Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

BIẾT TÁI SINH VỀ ĐÂU?

Bạn huynh tran (áo đen - người đặt câu hỏi) và hai bu.

  (Trên sân thượng  biệt thự huynhtran ở Quận 2  Sài Gòn, hồi tháng 3.2012)

 

 

 

Phật Thích ca (ảnh Net)

 

 

 

Tự dưng bạn huynhtran tấn phong bu lên chức Trưởng lão trong khi bu chưa tu ngày nào.  Sau khi cho lên tàu bay giấy, bạn ấy hỏi bu ba câu, mới đọc đã hoa cả mắt:

 

1- Vì sao trong hội chúng, đức Phật nói rằng trong suốt 49 năm qua Đức Phật chẳng nói gì?

2- Vì sao trong kinh sách lại đưa việc đức Phật thuyết giảng kinh A Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Thủ Lăng Nghiêm và một số kinh sách khác vào thời kỳ ngài còn tại thế, để người đời bây giờ đọc cảm thấy có tí huyển hoặc

3- Ngay trong kinh A Di Đà nơi thế giới cực lạc sẽ không có nữ giới, vậy giả sử là chúng ta có cõi Cực Lạc hay cõi thiên đàng thì hơn 50% nữ giới (giả sử đều là những bậc thiện nữ) khi vãng sanh sẽ đi về đâu ??

Hình như bạn huynhtran viết câu hỏi lúc đang vội bay sang Đài Loan, nên bu tui chỉ dựa vào ý để trả lời chứ không câu nệ vào câu chữ. Rất mong các bạn đọc và chỉ bảo thêm cho…  

 

* Trả lời câu hỏi 1.

Bạn  huynhtran là Phật tử thuần thành cho đến năm 16 tuổi, hằn đã đọc BÁT NHÃ TÂM KINH với câu đầu tiên: “ Bồ tát quán Tự Tại khi hành Bát nhã ba la mật đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách” (1)

     Năm uẩn (còn gọi là ngũ uẩn) tức là năm yếu tố tạo nên cái mà ta cho là “bản ngã”, là “cá thể” là “tôi”… Tóm tắt năm uẩn ấy là:

1- Sắc uẩn: Là vật chất cụ thể gồm bốn đại cổ truyền: đất, nước, gió, lửa. (ta hay nói là tấm thân Tứ đại)

2- Thọ uẩn: Là cảm giác. Tất cả mọi cảm giác Vật lý và tâm linh đều bao hàm trong uẩn này

3- Tưởng uẩn: Là nhận thức, tri giác. Tưởng này nhận biết sự vật là vật lý hay tâm linh

4- Hành uẩn:  Là bao gồm tất cả các hoạt động của ý chí, xấu hay tốt. Những gì thường được xem là nghiệp thuộc uẩn này.

5-Thức uẩn:  Thức là một phản ứng có căn bản là một trong sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý)

     Năm uẩn trên “đều không”, vậy thì 49 năm (2) thuyết pháp của ngài (từ một xác thân không thật có) cũng xem như không nói gì cả.  Một cách nói theo tinh thần Bát Nhã của đức Phật vậy.

 

* Trả lời câu hỏi 2.

Người đời bây giờ đọc kinh Phật  không những thấy huyễn hoặc mà còn đáng ngờ, tại sao vậy?

    Theo lịch sử Phật giáo, thì giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên  đến thế kỷ thứ I sau công nguyên  hai thuật ngữ Đại thừa và Tiểu thừa mới xuất hiện trong Diệu pháp liên hoa kinh. Thời đức Phật tại thế tuyệt nhiên không có hai từ này. Đến khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, chữ “Đại thừa” dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn. Đến thế kỷ thứ IV sau công nguyên, cao tăng Trung Quốc là Huệ Viễn (334-416) sáng lập môn phái Tịnh độ tông thuộc Đại thừa, lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Phương pháp tu của Tịnh độ tông là niệm danh hiệu Phật A di đà và quán tưởng Cực lạc. Hai bộ kinh quan trọng của Tịnh độ tông là Kinh A di đà và kinh Vô lượng thọ. Tính lại, khi xuất hiện hai bộ kinh này thì đức Phật đã diệt độ khoảng 900 năm. Vậy thì làm sao bảo đức Phật thuyết các kinh này được.  Chắc chắn các vị Tổ viết ra, nhưng để cho Phật tử tin tưởng là lời Phật nói, họ mặc định vào đầu kinh cụm từ “Tôi nghe như vầy” (Như thị ngã văn).

