Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

CHỨNG TỪ CỦA MỘT NGƯỜI CON





Học giả Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984), nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Hán Nôm, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm 


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi (con trai học giả Nguyễn Đổng Chi - 14.7.1938), nhà nghiên cứu văn học cổ trung và cận đại Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học của Viên Văn học thuộc Viên khoa học xã hội Việt Nam.




Sau khi nghe mấy buổi trả lời phỏng vấn của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trên RFI, một người quê ở Mai Động đã tìm đến tận nhà gặp tác giả trao lại tấm ảnh duy nhất về các câu đối ở đình Mai Động bị đóng thành ghế ngồi cho hợp tác xã mà ông đã xin được từ nghệ sĩ nhiếp ảnh
 Nguyễn Bá Khoản hơn 20 năm trước

-------------------------------------------------------------



Năm 2005 nhà báo Thụy Khuê phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về: TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TẠI MIỀN BẮC NHỮNG NĂM 60. Bài phỏng vấn dài 18 trang, bu chỉ giới thiệu  mục “Chứng từ của một người con” để bạn nào quan tâm đến thời sự văn học nước nhà tham khảo.
Sau đây là phần bu ghi lại…


Trong những năm 1957-1958, hầu như toàn bộ văn nghệ sĩ trí thức miền Bắc đều có bài lên án Nhân Văn-Giai Phẩm. Những văn bản mà họ để lại là chứng từ của một giai đoạn lịch sử văn học. Sự việc ấy đã diễn ra như thế nào? Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là người đầu tiên trên diễn đàn văn học mở cửa cho chúng ta thấy hậu trưòng của một thời đại đen tối mà chính phụ thân ông, học giả Nguyễn Đổng Chi đã can dự vào.
 TK: Thưa anh Nguyễn Huệ Chi, Anh đã từng chứng kiến cảnh ông cụ thân sinh phải nhận viết bài chống cụ Phan Khôi, sự việc xẩy ra như thế nào, thưa anh?
NHC: Thưa chị Thụy Khuê, bản thân tôi, tôi đã chứng kiến người bố của tôi, Nguyễn Đổng Chi, viết bài phê phán học giả Phan Khôi, theo yêu cầu của người khác, khác với tính cách của ông, rồi sau đó đã không ngớt ân hận. Tôi phải nói lại chuyện này để chị hiểu cho có đầu đuôi một chút. Tức là kể từ thuở tôi còn là sinh viên, tôi và ông bố của tôi đã đối xử với nhau như bạn bè, có gì trong học thuật cũng trao đổi với nhau. Thời kỳ ấy, tôi nhớ vào khoảng tháng 3 năm 1958, hai bố con tôi, nhân ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi, từ Ô Đống Mác đi lên Tràng Tiền. Đến ngã tư Tràng Tiền, rẽ về phía Nhà Hát Lớn, tới gần hiệu Bodéga, nhìn thấy hai bên đường có những tờ báo treo thòng xuống, vì ở đấy có chỗ bán sách báo, thì ông ấy hình như sực nhớ lại, mới nói với tôi thế này:"Ông Liệu, - tức là nhà sử học Trần Huy Liệu, thủ trưởng của bố tôi, Trưởng ban nghiên cứu Văn sử địa lúc bấy giờ -, ông Liệu có nói với bố là: Phan Khôi thì rõ là sai rồi, bởi vì tự dưng lại đứng ra làm Chủ nhiệm báo "Nhân Văn", để cho những anh em trẻ nhân danh đòi tự do cho văn nghệ mà thoát ly đường lối lãnh đạo của Đảng, cho nên Phan Khôi phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Thế nhưng đối xử với Phan Khôi như thế là không được, như thế là nặng, bởi vì Phan Khôi là một học giả nổi tiếng và là một trí thức lão thành, không thể đánh đồng với những người khác". Tôi nghe bố tôi nói vậy, cũng chỉ biết vậy. Rồi hai bố con đi trở về.
