Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

CẦU SIÊU






Hai hình trên: Lễ cầu siêu lấy trên net

Bạn Nhật Thành Hồ hỏi bu:
 Ở chỗ em, dạo này mỗi khi có người mất, họ hay mời sư và đạo tràng đến làm lễ cầu siêu. Trong vòng 49 ngày thì cứ 1 tuần cầu siêu 1 lần. Rồi 100 ngày cầu siêu ở chùa, giỗ đầu cũng đến chùa cầu siêu, giỗ hết khó cũng cầu siêu. Em nghĩ nếu như 50 ngày, linh hồn siêu thoát rồi, sao lại còn cầu siêu nhiều thế? Có nên không?

Bạn đặt câu hỏi rất hay, chắc  chắn có nhiều người nghỉ như bạn.  Bu tui không biết gì lắm để giải đáp, chỉ “biết thưa thốt không biết dựa cột nghe” xin được các vị thức giả chỉ bảo thêm.
1- Cầu siêu là một từ Hán Việt  có tự dạng  求超,trong đó cầu nhờ giúp, siêu :  vượt qua. Cầu siêu là xin được vượt qua.  Vậy cầu cho cái gì vượt qua ? Từ điển tiếng Việt bảo cầu cho linh hồn vượt qua, siêu thoát.  Thực ra không phải  như vậy đạo Phật khẳng định “chư hành vô thường” tức không có cái gì tồn tại vĩnh cửu. Nếu bảo sau khi chết vẫn còn linh hồn tồn tại vĩnh cữu thì Phật giáo  Nguyên thủy và Phát triển  đều không chấp nhận.  Cái vượt qua, siêu thoát, ở đây là Thần thức. Tóm lược về Thần thức thế này cho gọn: Phật giáo cho rằng con người ta được cấu tạo bởi Ngũ uẫn (năm thứ tích góp) tạo nên là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất có thể đo lường, đong, đếm, được. Còn thọ, tưởng, hành, thức là nhữ gì trừu tượng thuộc về tâm linh. Sau khi chết phần “sắc” sẽ tan hoại, nhưng phần tâm linh thoát ra ngoài qua đỉnh đầu, mắt mũi, tai, miệng, hoặc những nơi khác tùy mức độ tu tập  lúc còn sống.
2- Quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển về sự siêu thoát của  Thần thức:
-        Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng sau khi chết, thần thức được nghiệp lực đưa đi tái sinh ngay. “Hiện tượng tử - sanh, chết và tái sanh, diễn ra tức khắc, dầu ở nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh không trải qua một trạng tái chuyển tiếp nào…” (trang 441 sách đức Phật và Phật pháp). Như vậy Phật giáo Nguyên thủy không có nghỉ lễ cầu siêu.
-        Phật giáo Phát triển quan niệm sau khi chết Thần thức ra khỏi thân xác nhưng còn bịn rịn luyến tiếc sự sống cũ, đặc biệt khi có tiếng kêu khóc của người thân thì nó càng khó rời xa được người cũ chốn xưa, mà ở trạng thái “thân trung ấm” (lửng lơ không lên cao, không xuống thấp) trong  suốt 49 ngày. Do vậy phải tổ chức nghi lễ cầu siêu cho Thần thức sớm được đi đầu thai kiếp khác.  

3- Thời gian cầu siêu thông thường 7 ngày một lần và làm 7 lần như thế. Tuy nhiên nhà nào có khả năng tài thì có thể cầu siêu liên tục trong suốt 49 ngày. Việc cầu siêu vào 50 ngày, 100 ngày, vào giỗ đầu, vì gia chủ quá thương yêu người đã mất, cứ làm cho thỏa lòng, chớ sau 49 ngày thì thần thức đã đi đầu thai kiếp khác rồi.  Với quan niệm của Phật giáo Phát triển làm vậy là thừa không cần thiết.  

43 nhận xét:

  1. Sỏi nghĩ ngày nay đời sống có phần cải thiện, dân trí không theo kịp sự phát triển chung của xã hội nên nhiều tệ nạn nảy sinh. Chuyện cầu siêu chỉ là hiện tượng ''Phú quý sinh lễ nghĩa''. Các sư tăng giờ rất giàu có, nhiều ông đi xe 6,7 tỷ đồng. Tiền của các ông ấy là từ các kiểu lễ lạp linh tinh như dạng cầu siêu này. Nghĩa là các tín đồ bị người ta lạm dụng để kiếm tiền. Các vị sư tăng cũng như các linh mục của thiên chúa nói gì mà tín đồ chẳng nghe.
    Theo Sỏi được biết, người ta thường làm lễ cầu siêu cho hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết tai nạn hay đuối nước, túm lại chết bất đắc kỳ tử, mà chưa thác sinh được, do nghiệp chướng.
    Còn những người do già mà chết đương nhiên rồi, vẽ chuyện cầu siêu mà làm gì.
    ...
    Sỏi nghĩ sao nói vậy không có lý luận gì, cũng không có kinh nghiệm nào nếu có gì không phải các bác chỉ giáo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ta đang sống vào thời đạo đức xã hội suy thoái xuống cấp. Nhiều nhà chùa của đạo Phật cũng lây lan sự xuống cấp này mà người ta gọi là thời mạt pháp. .Một số thầy chùa biến thành thầy cúng, trục lợi làm tiền. Thật là buồn mà không biết làm sao được