      Bu tui cho là các Tổ đã phạm ngũ giới của nhà Phật …

 

Trả lời câu hỏi 3.     

Trước hết phải nói ngay rằng cõi Thiên đàng của đạo Thiên chúa có Nữ giới hay không ta không bàn đến, ở đây chỉ nói về cõi Tây phương Cực lạc của đức Phật A di đà.

      Kinh A di đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Bi Hoa đều nói vua Vô Tránh Nhiệm trước khi thành Phật A di đà đã hứa như đinh đóng cột với phật Bảo tạng rằng, nếu được thành phật ông sẽ xây dựng một xã hội tuyệt đối không có nữ giới, thậm chí không có từ ngữ nào đề chỉ nữ giới. Kinh Địa tạng bảo người nữ nào chăm chỉ cúng dường bồ tát Địa tạng, đúc tượng ngài, vẽ hình ngài, thì “muôn kiếp sau sẽ không sinh vào cõi nước có người nữ, huống nữa là thọ thân gái”. Rõ ràng hệ thống kinh Đại thừa loại trừ nữ giới ở các xã hội ngoài cõi nhân gian?  Bởi vậy 51% chị em nếu được vãng sanh lên đó thì phải chấp nhận làm một thứ người chung chung, tức là người trung tính, không nam không nữ. Vì khi nói đến nam tức nói đến giới tính giống đực có thiên chức cùng với nữ giới phát triển nòi giống bằng phương pháp noãn sinh. Người trên thể giới cực lạc được hóa sinh, tức sinh ra từ bông sen, ai cũng như ai, đã không có nữ thì chẳng cần nam để làm gì.

        Bạn huynhtran nhất thiết muốn kiếp sau vẫn là phụ nữ thì tu ở mức chỉ để giải thoát tương đối, tức được luân hồi làm người xinh đẹp, sung túc, có một ý trung nhân hoàn hảo hơn kiếp sống hiện tại.  Chúc bạn hoan hỷ trong cõi nhân gian vừa đạo vừa đời này.

 

 

(1)               Bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Trí Thủ

(2)               Hầu hết sử liệu của Phật giáo nói ngài chỉ thuyết giáo trong 45 năm chứ không phải 49 năm

53 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn đã đến nhà bu sau khi bài post lên chưa đến 1 phút.
    Vâng! Bu tui rất muốn chía sẽ với chị em luôn luôn muốn làm phải đẹp...chứ không khoái làm người trung tính trên cõi cực lạc

    Trả lờiXóa
  2. Bác Bu giảng kinh Phật mà vẫn cố...đá giò lái chị HT một phát nhen...! :))

    Trả lờiXóa
  3. Bạn YS à
    Giải thoát tương đối là nguyên văn của HT Thích Thanh Từ đấy, chứ bu tui không sáng tác ra đâu. Tui rất ủng hộ kiểu tu này, mà chắc yên sơn cũng vậy chăng? Nhập Niết bàn để không sinh, không diệt, không tái sinh, không luân hồi,... thì buồn lắm... hihihi

    Trả lờiXóa
  4. Tui chưa "ngộ" được tới trình để tu trong cuộc đời này, nên chỉ dám bàn về kiểu sống tốt...tương đối thui à !
    Cái gì Phật dạy phải từ bỏ hết thì mình...thử cho biết một chút :)
    Thất tình, lục dục món nào cũng cho phát huy công suất 1 cách vừa phải, các món người đời ăn chơi thì mình cũng nên nếm trãi qua...
    Tới tuổi sồn sồn thấy bạn bè cùng lứa tu tập thì mình cũng...tập tu một chút :)
    Bởi vậy người đời thì "hồi đầu thị ngạn", còn Yên Sơn mà "quay đầu thì...chìm" hihiihi...!

    Trả lờiXóa
  5. hay vao trang nguyenthuy. com cua vi Thich Thong Lac se hieu

    Trả lờiXóa
  6. Chỉ biết cố gắng sống tốt kiếp này vậy ạ.

