Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

TẢN MẠN VỀ ...CÂY TRE

                                                            Lũy tre làng  

 

                                       "Tre già măng mọc" cu Rơm vẩy ông nội

 

 

   Cây tre đi vào huyền thoại và gắn bó với người Việt đã hàng ngàn đời nay. Có lẽ phải  kể từ thời Thánh Gióng nhổ Tre Ngà  tiêu diệt giặc Ân. Rồi hoàng tử Lang Liêu dùng lạt tre gói bánh chưng  dâng vua Hùng. Mũi tên của Thục An Dương Vương bằng đồng, còn thân hẳn là bằng tre. Đến thế kỷ 20 tre vẫn theo người ra trận. Gậy tre Tầm Vông đánh Pháp giành chính quyền. Chông tre  của đồng bào Miền Nam đánh Mỹ. Măng tre đi vào bữa ăn người chiến sĩ, lá tre tươi nguỵ trang che mắt quân  thù, lá tre khô được anh nuôi  thay củi đun bếp.  Sang thời hiện đại, đụng vào đâu cũng gặp tre trong gia đình người Việt. Từ cái đũa tre, tăm tre, nơm bát cá, cho đến cái chổi tre, quạt nan tre. Với văn hoá  ẩm thực, con cháu nhà "tre" làm vui lòng bạn bè năm châu bốn biển bằng những thực đơn nhắc đến đã thấy ngon: Bún măng, măng xào củ hành, măng kho thịt. Tre đi vào văn hoá địa danh với những: Tỉnh Bến Tre , hồ Trúc Bạch,  Bến Nứa,  Trúc Lâm Yên Tử,  Suối Lồ Ồ....   

     Thế nhưng, các nhà ngôn ngữ vẫn tốn khá nhiều công sức, giấy mực để bàn về cây tre. Cũng cái cây ấy nhưng  khi này tre, khi khác trúc, lẫn lộn nhau tưởng như vô hồi kì trận. Sách "Điển cố văn học" (1) ở trang 412 có câu: "chặt hết trúc trên núi Nam Sơn (2), chẻ thành tre cũng chẳng đủ để ghi tội ác Tuỳ Dượng Đế"(3). Hoá ra tre chỉ là mảnh nhỏ của trúc sao ? Thế thì lạ quá.  Băn khoăn được "Từ điển tiếng Việt" (4) đã thông ngay. Trang 1028 ghi: "Trúc - tên gọi chung của các loài tre nhỏ, gióng thẳng". Nhưng chính từ điển này lại tạo ra thắc mắc khác! Thành ngữ "Trúc chẻ ngói tan" được giải thích trong dòng thứ 6 sau đó bằng một ví dụ: "Vì thế quân địch mạnh như chẻ tre, đánh đến đâu quân đối phương tan rã đến đó".  Trúc chẻ ...tức là chẻ tre, vậy tre cũng chính là... trúc !  Trúc chẻ chữ Hán là "phá trúc" mà "phá trúc" dịch ra tiếng Việt là "chẻ tre". Uyên bác như cụ Đào Duy Anh mà Trong từ điển truyện Kiều,  cũng gián tiếp đồng ý như thế.  Sự oái oăm ấy chung quy do bất đồng ngôn ngữ, do cái kho từ vựng của mỗi nước trái hèo nhau. Ngoài ra còn do niêm luật, thanh điệu  nên trong văn chương của ta ngày xưa chữ tre không được dùng, chữ trúc không dược dịch.  Tre (thanh bằng) không thể thay thế cho trúc (thanh trắc) được. Rốt cuộc các tác giả đã chọn cái hay nhưng tối nghĩa, thay cho cái đúng nằm ngoài vòng luật lệ. Thử tưởng tượng hai câu lục bát sau đây mà thay chữ trúc bằng chữ tre, đọc lên sẽ ngang như cua.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng

(ca dao)

 Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo bằng chữ Hán, ông buộc phải dùng chữ trúc trong hai câu sau:

Quyết Đông hải chi thuỷ, bất túc dĩ trạc kỳ ô

Khánh Nam sơn chi trúc , bất túc dĩ thư kỳ ác

Cụ Bùi Kỷ không thể biến trúc thành tre mà phải dịch:

                Tát cạn nước Đông Hải, không đủ rửa vết nhơ

Chặt hết trúc Nam Sơn, không đủ ghi tội ác

Với người Việt, cây tre còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc. "bụi tre che tứ phía". "tre già măng mọc" là thế hệ trước nằm xuống, thế hệ sau vươn lên giữ cho trường tồn nói giống . Đã có chiến sĩ hy sinh trong trận chiến với quân thù ở thế đứng tựa vào cây rừng, miệng chưa tắt hết nụ cười, như cây tre cuối đời còn gửi vào trời đất chùm hoa duy nhất màu vàng rơm lúa. 

      Trong văn chương dân gian nói về cây tre hay nhất có lẽ là câu đối 

Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết

Đáo lăng vân xứ dã hư tâm

Chưa mọc lên khỏi mặt đất đã có đốt

Chạm đến mây trời ruột vẫn rổng không

 

Dân gian nói tre mà thực ra là nói người. Một thứ người siêu phàm vừa dân tộc lại vừa nhân loại mà ta tu luyện mấy đời cho bằng được. "chủng tộc" tre cũng có nam có nữ, thì chẳng có tre đực tre cái là gì. Tôi chưa  được đọc luận văn nào nghiên cứu sự sinh con đàn cháu giống của họ hàng nhà tre có đến 150 loài. Chỉ nghe người dân quê nói gọn "tre đẻ ra măng" như kiểu trâu đẻ ra nghé ấy. Cái cơ thể tre một khi sinh trưởng lại biết nghe. Người đời nhắc nhau  "bụi tre có lỗ tai", liệu mà giữ mồm giữ miệng. Biết nghe thì phải biết nhìn để mà phân biệt, để mà đối xử. "Mắt tre"  là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết lí sâu xa. Chả thế mà "người Bamoun và người Bamiléké gọi mỗi đốt tre là một nụ cười (Guis) là một biểu tượng của niềm vui sống giản dị, không bệnh tật chẳng ưu tư"(5). Lại có "tre bánh tẻ"  để đi vào ca dao, phụng sự cho tình yêu con người

                             

                             Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng

 

Chưa ai nói đến miệng tre bao giờ nhưng " tiếng tre kẻo kẹt thì một vài bậc hiền minh coi là tiếng hiệu của sự thông tuệ" (6) Cho nên cái cơ thể tre bé bỏng kia chưa nhú lên khỏi mặt đất (vị xuất  thổ thời) đã hàm chứa hình hài một cơ thể hoàn chỉnh (tiên hữu tiết). Đấy chính  là cái nhìn nhân văn "nhân chi sơ tính bản thiện" của ông cha ta ở bài học vở lòng làm người trong thời quá vãng. Thế rồi cái "thân tre" chỉ hút tinh đất, khí trời, và ánh sáng mà tu luyện, mà lớn lên cho đến lúc "đáo lăng vân xứ", tức là chạm đến xứ mây của ngài Lão Tử để tu cho rổng không thân mình. Đến đây thì Phật và Lão gặp nhau "đó là thoát ra ngoài các cơn lốc hình ảnh, các ham muốn và cảm xúc, thoát ra khỏi bánh xe các cuộc đời phù du, để chỉ còn cảm thấy niềm khát khao cái tuyệt đối" (7) .

     Câu đối 14 từ Hán Việt, dịch ra 16 chữ Quốc ngữ chỉ nói về một giống tre của xứ sở. Và những ai học hết sách thánh hiền, thông tuệ thiên kinh địa nghĩa, liệu có đáng nghiền ngẫm thêm bài học về cây tre ấy không ??   

