Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

TRĂNG HAY LÀ LƯNG ?


Truyện Kiều bản cổ nhất-khắc in năm 1866
LIỄU VĂN ĐƯỜNG-TỰ ĐỨC THẬP CỬU NIÊN




Cột 18 "Một người một vẻ mười phân vẹn mười" 
Cột 20  " Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang"


Cột 813 "Chung lưng mở một ngôi làng"



Câu hỏi nghe lạ! Trăng ở trên trời, lưng ở phía sau bụng thì quan hệ gì với nhau, nhưng ở đời mọi việc kì cục vẫn có thể xẩy ra, thế mới thành chuyện nói cho vui …hihihi.
I - Bạn đọc truyện Kiều của Nguyễn Du mà xem:
Câu thứ 20, tả nhan sắc Thúy Vân có hai cách viết:
  • “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” và
  • “Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang”.
Lý giải vụ này cũng đa đoan lắm.
Chưa thống kê các bản kiểu cổ, nội trong tủ sách của bu tui đã có các bản Kiều sau đây:
A - Các bản Kiều có câu 20: Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

 1.Từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh (nxb KHXH -1974)   
 2. Truyện Kiều bản cổ nhất khắc in năm 1866 (chữ Nôm và chữ Quốc ngữ - nxb Nghệ An - 2004)   
 3. Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Lê Xuân Lít giới thiệu (nxb TN – 2004)    
4. Truyện Kiều Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích (nxb ĐH và THCN -1973)    
 5. Kim Vân Kiều bản dịch ra tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh (có in kèm chữ Quốc Ngữ, nxb Văn học -1994)   
 6. Truyện Kiều đọc ngược của Phạm Đan Quế (nxbTN – 2002)
B - Bản Kiều có câu 20 : Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang

1- Tìm hiểu truyện Kiều của Lê Quế ( sách dày 499 trang nxb Nghệ An 2004)
II- Tại sao có chuyện tréo ngoe trăng lẫn vào  lưng như vậy?
Do cấu tạo chữ nôm không theo một ngữ pháp chuẩn, lại do việc khắc in ngày xưa tùy tiện.
Để hiểu cho tường tận chữ nôm là không dễ. Bu tui chỉ nói vài dòng về loại chữ này để các bạn lâu nay không quan tâm đến nó có thể theo dõi vấn đề bu đang bàn tới. Nôm là Nam, chữ Nôm tức là chữ của người Nam. Chữ Hán ngày xưa chủ yếu lưu hành trong giới cầm quyền và các nhà nho dùng để trứ tác, xướng họa. Mà thực ra chữ Hán không đủ từ ngữ cho người bình dân sử dụng trong sinh hoạt và giao tiếp. Một số người hay chữ buộc phải dùng chữ Hán để “chế biến” ra chữ Nôm. Chẳng hạn để có chữ “lưng”, người ta dùng chữ nhục (thịt) cộng với chữ lăng (vượt). Để có chữ “trăng”, thì dùng chữ nguyệt (trăng) cộng với chữ lăng (vượt)… Do không có quy chuẩn của nhà nước hướng dẫn nên bắc, trung, nam, mỗi vùng viết mỗi khác, có khi trong một vùng lại viết khác nhau tùy quan niệm “người sáng tác” và phương ngữ nơi đó. Do vậy một từ có thể viết được nhiều cách. Như từ “lưng” có 8 cách viết, từ “ngài” có 8 cách viết, từ “trăng” có 4 cách viết... Dưới đây bu tui dẫn ra cách viết các từ: “lưng”, “trăng”, “ngài” “người” rút trong bản Kiều bằng chữ Nôm mà giới khoa học cho là cổ nhất, khắc in năm 1866.

Do chữ nhục và chữ nguyệt trong các bản Kiều được khắc in giống nhau nên chữ “lưng” và chữ “trăng” có cùng tự dạng, làm người này đọc “khuôn trăng đầy đặn” và người kia đọc “khuôn lưng đầy đặn” đều là có lý cả, vấn đề còn lại là tùy cách hiểu của mỗi người mà thôi
III - Vậy lưng đúng hay trăng đúng ?
1- Ông Lê Quế (trong sách Tìm hiểu truyện Kiều, nxb Nghệ An - 2004) cho rằng “khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang” mới đúng như cách nghỉ của Nguyễn Du. Ông lập luận, lúc Thúy Vân mới 22 tuổi mà thoạt nhìn người ta đã thấy trang trọng, đầy đặn, nở nang, đoan trang còn khi luống tuổi thì như một cây cù mộc, tất cả những từ ngữ đó gợi lên cảm giác về một thân thể chắc chắn, đầy đặn, có phần chậm chạp, thân trọng. Đấy là một người đàn bà có đủ chức năng sinh nở, làm vợ, làm mẹ, đảm đang công việc gia đình. Còn nếu đọc “khuôn trăng đầy đặn” tức là Thúy Vân có khuôn mặt tròn xoay như mặt trăng, trán thấp, cằm lẹm, tướng hãm, đã không đẹp lại còn ngố nữa.
2- Học giả Đào Duy Anh trong Từ điển truyện Kiều cho rằng phải là “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, ông giải thích: “ vành mặt tròn trĩnh và nét lông mày dài hơn bình thường là tướng của người phụ nữ phúc hậu. Tả tướng phúc hậu của Thúy Vân.
3- Bu tui cho rằng ông Lê Quế đã tuyệt đối hóa sự ví von trong mô tả văn chương. Khi Đặng Trần Côn viết trong Chinh phụ ngâm “Sương như búa bổ mòn gốc liễu” thì không ai cho rằng tác giả đã thấy giọt sương cũng bằng thép như lưỡi búa. Nhìn vào người phụ nữ chỉ thấy lưng và khả năng sinh đẻ không thôi thì thô thiển và thực dụng. Chắc rằng văn hào Nguyễn Du không viết thế.
4- Xét bản liệt kê ở mục a và b thuộc phần I thì trong 7 quyển sách của bu, đã có 6 quyển ghi “khuôn trăng đầy đặn”, 1 quyển ghi “khuôn lưng đầy đặn”, như vậy khuôn trăng đầy đặn tuyệt đại đa số, chiếm gần 86%
IV - Ngài hay là người
Xem trong bản Kiều Nôm cổ nhất cho đến nay in vào năm 1866 (xem ở đầu bài) thì chữ người (câu 18) và chữ ngài (câu 20) phân biệt nhau rất rõ:
* Câu 18: “Một người một vẻ mười phân vẹn mười”
Trong bản Nôm, chữ người ở vị trí thứ 2 đọc từ trên xuống gồm ½ chữ ngại + chữ nhân
* Câu 20: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”
Trong bản Nôm, chữ ngài ở vị trí thứ 6 đọc từ trên xuống gồm chữ trùng +1/2 chữ ngại
Như vậy ngài thay vì người đã được chính Nguyễn Du trả lời bằng văn bản, thiết nghỉ khỏi phải bàn luận.
Học giả Thạch Giang nói thêm : “Nét ngài, ngài tức com bướm tằm, đây nói nét ngài là bởi chữ tàm my (mày tằm) hay ngọa tàm my (mày tằm nằm) = nét lông mày cong, đậm mà thanh, Chỉ lông mày đẹp nói chung”


66 nhận xét:

  1. Blogspot dở chứng:
    * Nó tự động tô vàng mấy chữ....
    * Hàng thưa ra rất vô duyên
    Edit hoài mà vẫn chịu bác nào tư vấn giùm...

