Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

ĐÔI LỜI VỚI THƯƠNG THƯƠNG



Bu với nhà sư Myanmar ở Ran Gun

Các sách bu tham khảo để viết bài này
Đức Phật lịch sử
Đức Phật và Phật pháp
Đức Phật đã dạy những gì

Hôm 3.5. 015 vừa rồi câu chuyện tu hành của Thái tử Tất Đạt Đa tại nhà Thương Thương tạm bỏ dở. Ngồi với người đẹp trong cái biệt thự tuyệt đẹp với vô vàn cây cảnh, hoa lá, suối nước…mà nói chuyện 2500 năm trước bên xứ Ấn Độ nghe nó cứ lạc lỏng thế nào.  Cho nên khi Thương Thương bảo “Thái tử Tất Đạt Đa sau khi xuất gia tu suốt 11 năm , trong đó 6 năm cuối ngài tu theo môn phái khổ hạnh, Thương Thương nói có sách đấy” thì bu tui chỉ im lặng cười trừ. Cãi lại người đẹp tội to bằng cãi lại Thượng Đế  cho dù Thượng  Đế cũng có lúc sai, hehe.
Nay bu tui dẫn ra 3 quyển sách của các học giả Phật học vô cùng có uy tín để ta tiếp tục câu chuyện dở dang hôm 3.5 nhé.
 1- Sách Đức Phật lịch sử (của HW.SCHUMANN, Trần Phương Lan dịch, Tỳ kheo Thích Minh Châu giới thiệu, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh - 2000)
-        Trang 123-124: “…Như vậy, trang nam nhi được nuông chìu này là Thái tử của quốc vương Sakiya lẽ ra sẽ cầm quyền trị nước với vương nghiệp trong tương lai, lại chấp nhận cuộc đời gian khổ của một du sĩ hành khất vào năm 29 tuổi, tức năm 534 trước cn”
-        Trang 144 … “Đêm ấy năm 528 trước cn, Thái tử  Siddhattha  35 tuổi,  con của quốc vương thành Kapilavatthu đã chứng quả Giác Ngộ (bodhi). Ngài đã trở thành đức Phật…”
Thương Thương thấy không, 29 tuổi xuất gia đi tu, 35 tuổi thành Phật thì Thái tử chỉ tu có 6 năm thôi.
2- Sách Đức Phật và Phật pháp (của NÀRADA, Phạm Kim Khánh dịch, NXB Tôn giáo 2007)
-        Trang 31:... “Đây không phải là sự từ bỏ của một cụ già đã trải qua hầu hết cuộc đời của mình, hay của người bần cùng nghèo đói không  còn gì để bỏ lại phái sau, nhưng là sự khước từ của một hoàng tử vinh quang giữa thời niên thiếu trong cảnh ấm no sung túc và thạnh vượng. Một sự thoát ly chưa từng có trong lịch sử.  Lúc ấy Thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) được 29 tuổi.
-        Trang 52:… “Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài 6 năm đằng  đẳng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng dẫn của một năng lực siêu  phàm nào, đơn độc một mình và chỉ nương nhờ nơi nổ lực của chính mình, Đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm)  lúc ấy 35 tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái  và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp đã trở thành một vị Phật (Buddha)” 
Sách này cũng khẳng định rằng  Thái tử xuất gia lúc 29 tuổi và thành Phật lúc 35 tuổi, tức chỉ tu 6 năm
 3- Sách Đức Phật đã dạy những gì (của WALPOLA RAHULA, Thích Nữ Trí Hải dịch, Hòa thượng Thích Minh Châu giới thiệu NXB Tôn Giáo)
-        Trang 11:… “Năm 29 tuổi, sau khi người con duy nhất La Hầu La ra đời, Ngài từ bỏ cung điện,  trở thành một người khổ hạnh lên đường tìm đạo giải thoát.
Trong 6 năm ngài lang thang khắp thung lũng sông Hằng (Ganges), gặp những vị thầy danh tiếng, học lý thuyết và thực hành theo phương pháp của họ, khép mình vào lối tu khổ hạnh khắt khe. Không thỏa mãn với những lý thuyết  và thực hành ấy , Ngài từ bỏ mọi giáo lý và phương pháp  truyền thống để đi theo con đường riêng. Cuối cùng, một buổi chiều ngồi dưới một cội cây (từ đấy cây này được gọi là cây Bồ đề, có nghĩa là trí tuệ)  bên bờ sông Ni Liên (Neranjarà) ở Buddha - Gaya (Bồ đề đạo tràng) Ngài đã đạt giác ngộ . Từ đấy Ngài được tôn vinh là đức Phật.
Hihi sách nói rõ chỉ 6 năm đã thành Phật
4- Thương Thương nhớ cho , ba tác giả bu tui dẫn ra trên dựa hoàn toàn vào hệ kinh Nikaya bằng tiếng Pali - ngôn ngữ đức Phật dùng để thuyết giáo - họ không dùng đến hệ kinh A Hàm viết bằng chữ Hán được dịch từ tiếng Sanskrit