    Trả lờiXóa
  7. Nếu biết được kiếp sau mình đi về đâu thì chắc người đời không dám làm điều ác đâu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  8. Nếu có muốn quay đầu thì chuẩn bị thêm phao cứu sinh hihihi

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn Trưởng Lão, bần cư sĩ sẽ theo sự chỉ dẫn của Trưởng lão, có nghĩa là chỉ nên tu ở mức lưng chừng thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Sống tốt là tạo thiện nghiệp rồi, đấy cũng là cách tu hành

    Trả lờiXóa
  11. Hihiiiiiiiiiii thì anh viết về đạo Phật tương đương với các vị Đại đức Tỳ kheo, thì tấn phong chức Trưởng Lão cũng xứng đáng mà.

    Cám ơn anh đã trả lời, và có tấm hình minh họa xinh quá.

    Trả lờiXóa
  12. Nhưng đôi khi lòng tham làm người ta mờ mắt mà quên cả hậu họa

    Trả lờiXóa
  13. Hehehe phải chuẩn bị phao cứu sinh cho ăn chắc

    Trả lờiXóa
  14. Lão lai tài tận thì có.
    Tấm hình chụp ngày 3.3.2012, con trai bạn bấm máy

    Trả lờiXóa
  15. Hình như nhiều bạn gái phái câu này hihihi

    Trả lờiXóa
  16. Bu muốn bạn tu cho rốt ráo để giải thoát tuyệt đối.
    Còn bạn thích làm nữ nhân thì theo như bu gợi ý vậy

    Trả lờiXóa
  17. Đúng là có câu hỏi hay thì mới có những câu trả lời thật xuất sắc từ những người am hiểu rộng.
    Em mới coi đến câu trả lời thứ nhất thôi mà đã nhận ra nhiều điều mình cần học hỏi.
    Giờ em cho Ken đi nhà trẻ rồi đi công việc, đến chiều em sẽ vào coi tiếp nha. :)

    Trả lờiXóa
  18. Anh Bu ơi bicon Copy and paste :
    " Bạn huynhtran nhất thiết muốn kiếp sau vẫn là phụ nữ thì tu ở mức chỉ để giải thoát tương đối, tức được luân hồi làm người xinh đẹp, sung túc, có một ý trung nhân hoàn hảo hơn kiếp sống hiện tại. Chúc bạn hoan hỷ trong cõi nhân gian vừa đạo vừa đời này."

    Trả lờiXóa
  19. Xem ra tu theo Nhân đạo là hay nhất các bác ạ... Vui buồn sướng khổ nếm trải, lấy tình thương yêu mà sống là vui thôi, chứ cố để đến chỗ vô nam vô nữ thì chán quá... Bác Mùi nên lưu ý đoạn cuối, nhưng cái gì cố thì cố đạt luôn trong hiện tại. Hii

    Trả lờiXóa
  20. Coi tiếp và có thắc mắc gì bu sẵn sàng trao đổi...

    Trả lờiXóa
  21. Riêng bạn Bicon có ý kiến chi không??

    Trả lờiXóa
  22. Tu theo Đạo làm người thì thuần túy theo ông Khổng ông Lão. Hai ông này chỉ dạy làm người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi vào quan tà thôi. Ông Thích ca còn dạy làm người tiếp kiếp sau nữa., theo ông, sống và chết là từng chấm nhỏ nằm sít nhau tạo nên một đường thẳng không có điểm đầu không có điểm cuối. Triết lý phật giáo tìm đến cái rốt ráo của mọi vật thể, mọi sự kiến, tìm đến chấn lý cuối cùng. Bạn đọc duy thức luận, Trung quán luận thì mới thấy cái vĩ đại tột cùng của Đại thừa Phật giáo

    Trả lờiXóa
  23. Anh Bu ơi! chẳng dám tu rốt ráo đâu, M nghĩ nếu chỉ đạt đến quả A-la-hán thôi đã là khó rồi. Vì A La Hán là quả vị các vị đã giải thoát 10 trói buộc thế gian như: ngã kiến, nghi ngờ, chấp đắm giới luật, tham, sân hận, sắc tham, vô sắc tham, kiêu mạn, hồi hộp không yên, vô minh.

    A-la-hán được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.

    Mà muốn đạt quả A-La-Hán thì đi đường nào cũng phải sống độc thân, có vợ con mà tu đắc đạo là chuyện không bao giờ có. Vì Ái Dục và Niết Bàn là kẻ thù của nhau.

    Do đó sống như vậy nghĩ lại thì cũng buồn lắm! cứ để M tu tập theo nhân duyên của mình là đủ rồi anh ạ.