 Nhưng sau đó khoảng chưa đầy một tháng, tự nhiên một hôm bố tôi đi làm về, buổi chiều tôi nhận thấy ông có một thái độ lặng lẽ khác thường, đi đi lại lại trên sân đình (hồi ấy chúng tôi còn phải ở nhờ một túp lều dột nát bên cạnh đình An Cư trong xóm Thanh Nhàn, trời mưa thì nước giọt tứ tung, và ban ngày tối như hũ nút và chật chội, đến nỗi hầu như cả nhà phải thường xuyên "tản cư"  lên sinh hoạt tạm trên hè và sân đình) mà không nói gì. Tôi mới hỏi: hôm nay có chuyện gì mà bố có vẻ ưu tư thế? Bố tôi đáp: Bố mới nhận được một nhiệm vụ khó nghĩ quá. Tôi hỏi việc gì. Ông nói: Phải phê phán Phan Khôi. Tôi nghe hơi ngạc nhiên, bèn nói: Ủa, thế hôm trước bố đã nói thế rồi cơ mà? - Nhưng hôm nay thì yêu cầu đặt ra là tờ tập san Văn sử địa phải có một bài phê phán Phan Khôi mà bố được lãnh cái trách nhiệm ấy.
 TKVậy ông cụ anh đã soạn bài viết ấy như thế nào? Anh có được đọc trước không và nếu anh được đọc, thì ý kiến của anh hồi ấy ra sao?
N.H.C.: Vài hôm sau thì thấy bố tôi bắt đầu đi thư viện, đi lục lọi, sưu tầm ở thư viện rất miệt mài. Và độ chừng 15 ngày sau nữa thì nghe bố tôi bảo: "Bố sẽ cố gắng chỉ nói về Phan Khôi trong giai đoạn từ 1945 về trước thôi. Còn giai đoạn sau, bố không nói, bởi vì xem ra, những bài ông ấy viết trên các tờ "Giai Phẩm", tờ "Nhân Văn", thì không có gì để nói được, là bởi vì ông ấy phê phán lãnh đạo văn nghệ, mà việc ông ấy phê phán một cái tập thể đứng ra thẩm định giải thưởng, đồng thời lại đưa tác phẩm vào để xin được trao giải, thế thì cái tập thể ấy có còn đạt được tiêu chuẩn gì gọi là dân chủ, gọi là công bằng nữa hay không? Thì bố thấy ông Phan Khôi nói chuyện ấy rõ là được chứ. Cho nên bố chỉ khoanh lại, nói về ông ấy từ 45 trở về trước cho tiện". Sau đó thì bố tôi bắt đầu viết và tôi cũng tin là bố tôi sẽ nói một cách chừng mực thôi. Nhưng khi bài viết xong, đưa cho tôi, phải nói tôi có hơi choáng người, vì những lời lẽ ông ấy viết rất nặng. Nhưng vì kính trọng bố cho nên tôi không nói gì, vả chăng lúc bấy giờ tôi cũng nghĩ là Phan Khôi sai, tuy rằng thật tình tôi chưa biết nhiều lắm về cụ Phan Khôi, nhưng tôi vẫn nghĩ là cụ Phan Khôi sai lầm, cho nên bố tôi đã nói thế chắc là phải đúng.
 T.K: Thưa anh, đến khi nào thì ông cụ mới cảm thấy là mình lầm?
N.H.C.: Thế mãi về sau, hai bố con không nói với nhau về chuyện ấy nữa. Nhưng có một lần nhân câu chuyện gì đó bố tôi có nói lại là: "Bố ân hận quá, đã nói những chuyện không đúng về cụ Phan Khôi, bởi vì cụ Phan Khôi từ trước Cách mạng đã được dư luận coi là Ngự sử văn đàn, là một người rắn rỏi, cứng cỏi, thẳng thắn. Ngay với chính quyền Pháp từ thập kỷ XX ông ấy đã dám nêu lên nhiều vấn đề xã hội, chính sách cai trị của họ mà không sợ. Cho nên những điều ông ấy viết bao giờ cũng có tính chất đối thoại với người khác. Mà đối thoại chính là cái biểu hiệu của sự dân chủ. Vì thế mà bố nghĩ, bố đã phê phán trúng vào chỗ đó chính là bố đã theo đuôi để góp phần đưa đến không khí mất dân chủ trong cái bài của bố." Bố tôi chỉ nói một lời ngắn gọn như thế rồi trầm ngâm rất lâu. Mãi cho đến trước khi mất, tức là năm 1984, vào mùa xuân thì bố tôi được đi Nga lần đầu, lúc bấy giờ với tư cách là chuyên viên Viện Văn hóa dân gian. Bố tôi đi đâu chừng hai tháng. Khi trở về, ông bị ốm vì bên Nga lạnh quá. Tôi lên thăm, thì bố tôi nói thế này: "Bố thấy ở Nga có hai điều đáng lưu ý: Một là việc nghiên cứu Đông phương học của họ đến nơi đến chốn, chứ không phải là nóng đâu phủi đấy như chúng ta. Họ giải quyết việc gì cũng rất hệ thống. Nhưng điều thứ hai bố thấy họ có chỗ này không được: tức là họ vẫn đặt công việc nghiên cứu vào một đường rãnh (chính trị - HC thêm) mà mọi người đều phải trượt trên cái đường rãnh ấy; cuối cùng thì người nào cũng quy về một điểm mà