28 nhận xét:

  1. Có thì giờ và cơ hội để nghiên cứu về tôn giáo là thanh thản, thanh tao lắm anh nhỉ. Sỏi nghĩ đến thì thích nhưng đọc thì thấy khó quá, hay là tính Sỏi nói năng văng mạng, hay nói tục lại thích thịt chó nên đọc nó khó vậy ta!
    Ôi giời ôi! Từ bỏ tật hư khó quá!
    Sang nhà anh đọc và ngộ ra nhiều điều. Cảm ơn anh ! Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sỏi à
      Mỗi người sinh ra trên đời tạo hóa mặc định cho một tính cách, tính cách bu hoàn toàn
      khác sỏi, không dám động đến một từ gọi là tục, không bia, rượu, thịt chó, thuốc lá, Nói chung ngại ăn thịt và cá to cắt thành lát, thích tép và cá cơm phơi khô. Rất muốn ăn chay nhưng không ai nấu cho đành chịu. Bu không theo một tín ngưỡng nào kể cả Phật giáo. Bu đọc Phật để biết nó là gì , để tâm phục khẩu phục lý thuyết đại thừa. Đến Anh stanh còn phục bò huống là bu tui. Thế nhưng tất cả như bu thì nhàm chán lắm mà phải có người như Sỏi, "nói năng văng mạng, hay nói tục lại thích thịt chó". Thực ra bạn nói sự thực với ngôn ngữ đời thường. Người không quen nghe sự thực trần trụi thì cho là văng mạng. Hehe... nói làn môi, suối tóc người đẹp thì được còn nhắc tới bộ phận tuyệt vời nhất nơi họ lại bị cấm kị vì... tục. Không có cái gọi là tục kia thì nhân loại này có tồn tại không. Bu tui tiếp xúc với nói văng mạng và tục bắt đầu từ Nguyễn Quang Lập, nhà văn đồng hương ở cách nhà bu 3 cây số. Bây giờ đâm ghiền cứ thấy sách Lập là mua . Nói thế để bạn Sỏi không cần phải thay đổi bản tính, hoàn toàn không cần....

      Xóa
  2. Hì hì, không rõ "người đẹp có cái tên khá hay Thương Thương và ngôi biệt thự tuyệt đẹp" (hình như bây giờ mới nghe bác Bu nói). Nhưng qua câu chuyện trên tôi có một vài suy nghĩ:

