Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

CŨNG LÀ BỐN CHẤM, NHƯNG MÀ...!



   Bu và các bạn bên tấm bia "Bất đáo Trường Thành phi hảo Hán"
(Một chàng nữa đang bấm máy)





Bốn  hình trên :  phong cảnh Tây Hồ, Hàng Châu

Catulaho là bạn ảo của bu từ thời  Zàhu 360.  Zàhu sập tiệm, người “Catu làng Ho” bỏ cuộc luôn. Mới đây nàng “meo” cho bu hỏi “Em có đọc bài: “Hầu chuyện thầy Thích Trí Giải về chữ nhẫn” của anh nên có biết sơ sơ về bộ trong chữ Hán. Đại khái chữ “chước” là đốt,  chữ “tai” là cháy nhà, chữ “xuy” là thổi nấu, đều có bộ hỏa thì không còn gì để bàn. Đằng này “yến” là chim bay trên trời, “ngư” là cá lội dưới nước mà cũng có bộ hỏa thì lạ quá,  nhờ anh giải thích cho.

------------

1-  Trước hết xin kể cho Catulaho và các bạn nghe câu chuyện vui vui về chữ ngư () liên quan đến vua Càn Long (1711-1799) bên Tàu.
     Số là hè năm 2007 bu tui cùng ba cậu bạn thân nổi máu giang hồ vặt, rủ nhau sang Tàu chơi.  Sau khi đến Bắc Kinh, leo lên Vạn Lý Trường Thành  chụp hình bên cạnh dòng chữ của ông Mao Trạch Đông trêu tức thiên hạ “Bất đáo Trường Thành phi hảo Hán” (不到長城非好漢) (1) bọn bu  kéo nhau về Tô Châu vãn cảnh chùa Hàn Sơn, đọc bài thơ tuyệt hay của Trương Kế “Nguyệt lạc ô đề ….”.  Rồi bộ tứ đưa nhau về Hàng Châu dạo quanh Tây Hồ thưởng ngoạn cảnh vật như xứ thần tiên…  Đang yên tĩnh chợt thấy  ở đằng xa người ta xúm xít bên một tấm bia cao bằng đầu người. Hỏi, thì cô thông ngôn bảo tấm bia ấy ghi bốn chữ “Hoa cảng quan ngư” ( 魚) (2) do chính vua Càn Long viết.  Người ta kể, chữ ngư có bốn chấm của bộ hỏa, vua Càn Long mới nhấn được hai chấm thì ném bút cáu,  vô lý, cá dưới nước sao lại có bộ hỏa, chả nhẽ cá bị nướng hết sao. Đám quần thần sợ quá im re không ai dám bàn luận gì.  Chữ ngư  “què”  của vua Càn Long gây tò mò cho khách du lịch đến Hàng Châu, ai cũng muốn sờ vào để chụp hình kỷ niệm.

                    
 Bu tui đang sờ vào bốn chữ "Hoa cảng quan ngư"

