Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

HỌC SỬ KHÓ LẮM !

Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX
G S Lê Thành Khôi


Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên)
Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp)


Đại Việt sử kí toàn thư  tập 1

1- Cụ Hồ dạy: “Dân ta phải học sử ta”, ai đó gia thêm: “Nếu mà không biết thì tra Gúc Gồ”.  Đấy là nói cho vui, có lần bu tui thử hỏi khó ông Gúc Gồ:  “bài thơ  Nam quốc sơn hà…xuất hiện trong thời Lý Thường Kiệt đánh Tống hay xuất hiện từ thời Lê Đại Hành đánh Tống” ông trả lời liền : “Không tìm thấy ....”
    Câu hỏi trên không chỉ khó với ông Gúc Gồ mà còn khó với các giáo sư sử học thượng thặng. Trong sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” (1), ở mục “Cuộc chiến năm 1075 – 1077”  GS Lê Thành Khôi viết:  “Để úy lạo tinh thần quân sĩ, Lý thường Kiệt sai người núp trong miếu thờ thần Trương Hát và dõng dạc đọc bài thơ bốn câu sau đây (tr 187)
Nam quốc sơn hà  Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Tức là GS Lê Thành  Khôi thừa nhận bài thơ trên xuất hiện thời Lý Thường Kiệt đánh Tống) (2)

2- Thế nhưng, Thiền sư, giáo sư Lê Mạnh Thát trong bài “Pháp Thuận và bài thơ Thần sông núi”(3) lại viết: “Theo chúng tôi, ta nên trả bài thơ thần trên về cho cuộc chiến tranh năm 981”(4). Tức là trong cuộc chiến đánh Tống của vua Lê Đại Hành. Tại sao GS Lê Thành Khôi và GS Thiền sư Lê Mạnh Thát lại nói khác nhau như vậy. Bu tui cho là do hai ông dựa vào hai nguồn tài liệu khác nhau. Xin tóm tắt như sau:

* GS Lê Thành Khôi dựa vào  Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT)  do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn năm 1697 dưới triều Lê Hy Tông.  Sự kiện xuất hiện bài thơ thần “Nam quốc sơn hà …” trong  ĐVSKTT được Ngô Sĩ Liên lại chép theo sách Việt Điện U Linh (VĐUL)  của Lý Tế Xuyên viết từ đời Trần.  Ở trang 124  Sách  VĐUL viết “Triều vua Lý Nhân Tông, quân Tống nam xâm, kéo tới địa hạt của ta, nhà vua liền sai Thái úy Lý Thường Kiệt đặt hàng rào dọc bờ sông (Như Nguyệt) để cố thủ. Một đêm kia, quân sĩ bổng nhiên nghe trong đền (thờ Trương Hống và Trương Hát) cất tiếng cao, ngâm rằng:
 Nam quốc sơn hà  nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quả nhiên quân Tống không đánh mà đã tan (?) Thần mộng rõ ràng, chẳng sai một mảy may”

* GS - Thiền sư  Lê  Mạnh Thát lại dựa vào sách Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) của Trần Thế Pháp cũng viết từ đời Trần, ở trang 98, 99 sách LNCQ viết: Đêm ấy Đại Hành mộng thấy hai thần nhân mặc áo mủ vua ban đến bái tạ…  “Canh ba đêm ba mươi tháng mười (năm Tân tị, 981 bu chú thích) trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng, Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (5)
Quân Tống nghe thấy, xéo đạp vào nhau mà chạy tan, lầm giết lẫn nhau…Quân Tống đại bại mà về. Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, tuy phong cho hai vị Thần nhân…”
GS Lê Mạnh Thát còn đưa ra chiều  chứng cứ để khẳng định bài thơ thần trên là của thiền sư Pháp Thuận, một đại quân sư cho vua Lê Đại Hành trong nội chính và ngoại giao.
3- Có người sẽ hỏi: Tại sao sử gia Ngô Sĩ Liên không chép sự xuất hiền bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà…” theo sách Lĩnh Nam chích quái là lúc Vua Lê Đại Hành đáng Tống  (981)  mà lại chép theo sách Việt Điện U Linh là lúc Lý thương Kiệt đánh Tống (1077). Để trả lời câu hỏi này ta hãy nghe sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét về vua Lê Đại Hành: “Đạo vợ chồng là đầu mối của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn, Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là  mở đầu mối họa đó sao ?” (6)
Với Đánh giá đó thì dễ gì sử gia Ngô Sĩ Liên  đem bài thơ như một bản “Tuyên ngôn độc lập” đó của dân tộc gắn cho Lê Hoàn được, mà dựa vào sách Việt Điện U linh ông gắn cho Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến đánh Tống năm 1077.

---------------
(1) NXB Thế giới 11.8.2014
(2) Từ trước Cách mạng tháng 8 cho đến nay có nhiều học giả có cùng quan điểm với GS Lê Thành Khôi cho rằng bài thơ thần của Lý Thương kiệt như : Trần Trọn Kim, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Dương Quảng Hàm, Văn Tân, Đinh Gia Khánh…
(3)- Theo http://www.sugia.vn
(4)- Cùng quan điểm với GS Thiền sư Lê Mạnh Thát có nhóm tác giả thuộc Hội Sử học Hà Nội, PGS Bùi Duy Tân…
(5)- Chép theo bản A1300 trong trang 99 sách Lĩnh Nam Chích quái.
(6)- Trang 222 sách Đại Việt sử kí toàn thư


Đại Việt sử lược  quyển sử cổ nhất của Việt Nam.(Khuyết danh), được viết từ thời nhà Trần, trước khi Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký (1272), GS Nguyễn Gia Tường (VNCH) dịch. Nguyễn Khắc Thần hiệu đính. Sách được lưu trử ở Tứ khố toàn thư triều Mãn Thanh.  Ông Tiền Hy Tộ thuộc Tứ khố toàn thư có viết lời giới thiệu nhưng cho Đại Việt là  phiên thuộc của Tàu nên bỏ đi chữ Đại mà gọi  là Việt sử lược. Sau này ông Nguyễn Gia Tường dich từ Hán ra Việt mới thêm vào chữ Đại, thành ra Đại Việt sử lược như tên cũ của sách.

