của Cửa mở) chưa ạ? Cháu sẽ gửi tặng chú. Cháu có các tập thơ này bởi vì bố cháu cho in và phát hành. Bố cháu là "bạn" của bác Việt Phương. Còn cháu thì đã 4 năm nay (từ năm 2007) đứng bán thơ Cửa mở ở Hội thơ Văn Miếu rằm tháng Giêng đó ạ. Hihi.

    Trả lờiXóa
  17. Tái bản nguyên gốc chú ha. Không cắt xén câu chữ nào đâu ạ.

    Trả lờiXóa
  18. Chú chưa có tập thơ nào của Việt Phương cả, trong này không thấy bán. Nếu được cháu tặng thì chú cảm ơn lắm. Điạ chỉ chú:
    Nguyễn Quốc Toàn
    phòng A601 chung cư Hodeco Plaza phường 7
    Th ph Vũng Tàu.

    Hihihi ...bố cháu là bạn của Bác Việt Phương thì những gì chú nói về Việt Phương thành ra thừa rồi. Cháu à, làm thơ và bán thơ thì không sao nhưng bày ra trò Hội thơ nguyên tiêu với lá cờ thơ bay phấp phới thì chú không đồng tình được. Không có bài Nguyên tiêu của cụ Hồ thì người ta có "sáng tác" ra hội thơ Nguyên tiêu không?? Chưa nói chuyện cái Nguyên tiêu của Cụ cứ phảng phất Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế. Nguyễn Trọng Tạo là anh đầu têu bày ra vụ cờ thơ này, lâu lắm chú chưa gặp Tạo này để nói vài câu. Tạo có gửi sách tặng chú, bảo Sói đồng hoang (Đạo diễn Trần Quốc Trọng) chuyển nhưng cha này mãi nhậu chưa thấy gửi vào....

    Trả lờiXóa
  19. Tại vì chỉ phát hành ở Hà Nội thôi chú.

    Trả lờiXóa
  20. Anh Bu biết nhiều phận đời nghiệt ngã quá ...chẳng biết đó có phải là điều may mắn không nhưng chắc chắn là điều để anh suy ngẫm suốt quãng đời có cho có nhận của mình anh Bu nhỉ ?

    Cũng có người biết nhiều chỉ để mà biết nhưng cũng có người biết để trở trăn với bao trăn trở của tha nhân . Có những người biết nhưng lại cầu an đến ngay phát biểu điều mình nghĩ cũng sợ ( mà cũng đáng sợ thật trong cái thời buổi nhá nhem này) nhưng cũng có người dám bày tỏ quan điểm chính kiến của mình một cách công bằng không cực đoan nhưng cũng không quá dè xẻn ..
    Sống đã khó, lựa chọn cách sống cho ra người lại càng khó hơn . Con ngựa cũng hiểu ra chân lý của sự sống trước khi về với cát bụi ...chớ con người vẫn còn lắm kẻ ..đố biết ! anh Bu ơi

    Trả lờiXóa
  21. Gió à
    Bu quan tâm đến nhiều phận đời nghiệt ngã chính ra là quan tâm cái thể chế tạo ra các phấn đời đó . Cái đau là biết mà đành chịu vậy.

    Trả lờiXóa
  22. "Đêm về khuya.
    Trăng ngả màu hoa lý.
    Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông"

    Hay quá bác Bu ơi !

    Trả lờiXóa