    Trả lờiXóa
  24. 1- Bạn không định thành A la hán cũng cho là được...
    2- Tu tập theo nhân duyên thì xem như chưa tu gì cả. Bất cứ người nào đang sống trên đời cũng theo quy luật nhân duyên. Một người tích trử heroin bị pháp luật đưa ra xử tử...Một người bố thí người nghèo được xã hội kính trọng...hai người đó đều bị quy luật nhân duyên chi phối.
    3- Trong Phật giáo có khái niệm DUYÊN GIÁC, giải thích cho tân cùng rất phức tạp. Vắn tắt là: Hiểu thấu được lý duyên khởi (12 nhân duyên) để giác ngộ (12 nhân duyên bu tui có nói ở bài Phỏng vấn đức Phật Thích ca). Duyên giác còn gọi là độc giác, tức giác ngộ cho mình không giáo hóa cho ai cùng giác ngộ.
    4- Hiểu sâu sắc Duyên giác, tác ý theo thiện nghiệp là một cách tu. Có lẽ bạn muốn nói đến khái niệm đó chứ không phải "tu theo nhân duyên". Bu nhắc lại, nhân duyên là quy luật tất yếu, anh (chi) không tu thì nó cứ thế mà xấy ra...

    Trả lờiXóa
  25. Cám ơn chị HuynhTran và anh Bu đã có những câu hỏi và những câu trả lời rất hay gợi mở Sự tìm hiểu Đạo Phật ngày nay.

    Trả lờiXóa
  26. Gió thì nghĩ cực lạc bây giờ bắt đầu có nữ giới ...vì có lẽ những người ở cực lạc trước đó đã thấy nơi đây vô vị vì ...thiếu nữ giới anh Bu ạ ! :)

    Trả lờiXóa
  27. Ra vậy Bi chưa hiểu kĩ lắm:
    "....Giải thoát là một thắng đức trong ba đức của Phật: Pháp Thân, Bát Nhã, Giải thoát. Nếu như ba thắng đức ấy hoàn toàn viên mãn thì gọi là Phật. Vậy nên giải thoát hoàn toàn và tuyệt đối là sự chung kết của Phật Đà, cũng là chỗ xu hướng chung của mọi loài chúng sanh. Không những nhân loại mà loại nào cũng thế vì đang ở trong mê lầm đau khổ nên đều có quan niệm lánh khổ tìm vui, mong cầu giải thoát. Cũng vì vậy người đời thường gọi Đạo Phật là đạo giải thoát chung cho tất cả chúng sanh, hay gọi là tôn giáo của chúng sanh đau khổ.

    Nhưng trừ các bậc đã cứu cánh giác ngộ, thì chúng sanh mấy ai đặng giải thoát? Tuy hết sức mong cầu mà vẫn luôn luôn sống trong cảnh ngộ ngang trái khổ đau. Nguyên do vì chúng sanh chỉ biết tìm giải thoát nơi bên ngoài mà không tìm giải thoát chính ở nơi mình. Chính ta là nguyên nhân, là hình ảnh của đau khổ, mà ta cũng là nguyên nhân là hình ảnh của giải thoát. Nếu không thâm nhập sự thật ấy thì chưa thể giải thoát chơn thật hoàn toàn. Thế nên bản hoài của Phật xuất thế là cốt dạy chúng sanh diệt bỏ mê lầm, giác ngộ chân lý, và đem an vui đến cho mọi loài. Ngài không quan tâm đến sự khoái lạc huy hoàng của một đế vương, không dừng chân trong rừng khổ hạnh, cũng không thỏa mãn với những cõi trời Tứ thiền, Tứ không mà các hàng ngoại đạo đều cho là nơi rốt ráo cuối cùng của đạo họ. Bao nhiêu nỗi vui đẹp ở những chỗ ấy đối với Ngài đều là cái vui trá hình, chưa phải là dứt hẳn được mê lầm, giải thoát ngoài vòng luân hồi sanh tử.
    Mục đích của người theo đạo Phật là sự giải thoát nên Phật tử không được chú trọng việc cầu tài, cầu phúc, cầu quả báo tốt đẹp ở nhân thiên. Mà cần phải phát tâm hướng mạnh về giải thoát, thì sự tu hành mới càng lâu càng bền, càng khó càng dai và có ngày mới đạt được mục đích cuối cùng như chư Phật. Trái lại như Ngài Lục Tổ nói trong Kinh Pháp Bảo Đàn: "Nếu tự tánh chân thật đang mê thì phước nào cứu đặng?" Nhưng giải thoát hoàn toàn là thế nào? Muốn hiểu, trước cũng nên biết thế nào là giải thoát chưa viên mãn...."