Tấm hình để bạn Nhật Thành Hồ tham khảo


Bìa gốc sách Ngục Trung Nhật Ký
29.8.1932
10.9.1933

45 nhận xét:

  1. Cháu cũng chỉ biết bài thơ thần trên gắn với Lý Thường Kiệt và chiến thắng trên sông Như Nguyệt. Ngoài ra không biết gì thêm nữa. Cháu nghĩ, lịch sử là một bức tranh ghép còn nhiều ẩn số mà ngay cả các bậc cao nhân cũng khó lòng hiểu cho thấu đáo ngọn nguồn. Thôi thì cái gì cũng có tính tương đối, đôi khi con người ta phải biết chấp nhận cái vô hạn và cái hữu hạn vậy.
    Cháu chúc chú cùng gia đình một đêm ngon giấc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hơhơ...cho lão ké lời còm với LL vì cũng trúng cái ý của lão.
      Thú thật , " Dân ta nỏ thuộc sử ta " là phổ biến. Nản nhứt là hình như trừ triều Đinh và triều Nguyễn , thì triều nào cũng có...Tông Tông đến là rối nùi !

      Xóa
    2. Như chú đã viết cho đến nay vẫn có nhiều học giả gắn bài thơ này vào Lý Thường Kiệt, và cuộc tranh luôn chắc sẽ không có hồi kết hihi

      Xóa
    3. Lão tan_262 à, cũng là bắt chước Tàu cả thôi mà

      Xóa
  2. Học sử khó , anh nói đúng, mà theo Sỏi sử nước ta chân thực đúng nghĩa sử là rất ít. Đúng như Lao Tân nói chỉ có triều Đinh và Triều Nguyễn là khá trung thực còn tất cả đã bị xuyên tạc. Các vị là những nhân vật của lịch sử bị nhào nặn lại, tô vẽ thêm. Dương Vân Nga là vợ của vua Đinh là một con đĩ giết chồng giết con đẻ để theo trai, Một người bị dòng họ Dương không nhận là con trong họ ...Đến ngày nay ca ngợi là anh hùng dân tộc. ĐM sử. Cái Ông Lý Công Uẩn một thày tu không đặng, cướp ngôi nhà Tiền Lê rất trắng trợn và dã man bỏ chạy từ Hoa lư ra thăng long thì lại cho đó là một kiến trúc sư... Rồi triều Trần sau cú lừa ngoạn mục thì là cuộc đào lỗ xua 374 người trong cửu tộc nhà Lý xuống hố và chôn sống. Đến đời Hậu Lê mọc ra cái truyền thuyết ngu xuẩn là ""hoàn kiếm"" Thời quang Trung 29 vạn quân thanh chỉ trong 7 ngày đã không còn một mống sống sót. Tất cả những thứ đó đều diễn sai thiếu trung thực. Sử mà sai thì học làm gì.
    Các tác phẩm văn chương thì ăn cắp rồi chế biến và Nhận vơ. Thơ thần của Lý Thường Kiệt có lẽ là tác phẩm thuần Việt nhất. Sau đó là Hịch tướng sỹ và Cáo Bình Ngô. Còn lại đều có vấn đề cả. Truyện Kiều nếu không có Thanh Tâm Tài Nhân thì không có truyện Kiều. Bây giờ gọi là Đạo văn đấy , không nên ca ngợi thái quá như vậy chứ!
    Còn chưa nói đến Ngục Trung Nhật ký 1932 mà lại nói là của Cụ Hồ. Thì cái băn khoăn của anh về bài thơ thần có đáng gì. Ba cái lão giáo sư hay tiến sỹ Sử là một lũ hâm đơ chập mạch. Thấy cái đúng mà không giám há mồm sợ đuổi việc, mất chỗ kiếm cơm, bây giờ loại sử học như Dương Trung Quốc hay Võ Lâm Biền rất hiếm. Cả ngàn nhà sử học, bán công ăn lương. Biết cái gì đâu. Sử không phải là sử thì không đáng học. Nếu vì lợi ích giai cấp mà bóp méo Sử thì hậu quả là khó học đúng quá rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hòn Sỏi à, cái không đáng gì mà còn tùm lum thế thì cái to tát sẽ ra sao nữa.
      Bu đang học sử thấy khó thì phải nói khó để cố mà học thêm hihi
      Có người bảo lịch sử là nói lên cái tệ hại ngày hôm qua để chịu đựng được cái tệ hại của ngày hôm nay. Nghe ra cực đoan quá nhưng không phải không có chỗ đúng

      Xóa
    2. Ngục trung nhật kí sao lại là 1932? Hình như anh Sỏi bị nhầm mất 10 năm?

      Xóa
    3. Anh Sỏi nói cho cô giáo biết anh Sỏi không nhớ nhầm. Mà là lịch sử đã machs qué. Em vào Google tìm cái ảnh Ngục trung nhật kí trang đầu còn in nguyên dòng chữ 1932. Điều đó chứng minh Nhật ký trong tù dựng lên rất lố bịch.

