Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG HAY CỔ NHỤC ĐƯỜNG ??


Các từ điển Hán Việt bu dùng để viết bài này:
1- Tìm về cội nguồn chữ Hán 
2- Từ điển Đào Duy Anh 
3- Từ điển Thiều Chửu 
4- Từ điển Nguyễn Tôn Nhan 
5- Từ điển Trần Văn Chánh


Trong bài TRĂNG HAY LÀ LƯNG của bu, bạn Ruchung có com ment: “Chữ Nhục và chữ Nguyệt giống hệt nhau khiến người ta tranh cãi, Ruchung tôi đã gặp trong chữ HỒ (Hồ Xuân Hương), theo đó, họ của nữ sỹ trứ danh này không biết là CỔ NGUYỆT hay là CỔ NHỤC vậy”.

Trả lời câu hỏi của bạn Ruchung giúp chúng ta hiểu được tại sao trong truyện Kiều của Nguyễn Du ở câu 20, người này đọc “khuôn trăng đầy đặn” người khác lại đọc “khuôn lưng đầy đặn” và người nào cũng cho là mình có lý. Ngoài ra ta còn biết thêm một “sự cố” văn tự đã tồn tại không biết bao nhiêu năm dẫn đến tình trạng sai mà lại đúng, đúng đấy mà vẫn cứ sai, hihihi…

1- Xuất xứ  CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG
 Năm 1783 ông Hồ Phi Diễn thân sinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương lên lão 80, đám học trò của ông kẻ đang làm quan, người là nhà giáo,  lương y…góp tiền của làm tặng thầy một ngôi nhà khang trang gần bến Trúc hồ Tây, cạnh chùa Kim Liên làng Nghi Tàm.  Không thấy sử sách nói ông Hồ Phi Diễn hay nữ sĩ Hồ Xuân Hương đặt tên ngôi nhà ấy là CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG. Tên này xuất hiện lần đầu trong lời tựa tập thơ LƯU HƯƠNG KÝ của Hồ Xuân Hương do ông Tốn Phong viết, trong đó có đoạn: “ …Mùa xuân năm Đinh Mão (1807), tôi đến thành Thăng Long, nhân cùng bạn là Cư Đình nói chuyện về các tài nữ  xưa nay, bạn ấy nói cho biết cùng quận với tôi, có người phụ nữ  là Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, học rộng,  mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ dùng phép tắc mà văn hoa, thật là một bậc tài nữ”.  Mùa hè năm 2011 ông Phạm Trọng Chánh, tiến sĩ Khoa học Giáo dục Viện Đại học Paris V Sorbone nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, có viết bài “Đi tìm Cổ Nguyệt Đường & mối tình Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du” . Đường  (: là nhà), cổ (: ngày xưa), ghép với nguyệt (: mặt trăng) thành chữ hồ  ().  Cổ Nguyệt đường là nhà của người họ hồ.
 Cụ Đào Duy Anh giải thích chữ  hồ : “Miếng thịt ở dưới cằm – vậy người Tàu xưa gọi các rợ mọi phía bắc là hồ”. Từ điển Thiều Chữu giải thích: “Yếm cổ, dưới cổ có miếng thịt sa xuống gọi là hồ” 

2- Cấu tạo chữ hồ trong họ hồ
Nếu cho rằng chữ hồ trong họ hồ gồm chữ “cổ” () ghép với chữ “nguyệt” () là không đúng, mà phải là chữ “cổ” () ghép với chữ “nhục” (: thịt).  Để khỏi dài dòng, chúng ta cùng tra chữ “hồ” trong ba quyển từ điển:
- Từ điển Thiều Chữu: Bộ nhục, chữ hồ trang 517, dòng  thứ 2 trên xuống.
- Từ điển Nguyễn Tôn Nhan: Bộ nhục, chữ hồ trang 1137, cột 2  dòng thứ 3 trên xuống
- Từ điển Trần Văn Chánh: Bộ nhục, chữ hồ trang 1658, cột 2 dòng thứ 3 trên xuống
Còn nếu tra chữ chữ hồ () theo bộ nguyệt () như cách nói “cổ nguyệt đường”  thì đến vô lượng kiếp sau cũng không có.

3- Lý do nhầm lẫn giữa chữ nguyệt và chữ nhục.
Chữ Hán của người Tàu manh nha từ đời nhà Thương cách nay năm sáu ngàn năm. Dạng chữ sơ khai là Giáp cốt văn, khắc trên mai rùa hoặc xương thú, tiếp theo là chữ Kim văn khắc hoặc đúc bằng đồng, dần dà phát triển đến các loại chữ: Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư, Giản thể. Dưới đây là hai tấm hình mô tả sự tiển triển của chữ nguyệt và chữ nhục trong sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán” của Lý Lạc Nghị (Tàu) và Jim waters (Mỹ).