2- Để trả lời thấu đáo cho bạn Catulaho, bu nói đôi lời về bộ trong chữ Hán.
   Các sách giáo khoa chữ Hán bu đang sở hữu đều nói chữ Hán có 214 bộ, bộ số 1 là chữ nhất () chỉ 1 nét , bộ số 214 là chữ dược ( ) có tới 17 nét.  Nay bu thử diễn đạt thành lời như sau: “Bộ trong chữ Hán cũng là chữ Hán, khi ghép với một chữ Hán khác sẽ tạo ra một chữ mới với nghĩa mới.  Chữ được gọi là bộ có cấu tạo mặc định, không thêm bớt gì vào được. Chữ Hán có 214 bộ.
 Ví dụ:
a) Chữ hỏa 火,(không làm chức năng bộ)  trong câu văn của tiểu thuyết Hồng Lâu mộng 紅樓夢”:
“Doanh quan trứ cấp đạo: Tịnh phi minh hỏa chấp trượng, chẩm toán thị đạo?  營官著急道: 並非明火執杖, 怎算是盜?”  Nghĩa là: Quan doanh vội vàng nói: Nó không hề đốt đuốc cầm gậy, sao lại cho là kẻ cướp được?
b) Chữ hỏa khi làm chức năng bộ được gọi là bộ hỏa:
 - Chẳng hạn chữ Bỉnh (tỏ rõ) gồm bộ hỏa nằm bên trái chữ bính (một can trong 10 can).Tức là:   火 + 丙- Chữ hùng (con gấu)  gồm bộ hỏa ở phía dưới chữ năng (tài cán, bản lĩnh) Tức là:  =
c) Hình thức bộ hỏa:
 Có hai hình thức diễn đạt bộ hỏa:
- Viết hoàn chỉnh như trong câu văn của Hồng Lâu Mộng
- Viết thành bốn chấm như trong chữ hùng là con gấu.
- Trong chữ giản thể, bốn chấm được thay bằng một vạch ngang  ()
d) Bộ dùng để tra chữ Hán trong từ điển. (chẳng hạn Từ điển Thiều Chữu)
- Khi có một chữ, ta cần biết nghĩa của nó  thì xem chữ ấy có bộ gì. Ví dụ có hai chữ  , .
- Chữ = (bộ nữ)  +
Tìm trong trang  TỔNG MỤC biết bộ nữ ở trang 125. Tìm đến trang 125  thấy được là chữ hảo (tốt)
- Chữ =(bộ nhật) +  
Tìm trong trang TỔNG MỤC  biết bộ nhật ở trang 265. Tìm đến trang 265 thấy được là buổi sáng.
e) Trở lại với chữ Yến  (燕,chim én ) và chữ ngư  (魚, )
1- Trong sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán”(3) của Lý Lạc Nghị (Tàu) và Jim Waters (Mỹ) có mô tả sự hình thành chữ yến và chữ ngư như các hình dưới đây.
* Về chữ Yến.
Tấm hình dưới đây mô tả một con chim yến và quá trình thay đổi tự dạng của nó từ Giáp cốt văn cho đến Hành thư.
 - Chữ Giáp cốt văn: Chữ thời nhà Thương, khắc trên mai rùa hoặc xương thú cách nay khoảng 3700 năm
-  Chữ Kim văn: khắc hoặc đúc bằng đồng cách nay khoảng 3000 năm
- Chữ Tiểu triện: Chữ thông dụng thời nhà Tần cách nay khoảng 2200 năm.
- Chữ Lệ thư: Chữ thông dụng thời Hán cách nay khoảng 2000 năm
- Chữ Khải thư : Xuất hiện cuối thời Hán và lưu hành cho đến ngày nay


Chữ yến Khải thư được khoanh màu đỏ. Trong đó bốm chấm là vết tích của cái đuôi từ thời Giáp cốt văn còn lại.  Bốn chấm (灬) ấy chính là bộ hỏa .  Muốn tra chữ yến ta tìm bộ hỏa 火 (灬)  phẩn Tổng mục sau đó tra chữ yến ở trang 373.
* Về chữ ngư.
Tấm hình dưới đây mô tả con cá và biến thể của chữ ngư từ Giáp cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, khải thư, Thảo thư, chữ Giản thể. Trong đó chữ ngư Khải thư được khoanh màu đỏ. 


Bốn chấm là vết tích  cái đuôi từ thời giáp cốt văn còn lại. Tuy nhiên bốn chấm của chữ yến (là hình ảnh cái đuôi)  được xem là bộ hỏa, còn bốn chấm của chữ ngư (cũng là hình ảnh cái đuôi) lại không được xem là bộ hỏa mà cả chữ ngư là bộ ngư. Ở Từ điển Hán Việt Thiều Chữu ở trang 784 như  tấm hình dưới đây.



g) Kết luận
Vua Càn Long có thể làm ra bộ  cáu vì cá có bộ hỏa để nhấn hai chấm rồi thôi, làm cho hậu thế tò mò, rủ nhau đến ngoạn cảnh Tây Hồ. Cũng có thể ông quên, ngư là bộ chớ bốn chấm ấy không phải là bộ hỏa.  Bạn Catulaho thân mến , bu tui đã trả lời bạn một lần rồi nhưng thấy còn sơ sài quá nay nói lại cho kỹ hơn.

---------------------
1- Không đến Vạn Lý Trường Thành không phải là trang Hảo Hán
2- Xem cá bến Hoa
3 - Nhà xuất bản Thế Giới Hà Nội 1997
              

38 nhận xét:

  1. Cũng chỉ tại cái đuôi, hì hì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Nam có câu nói dzậy mà không phải dzậy ...

      Xóa
    2. Bác Bu phân tích tuyệt chiêu nhưng lại quên khi dùng chữ vãn cảnh trong bài viết (vãn cảnh chùa Hàn Sơn), nó phải là vãng cảnh 往 景. Vãng 往: đi, đền (khách vãng lai). Ta hay dùng quen thành vãn cảnh. Hì hì!

