Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

ĐỂ HIỂU THÊM QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT



Quán Thế Âm Bồ tát



Hai bu với hòa thượng Thích Thanh Từ
ở Thiền viện Thường Chiếu 



Bạn TTM-Gốc Mai hỏi bu về “Ý nghĩa hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm”?
      Về việc này Hòa thượng Thích Thanh Từ đã có bài khá dài, hợp với mọi trình độ, bu nói lại không thể bằng được.        
     Thực ra hiểu cho thật kỹ nhân vật Quán Thế  Âm trong Phật giáo thì không dễ tí nào.  Mỗi môn phái, mỗi nền văn hóa có cách nhìn khác nhau về  bồ tát Quán Thế Âm. Hai mươi kinh luận dưới đây đều có nói đến Quán Thế Âm nhưng hình ảnh ngài qua đó không giống nhau hoàn toàn, ngoại trừ bản tính ngài là đại từ, đại bi, chuyên cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh khỏi đau khổ.  Hai mươi kinh luận đó là:

1- Kinh Hoa Nghiêm Q (quyển) 51.
2- Bát nhã ba la mật đa tâm kinh
3- Kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.6
4- Kinh Đại bảo tích Q.82,100.
5- Kinh Bi hoa
6- Kinh Đại nhật Q.1 (phẩm Cụ duyên)
7- Kinh Thiên quang nhãn Quán tự tại bồ tát bí mật pháp.
8-  Kinh Kim cương khủng bố tập hội phương quảng nghi quỉ Quán tự tại bồ tát tam thế tối thắng tâm minh vương.
9- Kinh Đà la ni tập Q.5
10- Luận Đại trí độ Q.26, 30, 34.
11- Luận Du già sư địa Q.7
12- Pháp hoa kinh văn cú Q.10 hạ
13- Pháp hoa nghĩa kí Q.8
14- Chú duy ma cật kinh
15- Bát nhã tâm kinh u tán quyển thượng
16- Đại Nhật Kinh sớ Q.5
17 -Tam bộ bí thích
18- Đại Đường Tây vực kí Q.3
19-  Huyền ứng âm nghĩa Q.5
20- Pháp uyển châu lâm Q.17.

(Thống kê theo Phật Quang đại từ điển, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. Sa môn Thích Quảng Độ dịch)
   
    Phật Quang đại từ điển dựa vào các kinh luận trên để đưa ra định nghĩa về Quán Thế Âm bồ tát, rất dài và có nhiều thuật ngữ không phải đọc lên hiểu ngay. Vậy, thay vì chép lại định nghĩa, hoặc nói về “Ý nghĩa hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm” bu tui mời TTM và các bạn đọc phần 1 phẩm 25 của kinh Diệu Pháp Liên Hoa do hòa thượng Thích Thanh Từ giảng giải, hy vọng các bạn sẽ ngộ ra được nhiều điều…

Phẩm 25
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
PHỔ MÔN

“Quán” là xem xét, “Thế Âm” là âm thanh của thế gian. Quán Thế Âm là xem xét âm thanh thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ tát. Ngài lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh, khởi lòng thương xót đến cứu độ cho hết khổ. “Phổ Môn” là cái cửa thông suốt khắp tất cả.  Bồ tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, hay lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh mà  hiện thân để hóa độ. Phương tiện hóa độ của ngài là cửa pháp thông suốt tất cả, ai ai cũng có thể vào tu,  không giới hạn. Mục đích của phẩm này là phá tưởng ấm vào Ngũ địa và Lục địa Bồ tát.

CHÁNH VĂN

1- Lúc bấy giờ, ngài Vô Tận Ý Bồ tát từ chỗ ngồi đứng dậy  trịch áo bày vai hữu, chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: “Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?”. Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ tát: “ Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ tát này một lòng xưng danh, Quán Thế Âm Bồ tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được gải thoát.
      Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát này dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được vì do sức oai thần của Bồ tát này mà được như vậy.
       Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ báu, nên vào trong biển lớn, giá sử gió đen thổi ghe thuyền của kia trôi tấp nơi nước quỷ la sát, trong ấy nếu có một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thời các người đó đều được thoát khỏi nạn quỷ la sát . Do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm.