Nguồn gốc chữ nguyệt 
(bắt đầu là hình vầng trăng non)

Nguồn gốc chữ nhục 
(bắt đầu là một miếng thịt có cả da và gân bên trong)



4- Chữ nguyệt và chữ nhục giống hệt nhau từ khi nào?
Khó trả lời câu hỏi đó cho chính xác vì không thấy tài liệu nói tới, chỉ có thể suy luận như sau:
Nhìn kỹ hai tấm hình trên ta thấy:
a) - Thời Tiểu  triện  (thế kỷ thứ 5 tcn đến 221 tcn, cách  nay ít nhất khoảng 2300 năm ) chữ nguyệt và chữ nhục giống nhau ở vành ngoài. Phần trong, chữ nguyệt có hai vạch song song, trong khi chữ nhục có hai vạch gấp khúc.
 b) - Đến thời Khải thư (cuối nhà Hán, cách nay khoảng 1800 năm) chữ nguyệt như hiện nay () còn chữ nhục có tự dạng  ().  
c) - Ngày nay chữ nhục khi đứng một mình vẫn là , nhưng khi làm vai trò “bộ” tức là phải ghép với một chữ khác thì nó không thể giữ hình vuông như vậy được mà bề ngang  giàm đi ½. Để có thể viết được bằng bút lông thì hai hai chữ buộc phải biến thành hai vạch ngang trong đó một vạch chếch lên bên phải cho khác với chữ nguyệt. Trong sách tìm về cội nguồn chữ Hán không mô tả chữ nhục này mà bu tui nói theo từ điển Thiều chữu và từ điển Trần Văn Chánh (xem hình dưới đây).
d) Người viết bút lông khó đưa chếch nét ngang như đã nói, và để cho nhanh người viết đưa ngang nét bút, thành ra chữ nhục giống hệt chữ nguyệt. Sự giống nhau này thể hiện luôn trong các bản khắc gỗ và ngày nay trong máy in hiện đại.
e) Như vậy, nếu tính từ  cuối thời nhà Hán thì sự lẫn lộn nguyệt và nhục này đã xẩy ra ít nhất khoảng 1500 năm.


  
5- Nhận biết chữ nguyệt và chữ nhục, trong câu văn.
a) - Chữ Nguyệt () cũng là bộ nguyệt, là mặt trăng, tháng. Những chữ có bộ nguyệt chỉ  thời gian, ánh sáng, khái niệm tôn quý,  chẳng hạn:  Triêu ( ) sớm, sáng mai, có khi đọc triều trong triều đình.. Sóc () trước, mới, ngày mồng một, phương bắc…Trẩm () ta đây, vua tự xưng mình là trẫm. Từ điển Nguyễn Tôn Nhan  có 17 chữ có bộ nguyệt.
b) – Chữ  nhục (), khi đóng vai trò bộ có tự dạng . Những chữ có bộ nhục chỉ thịt, các bộ phận trong cơ thể, cùi trong các loại quả, chẳng hạn:  Lặc () xương sườn, quăng ( ) cánh tay, phế ( ) phổi .  Từ điển Nguyễn Tôn Nhan có 150 chữ có  bộ nhục .


43 nhận xét:

  1. "có viết bài “Đi tìm Cổ Nguyệt Đường & mối tình Hồ Xuân Hương và Nguuễn Du”
    Bác Bu edit lại chữ "Nguyễn" rồi xóa giúp comment ni nghen, vì hông có nơi nhắn tin riêng. Cảm ơn bác lại thêm một entry hay

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Rất cảm ơn nguoigia online, bu đã chữa lại chữ Nguyễn, trước khi post bài bu tui dò đi dò lại mà vẫn cứ nhầm huhuhu, đúng là đầu óc đang bị lão hóa.
      2- Còm của bạn cứ để vậy, cho bàn dân thiên hạ biết có người ở xa đã đọc rất kỹ và phát hiện nhầm lẫn đề nghị sử chữa.
      3- Và để bu tui cẩn thận hơn nữa khi viết những Entry khác.
      Một lần nữa cảm ơn bạn.

      Xóa
  2. Bài viết hay lắm bác Bu. Theo thiển ý, tôi xin đi ngay vào vấn đề:

    1/Nhà của nữ sỹ Hồ Xuân Hương gần hồ Tây ngày xưa là CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG, không bao giờ (có thể) đọc là CỔ NHỤC ĐƯỜNG cả. Bởi chữ NGUYỆT và chữ NHỤC trong chữ Hán viết khác nhau (tự dạng khác nhau), chứ không giống như chữ TRĂNG và chữ LƯNG bên chữ Nôm (tự dạng giống nhau, nhưng BỘ khác nhau).