    1- Như bác Bu đã viết trong bài "Thương Thương bảo “Thái tử Tất Đạt Đa sau khi xuất gia tu suốt 11 năm , trong đó 6 năm cuối ngài tu theo môn phái khổ hạnh, Thương Thương nói có sách đấy” (sau đây sẽ viết tắt tên TT cho gọn). Trong lời có vẻ như là khẳng định của TT có 2 ý:

    a/ Sau khi xuất gia, Đức Phật tu hành 11 năm mới đạt Chánh quả chứ không phải là 6 năm như những sách rất nghiêm túc viết về Đức Phật bác Bu đã trích dẫn.
    b/ Như chúng ta cũng đã biết, trong 6 năm tu hành, thời gian đầu Đức Phật xuất gia Bà La Môn, tu theo khổ hạnh mỗi ngày chỉ ăn có 1 hạt mè, đến nỗi suy kiệt sờ ở da bụng có thể thấy được xương sống. Sau nhờ bát sữa của cô gái quê mà hồi phục, rồi Đức Phật bỏ lối khổ hạnh ép xác. Cô TT nói trong 11 năm tu hành, 6 năm cuối Đức Phật tu theo khổ hạnh, là ngược lại.

    Quan trọng là lời cô TT trò chuyện đã được cô xác nhận là: "Thương Thương nói có sách đấy”. ta có thể coi đây là một trò chuyện về học thuật giữa TT và bác Bu, mà trò chuyện học thuật khác với trao đổi văn học ở chỗ, những xác định của đôi bên về vấn đề trao đổi, cần phải có căn cứ, như bác Bu đã viết trong entry.

    Những tiểu sử, giai thoại, truyền thuyết về những nhân vật nổi tiếng như Lão Tử, Khổng Tử, Thích Ca, Jesus... thường có nhiều nguồn dị biệt. Nếu cô TT đọc được bài viết này của bác Bu mà cho biết tài liệu mà cô đã xác định về những năm tháng tu hành của Đức Phật trước khi thành Đạo, để được học hỏi thêm thì hay quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PNH à
      Bu tui đoan chắc là bạn ấy nhầm vì nàng mới bập bõm đọc Phật gần đây. Thực ra không phải đọc mà nghe băng pháp thoại của các thầy. Nghe và ghi lại rất cẩn trọng, đặc biệt là những gì liên quan đến đức A Di Đà, mà nói thiệt, bu tui không khoái pháp môn Tịnh Độ này lắm. Ngoài một chồng những quyển sổ ghi chép thì nàng TT không có sách gì khả dĩ để tra cứu. Cần đến sách vở thì TT phải gọi bu hoặc đến nhà bu xin tư vấn.
      Giữa TT và ba tác giả bu trích dẫn thì rõ ràng các nhà Phật học này đáng tin hơn. Bu biêt chắc PNH có quyển Đức Phật đã dạy những gì của tác giả Rahula. Ông được đào tạo trong hệ thống Thượng tọa bộ tại học viện Phật học Pirivena, sau đó là học ở Đại học Xri lan ca, được cấp bằng tiến sĩ phật học và tiến sĩ triết học. Người dịch là nhà tu hanh kì tài Thích Nữ Trí Hải. Người giới thiệu là một trong những nhà sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam - Hòa thượng Thích Minh Châu - Ông đỗ tiến sĩ Phật học ở Ấn và ở lại đó 10 năm để nghiên cứu thêm. Ông viết sách dạy tiếng Pali và dich bộ kinh Nikaya từ tiếng Pali ra tiếng việt mà bu tui được sở hữu 5 quyển.

      Xóa
    2. Nếu vậy có lẽ cô TT nhầm thật. Muốn tìm hiểu về Phật giáo một cách nghiêm túc thì không thể chỉ nghe băng pháp thoại của các thày (cho dù có ghi chép cẩn trọng). Bước đầu tìm hiểu về tôn giáo, nhất là những tôn giáo như Phật giáo có quá nhiều kinh kệ, tông phái, sách luận... là rất khó khăn, bởi không khéo dễ sa vào mê cung, thậm chí là... mê tín (chẳng hạn có những sách, những thày hay giảng pháp về phép lạ nhiều hơn là triết lý tu tập).