không còn nhìn thấy sự đa dạng trong nghiên cứu nữa". Bố tôi nhận xét thế. Đến khi khỏe lại, bố tôi lại có dịp trao đổi với tôi lâu hơn: "Thật ra nước mình không phải là một nước có lý luận và cũng không có triết học, chỉ là một nước thực tiễn thôi. Cho nên việc nóng đâu phủi đấy là chuyện bình thường. Và việc mà bố gán cho Phan Khôi là học mót cái thực dụng của Hồ Thích mà Hồ Thích thì học mót của J. Dewey là sai. Bởi vì một chủ nghĩa thực dụng như của Dewey nhìn cho thấu đáo là lớn lắm chứ không thể coi thường, và chuyện ông Hồ Thích cắt gọt chỗ này chỗ khác, ông ấy áp dụng vào Trung Hoa cho đúng theo điều kiện thực tiễn Trung Hoa, cái đó cũng bình thường. Còn chúng ta vốn quen học lại của Trung Hoa cũng chẳng có gì lạ. Do đó, nói rằng Phan Khôi đã học mót Hồ Thích và Hồ Thích thì đã học mót Dewey là một lời phê phán quá nóng vội".Và bố tôi dặn thêm: "Sau này nếu có điều kiện thì con cố gắng làm thế nào sửa được cái sai lầm của bố". Đấy, tôi phải nói một cách rõ ràng để chị và thính giả có thể thông cảm được tình hình hồi ấy là như vậy đấy. Mãi đến năm 84, ông bố tôi mới nói ra lời ấy.
T.KTừ việc của ông cụ anh đã rút ra được kinh nghiệm gì riêng cho mình và cho đến bây giờ thì anh đã thực hiện được những lời cụ dặn dò chưa?
N.H.C.: Quả thật về sau tôi càng ngày càng thấy là những điều bố tôi nói rất đúng, và sự ân hận của ông là sự ân hận của một người có lương tri, có tư cách của một trí thức. Gần đây có nhiều người gợi ý nên làm toàn tập cho bố, rất nhiều chứ không phải ít, nhưng tôi chỉ cười mà không nói gì, bởi vì tôi nghĩ rằng chưa thể làm được. Vì làm toàn tập thì nhất định là phải đưa hết các bài nghiên cứu của ông ấy vào dù hay dù dở, mà trong đó lại có một bài không vẻ vang gì cho bố tôi cả, là bài phê phán cụ Phan Khôi. Nhưng rất tiếc là... bài ấy đã được in ra trên giấy trắng mực đen. Đó là bài Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích, trên tập sanVăn Sử Địa, số 41, tháng 6 năm 1958. Tôi không giấu giếm ai hết, mà xin nói rõ xuất xứ như thế, để bạn đọc thấy cái bài đó đã làm cho bố chúng tôi xấu hổ như thế nào. Cũng gần đây, trong thời gian biên tập bộ Từ điển Văn học-bộ mới, có nhận lời ủy thác của người bạn quá cố là anh Văn Tâm - một người cũng lao đao trong thời Nhân văn-Giai phẩm - tôi đã bổ sung và chỉnh sửa lại mục từ "Phan Khôi" do Văn Tâm viết từ nhiều năm về trước; về sau, anh Văn Tâm rất muốn sửa mục từ ấy đi, cho đúng thực chất, giá trị của đối tượng mình viết, nhưng bệnh tật khiến anh không làm được việc ấy nữa, nên anh ủy thác cho tôi. Tuy rằng nhận lời ủy thác của anh, nhưng trong thâm tâm chính là tôi muốn thực hiện cái di chúc của bố tôi để rửa mối nhục mà chính bố tôi đã tự gây cho mình.
Cũng trong Từ điển Văn học-bộ mới, các mục từ viết về những tác gia Nhân văn-Giai phẩm, tôi đều quan tâm và đều có sửa chữa hoặc trực tiếp viết, và những mục từ ấy, theo tôi, ít nhất cũng đã lấy lại một cái nhìn tương đối đúng đắn - tương đối thôi chứ vẫn chưa nói được hết giá trị thực mà họ có và bao nhiêu năm bị dập vùi, bị những nhận định officiel nó biến trắng thành đen và làm cho họ không còn có chút giá trị nào nữa trong tâm lý bạn đọc thông thường. Cũng ở Từ điển Văn học-bộ mới, có mục từ "Hồ Thích", tôi cũng tự mình đảm nhiệm, cốt là để giải oan phần nào cho cái gọi là chủ nghĩa thực dụng (le pragmatisme) học mót Dewey của Hồ Thích mà người bố của tôi đã cực lực phê phán. Hôm nay sách đã ra được nửa năm, bạn đọc có thể tìm đọc ở thư viện hoặc ở các hiệu sách để chứng thực cho lời bộc bạch của tôi.