    Trong chữ Hán như bác đã rành, TỰ (chữ) và BỘ là hoàn toàn khác nhau. Như bác Bu đã phân tích bên trên Bộ NGUYỆT và Bộ NHỤC viết giống nhau. Nhưng trong câu chữ, BỘ không bao giờ đứng một mình được như TỰ. Bộ phải kết hợp với một chữ khác để cho ra một chữ chữ mới.

    Nhà của nữ sỹ Hồ Xuân Hương, được bà đặt tên là Cồ Nguyệt Đường, chẳng qua là một sự "chơi chữ", tuy cũng không hoàn toàn hoàn chỉnh. Chữ HỒ, chỉ họ Hồ cuả nữ sỹ như bác đã phân tích bên trên gồm chữ Cổ (bên tay trái), và Bộ NHỤC (bên tay phải) hợp lại. Bộ Nhục khi viết kèm với chữ Cổ để thành chữ Hồ, thì đã biến thể giống như chữ NGUYỆT. Cái không hoàn chỉnh ở đây là chữ HỒ thuộc Bộ Nhục (viết giống như chữ Nguyệt), chứ không phải là Bộ NGUYỆT. Nếu chữ HỒ mà thuộc Bộ NGUYỆT thì tuyệt quá.

    * Tôi có chụp những chữ HỒ, NGUYỆT, NHỤC, chuyển vào Photobucket và post lên đây, nhưng trang mạng không cho, hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Nhiều học giả bảo Hồ Xuân Hương hay chữ thế mà vẫn cho chữ hồ là nguyệt đi với cổ. Nói thế là oan bầ ấy vì bu chưa thấy chổ nào bà hoặc thân phụ bà (ông Hồ Phi Diễn) xem chữ hồ là nguyệt đi với cổ. Tất cả do người đời đặt ra.
      2- Như đã nói, cổ nguyệt đường lần đầu xuất hiện năm 1807 trong bài tựa của Tốn Phong viết cho tập thơ Lưu Hương Ký của Hồ xuân Hương. Năm 2011 GS tiến sĩ Phạm Trọng Chánh viết "Đi tìm Cổ nguyệt đường" tức là ông này gọi lại tên mà Tốn Phong đã xướng lên năm 1807. Những bài viết cực hay của ông Chánh chỉ bàn về mối tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương chứ không nói gì đến nội dung cổ nguyệt đường.
      3- Bài viết của bu nhằm trả lời câu hỏi của Ruchung: "Ruchung tôi đã gặp trong chữ HỒ (Hồ Xuân Hương), theo đó, họ của nữ sỹ trứ danh này không biết là CỔ NGUYỆT hay là CỔ NHỤC vậy”. Nếu chỉ cần trả lời một câu thôi thì bu nói rằng: "chữ hồ trong họ hồ là cổ nhục chớ không phải cổ nguyệt". Còn người đời gọi cổ nguyệt cũng không sao vì sự lẫn lộn đó xẩy ra theo bu là khoảng 1500 năm. Trong văn chương chữ nghĩa thi thoảng có sự cố thế mới vui và chúng ta có cái mà bàn. Cũng như thi sĩ TTKH là ai gần thế kỉ nay vẫn còn là nghi án. Nhiều người trong đó có bu mong đừng biết TTKH là ai mơid hấp dẫn.
      4- Diễn đạt một vấn đề vô cùng rắc rối cho những người không quan tâm đến chữ vuông cùng hiểu là quá sức đối với một anh phu lục lộ như bu tui. Bởi vậy tác gỉa bài viết rất mong sự chỉ giáo của các bạn, trong đó người đầu tiên mà bu tui hai lần cảm ơn là ngươigia online

      Xóa
  3. Cho nên cái tiêu đề bác viết bên trên "4- Chữ nguyệt và chữ nhục giống hệt nhau từ khi nào?", có lẽ chưa chính xác, có thể gây nên hiểu lầm với người không rành chữ Hán.

    Nếu viết "Bộ nguyệt và Bộ nhục giống hệt nhau từ khi nào?" thì đúng hơn chăng?

    Trả lờiXóa
  4. Ý kiến này của PNH là hợp lý, nếu đưa đăng báo giấy hoặc báo mạng thì bu tui chữa lại liền. Ở blog này cứ để thế thì còm của bạn mới có đất tồn tại hehehe

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đọc sách thấy nhiều cuốn bàn về vấn đề này, cũng đã chiết tự chữ HỒ (họ Hồ), gồm 2 chữ CỔ và NGUYỆT hợp lại (như quyển Tự điển Văn học Việt Nam - Lại Nguyên Ân, quyển Sự thật Thơ và Đời Hồ Xuân Hương - Dzuy Dzao). Chiết tự như thế người đọc dễ hiểu lầm vấn đề.