      Tôi cũng có vài quyển sách bác Bu trích dẫn, tôi rất thích cách viết của Sư cô Trí Hải, Tuệ Sỹ, tuy ban đầu hơi khó đọc. Hòa thượng Thích Minh Châu viết bộ Từ điển Phật học xuất bản trước năm 75 ở Saigon là một trong những vị tu sỹ Phật giáo tôi ngưỡng mộ.

      Xóa
    3. Hehe bên FB nàng TT trả lời bu có vẻ vẫn tin pháp thoại các thầy hơn là tin vào các nhà Phật Học lỗi lạc, bu tui sẽ tìm cách cho TT thay đổi đức tin ấy đi. Nhưng mà PNH à khi người ta đã tin vào cái gì thuộc về tôn giáo thì khó ai có thể thay đổi đi được ...than ôi!!

      Xóa
    4. Bác Bu nói rất đúng,
      Nếu vậy tôi có thể xác định nàng TT của bác Bu (hì hì) chỉ là một người tìm hiểu Phật giáo một cách thông thường, như nhiều bà hay mặc áo tràng chiều chiều đến chùa tụng kinh, và thời giờ rảnh trong ngày hay nghe đĩa thuyết pháp của các thày.
      Nếu muốn tìm hiểu về tôn giáo một cách nghiêm túc, thì phải có một đức... nghi ngờ (chẳng hạn luôn phải đặt câu hỏi xem kinh sách, kinh kệ viết như thế có hợp lý không? Thày giảng như thế căn cứ vào đâu? Hội thánh có phải không bao giờ sai lầm không?), chứ không phải là đức tin của một con chiên, một kẻ ngoan đạo thuần thành, nói sao tin vậy. Và quan trọng là phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhưng đúng đắn về tôn giáo đó để từ đó ta dần tìm ra đường đi cho chính bản thân mình.

      Xóa
    5. 1- Sắp tới đây bu tui sẽ có bài "Tìm Lời Phật thuyết ở đâu". Bu khẳng định tìm trong hệ kinh Nikaya và hệ kinh A Hàm. Kinh Nikaya việt dịch từ tiếng Pali , kinh A Hàm người Hán dịch từ tiếng Sanskrit sau đó người Việt dịch ra từ chữ Hán . Trả lời vậy không sai nhưng có tuyệt đối đúng không?
      2- Không thể đúng được. Bu sẽ giải thích tại sao không đúng bằng chính Kinh A Hàm và Kinh Nikaya
      đó là ý định nhưng đôi khi lười bất tử lại bỏ bê hihi

      Xóa
    6. Sẽ rất vui khi được đọc, mấy cái này tôi cũng không rành :-)

      Xóa
  3. Với Đức Phật chỉ tu có 6 năm thôi là đắc đạo ! Với con người chắc phải tu cả đời vẫn chưa hết nghiệp chướng ....

    Bởi vậy nhiều khi thấy một người đang tạo nghiệp xấu nhằm để đạt được mục đích của cô ấy , em thấy thương cô ta nhiều hơn . Nhiều khi muốn nói cho cô ta biết nên dừng lại đừng đi xa nữa nhưng em lại thôi vì sợ phải tạo khẩu nghiệp nữa cơ ! Bởi lẽ chắc chắn khi nói ra thì lời lẽ sẽ không được ôn hòa và thanh nhã .....Xem ra làm người thật khó để có thể tránh khỏi cái nghiệp ác đang chực chờ ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói ra với thái độ thiện chí ôn hòa thì khẩu nghiệp là tốt lành, còn đối phương không lay chuyển thì ác nghiệp không thuộc về mình Nang Tuyet ơi