      Xóa
  3. Tôi hơi phân vân với bài viết này của bác Bu. Phân vân ở chỗ tiêu đề của bài viết là "Học sử khó lắm!", nhưng nội dung bài viết thì hình như là "Viết sử khó lắm". Sở dĩ có sự phân vân này là để comment cho đúng ý.

    1. Nói về "Học sử khó", thì "Học sử" đối với Học sinh để "trả nợ" thày cô (cái này thực tế đã cho thấy là học sử ở trường học bây giờ "chán lắm" chứ không hẳn "khó lắm"). Hay "Học sử" đối với người lớn để "Dân ta phải học sử ta" như lời của cụ Hồ mà bácBu đã trích dẫn bên trên.

    2. Nếu xét theo nội dung trong bài viết thì có lẽ "Viết sử khó lắm". Sử của ta như đã thấy, có quá nhiều nguồn tư liệu, Nhiều nguồn tư liệu về lịch sử nước nhà phải dựa chủ yếu trên sách vở của người Tàu, là một nước dù muốn dù không, cũng có quá nhiều "duyên nợ". Người Việt ngày xưa ít có thói quen ghi chép cặn kẽ, có ghi chép nhiều khi "tả cảnh" thiếu sự chính xác, thêm nữa qua nhiều triều đại, có khi triều đại này lật đổ triều đại kia, mà khi đã lật đổ, thì ta mới là chính danh, còn họ là giặc. Rồi chính sử (chính sử của thời này bác bỏ chính sử thời kia), dã sử... Người thời sau do sai lầm, hoặc chủ ý mà thêm thắt, gia giảm... Cho nên đi vào sử Việt nhiều khi như một cuộn chỉ rối, chẳng biết đâu mà lần...

    Nhưng tôi nghĩ lịch sử là cái không thể thay đổi, là người đời sau chúng ta phải chấp nhận. Có điều thông qua những tài liệu, sách vở, khi chưa có được một bộ sử chính thống nghiêm túc, được mọi người chấp nhận (cũng giống như khi chưa có được một quyển từ điển tiếng Việt kiểu như bộ Larousse) chúng ta phải chấp nhận nhiều nguồn lịch sử, nhiều quyển từ điển giải thích khác nhau.

    Và sau cùng là khi như thế, mỗi người có khi phải trang bị cho mình một kiến thức, một tri thức, để tự mình suy xét.

    Trả lờiXóa
  4. Bạn PNH à
    Bu tui không phải phải sử gia viết lịch sử mà là cậu học trò dốt lịch sử phải học lại từ đầu. Với bài thơ thần này bu không biết tin vào ông Ngô Sĩ Liên. ông Lý Tế Xuyên, hay ông Trần Thế Pháp. Với người học thế là khó. Tất nhiên viết sử là khó rồi, học trò phải kêu khó để các thầy xem lại chớ biết làm sao bây giờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua sự kiện trên, ta có thể thấy rằng, câu chuyện bài thơ thần trên không phải là một sự kiện lịch sử được các sử gia chép trực tiếp từ sự việc "mắt thấy tai nghe", mà được chép lại từ 2 quyển sách thuộc loại truyền thuyết, loại truyện cổ tích dân gian về những điều kỳ dị, ngay cả bản thân 2 quyển sách này cũng có những dị khảo, nhuận sắc, viết thêm vào của nhiều người, vào nhiều lúc khác nhau (xin xem thêm tại trang Wikipedia về 2 quyển sách này).

      Bản thân tôi còn có câu hỏi " Chưa kể câu chuyện này xuất hiện tứ thời vua nào? Của ai? Liệu câu chuyện này có thật không? Hay thuần túy chỉ là một truyền thuyết?". Khi đặt câu hỏi này tôi suy nghĩ:

      - Đối với cả 2 quyển Việt Điện U Linh và Lĩnh Nam Chích Quái, đều viết rằng vào một đêm tối trời trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát, có tiếng ngâm bài thơ thần trên, quân Tống nghe được hoảng sợ đạp lên nhau mà chạy. Ở LNCQ còn ghi đêm ấy mưa to gió lớn đùng đùng, thử hỏi một giọng ngâm thơ to cỡ nào để từ chiến tuyến bên này vọng sang tới tận chiến tuyến bên kia cho quân địch nghe, át cả tiếng mưa gió? Rồi quân Tống có phải là một lũ chết nhát không mà chỉ nghe được câu ngâm ấy đã kinh hoàng bỏ chạy?

      Theo tôi có nhiều phần đây chỉ là truyền thuyết, đề cao "phe ta" sau khi chiến trận đã xong (quân Tống đã thua), kiểu như chuyện Thánh Gióng.