      Xóa
    3. Vãng 往: đi, đền, xin đọc "đi, dến", hí hí!

      Xóa
    4. Tham khảo thêm An Chi (http://petrotimes.vn/uong-viet-van-vang-122145.html)

      An Chi: Chính những người biên soạn quyển từ điển này (Của Lê Văn Đức bug hi chú) đã ghi chú cho chữ “vãn” và chữ “vãng” trong hai mục từ đang xét bằng hai chữ Hán khác hẳn nhau: với “vãn cảnh” là chữ [晚] còn với “vãng cảnh” thì lại chữ [往].

      “Vãn” [晚] là buổi chiều nên “vãn cảnh” [晚景] là cảnh chiều hôm, rồi hiểu theo nghĩa bóng là cảnh già, tuổi già. Còn “vãng” [往] là đến, là tới nhưng tiếng Hán không có từ tổ cố định “vãng cảnh” [往景]. Đây cũng chẳng phải là một từ tổ phi Hán Việt vì tiếng Việt không hề có một từ “vãng” độc lập có nghĩa là tới, là đến. Chẳng hạn ta không thể nói *Tôi vãng Bệnh viện 115 thăm bạn hoặc *Hôm anh vãng nhà tôi thì lại đi vắng. Vậy “vãng cảnh” [往景], với nghĩa “đến để thăm cảnh”, chỉ là một cấu trúc Hán Việt do ta đặt ra theo cách của ta.

      Nhưng dù cho từ tổ “vãng cảnh” [往景] có chính cống do Tàu đặt ra hay là đặc sản của riêng ta thì với hai chữ Hán khác hẳn nhau chẳng những về tự dạng mà còn cả về ngữ nghĩa như “vãn” [晚] và “vãng” [往] mà chính thức thừa nhận rằng, hai mục từ “vãn cảnh” [晚景] và “vãng cảnh” [往景] đồng nghĩa với nhau là đã làm một thao tác từ điển học cực kỳ vô lý. Có người đã chủ trương rằng, “ngôn ngữ có sự chuẩn hóa, nhưng cũng có quy luật khách quan, không phải ai quy phạm thì có thể chống lại được thái độ ngôn ngữ của người khác”. Thật là một sự định hướng khôn ngoan nhưng nó chỉ có thể xài được với điều kiện “thái độ ngôn ngữ của người khác” không xuất phát từ sự ngu dốt.

      A.C

      Xóa
  2. Đúng là như lạc vào rừng rậm thật rùi. Bên kia, bác Hiệp -" Đèo heo hút gió" đã lùng bùng cả tai , bên đây :
    Đống gạch xếp một chữ" Ngư"
    Lại còn chấm chấm...ngắc ngư mọi người
    Xem ra ...Nghệ ngữ quê choa
    Dễ nghe, dễ hiểu , dễ vào người hơn.
    hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão ơi
      Nhà báo Hàm Châu dân Nam Đàn viết quyển TRÍ THỨC TINH HOA VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI dày 1218 trang tuyệt hay (nghỉ bụng, ở cái nước Nam ni ngoài Hàm Châu ra không ai viết nổi). Sách kể 56 vị đại trí thức mà xem ra dân Nghệ của Lão chiếm phần nhiều. Bu chưa làm thống kê , mới thấy sơ sơ Tạ Quang Bửu, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Thúc Hào...Đặng Hồng Vân...bu tui kính cẩn nghiêng mình trước trí tuệ người Nghệ đây hihi

      Xóa
  3. Bác Bu ui, cho CT mang bài ni về nhà trưng bày nha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chao ôi, người đẹp chỉ trưng bày thôi sao
      Hay là bu tui viết lại vậy hihi

      Xóa
    2. Là CT nói bác Bu viết sai chính tả trong lời còm này ạ! (Chữ "người đẹp" lẽ ra phải là"người chẹp" mới đúng). Vậy nên CT mới nói cám ơn bác Bu vì đã viết như thế đấy ạ! :)
      Hôm trước CT không còm ở đây được nên đành viết xuống dưới nên mới làm bác Bu hiểu lầm...

      Xóa
    3. Chẹp là phương ngữ chỗ quê CT còn tiếng phổ thông vẫn là đẹp.