      Xóa
  2. Thế thì em hiểu rồi. Khi hỏi anh, em cũng đã tranh cãi với nhiều người về điều này. Em không đọc sách gì cả, nhưng nghe sư giải thích về lễ cầu siêu, và vì sao phải cầu siêu, từ đó luận ra là sau 49 ngày mà cứ cầu tiếp là không nên, khác nào bảo rằng, lần trước sư cầu chưa được!
    Cảm ơn anh Bu đã tra cứu sách vở và giải thích rõ ràng như vậy. Em sẽ mở trang của anh cho các cô trong trường em đọc khỏi cãi nhau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có ý hay, cầu siêu đủ 49 ngày thì thần thức người chết đã đi đầu thai kiếp khác rồi, Còn tiếp tục cầu nữa chứng tỏ những lần cầu trước đó không kết quả gì cả sao ?
      Đây là câu chuyện đụng đến vô vàn khái niệm rắc rối của triết lí Phật giáo. Bu tui chỉ nói nguyên lí chung mà thôi, có thể chùa này chùa kia, ở nơi nọ nơi kia làm khác do họ phát triển thêm ra. Bởi thế bu tui gọi đạo Phật phát triển thay vì gọi đạo Phật Đại thừa.

      Xóa
    2. Bài lão viết tặng Nhật Thành đây , anh xem cho vui . Giờ này lão qua blog anh là để chính thức trổ cửa chính từ nhà mình qua cho thuận tiện , vì lâu nay toàn leo rào ngả hàng xóm .
      http://tan262.blogspot.com/2014/09/nha-khong-co-bo.html#more

      Xóa
  3. Tôi có thử tìm hiểu về nghi thức Cầu siêu, và do tình thân họ hàng cũng có nhiều lần được mời tham dự vào nghi thức này của PG Đại thừa (bác Bu viết dưới tên gọi khác là PG Phát triển), xin có một vài thiển ý. trước hết xin nói qua về việc Cầu siêu theo nghi thức của PG Phát triển mà tôi được hiểu. Có hai nhóm chúng sinh được Cầu siêu sau khi mất:

    1. Cầu siêu cho nhóm mới mất còn trong vòng 49 ngày: trong thời gian này thần thức (gọi theo như bác Bu, hoặc như bạn NTH gọi là linh hồn, hay nhiều người khác gọi nôm na là hồn). Trong vòng 49 ngày này thần thức (linh hồn, hồn) được gọi là "linh". Như bác Bu đã viết trong entry, thần thức vẫn còn quyến luyến người thân, luyến tiếc cuộc sống cũ. Cầu siêu của PG Phát triển trong giai đoạn này thường được gọi là "cúng thất", 49 ngày gồm 7 thất, thất cuối cùng vào ngày thứ 49 gọi là "chung thất". Cúng thất là cúng ở chùa. Người có điều kiện cúng liên tục trong vòng 49 ngày, thì 49 ngày ấy gọi là "cúng cơm". Cúng cơm là cúng cho người đã khuất hưởng, ở nhà. Cúng thất chỉ cúng vào ngày thứ 7 của mỗi tuần, theo kinh Địa tạng thì Cúng thất là dâng lễ vật lên chư Phật, chư Bồ tát. để cầu cho linh được tiếp dẫn siêu thoát về nơi Thiện đạo. Thiện đạo là 3 cõi lành (cõi người, cõi Atula, tức cõi Thần, và cõi Trời) trong 6 cõi luân hồi (Lục đạo). Ba cõi dữ kia gọi là Ác đạo gồm Súc sinh, Ngạ quỷ và Địa ngục.

    2. Cầu siêu cho nhóm mất đã lâu, ngoài 49 ngày, thần tức gọi là "vong", đây là nhóm gồm những người khi còn sống đã phạm nhiều lầm lỗi, hoặc như bạn Hòn Sỏi viết bên trên là những "hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết tai nạn hay đuối nước, túm lại chết bất đắc kỳ tử...". Nhóm này theo tín ngưỡng PG sẽ sa vào Ác đạo (Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục). Như ta thấy rằm tháng 7 hằng năm là ngày PG tổ chức Cầu siêu rất lớn, là cầu cho những vong này cũng sớm được siêu thoát vào Thiện Đạo.

    Ngoài hai nghi thức Cầu siêu kể trên, ta cũng còn thấy người ta bây giờ hay làm những buổi nữa là 100 ngày, giỗ đầu (ngày giỗ năm đầu tiên), giỗ hết (giỗ hết tang), người có điều kiện cũng thường nhờ nhà chùa làm. Cũng có những người nhiều tiền nhờ nhà chùa làm những lễ Cầu siêu rất lớn, rất tốn kém để cầu cho người thân của mình, gọi là "lễ thí thực". Tôi đã thấy có những lễ như thế, họ nhờ nhà chùa nấu mấy chục cỗ bàn chay, ai đến dự cũng đều được mời ăn, khi về còn có xôi, chè, hay trái cây mang về.