      Xóa
    2. Bu tui rất tâm đắc ý kiến này của bạn PNH

      1- Việt Nam chúng ta bắt đầu có lịch sử chính thức trong thời nhà Trần. Có thể xếp theo thứ tự các sách lịc sử:
      - Đại Việt sử lược, khuyết danh (nhưng nhiều học giả cho là của Chu Phổ. Bu tui có bản phô tô, xem hình chụp ở trên)
      - Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu 1272, đã thất truyền)
      - Đại Việt sử kí toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê)
      Ngoài ra cũng trong thời Trần, ta có thêm hai quyển Huyền sử
      - Việt Điện u linh
      - Lĩnh nam chích quái.
      2 - Ta đặt câu hỏi ngay: Vậy những sự kiện xẩy ra từ trước nhà Trần (thời Trưng Vương, nhà Ngô, nhà Đinh, tiền Lê, nhà Lý) các sử gia nhà Trần dựa vào đâu để viết. Có lẽ họ dựa vào các chuyện kể lưu truyền trong dân gian, vào gia phả các dòng họ, vào một số ghi chép của các nhân, và dễ thấy nhất là họ dựa vào hai tập huyền sử: Việt Điện u linh và Lĩnh nam chích quái. Mà huyền sử như ta đã biết là chuyện truyền thuyết có tính chất huyền hoặc, hoang đường.
      3- Trong quyển Đại Việt sử lược (quyển sử xưa nhất của nước ta), đoạn Lý Thường Kiệt chống giặc Tống được viết như sau: “Mùa thu tháng 7 nhà Tống sai quan Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ và Triệu Cao làm Chiêu thảo sứ tập họp chín vị tướng quân kéo binh sang đánh nước ta. Nhà vua sai Nguyễn Thường Kiệt lãnh đạo thủy quân chống cự lại. Hai vị quan hầu tước là Chiêu Văn và Hoàng Chân đều bị chết chìm ở sông Như Nguyệt. Quân hai bên cầm cự với nhau hơn một tháng, Thường Kiệt biết sức quân Tống đã mệt mỏi, nên ban đếm qua sông đánh lén một trận, phá hai dữ dội, lính nhà Tống chết đến 50%; 60% bèn rút lui vè giữ Quảng Nguyên.

      Xóa
    3. Có lẽ bác Bu thừa biết, những điều gọi là do thần thánh chi phối trong sách sử, mà ta thường gọi là truyền thuyết, chẳng hạn chuyện bên trên, hay nỏ thần Kim Quy, chuyện "rồng bay lên" (thăng long) khi Lý Công Uẩn dời đô, chuyện đòi gươm (hoàn kiếm), Thánh Gióng... v.v... đều là một dạng "chiến tranh chính trị" (tâm lý chiến) của người xưa. Để cho "dân đen" tin tưởng, không hoang mang, chống đối, thấy có thần thánh giúp thì lên tinh thần mà sẵn sàng đi theo... người xưa thường "mượn" tay thần thánh.

      Xóa
  5. Hơ hơ tham gia bình loạn cho zui đê
    Đại Việt sử ký toàn thư do Lê văn Hưu đời Trần ( 1272 ) là bộ sử đầu tiên chép từ đời Triệu vũ Đế cho tới Lý chiêu Hoàng . Khi giặc Minh đô hộ đã tịch thu đưa về nước . Đó cũng là một điều dễ hiểu là khi một nền văn hoá này muốn xâm nhập vào một nền văn hoá khác , nó bắt buộc phải thủ tiêu nền văn hoá kia . Chỉ tiếc là chỉ còn 1 cuốn Việt sử lược còn sót lại nên không phản ánh hết được quá trình lịch sử đó . Theo Salam thì giáo sư Lê thành Khôi cong nhận bài thơ thần của Lý Thường Kiệt là đúng
    Còn Việt điện U linh thì chỉ là tập hợp những truyền thuyết thật có , giả có mờ mờ ảo ảo , hư hư thực thực . Vì thế theo Salam thì Thiền sư Giáo sư Lê mạnh Thát cho rằng bài thơ thần là của Lê đại Hành là sai
    Đồng quan điểm cùng Bác Hiệp nên tạm hiểu bài viết của bác Bu là ( Viết Sử khó lắm ) Salam sẽ chứng minh bằng một câu chuyện
    Thời Đông chu liệt quốc sự việc xảy ra ở nước Tề . Thôi Trữ đã mưu phản giết vua Tề
    - Thôi Trữ giết Tề trang Công xong . Truyền cho quan chép sử là Thái Sử Bá vào chép sử là " Tề Trang Công bị bệnh sốt rét mà chết " . Quan Thái sử Bá không nghe mà chép vào thẻ rằng :
    - Ngày ất hợi , tháng 5 , mùa hạ . Thôi Trữ giết vua là Quang
    Thôi Trữ nổi giận giết Thái sử Bá . Thái Sử Bá có ba người em là Trọng , Thúc , Quý . Trọng lại chép như thế . Thôi Trữ lại giết Trong . Thúc cũng chép thế . Thôi Trữ lại giết . Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Quý rằng :
    Ba anh em mày đều chết cả , còn mày không sợ chết à ? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta sẽ tha chết cho . Quý nói :
    - chép đúng sự thật là chức phận của người làm sử , nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết đi thì hơn
    Theo Salam , lịch sử là những gì đẫ xảy ra trong quá khứ , muốn thay đổi cũng chẳng được . Mọi sự thật của lịch sử nên trả lại đúng sự thật như nó đã từng xảy ra . Mọi điều thêm thắt hay lược bỏ đều không cho phép vì sau này hậu thế sẽ phát hiện ra

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Quyển sử xưa nhất Việt Nam được viết từ thời nhà Trần (Mời xem hình chụp và thuyết minh ở cuối bài “Học sử khó lắm” ). Sách đề là khuyết danh nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho là của Chu Phổ.
      2- Theo bài giới thiệu của GS Phan Huy Lê ở tập 1 sách “Đại Việt sử kí toàn thư” thì:
      - “Đại Việt sử kí toàn thư là một công trình tập đại thành nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Thu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê sơ, đến Phạm CôngTrứ. Lê Hy…đời Lê Trung Hưng, cùng những người cộng sự với họ” (tr 11 ĐVSKTT)
      - Lê Văn Hưu là người khởi thảo sách Đại Việt sử kí, sau đó Ngô Sĩ Liên tham bác sách này để soạn ra Đại Việt sử kí toàn thư (Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu đã bị thất truyền)
      - “Đến năm 1479 Ngô sĩ Liên biên soạn xong bộ Đại Việt sử kí toàn thư 15 quyển …” (tr 23 ĐVSKTT)
      3- Quyển Việt điện u linh ghi rằng bài thơ thần xuất hiện trong thời Lý Thường Kiệt đánh Tống (1077) Ngô Sĩ Liên (thời Lê sơ) dựa vào đó để viết ĐVSKTT. GS Lê Thành Khôi lại dựa vào ĐVSKTT, tức là viết theo Việt Điện u linh. Nên nhớ, ngoài Việt Điện U linh và Lĩnh Nam chích quái ra thì không có quyển sách nào kể chuyện Trương Hống Trương Hát và bài thơ thần Nam quốc Sơn hà