    Trả lờiXóa
  28. Người đời phân biệt nam nữ, chẳng lẽ cõi Phật cũng có phân biệt ư?

    Trả lờiXóa
  29. Bác Bu lấy kinh sách nhà Phật để lý giải những câu hỏi Phật giáo của chị Huynhtran rất hay, ở đây tôi thử lý giải theo cách "đời"
    - Ở câu hỏi thứ nhất "Vì sao trong hội chúng, đức Phật nói rằng trong suốt 49 năm qua Đức Phật chẳng nói gì?", ai cũng biết trong 49 năm thuyết pháp giảng dạy tăng chúng tất cả những gì ảo diệu nhất, cùng những phương pháp để mong đạt được, cuối cùng trước khi nhập diệt Đức Phật đã nói một câu hiểu theo thông thường là phủ nhận tất cả những gì ngài đã nói? Chẳng qua Đức Phật biết rất rõ những gì ngài đã nói chỉ là hư ảo, chúng sinh không tìm thấy, không thực hành theo được sẽ "đổ lỗi" cho ngài, nên ngài mới phủ nhận như thế.
    - Câu thứ 2, kinh sách được cho là những lời dạy của Đức Phật, nhưng không phải được chép lúc ngài đang tại thế, mà về sau, và rất lâu sau khi ngài tịch diệt, và kinh sách được ghi chép từ sự truyền khẩu ban đầu của A nan đà, một đệ tử thân cận của Phật. Phật giáo nói như thế chứ thời đó chưa có máy ghi âm, băng đĩa, cho nên "tam sao thất bổn", đời sau có thêm thắt cho hợp "khẩu vị", hoặc vì mục đích nào đó cũng là chuyện bình thường.
    - Thế giớí Cực lạc không có nữ giới? Ai cũng biết đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ, từ Bà la môn, một nơi "chúa tể" trọng nam khinh nữ cho đến tận bây giờ, thì trong kinh sách cách nay hàng ngàn năm cái tư tưởng ấy có luôn tồn tại cũng là thường tình...
    Hìhì!

    Trả lờiXóa
  30. Biết cuộc đời này là bể khổ nhưng kiếp sau nếu được tái sinh em vẫn ước mong được làm người, nam hay nữ cũng được. Có vui buồn, sướng khổ... có khổ mới biết thế nào là sướng, có buồn mới biết thế nào là vui chứ sống trên Niết bàn lúc nào cũng thảnh thơi hoan hỉ...đơn điệu lém :D
    A di đà Phật, Phật từ bi hỉ xả chắc không chấp cái còm láo này của em !

    Trả lờiXóa
  31. Dẫu đạo Phật có mạt pháp đến đâu thì ở cõi Tây phương cực lạc con người chỉ được hóa sinh từ bông sen chứ không phải từ tình yêu của bố mẹ nên không có phụ nữ, đúng hơn là không cần đến phụ nữ

    Trả lờiXóa
  32. Phật A di đà chắc chắn không chấp cái còm này của thuthuy rồi.
    Nguyên tắc đạo Phật là tự nguyện không, vận động, càng không cưởng bức. Tái sinh làm người, mà là người phụ nữ như thuythuy là hay lắm rồi.

    Trả lờiXóa
  33. Rất vui vẻ được Hoàng Kim đưa về blog Dạy và Học

    Trả lờiXóa
  34. Cảm ơn BICON đã còm rất công phu

    Trả lờiXóa
  35. Bạn HOÀNG KIM và BẠN HUYNH TRAN
    Hai bạn nhắc đến TRƯỞNG LÃO và THIỀN SƯ nên bu tui có đôi lời thế này:
    - TRƯỞNG LÃO: Là các tỳ kheo xuất gia tu học lâu năm theo Phật giáo nguyên thủy, hạnh đức đầy đủ. Trong kinh Phật gọi những tỳ kheo đắc quả A la hán có thể tiếp dẫn đệ tử là Trưởng Lão. Ở VN có thầy Thích Thông Lạc trụ trì tu viện Chơn ở Tây Ninh là Trưởng Lão (chưa rõ tổ chức nào thụ phong)
    - THIỀN SƯ: Là danh hiệu cho những vị đã giác ngộ và hoằng hóa trong Thiền tông.

