Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

TRẢ LỜI MALIENG VỀ BÀI THƠ "NAM QUỐC SƠN HÀ ...."





Lĩnh Nam chích quái và Việt Điện u linh viết từ thời nhà Trần, cùng nói về bài thơ "Nam quốc Sơn hà..." nhưng mỗi sách nói mỗi khác.

 

      Bức tranh minh họa Lý Thường Kiệt bên bài thơ "Nam quốc sơn hà..."

 

 

Trong một comment ở entry "Tản mạn Nhật Lệ" của bu, bạn Malieng đặt ra hai câu hỏi:



I- Sách vở, báo chí, phát thanh, truyền hình...đều nói bài thơ " Nam quốc sơn hà Nam đế cư... " là của ông Lý Thường Kiệt và tôn nó lên thành Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của đất nước. Anh có cho là như vậy không?

II- Có đúng là một học giả Tây nào đó nói "Lịch sử là sự ngu xuẩn của ngày hôm qua sang đến ngày hôm nay" không ?  

 

 (I)

 

1- Trước tiên bu tui khẳng định rằng chưa có nhà sử học nào chứng minh được bài thơ “Nam quốc sơn hà …”  là của Lý Thường Kiệt. Xin có đôi lời như sau:

- Theo Đại Việt sử kí toàn thư  (ĐVSKTT - tập I trang 278, 279) do sử gia Ngô Sỹ Liên chấp bút thì: "Năm Bính Thìn (1076) mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam (một phần đất Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ) là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua (Lý Nhân Tông) sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, Đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) đánh tan được. Quân Tống chết hơn một nghìn người. Quách Quỳ lui quân lại lấy châu Quảng Nguyên của ta. Người đời truyền rằng, Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông (Như Nguyệt) để cố thủ . Một đêm quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

  1.         Nam quốc sơn hà Nam đế cư
  2.        Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
  3.        Như hà Ngịch lỗ lai xâm phạm
  4.        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" 

  "Người đời truyền rằng ..." thì chỉ là chuyện kể dân gian không thể xem  như sử liêụ chuẩn xác để tin vào nó một trăm phần trăm được. Mà đoạn trích trên cũng không nói Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ đó. Thực ra, ông Ngô Sỹ Liên chép lại câu chuyện trên từ sách Việt Điện U Linh (VĐUL) do ông Lý Tế Xuyên viết trong thời nhà Trần. Ở các trang 123, 124, 125, sách VĐUL viết:

"Thời Tấn Nam Vương (tức Ngô Xương Văn con trai Ngô Quyền) đi chinh thảo đám giặc Lý Huy ở Long Châu đóng binh tại cửa Phù Lan  ban đêm nằm mộng thấy hai người, đủ y quan, dáng kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến ra mắt nhà vua và tâu rằng:

- Đám nghịch tặc làm càn đã lâu rồi, bọn tôi xin tòng quân trợ chiến.

Nhà vua lấy làm lạ, mới hỏi rằng:

- Các khanh là những người nào vậy ? Cô gia chưa từng biết mặt đấy, nhưng đã có lòng cảm cách thì nên trình bày tính danh.

Cả hai người đều sắp hàng sụp lạy, tâu rằng:

- Bọn thần đây là anh em ruột. Anh tên Hống, em tên Hát, vốn họ Trương, gốc là người đất Phù Lan, đều là tướng của Triệu Việt Vương. Khi Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại, Nam Đế lại đem đủ lễ vật đến rước bọn thần , có ý muốn phong quan cho. Bọn thần đều đáp ông ấy rằng:

- Kẻ trung thần không thờ hai vua, người liệt nữ chẳng đổi hai chồng. Huống chi ông là người bội nghĩa , mà lại muốn làm khuất cái tiết bất di bất dịch này hay sao ?