      Xóa
  4. Hồi xưa bọn em học Hán Nôm, phần nghĩa thì còn lơ mơ hiểu đôi chút, còn chữ thì học trước quên sau. Thầy viết lên bảng, trò ngồi tô từng nét toát mồ hôi, thầy giảng chỉ nghe bập bõm. Thầy em (tức là bố em ấy) mách cho em mấy câu để "nhớ mặt chữ", trong đó có chữ "đức":
    Chim chích mà đậu ngọn tre
    Thập trên tứ dưới nhất dè chữ tâm.
    Hoặc lấy câu thơ của Hồ Xuân Hương:
    "Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
    Phận liễu sao đà đẩy nét ngang"
    Bố em bảo, ngày trước học chữ, thầy đồ dạy kiểu như thế mà dễ nhớ.
    Đọc cái này của bác Bu, chịu không nhìn ra.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sửa lại: nhất đè chữ tâm.

      Xóa
    2. Cách thày (thày u) của bạn NT dạy chữ Hán là cách dạy truyền khẩu dân gian ngày xưa cho dễ nhớ. Chẳng hạn chữ Tâm 心 như ta đã biết, được ví như "một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời", cũng giống như khi xưa tôi học chữ quốc ngữ ở Trường Bà sơ, dạy Ô thì đội mũ Ơ thì có râu vậy, cứ thế mà ra rả đọc theo, thế mà thuộc mặt chữ lúc nào không hay.

      Cách bác Bu viết bên trên theo đúng sách vở, ai biết được chút ít về chữ Hán, nguyên tắc cấu tạo của chữ Hán, biết thế nào là chữ, thế nào là bộ, biết cách tra từ điển Hán-Việt mới dễ hiểu, còn không là... mù luôn.

      Xóa
    3. Đôi khi trả lời bạn bè mà mình nhớ thêm.
      Lại chụp hình, lại dùng phần mềm Paint hihi nếu không thì quên hết

      Xóa
  5. Ông bố bu một bụng chữ Tây và chữ Hán, nhưng không hiểu sao ông chỉ dạy bu chữ Tây. Một bên quyển sách một bên cây roi mây. Chao ôi roi mây mà quất vào mông thì đau lắm và chữ nghĩa cũng theo roi mà đi hết huhu
    Chữ Hán là bu mua sách về tự học lấy, nhưng học mà không dùng đến thì cũng rơi rụng hết thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Thời em đi học chỉ học Nga văn thôi ứ được học Tây Tàu chi hết nên vô đây như chim chích lạc vào rừng vậy bác Bu ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui cũng "chơi" 7 năm tiếng Nga
      Bây giờ cũng bỏ xó rồi hihi

      Xóa
  7. Dạ thì trưng bày như bảo tàng Tuludơ treo bức Lagiôcông chớ hông lẽ CT đem nó về nhà để bổ ăn như bổ mít sao?:))
    Bác Bu ơi, bác viết sai chính tả một chữ rùi ạ! Nhưng dù thế nào thì cũng cám ơn bác Bu đã viết sai ạ! :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sai chỗ mô chỉ biết
      Cảm ơn nhiều.

      Xóa
    2. "Bón hình trên - phong cảnh Tây Hồ, Hàng Châu." Trong chín chữ thì tám chữ đúng.

      Xóa
    3. Đã chữa, không biết còn sai gì nữa không
      Học trò cá biệt mà cô giáo.

      Xóa
    4. "Bốn chấm là vết tich cái đuôi từ thời giáp cốt văn còn lại."
      Anh xã là siêu cẩn thận, không biết khi đăng bài này có em mô gọi điện thoại không mà lại hay sót dấu.

      Xóa
    5. Có lỗi nào cô giáo chỉ cho rồi trừ điểm luôn thể.
      (hu hu vừa viết vừa nghỉ đến em xã mới sinh ra thế)

      Xóa
    6. Báo cáo cô giáo học trò thêm dấu sắc cho chữ tích rồi ạ

      Xóa
    7. Hì hì, để hoàn chỉnh chăm phần chăm bài viết, bác Bu sửa luôn mấy chỗ "vãn cảnh chùa Hàn Sơn" = "vãng cảnh chùa Hàn Sơn", "Từ điển Hán Việt Thiều Chữu" = "Từ điển Hán Việt Thiều Chửu".
      Cái này tôi biết chắc không phải lỗi, tại dùng từ và viết theo thói quen thôi. Tôi cũng thế, về chính tả (như hỏi, ngã có thể tôi đỡ hơn), nhưng những từ xã hội đã quen dùng sai nhiều khi mình cũng sai theo luôn.

