Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Trịnh Công Sơn: Xin cho tôi...


Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tác giả Nguyễn Quốc Túy

Ba tác giả đồng giải xuất sắc trong cuộc thi Nhạc Trịnh trong tôi
(Người bên trái đeo kính là cháu Nguyễn Quốc Tuấn nhận hộ cho chú Nguyễn Quốc Túy)




 
Ngày giỗ thứ 13 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bu tui định viết vài dòng tưởng nhớ ông.  Hồi ở Huế bu sống cùng phố với Trịnh Công Sơn, mấy lần họp phường Vĩnh Ninh (cạnh chợ Bến Ngự) cả hai ngồi sau cùng, lấy dép thay ghế ngồi bệt xuống sân xi măng tán chuyện riêng. Sau giải phóng phố phường nghèo, chủ tọa thư kí có bàn ghế, còn dân chúng ngồi sân xi măng vậy thôi. Chưa kịp viết về nhạc sĩ thì hay tin chú em trai Nguyễn Quốc Túy ở sở Giáo dục Lâm Đồng được nhận một trong ba giải xuất sắc trong cuộc thi viết NHẠC TRỊNH TRONG TÔI do gia đình nhạc sĩ và báo Một thế giới đồng tổ chức. Nghỉ bụng nhạc Trịnh trong chú cũng như trong bác, nên đưa lên đây giới thiệu với bạn bè.                                                                                              
     Chú Túy có nickname KÊNH KỊA ở blogspot và NGUYỄN QUỐC ở facebook. Ban tổ chức trao giải vào ngày 1.4.2014 tại nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tp. HCM. Tác giả Nguyễn Quốc Túy ở Lâm Đồng không về được, nhờ thằng cháu tên là Nguyễn Quốc Tuấn (con trai bu, kiến trúc sư tp. HCM) nhận hộ. Quốc Tuấn đeo kính đứng phía trái trong tấm ảnh 3 người nhận thưởng. Sau đây là bài viết TRỊNH CÔNG SƠN:XIN CHO TÔI  của Nguyễn Quốc Túy.
***

Xin - cho là chuyện vẫn diễn ra hằng ngày của nhân loại ở đời. Chẳng biết tự khi nào, có lẽ là từ khi nhận thấy thế giới này chưa được hoàn thiện, thiên hạ bèn tìm cách xin để bổ khuyết cho cái phần chưa hoàn thiện kia. Xin cái gì? Cũng tùy người, kẻ tham lam xin bất cứ cái gì miễn là có lợi cho mình, người có trái tim yêu thương xin những gì mang đến hạnh phúc cho tha nhân. Cứ cho tôi biết bạn xin cái gì, tôi sẽ cho biết bạn là ai.

Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ suốt thời gian rong chơi cõi tạm cũng từng xin. Ông xin cái gì? Trước tiên lại phải trả lời câu hỏi, Trịnh Công Sơn là ai? Thật là phù phiếm khi tôi lại gán cho ông thêm một định nghĩa nữa. Trong tác phẩm Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài, Bửu Ý đã liệt kê gần ba mươi định nghĩa mà người ta gán cho ông. Với tôi, nghe và hát Trịnh Công Sơn bao năm nay điều đọng lại về ông chính là một nhạc sĩ của tình yêu. Cứ như chất liệu làm nên trái tim ông là tình yêu, cứ như quanh ông luôn tỏa ra một trường yêu thương bất tận.
Thế thì Trịnh Công Sơn còn xin gì nữa nếu không phải là yêu thương? Ông yêu tất cả mọi thứ gặp phải trong cái trường yêu thương bất tận ấy, quê hương, con người, thiên nhiên, cây cỏ... Thực ra, thật khó mà phân định rạch ròi, tình yêu quê hương cũng chính là tình yêu đồng loại, thiên nhiên, đất trời. Tất cả đan xen, hòa quyện, lắng đọng bên nhau không hề có ranh giới rạch ròi. Trịnh Công Sơn đơn giản gọi tất cả là "đời", ở đó ông tự thấy mình "yêu quá đời này", ở đó ông chỉ biết nói lời tạ ơn, dù đến rồi đi.
 Quê hương - hai tiếng thân thương gần gụi ấy đối với ông đôi khi là "một trời mưa bay", là "đồi thông nắng đầy", đơn sơ góc phố, hay chỉ là một chiếc lá thu phai. Hãy bắt đầu hành trình yêu thương cùng ông từ một con đường, con đường thong dong "một ngày cầu xin thong dong con đường" (Vẫn nhớ cuộc đời). Chưa cần phải đi đâu vội, cứ đứng yên đấy mà chiêm ngưỡng nét đẹp quê hương hiện ra từ một chiều hoàng hôn "xin đứng yên trong chiều lao xao từng bóng hoàng hôn" (Tình xót xa vừa). Mà đâu chỉ có hoàng hôn, người nghệ sỹ còn muốn nối rừng núi với biển xa, nối từ đêm tới ngày "xin ngủ dưới vòm cây,... xin chờ những rạng đông" (Ru ta ngậm ngùi). Sống giữa cuộc đời còn đầy sân hận này mới thấy tình cảm yêu quê hương, yêu đồng loại của Trịnh Công Sơn tinh khôi và đáng quý biết bao. Ông không hề xin một tí lợi danh nào cho bản thân, mọi mong ước của ông đều chỉ dành cho quê hương thần thoại. Ông "xin có một ngày ngồi thong dong" chỉ để "trao đến mọi loài chút tình tôi" (Như tiếng thở dài). Ông ngồi đó thong dong hướng về quê hương nhọc nhằn gian khó mà xin cho mưa thuận gió hòa, "xin cho bốn mùa đất trời lặng gió" (Hoa vàng mấy độ), "xin hãy cho mưa qua miền đất rộng" (Diễm xưa).
Chứng kiến cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn xương tan thịt nát, bất lực nhìn quê hương  bị cày xới với bao người dân lành vô tội phơi thây trên ruộng đồng, người nghệ sĩ với trái tim đau chỉ còn biết ngửa mặt lên trời xin đôi bên quên đi thù hận "thù hận xin quên, đây quê hương mình" (Lại gần với nhau). Nhưng nào có ai nghe lời cầu xin của người nghệ sĩ, trong những cái đầu nóng kia chỉ đầy ắp súng đạn và bạo lực, mặc cho ông miệt mài "xin cho đêm không có đạn bay", "cho tôi đi nâng dậy hòa bình" (Xin cho tôi). Quê hương với tình yêu bao la của mẹ, với bước chân trẻ thơ rộn ràng là thế bỗng trở nên xa ngái trong khói lửa chiến tranh, để Trịnh Công Sơn xót xa thêm một lần "xin tay mẹ nồng nàn, cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng. Cho quê hương giấc ngủ thật hiền" " (Xin cho tôi).
 Thân thể quê hương cũng như thân thể một con người. Không ai có thể yêu thương với một cái tâm bấn loạn, thân thể chỉ có thể ban phát tình yêu trong sự bình yên, tĩnh lặng. Trịnh Công Sơn cũng thế, khi quê hương có được "giấc ngủ thật hiền" ông nhận ra rằng "từ đó tôi yêu em" (Xin cho tôi).
Quê hương là em và em cũng là quê hương, cũng như em là tôi và tôi cũng là em vậy. Với trái tim chan chứa yêu thương của mình Trịnh Công Sơn dành trọn tình yêu cho em không hề vụ lợi, không định chiếm đoạt điều gì. Mọi thứ ông vẫn chỉ dành cho em rất chân thành "xin cho tay em còn muốt dài", "xin chân em qua từng phiến ngà, xin mây xe thêm màu áo lụa" (Còn tuổi nào cho em). Phần mình, ông chỉ rón rén "xin cho về trọ gần nhau" (Ở trọ), hay đơn giản chỉ "xin làm quán trọ buồn chân em ghé chơi". Mà nếu em có đành đoạn ra đi thì Trịnh Công Sơn cũng tình nguyện "xin làm đá cuội mà lăn theo gót hài" (Biết đâu nguồn cội).
Trong "Trịnh Công Sơn một người thơ ca một cõi đi về", tôi thích một đoạn Anh Ngọc viết về Trịnh Công Sơn như thế này: "Con người ấy sinh ra để mà yêu và từ yêu thương lại sinh ra tất cả. Bởi yêu thương con người - từng con người một, bé nhỏ và mong manh  - mà dẫn đến yêu thương dân tộc, yêu thương nhân dân, và yêu thương cả nhân loại". Trịnh Công Sơn từng "xin cho tôi nguyên vẹn hình hài" chỉ để "cho tôi nghe lời hát cỏ cây", nhưng nay trái tim ông đã ngừng đập, hình hài của ông đã không còn nguyên vẹn mà tan theo cát bụi. Tuy nhiên cái chết đối với ông có lẽ chẳng lạ lùng gì. Thậm chí ông còn hình dung ra cái ngày  "tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống này". Đến cả lúc ấy, ở bên kia thế giới, ông vẫn còn lắng nghe đất đá tự tình "xin được xin nằm yên, đất đá hân hoan một miền" (Rơi lệ ru người).  Tôi tin rằng ở cõi vĩnh hằng ông vẫn còn đau đáu với tình yêu quê hương. Trái tim ông ngừng đập nhưng trường yêu thương từ đó vẫn lan tỏa như một thứ ánh sáng nhật nguyệt có thể cứu chuộc thân phận như ông hằng mong mỏi.