     Rồi bọn tôi mới chạy trốn nơi núi Phù Long. Nam Đế (1) đã nhiều lần cho vời, bọn thần vẫn không hề đáp ứng. Nam Đế tức giận sai người truy nã mà không được, mới treo giải nghìn vàng cho người tìm bắt. Bọn  thần không đường tiến thoái, nên đều uống thuốc độc mà thác. Thượng đế thương xót bọn thần vô tội mà chết không đúng số mệnh, liền ban sắc bổ cho chức Thần hà Long Quân Phó Sứ, tuần du hai con sông Vũ Bình và Lạng Giang (4) khắp các chi nhánh cho tới ngọn nguồn, hiệu là Tuần Giang Đô Phó Sứ. Ngày trước trong chiến dịch Bạch Đằng của Ngô Tiên chúa (Ngô Quyền) bọn thần đã nổ lực hiện trợ thuận lợi lắm.

    Nhà vua tỉnh giấc, truyền lệnh đem đủ cổ bàn rượu thịt đến mà cúng tế và khấn rằng: "Nếu qủa hai vị anh linh, xin hãy phù trợ trận chiến này. Như đánh thắng giặc, thì sẽ lập tức dựng miếu và phong tước cho mỗi vị, hương lửa không hề dứt...

      Ngày bình xong giặc ở Long Châu vua mới sai sứ giả chia ra lập đền ở mỗi nơi mà thờ hai ông, và mỗi vị được phong là phúc Thần ở một phương. Chiếu vua phong ông anh làm đại Đường Giang Đô Hộ Quốc, Thần Vương. có đền thờ lập ở cửa sông Như Nguyệt, và phong ông em làm Tiểu Đường Giang Đô Hộ Quốc Thần vương có đền thờ lập ở cửa sông Nam Bình.     

      "Triều vua lý Nhân Tông, quân Tống nam xâm, kéo tới địa hạt của ta, nhà vua liền sai Thái uý Lý Thường Kiệt đặt hàng rào dọc bờ sông (Như Nguyệt) để cố thủ. Một đêm kia quân sỹ bổng nhiên nghe trong đền cất tiếng cao, ngâm rằng:  

  1.        Nam quốc sơn hà Nam đế cư
  2.        Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
  3.        Như hà ngịch lỗ lai xâm phạm
  4.        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 Quả nhiên quân Tống không đánh mà đã tan. Thần mộng rõ ràng, chẳng sai một mảy may".

    Như vậy, theo VĐUL hai linh Thần Trương Hống và Trương Hát xuất hiện lần đầu trong thời Tấn Nam Vương (950-965) nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy. Và xuất hiện lần thứ hai với bài thơ "Nam quốc sơn hà..." khi Lý Thường Kiệt chống cự quân Tống (1076).  Khoảng cách thời gian của hai sự kiện trên vào khoảng 120 năm.

 

2-  Nhưng sách "Lĩnh Nam chích quái" (LNCQ) do Trần Thế Pháp cũng  soạn trong thời Trần chép câu chuyện trên có chỗ khác. Xin trích một đoạn ở hai trang 97, 98 : " Năm Thiên Phúc nguyên niên đời Lê Đại Hành (980-1005), Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân sang xâm lược nam phương. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch. Đại Hành mộng thấy hai thần nhân ở trên sông vái mà nói rằng: "Anh em thần, một tên là Trướng Hống, một tên là Trương Hát, xưa kia theo Triệu Việt Vương cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ.

       Về sau Triệu Việt Vương mất nước, Lý Nam Đế (1) triệu hai anh em thần. Bọn thần vì nghĩa không thể theo được, uống thuốc độc mà tự tử. Thượng đế thương anh em thần có công lại trung nghĩa một lòng, mới thống lĩnh quỉ binh. Nay quân Tống phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc này để cứu sinh linh". Vua giật mình tỉnh dậy, mừng rỡ mà bảo cận thần rằng: "Có thần nhân giúp ta rồi vậy".  Bèn lập tức đốt hương ở trước thuyền ngự mà khấn rằng: "Nếu thần nhân có thể giúp ta làm nên công nghiệp này, thì xin bao phong huyết thực muôn đời". Đoạn giết súc vật tế lễ, hóa mũ áo, voi ngựa, tiền giấy. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng.  Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

 

  1.          Nam quốc sơn hà Nam đế cư
  2.          Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
  3.          Như hà ngịch lỗ lai xâm phạm
  4.          Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 

( Non sông nước Nam, vua nước Nam ở, Điều ấy đã định rõ trong sách trời. Nếu như giặc Bắc sang xâm lược, Thì sẽ bị lưỡi gươm sắc chém tan như chẻ tre - dịch ý). Quân Tống nghe thấy, xéo đạp vào nhau mà chạy tan, lầm giết lẫn nhau, ai lo chạy thoát thân người ấy, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể.