      Xóa
  6. Khó thật. Nhưng thú vị là dù cách nhau ngót ngét cả trăm năm, 981 (Lê Đại Hành) - 1076 (Lý Thường Kiệt) 2 lần quân Tống đều đại bại vì bài thơ này (!).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Việt ta yêu thơ xem thơ là vũ khí
      Sao ngày nay không đưa thơ ra đọc ngoài biển đông nhỉ
      hihi

      Xóa
    2. Bây giờ không có người đọc, ai cũng sợ đọc bọn tàu nó ném đá cho vỡ cái ALô.

      Xóa
  7. Bác Hiệp lại không tin là tiếng đọc thơ trong ngôi đình cổ lại át tiếng mưa bão , lại còn vọng qua con sông Như Nguyệt tới tận doanh trại quân Tống ?
    Mọi chuyện đều không thể sảy ra . Để Salam kể một chuyện vui
    Hôm nọ bên nhà bác Giao có đọc bài viết trên báo ĐSPL , nói về anh hùng lực lựng vũ trang nhân dân Hoàng văn Cón . Có chi tiết dùng kiến đuổi Voi và khi dây điện thoại truyền tin bị đứt giữa trận bom . Ông Có đã dùng hai tay nắm hai đầu dây trần để thông tin truyền qua người được thông suốt . Mọi người trong nhà bác Giao bàn luận sôi nổi vui lắm . Salam cắt dây điện thoại bàn ở nhà mình cầm hai đầu dây nhờ mọi người gọi vào . Kết luận là không gọi được , dùng di đông hay điện thoại bàn gọi vào cũng không được . Nếu đi dép thì chỉ bị giật tê tê thôi còn không đi dép thì bị giật rất mạnh . Đièu đó cho thấy tay viết bài không hiểu gì về điện . Néu không tin thì Hòn Sỏi muốn làm anh hùng tẩm xăng vào người rồi chạy vào đốt kho xăng đê ..... Thử đi Sỏi ơi

    Trả lờiXóa
  8. NT không dám luận bàn gì về sử sách vì chính mình cũng mù tịt luôn! Chỉ biết rằng, hiện nay bài thơ được trích dẫn trên kia chưa được xác minh tác giả, dù trong một số văn bia ghi là Lí Thường Kiệt.
    Nói chuyện học sử khó lắm: Chuyện học sinh ngại học sử, và thi sử thì càng ngại vì dễ bị rơi vào điểm liệt thì rõ rồi. Nhưng điều đáng nói nữa là chính giáo viên dạy sử cũng...không thuộc sử nốt. Vừa rồi, trong cuộc thi chọn giáo viên dạy giỏi huyện nơi NT sống, ngay vòng thi lí thuyết thì hơn 30 gv dạy lịch sử được chọn từ các trường đều trượt. Nhiều ý kiến băn khoăn: hay đề ra khó quá? Trả lời: Đề là những câu hỏi nằm ngay trong sách giáo khoa. Hỏi: Sao không nâng điểm để chọn một số có thể thi vòng thực hành? Trả lời: Điểm cao nhất của vòng lí thuyết sau khi đã nới hết cỡ là 8/20, còn hầu hết là 3/20.
    Chúng ta cứ băn khoăn học sử khó, nhưng thực sự thì cả giáo viên cũng có chịu học đâu. Chắc chắn không phải do khó học, vì nhiều môn khác cũng khó đấy chứ, văn chẳng hạn. Nhưng phải nói rằng: Dân ta không muốn học sử ta.
    Hôm nay, ta soi xét lịch sử cha ông để băn khoăn những điều bất cập, một ngày kia, con cháu ta soi vào thời ta đang sống đây, chắc chắn sẽ có nhiều tài liệu ghi chép thiếu thống nhất về những gì đang diễn ra hôm nay.
    Có một lần, thầy trưởng phòng cười và hỏi NT:
    - Theo NT, học sử để làm gì?
    - Học để hiểu về quá khứ.
    - Không - thầy phủ nhận - học sử để đào bới mồ mả tổ tiên mình lên mà ...chửi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để bạn Nhật Thành Hồ đỡ mất công tìm kiếm bu tui đưa ảnh bìa sách NTNK như anh Sỏi nói ở cuối bài viết của bu mời bạn vào xem

      Xóa
  9. Trang bìa của quyển Ngục Trung Nhật ký! bản gốc ghi rất rõ ràng (Tìm trong Google mục hình ảnh ấy) Em sẽ có cả ngàn cái ảnh . Thấy thì nói lại cho anh !