    Cảm ơn hai bạn đã tôn vinh, nhưng xét ra bu tui chỉ đạt được danh hiệu chúng sanh vô minh (như biển) và mê lầm (như cát sông Hằng)

    Trả lờiXóa
  36. Để hôm nào phỏng vấn lại đức Phật xem ngài nói sao... hehehe

    Trả lờiXóa
  37. Trên cõi cực lạc phụ nữ tuyệt chủng, nên vấn đề phân biệt không còn được đặt ra nữa kia hihihi

    Trả lờiXóa
  38. Phải công nhận sau khi TT vào chùa tu hành hẳn hoi, cái nhìn về Phật pháp chắc có khác. Tôi có biết một vị Đại đức trụ trì một ngôi chùa gần nhà, nói chuyện mới biết vị này rất tin... có ma. Cũng không có gì lạ, không có ma làm sao có Phật... :-)))

    Trả lờiXóa
  39. Nom ảnh trẻ thế mà bị phong Trưởng lão, sướng ghê cơ..:)

    Trả lờiXóa
  40. Lão lai tài tận mà còn sướng cái nỗi gì kichbu cubich ơi

    Trả lờiXóa
  41. Anh Bu ơi! mấy hôm nay vẫn suy nghĩ nhiều về tiêu đề bài viết của anh: "Biết tái sinh về đâu?" Mà như Trưởng Lão còn hỏi ?? thì những nữ cư sĩ như M biết hỏi ai?

    Con người khi còn tại thế thì cứ đong đưa theo con lắc của sanh lão bệnh tử, vậy khi chết đi, thì con người chôn xuống đất, hỏa thiêu.. nhưng sau đó thì sao, con người có linh hồn hay không, và có còn tái sinh hay không? Chẳng biết bao giờ biết được.

    Trong khi đó M đọc nhiều truyện về Tây Tạng, các vị Lạt Ma khi nhập diệt được nhập thất ngồi theo tư thế kiết già và sau đó được trát vàng hay trát vật liệu gì đó để giữ xác thân, và nhục thân đó được đặt ở trong những mật thất trong ngôi chùa. Và điều đáng nói là, các vị Lạt Ma hiện tại khi ngồi thiền định có thể nhìn và nhận biết nhục thân của mình ở tiền kiếp. Đó là M đọc sách, đọc từ rất lâu rồi bây giờ những quyển sách đó cũng kg còn lưu trữ nữa nên chưa dẫn chứng ở đây, nhưng mà sách nói thế.

    Vậy anh hỏi "Biết tái sinh về đâu??" Thì M cũng mạo muội xin trả lời là linh hồn sẽ tái sinh trở lại theo nghiệp đã tạo ở tiền kiếp. Do vậy anh suy nghĩ xem anh có nợ ai không? Nếu có nợ thì mau trả nếu không kiếp lai sinh sẽ theo nghiệp mà tái sinh để trả nợ. Riêng chị Hà đã hẹn là kiếp sau nếu làm người vẫn muốn tiếp tục làm vợ anh thì kiếp sau theo lời nguyện ước nàng sẽ vẫn theo anh để tiếp tục cho anh vay nợ.. đó.

    Trả lờiXóa
  42. Ban huynhtran

    "Anh Bu ơi! mấy hôm nay vẫn suy nghĩ nhiều về tiêu đề bài viết của anh: "Biết tái sinh về đâu?" Mà như Trưởng Lão còn hỏi ?? thì những nữ cư sĩ như M biết hỏi ai?
    Con người khi còn tại thế thì cứ đong đưa theo con lắc của sanh lão bệnh tử, vậy khi chết đi, thì con người chôn xuống đất, hỏa thiêu.. nhưng sau đó thì sao, con người có linh hồn hay không, và có còn tái sinh hay không? Chẳng biết bao giờ biết được"

