Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

LỜI ĐIẾU ĐỌC TRONG LỄ TANG NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN








Thưa...
Tôi được tang quyến tin cậy uỷ thác cho trọng trách đọc lời điếu trong lễ tang này.

Hôm nay, chúng ta tiễn đưa một con người mà sự ra đi không chỉ là một mất mát không gì bù đắp nổi đối với gia đình, người thân và bạn bè, mà còn để lại một trống vắng mênh mông trong địa lý văn học nước nhà. Người mà chúng ta vĩnh biệt hôm nay là công dân Bùi Ngọc Tấn, một người con đáng tự hào của Hải Phòng, hội viên danh dự hội Văn Bút quốc tế, từng đoạt 2 giải Văn chương quốc tế có uy tín. Với tư cách là con người, Bùi Ngọc Tấn đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho cách mạng, mặt khác, cay nghiệt thay, đã trải mọi trầm luân của kiếp nhân sinh, đã uống đến tận cặn ly đắng cuộc đời, đã kiên cường vác cây thập giá của mình chứ không kéo lê nó. Với tư cách là kẻ sĩ, Bùi Ngọc Tấn đã dùng ngòi bút thiên tài, trung thực và từ tâm của mình đóng góp vào văn học nước nhà những tác phẩm để đời, những trang viết làm lay động hàng triệu trái tim độc giả, xứng đáng được xếp vào hàng những tác giả lớn mà cả một thế kỷ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

  Vâng, Hải Phòng có người con như thế đó.

Hải Phòng từ nay vắng đi một trong những niềm tự hào của mình, mặc dầu nhiều người chưa hiểu điều đó. Lịch sử công minh, sớm muộn, sẽ đặt những nhân cách lớn trở về đúng vị trí và anh linh Bùi Ngọc Tấn sẽ mãi rạng ngời cùng trời xanh biển đẹp Hải Phòng. Bởi trong lòng những người yêu văn học, yêu những giá trị đích thực truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, cái tên Bùi Ngọc Tấn đã trở thành bất tử.

Hôm nay, đi sau linh cữu Bùi Ngọc Tấn, tôi tin rằng cùng với chúng ta bằng xương bằng thịt, còn có cả một dòng sông vô hình hàng triệu độc giả trong và ngoài nước tiễn biệt nhà văn yêu thương. Và rồi đây, ở nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà văn, những ngày tới, những tháng tới, những năm tới, sẽ còn những người từ xa tới đặt hoa tưởng niệm, như khách bốn phương khi đến Paris vẫn thường tìm đến nghĩa trang Père-Lachaise đặt một bông hồng lên mộ Hugo, Balzac hay Flaubert...

Dương Tường



22 nhận xét:

  1. Rất hay ! Bi kịch là ở nước ta ,khi người ta mất mới được tôn vinh .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi còn sống to béo bao nhiêu cũng là nghé, khi chết rồi mới được gọi là trâu

      Xóa
  2. Cái "thánh giá đời" của nhà văn trong xã hội ngày nay quá nặng!

    Trả lờiXóa
  3. Cháu thăm chú Bu! Lời điếu nhà văn Bùi Ngọc Tấn chú viết hả chú?

    Trả lờiXóa
  4. Vâng. Cứ chết đi rồi mới trở thành bất tử :(

    Trả lờiXóa
  5. Tui hỏng muốn bất tử nên hỏng thành nhà zăn là zị đó các bác ui! Bởi phải vác thập tự giá thì tội cho cái vóc dáng liễu yếu của tui lắm. Thui thì để tui thành nhà giáo muôn đời cho rùì, miễn có chữ "nhà" là được! hic...

    Trả lờiXóa
  6. Nhà giáo cho ra nhà giáo cũng bất tử chơ sao

    Trả lờiXóa
  7. Nói ra anh Bu đừng cười em nhé vì quả thật em hỏng biết nhà văn này ...nhưng giờ thì em biết rồi đó ! Em chỉ mong sao thế hệ bây giờ và cả sau này khi nói đến nhà văn BÙI NGỌC TẤN ai ai cũng đều biết đến và mãi nhớ đến ông ....chứ đừng giống như em , thật là xấu hổ ..híc ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nang Tuyet ơi Ở VN đây thôi nhiều người không biết ông huống chi bạn ở bên Tây. Với Bu thì ông Tấn và ông Nguyên Ngọc là hai nhà văn cỡ U80 thần tượng, rất thần tượng nữa là khác. Bùi Ngọc Tấn có hai quyển sách được dịch ra tiếng Pháp: Biển và chim bói cá, ,cuộc sống của con chó. Quyển Chuyện kể năm 2000 được dịch và in nhiều lần ở Mỹ, Đức, và nhiều nước khác ở châu Au, Búi Ngọc Tấn là hội viên danh dự Hội văn bút quốc tế, Hội viên danh dự hộ văn bút Ca na đa
      Nang Tuyet nên tìm đọc Chuyện kể năm 2000

      Xóa
    2. Ah ! nghe anh nói tác phẩm : " Biển và chim bói cá " làm em nhớ ra rồi ! Em có đọc tác phẩm này rồi , nhưng lâu lắm hình như lúc em còn trẻ đó ...cái đầu mù mờ vậy chứ cũng còn nhớ chút ít đó anh Bu ơi !