    Đấy là những nghi thức của Tôn giáo. Phải nói ngay, bây giờ có lẽ cuộc sống tương đối không đến nỗi khó khăn, cho nên nhiều người đã chọn những nghi thức này, cho dù là tốn kém. Tôi cũng đã từng nghe nhiều người nói, làm những nghi lễ, nghi thức này chỉ cốt là để "an lòng người sống", chứng tỏ cái hiếu đễ, cái tình nghĩa đối với người đã khuất chứ chẳng biết người đã khuất có được như thế không...

    Còn chuyện lợi dụng hay lạm dụng niềm tin, hoặc niềm sợ hãi trong Tôn giáo nơi người khác để kiếm lợi thì có lẽ ở nơi nào cũng có, nhiều hay ít, có thể thời này chúng ta thấy khá nhiều... Tôi đọc Tự truyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, sống ở các nước tiên tiến mà Ngài cũng than phiền về việc này...

    Tôi nghĩ ăn thua chúng ta hiểu được bản chất vấn đề (Niềm tin, Tôn giáo, Xã hội...), để có được một suy nghĩ và hành xử đúng mực...


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin đính chính:
      - Ở mục thứ 2. "Cầu siêu cho nhóm mất đã lâu, ngoài 49 ngày, thần tức gọi là "vong", xin đọc "thần thức gọi là vong".

      Xin bổ sung để rõ thêm ý:
      - Sau thời gian 49 ngày thần thức sẽ phải vào một trong Lục đạo, tùy theo công, tội. Cúng thất trong vòng 49 ngày là dâng lễ vật lên chư Phật, Bồ tát, để hộ niệm cho thần thức được luân hồi về 3 cõi Thiện đạo.

      Xóa
    2. Cảm ơn bạn PNH đã có nhiều ý kiến về bài viết của bu tui
      1- Khi nói đến Phật giáo, bu tui lại phải một lần lựa chọn là nên nói Đại thừa, Bắc tông, Pháp môn hay Phát triển. Chấp nhận Đại thừa thì phải chấp nhận thêm Tiều thừa, mà khái niệm Tiểu hừa lại do bên đại thừa đặt ra để xem thường phía kia. Đã có một hội nghị Phật giáo quốc tế quyết định bỏ chữ Tiểu thừa là vậy. Còn bắc tông chỉ đúng cho thời Huyền Trang sang Tây Trúc mang kinh Phật bằng tiếng Sanskrit về dịch ra tiếng Hán, hệ kinh này gọi là A Hàm. Ngày nay A Hàm có ở Việt Nam, sang cả bên Tây, bên Mỹ là những nơi không ở phương bắc. Tất nhiên người ta không thể gọi là Mỹ tông hoặc Tây tông được,
      2- Bu tui tránh dùng chữ Linh hồn, vì nó là một khái niệm của tín ngưỡng dân gian có tính chất thường hằng. Đa số người Việt mình trong ngày kỵ giổ ông bà tổ tiên hay người thân đã qua đời tin rằng linh hồn các vị đó có trên bàn thờ. Phật giáo không chấp nhận như vậy. “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã” là không có cái tôi với đầy đủ tự tính, không có cái gì tồn tại mãi mãi. Cho nên tuyệt đại đa số sách vở Phật giáo dùng khái niệm Thần thức thay thế cho linh hồn. Nó gồm “thọ, tưởng, hành, thức” thoát ra khỏi thân xác sau khoảng 49 ngày. Thần thức được luồng nghiệp lực đưa đi đầu thai để thành một mẫu người khác (nếu được luân hồi làm người). Mẫu người này rồi cũng đến lượt lìa đời và thần thức hắn ta lại đi đầu thai kiếp khác. Dẫu vô lượng kiếp như vậy thì các thần thức không giống nhau nhưng cũng không hoàn toàn khác. Ông A khi mới lọt lòng mẹ không giống ông A khi 80 tuổi nhưng cả hai người vẫn là ông A chớ không ai khác.
      3- Những gì về cầu siên bu nói trong bài chỉ đúng về nguyên lý đại thể, trong thực tế sẽ khác mong được bạn PNH nhiều thực tế bổ sung thêm. Thực tế bu tiếp xúc là hôm mẹ bu qua đời năm 2009. Các thầy tụng kinh A Di Đà, lại tụng kinh Địa Tạng chắc hẳn bà già bu sẽ lúng túng không biết đường nào mà siêu thoát. A Di Đà đón bà vãng sanh trên Tây phương cực lạc. Địa Tạng xóa bỏ tội lỗi trần gian để được tái sinh làm người…Tức là nguyên lý chỉ một nhưng thực hành có nhiều, đôi khi phản lại nguyên lý.

      Xóa
    3. Trao đổi với bác Bu về những vấn đề tôn giáo rất thú vị, bác Bu thì chuyên sâu về "lý thuyết, nguyên lý" của sách vở, còn tôi thì có phần tìm hiểu thêm những gì đang diễn ra trong thế tục. Chẳng hạn bác dùng chữ PG Phát triển, từ này đúng như bác phân tích, nhưng lại không thông dụng, có nhiều người là Phật tử nghe PG Phát triển có khi không biết là PG gì? Hoặc từ Thần thức, cũng có khi người đọc thông thường không hiểu, trong khi xã hội vẫn dùng những tiếng như PG Đại thừa, hồn, vía, linh, vong có lẽ nghe nôm na dễ hiểu hơn, và khi người bình thường hiểu như thế tôi nghĩ cũng là đúng vấn đề chứ không sai lạc.

