Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

TÌM LỜI PHẬT THUYẾT Ở ĐÂU

Bu ở vườn Phật Viêng Chăn (Lào)

Bu ở Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu


Kinh Nikaya ghi lời Phật thuyết



Anh bạn bu trên Sài Gòn gọi về bảo “Ông à tôi thấy kinh Phật nào cũng mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy”, ý nói ông  A nan đã  từng nghe phật thuyết và sau đó ông nói lại cho chúng sinh nghe. Như vậy kinh Đại thừa, kinh Tiểu thừa đều do Phật thuyết hết hay sao. Tui nghi ngờ quá…"

                       ********

Trả lời ông, nói vài câu qua điện thoại là không xong, phải viết thành bài cực vắn tắt nhưng có đầu có đuôi rồi meo cho ông đọc.  Tui lại đưa lên blog để bạn  bè cùng các bậc thức giả chỉ giáo thêm.

I- Vài nét về Phật Thích Ca
Đức Phật có tên là Tất Đạt Đa, họ Cồ Đàm, đản sinh vào năm 563 (1) ở  Lâm Tỳ Ni, bắc Ấn trước Tây lịch. Thân phụ ngài là vua Tịnh Phạn cai trị vương quốc của bộ tộc Thích Ca (trong xứ Nê Pan ngày nay) Mẹ ngài là hoàng hậu  Ma Gia. Theo tục lệ tảo hôn thời ấy, năm 16 tuổi ngài cưới công chúa Gia Du Đà La.  Vị thái tử trẻ sống trong nhung lụa nhưng lòng dạ vẫn để nơi chúng sinh còn đang đau khổ. Năm 29 tuổi sau khi sinh con trai là La Hầu La ngài từ bỏ cung điện  trở thành một người khổ hạnh lên đường tìm đạo giải thoát. Trong 6 năm, ngài lang thang khắp thung lũng sông Hằng nhưng vẫn không gặp được vị thầy nào đưa ra luận thuyết giải thoát mà ngài chấp nhận được. Cuối cùng , một buổi chiều ngồi dưới một gốc cây (từ đó cây có tên bồ đề nghĩa là trí tuệ) bên bờ sông Ni Liên (trong xứ Bihar ngày nay) ngài đã đạt giác ngộ được  dân chúng tôn xưng là đức Phật. Năm ấy ngài 35 tuổi.

II - Quá trình thuyết pháp và các hội nghị kết tập
Đức Phật thuyết pháp liên tục trong 45 năm cho mọi tầng lớp nhân dân, nam cũng như nữ, vua chúa cũng như thường dân. Ngài không công nhận những dị biệt về giai cấp hay tập đoàn xã hội.  Năm 80 tuổi (483 ttl) Phật nhập Niết Bàn ở Câu Thi Na (nay là xứ Uttar Pradesh).
    Trong ngần ấy năm du hóa khắp cõi Ấn Độ, thì 25 năm cuối, bên cạnh đức Phật thường xuyên có tôn giả A Nan. Ông là em con chú ruột của đức Phật, có ngoại hình khôi ngô tuấn tú. Ngài được đức Phật ngợi khen là người có học thức uyên thâm, có trí nhớ trung thực và bền lâu; tác phong cao quý và trí tuệ nhạy bén, ý chí kiên định và là người luôn chuyên chú, cần mẫn đối với công việc cũng như đời sống tu tập. Những lời đức Phật nói ra bất kì ở đâu và vào lúc nào đều được A Nan nhớ nằm lòng. Bởi vậy ba tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn Tôn giả Ca Diếp - người được đức Phật trao cho chiếc áo xem như một dấu hiệu quyền uy ngang bằng giáo chủ - đã tổ chức hội nghị kết tập lần thứ nhất gồm 500 tỷ kheo tại  thành Vương Xá. Tại hội nghị này đại đức Ưu Bà Ly được ngài Ca Diếp giao nhiệm vụ nói lại toàn bộ Luật tạng, và tôn giả A Nan nói lại toàn bộ  Kinh Tạng.  Thời bấy giờ những  điều gì cần nhớ trong sinh hoạt thường ngày được phép ghi chép, riêng Kinh, Luật, Luận trong Phật giáo  tuyệt đối không được ghi mà mọi người phải nhớ, và tuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hội nghị  kết tập thứ hai được tổ chức sau hội nghị thứ nhất khoảng một thế kỉ (383 ttl) tại Tỳ Xá Lị, và hội nghị kết tập thứ ba tại thành Hoa Thị (năm 253ttl) dưới sự bảo trợ của vua  A Dục. Hội nghị này nhằm thanh khiết Phật giáo  đang lâm nguy do sự xuất hiện nhiều hệ phái khác nhau với những luận điệu, giáo lý, và cách hành trì đối nghịch nhau. Sau hội nghị vua A Dục cử nhiều phái đoàn đi đến nhiều Nước khác nhau trên thế giới để truyền bá Phật giáo. Trong đó người con trai nhà vua là Ma Sấn Đà và người con gái là Tăng Già Mật Đa được cử sang truyền giáo tại Tích Lan (Srilanca ngày nay).  Khoảng gần 100 năm trước Tây lịch (sau khi Phật nhập Niết bàn khoảng 380 năm) sự truyền khẩu  Kinh, Luật, Luận giữa các thế hệ  đã có dấu hiệu chệch choạc.  Các Đại trưởng lão (Mahatheras) uyên bác quyết định triệu tập hội nghị khẩn ở Tích Lan để phân công người chép lại toàn bộ Tam tạng kinh trên lá bối (một giống cọ) và được rà soát kiểm tra lại hàng trăm lần.