 

3- Qua các trích dẫn trên, ta thấy lai lịch Trương Hống và Trương Hát thì VĐUL và LNCQ  nói như nhau. Nhưng VĐUL nói Tấn Nam Vương nằm mộng thấy hai Thần họ Trương hiện về, và 120 năm sau hai Thần lại hiện lên đọc thơ "Nam quốc sơn hà..." gúp Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc Tống.  Sách LNCQ lại nói vua  Lê Đại Hành mơ thấy hai vị Thần ấy. Và sau đó hai vị này đọc thơ giữa không trung làm quân Tống khiếp đảm mà thua. Xem vậy, LNCQ tuyệt nhiên không đã động gì đến ông Lý Thường Kiệt mà chỉ nói về Lê Đại Hành ! Mới đây thiền sư Lê Mạnh Thát đã dựa vào LNCQ và một số tài liệu khác nữa đã dõng tuyên bố:  "...Theo chúng tôi ta nên trả bài thơ Thần về cho cuộc chiến tranh 981" (trích giới thiệu tổng quát các công trình nghiên cứu sử học của sử gia Lê Mạnh Thát) .

       Như những gì đã trình bày ở trên Bu tui khẳng định lại một lần nữa, bài thơ "Nam quốc sơn hà ..." cho đến nay chưa có một sử liệu chuẩn xác nào  nói do Lý Thường Kiệt làm ra, mà thậm chí nó xuất hiện vào năm 1076 ( Lý Thường Kiệt đánh Tống) hay năm 981 (Lê Đại Hành đánh Tống) cũng đang là dấu hỏi lớn chờ các sử quan trả lời vậy.

 

(II)

 

Câu bạn Malieng dẫn ra hơi ...bị thiếu !  Đúng ra phải là: "Sử học chỉ là dẫn ra sự ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay". Câu này thể hiện sự nghi ngờ tính khách quan của lịch sử khi nó bị quan phương hóa, do nhà triết học người Anh tên là Bertrand Russel nói (dẫn theo GS Hà Văn Tấn trong tạp chí Xưa & Nay số 0 năm 1994). Ngày 15.11.1966 Bertrand Russel là người đưa ra sáng kiến lập toà án quốc tế xét xử tội ác đế quốc Mỹ. Toà này  được lập ra ở Luân Đôn và đã cử 4 đoàn tới điều tra tực tiếp ở Việt Nam...

 

---------------

 

(1)  Lịch sử nước ta có hai Triều Lý Nam đế. Tiền Lý Nam đế (544- 548) và hậu Lý Nam đế (571-602). Lý Nam đế nói ở đây là hậu Lý Nam đế, phế bỏ Triệu Việt Vương, là triều đại mà Trương Hống và Trương Hát tận trung phục vụ. Hai vị này khi sống cho đế khi chết đều chống lại Hậu Lý Nam đế.




 

44 nhận xét:

  1. Lịch sử VN phải sửa lại nhiều chuyện lắm bác Bu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết nhiều tư liệu, cảm ơn bác Bu...!

    Trả lờiXóa
  3. Có lẽ nhiều chỗ phải viết lại từ đầu

    Trả lờiXóa
  4. Thấy Yên Sơ là vui rồi, tui sang ông hoài nhưng thấy ông lang bạt ở đâu đâu

    Trả lờiXóa
  5. Hihihi...Bác Bu hổng thấy...chim tui vổ cánh liên tu bất tận à...?

    Trả lờiXóa
  6. Có thấy chim ông vổ cánh bên nhà TĐH còn nhà bu bây giờ mới thấy

    Trả lờiXóa
  7. Tử Đinh Hương?
    Cô ấy xinh quá, bác Bu nhẩy...?

    Trả lờiXóa
  8. Đang "Nam quốc sơn hà" lại chuyển sang "chim ông vỗ cánh" nhanh vậy chú Bu ơi?! Hì hì.