      Khi bàn đến Cầu siêu, là có lẽ chúng ta đang bàn đến những nghi lễ, nghi thức tôn giáo, với những quy định của tôn giáo, được tiến hành thông qua những người đại diện, cụ thể là các chư tăng. Như tôi đã nói với bác Bu, tôn giáo đặt cơ sở trên niềm tin, không có lý luận, ai theo tôn giáo nào, tin theo quy tắc của tôn giáo đó để thực hiện... Người Thiên chúa giáo đến nhà thờ, hay Phật tử đến chùa mỗi ngày, có lẽ không bao giờ đặt câu hỏi về Thiên đường, Niết bàn, hay tây phương Cực lạc, nguyên lý hay phi nguyên lý. Đây lại thuộc phạm trù triết học mất rồi...

      Xóa
  4. Những lễ nghi này làm cho người sống an lòng. Ở quê em bây giờ, 49 ngày chỉ như ngày giỗ, nhưng làm lớn, mời nhiều người với hàm ý cảm ơn sự giúp đỡ, phúng viếng trong tang lễ. Với các cụ có đi Chùa lúc sống thì cũng có thất thất lai tuần. Cá nhân em thấy tục lệ này rất nhiêu khê, phiền phức, nhất là các nhà chùa hiện nay khá phức tạp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu lâu Khiêm về với blog cho vui,người còm không cần nhiều chỉ cần người tâm đắc.
      Bạn nói đúng, làm mọi thứ cho người sống là thấy rõ, còn người chết được gì không thì chỉ có trời biết được

      Xóa
  5. Sự biến thể thì vô cùng , do yếu tố con người , vùng miền và văn hóa.. Lão tâm đắc sự lý giải của anh về phật giáo.
    Lão có mấy ý kiến trong lời còm của anh ở Nhật Thành , mời anh ghé xem .

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn bác Bu và bác Hiệp! Hai bác đã cung cấp những vấn đề lí thuyết chung và thực tiễn của việc cầu SIÊU. Với Bác Hiệp thì bác còn giải thích rõ ràng loại cầu siêu trong vòng 49 ngày ( miền Nam gọi là cúng thất) và cầu siêu sau 49 ngày đối với những người không bình thường ( bất đắc kì tử, phạm nhiều tội lỗi...). Rất cám ơn hai bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Vũ Nho đã sang đọc Cầu Siêu hihi

      Xóa
  7. Những nhận định về những nghi lễ về cầu siêu các Bác nói hết rồi . Ở đây tôi muốn hỏi bác Bu vài điều
    Ngày Cha , Mẹ tôi mất , hai đêm đầu tầm 2 giờ sáng tôi phải ra nghĩa địa thắp hương ( Vì là con trưởng ) phải đi chân đất ( Dù lúc đó là mùa đông ) mà phải đi không ai thấy và về không ai hay , ngày thứ ba mở cửa mả thì đi được ban ngày , tại sao lại có phong tục như vậy ?
    Ở quê tôi khi chôn người chết 3 ngày sau mới làm lễ mở cửa mả . Còn ở Sài Gòn tôi thấy vừa lấp đất xong mấy Ông Sư làm lễ mở cửa mả ngay . Việc mở cửa mả ngay có đúng không ?
    Khi người chết tắt thở , người ta bỏ vào miệng mấy đồng tiền cổ , họ bảo là xuống âm phủ phải qua sông nên dùng tiền ấy để trả tiền đò . Cũng có người nói người chết ngậm tiền nên khi bị tra khảo thì không nói được , để tránh cho người sống khỏi bị liên luỵ , điều đó có đúng không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Việc bạn phải dậy lúc hai giờ sáng đi chân đất ra mộ song thân thắp hương không để ai nhìn thấy bu tui mới nghe lần đầu. Có thể do tuổi tác bạn với với tuổi người đã qua đời làm sao đó mà người ta buộc phải làm như vậy. Bạn hỏi lại người tư vấn cho bạn cái thủ tục ấy xem sao
      2- Lễ mở cửa mả được biết nguyên là của đạo Lão bên Tàu du nhập vào Việt Nam không biết từ hồi nào. Về sau Phật giáo cũng vận dụng lễ này thành một nghi lễ chính thức. Theo đó sau 3 ngày kể từ ngày chôn cất, người thân sửa sang lại ngôi mộ cho đẹp đẽ hoặc làm nhà mồ. Lễ cúng tại mộ gồm năm thứ đậu (có nơi dùng thêm mè) ba ống đựng gạo, muối, nước, do một nhà sư làm lễ.
      Thủ tục ghi trong “Thọ Mai gia lễ”, “Gia lễ xưa và nay” “Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam”…cùng nhiều sách khác đều nói ba ngày sau chôn cất mới làm lễ mở cửa mả. Trường hợp mở cửa mả ngay như bạn nói bu tui chưa tìm ra nguyên nhân. Nếu bạn đang ở SG thì tìm hiểu trên đó xem.
      3- Theo tục xưa, sau khi người thân qua đời, tang gia thực hiện lễ Phạm Hàm. Bỏ một nắm gạo, và ba đồng tiền vào miệng người chết. Gạo để linh hồn người chết ăn, khỏi thành ma đói (ngạ quỷ) tiền để làm lộ phí qua đò, qua cầu, ở thế giới bên kia. Ngày mẹ bu ra đi không bỏ tiền mà bỏ vàng. Theo bu thì bày nay làm thế thôi chớ gạo tiền vàng với người chết rồi thì vô nghĩa không thể gọi là đúng được