III - Tên kinh Phật và văn tự ghi trên lá bối
Văn tự dùng để chép kinh lên lá bối là tiếng Pali (2) gọi là hệ kinh Nikaya gồm có 5  bộ sau đây:
1- Trường Bộ Kinh (I, II)            34  kinh
2- Trung Bộ Kinh                       152  kinh
3- Tương Ưng Bộ Kinh             7762 kinh
4- Tăng Chi Bộ kinh                 9557 kinh
5- Tiểu Bộ Kinh                        Gồm có 15 quyển sau:
(1)          Tiểu Bộ Tập
(2)          Pháp Cú Kinh
(3)          Phật Tự Thuyết
(4)          Như Thị Ngữ 
(5)          Kinh Tập
(6)          Thiên Cung Sự
(7)          Ngạ Quỷ Sự
(8)          Trưởng Lão Tăng Kệ 
(9)          Trưởng Lão Ni Kệ
(10)        Bổn Sanh (gồm 547 chuyện thiền thân đức Phật)
(11)    Nghĩa Thích 
(12)    Vô Ngại Giải Đạo
(13)    Thí Dụ
(14)    Phật Sử
(15)    Sở Hạnh Tạng
Kinh điển nguyên thủy cũng được ghi chép lại bằng tiếng Sanskrit (3) và truyền lên phương bắc, được dịc ra tiếng Tây Tạng và tiếng Hán qua nhiều thời kì khác nhau và từ nhiều bộ phái khác nhau. Các bộ kinh tiếng Hán gọi chung là  bộ kinh A Hàm gồm 4 bộ như sau:
1- Trường A Hàm (tương ứng vớiTrường Bộ Kinh)
2- Trung A Hàm  (tương ứng với Trung Bộ Kinh)
3- Tăng Nhất A Hàm (tương ứng với Tăng CFhi Bộ Kinh)
4- Tạp A Hàm (tương ứng với Tương Ưng Bộ Kinh)
Năm 1991 toàn bộ Kinh Nikaya và kinh A Hàm đã được Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (chùa Vạn Hạnh, Phú Nhuận Sài Gòn) dịch ra tiếng Việt

IV Kết luận
Như đã trình bày ở trên,  những kinh được gọi là do đức Phật thuyết giáo nhất thiết phải nằm trong hệ kinh Nikaya hoặc trong hệ kinh A Hàm. Những kinh còn lại dẫu có câu “Như vầy tôi nghe” (như thị ngã văn) thì cũng không phải là lời gốc Phật thuyết mà do các Tổ sau này viết ra, và cho rằng đấy là lời Phật được Phát triển thêm lên. Tiến sĩ Phật học - Hòa thượng Thích Nhật Từ có một pháp thoại  “Phật giáo Nguyên Chất và Phật giáo Pháp Môn” rất chí lý. Bạn thân mến nhớ rằng, tất cả các kinh phật có bán ở các nhà sách hiện nay chủ yếu là kinh của Phật giáo Pháp Môn, không phải là lời gốc Phật thuyết.