    Trả lờiXóa
  2. Theo thiển nghĩ của em thì cách hiểu: "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" là chuẩn ạ.
    Bác đánh text trực tiếp ở trang blog hay ở word?
    Bác có copy văn bản ở trang web nào không? Kể cả trang của bác (Em hỏi thế vì định dang của các trang web có thể khiến văn bản hiển thị không theo ý mình).
    Cách sửa: Bác xóa hẳn những chữ bị tô vàng, đánh lại ở word và copy vào trang blog.
    Hàng bị thưa thì đặt dấu nháy vào phần trống đầu hàng rồi nhấn delete hoặc backspace. Nếu không được nữa thì copy ra word căn chỉnh lại.
    Hoặc bác nhấn vào điều chỉnh bài viết, bôi đen những hàng bị thưa rồi nhấn vào chữ T có dấu x màu đó(xóa định dạng của thanh công cụ phía trên. Rồi căn chỉnh lại. Lưu ý: Cách này thường làm font chữ bị nhỏ đi so với văn bản hiện tại. Khó dùng hơn cách copy ra word.
    Nói chung, từ lần sau soạn thảo bài viết bác cứ soạn, chỉnh sửa, căn dòng, lề ở word rồi copy sang blog. Như thế sẽ đỡ bị lỗi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm theo hướng dẫn của Yên Vũ bu đã bỏ được mấy chỗ màu vàng sẽ nghiên cứu thêm. Cảm ơn Yên Vũ nhiều nhiều

      Xóa
    2. Thật ra cũng không cần viết bài ra trang word của windows, trước giờ M chưa bao giờ viết ra word ở windows cả. Ở đây ta có thể vừa viết vừa lưu để giữ bài cho khỏi mất khi có sự cố, sau khi viết, đưa hình ảnh và chỉnh xong thì mới publish bài.

      Riêng M thì có 1 đoạn code font chữ để đưa vào đầu trang trước khi viết entry, với mục đích cố định font và size chữ và cho chữ dàn đều trang ngay từ đầu, còn nếu không thì vẫn viết bình thường theo mặc nhiên của trang blogspot này vẫn đẹp.

      Xóa
  3. Cái anh chữ NÔM nó phức tạp thế! Em chỉ đọc bài của anh không dám nhận xét chữ ngiã gì , Mong anh khỏe !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihihi Sỏi khiêm tốn quá chăng

      Xóa
    2. Vừa đọc cái tên bài, Kichbu không biết mình nên xem Trăng hoặc ngó lưng..:)

      Xóa
    3. Nên vừa xem vừa ngó Kích Bu à

      Xóa
    4. Ý đừng có mà nghe lời bác Bu vừa xem Trăng vừa ngó Lưng, té đó.. hihi
      Mà Kichbu thì phải ngó cái lưng trước rồi.. hihi

      Xóa
  4. Khi bước vào học Trung học Đệ Nhất cấp: từ năm Đệ Thất đến Đệ Tứ giống như từ lớp 6 đến lớp 9 bây giờ, thì học sinh phải học môn Cổ văn, trong đó có học Kiều, Chinh phụ ngâm khúc... trong phần nghị luận và bình thơ, thì thú thật M chưa bao giờ M nghe đến Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang cả anh Bu ạ.

    Trong dân gian khi nói về vẻ đẹp của phụ nữ:
    Nếu nói về gương mặt thì có: Gương mặt trái xoan, khuôn trăng (bây giờ gọi là khuôn mặt tròn), nam thì có gương mặt chữ điền..

    Gương mặt trái xoan thường thấy ở những phụ nữ đẹp (hoa hậu bây giờ thường có khuôn mặt này).
    Gương mặt tròn (khuôn trăng) thường thấy ở những phụ nữ hiền thục phúc hậu..

    Nếu nói về lông mày thì có:

    - Đôi mắt lá dăm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền
    - Lợn kia trắng mắt thì nuôi, người kia trắng mắt chơ’ chơi mà phiền.

    Những người mắt trắng môi thâm
    Ví chẳng hại chồng thì cũng hại con.

    V.v..

    Riêng trong Kiều, khi tả về Thúy Vân cụ Nguyễn Du đã viết:

    "Đầu lòng hai ả tố nga,
    Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
    Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
    Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

    Vân xem trang trọng khác vời,
    20.. Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
    Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
    Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da."

    Trước hết nói về logic thì khi mới mô tả một con người, thì ta thường ngắm và tả về gương mặt trước, để xem nét mặt người đó có sắc không, nhìn có hồn không, có nét đẹp hay duyên dáng không..? chứ không lý nào mới nhìn vào một con người, người ta nhìn ngay vào cái lưng ngay, đây là quá thô thiển và là điều không thể, mà khi tả về cái lưng thì nhân gian đã có "Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều khồng lại khéo nuôi con." chứ không chưa nghe ai nói là "khuôn lưng đầy đặn" cả.

    Ở 4 câu thơ mô tả về Thúy Vân thì ta thấy Nguyễn Du dùng những từ ngữ: "Khuôn trăng" đầy đặn, "nét ngài" nở nang. "Hoa cười" "ngọc thốt" đoan trang, "Mây" thua nước tóc, "tuyết" nhường màu da - để mỹ từ hóa vẻ đẹp trên gương mặt của Thúy Vân, chứ không thể tả cái lưng đầy đặn nở nang đặt trên cái môi miệng, trên làn da mái tóc của Thúy Vân được...

    Mà "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" hay "mắt lá răm lông mày lá liễu" này thì bà già này thường nghe từ khi còn bé..:)

    Vài giòng ý kiến riêng của Lão Bà bà vào một buổi sáng chủ nhật Tiết Nguyên Tiêu năm Quý Tỵ này, có gì chưa đúng nhờ Trưởng lão chỉ bảo cho.. hihi.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở trên bu có nói trong 7 quyển Kiều Bu có thì chỉ một quyển viết "khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang". Quyền này ông Lê Quế lấy theo "Bản kinh Tự Đức năm 1870"
      Thời TTM đi học cũng may mà giáo khoa không chọn quyển này.

      Xóa
    2. "Khuôn lưng đầy đặn" là loại lưng mà "Nằm nong thì chật, nằm phản thì vừa" ?!...