 

 

(1) Điển cố văn học: Nhà XBKHXH- Hà Nội 1977 Đinh Gia Khánh chủ biên

(2) Nam Sơn : Ngọn núi phía nam, chỉ việc Đào Tiềm đời Tấn bỏ quan về vui thú điền viên , làm bài thơ "ẩm tửu" có câu "Thái cúc đông ly hạ , Du nhiên kiến Nam Sơn" (Hải cúc dưới giậu phía đông, Ung dung ngắm dãy núi phia nam)

(3) Tuỳ Dượng Đế: Sách "Điển cố văn học" có thể nhầm, vì Tuỳ Thư  quyển 3 gọi  tên nhân vật này là Tuỳ Dạng Đế Dương Quảng (569-618 )- vị Hoàng Đế thứ 2 của triều Tuỳ, cực kì xa hoa và dâm đảng, bị những kẻ nổi dậy thắt cổ chết tháng 3 năm thứ 14 (618)

(4),Từ điển tiếng Việt: Viện KHXH VN, Viện ngôn ngữ học 1992

 (5), (6), (7) : Biểu tượng văn hoá thế giới của Jean Chevalier và Alain gheerbrant nxb Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du  1997.  Bamoun và Bamiléké là những vùng đất thuộc Cameroun, châu phi. 

18 nhận xét:

  1. Nhắc đến tre con nhớ ngày xưa ở quê, cứ Trung thu đến là vô làng thượng tìm tre về làm lồng đèn!

    Con chỉ biết im lặng ngồi đọc chứ không biết nói gì cả! Hihi

    Cuối tuần chú có đi đâu chơi không hay ở nhà để tiếp tục viết tản mạn về cái gì đó nữa? :)

    Trả lờiXóa
  2. cảm ơn bác Bu đả dày công nghiên cứu, mang đến cho mọi người những kiến thức rất uyên thâm!
    Chúc bác Bu và GĐ cuối tuần vui vẻ!

    Trả lờiXóa
  3. ..."thân gầy guộc lá mong manh
    mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi! "

    Cây tre là biểu tượng của dân tộc Việt với bao nhiêu những nét tính cách đẹp ẩn chứa trong cây tre. Nhắc đến tre em còn hình dung ra chiếc đòn gánh tre dẻo dai theo chân các bà các chị gánh gánh gồng gồng tảo tần nuôi chồng nuôi con. Bài này đã đọc rồi bây giờ đọc lại vẫn thấy hay lắm bác Bu à!

    Trả lờiXóa
  4. Trên quê cháu có nhiều tre không?

    Trả lờiXóa
  5. Quên cháu có nhiều tre không??

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn lời chuc mừng của Khietan

    Trả lờiXóa
  7. Học cho được cây tre còn khó lắm !!!

    Trả lờiXóa
  8. Dạ quê con nhiều tre cho nên...Măng khô cũng là đặc sản phố núi đó chú!

    Trả lờiXóa
  9. Gió nhớ một bài thơ "Tre Việt Nam" của nhà thơ Nguyễn Duy

    Tre xanh
    Xanh tự bao giờ
    Chuyện ngày xưa đẽ có bờ tre xanh
    Thân gầy guộc lá mong manh
    Mà sao nên lũy nên thành tre ơi

    Mỗi lần giảng bài này G luôn có một cảm xúc đặc biệt . Tre mang nhiều thuộc tính của con người _ mang tính cách VN ..nên chẳng lạ gì khi dân tộc mình gắn bó với cây tre đến thế ...anh Bu nhỉ?

    Cứ thử được đi dưới một rặng tre xem ..bỗng thấy khoan khoái nhẹ nhàng và yêu mọi điều chung quanh đến thế . Cám ơn anh Bu về bài viết

    Trả lờiXóa
  10. Bên đây mỗi khi ndnn cho tụi nhỏ đi vườn bách thảo hay sở thú mới được gặp lại cây tre, cảm giác gần gũi quen thuộc làm sao. Nó là một phần tuổi thơ em, nhưng phải đọc bài của Bu ndnn mới hiểu thêm nhiều điều cao cả về cây tre. Cảm ơn Bu về bài viết. Ảnh cu Rơm vẫy ông nội dễ thương quá, ông nội lúc đó chắc hạnh phúc lắm Bu nhỉ :)