    Tôi có 2 quyển từ điển Văn học VN, một quyển nhiều tác giả, của NXB Đại học Sư Phạm, xuất bản năm 2009, viết cha của Hồ Xuân Hương là Hồ Phi Diễn. Quyển thứ hai là quyển của Lại Nguyên Ân tôi đã viết bên trên, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, xuất bản năm 2005, viết về cha của bà như sau:

    "Một nguồn tư liệu khác do Trần Thanh Mại công bố, liên quan đến việc phát hiện tập thơ Lưu hương ký (Tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 10-1964), theo đó cha bà là Hồ Sĩ Danh (1706-1783), đậu cử nhân năm 1732, không ra làm quan..."

    Tôi chép ra đây để thêm phần tư liệu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Hiện nay có vô số sách viết về Hồ Xuân Hương làm chúng ta đa thư loạn mục. Theo bu tui đáng tin hơn cả là những luận cứ của Giáo sư Hoàng xuân Hãn và gần đây là Giáo sư Phạm Trọng Chánh tiến sĩ Khoa học Giáo dục Viện Đại học Paris V Sorbone. Ông này đang chuẩn bị xuất bản toàn tập HỒ Xuân Hương ở Pháp, một số bài cốt lỏi trong đó bạn bu đã gửi từ Hà Nội vào.
      2- Phạn Trọng Chánh về VN nhiều lần đi nát vùng Nghi Tàm để tìm vị trí "Cổ nguyệt đường", phi thường hơn là ông lặp lại hành trình đi sứ của Nguyễn Du từ Thăng Long đến Bắc Kinh. Một ông giáo đại học VN không dủ lương ăn ngày ba bữa thì làm sao mà đi được như thế, và ông ta viết ra được cái gì cho ta tin.
      3- Bu nghỉ học trường Sorbone đã quá khó, ông Chánh lại dạy trường Sorbone thì tin là ông ta không viết nhăng cuội. Về Lưu hương kí, về Hồ Xuân Hương và Nguyễn du có nhiều điều mới mẽ, nói không cùng huhuhu

      Xóa
  6. Nghe bác nói nếu có sách của GS Phạm Trọng Chánh đọc thì hay quá.

    Riêng sách ở xứ mình thì nhiều quyển vừa đọc vừa... nghi ngờ. Tôi cũng huhu theo bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ra là... hổng chỉ riêng hai bác mới huhu về mấy chuyện này!
      Hihihi

      Xóa
    2. Aa, gặp cả bác nguoigia online ở đây nữa thì tuyệt quá.

      Xóa
  7. Huhu.. bà già già rồi mà còn bận quá xá ơi là bận, tới bi giờ là 8g22'PM rồi mới rãnh vào đây, chỉ mới dòm một tí thôi mà đã thấy quá chừng chừng là bình luận..rồi.

    Ơ mà vui nhất là bác Hiệp về với blogspot, nên nhà cửa của bạn bè lại xôm tụ lên nhiều nhiều quá đi.. hihi

    Toro ơi ời! lâu nay lại thấy vắng bóng rồi. Vào đây bình luận cho vui nha.

    Hôm nay Bà già chỉ biết lót dép ngồi ngón thôi nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Uyên bác cỡ bà già xinh mà chỉ lót dép ngồi thì bị lạ đây hihihi"
      Hay ý của bà Dzà là"Tui lót dép vậy, có giận cũng lười rút ra chọi anh em mấy người đương nói nhăng nói cuội"chăng?
      Hahaha, chạy trước khi tỷ Dzà nhổm dậy, rút dép!

      Xóa
    2. Chị... Bà già ơi, sang đây... phụ với bác Bu... quậy, hihi!

      Xóa
    3. Đường link vào anh bạn HÒN SỎI thế nào TTM ơi muốn đáp lễ anh ta mà chịu
      Uyên bác cỡ bà già xinh mà chỉ lót dép ngồi thì hơi bị lạ đây hihihi

      Xóa
    4. Bà già đã nói là đang bận nên.. chỉ lót dép để ngồi vừa nghe vừa làm việc cơ mà! hihix

      Xóa
    5. Giời ơi! ở đây nhiều Hòn Sỏi quá!! bà già biết nói tới hòn sỏi nào nè giời ạ!

      Xóa
    6. Anh Bu ơi! M định theo đường link Sỏi H ở bên nhà M qua nhà Sỏi, nhưng không vào được vì trang đó đã bị Sỏi khóa rồi. Sau đó M theo link từ comment của Sỏi để ra trang G+ thì thấy nick ở đó đã thay đổi thành: "tử Hàn"!!

      Và ở trang G+ đó, mặc dù nhìn vào trang của Sỏi, thấy M vẫn còn ở trong vòng liên kết với bạn ấy, nhưng trang G+ trống trơn không còn bài vở đã post trước đây nữa!

      Hôm trước thấy ở mấy comments của bạn ấy có ai vào phá rối hay sao đó! nên có lẽ bạn ấy tạm khóa rồi. Thôi tạm biêt thế đi anh Bu ơi!