      Xóa
  5. Đang mạch tả khuôn mặt của Thúy Vân với da, với tóc thì chắc chắn là phải khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang rồi, cái dị bản kia lạc vào dở quá bác Bu nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sâu xa là bản Tự Đức 1870 ghi như vậy và ông Lê Quế nghe theo, thế mới sinh chuyện

      Xóa
  6. Cám ơn Bu đã cho người đọc hiểu thêm về Truyện Kiều

    Trả lờiXóa
  7. Bây giờ có rất nhiều các "học giả" mà rất ít "học thật" như Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy,Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn,... Vì vậy chỉ cần dẫn một câu "khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang" thì đã không nên mất tiền để mua và mất thời để đọc những loại sách gọi là nghiên cứu như của ông Lê Quế nào đó mà bác Bu đã dẫn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không mua sách ông Lê Quế thì không biết Năm 1870 thời vua Tự Đức có bản kiều ghi "khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang" và không có dịp tìm hiều chữ lưng và chữ trăng viết giống hệt nau. Tức là học thiệt như cụ Nguyễn Du cũng chấp nhận chữ nhục và chữ nguyệt là một.
      Bu tui lại quan niệm đọc cái cực hay và cái cực dở cũng là sự hiểu biết. Thực ra 500 trang sách ông Quế có nhiều điều rất hay không đọc thì không thể biết được...

      Xóa
  8. 1.Ruchung tôi đọc entry này đến đoạn có số liệu: 6 (trăng) / 1 (lưng) ngay trong tủ sách của Bác Bu thì thôi, không đọc tiếp nữa, vì tự nó đã là đáp án của câu hỏi dành cho entry này rồi.
    2. Tuyện Kiều được Nguyễn Du dịch / phóng tác từ truyện (văn xuôi) "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm tài nhân (Trung Quốc). Tố Như là bậc đại tài, là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ, được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc", và năm 1965, ông được Hội đồng hòa bình thế giới vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Năm 1809 Nguyễn Du được bổ chức Cai bạ (hàm Tứ phẩm) ở Quảng Bình và theo truyền ngôn, nhờ có thời gian này mà Truyện Kiều của ông có thêm được câu thơ nổi tiếng:
    Buồn trông cửa bể chiều hôm
    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
    Tuy nhiên, Ruchung tôi vẫn tiếc rằng, với tài năng thiên bẩm dư thừa của mình, giá như Tố Như chú tâm sáng tạo ra một sản phẩm 100% Nguyễn Du, 100% Việt chứ đừng phóng tác từ ai cả thì tuyệt hảo (Ấy chết, Ruchung tôi lại đang mượn Hán-Việt rồ nếu không, biết diễn đạt sao đây!)i,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Nếu chỉ luận về đa số thì Khuôn trăng thắng đứt khuôn lưng rồi, nhưng bu tui muốn bạn đọc hiểu tại sao lại có chuyện TRĂNG và LƯNG lẫn vào nhau như thế thành ra mới dài dòng. Bài viết này nhằm trả lời câu hỏi của bạn PNH bên blog Opera, nhân thể post lên đây luôn.
      2- Xưa nay hình như cái bóng văn hoa Tàu nó trùm lên xứ mình rộng quá kỹ quá, làm các cụ ta khống trứ tác được gì là của riêng mình. Tất cả các huyền thoại giai thoại xứ ta thì bên Tàu đã có rồi... Ngay như ông Lê Quý Đôn viết Phủ niên tạp lục thì hầu hết đều nói ông này nói ông kia nói...mà các ông này kia ấy đều người Tàu. Ngài LQĐ không nói được bao nhiêu.

      Xóa
    2. Chữ Nhục và chữ Nguyệt giống hệt nhau khiến người ta tranh cãi, Ruchung tôi đã gặp trong chữ HỒ (Hồ Xuân Hương), theo đó, họ của nữ sỹ trứ danh này không biết là CỔ NGUYỆT hay là CỔ NHỤC vậy.

      Xóa
    3. Bạn Ruchung đặt vấn đề rất hay
      Chả nhẽ nữ tài danh như Hồ Xuân Hương lại không biết chữ Hồ gồm cổ và nhục mà còn treo bảng Cổ nguyệt đường trước cửa nhà cũng là nơi dạy học trò ???

      Xóa
  9. Thiệt là thú vị, đúng là "tam bách dư niên hậu" thiên hạ cũng cỏn bàn chuyện Tố Như! Các bạn mà nghe cụ Hường Định (hồng lô tự khanh thời Bảo Đại) chỉ ra những chỗ sai của Nguyễn Du theo kiểu "chẻ sợi tóc làm tư" thì còn thú hơn nữa. Ví dụ, cụ bảo : Cõi người ta mà trăm năm là trật, phải bảo là: Trăm năm đời mỗi người ta mới đúng. HN có may mắn nghe cụ phân tích chỗ sai khá nhiều câu, vui lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Bác Hồng Ngọc nên chăng có một Entry về đề tài bác nói để anh em sang bác hầu chuyện cho vui.
      2- Về cái trật của cụ Tố Như thì bu tui nghỉ: Trăm năm trong cõi người chứ không phải cõi người chỉ có 100 năm. Cõi người là cái nơi con người sinh ra phát triển, nhà Phật gọi là cõi ta bà. Trong cái cõi ấy mỗi con người chỉ tồn được 100 năm mà thôi.
      3- Về cái câu "Đêm đêm hàn thực ngày ngày nguyên tiêu" mới có vấn đề. Đúng ra phải là đêm đêm nguyên tiêu ngày ngày hàn thực chứ
      hihihi

      Xóa
    2. Trăm năm trong cõi...trong trường hợp này không phải con số xác định 100, mà là sự phiếm chỉ thời gian dùng để chỉ một khoảng thời gian vừa đủ để chứng thực một nội dung có tính tổng kết nào đó mà "người ta"/người nghe không thể hoài nghi:
      - Cụ ấy trăm tuổi lâu rồi ( Chỉ một ông cụ đã mất, cho dù cụ có mất vào lúc 120, 100, 80... tuổi thì "người ta" vẫn cứ nói là "trăm tuổi"!)
      - Chúc hai bạn bách niên giai lão ( cho dù sau này hai cụ có giai lão cùng nhau chỉ bát niên thì cũng được "người ta" coi là bách niên rồi!)
      - Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau ( "người ta" đã tổng kết rồi, phàm ở đời (cõi người ta) tài, mệnh thường tương đố vậy!)

      Xóa
    3. Nhất trí với bạn 100 là con số biểu tượng. Người ta sống đượ 90 năm hoặc 101 năm thì khi nằm xuống cũng được gọi ông bà ấy đã 100 tuổi.
      Như bu tui đây con cái hỏi mai kia 100 tuổi ba ưng lên chùa hay về quê... nhưng liệu có được 80 không đây!