    Trả lờiXóa
  11. Bạn đọc và nhớ về tuổi thơ, nhớ về cố quốc là người viết vui lắm rồi. Bài này viết cho báo và tạp chí nên phần cuối còn "nhẹ" quá. Đáng ra phải có so sánh "đạo đức của cây tre" với đạo đức của một số vị chăn dân đang băng hoại. Có một sử liệu rất hay là tổng thống Ngô Đình Diệm cứ sáng sáng thức dậy lại đọc câu "Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã hư tâm" để tu tỉnh và chiêm nghiệm.

    Trả lờiXóa
  12. Cứ vào nhà anh là được đọc những entry thật hay.
    Em cũng rất yêu thích hinhg tượng cây tre, dù không hiểu thấu đáo mọi vấn đề về tre nhưng em thấy tre như tượng trưng cho tính quân tử vì vậy em mới đặt tên con gái em là Nguyệt Trúc, chỉ đơn giản vì em muốn con em dù là gái cũng phải sống thẳng thắng, trung thực nhưng cũng cần cái dịu dàng nhẹ nhàng như ánh sáng của mặt trăng đêm rằm.

    Trả lờiXóa
  13. Rừng trúc chan hòa ánh trăng vừa dịu dàng mếm mại lại thanh thoát và huyền ảo phải không lanvuive? Có phải cháu vừa tốt nghiệp đại học không??

    Trả lờiXóa
  14. Dạ đúng nhỏ đó anh, con gái em mới tốt nghiệp đại học xong, khi có thai em chỉ suy tính đơn giản theo quan niệm sống của mình chứ không biết đặt tên con theo sách vở, hồi đó em tính nếu sinh con trai em sẽ đặt tên là Lâm Nhật Tùng, còn con gái là Lâm Nguyệt Trúc.Số em ít con nên chỉ có một con gái duy nhất này thôi.
    Giờ thấy con cũng thẳng thắn, trung thực nhưng tính thuỳ dịu, nhẹ nhàng hơn em nên em mừng lắm.

    Trả lờiXóa
  15. Con qua xem hình chú post rồi, chú thật là có cơ duyên để gặp Thiền sư Thích Thanh Từ, chắc là chú trao đổi nhiều vấn đề với Họa thượng lắm phải không? Hôm nào chú nhớ viết bài kể con nghe nghen!

    Trả lờiXóa
  16. Hòa thượng tiếp nhiều khách, với tuổi 87 ngài không còn nhanh nhẹn như thời xưa nữa. Chú mang về khá nhiều sách Phật trong đó có một số sách của thầy Thanh Từ như
    1- Thầy Thanh Từ Tặng
    - Tại sao tôi tu thiền
    - Tại sao tôi tu theo đạo Phật
    - Tại sao tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần
    - Bát nhã tâm kinh giảng giải
    2- Bạn tăng
    - Kinh Diệu pháp liên hoa
    3- Chú mua ở nhà sách Thường Chiếu
    - Nguồn thiền giảng giải

    Trả lờiXóa
  17. ÔI, chú được thầy tặng sách của Thầy thậy quý hóa quá! Trước đây chú đã gặp Thầy lần nào chưa? Vậy là sau khi chú đọc mấy cuốn này thế nào cũng có entry cho con đọc thôi đúng không chú?
    Ngày trước con hay xuống chùa mượn sách các thầy về đọc, nhưng bây giờ con không có để mà đọc nữa vì đã xa chùa!

    Trả lờiXóa
  18. Trước đây chú chỉ biết thầy qua sách vở thôi, đây là lần đầu chú diện kiến ngài. Mấy quyển sách ngài cho làm tỏa sáng cho chú nhiều điều. Còn hai người nữa mà chú phải gặp là thầy Thích Thông Lạc trên Trảng Bàng Tây Ninh và thầy Lê Mạnh Thát ở Đại học Vạn Hạnh SG

    Trả lờiXóa