      Xóa
    7. Mộc cũng có vào nhà anh Sỏi nhưng như chị Mai nói đó, không vào được, hổng biết anh Sỏi có bị "phong tỏa blog" không nữa ?

      Xóa
  8. Chị Bà già, Sỏi đá mà cũng rắc rối nhỉ, hehe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Chị" Bà già thấy ở đời thường rắc rối thế đó, đến Sỏi đá cũng không yên, "bạn" PN-Hiệp nhỉ hihi!

      Xóa
  9. 1. Bác Bu chu đáo và kỹ tính. Đã dẫn đến 4, 5 cuốn Tự điển Hán-Việt để xem xét về cấu tạo chữ hồ (胡). Thực ra dẫn thêm vài quyển nữa: như Tự điển Hán- Việt của Văn Tân, hoặc Tự điển Hán-Việt hiện đại của NXB Thế giới thì cấu tạo chữ hồ vẫn gồm hai phần: một bên là bộ nhục (肉) và một bên là chữ cổ (古), không thể khác. Tại sao vậy ? Bởi vì người Hoa đã sáng tạo và sử dụng chữ đó từ hàng ngàn năm nay, dù có nhiều điểm chưa hợp lý, nhưng lịch sử hình thành chữ đã được mặc định. Với chúng ta coi như là người ngoại quốc học ngoại ngữ thì buộc phải công nhận và học thuộc.
    .
    2. Vậy thì tại sao Hồ Xuân Hương phải nói chữ hồ (胡) gồm cổ (古) và nguyệt (月) . Bởi vì, chữ hồ ngoài nghĩa là bướu cổ, yếm cổ… còn có nghĩa là họ Hồ, họ của dân mọi rợ của vùng đông bắc Hoa Hạ (theo quan niệm của người Hán trước đây). Kể ra mang họ Hồ này cũng rách việc, có thể bị người đời mang ra bêu riếu và làm trò cười. Không loại trừ do bị phường “lòi tói” trêu trọc ác khẩu, nên nữ sĩ HXH phải bịa ra một cách diễn giải có vẻ hợp lý là Cổ-Nguyệt để đối đáp lại những kẻ không chịu mang vôi quét trả đền. Tuy nhiên, sự diễn giải này không có nghĩa là nữ sĩ khẳng định trong chữ Hồ dùng bộ nguyệt mới đúng, còn bộ nhục là sai. Theo NANO, các ông Tốn Phong, Phan Trọng Chánh,…khi nghiên cứu về HXH đều nói cổ-nguyệt cũng là vì tôn trọng tài năng nữ sĩ mà thôi.
    .
    3. Nói HXH diễn giải có vẻ hợp lý vì, khi tra tự điển ta sẽ thấy:
    a. Chữ nhục khi đứng một mình (tự dạng) thì viết: (肉).
    b. Chữ nhục được cấu tạo là một bộ trong một chữ thì có 3 cách viết:
    - Viết như tự dạng (肉). Ví dụ: chữ 腐 - hủ (thối nát), hoặc 胔 – tí (thịt thiu thối);
    - Viết giống chữ nguyệt, nghĩa là hai nét bên trong là hai nét ngang.
    - Viết gần giống chữ nguyệt, vì 2 nét bên trong thì nét phía trên là nét “chấm xiên”, nét phía dưới là nét “hất xiên”
    Dù 3 cách viết khác nhau, nhưng đấy vẫn là bộ nhục, điều đã được mặc định.
    .
    4. NANO mạn đàm trên đây, là dựa theo các loại Tự điển Hán-Việt được xuất bản tại VN. Nhưng có thể đến nay Trung Quốc đã cải tiến nhiều cho hợp lý. Với cải tiến đó, rất nhiều bộ nhục đã trở thành bộ nguyệt, và điều tiên đoán của Hồ Xuân Hương đã trở thành sự thật. Tại sao khi chứng minh bác Bu không dẫn ra các từ điển Trung-Trung mà cụ thể là “Từ Hải Tự điển” (mà bác đang để trên giá sách) nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Sinh thời bà HXH có mở lớp dạy học trò, khi dạy các em viết các bộ phận của cơ thể thì chắc là bà bảo viết bộ nhục, vì hàng ngàn năm trước luật mẹo chữ Hán đã quy định như thế rồi. Nhưng khi cho rằng họ hồ là cổ nguyệt thì bà đã tận dụng sự nhầm lẫn 2000 năm trước đó để bảo là đúng, tuy trong thâm tâm vẫn nghỉ là sai. Muốn biết thực hư ra sao chỉ có cách nhờ các nhà ngoại cảm gọi vong hồn bà về mà hỏi vậy. Mà ta cũng chỉ bàn đến thế thôi, không thể tìm ra chân lý được.
      2- Cái mục 3 của bác, bu không được rõ lắm.
      Chỉ biết rằng chữ nhục 肉 khi là bộ, có thể thấy 3 tự dạng:
      a) - Giống chữ nguyệt trong đó một nét ngang chếch lên bên phải. Dạng này chỉ thấy từ điển Thiều Chữu và từ điển Trần Văn Chánh giới thiệu về nguyên tắc ghi trên đầu trang, còn khi giới thiệu các chữ thì bộ nhục y như bộ nguyệt,
      b)- Giống hoàn toàn chữ nguyệt 月 như chữ hồ 胡
      c)- Nguyên dạng chữ nhục 肉 như chữ hủ và chữ tí
      Hủ 腐 gồm chữ phủ 府 + chữ nhục肉
      Tí 胔 gồm chữ thử 此 + chữ nhục 肉
      Hình như bác NANO cũng định nói như thế ???