    Trả lờiXóa
  10. Em cũng y như Linh Lan, chỉ biết bài thơ Thần đó là của Lý Thường Kiệt thôi. Qua bài chú Bu viết, mới biết thêm nhiều khía cạnh khác. Dù đúng sai thế nào, thì cũng xem như cho em một chút kiến thức vậy.
    em còn nhớ hồi bé xíu có đọc quyển sách ( có ảnh ) nói về thời Trần, thời Lý... Quyển sách đó không biết đúng sai thế nào, vì có những chuyện nó kể mà sách giáo khoa không có ghi , thầy cô cũng không có dạy. Đại loại hình như là có nói đến chi tiết Lý Thường kiệt vốn là hoạn quan ( em nhớ rõ là thế, nhưng em ...nhớ vậy thui, chứ ông có hoạn hay k thì em vẫn nghĩ ông là danh tướng giỏi thui hà ); sách đó còn nói Trần Thủ Độ ác lắm.... Không biết những điều sách ấy nói, có được bao nhiêu % là đúng chú Bu hén ? Chú đọc sách sử nhiều, chắc chú ...rõ hơn ông ... Gu gồ ( trừ vụ ngày tháng năm ra thì chịu rùi. hì hì )

    Trả lờiXóa

  11. Lý Thường Kiệt là hoạn quan thì sách sử nói rồi (tin được 100%)
    Trần Thủ Độ có công dựng lên nhà Trần nhưng tàn ác với tôn thất nhà Lý sách sử cũng nói nhiều rồi (tin được 100%)
    Bài thơ Thần Nam quốc sơn hà ,,,xuất hiện vào thời nào do ai sáng tác ra thì các sử gia. các học giả đang tranh luận chưa có hồi kết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải công nhận khi đọc nhiều lần thì thấy rằng những người làm sử thật phí cơm, phí gạo. Tức quá chứ chẳng phải chuyện bông phèng cho xong. Anh nhỉ! Để sau rồi tìm hiểu dần thêm chứ ý anh nêu ra cũng mới với Sỏi và quả thật Bó tay! hihi!

      Xóa
  12. Mấy bữa nay "coi cọp" bài viết và lời bình của các bác con thấy vỡ ra nhiều điều lắm! Trước hết xin cám ơn bác Bu và các bác đã cho con được học hỏi những điều rất bổ ích mà lại không tốn tiền học phí. Hihi. Cho con hỏi thêm một câu với bác Hòn Sỏi và bác Bu. Xin 2 bác nói thêm cho con về "vụ" Nhật Ký Trong Tù được không ạ? Trước giờ con chỉ được nghe ca tụng, nay các bác nói ra một vấn đề khác. Con thấy thú vị và tò mò quá! Cảm phiền 2 bác nói rõ chút nữa cho con được "rửa tai". Chân thành cám ơn các bác ạ. Chúc các bác khoẻ. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Nguyễn Huy Trường thân mến!
      Về chuyện bàn về NKTT thì chắc anh Bu và Sỏi cũng không muốn bàn thêm, nó lớn quá và nhiều chuyện quá.
      Trước kia Sỏi cũng được học và được nghe nói đó là tập thơ của Hồ Chủ Tịch, Viết trong thời gian 4 tháng người bị Chế độ Tưởng giới Thạch giam giữ vào năm 1942 . Nhưng trang bìa của cuốn Ngục Trung Nhật Ký thì lại ghi như trong ảnh 29/8/1932 - 10/9/1933 . chẳng lẽ bác viết NKTT trước 10 năm hay sao và bác lại ở tù hơn một năm. Tư liệu lijch sử sai với thực tế lịch sử, Còn chưa nói đến có một số bài thơ trong đó cũng thấy giống nhiều bài thơ chữ Hán của tàu... Nhiều chuyện quá mong bạn thông cảm và tìm hiểu thêm bằng Google bạn nha! Chuyện nhạy cảm bạn cũng thông cảm vậy!

      Xóa
    2. Bạn Trường à
      Nếu có trả lời bạn thì bọn tôi cũng dựa vào gúc gồ chứ không có tài liệu nào hơn. Mà trong gúc gồ cũng có nhiều ý kiến. Một số thì ăn cây nào rào cây ấy, ăn bổng lộc của cụ Hồ thì phải nói sao cho êm thấm để được lòng mọi người. Một số người khác thì nói như họ biết, họ nghiên cứu. Trong vấn đề này bu tui hoàn toàn trung lập nghĩa là lịch sử có có sao nói vậy không tô hồng lên cũng không bôi đen đi

      Xóa
  13. Dạ. Cám ơn 2 bác. Tư liệu "sống" và tư liệu trên Gu - Gồ kết hợp với nhau thì quả là số dzách. Hihi