----------------------

(1)             Sách Đức Phật và Phật Pháp của Nàrada nói là năm 623 trước Tây lịch
(2)             Pali: Một thổ ngữ Ấn Độ xuất phát từ Phạn ngữ (Sanskrit) và được Thượng Tọa Bộ dùng để viết các bộ kinh của mình.
      (3)             Sanskrit: Ngôn ngữ được dùng để ghi lại những bài kinh Đại thừa Phật pháp, nói chung là ngôn ngữ được dùng trong các Thánh Kinh ở Ấn Độ

23 nhận xét:

  1. Yết Đế , Yết Đế , Ba La Yết Đế , Ba La Tăng Yết Đế , Bồ Đề Tát Bà Ha ......
    Nếu như Kinh , Luật , Luận trong Phật Giáo cấm không được ghi chép , chỉ được nhớ trong đầu hoặc truyền khẩu . Thì sau này sau mấy trăm năm mới được chép vào lá cọ , thì theo tôi sẽ không được như nguyên thuỷ gốc ban đầu
    Còn khi dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác cũng vậy , nó cũng không còn được như nguyên bản gốc . Đó là do hạn chế của dịch thuật , và ý nghĩa của câu chữ của từng nước và từng vùng miền có độ khác nhau . Còn khi đọc kinh Phật mỗi người cũng có những cảm nhận khác nhau vì vậy khó có thể đưa ra một quy định đồng nhất
    Theo tôi thì trong tâm mình có Phật thì sẽ có Phật

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khoảng 380 năm sau khi đức Phật tịch diệt người ta mới chép kinh vào lá bối , hiện kinh này đang được lưu trử ở srilanca. Không thể đảm bảo số kinh này phản ánh trung thực lời Phật thuyết được. Nó chỉ đúng về đại thể mà thôi. Vào thể kí thứ 3 sau TL xuất hiện Phật giáo Đại thừa, nay gọi là Phật giáo Phát triển thì kinh sách của phái này còn xa lời gốc Phật thuyết.

      Xóa
  2. Cả đời Hòn Sỏi chưa đọc một cuốn sách nào nói về Phật giáo. Nói chung các sách viết chuyên vè lý luận tôn giáo. Gần đây anh BU dành nhiều thì giờ để tĩnh tâm, cũng là viết về đời sống trong lĩnh vực tín ngưỡng. Sỏi chỉ biết đọc, cứ đọc, Cũng ngộ ra được ít nhiều! Cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm, nghĩ, nói, những điều lươmg thiện là có Phật trong tâm mình rồi. Phật tại tâm mà

      Xóa
  3. Đây là một vấn đề đã được nhiều nhà tôn giáo và nghiên cứu Phật giáo đề cập đến. Tôi cũng đã được xem qua vài bài ở trên những trang mạng Phật giáo.

    Đúng như bác Bu đã viết trong entry, thời Phật tại thế đi thuyết giảng 45 (hoặc 49) năm thì chưa có ai ghi chép trực tiếp lời thuyết của Phật, hoàn toàn theo truyền khẩu. Chỉ mấy trăm năm sau (như bác Bu đã ghi là "Khoảng gần 100 năm trước Tây lịch (sau khi Phật nhập Niết bàn khoảng 380 năm) sự truyền khẩu Kinh, Luật, Luận giữa các thế hệ đã có dấu hiệu chệch choạc. Các Đại trưởng lão (Mahatheras) uyên bác quyết định triệu tập hội nghị khẩn ở Tích Lan để phân công người chép lại toàn bộ Tam tạng kinh trên lá bối (một giống cọ) và được rà soát kiểm tra lại hàng trăm lần".
    Cụ thể là hệ kinh Nikaya gồm có 5 bộ được chép trên lá bối bằng tiếng Pali (như bác Bu đã viết trong entry).
    Ngoài phần chép bằng tiếng Pali (nôm na cũng là một thứ tiếng Phạn phát triển từ Sankrit nhưng phổ biến ở lớp bình dân Ấn Độ thời đó), thì kinh sách nguyên thủy này cũng được ghi chép bằng tiếng Sankrit (tiếng Sankrit dùng phổ biến trong tầng lớp quý tộc), như bác Bu cũng đã ghi.
    Phần kinh sách được ghi chép bằng tiếng Pali sau này phổ biến về miền Nam (Nam truyển), tại các nước Tích Lan. Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào... Phổ biến trong Phật giáo Nguyên thủy Còn kinh sách ghi chép bằng tiếng Sankrit phổ biến lan truyền về phương Bắc (Bắc truyền) đến Tây Tạng, trung Hoa, Nhật bản, Cao Ly... được dịch sang chữ Hán, phổ biến trong Phật giáo Đại thừa. Ở VN bộ kinh này như bác Bu cho biết đã được dịch ra bộ kinh A Hàm gồm 4 bộ.