      Xóa
    4. Trở lên là câu chuyện "Trăm năm...", Bây giờ Ruchung tôi nói đến "Cõi người ta" theo cách hiểu của mình.
      1. "Cõi người ta.." trong câu thơ của Tố Như, theo Ruchung tôi không phải là Cõi Ta bà như Bác Bu đề cập, mà đó là cõi lòng (người ta). Cõi Ta bà rộng rãi lắm, bao gồm cả vô cơ, hữu cơ, vô tình, hữu tình, tự nhiên, xã hội, loài người và các sinh vật sống khác không phải người... cùng tồn tại, cùng cộng sinh và đào thải lẫn nhau trên dương thế chật hẹp khổ đau nhiều hơn sung sướng này . Trong sự mênh mông ấy của cõi Ta bà, chỉ có một bộ phận rất nhỏ, rất vi diệu đó là trí tuệ, tình cảm con người (cõi lòng (người ta)), trải qua thời gian (trăm năm phiếm chỉ) mới nhận thức và diễn đạt cho đồng loại hiểu được TÀI MỆNH TƯƠNG ĐỐ (Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau) mà thôi! Như vậy, vả chăng Cõi lòng (người ta) là tổng hợp những giá trị tinh thần thể hiện ở trí tuệ, tâm hồn, đạo lý, thị hiếu, thẩm mỹ, niềm tin... của con người trong quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với người khác và với chính bản thân? Theo đó, "Cõi người ta" là cõi bên trong của con người, của loài người vậy!. Tố Như, từ Cõi lòng tài hoa, đồng điệu đầy trắc ẩn của mình đã khái quát từ cõi lòng (người ta) một tư tưởng ai oán và bất hủ đến mức "tam bách dư niên hậu" hậu thế vẫn còn say sưa bàn luận mà không dám chắc luận điểm của mình đã đủ và đúng:
      Trăm năm trong cõi người ta
      Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
      2. Cõi (chữ Nôm) là không gian thật hoặc ảo bao quát trọn vẹn một khu vực nào đó do con người quy ước, do vậy ta có: Cõi trời, Cõi dương, Cõi âm... và sau đó còn phái sinh "phân ngành" ra: cõi lòng, cõi người, cõi tình, cõi nhớ, cõi đi về... Khái niệm CÕI (chữ Nôm) dân gian, theo Ruchung tôi là tương đương với khái niệm QUYỂN (chữ Hán) khoa học. Để tiện kiểm soát, thời hiện đại người ta chia vũ trụ thành nhiều Quyển và mỗi Quyển cũng là một không gian quy ước thực, ảo bao quát một khu vực nào đó: khí quyển, thạch quyển, thủy quyển, sinh quyển ...Gần đây, trong quá trình phát triển của nhận thức, không ít người đã đề nghị cần phải thừa nhân thêm một Quyển nữa: TÂM QUYỂN (lòng người), bởi đó là một "thực thể" khách quan đặc biệt, là tổng hợp những giá trị tinh thần thể hiện ở trí tuệ, tâm hồn, đạo lý, thị hiếu, thẩm mỹ, niềm tin... của con người, cần phải được xã hội tôn trọng, xem xét một cách khoa học, hệ thống và mỗi người phải thường xuyên tu tập, rèn luyện thì mới hướng được TÂM QUYỂN tới cái Chân, Thiện, Mỹ trong quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với người khác và với chính bản thân.
      3. CÕI (dân gian) = QUYỂN (khoa học), CÕI NGƯỜI TA = TÂM QUYỂN, xem ra Tố Như đã nhìn thấy TÂM QUYỂN từ thời trung đại, điều mà đến bây giờ con người hiện đại mới đề xuất công nhận như một "thưc thể" khoa học. Chính thế mà Ruchung tôi rất tự hào về câu thơ mà Tố Như hạ cố viết về cửa biển Nhật Lệ (chẳn biết có đúng không, nhưng thấy giống), quê hương của kẻ viết những dòng này và cả của Bu:
      Buồn trông cửa bể chiều hôm
      Tuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa..
      Những câu thơ như thế này từ lòng người đi đến lòng người thật đễ dàng và tự nhiên. Theo đó, chả mấy chốc sẽ lan toả toàn bộ Cõi người ta, toàn bộ Tâm quyển bởi đơn giản nó được Tố Như viết ra từ Cõi lòng của thi sỹ!

      Xóa
    5. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh giảng chữ cõi : “Chỉ chung phạn vi một miền, một vùng, một khoảng không gian rộng có giới hạn vd Trăm năm trong cõi người ta”. Như vậy, cõi người ta là một vùng, một khoảng không gian rộng trong đó có con người sinh sống. Trong giải thích đó không đề cập đến cõi lòng con người mà là con người nói chung. Cõi trong đó con người sống còn gọi là cõi thế, cõi trần, cõi ta bà. Tại sao bu tui viết cõi người ta là cõi ta bà ? Vì định nghĩa của từ điển Phật học (của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách nxb Thuận Hóa 1999) nói rằng cõi ta bà là” “cõi của con người, chịu nhiều đau khổ nên phải kham nhẫn tu học để đạt chính quả”

      Xóa
  10. [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_3964_zps314fba07.jpg[/IMG]

    Bạn TTM xem trăng nguyên tiêu ở Thiền Viện Chơn không có giống trăng Nguyên tiêu bên ấy không

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh dùng photobucket post vào comment thì dù ở trang bên blgo của M hay ở đây thì M cũng không thấy được. Không hiểu sao khi sang bên này thì M không đăng nhập được vào photobucket nữa.

      Nãy anh viết nhắn ở trang M, M tưởng anh post từ máy tính vào entry nào đó thì M có thể xem được. Hay là viết một chuyện gì về trăng? hihi

      Xóa
    2. Thế thì botay.com cái xứ Phnompenh của bạn rồi hehehe

      Xóa
  11. Entry ni khó còm à nha, thôi chúc câu ngày mới an lành rồi về nè. hehe

    Trả lờiXóa
  12. Trong chữ Nôm "trăng" và "lưng" tự dạng viết giống hệt nhau. Duy chỉ có chữ "người" và "ngài" viết khác. Các bản Kiều viết là "ngài" thì chữ trước được dịch là "trăng". Bản viết là "người" cho nên chữ trước được dịch là "lưng" cho phù hợp (!). Trường hợp dịch như thế gồm cả nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký, và nhà Hán - Nôm học Nguyễn Quảng Tuân.