    Trả lờiXóa
  14. 1.Các vua Tàu ngày xưa khi lâm triều thường có 2 quan ngồi 2 bên, một người ghi chép lời vua nói, một người chép việc vua làm làm thành sách Thượng Thư và sách Xuân Thu (“Cổ giả đế vương, hữu sử ký ngôn, tả sử ký sự. Ngôn vi Thượng Thư, hạ vi Xuân Thu. Thái sử công kiêm chi cố danh viết Sử Ký” (Thiên Nghệ văn chí – Hán thư). Qua thời gian, lịch sử mới trở thành bức tranh về thời sự quá khứ của một dân tộc, đất nước và xã hội nhưng chỉ ở những nước tự do người viết sử mới có thể phản ánh sự thật như nó diễn ra dầu vẫn không tránh khỏi tư duy theo thời đại và chế độ xã hội. Bác Bu chuyển sang “học sử”.
    Thiệt mừng và thông tin về thu hoạch của bác trở thành một diễn đàn thật thú vị chung quanh bài “Nam quốc Sơn hà”. HN đã đọc tất cả các cmts, phần lớn đều nặng ký. Qua đó, mình vỡ ra nhiều điều, thiệt phải nói lời cám ơn bác và độc giả. Có vẻ HN đồng tình với bác NHP khi bảo “Viết sử thiệt khó”. Viết đúng thì không được dùng, viết sai thì không đúng lương tri người cầm bút thành ra lại hiểu “Học sử thiệt khó” của bác Bu theo cách khác trong đó tất cả các commentors như Alykum Salam, Hòn Sỏi, Nhật Thành Hồ có vẻ đều cho rằng học sinh chán sử là không sai vì thầy đâu có nói thật, sách giáo khoa đâu có viết thật chưa kể liệu thầy có tin điều mình nói?
    2. Bác Bu đã thấy quyển “Lịch sử Việt Nam” tập 2, 3, 4 chưa hay chỉ mới có tập 1 rồi không ra nữa? Vì sao như vậy, HN nghĩ có lẽ do không có sự đồng tình giữa các sử gia có lương tri và những người có quyền quyết định. Người ta không vì chân lý lịch sử! Ngày xưa đi học, HN có học môn Phương pháp sử, giảng viên là một linh mục, Cha luôn nhắc sinh viên là luôn phải phản ánh sự việc như chính nó diễn ra và phê phán những ai không viết đúng sự thật. Ví dụ trước 75 ở miền Nam gọi “Quang Trung là một nhà quân sự bách chiến bách thắng” Cha bảo đó là ngôn ngữ tuyên truyền và cha sẽ chỉ cho thấy Quang Trung đã thua những trận nào. Vậy với người viết sử, chỉ nói câu này khi đúng là ông ta đánh 100 trận thắng cả 100! Cha cũng bảo rằng nói “Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa” là sai mà có thể là (xin lỗi, cha nói đùa) “phất quần khởi nghĩa” vì dân mình ăn lông ở lỗ, Tàu qua đô hộ bắt mặc áo quần nên… khó chịu cũng như cha bảo không có sự kiện gọi là Hội nghị Diên Hồng mà chỉ là sự kiện gần giống, sau này người ta tô hồng lên và đặt tên. Có dịp gặp sẽ kể bác Bu và bác NHP nghe nhiều hơn.
    3. Nhân chuyện (cô giáo) Nhật Thành Hồ kể chuyện giáo viên cũng không thuộc Sử, HN nghĩ thêm rằng chưa chắc họ hiểu đúng mà chỉ nói theo sách như vẹt. Nghe kể rằng có cô giáo nọ nhận sách giáo khoa 12 mới phát hành (sau khi bộ thay sách) về, do đọc gấp để soạn nên khi lên lớp giảng rằng: “Trong thời kỳ xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ rất tàn bạo, đã dùng cả dao phát và dao cạo dài để đàn áp nhân dân ta…”. Một học sinh bên dưới đứng dậy phát biểu ngay: “Thưa cô, sao em thấy trong sách ghi là Đạo Phật và Đạo Cao Đài?”. Hihi. Đụng vào “Ngục trung nhật ký” là đụng vào một truyện dài nhiều tập như các vị đã viết comments và trả lời không khác gì chuyện tác giả Trần Dân Tiên và TLan!. Riêng HN, chỉ thấy những điều nho nhỏ thế này: hai câu “Thiên thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên” và câu “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” của Hồ Chủ tịch có vẻ giống nhau và câu “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của HCT và câu “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân” không khác nhau! Hihi. Còn vài ba câu nữa cũng vậy nhưng không dám làm phiền độc giả. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác HN à
      1- Bu tui rất tâm đắc câu nói của nhà hoạt động xã hội Nga Tsecnư sevski : “Đã là người có giáo dục mà không yêu thích lịch sử thì chỉ có thể là một con người không phát triền đầy đủ về mặt trí tuệ ” . Tâm đắc và chịu khó mua sách lịch sử về đọc. Có điều đầu óc bị lão hóa, đọc trước quên sau nên khi nào cũng thấy khó. Chắc chắn viết sử còn khó hơn bội phần.
      2- Bu cũng lấy là lạ, không hiểu sao quyển LỊCH SỬ VIỆT NAM tập 1 của Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh chỉ ra tập I ngày 15.12.1983 rồi không ra tập II và các tập tiếp theo nữa. Bu tui có bộ sử hai quyển của Giáo sư viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên ) và các vị Nguyễn Công Bình. Văn Tạo, Phạm xuân Nam, Bùi Đình Thanh. Nhưng cứ thấy tên Nguyễn Khánh Toàn thì bu không khoái lắm. Cũng có thể các nhà lãnh đạo không cho ra tập II bộ sử nói trên (1983) để ra bộ này đủ hai quyển (1985). Ở đâu có Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng thì bu hào hứng đọc. Hai ông này vừa có kiến thức vừa có đầu óc đổi mới, dám nói, dám viết…
      3- Sử học nước nhà nằm trong sự khủng hoảng của ngành giáo dục. Bác là người dạy sử thì bác còn biết hơn bu về tình trạng này. Dạo này bu đọc sang Thiền sư Lê Mạnh Thát. Ông này quan niệm Phật giáo đồng hành với lịch sử dân tộc, nó là tấm gương in đậm những sự kiện đất nước từ đầu công nguyên cho đến nay. Trong đó ông chứng minh bài thơ “Nam quốc sơn hà …” của thiền sư Pháp Thuận làm trong thời kì Lê Đại Hành đánh giặc Tống. Ông Thát quá nhiều kiến thức nhưng đọc ông không dễ dàng gì.
      4- Mong Bác HN bớt chút thời giờ bên FB về với blog cho vui vẻ


      Xóa
  15. Lão xin chen ngang vỗ tay bác HN.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gầy còm thế chen làm sao được Lão ơi hihi

      Xóa
    2. Hehe. " Gầy là thầy " đấy lão Bu. Câu này có trong...sách.
      Còn hơn , người đẹp ghé nhà thăm , ra về nức nở:
      - Hu hu , nhìn hình thì thấy phong độ mơ cái dùi gõ mõ , chộ rồi hết hy vọng...chấm mút được gì!
      Người đẹp vừa nhắc là cô giáo trong chuyến du hí vũng sình !