    Kết luận của bác Bu trong entry "Như đã trình bày ở trên, những kinh được gọi là do đức Phật thuyết giáo nhất thiết phải nằm trong hệ kinh Nikaya hoặc trong hệ kinh A Hàm. Những kinh còn lại dẫu có câu “Như vầy tôi nghe” (như thị ngã văn) thì cũng không phải là lời gốc Phật thuyết mà do các Tổ sau này viết ra, và cho rằng đấy là lời Phật được Phát triển thêm lên" là có cơ sở.

    Dù sao trên những tài liệu lưu truyền thì các bộ kinh bằng tiếng Pali và tiếng Sankrit nêu trên là "gần với lời Phật dạy" nhất, đấy là theo lý thuyết, tuy phải mất đến mấy trăm năm sau Phật nhập diệt những bộ kinh này mới được ghi chép lại qua truyền khẩu.

    Còn chuyện như bác Salam nhận xét: "sau này sau mấy trăm năm mới được chép vào lá cọ , thì theo tôi sẽ không được như nguyên thuỷ gốc ban đầu", hoặc "khi dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác cũng vậy , nó cũng không còn được như nguyên bản gốc", là do những hạn chế bất khả của thời gian và hạn chế của ngôn ngữ (mấy trăm năm sau mới ghi chép lại, và sau này mới dịch sang tiến Tây Tạng, tiếng Hán, chắc chắn sẽ sai lệch nhiều, người đời sau sẽ dễ dàng thêm thắt ý tưởng của mình vào những điều được cho là lời của Phật), cũng như người ta cho rằng những bộ kinh Pháp môn của Phật giáo phát triển về sau không giữ được nguyên gốc lời Phật dạy.

    Nói chung sự việc không dễ dàng phân định, ngay cả trong giới tôn giáo và học giả. Cũng còn... tùy nơi cách hiểu và thậm chí... niềm tin tôn giáo của mỗi người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TÌM LỜI PHẬT THUYẾT Ở ĐÂU bu tui đã đưa lên Facebook khá lâu rồi. Một ông bạn đi bộ buổi sáng gặp bu bảo, ông nói thiệt tui nghe, ông có tuyệt đối tin những lời Phật thuyết trong Nikaya và A Hàm là do Phật thuyết ra không. Bu đã bỏ đi bộ, ngồi ghế đá đàm đạo với ông này và sẽ đưa lên blogspot một ngày gần đây. Rất mong PNH sang đọc và có lời nhận xét

      Xóa
    2. Thật ra nếu cứ loanh quanh đi tìm "lời Phật thuyết hay không phải lời Phật thuyết", thì cũng như người "mó trăng đáy nước", mãi chạy theo cái bóng. Trong cuộc sống này có rất nhiều lời vàng ngọc (được cho là) của Phật, của Chúa, hay của những vĩ nhân xưa nay. Nếu con người chỉ theo được một phần trăm những lời vàng ngọc này thôi, thế giới đã hòa bình. Có câu chuyện một người đến gặp Sư hỏi: "Tôi sắp đi buôn, xin cho biết ngày nào là ngày tốt?". Sư hỏi lại: "Thế theo ông ngày nào là không tốt?", người kia không biết trả lời sao. Sư nói: "Ngày nào cũng tốt hết, vì ngày nào cũng là ngày của Phật".
      Hãy là người sống biết suy xét, hì hì!