      Xóa

    2. Bạn Alaykum Salam
      Sau khi post xong bu tui tìm được quyển “Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh” của Viện nghiên cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh do TS Võ Thanh Bằng chủ biên - nxb Đại học Quốc gia t p HCM - 2008
      Mục mở cửa mả ở trang 255 viết: “ …Chôn cất xong, đến ngày thứ ba thì con cháu ra mộ là lễ mở cửa mả. sáng sớm con cháu đem một mâm ra mộ gồm có trầu cau, rượu, bánh trái, tiền, vàng mã, đèn nhang và đem theo một cây mía lau và mộ con gà có mời thầy pháp (không phải sư) đến làm lễ
      ….Những người được hỏa táng, hầu hết tro cốt được bỏ vào hũ gửi chùa, không còn mồ mả nữa như ba ngày sau con cháu vẫn mang trái cây nhang đèn đên cúng” (trích)

      Như vậy, tục lệ chung bắc trung nam đều mở cửa mả sau ba ngày.

      Xóa
    3. Tục mở cửa mả đúng như bác Bu đã viết, là một tập tục dân gian có nguồn gốc từ đạo Lão, một cái lễ nhỏ nơi mồ mả vào ngày thứ ba sau khi chôn (ngày chôn là thứ nhất), nhưng bây giờ có những nơi người ta làm lễ mở cửa mả ngay sau khi chôn. Điều này tôi nghĩ bởi bây gờ người ta không có nhiều thời giờ, giản tiện bớt thủ tục, thời gian, cũng như nhiều người nhờ nhà sư làm lễ xả tang ngay sau khi chôn cất hay hỏa táng, vì một lý do nào đó.

      Nói chung những tập tục, thậm chí là những nghi thức, nghi lễ trong tín ngưỡng,tôn giáo là để phục vụ cho nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của con người, do con người "bày" ra, nên chắc chắn sẽ tùy theo thời gian, không gian, xã hội, hoàn cảnh của người trong cuộc mà sẽ có những thay đổi, điều chỉnh cho thích hợp... Tôi nghĩ cũng là những lẽ thường tình trong cuộc sống.

      Xóa
    4. Bu tui nhất trí với PNH đôi khi do hoàn cảnh bức bách, người ta có thể châm chước các thủ tục của người xưa. Nhưng việc giảm 3 ngày xuống 1 ngày theo bu phải do gia chủ kiến nghị.
      Nhưng ở đây ông Salam viết " Còn ở Sài Gòn tôi thấy vừa lấp đất xong mấy Ông Sư làm lễ mở cửa mả ngay, việc mở cửa mả ngay có đúng không" thi có phải do ý kiến gia chủ không hay là tục lệ SG như thế. Bởi vậy bu tui mới tìm đến sách “Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh” cho rõ thêm.

      Xóa
    5. Bác Bu nói đúng, những thay đổi tập tục như thế này, chẳng hạn mở cửa mả liền, xả tang ngay sau khi chôn hay hỏa thiêu, cần phải do gia chủ quyết định. Bản thân tôi khi gia đình có chuyện, những việc như thế này thày cúng hoặc nhà sư họ luôn theo ý kiến gia chủ, hoặc "tư vấn" cho thân chủ, hiếm khi họ tự quyết định những điều trái với tập tục, bởi "nghề" của họ là nghi lễ càng rình rang càng phức tạp, "tài" càng nhiều.
      Có lẽ bác Salam thấy việc xảy ra như thế nên thắc mắc.

      Xóa
    6. Cũng có thể ông Salam quan sát việc người khác." Còn ở Sài Gòn tôi thấy vừa lấp đất xong mấy Ông Sư làm lễ mở cửa mả ngay" hihi tôi thấy tức không phải việc nhà tôi rồi .