GIẢNG

Phẩm này người đương cơ đứng ra thưa hỏi là Bồ tát Vô Tận Ý. Vô Tận Ý là ý tưởng không cùng, không dứt. Tại sao Bồ tát mà ý tưởng nhiều như vậy ? Như đã nói, phẩm này là phá tưởng ấm. Ý tưởng của chúng sanh có trăm ngàn muôn ức thứ, cái gì cũng nghĩ tưởng được, nên nói là Vô Tận Ý. Nhưng nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát thì mọi nghĩ tưởng dừng lại và hết khổ. Chỗ này nếu chúng ta không hiểu rõ sẽ lầm. Trong kinh Nhật tụng phẩm Phổ Môn được liệt vào kinh cầu an, ai đau bệnh tụng phẩm này cầu cho an ổn. Vậy phẩm Phổ Môn có phải để cầu an không?  Trong phẩm này Phật nói lên bổn sự của Bồ tát.  Bồ tát Quán Thế Âm ở đời quá khứ, Ngài khởi tâm từ bi tu hạnh quán xét tiếng kêu than của chúng sanh ở thế gian mà hiện thân đến cứu độ cho mọi loài hết đau khổ. Nếu chúng ta dựa trên chữ nghĩa hình tướng  thì ngang đây bị kẹt lớn. Như câu: “Có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức oai thần của Bồ tát này được như vậy”. Quý vị đọc phẩm này có tin lời Phật nói không? Đệ tử Phật mà không tin Phật thì tin ai? Vậy nếu có người nhóm một đống củi đốt lửa cháy hừng hực, bảo quý vị niệm Quán Thế Âm Bồ tát và đi vào đống lửa đó, xem thân quý vị có cháy không? Nếu thân quý vị bị cháy nám thì lời Phật nói không đúng. Quý vị nghĩ sao đây?.
     Lại một đoạn nữa: “Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu  Bồ tát Quán Thế Âm liền được chỗ cạn”.  Như vậy những người đi biển, thuyền chìm niệm danh hiệu Bồ tát, tất cả đều gặp chỗ cạn, hay cũng có người chết chìm? Những sự việc này nếu hiểu theo sự tướng thì thấy chống trái, còn hiểu theo lý tánh như kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật nói Bồ tát Quán Thế âm tu hạnh Phản văn văn tự tánh, tức là xoay lại nghe tánh nghe của mình. Tánh nghe là cái thể chân thật của mỗi người, không có tướng mạo, không có hình dáng. Đã không có hình dáng tướng mạo thì lửa nào thiêu được, nước nào chìm được? Nên nói niệm Quán Thế Âm tức là lắng nghe tánh nghe của chính mình, thì mọi chướng nạn của lửa nước đều qua khỏi.
    Lại một đoạn nữa: “ Có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng bạc, lưu ly…vào biển lớn, giả sử gió đen thổi ghe thuyền họ trôi tấp nơi nước quỷ la sát, nếu có một người trong đó xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thời các người đó thoát khỏi nạn quỷ la sát”. Chuyện này phải hiểu như thế nào? Xưa có một vị tướng công, tới hỏi đạo một tiền sư, ông nêu câu chuyện trên và hỏi rằng: “Ông là một vị tướng công mà đi hỏi vớ vẩn như vậy sao? Vị tướng công nghe chê mình nên nổi tức, mặt đỏ gay. Thiền sư chỉ: Đó, hắc phong đó.
     Vậy hắc phong là gì? Thiền sư không nói hắc phong là gió ào áo mây đen kéo mù mịt, mà nói hắc phong là cơn giận là cơn giận của con người. Sân giận nổi lên tự mình chịu khổ họa, lại còn gây khổ lụy cho người khác. Ví dụ ông A vô cớ kêu tên ông B chưởi. Ông B nổi sân, xông tới đánh đập ông A. Ông A bị đánh đau liền đánh lại ông B. Đó là ông B bi hắc phong thổi phiêu bạt tới nước la sát, bị quỷ la sát hại rồi. Nếu ông B vừa nổi sân, biết mình đang sân, liền niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, cơn sân lắng dịu lần rồi hết, đâu có đánh ông A  và bị ông A đánh lại đau khổ. Như vậy, Không phải Bồ tát Quán Âm cứu ông B thoát nạn quỷ la sát là gì. Hiểu như thế mới thực tế. Chớ trong lục địa cũng như hải đảo ngoài biển khơi, đảo nào  ở đâu,  có người ở  hay không có người ở, có quỷ hay không có quỷ, mọi người đều biết hết. Vậy nước la sát nằm ở vị trí nào trên địa cầu này? Như vậy hắc phong và nước quỷ la sát biểu trưng cho lòng sân giận của con người, rồi con người theo đó mà tạo nghiệp ác thọ quả báo khổ đau. Còn Quán Thế Âm là biểu trưng lòng từ bi, lòng từ bi khởi lên thì sân giận tiêu tan, nên nói bị hắc phong thổi phiêu bạt đến cõi nước la sát, niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì không bị hại là vậy.         