36 nhận xét:

  1. Bài viết thật hay và đầy ý nghĩa nói về một nhạc sĩ tài danh đã để lại cho đời những sáng tác thật hay và đậm chất tình người , tình quê hương . Em không biết gì nhiều về nhạc sĩ này , nhưng qua những bài hát của ông đã để lại cho em có nhiều cảm xúc và nhiều suy nghĩ ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trịnh Công Sơn viết về thân phận con người nên được mọi người đón nhận và ngưỡng mộ Nang Tuyêt à

      Xóa
  2. Bài viết lãnh giải thật xứng đáng anh Bu à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú ấy cùng nghề với giao lang đấy.
      Thạc sĩ vật lý, cử nhân Anh văn, Võ sĩ karate, nhưng lại yêu âm nhạc và văn chương

      Xóa
  3. Chú lên bài mới rồi..Mừng quá, vì như vậy là chú khỏe hẳn rồi chú Bu nhỉ!
    Bài viết của em chú thật hay, một cách cảm nhận sâu sắc về Trịnh Công Sơn! Cảm ơn chú đã chia sẻ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chu Ngọc làm thơ thật hay đi, dẫu không thật khỏe chú vẫn sang đọc và có nhận xét

      Xóa
    2. Vậy là chú chưa thật khỏe sao, chú Bu? Mà chú ốm sao vậy chú ơi?

      Xóa
  4. Chú em của bác Bu có lẽ không ở Saigon trước năm 75, mà viết về nhạc sĩ TCS thế là "đạt" lắm, hihi, chúc mừng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi giải phóng chú ấy mới 12 tuổi vào ở Đà Lạt năm 1985 cho đến nay....

      Xóa
  5. Bài viết với cảm nhận riêng đầy phát hiện mới !

    Trả lờiXóa
  6. Mỗi lần sang chú Bu, em đọc bài thường hay tủm tỉm cười vì cái duyên hài rất dễ thương ( em thích dùng từ hơi xì-tin nì cho chú ). Nhưng lần này thì...đọc bài cảm nhận với giọng văn hoàn toàn khác, em đọc mà nghe như có ...nhạc Trịnh ri rỉ đâu đây á.
    Em không thuộc nhiều, cũng không mê nhiều . dưng, bài Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công sơn là bài hát Đoàn đội duy nhất em thuộc . Mà không chỉ trong khuôn khổ đoàn , đội thôi, ngày đám cưới em hồi đó, mắc gì bạn bè em cũng nhào lên hát bài này tặng em ... Nhớ tới thấy vui. Vậy mới thấy tính công đồng của âm nhạc chú hén !
    Chúc mừng em chú Bu nhá !
    Chủ nhật thật vui cùng gia đình chú nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Em đọc mà nghe như có ...nhac Trinhj rỉ ri trong đầu" chứng tỏ Có khi nào nhạc cảm rất tốt, Người làm thơ hay thường có thêm tố chất âm nhạc trong đầu...

      Xóa
  7. Xin chúc mừng em trai bác Bu.

    Em tuy không hiểu lắm về nhiều ca từ trong nhạc Trịnh nhưng vẫn thích nghe, hay hát và có những cảm nhận riêng mình. Cuộc đời của TCS đã được người ta kể, viết rất nhiều. Có những điều mà thực hư không biết nên hiểu thế nào cho phải. Nhưng chỉ cần nhìn dáng vẻ gầy gò, một gương mặt mang nhiều nỗi trăn trở đối với tha nhân và những bài ca đi cùng năm tháng của nhạc sỹ ta có thể hiểu được khá nhiều điều về con người ấy.

    Những câu chuyện về TCS với những người bạn, với những bản nhạc, với những mối tình luôn khiến em xúc động mỗi khi đọc được. Có lẽ cũng vì thế mà có một số người thường hay núp dưới bóng dáng của nhạc sĩ để đặt điều, nói những chuyện tào lao và đôi khi xúc phạm đến linh hồn người đã khuất. Thật đáng buồn biết bao.