      Xóa
  8. Cảm ơn bác Bu và bác Hiệp đã giải thich . Nói thật với các Bác , phần lớn người Việt vì cuộc sống mưu sinh , cơm áo , gạo tiền lấy hết thời gian của mình , chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ đến những việc như vậy . Khi gặp hữu sự thì tang gia bối rối , người ta nói sao làm vậy . Chẳng ai dám phản bác , nói như Hòn Sỏi . Chắc cũng vì vây nên những người làm nghề này mới làm tiền gia chủ chăng ?
    Có được bác Bu , bác Hiệp là tôi yên tâm rồi , có gì thắc mắc cứ hỏi hai Bác là xong , là OK

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chao ôi, bu tui còn thiếu trải nghiệm thực tế lắm Alay kum Salam ơi

      Xóa
  9. Nhân có ý kiến bác Alaykum Salam, tôi cho rằng ông thầy cúng nào hướng dẫn bác đi chân đất ra mộ lúc nửa đêm là rất tệ về nhiều khía cạnh. Lẽ ra ta có thể từ chối.
    Việc cúng tam nhật (ba ngày) bác Bu bác Hiệp nói là "mở cửa mả" nhưng tục cổ quê Sơn Tây gọi lễ này là lễ "Bế mộ" tức là đóng lại, có lẽ chỉ việc hoàn tất lễ an táng, đào đất lên và bây giờ hoàn thổ chăng.
    Hiện nay, khi đi mời dự lễ này, người ta vẫn nói : Hôm nay nhà cháu làm lễ bế mộ cho bà cháu, mời cụ lại xơi chén rượu nhạt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong những vấn đề gọi là "tâm linh" này người ta thường vướng phải:
      - Ai bày sao nghe và làm theo vậy mà ít có suy xét (có lẽ do không hiểu rõ vấn đề nên không đủ tự tin tự quyết định, phần khác sợ người khác "nói ra nói vào"...
      - Như đã nói, tục lệ, nghi lễ, nghi thức... mỗi nơi, mỗi miền mỗi khác, có thể khác ở từ ngữ như "mở cửa mả", "bế mộ"... cũng có thể khác ở cách hiểu, một bên là "mờ", một bên là "đóng" (bế).
      Tôi cũng xin nhấn mạnh những điều này hoàn toàn là do con người bày ra, do nhiều lý do, nguyên nhân... Các thày cúng hoặc giới chức tôn giáo không đàng hoàng luôn "tận dụng" những tuân thủ này nơi người tin, mà bày đặt thêm những rắc rối phiền phức, cố tình làm cho sự việc thêm nghiêm trọng, phức tạp... để "móc hầu bao" tín chủ.
      Cho nên tôi vẫn luôn quan niệm, cần phải tìm hiểu để nắm rõ vấn đề, rồi tùy hoàn cảnh khả năng của mình mà tự quyết định, ứng xử, đừng để bị lôi kéo theo những cái vô bổ, mất thời giờ lẫn tiền bạc vô ích.

      Xóa
    2. Có sách gọi lễ cúng mở cửa mả là lễ ấp mộ. Ấp này là ôm ấp, ấp cho người nằm dưới mộ đỡ lạnh giá. Năm 2009 khi mẹ bu mất người ta còn bảo đốt một đống trấu bên cạnh nhà mồ. Bu ngoan ngoản làm theo.

      Xóa
    3. Hì hì, những tục nho nhỏ như bác Bu kể trên "gặp chuyện" bản thân tôi cũng thường nghe theo, nó không quá phức tạp, còn như bác Salam nói đang đêm 2 giờ sáng mùa đông mà thày cúng hay nhà sư bày vẽ chuyện phải đi chân không ra mộ thắp hương (lén không ai hay nữa chứ), thì đúng là hết biết. Những việc như thế mình phải suy xét mà lắc đầu.
      Một việc khác, chẳng hạn có nhà cúng cơm liên tục 49 ngày (vào ban trưa), có tiền, có thời giờ họ làm mâm cơm chay ngày nào cũng mời thày tới cúng (cũng phải mâm chay khác cho thày, cùng "phong bì"), còn không người ta cũng nói trong gia đình hằng ngày ăn gì thì bới chén cơm, ít đồ ăn đặt lên bàn thờ lòng thành mời người thân về hưởng là được, điều này cốt để tỏ lòng với người đã khuất, khi trong vòng 49 ngày tín ngưỡng tin rằng người đã khuất vẫn còn quanh quẩn trong nhà. Như ta đã biết cúng cho người đã khuất là ở tấm lòng chứ đâu có về mà ăn được.
      Đấy là nói về tập tục nghi lễ tôn giáo, ai tin thì làm, chứ những người không theo tôn giáo nào, hoặc nghèo quá không làm những tập tục, nghi lễ như thế thì mọi chuyện sẽ ra sao? Rốt lại cách tốt nhất là cứ "ăn ngay ở lành", khi sống sao cho hợp với cái "Đạo làm người", còn khi đã nhắm mắt xuôi tay biết sao cho vừa?

      Xóa
  10. Cháu qua thăm chú Bu, đọc bài để hiểu thêm về đạo phật. Cháu có chút thiển ý rằng: Khi còn sống cùng nhau sao không đối xử với nhau thật tốt. Con cái biết kính trọng, yêu thương cha mẹ, ông bà mình. Họ cần gì, trong phạm vi có thể thì mình cứ làm để họ vui lòng. Sao cứ phải đợi khi họ về bên kia thế giới thì mới rình rang tổ chức ma chay linh đình, làm lễ này lễ kia tốn kém mà chả biết có giải quyết được gì không hay chỉ giải quyết được mỗi khâu oai. Nhân tình thế thái, nhiều khi ngẫm mà thấy nực cười.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thói đời vẫn như vậy Linh Lan à.
      Cũng có khi người ta làm rình rang thế để mong cầu sự phù hộ độ trì của người ra đi

      Xóa
    2. Em đồng ý kiến với Linh Lan . Ông bà cha mẹ còn sống cứ chăm, cứ lo hết mực thì sau khi mất, dù không lễ lạc rình rang, cũng là làm tròn đạo rồi. Ý cá nhân em thôi.
      Qua nhà chú Bu, ngoài việc đọc bài chú, đọc các còm trao đổi của các bạn chú, đúng là tụi cháu có thêm được nhiều điều hay để học hỏi. Mong chú Bu với mấy chú... tranh luận dài dài cho tụi cháu tha hồ nghe. hì hì

      Xóa
    3. Dạo này nhà thơ mải mê FB có mấy khi về lại blog đâu, không khéo quên mất các chú rồi.