      Xóa
    2. Hihi ...anh Bu dùng từ đối phương em nghe hết hồn luôn ! Thật ra em không có ai là thù địch ở bên đây cả . Chẳng qua là có một cô đang dốc lòng theo đuổi con trai của ox em mà gia đình bên chồng em không ai đồng ý cả , ngay cả em cũng thế vì cô ta đã dùng mọi thủ đoạn để cố tình chiếm được trái tim thằng bé để được sang đây đó thôi . Cô ta nói dối và thậm chí làm những chuyện mà em không bao giờ nghĩ là cô ta có có thể làm được để đạt được mục đích của mình . Em đã thất vọng về cô ấy vì bao lâu nay em vẫn nghĩ cô ấy rất tốt ...thế nên em muốn giữ lại hình ảnh đẹp và cả mối quan hệ bạn bè trước đây nên em im lặng và cô ta nghĩ là em không biết gì nên càng ngày càng tệ ra ..thế thôi anh Bu ạ !

      Em cảm ơn anh Bu rất nhiều về lời khuyên thật chân thành đó , dù sao đi nữa với lời khuyên này cũng đã làm em suy nghĩ rất nhiều trong cách giao tiếp và đối mặt với những người đang ở tình thế như thế !

      Xóa
    3. Có lẽ vì bạn chưa nghe quen thôi chớ nó không có gì nguy hiểm đến nỗi phải hết hồn. Mình nhìm một phương, người kia nhìn theo phương ngược lại, chỉ có thế thôi.

      Xóa
  4. Chà chà ! Nhìn hình bác Bu đẹp trai thiệt , như tài tử vậy . Tính khi nào có dịp xuống Vũng Tàu , sẽ ghé nhà mời Bác nhậu , mà Bác nói với Hòn Sỏi không rượu , bia , thuốc lá là sao ?
    Nhà tôi bà xã cũng hay mở nhưng kinh phật để nghe , nhiều khi cũng thấy khó hiểu ? Chắc là mình còn nhiều nghiệp chướg thì phải . Được Bác và Bác Hiệp dẫn giải thấy rất dễ hiểu, dễ nhớ
    Tôi thì quan niệm theo đạo nào cũng được , cái cốt lõi là do mình , cứ ăn ở hiền lanh , đừng làm điều xấu là được . Nếu có điều kiện thì làm từ thiện san sẽ bớt cho những người khổ hơn mình
    Có nhiều người làm nhiều việc chẳng ra gì mà thường cúng kiếng thật to , không biết Phật Thánh có giảm bớt tội cho họ không?
    P/s Hồi trước cũng có thời gian làm dầu khí ở gần ngã tư giêng nước đó Bác , tôi còn có em gái và mấy đứa cháu cũng ở Vũng Tàu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão lai tài tận rồi bác Alaykum Salam ơi
      Bu tui chỉ uống được nước lọc thôi còn những gì đã đóng vào chai hộp thì chịu thua huhu
      Về Vũng Tàu ghé bu thì cảm ơn lắm. Xem ra chúng ta có thể nói với nhau được nhiều chuyện lắm.
      Bu tui đọc đạo Phật chớ không là Phật tử.
      Bu cũng nghĩ như bạn, cứ ăn ở hiền lành đừng làm điều xấu, chấp nhận luân hồi để được làm người lại là tốt rồi. Còn giải thoát làm Bồ tát, làm Ala Hán, thì không nghỉ tới ...

      Xóa
  5. Cháu sang đây mỗi lần được đọc một chút về phật học thấy thích lắm ạ. Cháu cảm ơn chú và những người bạn đã đàm luận để cháu được mở mang tầm mắt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú và Linh Lan khác nhau thế hệ, khác nhau sở thích, mà có như thế mới tạo cho nhau sự hiểu biết mà mỗi bên không có. Chú cũng muốn được biết tâm trạng một cô gái đang thổn thức giữa cuộc đời, cháu cũng nên biết thêm những gì mà các ông già thích đề cập đến, cuộc đời nó vốn thế mà hihi