      Cảm ơn anh Bu nhiều nhé ! Em sẽ tìm đọc quyển sách mà anh đã giới thiệu trên mạng ở bên em xem sao ? Em nghĩ tìm sách tiếng Việt ở bên đây chắc là gay lắm . Thôi cứ thử xem nào ! Nếu tìm hỏng được thì đợi năm sau em về VN , em sẽ tìm mua ..hihi ..

      Xóa
    3. Quyển quan trọng nhất của ông Tấn là CHUYỆN KỂ NĂM 2000. NXB Thanh Niên ấn hành năm 2000, in xong người ta đem nghiền thành bột không cho xuất bản. Tuy nhiên sách vẫn được phô tô đến hàng vạn quyển, bên Pháp bên Mỹ bên Đức... in đi in lại nhiều lần.
      Bạn nhờ người nào đó mua trước ở VN vì sách chỉ bán chui mà thôi.

      Xóa
  8. Con qua "thăm nhà" bác Bu nhiều mà hôm nay mới có dịp để CÒM. Hihi. Đọc cái này mà con lại nhớ nhà văn Vũ Bằng. Tuy là một tên tuổi lớn, có công với nền văn học, cách mạng, nền báo chí vậy mà chết sau bao nhiêu năm vẫn không được "minh oan" cái tiếng theo Tây. Số lượng tác phẩm của ông nhiều và đủ các thể loại. Vậy mà giờ vẫn còn "mang tiếng".
    Nền giáo dục khi soạn sách giáo khoa môn Ngữ Văn chẳng hề có một chút gì của ông cả. Ông viết về quê hương, đất nước đâu phải ít đâu.
    Con nói vậy không biết có chuẩn không nữa? Mong bác Bu chỉ giáo. :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được biết ông Vũ Bằng do Việt cộng cài vào Nam làm điệp viên nhưng sau khi đất nước thống nhất thì hình như họ quên mất vai trò của ông, hoặc có một lý do nào đó mà các nhà tuyên huấn không muốn nhắc đến nhiều. Bu tui là người ngưỡng mộ Vũ Bằng bởi kiệt tác Thương nhớ mười hai và Bốn mươi năm nói láo.

      Xóa
    2. Con cũng nghiêng về giả thuyết thứ 2 của bác Bu. Chắc họ "quên" ổng. Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội là 2 cuốn sách con yêu thích. Luôn để một nơi dễ thấy để thi thoảng coi lại. Bốn mươi năm nói láo thì con mới đọc được mấy chương. Hihi

      Xóa
  9. Mình định bình, nhưng đã có người bình hợp ý rồi: "Nói ra anh Bu đừng cười em nhé vì quả thật em hỏng biết nhà văn này ...nhưng giờ thì em biết rồi đó ! Em chỉ mong sao thế hệ bây giờ và cả sau này khi nói đến nhà văn BÙI NGỌC TẤN ai ai cũng đều biết đến và mãi nhớ đến ông ....chứ đừng giống như em , thật là xấu hổ ..híc ...", hihi...
    P/S: À, mình có viết một bài.... phê bình văn học' (cười), bạn qua góp ý giùm mình nhé. Thanks.
    http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/12/624-hoi-ky-toi-dam-viet-ve-e-tai-van.html

    Trả lờiXóa
  10. "Chuyển kể năm 2000"
    Link sách: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1nmntn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cam ơn Jo Tran.
      Tưởng nhớ nhà văn Bùi Ngọc Tấn bu tui đang đọc lại bằng sách in từ năm 1994

      Xóa
  11. Thực lòng, em cũng như chị Tuyết, em cũng không biết nhà văn này. Do em gần như không có đọc sách, nên em không biết ai cả.
    Nhưng đọc bài điếu, tự dưng em lại nhớ bài viết ớt chỉ thiên bên face của chú Bu quá !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có Khi Nào ơi
      Bùi Ngọc Tấn và Nguyên Ngọc là hai nhà văn mà bu tui vô cùng ngưỡng mộ. Ông Nguyên Ngọc đang sống và có về Hải Phòng dự Lễ tang ông Bùi Ngọc Tấn. Còn người viết và đọc điếu văn là một nhà thơ, một dịch giả, một nhà văn hóa kì tài của nước Nam này.
      Có Khi Nào nên vào Google tìm đọc Chuyện Kể năm 2000 của cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn

      Xóa