    Theo tôi người xưa nói chung, và Nguyễn Du không tả nét đẹp của người con gái một cách sỗ sàng như thế (lưng với người). Ngay cả khi tả Từ Hải là trang nam nhi, Nguyễn Du cũng còn nói "râu hùm, hàm én, mày ngài" để ví von, lẽ nào Nguyễn Du lại đi lấy các bộ phận cơ thể là lưng với người để tả Thúy Vân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Lê Quế là một tay khá lắm nhưng đến đoạn Lưng và người là không chấp nhận được hihihi

      Xóa
  13. Riêng trong chữ "Cõi người Ta" (trăm năm trong cõi người ta), tôi cũng đồng ý với cách giải thích của bác Bu là "Cõi ta bà" (nói chung là cõi người, nơi chốn của con người), cũng như Bùi Giáng đã dịch chữ "Terre des hommes", một quyển sách của Saint Exupery là "Cõi người ta". Trong câu của Nguyễn Du ta còn phải xét thêm câu đi sau nữa "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau". "Tài" và "mệnh" chỉ có thể ghét (đố kỵ) nhau ở "cõi người" (cõi người ta, cõi của con người) thôi, chứ trong "cõi lòng" người ta (tức là trong tâm hồn của con người, của mỗi con người), thì "tài" với "mệnh" đố kỵ nhau để làm gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mời bạn PNH sang chỗ Ruchung tham gia "bình loạn: chư cõi, ông Ruchung và ông NANO không cho cõi người là cõi ta bà, ở đó bu tui có còm dài lắm

      Xóa
    2. Cõi người đương nhiên là cõi Ta bà, vì con người sống trong cõi này. Nhưng "Cõi người ta" trong tương quan "tài mệnh ghét nhau" ở câu thơ cụ thể này của Tố như thì theo Ruchung tôi không cần phải "huy động" cả cõi Ta bà làm không gian sống cho nó, vì rộng rãi quá, và cả vì có chỗ ở đó "tài mệnh" không sống được ( chốn muông thú, chốn thảo mộc, chốn hoang dã...). Trong Cõi có Cõi. "Cõi người ta - con người - lòng người" nằm trong cõi Ta bà. Tuy nhiên, "tài mệnh tương đố" là do người ta sinh ra, do đó nó chỉ cần sống trong "cõi người ta - lòng người" là vừa đủ .
      Trăm năm trong cõi người ta
      Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
      Câu này dịch xuôi thì hẳn ai cũng hiểu: phàm là con người - lòng người, thì muôn thủa (trăm năm) là tài mệnh tương đố vậy. Theo đó, có lẽ không cần phải viện đến cả cõi Ta bà trong trường hợp này cho lãng phí, cho dù con người - lòng người - tài mệnh đang ở cả trong đó!
      Đó là ý Ruchung tôi mà.

      Xóa
  14. Xin phép bác Hồng Ngọc được "tán nhảm" thêm ở nhà bác Bu một của bác. Câu "trăm năm trong cõi người ta" nữa, bác Hồng Ngọc viết: "cụ bảo : Cõi người ta mà trăm năm là trật, phải bảo là: Trăm năm đời mỗi người ta mới đúng." Hihi, không biết có cụ nào lại hiểu ngộ nghĩnh như thế. Câu ấy chỉ có thể hiểu là "chuyện trăm năm (ví như chuyện một đời người), trong cõi người ta (cõi của con người) thôi. Tiếng Việt mình nhiều khi phải "hiểu ý" chứ không "hiểu nhời".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ nào đó rỗi rãi phản biện chơi mà ...hehehe

      Xóa
  15. Tôi muốn quay lại đây để nói một ý cuối. May mà câu Kiều trên người xưa - nay chỉ dịch có 2 cách như thế, chứ nếu theo đúng như "chữ" (tự dạng) trong các bản Kiều Nôm, hoàn toàn có thể dịch:

    1/Như đa số bản Kiều ta đã biết (bên trên bác Bu trích dẫn 6 bản): "Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Hoặc như 1 bản Kiều (1 bản): "Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang".

    2/Vì chữ "lưng" và chữ "trăng" trong chữ Nôm viết giống hệt nhau, nên cũng có thể dịch: "Khuôn lưng đầy đặn nét ngài nở nang", hay "Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang".

    Nếu có những bản dịch như thế còn "rối" ác nữa. Và như chúng ta đã biết, tại sao chỉ có 1 bản Kiều Nôm thay vì viết chữ "ngài" lại viết chữ "người"?. Có lẽ do một lý do nào đó, người chép chữ Nôm đã chép sai "ngài" thành "người". Bởi như đại đa số ý kiến xưa nay trên sách vở đã nhận xét về vấn đề này, người xưa, nhất là một thi hào tài hoa như Nguyễn Du, không thể dùng cách ví von thô thiển như thế, để tả nhan sắc của Thúy Vân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều bạn nói bu tui có suy nghỉ tới, chắc chắn rằng đã có người chép nhầm ngài và người, bản nôm bu có hai chữ khác nhau rất rõ:
      * trùng + 1/2 ngại = ngài
      * 1/2 ngại + nhân = người
      Nếu mọi người đọc kỹ được như bạn thì vui cho người viết biết bao

      Xóa
    2. Chữ Nôm "ngài" và "người" viết khác nhau là quá rõ rồi. Có điều bản chép là "người" lại là bản của Tiểu Tô Lâm - Nọa Phu chép tại kinh đô Huế năm 1870, khi đang làm quan ở bộ Công dưới triều Tự Đức (Kiến Thức Ngày Nay số 789, ngày 10-07-2012, trong bài Vẻ đẹp Thúy Vân và những ngộ nhận, của Nguyễn Cẩm Xuyên)). Một vị quan chép như thế cũng lạ.

      Đọc kỹ mới nắm được vấn đề bác ạ (cũng là một thói quen), và tuy chỉ là vui chơi, nhưng có nắm được vấn đề, thì... ý kiên ý cò mới trúng ý của người viết, chứ không sẽ nói trật lất... trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì chán lắm.

      Xóa


  16. Quan chép nhầm thì cũng là sự thường
    ở Đồng Hới có chùa Phổ Minh, treo đại Hồng chung thời Thành Thái
    Chữ chung là chuông lại khắc ra chung là chén uông trà, bu tui phát hiện ra, nhà sư mới à ... té sai từ thới vua Thành Thái hehehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô, trường hợp chữ "chung" này hay đấy. Tôi thử tra trong sách như Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Thiều Chửu thấy chữ chung (chén uống trà, rượu 9 nét), và chung (chuông, 12 nét) có khác nhau, tuy nhìn thoáng qua thấy hơi giống. Nhưng sang đến từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan, bản của NXB Từ điển Bác Khoa in năm 2008, thì ở chữ chung là chén uống trà (9 nét) lại ghi rất rõ, chữ chung này có 5 nghĩa: 1/Chén uống rượu. 2/Đơn vị đo lường cổ, đựng được 6 hộc 4 đấu. 3/Cái chuông, dùng như chung (chữ Hán - chữ chung 12 nét). 4/Tụ tập lại. 5/Họ người.

      Như vậy theo từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan thì chữ "chung" ở chùa Phổ Minh Đồng Hới, viết cũng không sai. Trường hợp này hay, bác thử tra lại xem.