      Xóa
    8. PNH
      1- Viết ra có người đọc vui lắm, lại đọc kỹ để nhận xét hay dở đúng sai thì người viết cảm ơn vô cùng. Bu tui dạo này rất hay gõ nhầm, chẳng hạn bài gõ ra bìa, giao gõ ra gioa...trong bài này cô giáo xinh đẹp Nhật Thành phát hiến hai chữ thiếu dấu sắc, Bốn viết thành Bôn, tích viết thành tich. Bu phải tự nhận là học trò cá biệt để cô giáo chỉ bảo.
      2- Cái chữ vãng 往 bạn nhắc đến có nghĩa : Đi, đến. Như: vãng lai 往來 đi lại. 往生 vãng sanh (sinh): Đi đầu thai (sau khi chết)
      3- Cái chữ vãn 晚 bu dùng có nghĩa: Buổi chiều, muộn, tàn sau. Trong Đại từ điển tiếng Việt trang 1737 ghi như sau.
      - Vãn cảnh: Cảnh về già.
      - Vãn cảnh: đgt Đến ngắm cảnh.
      4- Tham khảo một vài địa chỉ:
      - chungta.com có bài: Những cấm kỵ khi vãn cảnh đều miếu chùa chiền, bái Phật.
      - daophatngaynay.com có bài: Vãn cảnh chùa thơ Sắc tứ Minh Thiện.
      - normalesup.org/~pham/divers/haynham.html
      Một số từ hay nhầm trong tiếng Việt. Vãng cảnh (sai) Vãn cảnh (đúng)
      5- Tóm lại bu đang dựa vào các căn cứ trên, đặc biệt là Đại từ điển tiếng việt.

      Xóa
    9. Một số sách vở tôi có, cũng có viết như bác Bu đã đề cập ở mục 2- và 3- trong comment bên trên. Trong mục 3- Bác Bu viết "Cái chữ vãn 晚 bu dùng có nghĩa: Buổi chiều, muộn, tàn sau". Tiếp sau đó là: "Trong Đại từ điển tiếng Việt trang 1737 ghi như sau.
      - Vãn cảnh: Cảnh về già.
      - Vãn cảnh: đgt Đến ngắm cảnh.

      Tôi có hơi băn khoăn, ở chỗ:
      Trong bài bác Bu viết: "bọn bu kéo nhau về Tô Châu vãn cảnh chùa Hàn Sơn". Câu này có 2 ý: ý thứ nhất "bọn bu kéo nhau về Tô Châu", ý thứ nhì "vãn cảnh chùa Hàn Sơn". Ý thứ nhất được hiểu "nhóm của bác Bu kéo nhau về Tô Châu", và khi bác Bu dùng "vãn cảnh" để chỉ "cảnh chiều muộn" (cảnh hoàng hôn), thì sẽ có nghĩa tiếp "cảnh hoàng hôn chùa Hàn Sơn". Nguyên câu sẽ là "nhóm của bác Bu kéo nhau về Tô Châu / cảnh hoàng hôn chùa Hàn Sơn". Giữa 2 ý của câu này như thiếu thiếu chút gì đó.
      Trường hợp bác Bu dùng chữ "vãn cảnh" là động từ, như trong giải thích của Đại từ điển tiếng Việt trang 1737:
      - Vãn cảnh: đgt Đến ngắm cảnh.
      Câu trên sẽ là ""nhóm của bác Bu kéo nhau về Tô Châu / đến ngắm cảnh chùa Hàn Sơn". Câu này suôn sẻ hơn.
      Như vậy Đại từ điển Tiếng Việt giải thích "vãn" là "đến"? Trong từ Hán-Việt lại không có chữ "vãn" là "đến".
      Từ điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Hà Nội 1967, giải thích "Vãng cảnh": đến thăm cảnh".

      Trường hợp như An Ch nói: "Vậy “vãng cảnh” [往景], với nghĩa “đến để thăm cảnh”, chỉ là một cấu trúc Hán Việt do ta đặt ra theo cách của ta.". Thì dù sao ta là người Việt, dùng chữ "vãng cảnh" là "đến thăm cảnh", theo cách của người Việt cũng không hề gì.