      Xóa
  4. Giữa thời gian mông muội của loài người , chém giết , tàn sát nhau , tranh cưới miếng ăn của nhau . Giữa thế giới hỗn mang đó , con người hoang mang , không có phương hướng , cần phải bấu víu vào một cói gì đó ( Giống người chết đuối ) cần phải tin vào một điều gì đó . Các dòng đạo trên thế giới ra đời , cũng để đáp ứng nhu cầu đó . Tôi tin các dòng đạo đều muốn hướng con người tới CHÂN , THIỆN , MỸ , đạo Thiên Chúa hướng tới BÁC ÁI , Đạo Hồi hướng tới NHÂN NGHĨA còn dạo phật hướng tới TỪ BI . Riêng ở Phương Đông đạo Phật bao trùm gần hết , triết lý của đạo Phật xuyên xuốt là luật Nhân Quả , luật Luân Hồi để răn dạy con người .
    Ngoài những nhận định như comment ở trên điều Salam muốn nới thêm là : Qua thời gian các Vương triều cầm quyền , muốn biến THẦN QUYỀN cho mưu đồ riêng của mình nên tìm cách biến tấu , làm biến dạng đi bản chất và nội dung ban đầu của nó . Mỗi thời một ít mà làm sai lệch ít nhiều cho tới tận bây giờ
    Còn về vấn đề dịch thuật chẳng nói đâu xa ngay thời hiện đại , ngôn ngữ hiện đại là Tiếng Anh mà ngừi dịch kiểu này , người dịch kiểu khác . Tôi thỉnh thoảng hay đọc những câu chuyện song ngữ vẫn phát hiện ra độ CHÊNH của bản gốc và bản dịch . Ở đây lại là ngôn ngữ CỔ thì độ khó của nó gấp hàng trăm lần , mà lại dịch thông qua nhiều thứ tiếng thì khó có thể giữ được nguyên thuỷ của nó
    Như những cuốn kinh mà bác Bu trích dẫn bảo là chinh phái , nào là chính tông theo tôi chưa hoàn toàn đúng bởi vì : Chân lý chưa bao giờ là tuyệt đối , chân lý có thể đúng trong không gian và thời gian này , nhưng có thể sai trong không gian và thời gian khác . Có thể ở quốc gia nay thì đuungs , nhưng sang quốc gia khác thì lai sai ví dụ : ở Việt Nam thì ( Mặt trời chân lý chói qua tim ) thì đúng , nhưng ở những nước phát triển thì họ cho không đúng , thậm chí họ vứt vào sọt rác từ lâu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Mục đích rốt ráo của đạo Phật là giải thoát khổ đau, không còn sinh lão bệnh tử, không còn luân hồi. Người thành tựu giải thoát này là ông Thích Ca, Hòa thương Thích Thanh Từ cho đó là giải thoát tuyệt đối, ngoài ra ông còn đưa ra thuyết giải thoát tương đối để khuyến cáo chúng sinh tuân theo. Giải thoát tương đối là chấp nhận sinh lão bệnh tử chấp nhận luân hổi. Từ kiếp người được đầu thai làm lại kiếp người tốt đẹp hơn, lương thiện hơn. Bu tui bỏ ta 15 năm đọc đạo Phật vì tò mò, vì muốn biết nó là gì chứ không định quy y tam bảo. Vào chùa, vợ lạy lục cúc bái còn bu tui đi vòng quanh chùa chụp ảnh chơi. Dạo này tốc độ đọc chậm như rùa bò vì vớ phải thuyết TRUNG QUÁN LUẬN của ngài Long Thọ khó quá huhuhu
      2- Bây giờ luận chân lý là gì là chuyện cực khó, chân lý tương đối thì còn cho được, còn chân lý tuyệt đối là sao ? Đạo Phật, đặc biệt là môn phái Phật giáo Phát triển đi vào giải thích cái tuyệt đối. Bu tui do dốt nát quá nên chưa tiếp thu được, chỉ trích một câu của bác học Einstein nói về đạo Phật: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".
      3- Nếu bàn đến Phật giáo và khoa học thì dài quá , nó vượt ra ngoài nội dung trả lời còm của bạn. Chỉ nói một chi tiết nhỏ cho vui. Phật giáo bảo "một trong tất cả, tất cả trong một" giải thích bằng lí thuyết nghe dài dòng, Thế nhưng khoa học đã phát minh ra phương pháp chụp ảnh toàn khối. Một tượng Phật (ví dụ ) đã chụp lên phim, bây giờ cắt đôi tấm phim ra nhìn vào một mãnh thôi vẫn thấy hình tượng đày đủ ...Thậm chí cắt nhỏ tấm phim ra nhìn vào các mảnh bé xíu ấy vẫn thấy tượng phật đầy đủ. Đương nhiên máy chụp và máy nhìn khác với những gì ta biết về máy ảnh thông thường.
      3- Nhất trí với bạn dich là phản, kinh phật cũng không ngoại lệ. Từ dukkha của tiếng Pali được các nhà Phật học Việt Nam dịch là khổ. nhà sư - giáo sư Phật học RAHULA bảo dich thế là sai. Nên để dukkha chớ đừng dịch là khổ, vì khi Phật nói dukkha thì trong đó có niềm vui trần thế hihi

      Xóa
  5. Cháu sang thăm chú, được đọc và hiểu thêm một chút về đạo phật. Cháu cảm ơn chú và những người bạn.