      Xóa
  17. Bạn PNH
    1- Lúc nói với ông sư chùa Phổ Minh thì bu tui mới có từ điển Thiều Chữu giải thích 鐘 là chuông, còn 鍾 là chén uống rượu.
    Sách tìm về cội nguồn chữ Hán cũng nói như thế.
    Sau này có thêm nhiều sách thì mới hay rằng ngoài nghĩa chén uống rượu thì chữ thứ 2 còn có nghĩa chuông. Tuy nhiên đó là nghĩa phụ, nghĩa không chính thức. Nếu bu tui đúc một cái chuông thì sẽ khắc chứ thứ nhất 鐘 với nghĩa chính là chuông.
    2- Bạn xem từ điển điển tử giải thích hai chữ chung. Chữ thứ hai nghĩa chính là chén uống rượu nhưng ở mục 3 có dòng
    § Thông chung 鐘. Tức còn thêm nghĩa cái chuông
    Ở đời vẫn có tuyệt đối đúng là chính và tương đối đúng là phụ. Bạn thử đến vài chùa xem sao bu thì đã thấy trừ chùa Phổ Mỉnh ra thì tất cả đều khắc chữ 鐘

    Trả lờiXóa
  18. (tiếp theo)
    (1) 鐘 chung
    钟 zhōng
    ________________________________________
    1. (Danh) Chuông (nhạc khí ngày xưa, thường làm bằng đồng, dùng khi tế tự, yến tiệc hoặc chỉ huy chiến đấu).
    2. (Danh) Chuông (chùa). ◇Dữu Tín 庾信: San tự hưởng thần chung 山寺響晨鐘 (Bồi giá hạnh chung nam san 陪駕幸終南山) Chùa núi vang tiếng chuông buổi sớm.
    3. (Danh) Đồng hồ. ◎Như: thì đồng 時鐘 cái đồng hồ.
    4. (Danh) Giờ, thời gian. ◎Như: hạ ngọ tứ điểm chung 下午四點鐘 bốn giờ chiều.
    5. (Danh) Lượng từ: đơn vị dung lượng thời xưa, bằng mười hộc 斛.
    6. (Động) Điểm chuông, kêu chuông. ◇Phương Văn 方文: Tiếu thoại yêm trường trú, Quy thì tự dĩ chung 笑話淹長晝, 歸時寺已鐘 (Tiếp đãi đình phóng phan giang như 接待亭訪潘江如) Nói cười mãi cả ngày dài, Lúc về chùa đã điểm chuông.


    (2) 鍾 chung
    钟, 锺 zhōng

    1. (Danh) Chén uống rượu.
    2. (Danh) Lượng từ: đơn vị dung lượng, sáu hộc bốn đấu là một chung. ◎Như: vạn chung 萬鍾 ý nói bổng lộc hậu. ◇Nguyễn Trãi 阮廌: Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên? 萬鍾九鼎何必然(Côn sơn ca 崑山歌) Muôn chung chín đỉnh để làm gì?
    3. (Danh) Cái chuông (nhạc khí). § Thông chung 鐘.
    4. (Danh) Họ Chung. ◎Như: Chung Tử Kì 鍾子期. ◇Nguyễn Trãi 阮廌: Chung Kì bất tác chú kim nan 鍾期不作鑄金難 (Đề Bá Nha cổ cầm đồ 題伯牙鼓琴圖) Không làm được Chung Kì vì đúc tượng vàng Chung Kì khó.
    5. (Động) Tụ họp, tích tụ. ◎Như: chung linh dục tú 鍾靈毓秀 tụ hội anh linh un đúc xinh đẹp,nhất kiến chung tình 一見鍾情 vừa mới gặp đã dốc lòng thương yêu. ◇Đỗ Phủ 杜甫: Tạo hóa chung thần tú, Âm dương cát hôn hiểu 造化鍾神秀, 陰陽割昏曉 (Vọng Nhạc 望岳) Tạo hóa tích tụ vẻ đẹp lạ thường, Âm dương (phía bắc và phía nam của núi) vạch rõ tối và sáng.


    Trả lờiXóa
  19. Tôi cũng nghĩ là rất hiếm chùa ghi chữ chung (9 nét) mà đa số các từ điển Hán Việt chỉ ghi nghĩa là chén uống trà, rượu, lên chuông như chùa Phổ Minh ở Đồng Hới, có lẽ đây là trường hợp hiếm gặp.

    Trong phần sách tham khảo khi viết từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan, có ghi tham khảo nhiều quyển từ điển của Trung Hoa, như Khang Hi tự điển, Từ Hải, Từ Nguyên, Trung Quốc truyền thống văn hóa tự điển..., cùng nhiều sách tự điển Hán Việt của VN và các loại sách khác. Tôi nghĩ, có lẽ trong một vài quyển tự điển xưa nào đó của Trung Hoa, có ghi nghĩa như thế (có thể là ngĩa ngày xưa, bây giờ ít hoặc không còn dùng), nên Nguyễn Tôn Nhan mới viết ở từ điển của ông về chữ chung như vậy.

    Tôi chỉ nói là "Như vậy theo từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan thì chữ "chung" ở chùa Phổ Minh Đồng Hới, viết cũng không sai.", và muốn nêu lên để bác hay những bậc cao nhân khác tham khảo chỉ vẽ lại. Cám ơn bác đã cho biết thêm nhiều điều.

    Trả lờiXóa
  20. ... Nếu tôi mà đúc một chiếc chuông, cũng như bác tôi sẽ ghi chữ Hán là chữ chung (12 nét) mà đa số từ điển ghi nghĩa là cái chuông, chứ không viết chữ chung 9 nét. Nhưng nếu được đến chùa Phổ Minh Đồng Hới xem chiếc chuông bác đã nói, hay tình cờ gặp đâu đó chiếc chuông ghi chữ chung 9 nét, tôi sẽ... cười hoài. Người xưa có khi thật... cắc cớ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Về tung tích chiếc chuông này cũng ly kì lắm. Nguyên nó ở chùa Non trên đỉnh núi Thần Đinh, bọn Pháp cho quân lên khiêng về để chở sang pháp. Dân Đồng Hới kiên quyết đòi lại và gửi trên chùa Phổ Minh. Sư sải ở đây tù mù chữ Hán nên nói gì nghe nấy vậy thôi. Bu tui đã có viết bài khá dài "Nỗi oan núi Thần Đinh" và nói đễn chiếc chuông này. Hồi đó chỉ nói theo Thiều Chữu ở QB không ai phản biện gì cả. Hôm nay PNH là người phản biện đầu tiên, có thế mới hiểu sâu và nhớ kỹ được, phải không?