     

32 nhận xét:

  1. Quán Thế Âm là xem xét âm thanh thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ tát. Ngài lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh, khởi lòng thương xót đến cứu độ cho hết khổ.
    Cám ơn Bu. Nhờ Bu và TT tui hiểu biets thêm chút đỉnh chứ kỳ thực nghe người ta khấn vái TT cũng lầm rầm khấn theo thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn lưu ý "Quán Thế Âm là biểu trưng lòng đại từ, đại bi" như hòa thượng đã giảng giải. Lửa cháy, biển sâu, hắc phong ...là biểu trưng cho sự vô minh của con người...

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh Bu! Đọc sách Phật không ít nhưng rồi hành theo lẽ tự nhiên, đôi lúc cũng tự hỏi nhưng không tìm sâu. Đã lâu lắm rồi, tôi có hỏi một cư sĩ (nay đã qua đời) anh chỉ nói qua rằng đây là một hóa thân của Phật, tôi nghĩ trong hoạn nạn, có người niệm danh hiệu Ngài được cứu khổ cứu nạn nhưng cũng có người niệm mà không được thì đó là do duyên, do nghiệp. Nay nhân chị GM hỏi, anh cung cấp để hiểu thêm thật là quý hóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui Thấy Hồng Ngọc đọc và hiểu được ý đồ post bài này của bu.
      Trong hoạn nạn, niệm danh hiệu Quán Thế Âm mà được giải thoát là cách nói theo triết lý duy thức. Đọc Pháp hoa, và đọc thêm Thủ Lăng nghiêm hiểu ra được nhiều điều

      Xóa
  4. Chúc mấy ngày lễ thiệt là vui nha! hihi

    Trả lờiXóa
  5. Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Linh cảm Quan thế âm bồ tát!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế là bạn thoát được hỏa hoạn và chìm thuyền rồi đấy hihihi

      Xóa
  6. Cảm ơn bác BU. Nhờ giải thích của bác mà hiểu thêm về quán thế âm.

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn bạn đã đã đọc và cmt

    Trả lờiXóa
  8. Mong cho nước cam lồ theo cành dương liễu của Ngài tưới tới khắp nhân gian! Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát

    Trả lờiXóa
  9. Tóm lại "Quán Thế Âm" là phản quang tự tánh để nhìn rỏ tham sân si, nhân đó mà bình tâm, thoát mọi khổ ách, phải không anh Bu?