      Xóa
  10. anh à, Mộc chỉ viết văn là thơ linh tinh cho vui thôi chứ kiến thức nầy Mộc không biết gì cả nhất là chữ hán, Mộc đến thăm anh, đọc bài và hiểu loáng thoáng và kính chúc anh sức khỏe, mạnh tay viết những bài tương tự để anh em ai có nhu cầu thì bổ sung kiến thức anh nhé!

    Trả lờiXóa
  11. 1.
    Trước hết M xin tham gia tra tự điển chữ Nhục :)

    M thấy những ý kiến biện giải của anh Bu từ mục 2- Cấu tạo chữ hồ trong họ Hồ hoàn toàn đúng. Và M đã tra tự điển Hán Hán, đồng thời tra tự điển Thiều Chửu về các bộ chữ theo hình chụp lại như sau:

    Thì ta thấy bộ "nhục" nằm ở bộ chữ dị dạng phồn thể

    [img]http://2.bp.blogspot.com/-ACGR6usEDDg/UTslfsG2LaI/AAAAAAAAKkc/QF0A_E7fELE/s1600/Co+Nguyet+Duong.jpg[/img]

    Khi click vào bộ "nhục" đó, thì nó hiện ra chữ nhục như hình chụp dưới đây, sau khi ra bộ nhục rồi, thì ta chỉ việc chọn số nét của chữ kế tiếp sẽ ra các chữ mà ta cần tìm, nhưng khi ấy thì chữ Nhục này biến thành hình giống chữ Nguyệt với 2 nét sổ xuống và lên.

    [img]http://4.bp.blogspot.com/-bpc-2wKx2Ls/UTsmJp6TpqI/AAAAAAAAKkw/7eJPZ-spXss/s1600/Co+Nguyet+Nhuc.jpg[/img]

    Và điều đáng nói ở đây là khi tra bộ "nhục" thì có, chứ khi chọn gõ chữ Nhục thì không có chữ Nhục trong chữ viết với 2 nét gạch sổ lên và xuống mà chỉ có chữ Nguyệt và chữ Nhục 肉 mà thôi. Vì bộ "nhục" chỉ đi ghép với một từ khác thì lúc ấy mới chữ viết ấy mới có chữ viết giống chữ Nguyệt với 2 nét sổ xuống và sổ lên.

    Ngoài ra, khi gõ tiếng Hoa, ở đây tôi gõ theo phương pháp chú âm (Taiwan) hay phiên âm (TQ) chữ Nhục, thì trong thanh chữ sẽ hiện ra hàng loạt chữ Nhục, trong đó có chữ 肉 và chữ 月, nhưng khi tra tự điển thì chữ 月(ròu), thì nghĩa của chữ này lại là Nguyệt chứ không là Nhục..

    [img]http://3.bp.blogspot.com/-z9h6SZ8LYgI/UTswNAKdsHI/AAAAAAAAKlY/KbS52xctRbk/s1600/02+Nhuc.jpg[/img]


    Trả lờiXóa
  12. 2.
    Sau nữa, nếu nói về Cổ Nguyệt Đường hay Cổ Nhục Đường, thì M thấy đều đúng cả. Vì như ta tra tự điển ở trên, khi gõ chữ Nhục sẽ ra 2 từ 肉 và 月, nhưng khi tra chữ Nhục ở dạng chữ Nguyệt thì nghĩa của nó là Nguyệt chứ không là Nhục nữa.

    Mà 2 phát âm 2 chữ 肉 月: Nhục và Nguyệt đều là âm Hán Việt cả. Nhưng khi viết họ Hồ thì chữ Nhục bên cạnh chữ Cổ lại là bộ Nhục có 2 sổ lên xuống chứ không bằng như chữ nguyêt.