      Xóa
    2. Hihi, tôi hoàn toàn không phản biện, bởi tôi cũng đồng tình với chữ chung có nghĩa là chuông, bài viết "Nỗi oan núi Thần Đinh" của bác là đúng chứ đâu có sai. Đối với đa số từ điển Hán Việt quen thuộc như của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, thì đúng là chữ chung 9 nét ở chùa Phổ Minh là viết sai rồi, bởi chữ chung này chỉ ghi nghĩa là cái chén uống trà, uống rượu. Chỉ riêng quyển từ điển của Nguyễn Tôn Nhan mới có thêm nghĩa là cái chuông, cho nên tôi mới nói "theo từ điển của NTN" thì viết "cũng không sai", có thể hiểu là "tương đối đúng" như bác đã viết bên trên.

      Tôi muốn nêu ra chính là với ý để được bác tìm hiểu thêm vấn đề nói lại cho nghe, để hiểu sâu và kỹ hơn một chuyện lý thú.

      Xóa
    3. Chưa đọc kỹ lắm các lời biện luận của các anh, nhưng đúng là người Hán dùng chữ Chung với các nghĩa sau:

      Chữ Chung có 9 nét 鍾 :
      cup, glass: cái cốc, cái ly.
      goblet: cái chung uống rượu
      surname: họ Chung

      Chữ Chung có 12 nét 鐘 :
      clock : đồng hồ
      bell : cái chuông.

      Các anh có thể tham khảo tự điện sau:
      http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE9Zdic90Zdic98.htm

      Xóa
    4. À chữ Chung đồng âm với nhiều nghĩa lắm, M chỉ nêu ra 2 từ Chung có bộ Kim 金 mà các anh nêu 9 nét và 12 nét mà thôi.

      Xóa
    5. Chị Bà Già tham gia nữa hay quá. Đúng, cả 2 chữ CHUNG đều thuộc bộ KIM, cho nên ngoài chữ CHUNG 12 nét nghĩa chính là cái chuông, thì có thể Từ điển của Trung Hoa ngày xưa mới viết chữ CHUNG 9 nét là chén trà, có nghĩa phụ là cái chuông, và ông Nguyễn Tôn Nhan đã đưa vào từ điển chăng?

      Tôi tra từ điển chữ Nôm (Nguyễn Quang Xỹ - Vũ văn Kính, Trung Tâm Học Liệu Saigon, in năm 1971), thấy ghi chữ CHUNG (9 nét chén trà) bên tiếng Hán, chữ Nôm là CHUÔNG với nghĩa là cái chuông, chuông khánh. Hỏi thêm bác Bu, trên cái chuông của chùa Phổ Minh ghi 3 chữ "đại Hồng chung", hay chỉ có 2 chữ "Hồng chung"? Tôi nhớ trong một bài Đạo Ca của Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư, có câu "Đại hồng chuông lớn, đã khua tiếng giòn". Như vậy thơ và nhạc của Phạm Thiên Thư - Phạm Duy trước đây cũng đã có từ "Đại hồng chuông"

      Hay là chữ trên cái chuông là chữ Nôm? Đại Hồng chuông, hay Hồng chuông?

      Tôi thử đưa ra những giả định để bác Bu xem xét xem sao? Giải được vấn đề này cũng rất thú vị :-)))

      Xóa
    6. M thường đến chùa thì được nghe nhà Chùa gọi là ĐẠI HỒNG CHUNG, chứ không ai gọi là Đại Hồng Chung cả anh Hiệp ạ.

      Xóa
    7. M viết nhầm, ở chùa không ai gọi cái chuông lớn là Đại Hồng CHUÔNG cả, Mà gọi là ĐẠI HỒNG CHUNG.

      Xóa
    8. Vì phát âm chuông là từ thuần Việt, nếu tra trong tự điển Thiều Chửu sẽ không tìm thấy chữ Hán của từ "chuông" này.

      Xóa
  21. 1- Từ điển chữ Nôm giới thiệu 7 cách viết chữ chuông trong cách thứ nhát là dùng chữ chung 鐘 đây là cách dùng nhiều nhất.
    2- Bu đã tìm lại được bài viết LÊN NÚI THẦN ĐINH. Khi nói về cái chuông bu tui có chép lại mấy câu chữ vuông ghi trên chuông như sau:
    神 丁 寺 鍾 Thần Đinh tự chung (Chuông chùa Thần Đinh)
    成 泰 九 年 五 月 吉 日 鑄 造 Thành Thái cửu niên ngũ nguyệt cát nhật chế tạo
    (Chế tạo vào ngày tốt tháng 5 Thành Thái năm thứ 9)
    Trên chuông này tuyệt đối không có chữ Nôm nào
    3- Hai câu trong truyện Kiều có chữ chuông:
    * Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra (2048)
    * Giở đồ chuông khánh xem qua (2065)
    Hai chữ này cụ Nguyễn Du đều dùng chữ chung 鐘 (bộ kim + chữ đồng)chớ không dùng chữ chung 鍾 (bộ kim + chữ trọng) như chuông chùa Thần Đinh.
    4- Trong câu thơ "Bán dạ chung thanh đáo khách thuyền" của Trương Kế thì chữ chung cũng là chữ 鐘 (bộ kim + chữ đồng)
    5- Chứng to rằng bu tui và bạn nói y như Trương Kế và Nguyễn Du hihihi

    Trả lờiXóa
  22. Chị Bà Già và bác Bu. Qua tìm hiểu của 2 bạn, tôi loại bỏ giả thiết chữ CHUNG chữ Nôm, chỉ tìm chữ CHUNG chữ Hán. Chúng ta không có (và chắc cũng không đủ khả năng) tra cứu trực tiếp trên những từ điển chữ Hán xưa như Khang Hi, Từ Hải, Từ Nguyên..., cho nên sẽ phải tra cứu gián tiếp trên những từ điển của Việt Nam.

    Theo sách "Từ điển về Từ điển" của Vũ Quang Hảo (NXB Văn hóa Thông tin - 2004), từ điển Hán Việt xưa nhất là quyển Hán - Việt Tân từ điển của Hoàng Thúc Trâm, Nhà sách Vinh Bảo - Saigon in năm 1951, kế đến là từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, NXB Trường Thi Saigon, in năm 1957 (tôi có quyển này), còn lại là in sau này.

    Chuông chùa Phổ Minh bác Bu cho biết được đúc năm Thành Thái thứ 9. Vua Thành Thái tại vị từ năm 1889 đến năm 1907, như vậy chiếc chuông được đúc vào năm cuối Thành Thái, tức năm 1907. Ở vào thời điểm đó, chắc chắn chữ Hán trên chuông chỉ được sử dụng theo cách dùng chữ Hán vào thời đó, nghĩa là chữ Hán trên sách vở văn tự thời ấy, chứ không thể căn cứ vào nghĩa của từ điển Hán - Việt sau này để giải thích.