    Trả lờiXóa
  10. Như Thị đúng là cao thủ về Phật pháp

    "phản quang tự tánh để nhìn rỏ tham sân si, nhân đó mà bình tâm, thoát mọi khổ ách"

    cũng là cách nói như Bồ tát Văn Thù trong kinh Thủ Lăng Nghiêm " Hởi đại chúng và ông A Nan, hãy xoay lại cái nghe điên đảo, xoay cái nghe về nghe tự tính, nhận tự tính thành đạo vô thượng...

    Trả lờiXóa
  11. Bà già ghé đọc lại đoạn kinh trên rồi, cám ơn Trưởng Lão nhé!

    Bấy lâu nay, bôn ba ba cõi từ thời niên thiếu đến cái tuổi già này, nếu không biết tự nhìn lại chân tướng của mọi sự khổ đau thì chắc già này sẽ thấy cuộc đời khổ đau lắm đó! May thay! nên đến bây giờ vẫn thường mật niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận thức phẩm Quán Thế Âm là đừng có nghĩ khi niệm hồng danh ngài thì có ngài xuất hiện trước mắt để cứu khổ. Quán Thế Âm ở trong ta, lửa cháy, sóng to, cũng ở ngay trong ta.

      Xóa
    2. Vâng chính thế! dù biết thế nhưng đôi khi ta cũng bị hụt chân!

      Xóa
  12. Mà Trưởng Lão ơi! Trưởng Lão đã đọc hết 20 bộ kinh khổng lồ ở trên thì thật là đáng khâm phục lắm thay! Chứ Bà già đọc mãi mới hết kinh A Di Đà, kinh Kim Cang và đang đọc Thủ Lăng nghiêm, đọc xong rồi lại quên quên nhớ nhớ nên phải đọc lại mãi huhu..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm sao mà nhớ cho hết những gì mình đọc được, biết để tra cứu là khá rồi

      Xóa
  13. Mấy hôm nay anh Bu có khỏe không?

    Trả lờiXóa
  14. NAM MÔ CỨU KHỔ CỨU NẠN ĐẠI TỪ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.
    Chúc gia chủ luôn vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  15. cảm ơn anh một bài viết khá công phu, ít nhiều gì đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về Phật Quan Âm Bồ Tát mà thường ngày ta nghe, ta nói nhưng không mấy người hiểu hết anh ạ, kính chúc anh sức khỏe và hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu lắm mới gặp lại Bình Địa Mộc chúc sức khỏe nhé

      Xóa
  16. Chưa có công án mới hở bác Bu ơi!
    Chúc hôm nay cả nhà đoàn tụ hạnh phúc anh Bu nhé!

    Trả lờiXóa
  17. Mấy bận đọc bài này và comments, hiểu vỡ vạc chút ít.
    Cảm ơn Bu!

    Trả lờiXóa
  18. Bác Bu có khỏe không? Lâu không thấy bác viết bài mới. HN mấy hôm nay nóng như rang bác ạ. Cho em gửi lời hỏi thăm bác Hà với nhé!

    Trả lờiXóa
  19. Phật đản, chúc hai bác an lạc, luôn ung dung, thoải mái ạ!!

    Trả lờiXóa
  20. Lâu lắm không thấy TORO viết gì ở blogspot ??

    Trả lờiXóa
  21. Cám ơn Bu giúp mình hiểu nhiều !

    Trả lờiXóa
  22. Ngàn xưa lưu dấu cha lành,
    Bảo tháp xá lợi kim thân Phật Đà,
    Bồ Đề khắp cõi ta bà,
    nhất tâm đãnh lễ hương hoa cùng dường.

    Trả lờiXóa
  23. Phusa sẽ nghiên cứu kỹ bài này, vì PS cũng đang tìm hiểu loại đề tài này. Cảm ơn bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẵn sàng trao đổi với bạn về đề tài Phật giáo

      Xóa