    Ở đây tôi nghĩ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương 胡春香女士 là người tài hoa hay chữ, khi đặt tên cho cái nơi ở của mình là CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG 古月堂 , thì tôi nghĩ Nữ sĩ đã lấy họ của mình tách ra 2 chữ, chữ là Cổ và Nguyệt và khi ghép lại sẽ là chữ Hồ 胡 là họ của Nữ sĩ. Điều này đã cho ta và những tài tử danh nho ngày ấy thấy cách chơi chữ và dùng chữ của một nữ sĩ tài hoa đất Hà thành mà thôi.

    [img]http://2.bp.blogspot.com/-3MYl9PXw3kw/UTslfUKDIUI/AAAAAAAAKkk/k6-Nj1bnMFc/s640/Co+Nhuc+Duong.jpg[/img]

    Ở đây tôi lấy một tấm hình Hồ Tây, ghép chữ Cổ Nguyệt Đường Hồ Xuân Hương và Cổ Nhục Đường Hồ Xuân Hương vào.

    Nếu luận về sự thanh tao, thì chắc chắn ngày ấy không ai dùng chữ Nhục 肉 để đặt tên cho một cái ngôi nhà "thi đường" như thế được, chắc chắn sẽ dùng chữ Nhục có 2 gạch sổ lên xuống 月 này để đặt tên cho nơi ở của mình. Một chữ Nguyệt thanh tao ghép với chữ Cổ古 thì lại cho ra chữ Hồ 胡 là họ của nữ sĩ.. đã cho ta thấy cái tài hoa lắm thay của nữ sĩ ngày ấy!

    Bà già chỉ xin mạo muội góp vào nơi này vài ngu ý, xin chư vị cao nhân có gì chỉ giáo thêm, xin đa tạ, đa tạ..





    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn TTM đã có còm rất chi là hoành tráng

      Xóa
  13. Trong sách "Chuyện đông chuyện tây" của An Chi, NXB Trẻ xuất bản năm 2005 có câu hỏi: Nhiều học giả trước đây vẫn phân tích chữ HỒ gồm có CỔ (chữ Hán), NGUYỆT (chữ Hán)nghe rất hay. Nay có người lại cho rằng nó gồm có CỔ (chữ Hán) và NHỤC (chữ Hán), nghe đã lạ mà lại không thanh nhã. Xin cho biết cách phân tích nào đúng?

    Vì không thể đưa chữ Hán vào đây, nên tôi chỉ chép lại ý chính của ông AN CHI trả lời:

    AN CHI: Chữ HỒ (chữ Hán) là một hình thanh tự mà thanh phú là chữ CỔ (chữ Hán) còn nghĩa phù là chữ NHỤC (chữ Hán) đã được viết thành (dạng như chữ Nguyệt) trong 248/253 chữ thuộc bộ nhục mà Từ Hải đã ghi nhận. Tỉ lệ này trong Khang Hy tự điển là 654/680 vì bộ tự diển này đã thu thập rất nhiều chữ kể cả các kỳ tự (chữ hiếm thấy).

    ...

    Nếu cả quyết rằng về mặt cấu tạo văn tự, chữ HỒ (chữ Hán)gồm có chữ CỔ (chữ Hán) và chữ NGUYỆT (chữ Hán) thì lại là hoàn toàn sai. Không có một tự thư quen thuộc nào của Trung Hoa đã cho rằng ở trong HỒ (chữ Hán) thì (bộ NHỤC) lại là chữ NGUYỆT. Tất cả đều phân tích và khẳng định rằng đó là chữ nhục.

    Khẳng định trên sách là như thế.

    Như ta đã biết, Hồ Xuân Hương được tôn vinh là Bà chúa thơ NÔM, mà muốn giỏi chữ NÔM trước hết phải giỏi chữ HÁN. Chắc chắn không có chuyện lầm lẫn hoặc không biết ở đây. Chỉ vì sau này nhiều người chiết tự sai nên mới... nên nỗi. Chẳng qua chỉ là một sự "chơi chữ" của bà 3 chữ Hán CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG treo trước nhà bà năm xưa, nếu chữ CỔ và chữ NGUYỆT đặt sát cạnh nhau chỉ còn 2 chữ, thì về mặt tự dạng lại đọc ra là HỒ ĐƯỜNG, tức là nhà của (nữ sĩ) họ HỒ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu có bộ An Chi nhưng bạn nói rồi thì đỡ phải tìm. Ông ấy nói có lý lắm.

      Cố nguyệt đường thì phải viết riêng ra
      古 月 堂
      Còn ghép cổ với nguyệt thì chi là hồ đường
      胡 堂

      Xóa
  14. Nếu ông An Chi nói: "ghép cổ với nguyệt thì chỉ là hồ đường 胡 堂" thì theo NANO là sai. Đúng ra phải nói ghép cổ với bộ nhục thì được chữ hồ và trong trường hợp này bộ nhục được viết giống chữ nguyệt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy, Nano. Đã nói lý thì cũng nói lý vậy.