    Giống như việc sau khi nhạc sĩ từ trần có cô gái tự nhận mình là Diễm cuối của Trịnh rồi lan man tô vẽ đủ thứ về chuyện tình của hai người với kiểu tôn thờ cực đoan. Sau đó thì... càng ngày càng tỏ ra là người đàn bà lăng loàn, chợ búa... Khiến cho em đôi khi cứ tự nhủ, không lẽ một người như nhạc sĩ mà lại yêu một cô gái như vậy ư? Một cô gái tự cho mình là thiên thần nhưng cách đối nhân xử thế chẳng khác nào phù thủy nanh ác.

    Rồi em lại nhớ đến giai thoại bạn bè nhạc sĩ kể về cô gái tên Nguyệt. Rằng có một thời gian TCS say đắm một cô gái tên Nguyệt, hai bên có gặp gỡ trò chuyện cùng nhau. Một lần, cô gái đó khen một anh chàng là đẹp trai vì có vẻ đẹp rất Tây. Thế là TCS lắc đầu ngán ngẩm, thì ra cô gái này cũng chỉ tầm thường vậy thôi. Để rồi tác phẩm Nguyệt Ca ra đời có câu: “Rồi từ đó trăng thôi là Nguyệt”. Tuyệt nhiên từ đó về sau TCS không còn nhắc tới cô gái này nữa.

    Vậy đấy, em đã và vẫn sẽ hiểu về TCS với những suy nghĩ tích cực, với sự ngưỡng mộ về người nhạc sĩ tài hoa cũng như nhân cách sống của con người này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Yên Vũ đã có nhận xét thấu đáo và rất hay

      Xóa
  8. Có vẻ như là truyền thống gia đình bác Bu nhỉ . Chú và bác cùng điểm chung là theo chuyên môn về khoa học nhưng lại có tâm hồn nghệ sỹ cho nên đã cảm nhận nhạc TCS rất hay .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Số là các cụ kị nhà bu thích đọc sách và mua nhiều sách, con cháu sau này học theo...

      Xóa
  9. Bác Bu thật là có duyên với giới văn nghệ sĩ. Từng kê dép ngồi tán chuyện riêng với Trịnh Công Sơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai người cùng ở phường Vĩnh Ninh (Huế) nên họp phường thì gặp nhau thôi mà.

      Xóa
  10. Hiểu được ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một điều rất khó. BOBI tôi thỉnh thoảng mở nhạc Trịnh ra nghe, dù rất thích nhưng để hiểu hết và hiểu ngay được những gì sâu lắng, triết lý nhân văn sâu xa trong từng nét nhạc, trong từng ca từ của nhạc sĩ TCS không phải là dễ dàng. Bài viết của bạn Quốc Túy rất hay. Q.Túy đã cảm và luận rất sâu sắc một khía cạnh tình cảm rất nhân văn của TCS. Cảm ơn bác Bu đã post bài này lên blog. Đôi lúc BOBI tôi nghĩ luẩn quẩn: Cũng may mà TCS sống ở Miến Nam trong thời gian đó, chứ sống ngoài Bắc XHCN chắc cũng sẽ thui chột một thiên tài như Văn Cao vậy.

    Trả lờiXóa
  11. Luẩn quẩn là bác nói cho vui chớ liên hệ của bác hay lắm.
    năm 1958 Văn Cao phải đi học tập cải tạo vì tham gia nhân văn giai phẩm. Ông không viết gì nữa, phải đi vẽ thuê kiếm sống. Ông vẽ trang trí sân khấu cho đến cái nhãn hộp diêm, cái nhãn vở học trò.... Xuân Diệu hằn học: Dối trá đã trở thành xương tủy của Văn Cao, trong khi đó học giả Đặng Thái Mai lại bảo Văn cao là viên ngọc trên tấm khảm văn hóa Việt Nam
    Như vậy là Văn Cao thi chột trước, Trịnh Công Sơn thiu chột sau khoảng 17 năm. Ca từ "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" không được lòng các nhà chính trị Công sản.... Những nhạc phẩm nổi tiếng của TCS ra đời trước 1975, sau 75 TCS không viết gì mấy nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, đúng là ông nhạc sĩ TCS cũng còn có cái may là sống ở miền Nam trước năm 1975, tuy thời ấy những bản nhạc thân phận và phản chiến của ông cũng bị chính quyền cấm. Nên cả thế giới còn biết đến.