      Xóa
    3. Biết mần răng được Lão ơi huhu

      Xóa
    4. Hơ hơ hơ ! Đi gặp người đẹp mà bị cô Hà đi kèm bên cạnh thì mần ăn được cái gì ? Cơ hội ngàn năm có một mà bỏ lỡ thiệt là uổng . Lão phải học theo chiêu của Salam là lừa vợ lên trông nhà con gái ở Tân Bình . Thế là một mình ung dung đi gặp người đẹp . NT dễ thương lắm , thế này thì khối anh trong nhà này chết đứ đừ . Nhất là Hòn Sỏi , dám bỏ Hà Nội về Quỳ Hợp sống lắm , nhưng không dễ đâu Sỏi ơi . Kể các Lão nghe Salam đứng ở sảnh khách sạn gọi mà không được vì nàng đã ngủ ( mới 9 giờ ) nhưng Salam thuộc loại lỳ lợm gọi liên tiếp mười mấy cuộc điện thoại thế là hết ngủ ... Sỏi học theo đi nghen

      Xóa
    5. Bị cảnh sát trưởng đi kèm nên đành thúc thủ Sa lam ơi. Vụ này phải tôn Sa lam làm thấy rồi. Miền núi Quỳ Hợp có vô số sỏi cứng như như thép, sỏi đồng bằng bắc bộ liệu có chọi nổi không hihi.

      Xóa
    6. Nghe Salam kể đi gặp NT mà thương. May nàng thể tất cho nhìn chút dung nhan. Không thì nuốt hận hồi gia. Ai chứa dưỡng Sỏi mà Sỏi dám liều thân cơ chứ. NT luôn miệng chê Sỏi bẩn, nhỏ, Mí lại hai đại ka lanh chanh gặp trước rồi. ăn được làm gì để phần cho trâu chậm.
      Thôi... em thôi... Đành ôm gối mà thầm thương trộm nhớ chớ mần răng chừ!
      Anh Bu nói thế là sao? Nói Quỳ Hợp chỉ toàn sỏi cứng nghĩa là ... Em nó đanh đá lắm ư?
      Để em nghĩ xem có chọi nổi không? Mà thôi em thua luôn đi cho đỡ xấu giai! Hihi!

      Xóa
  16. Bác Hồng Ngọc viết điềm tĩnh mà sáng, Từ tốn và dễ hiểu. Đúng như bác HN nói cuốn Lịch Sử Việt Nam chỉ có tập một, viết về thời Hồng Bàng như những sáng tác nên viết được còn sau này khó viết nên chưa ra sách được, chứ viện Sử vẫn viết hàng ngày đấy ạ!
    Bác cho hai câu nói “Thiên thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên” và câu “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân”
    Thực ra là Cụ Hồ mượn lời cổ nhân để giáo huấn... Cảm ơn bác HN!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1-Trong sách “Ấu học ngũ ngôn thi”của Tàu có mấy câu thế này:
      “Tạc sơn thông đại hải
      Luyện thạch bổ thanh thiên
      Thế thượng vô nan sự
      Nhân tâm tự bất kiên”
      (鑿 山 通 大 海
      鍊 石 補 青 天
      世 上 無 難 事
      人 心 自 不 堅).
      Cụ Hồ dạy các cháu thanh thiếu niên:
      Không có việc gì khó
      Chỉ sợ lòng không bền
      Đào núi và lấp biển
      Quết chí cũng là nên
      Có người bảo cụ dịch của Tàu có người bảo cụ sáng tác ra
      Mấy câu bác Hồng Ngọc: “Thiên thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên” không hiểu bác lấy ở đâu ra.
      2- “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” là nội dung của ông Quản Trọng, đại quân sư của Tề Hoàn Công thời Xuân Thu bên Tàu.
      Quản Trọng trong sách Quản tử, có nói:
      "Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc
      Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
      Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn
      Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã
      Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã
      Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã"
      Tạm dịch:
      "Kế một năm, chi bằng trồng lúa
      Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
      Kế trọn đời, chi bằng trồng người.
      Trồng một, gặt một, ấy là lúa
      Trồng một, gặt mười, ấy là cây
      Trồng một, gặt trăm, ấy là người"

      Xóa
  17. Đọc lời comemnt của bác Hồng Ngọc rất thú vị !
    Salam mong được gặp Bác thường xuyên trong nhà này , để anh em đàm luận với nhau nghen .
    Salam có số ĐT của Lão Bu rồi đó , nhưng chưa gọi , để khi nào có dịp nhờ mấy nhỏ gái gọi vào , để cô Hà cho Lão một trận tơi bời khói lửa ( doạ cho mà sợ )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được gái gọi (mà đẹp thì càng hay) bu tui khoái lắm em Hà có là thánh cũng không mần chi được hehe

      Xóa
  18. Hehe. Blog bác Bu nổi tiếng quá gồi! Salam anh Sỏi ơi!!!!!!!

    Trả lờiXóa
  19. TT kính chào anh Bulukhin Nguyễn....hôm nay anh đến và có đôi lời chia sẽ cảm xúc cùng T....T mong anh sẽ thường đến giao lưu cùng em nha.

    Trả lờiXóa