    * Tựa đề "Biết tái sinh về đâu" chính là câu hỏi của bạn mà bu vắn tắt lại để trả lời chứ không phải câu hỏi của bu. Nếu viết "Trả lời 3 câu hỏi của bạn huynhtran" thì thiếu tính văn nghệ và không gợi sự tò mò cho người đọc.
    * Linh hồn có hay không là nỗi khắc khoải của nhiều người trong đó có bu. Đây là vấn đề cực khó, cho đến nay chưa ai trả lời dứt khoát được. Bu tui sẽ có ẻn bàn về đề tài này mời bạn tham gia ý kiến nhé

    Trả lờiXóa
  43. "nữ cư sĩ như M biết hỏi ai? Cái này sách vở gọi là "Ưu bà di" M. ha chị M.?
    Bác Bu, vấn đề linh hồn cũng khó thật, nhiều sách vở Phật giáo khẳng định Phật giáo không tin có linh hồn, nhưng tôi đọc cũng có sách PG nói "PG cũng không phủ nhận linh hồn", chứ cứ khẳng định ngoài cái hiện tại là không thể bàn cãi, còn tất cả chỉ là KHÔNG to tướng thì cũng chẳng còn gì để nói phải không bác BU?

    Trả lờiXóa
  44. "1- Vì sao trong hội chúng, đức Phật nói rằng trong suốt 49 năm qua Đức Phật chẳng nói gì?"

    Đây chính là lời bịa đặt của người đời sau! Vì sao?

    Thứ nhất: Nếu Đức Phật không nói (thuyết giảng) thì người đời sau đọc Kinh Phật từ đâu ra? Chẳng lẽ Đức Phật ngồi viết ra ngần ấy kinh!
    Thứ hai: Các bài kinh đa phần có câu: “Tôi nghe như vầy…” (Như thị ngã văn 如是我聞, sa. evaṃ śrute mayā). (Cái này thường do Ananda nghe Đức Phật thuyết giảng, ghi nhớ và nói lại).
    Thứ ba: trước nhất Đức Phật cũng là một còn người, một Bà la môn, và trên hết, sau cùng là một Bà la môn đã hoàn toàn giải thoát, đã đặt gánh nặng xuống, đã làm những việc cần làm,...thì chẳng lẽ chừng ấy năm, mà Đức Phật không nói gì. Huống hồ trước khi nhập diệt, Đức Phật cầm nắm lá trong tay, gọi Anan lại và hỏi: Lá trong tay ta nhiều hơn hay lá trong rừng nhiều hơn. Anan trả lời là lá trong rừng nhiều hơn. Đức Phật liền giảng: cũng vậy những lời ta dạy cho các ông chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì ta biết được!

    Còn nếu cho rằng đây là cách nói ẩn dụ, theo kiểu có có không không, có mà không có, không có mà có thì hoàn toàn trái với lời dạy của Đức Phật, bởi Đức Phật đã từng dạy: "Pháp của ta là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, được người trí tự mình giác hiểu." Hay như: "Những lời ta nói ra, nếu các ông phải dùng Tưởng để hiểu, thì có lời nói láo trong ta",...!

    Trả lờiXóa
  45. Hôm nay em mới được thảnh thơi đọc hết entrry này của anh Bu.
    Entrry không dài, đọc xong tới đâu em hiểu đến đó, chắc do em không phải là người trong đạo lại ít đọc Phật pháp nên không thắc mắc nhiều chi hết, chỉ là đọc cho hiểu thôi.
    Em thích nhất là câu nói của nhỏ cháu chồng:
    --Đức Phật Thích Ca chỉ có một nhưng tín đồ lại quá nhiều nên cho ra nhiều tông phái, nên con chỉ nhớ một ý của Đức Phật thôi là nghe và tin từ chính bản thân mình trước khi nghe và tin lời người khác nói.
    Nói vậy chứ em vẫn thích đọc những bàn luận của các anh chị em sau mỗi entrry của anh Bu viết lắm.

    Trả lờiXóa
  46. - Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: "Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. ".

    Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí quở trách; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! Ðiều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.

    Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

    Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không đáng chê; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!

    (Tăng Chi Bộ - Kinh Kalama)
    http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-vbud/vbkin191.htm

    Trả lờiXóa
  47. Cái câu nói của nhỏ ấy hay lắm.
    Rất vui được bạn thấy những gì bu viết ra có ích.

    Trả lờiXóa
  48. Chờ đến khi nào đồng chí TBT kính mến của chúng ta nói được như đồng chí Thích Ca về lý thuyết Thiên đường cộng sản thì dân ta khoái chí biết mấy ...hehehe

    Trả lờiXóa