    Nhân đây chú cho cháu hỏi một điều lâu nay cháu vẫn thắc mắc, như sau: Ở miền Bắc hay có tập tục sau ba năm chôn người chết thì sẽ có một ngày để bốc mộ (cải cát) để cho người chết được sạch sẽ. Vậy tập tục này có nguồn gốc từ đâu? Đạo phật có nói gì về vấn đề này không ạ?

    Cháu chỉ nghe nói về mặt tâm linh thì người chết sau 3 năm được rửa xương cốt cho sạch sẽ, người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nghĩa là nếu như không được làm như vậy có thể họ sẽ oán hận người sống không quan tâm đến họ. Còn theo khoa học thì đương nhiên rằng tập tục này rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Vì rằng nhiều khi người chết còn chưa tiêu hủy hết thịt, người ta phải dùng dao để lóc thịt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Ba năm cải táng là phong tục cả bắc trung nam.
      Khởi thủy phong tục ấy từ thời nước ta bị Tàu nô dịch. Người Tàu có mặt khắp nước ta từ doanh nhân, quân đội, viên chức của chính quyền cai trị…Khi chết, bọn này chỉ chôn cho hết ngày đoạn tang là 3 năm, nếu đất xấu thịt chưa hoai hết thì họ để lâu hơn, sau đó cải táng. Cho xương cốt vào tiểu sành đưa về chôn lần cuối ở cố quốc. Người Việt ta làm theo người tàu thành ta phong tục cả nước cho đến tận ngày nay.
      2- Chú đọc các giáo trình Phật giáo cùng các kinh Phật từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa không thấý nói tới vụ cải táng này. Chú ở Huế là xứ đạo Phật suốt 13 năm. Các nhà sư viên tịch thì khâm liệm kỹ và cho vào tháp xây bít lại, thời đó Huế chưa có lò Hoàn vũ
      3- Riêng Phật giáo Mật tông ở Tây Tạng có nhiều cách mai táng lạ lùng và rùng rợn. Xứ họ toàn đá và thiếu gỗ, họ lại quan niệm linh hồn đi đầu thai rồi thì thân xác không còn quan trọng gì nữa. Chức sắc Phật giáo được mai táng rất trang trọng ná ná như ở ta. Đám thường dân chết thì đưa ra bãi trống, cố định cái đầu lại (tôn trọng chỗ linh hồn thoát ra) dùng dao cực sắc xẻ thịt ném cho chim kền kền ăn. Xương đập vụn trộn bột lúa mạch làm thành viên cho quạ ăn, thân xác được vào bụng chim bây lên trời là vinh dự lắm. Các làm đó gọi là điểu táng, còn thủy táng, và vách táng, nữa…
      4- Phật giáo Mật tông Tây Tạng bị các học giả Phật giáo Hòa Hảo khiển trách vì đi ngược giáo lý đức Phật, cho rằng người ta có linh hồn vĩnh cữu, trong khi Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa không công nhận điều đó
      5- Có mấy lí do mà người ta cải táng
      - Nhà nghèo, người thân mất chỉ đủ tiền mua áo quan gỗ xấu, phải cải táng kẻo gõ sập vở xương cốt
      - Chỗ đất mai táng có mối kiến hay nước ngập
      - Các nhà địa lý thấy vô cớ mà sụt đất, rể cây xuyên vào quan tài, trong gia đình có nhiều rủi ro sự cố
      - Những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát đại mà cải táng.
      6- Rõ ràng cải táng là một hủ tục làm mất vệ sinh cho những người hành sự, ảnh hưởng xấu cho cả môi trường…



      Xóa
    2. Cháu cảm ơn chú đã trả lời câu hỏi của cháu. Nghe chú kể về cách mai táng của phái mật tông mà cháu khiếp quá. Giá như bây giờ tất cả đều hỏa táng thì có lẽ là tốt nhất phải không chú Bu?