32 nhận xét:

  1. Tôi có đọc được trên mạng một số tin, bài của người này phê bình (thực ra là "đánh") đối với người kia thời Nhân văn giai phẩm, một cái thời mà sự mông muội và ác độc lên ngôi (bóng ma này vẫn còn thấp thoáng). Tôi cũng luôn nghĩ có những người chẳng hạn như học giả Nguyễn Đổng Chi, viết ra những bài, những lời lẽ như thế về người khác (người bị đánh tiếc thay lại là những người giỏi, có tầm nhìn) là do bị một sức ép (hữu hình và vô hình) chi phối.

    Lịch sử luôn công bằng, sẽ chứng minh cho mọi con người có lương tri biết cái gì đúng, cái gì sai. Qua bài bác Bu ghi lại bên trên có thể thông cảm ít nhiều học giả Nguyễn Đổng Chi, và thấy được cái thẳng thắn của GS. Nguyễn Huệ Chi, ông dũng cảm nhận cái sai của người đi trước và nói lên sự thật (tôi tin thế), chứ không cố lấp liếm. Đây thực sự là một gia đình trí thức khá hiếm trong xã hội bây giờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu viết lên bài này cốt để có những người hiểu vấn đề như bạn PNH đồng cảm
      Cảm ơn nhiều nhiều