      Xóa
  11. Mọi người nên đọc những bài của bác Hiệp, bác Bu... và những kiến thức tương tự để đủ lý lẽ bác bỏ những tư vấn, chỉ đạo vớ vẩn, vụ lợi hay thể hiện uy quyền của thầy cúng, họ hàng khi gia đình có việc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Riêng bu tui thì biết thưa thốt không biết dựa cột nghe, những gì gọi là biết đều do dách vở chớ ít được trãi nghiệm.
      TORO về thăm blog cũ bu tui vui lắm..

      Xóa
    2. Về đây mới có chuyện chữ nghĩa đàng hoàng, được hóng chuyện các bậc trưởng thượng chém gió... bác Bu ạ.

      Xóa
  12. Không về hẳn thì thỉnh thoảng cũng được TORO à

    Xóa

    Trả lờiXóa
  13. Đọc hết những comment của các Bác ! Nói thật Salam rất biết ơn . Nói thật với bác Bu và bác Hiệp , tôi không mê tín dị đoan gì hết . Bởi vì người ta hay nói " Lệ Làng " thì mình phải theo . Tôi ở thành phố Vinh , tôi không kỵ tuổi với hai bậc song thân . Hai bậc sinh thành tôi mất cách nhau 6 năm . Thật lòng mà nói , 2 giờ sáng mùa đông ( Sao người già lại ĐI vào mùa đông nhỉ ? ) ra nghĩa địa một mình , trong lòng rất kinh sợ , nhưng trong thâm tâm mình nghĩ đó là Cha mình , đó là Mẹ mình , mình ra thăm Cha , thăm Mẹ , suy nghĩ như vậy nó át hết nỗi sợ trong lòng mình
    Còn ở quê tôi , sau ba ngày làm lễ mở cửa mả , con cái không được lai vãng , đến 49 ngày mới được ra thăm . Các Bác biết không , xong 3 ngày tôi phải bay vào Sài Gòn vì công việc và gia đình . Hai lần tôi phải đứng từ xa thắp hương và khóc tạm biệt Cha , Mẹ. không dám đến gần
    Người ta hay nói " Có thờ có thiêng , có kiêng có lành " mấy chị em tôi cũng theo những lời khuyên của những Cô , Bác ở quê ( Họ giúp không vụ lợi ) mà thành đạt như bây giờ .
    Còn một việc nữa muốn hỏi bác Bu
    Một lần tôi không nói làm gì , đó là hai lần khi trong ba ngày cúng cơm đầu tiên . Mấy ông thầy cúng xin âm dương không được , xin hoài xin mãi mà chẳng được . Bỗng nhiên có ông Dạ là hàng xóm ( ( ông này sau này tôi sẽ kể trong một entry khác vì ông là bí thơ và chủ nhiệm một công ty lớn của thành phố Vinh " hồi đó chưa có giám đốc hay giám đốc sở gọi là Trưởng ty " Ổng nói " sao bây không cúng Ông thần và hai người áp giải Mẹ bây " sau khi nnghe lời ổng làm thêm một mâm cúng ba ông thì mới xin âm dương được . Hai lần chứng kiến việc này , thú thật tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại có chuyện như vậy ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước khi gõ mấy dòng này bu tui lướt xem lại:
      1- Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (nxb Trí tuệ 2007)
      2 - Hiện tương ngoại cảm hiện thực và lý giải (nxb Hồng Đức 2008)
      Trong mục 2 có bài "Giáo sư Trần Phương và hành trình tìm hài cốt em gái đầy bí ấn"
      Giáo sư Trần Phương đã từng là phó thủ tướng chính phủ. Câu chuyện ông kể làm ai đọc cũng sởn tóc gáy, ông bảo: "Hài cốt em tôi đã tìm thấy, nhưng những con đường dẫn đến kết quả ấy thì vẫn là bí ấn, khám phá ra điều bí ấn ấy không phải dễ dàng".
      Trong mục 1: Nhiều giáo sư tiến sĩ, kể cả giáo sư viện sĩ Đào Vọng Đức thừa nhận là có diều kì bí, bằng chứng là các nhà ngoại cảm đã tìm được 7000 hài cốt liệt sĩ, đã nói chuyện được với người âm....Nhưng chưa một ai kết luận cụ thể được cái năng lực siêu nhiên ấy là gì. Tất cả đang còn "ngâm cứu"
      Điều bạn hỏi bu cũng là sự kì bí, và bu tui không dám kết luận nó là gì. Đến như các chuyên gia, các giáo sư, viện sĩ còn bó tay nữa là bu. Ta cứ tin là có sự lạ ...và chờ khoa học một ngày nào đó lí giải cho vậy.