      Xóa
    10. 1- "Vãn cảnh" trong câu bu viết đơn thuần là NGẮM CẢNH. Hôm đó là buổi sáng chớ không phải buổi chiều, không can hệ chi đễn chữ Vãn là buổi chiều cả.
      2- Ngắm cảnh nên dùng "vãng cảnh" hay "vãn cảnh" ???
      Vấn đề này Đại từ điển tiếng Việt nói nước đôi.
      - Trang 1737 vần vãn, thì vãn cảnh là: Đến ngắm cảnh
      - Trang 1741 vần vãng, thì : Vãng cảnh đgt Vãn cảnh: Vãng cảnh chùa Hương.
      Tức là vãng hay vãn gì cũng được.
      Xem lại những người làm từ điển :
      GS. TS Nguyễn Như Ý (chủ biên)
      GS TS Nguyễn Văn Khang
      PGS TS Vũ Quang Hào
      TS Phan Xuân Thành
      GS Đổ Hữu Châu Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam viết lời giới thiệu.
      Xem ra 5 học giả trên chắc cũng đã bàn thảo chán rồi mới viết nước đôi như vậy.
      Họ đang bế tắc như chúng ta .
      3- Đùng là chữ Vãn không có nghĩa đến. Tuy nhiên trong Hán tự nghĩa từ điển của từ không trùng khít với nghĩa sử dụng, cụ thể
      - Trang 1737: Vãn cảnh chi giao : Tình bạn gắn bó keo sơn, không gì lay chuyển chia cắt nổi.
      - Từ điển Hán Việt (Trần thị Bích Hải - chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ ĐHNN Hà Nội)
      trang 680 : Vãn cảnh chi giiao 晚 景 之 交 : Tình bạn gắn bó keo sơn, không gì lay chuyển , chia cắt nổi. (y chang ĐTĐ tiếng Việt)
      Xem đó, nghĩa từ điển của vãn cảnh không có hàm ý gì là: tình bạn, gắn bó, keo sơn, chia cắt. Cũng như ĐTĐTV giải thích vãn cảnh : Đến ngắm cảnh vậy.
      Hiện nay trên các trang mạng đều dùng vãng cảnh và vãn cảnh hàm nghĩa như nhau. hihi trong vụ này ông An Chi cũng không khẳng định được gì, chỉ nói chung chung....

      Xóa
    11. Hì hì, đúng là hồi xưa ở Sài Gòn tôi cũng thường nghe, và thấy người ta viết là "vãn cảnh" chứ không phải là "vãng cảnh", để chỉ việc đi chơi (đến) đâu đó ngắm cảnh. Nhưng như ta thấy và bác Bu cũng đã viết, nên dùng "vãn cảnh", hay "vãng cảnh" thì "Vấn đề này trong Đại từ điển tiếng Việt nói nước đôi. Bên Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) cũng nói y như thế. Vậy thì có thể dùng "vãn cảnh" = "vãn cảnh".

      Xóa
    12. Hihi, lại viết sai, phải là: dùng "vãn cảnh" = "vãng cảnh".

      Xóa
    13. Các nhà ngôn ngữ đang bó tay thì ta cũng không làm chi hơn được....

      Xóa
  8. Nghe chú Bu lận đàm thui, k biết nên em k ý kiến ý cò gì. Nhưng cho em chọt cái ngoài lề nha chú bu .
    Cái tựa " cũng là bốn chấm , nhưng mà... " sau nó là ... ba chấm. hì hì. nhìn xuống hình, thấy ...có bốn chấm ( 4 người ) nhưng mà.... cũng 3 chấm ( 3 ông chỉ có 1 bà ) . hì hì
    Sáng sớm qua thỉnh an chú Bu tí, ghẹo chú chút cho chú la chơi. Hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú bu vui tính lắm. ghẹo chú chỉ cười thôi.

      Xóa
  9. Lão đây " khăn đóng , áo chùng " đến thưa bẩm cùng bác Bu ạ.
    Có một bài thơ viết bằng Nghệ ngữ ( Tiếng Nghệ) , lão nhờ bác Hiệp - Nhà ngôn ngữ học blog xóm ta - chuyển ngữ ra tiếng phổ thông cho mọi người đọc.
    Chỉ là thay đổi không khí tạo vui vẻ sau những mệt nhọc hàng ngày về chủ đề ngôn ngữ. Lão xin rước bác Bu qua nhà bác Hiệp làm ...giám thính cho bài chuyển ngữ bằng thơ của bác Hiệp ạ.
    Xin mời bác ạ.

    Trả lờiXóa
  10. Lại bí về chữ Hán nữa rồi ! Đọc xong rồi đọc nữa ...cuối cùng hỏng nhớ được bao nhiêu hết á ! Rõ là dốt đặc cán mai ..híc ...dù sao nữa , em cũng cảm ơn anh Bu cho em nhín chút thì giờ để mà suy nghĩ đó anh Bu ơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ đọc thật nhiều lần rồi sẽ hiểu ra NT ơi

      Xóa