      Xóa
  2. Đúng là thật khó khăn để con người tự nhận là mình sai và tìm cách sửa sai nhưng gia đình học giả họ Nguyễn đã làm được cả hai điều ấy, thật đáng quý. Em ít được đọc về giai đoạn Nhân văn giai phẩm này Học giả Phan Khôi thì em chỉ được biết đến qua bài Tình già được in trên báo phụ nữ tân văn thì phải. Trong bài Tình già có hai câu: Liếc đưa nhau đi rồi/ Con mắt còn có đuôi.
    Vâng, con mắt còn có đuôi nên vẫn còn nhiều lưu luyến, nhiều trăn trở lắm. Và việc quay đầu nhìn lại vẫn luôn là điều con người ta nên làm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Áp lực của cấp trên, của lãnh đạo, cũng tức là của Đảng làm méo nhân cách những học giả như ông Đổng Chi. Ông biết Phan Khôi không sai nhưng cứ đả kích mạnh vào cho hợp ý cấp trên, sau này ông ân hận thì sự đã rồi...

      Xóa
  3. Thật ra khi đặt bút để phê bình hoặc chỉ trích ai nhất là với các nhà văn thì rất khó để có thể rút lại những lời bình đó vì tất cả đã được in ấn trong sách vở . Có làm được quả cũng không dễ gì ! Con người ta , biết sai và tự mình nhìn nhận quả thật cũng rất khó , nhưng nếu làm được thì rất quý anh Bu nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Đổng Chi thành người thiên cổ rồi, ông đang ôm hận nằm dưới suối vàng.
      Con trai ông, GS Huệ Chi không làm tuyển tập Nguyễn Đổng Chi là một quyết định trung thực. Vì tuyển tập có bài đã kích Phan Khôi thì không phản ảnh đúng bản chất Nguyễn Đổng Chi, nhưng bỏ bài đó đi thì không phản ảnh đúng thực tế hoạt động của Nguyễn Đổng Chi....Bu cảm phục GS Huệ Chi ở chỗ này

      Xóa
  4. Còn nhận mình sai , còn ân hận là còn lương tâm ... Thật đáng quý trong cái thời buổi mà hầu như lương tâm đã đi vắng , M nghĩ vậy .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nhận định thât chính xác
      Trong cái thời đạo đức xuống cấp
      Mọi thứ đều xuống cấp
      Mà giáo sư Huệ Chi không làm tuyể tập cho bố là một hành xử trung thực và có lương tâm

      Xóa
  5. Viết những lời này thời bây giờ như ông HC thì quá dễ, vì thuận theo thời thế. Dám viết những lời ngược với thời thế đúng đạo lý, đúng sự thật mới đáng danh là một học giả. Cả hai bố con ông HC Giáo đều ko phục! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vui mừng thấy bạn giaolang đọc và có nhận xét ....

      Xóa
  6. Một người cầm bút có tâm mà bị nhận nhiệm vụ phải phê phán một người mà tận trong thâm tâm mình không thực sự thấy người ấy đáng bị lên án, để rồi sau đó nhận ra mình đã sai lầm. Chắc hẳn Người cũng ray rứt lắm. Biết thừa nhận và mong đời sau có cơ hội sửa sai, đính chính dùm, cũng xem như an ủi phần nào chú Bu hén.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với ông Nguyễn Đổng Chi thì nỗi ân hận đành mang sang thế giớ bên kia rồi. Chắc ông sẽ gặp cụ Phan Khôi để xin lỗi ....

      Xóa
  7. Một bài viết thật thú vị về chữ tâm của những người cầm bút. Cám ơn bác Bu đã chia sẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu lại gặp Ngọc Yến thât là vui
      Hình như bạn không còn viết blosgpot nữa...