    Chúng ta chỉ có 2 quyển từ điển Tiếng Việt, một là quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, in năm 1895, trước thời điểm đúc chuông, và Từ điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức in năm 1931. Rất may mắn là 2 quyển từ điển này có ghi chú thêm phần chữ Hán bên cạnh chữ Việt. Tôi nghĩ các tác giả của 2 quyển từ điển này đã căn cứ trên cách dùng chữ, và sách vở thời đó để viết, có lẽ với chữ Hán phải tra theo từ điển, sách vở của người Hoa.

    1/Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, trong từ CHUNG bên cạnh là chữ Hán Chung 12 nét (chữ CHUNG mà về sau này đa số từ điển Hán - Việt chỉ ghi nghĩa là CÁI CHUÔNG), viết như sau. CHUNG: chuông; chén chưa nước trà để mà sang qua chén nhỏ. Như vậy chữ CHUNG mà sau này đa số từ điển Hán - Việt đa ghi là CÁi CHUÔNG, thì ở vào năm 1895 đã được ghi bằng 2 nghĩa cái chuông, và chén uống trà.

    2/Từ điển Việt Nam, Hội Khai Trí Tiến Đức, chữ CHUNG bên cạnh là chữ Hán CHUNG 9 nét (sau này đa số Từ điển Hán - Việt chỉ ghi nghĩa là chén uống trà, rượu), sách viết. CHUNG: Chén uống rượu; cũng gọi là chuông.

    Như vậy chúng ta có thể thấy điều này, chỉ những từ điển Hán Việt sau này mới phân biệt rõ chữ CHUNG 12 nét là CÁI CHUÔNG, còn chữ CHUNG 9 nét là CHÉN UỐNG TRÀ, RƯỢU (trừ một vài trường hợp như Từ điển của Nguyễn Tôn Nhan), còn ở vào thời điểm đúc chuông, thì qua 2 quyển từ điển tiếng Việt đã dẫn bên trên, thì giữa chữ CHUNG 12 nét, và chữ CHUNG 9 nét (đều thuộc bộ KIM), cả 2 đều có nghĩa là cái chuông và chén uống trà, chứ không phân biệt rõ rệt như sau này.

    Có lẽ sách vở của người mình, cũng như sách vở, Từ điển tiếng Hán của người Hoa ngày xưa không phân biệt rõ nghĩa của 2 từ CHUNG, đều dùng cả 2 chữ CHUNG để chỉ cái chuông và chén uống rượu.

    Như vậy chuông chùa Phổ Minh ở Đồng Hới, nếu theo sách vở bây giờ chúng ta có thể nói là sai. Nhưng ở vào thời điểm đúc chuông cách nay hơn 100 năm, với cách sử dụng chữ nghĩa thời ấy, có lẽ là... đúng, hihi!

    Trả lờiXóa
  23. 1- Ông Trương Kế bên Tàu làm thơ Phong Kiều dạ bạc cách nay gần 2000 năm vãn dùng chứữ chuông đúng nghĩa nó (đã dẫn trên)
    2- Trên 200 năm trước Nguyễn Du dùng chữ chung đúng nghĩa trong truyện Kiều (đã dẫn trên)

    Năm Thành Thái thứ 9 chữ khải thư của Tàu không khác chi thời nhà Hán.
    Vậy bu khẳng định rằng mấy ông phụ trách việc khắc chữ năm 1907 trên chuông Thần Đinh sơ suất, không quá sai nhưng không đúng như nó cần có.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trường hợp này có lẽ cũng giống như giải một bài toán, không đúng đáp án để được điểm 10, nhưng cũng không đến nỗi sai để bị "ốc tọoc" (điểm không), theo tôi là được trung bình 5, hì hì!

      Xóa
  24. Anh PNH ơi! M tra từ tự điển Hán Hán trên mạng và hỏi cả mấy ông Taiwan ở bên đây rồi.

    Vì trong thói quen nói một chữ nào đồng âm, hay hỏi tên của người Hoa, giả sử như tên của M, khi phát âm là " Méi " thì nó sẽ ra rất nhiều chữ đồng âm, do đó lúc có người hỏi tên hay họ của M, thì M phải nói là chữ Méi của M là chữ Méi trong nghĩa Méi Huà 梅花 = Hoa Mai, chứ không phải chữ Méi trong chữ Méi mao 眉毛 = mi mao (lông mày)... cũng kg phải chữ Méi trong chữ Méi You 沒有 (một hữu) = không có....

    Do vậy, M không nghĩ là trong thời kỳ đó nhà chùa viết sai lỗi chính tả được, nhất là thời đại đó là thời đại học Từ chương (thuộc lòng) từng chữ một.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi! giời ạ! quên chưa thoát ra mà đã còm ở đây mất tiêu rồi.. hihi

      Xóa
  25. Gút lại, tôi nghĩ cũng nên thông cảm cho nhà chùa. Ở vào thời điểm năm 1907, nơi ngôi chùa Non tuốt trên đỉnh núi Thần Đinh Đồng Hới, đúc chiếc chuông này (hoặc một nơi nào đó thuộc vùng này hay lân cận đúc). Những năm Thành Thái đất nước loạn lạc (vua bị đi đày), làm gì mà có sách vở, tự điển, mạng miếc... để mà tham khảo chữ nghĩa như bây giờ.

    Đến như ông quan nơi triều đình mà còn viết Ngài thành Người được, thì ở nơi thâm sơn cùng cốc quê mùa ấy, các sư hay ai đó, viết chữ Chuông như thế cũng gọi là tạm chấp nhận, chứ nếu bây giờ viết thế thì khó mà chấp nhận được.

    Bác Bu đồng ý chứ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehehhe nhưng cái chuông ấy đúc ở phường đúc Huế hẳn hoi, chữ nghĩa sắc sảo rõ ràng, mà cái phường ấy đúc vô số chuông chùa không có chuông nào viết như vậy cả.
      Mà cũng bàn đến thế thôi ba chuyện này bất tận ngôn

      Xóa
    2. Hehe, quan ở Huế mà chữ nọ còn xọ sang chữ kia, thì phường đúc Huế viết đúng được... tới 50% là giỏi quá xá.

      Đúng là những chuyện như thế này bất tận ngôn, nhưng nhờ thế mà ta hiểu thêm được vài điều, cũng hay.

      Xóa
  26. Kính bác Bu và mọi người.
    Về chuyện " Nét ngài hay nét người", Vũ Nho tôi cũng viết một bài. Đăng trong kỉ yếu ĐHSP Việt Bắc. Sau tôi đăng vào Blog của mình, có đưa lên FB. Do đó mà một vị trong Hội Kiều học tìm được địa chỉ, đến cho cuốn sách : "Khuôn trăng...Nét ngài... cuộc tranh luận chưa kết thúc", nhà xuất bản LAO ĐỘNG,2013. Hóa ra bài của tôi được in trong đó làm cứ liệu thảo luận. Cuốn sách có nhiều lí giải bất ngờ ngoài cách hiểu thông thường.

    Trả lờiXóa