      Hữu Loan chỉ có một Màu tím hoa sim, Nguyễn Văn Tý có một Dư âm..., mà cũng bị kiểm kiểm lên xuống...

      "Thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa bây giờ viết báo... lá cải Tuổi trẻ và Đời sống...

      Sau 1975 âm nhạc của TCS nghiêng về Thiền, chắc bởi đề tài chiến tranh đã hết, ông ấy đã già..., nhưng có lẽ cái quan trọng là viết thế cho nó lành, không "chạm" đến cái gì...

      Xóa
    2. Mới hay nghệ sĩ thực sự là nghệ sĩ không dung hợp với bất kì thể chế chính trị nào. Các thể chế có khuôn phép mà sự sáng tạo là ngẫu hứng là cảm xúc cá nhân không chịu sự sắp đặt nào cả. Trịnh Công Sơn miền Nam ngán miền bắc gầm ghè cảnh giác....Tài năng thời nào cũng
      dễ đi vào bi kịch,

      Xóa
  12. Có lẽ vì cảm thấu được cõi người ở một tầng sâu nên nhạc sĩ mới tâm hồn rộng mở được như thế, và tình sâu thì tài cao..
    CT hay hát nhạc Trịnh nhưng hát rất dở.
    Còn hiểu thì... CT đã từng hát Nhớ mùa thu Hà Nội và Em là bông hồng nhỏ 100 lần rồi mới ngỡ ngàng biết đấy là Trịnh...
    Nhà bác Bu toàn người nổi tiếng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết hát và hát dở còn hơn là không biết gì CT à

      Xóa
    2. hihihi im lặng là vàng phải không Cầu Tre ơi ???

      Xóa
    3. CT chỉ nghe theo lời các cụ dạy tựa cột mà nghe thôi mà bác Bu.
      Nói điều này nếu phạm thượng thì anh, em bác Bu xá lỗi cho CT nhé !?
      CT thấy em bác Bu không giống bác Bu, nhưng có một người ở Quảng Bình CT thấy rất giống bác Bu...:)

      Xóa
    4. Anh em không giống nhau lại đi giống người thiên hạ cũng là chuyện thường mà Cầu Tre.
      Cho bu gửi lời thăm cái người QB nào đó giống bu nhé

      Xóa
  13. Cám ơn bác Bu về một bài viết hay!
    Nhiều lần tôi vào trang của bác, đều nhận nhà mạng trả lời là chỉ dành cho khách được mời. Tôi ngạc nhiên vì trước vẫn ghé trang bác bình thường. Bây giờ lại vào được rồi.. Chúc mừng bác Túy, bác và con trai!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Vũ Nho ghé thăm
      Dạo đó bu tui trục trặc sức khỏe nên tạm đóng lại. Khách được mời là câu mặc định của máy chớ bu không viết ra như vậy bác ạ hihihi

      Xóa
  14. Mừng cho bác Bu có người em cảm được nhạc Trịnh, viết về Trịnh rất xuất sắc, ban giám khảo chấm bài này đạt giải là xứng đáng, nhất là khi mà độ tuổi thí sinh không cho phép họ cùng sống trong bối cảnh không thời gian khi TCS viết nên những bản nhạc rung động nhiều trái tim người nghe. Mặc khác, điều đáng trân trọng của tác giả bài viết là chỉ nói lên những rung động chân thành của mình, không đá động gì đến một vấn đề nhạy cảm mà nhiều người viết về TCS thường vấp (vì cũng đã có tác giả cho rằng TCS là nhạc sĩ "sống giữa hai làn đạn").

    Trả lờiXóa
  15. Nói được sự rung động của mình một cách trung thành về nhạc Trịnh là bám sát yêu cầu nhạc Trịnh trong tôi, thêm thắt những gì nữa là lạc đề rồi....

    Trả lờiXóa
  16. Nhà Mụ lém cũng thích nhạc Trịnh lắm bác Bu.Cảm ơn bác ghé nhà.Chúc hai bác thật nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa
  17. Đúng là nhận xét rất chân xác về Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ của sự yêu thương, yêu thương con người và trời đất quê hương. Ông khiêm nhường, miệt mài cất lên tiếng hát càu mong sự yên bình, yêu thương đến với đất nước ly loạn và tràn đầy thù hận của mình.
    Gia tộc Bulukhin thật tài hoa. Chúc mừng ba vi Nguyễn Quốc liên quan đến bài và ảnh này ...

    Trả lờiXóa