    Trả lờiXóa
  9. Không có người phụ nữ nào xấu chỉ có người không biết làm cho mình đẹp mà thôi phải không Yên Sơn

    Trả lờiXóa
  10. Cuộc đời nó thế cháu ạ, từ cái nọ nhảy sáng cái kia
    Luật vô thường mà

    Trả lờiXóa
  11. ...phụ nữ làm đẹp mãi mà vẫn xấu ạ.

    Trả lờiXóa
  12. Cũng như đang yêu người này nhảy sang yêu người khác hén chú.

    Trả lờiXóa
  13. bác Bu có thể nói rõ hơn về vấn đề này không 'Lịch sử nước ta có hai Triều Lý Nam đế. Tiền Lý Nam đế (544- 548)...' ví nhà cháu mới nghe lần đầu...

    Trả lờiXóa
  14. Người này và người khác đều là người yêu :)

    Trả lờiXóa
  15. Hì hì, bửa nay được một bửa mở mang kiến thức. Cám ơn bác :D

    Trả lờiXóa
  16. Ta lớn lên và đã từng cảm xúc vì 4 câu thơ hùng hồn ấy rồi anh Bu nhỉ nên giờ nghe không phải của LTK cũng thấy hơi bẽ bàng nhưng lịch sử luôn có cái giá trị của nó và dù muốn hay không ta vẫn phải trả cho lịch sử sự thật.

    Trả lờiXóa
  17. Những dẫn chứng cuả anh Bu thật hay nhưng cuối cùng vẫn phải đợi câu trả lời cuả nhà sử học để khẳng định mức độ chính xác.

    Trả lờiXóa
  18. Hai người yêu nhau người ta gọi là tìm hiểu. Có thể tìm ra nhưng không hiểu phải tìm lại. Tìm nhiều lần thì gọi là nhảy.
    Cuộc tìm kiếm này thực ra là tìm một mẫu xương sườn của mình lưu lạc trong nhân gian không dễ gì tìm được liền

    Trả lờiXóa
  19. Cảm ơn caulongbachai ghé nà bu

    Trả lờiXóa
  20. Cho nên người ta bảo sự thật hôm nay không thật đến ngày mai kể cũng phải gió nhỉ

    Trả lờiXóa
  21. Sử học là một khoa học, nhà sử học được đào tạo chuyên sâu về khoa học đó . Cho nên những kết luận của họ đáng tin hơn là những người không có chuyên môn. Tất nhiên cũng có nhừng nhà sử học nói tào lao thì ta không kể làm gì

    Trả lờiXóa
  22. Câu chuyện Hai triều Lý Nam đế bu xin nói cực vắn tắt như sau:

    1- Tiền Lý Nam đế (544 – 548)
    Năm 479 nhà Lương bên Tàu sai Tiêu Tư sang làm thứ sử Giao Châu. Chính sách của Tiêu Tư vô cùng bạo ngược, lòng dân căm hờn, oán thán. Lúc bấy giờ ở huyện Thái Bình (Nay là một vùng nào đó ở SơnTây) có ông Lý Bôn đủ tài văn võ cùng với những người nghĩa dũng nỗi lên đánh đuổi Tiêu Tư và chiếm giữ thành Long Biên (Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, tổ tiên người Tây Hán trốn loạn sang Giao Châu, đến Lý Bôn là đời thứ 7, đã thành người bản xứ). Năm 544 Lý Bôn tự xưng là Nam Việt đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Sử Việt gọi Nam Việt đế là Lý Nam đế. Năm 545 nhà Lương sai Trần Bá Tiên đưa quân sang đánh Nam Việt. Lý Nam đế phải bỏ Long Biên chạy về giữ thành Gia Ninh (Phúc Yên ngày nay) sau đó lại chạy về giữ thành Tân Xương (Vĩnh Yên ngày nay). Quân nhà Lương tiếp tục tiến đánh, Lý Nam đế không đich nỗi bèn giao binh quyền cho Triệu Quang Phục (quê Vĩnh Yên ngày nay) rồi chạy về Khuất Liêu. Triệu Quang Phục chống nhà Lương được ít lâu phải lui quân về nơi đầm lầy gọi là Dạ Trạch, tiếp tục dùng chiến thuật du kích đánh lại quân nhà Lương. Năm 548 Lý Nam đế lâm bệnh mất ở Khuất Liêu. Triệu Quang Phục Lên làm vua gọi là Triệu Việt Vương
    2- Hậu Lý Nam Đế
    Khi Lý Nam đế chạy về Khuất Liêu thì người anh họ là Lý Thiên Bảo và người cùng họ là Lý Phật Tử đem quân vào quận Cửu Chân, rồi bị quân Lương đuổi sang Lào. Năm 555 Triệu Việt Vương thứ 7, Lý Thiên Bảo mất, binh quền về tay Lý Phật Tử đến 557 Lý Phật Tử đưa quân về chống lại Triệu Việt Vương, đánh nhau mấy trận bất phân thắng bại, Phật Tử xin đất giảng hòa Triệu Việt Vương nghĩ tình họ Lý chia đất cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử đóng quân ở làng Đại Mô (nay thuộc Từ Liêm) Triệu Việt Vương gã con gái cho Phật Tử để tỏ tinh hòa hiếu. Năm 571 bất thình lình khởi binh đánh Triệu Việt Vương, Việt Vương thua chạy đến sông Đại Nha (nay là Nam Định) nhảy xuống sông tự tận. Người vùng đó cảm thương Triệu Việt Vương lập đền thờ. Lý Phật Tử lấy được thành Long Biên tự xưng đế hiệu đóng đô ở Phong Châu Vĩnh Yên). Sử Việt gọi triều này là hậu Lý Nam đế. Năm 602 nhà Tùy đem 27 doanh quân sang đánh Nam Việt, Hậu Lý Nam đế không địch nổi bèn xin hàng.


    Trả lờiXóa
  23. cám ơn bác Bu, đọc thì mới nhớ là nhà cháu chỉ biết có Tiền Lý Nam đế Lý Bôn chứ Hậu Lý Nam đế thì không biết thật vì tưởng Lý phật tử là khác.... Lúc đầu nhà cháu tưởng tiền Lý, hậu Lý giống như tiền Lê, hậu Lê là 2 thời kì khác hẳn nhau...
    Thực sự giai đoạn lịch sử VN thuở ngàn năm bắc thuộc và thời trước đó rất mờ nhạt. Nếu bác có nguồn post lên để nhà cháu xem với...vì vẫn băn khoăn về cái thời gian 4000 năm...

    Trả lờiXóa
  24. Bạn băn khoăn cái thời 4000 năm là phải

    Cứ tính Từ Kinh Dương Vương cho đến hết Hùng Vương thứ 18 là 20 đời vua trong thời gian từ Năm nhâm tuất (2897 tr Tây lịch) đến năm quí mão (258 tr Tây lịch) là 2622 năm. Như vậy tính trung bình một đời vua 150 năm. Thử hỏi có giống người gì mà thọ kinh khủng như vậy không. Thông thường một đời vua chỉ vào khoảng 35 năm là cùng. Như vậy 20 đời vua chỉ hết 700 năm thừa ra 1922 năm
    Vậy lịch sử nước ta là vào khoảng: 4000-1922= 2078 năm
    Một phép tính như vậy mà không hiểu sao không ai quyết định sửa sai mà bắt học trò phải học. Lạ

    Trả lờiXóa
  25. Một lúc tích vào đầu nhiều kiến thức sẽ bị rối ạ. Đọc để biết kho kiến thức là vô tận, hiểu biết hữu hạn anh Bu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  26. Em thấy lịch sử VN dựa trên 'huyền thoại' và truyền thuyết khá nhiều . huyền sử ?