      Xóa
  8. Thật đáng trân trọng một nhân cách lớn của hai cha con ông Chi nổi tiếng này ,qua sự trăn trở hối lỗi và trung thực của họ. Âu cũng là bi kịch cạm bẩy giăng kháp nơi của một thời Đảng lãnh đạo triệt để và toàn diện...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời hiện nay cũng đang toàn diện và triệt để đấy thôi. bạn HHP ơi
      Nhưng người biết ăn năn hối lỗi như cha con ông Chi thì không nhiều

      Xóa
  9. Thân phận trí thức ở ta nó khốn khổ thế đấy các bác ạ. Ông bị đánh khổ đã đành, ông được sai đánh cũng thấy nhục...

    Trả lờiXóa
  10. Cho nên ông Ngô Tất Tố nói trong Đèn cù quá hay phải không

    Trả lờiXóa
  11. Mình sang mấy bận nhưng không còm. Lắm lúc mình nghĩ lý sống khó quá, nhiều nỗi khó bàn. Mỗi thời đại có cái đúng cái sai luận sao cho hết !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn ghé thăm
      Thời đạ nàoi lấy cái sai làm đúng lấy cái đúng làm sai thì phải vạch ra cho bàn dân thiên hạ biết, bu tui quan niệm vậy

      Xóa
  12. Em thích câu này "Đối thoại là biểu hiện của sự dân chủ". Vậy là trong thâm tâm người bố, cũng đã nhận ra, nếu như cái nhìn chỉ thiên về một phía, thì không còn là cách nhìn đời, nhìn người nữa. Tự dưng em nhớ đên tác phẩm 'Đôi mắt" của nhà văn NC. Ở thời đại nào cũng vậy, k thể chỉ độc thoại, mà luôn phải có đối thoại, đúng không bác Bu?

    Trả lờiXóa
  13. Bạn nhận xét đúng lắm
    Tiếc là chúng ta đang ở một xứ sở không được đối thoại, mọi thứ đã có cấp trên lo và ban phát cứ thế mà làm theo....

    Trả lờiXóa
  14. Mình nhận xét mà lại theo sự chỉ đạo của cấp trên -Ddó cũng là điều đáng buồn cho tư tưởng tự do dân chủ mà -

    Trả lờiXóa
  15. Cảm ơn bạn Trần Minh Lê đến nhà bu và có lời nhận xét
    Mong được dối thoại với nhau dài dài

    Trả lờiXóa
  16. Qua thăm anh Bu nè ! Anh Bu ơi , anh nhớ ghé qua nhà em xem tiểu sử của chiếc cầu mà em mới vừa bổ sung vào bài viết của em đó . Cảm ơn anh đã góp ý cho bài viết của em thêm hoàn thiện ! Chúc anh cùng gia đình có được những ngày thật vui và thật bình an anh Bu nhé .

    Trả lờiXóa
  17. Lâu lắm rồi cháu không thấy chú qua nhà, cháu cũng bận đến không mở mắt ra được với hàng đống công việc đầu năm học và chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 40 năm thành lập trường..Hôm nay công việc tương đối ổn rồi, cháu sang thăm chú! Mong chú luôn khỏe mạnh, an lành, nhiều niềm vui, đón một mùa đông ấm áp nhé chú Bu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú cũng chưa viết được gì mới
      Chu Ngọc có bài mới chú sang đọc liền à

      Xóa
  18. Em ghé qua thăm bác Bu. Lâu nay bác Bu không đăng tin gì mới. Mong bác Bu có nhiều cảm hứng viết bài để những người bạn có thể đọc và chia sẻ cùng bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm hứng thì nhiều lắm nhưng phải cái lười ...bu sẽ cố gắng bán lười mua siêng vậy.
      Lâu lâu Yên Vũ viết văn xuôi để đổi món cho bạn bè nhé

      Xóa
  19. Bác Bu bán lười không? Để em mua giùm, hihi.

    Trả lờiXóa
  20. Mua dùm thì bác bán ngay
    Tiền tươi bác nhận trao tay sự lười
    Xin thưa hết thảy mọi người
    Ai cần mua nữa bu thời bán cho

    Trả lờiXóa