      Xóa
    3. Hỏa táng xong đưa về nhà thờ họ, hoặc chôn xuống đất thì hay, còn đưa vào chùa bây gờ cũng lôi thôi lắm. Rằm, mùng một, lễ , tết, cúng giỗ…phải chi tiền cho nhà chùa. Chi bao nhiêu nhà chùa bảo tùy hảo tâm. Nhưng khi nhà chùa thấy chưa vừa ý thì bình tro của người thân mình bị họ cho vào một xó xỉnh nào đó. Không phải toàn bộ chùa Phật như vậy nhưng chùa trục lợi không phải ít.

      Xóa
  6. Đọc kỹ cả bài, cả những lời bình luận của các bạn bè, anh chị để hiểu thêm một chút kiến thức về tôn giáo. Riêng Giáo thì ko có niềm tin vào đạo giáo nào cả, nhưng vẫn tôn trọng vì xét ra đạo nào cũng dạy chúng sinh làm điều thiện, kể cả đạo Hồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui cũng không định trở thành môn đồ của đạo nào, nhưng có thiện cảm với đạo Phật hơn vì ông Phật không vổ ngực bảo ta làm ra thế giới trong 6 ngày, ta chế tác ra con người và mọi động vật, các con có tội thì đễn xin ta tha cho....Đạo Hồi cũng hay lắm nhưng lại xem phụ nữ như cỏ rác, mọi sự tàn sát đổ máu trên thế giới nhiều khi do đạo Hồi gây ra cả....

      Xóa
  7. Cám ơn bác Bu và mọi người đã cho tôi được mở rộng thêm con mắt hạt đậu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác đã sang đọc
      Ba chuyện này cổ xưa và khô khan quá bác nhỉ

      Xóa
  8. Hu hu hu... Biết là niềm yêu thích của chú Bu, nhưng đọc các bài này, em chỉ đọc và nghe các vị sư phụ đàm đạo thui, không biết gì để ý kiến luôn. Em cũng giống Chị Giáo, cũng không có đạo nào cả. Nhưng có lẽ có cảm tình với đạo Phật vì ...nhỏ lớn quen việc ngày 15, mùng 1 lên chùa rùi. Lên chùa đi lang thang k ai la em hết, thấy lòng thanh tịnh lạ.
    Chú Bu có rảnh viết kể chuyện ngày xưa chú làm bộ đội cho em nghe với. Em mê mấy câu chuyện đó chú Bu kể lắm lắm luôn á.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CKN ơi chú bu thích nói ba chuyện vô phạt vô thưởng với thời cuộc cho nó lành.
      Để hôm nào chú kể chuyện chú làm bộ đội thời xưa nhé, chuẩn bị mùi xoa lau nước mắt chưa

      Xóa
    2. Trong chuyện kể của chú Bu thể nào cũng có một cô xinh như mộng và có tấm lòng bồ tát. Kiểu gì cháu cũng mê tơi chú ơi. Híc híc... khi nào chú kể về mối tình của cô chú cho cháu và mọi người nghe đi. Hẳn là cũng thi vị không kém.

      Xóa
    3. Linh Lan à
      Đã có lần chú kể về ông bạn trai tên là Thái Nguyễn Bạch Liên trong bài "Hoàng Phố Giang Biên ức cố nhân" (đang còn trong trang này) nhà thơ Có Khi Nào đọc và khóc. Liên ra đi mang theo một phần chú và cả thành phố SG.
      Câu chuyện giữa chú và cô cũng lạ lắm, do chú trong mọi suy nghĩ không giống ai hihi

      Xóa
    4. Cháu có đọc câu chuyện này chú ơi. Cháu rất cảm động trước tình yêu của bạn chú và người xưa. Một cuộc tình đẹp và bi ai như trong tiểu thuyết vậy. Trách chi, thời thế lúc ấy có nhiều điều khắc nghiệt quá chú nhỉ?

      Cháu tò mò với điều lạ mà chú nói, cháu hy vọng được chú kể cho nghe câu chuyện giữa hai cô chú. Hihi...

      Xóa
    5. Đã lâu lắm chú kể chuyện này cho bạn Đặng Hồng Kỳ nghe và anh ta thay tên đổi họ đăng lên Multiply, nhiều người đọc thích lắm. Dẫu sao cũng chưa phải người trong cuộc tự kể về mình. Hiện nay Đặng Hồng Kỳ đang sôi nổi bên facebook. Để chú lấy lại cảm hứng xem sao đã Linh Lang nhé hihi

      Xóa