      Xóa
  14. Như CT đã từng thưa với bác Bu. CT không hiểu bằng con đường huyền diệu nào mà PG lại có thể biết được thời gian tồn tại của thần thức sau khi ra khỏi thể xác? Thật là CT rất quan tâm. CT nghĩ, thấu được sự huyền diệu đó thật là tuyệt ạ:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cầu Tre thân mến
      Lâu lâu bạn sang hỏi nên dẫu có quá sức hiểu biết bu cũng cố gắng trả lời.
      1- Đạo Phật vào Việt Nam khoảng đầu thế kỉ thứ nhất sau Tây lịch. Trước đó người Việt đã có các phong tục tập quán theo tín ngưỡng dân gian của riêng mình. Khi người Việt bị người Tàu nô dịch thì các thuyết âm dương ngũ hành, Dịch kinh, Khổng giáo, Đạo giáo ….du nhập vào. Bởi vậy một biểu hiện nào đó trong thủ tục ma chay của Phật giáo ngày nay đôi khi không thuần túy của nhà Phật mà đã có sự giao thoa của nhiều thứ từ xa xưa. Chẳng hạn tang bố chống gậy tre, tang mẹ chống gậy gỗ vông đẽo vuông, Tre tròn xem chu vi là một cạnh, số 1 (lẻ) là dương hợp với bố. số 4 (4 cạnh của hình vuông) chẵn là âm hợp với mẹ.
      2- Theo phong tục truyền thống Việt ghi trong Thọ Mai gia lễ thì sau khi chết linh hồn (theo cách nói của dân gian) lảng vảng đâu đó bảy bảy 49 ngày. Tây Tạng sinh tử thư cho rằng con người từ sinh ra cho đến chết phải qua 6 dạng Trung ấm. Trong đó 3 dạng sau cùng là: Trung ấm lâm chung, Trung ấm Pháp tính, Trung ấm đầu thai. Ba dạng Trung ấm này chiếm hết bảy bảy 49 ngày. Phải chăng quan niệm của Phật giáo Đại thừa và tín ngưỡng dân gian Việt ngẫu nhiên trùng nhau.
      3- Tại sao có con số 49 trong Phật giáo Đại thừa và trong dân gian Việt? Đây là chuyện cực khó vì không thấy sách vở nào nói cho rõ ràng. Theo sách “Xuân Vũ Dật hướng” thì con người ta cứ 7 ngày sinh ra một lạp tức một hạt nở ra. 7 lạp như thế là một vía, gồm bảy bảy 49 ngày. Ngược lại sau khi chết đi thì cứ 7 ngày tan đi một lạp, phải 49 ngày sau thì mới tan hết vía.
      4- Nhân thể nói thêm để biết (chớ không thể giải thích được) một số khái niệm trong đạo Phật:
      - Nhà Phật tính ra trong một ngày thân ta đổi thay, thay đổi, tức chết đi sống lại tới 6.400.099.980 lần

      - Do tuần là đơn vị đo chiều dài bằng đoạn đường người lính hành quân trong một ngày khoảng 15- 20 cây số
      - Kiếp (đơn vị đo thời gian) có ba loại:
      • Tiểu kiếp: 16.800.000 năm
      • Trung kiếp: 336.000.000 năm
      • Đại kiếp: 1.334.000.000 năm
      Trong vô lượng kiếp trước Phật Thích Ca (thời hiện tại) và Phật A Di Đà (thời quá khứ) là anh em con một nhà, bố hai vị là một ông vua. Vô lượng kiếp là mấy năm, bó tay. Tại sao vô lượng kiếp mà ta biết được, do chính đức Phật Thich Ca nói ra khi ông ngộ được “Thiên nhãn minh” dưới gốc cây Bồ Đề cách nay 2500 năm. Mà ông cũng nhớ lại sự việc, chớ không biết là mấy năm cho cụ thể.

      Xóa
  15. CT cám ơn bác Bu đã thật nhiệt tình và cẩn trọng giải thích cho CT để CT giảm bớt được thắc mắc và có thêm suy ngẫm mới!
    Dù còn rất nhiều điều không thể biết, hiểu, nhưng không hiểu sao CT vẫn có niềm tin nhất định vào sự chân thực của những kiến thức về tín ngưỡng, tâm linh được lưu lại trong một số cuốn sách và tục lệ mà bác Bu và mọi người đã nhắc tới ở trên. CT vẫn tin rằng có những con người có khả năng đặt chân vào những con đường huyền diệu, thấu được những thứ nhiệm màu..:) Và con đường dẫn tới đó hoàn toàn không tách rời, biệt lập với khoa học ạ.
    Chỉ là chút chia sẻ suy nghĩ, bác Bu đừng cười ..:)

    Trả lờiXóa
  16. Bu lại sợ Cầu Tre cười cho
    Chứ đâu dám cười một con người rất nhiều kiến thức và kì bí như bạn hihi

    Trả lờiXóa