      Xóa
  15. Tinh hoa quần tụ ở đây, em đọc mà thấy choáng và chả hiểu gì về chữ vuông cả.

    Mà sao bác phân tích chữ Nguyệt và chữ Nhục mà lại không phân tích tại sao "bạn" PNH lại gọi là "chị Bà Già" thế ạ, hehehe

    Trả lờiXóa
  16. Lĩnh vực này bu tui bubotay.com
    Có lẽ phải hỏi đích danh PNH hoặc TTM thu tuy ạ

    Trả lờiXóa
  17. Vào nhà Bu suốt nhưng không biết chữ 'vuông', nhưng ngày nào cũng 'hóng'. Vỡ ra nhiều điều.
    Chúc CÁC BẠN vui.
    Qua đó mới thấy chữ Hồ và chữ Minh các học giả bình hay lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có ông Nguyễn Tất Hiển (Sài Gòn) làm môt luận văn trăng sáng trong tên bác trong thơ bác được các nhà Lãnh đạo đảng đánh gía cao, được các viện khoa học hội thảo. Bu đã phản biện một lần, hơi dài dòng và rắc rối. Hay là bu tui thử tóm tắt lại xem sao

      Xóa
    2. Bu viết chút cho 'chúng sinh' mở mắt ra, nhìn đời giản dị hơn.
      Cảm ơn Bu!

      Xóa
    3. Trong tên HỒ CHÍ MINH, thì chữ Hán CHÍ là "rất, lớn lao" (Bộ CHÍ), hay CHÍ là "để tâm vào, ý riêng" (Bộ TÂM, gồm chữ Sĩ trên chữ Tâm) vậy bác Bu? Tôi không rõ lắm về chữ này.

      Xóa
    4. Tôi coi lại thấy chữ CHÍ bộ Tâm.

      Xóa
    5. Bu tui sẽ cố gắng xem sao

      Xóa
    6. Chữ Hồ Chí Minh thấy ở báo người Taiwan viết là 胡志明。

      Theo tự điển Thiều Chửu thì:
      志 : chí:
      - Nơi để tâm vào đấy gọi là chí. Như "hữu chí cánh thành 有志竟成"  có chí tất nên.
      - Người có khí tiết gọi là chí sĩ 志士  nghĩa là tâm có chủ trương, không có a dua theo đời vậy.

      Xóa
  18. Bổ sung ý kiến bạn TTM Gốc Mai
    -----------------------------

    Bộ 61 心 tâm [3, 7] U+5FD7
    志 chí
    zhì
    (Danh) Ý hướng, quyết tâm, nơi để tâm vào đấy. ◎Như: hữu chí cánh thành 有志竟成 có chí tất nên. ◇Luận Ngữ 論語: Nhan Uyên, Tử Lộ thị. Tử viết: Hạp các ngôn nhĩ chí 顏淵, 季路侍. 子曰: 盍各言爾志 (Công Dã Tràng 公冶長) Nhan Uyên, Quý Lộ theo hầu. Khổng Tử nói: Sao không nói chí hướng của các anh (cho ta nghe)?
    (Danh) Mũi tên.
    (Danh) Bài văn chép. ◎Như: Tam quốc chí 三國志, địa phương chí 地方志.
    (Danh) Chuẩn đích.
    (Danh) Họ Chí.
    (Động) Ghi chép. § Cũng như chí 誌. ◇Tô Thức 蘇軾: Đình dĩ vũ danh, chí hỉ dã 亭以雨名, 志喜也 (Hỉ vủ đình kí 喜雨亭記) Đình đặt tên là Mưa, để ghi một việc mừng.
    (Động) Ghi nhớ. ◎Như: vĩnh chí bất vong 永志不忘 ghi nhớ mãi không quên.
    Giản thể của chữ 誌.
    1. [志向] chí hướng 2. [志士] chí sĩ 3. [志行] chí hạnh 4. [志願] chí nguyện 5. [有志竟成] hữu chí cánh thành 6. [薄志弱行] bạc chí nhược hành 7. [初志] sơ chí 8. [同志] đồng chí 9. [多財損志] đa tài tổn chí 10. [堅志] kiên chí 11. [喬志] kiều chí

    Trả lờiXóa
  19. Bà HXH là người hay chữ, nên thích chơi chữ mà các bác. Cổ với Nguyệt sẽ được người đời đọc là Hồ, dù từ điển không bảo thế. Do tập quán viết lẫn lộn chủ Nhục với chữ Nguyệt, nên người đọc cũng sẽ đọc là Hồ như ý tác giả muốn... Vì chữ NHục âm không hay lại nghĩa Thịt, không đẹp nên bà HXH mới dùng chữ Nguyệt. Thế thôi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự nhầm có đến hàng ngàn năm nên thành ra không nhầm nữa....

      Xóa