    Trả lờiXóa
  27. MTV
    Nói thiệt tui đọc báo hằng ngày lại thấy rối tinh rối mù, chứ đọc sách có nhiều mấy cũng không thất rối...Trung thư hữu mỹ nhân (Trong sách có người đẹp) mà hihihi

    Trả lờiXóa
  28. Andro

    Bạn nói đúng lắm vậy
    Vào khoảng Tk 12 ở nước ta xuất hiện quyể sử ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC khuyết danh đến TK 15 Có Ngô Sỹ Liên việt ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ là bộ sử chính thức đầu tiên của đất nước...Nếu xem nước ta có 4000 năm lịch sử thì khoảng 3400 năm không có sử!!! Để viết được các sự kiện trong thời gian trên 3 thiên niên kỉ đó, các sử gia dựa vào sử Tàu. vào các chuyện kể lưu truyền trong dân gian như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Truyền kì mạn lục, Nam Hải dị nhân liệt truyện....mức đọ tin cậy các sự kiện trong các sách này rất hạn chế...

    Trả lờiXóa
  29. Em cứ tưởng anh Bu nói về bài thơ: "Nam Quốc sơn hà....." nhưng khi đọc entrry cùng các comment thì vỡ ra nhiều điều bản thân hoàn toàn không biết gì hết. Như vậy là lịch sữ VN có quá nhiều điều mà các nhà sữ học cần xem xét lại và kịp thời chỉnh đốn lại môn lịch sữ sao cho đúng nhất có thể nếu không các thế hệ con cháu sau này cũng giống như em thôi.
    Xưa này em cứ đinh nình là bài "Nam Quốc sơn hà....." là của Lý Thường Kiệt mà bây giờ biết ra không phải vậy, lòng cứ thấy buồn buồn sao đó, anh Bu à.

    Trả lờiXóa
  30. Sách giáo khoa cũng viết sai ha bác.

    Trả lờiXóa
  31. Hình như người ta cố quên sự giả dối để mặc nhiên cho nó thành sự thật. Thế mới buồn bạn ạ

    Trả lờiXóa
  32. Sai quá nhiều là khác bạn ơi

    Trả lờiXóa
  33. Như vậy làm thế nào giới trẻ có thể biết lịch sử cùa cha ông một cách đúng đắn nếu như chúng bị nhồi bởi những câu chuyện không xác thực như thế, và trách nhiệm trước hết thuộc về ai hở bác?

    Trả lờiXóa
  34. Thực ra, theo tên gọi lâu nay la bài thơ Thần, tác giả khuyết danh là đúng nhất. Không biết từ bao giờ người ta cứ gán cho cụ Lý Thường Kiệt...
    BS bảo bác phải bỏ máy tính thì không đúng rồi, bác mà bỏ thì ốm thêm. Chỉ có điều là dùng ít thôi, mỗi ngày vào 30 phút thôi. Bác phải đi gặp oonh BS khác đi , hii. Chúc bác vui vẻ, mạnh khỏe ạ!!

    Trả lờiXóa
  35. bạn vào trang này của một người quen với mình và có thể góp ý được gì về cái chữ hán nôm mới của thầy ấy ko nhé mình gọi vậy vì đấy là một thầy ở chùa của đà lạt http://viennhu.vnweblogs.com/post/11641/137061#1605360 rất cám ơn bạn

    Trả lờiXóa
  36. Bu vừa đi xa vè sáng nay mới ngồi vào máy, đọc sơ bài của thầy Viên Như, Tôi sẽ đọc lại và có thể có đôi ý kiến nhận xét...

    Trả lờiXóa
  37. Vào xem bao nhiêu lần rồi cuối cùng lại lặng lẽ đi ra đó anh Bu ạ.

    Trả lờiXóa
  38. Lặng lẽ đi ra và để lại vài chữ còn hơn là đi về không

    Trả lờiXóa
  39. Khéo lại thành vận động viên việt dã cháu ơi hihihi

    Trả lờiXóa
  40. Vâng, nếu đếm bước chân ra vào thì dài vạn dặm đó anh Bu ơi!

    Bài rất khó để mà diễn đạt. Lịch sử cận đại còn từ sai đến sai, sai rõ ràng ràng mà chẳng ai đính chính, thì lịch sử xa xa dân ta chịu thua đến thua đó, viết sao thì thế hệ sau biết vậy, nhưng sẽ có người chứng minh được, có lẽ là anh Bu chăng ?? Mong rằng thế!

    Trả lờiXóa
  41. Có một người chỉ quan tâm dến mây gió trăng trời mà cũng nhận ra lịch sử có chỗ sai thì người viết là bu vui rồi

    Trả lờiXóa