      Xóa
  6. Em không hiểu gì về Phật pháp, hàng năm có đi chùa, cũng thắp hương khấn vái, cầu quốc thái dân an, chẳng biết Phật có nghe mà phù hộ độ trì không. Nhưng em thấy xung quanh mình có những người theo Phật, tin Phật pháp để có những hành động đến mức khó chấp nhận được. Một chị giáo viên về hưu, vào hội đạo tràng, thế là kiêng sát sinh. Vườn nhà hàng năm rau xanh mơn mởn, là nguồn thu nhập dáng kể cho gia đình, lại còn cải thiện bữa ăn có rau sạch thường xuyên. Từ ngày vào hooij, vườn xơ xác vì sâu. Bảo khong bắt, khong giết, có tội đấy. Có một chị đang kinh doanh hàng ăn rất phát đạt bỗng nhiên xếp bàn ghế, không bán nữa. Hỏi tại sao? Không bán đâu, bán thì phải sát sinh hàng ngày, tạo nghiệp ác, giờ theo Phật nên phải nghỉ. Vậy là hàng tháng trả 25 triệu tiền thuê mặt bằng để bỏ không. Giờ bị phá sản, theo hẳn vào chùa nấu cơm chay cho sư! Chồng phải chạy trốn nợ. Còn một chị nữa,bán thức ăn chăn nuôi, cũng đóng quán, hỏi sao vậy? Bảo bán thức ăn chăn nuôi cũng là gián tiếp giúp người ta sát sinh, tội nặng lắm. Chị ta ăn chay gầy giơ xương, còn 2 đứa con không có tiền học hành, vì quán thì đóng, mẹ lo ă chay niệm Phật!
    Em thấy ngao ngán cho sự mê muội quá đáng như vậy. Nếu ai cũng quan niệm như thế, chắc rồi nền nông nghiệp nước nhà không phát triển ngành chăn nuôi. Mà không diệt sâu bọ thì có khi ngành trồng trọt cũng giải tán nốt! Không chỉ thế, việc nuôi thủy sản, nghề đánh bắt cá cũng không nên làm.
    Con người ta cần có đức tin, nhưng sự mê muoij mù quáng như vậy thì chết thật.
    Vâng, em chỉ thấy gì kể nấy vậy thôi, nếu có gì sai, mong anh Bu thông cảm vì em không hiểu lắm về Phật pháp , anh Bu nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhật Thành à
      I- Giá như bạn đụng đến một vần đề có tính lý thuyết thuần túy về Phật giáo thì bu tui đôi khi dễ trả lời. Đằng này ý kiến bạn như là một sự phản biện, một thắc mắc, rất thực tế đâm ra khó trả lời cho bạn thỏa mãn được. Theo bui tui, mọi thể chế xã hội, mọi tôn giáo trên đời không thể làm thỏa mãn ý nguyện con người. Chỉ số hạnh phúc một nước Tư Bản như Thụy Sĩ đứng đầu thế giới trong khi ta tự hào cái gì cũng nhất thì đứng thứ 75 trên 158 nước. Đạo Phật được Albert Einstein - nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời cho là một tôn giáo khoa học, không chỉ thế, đạo Phật còn trùm lên mọi khoa học. Đã có người chứng minh câu nói này và bu tui tâm phục khẩu phục. Nguyên tử ư? đạo Phật đã nói đến vi trần (là các hạt cực nhỏ) Định luật bảo toàn năng lượng ư? Đạo Phật đã có thuyết Vạn vật đồng nhất thể. Chuyễn động Brao ư? Đạo Phật nói trong một giọt nước là một thế giới sống động dịch chuyển về mọi hướng. Thuyết vũ trụ nở ư? Đạo phật nói trong vũ trụ có vô số thiên hà đang tách ra xa nhau… và còn nhiều rất nhiều nữa. Thế nhưng môt một nhà sư không trả lời được thắc mắc của một con nhện: Buổi sáng nhà sư dạo trong vườn chợt nghe một chú ruồi kêu cứu vì kẹt trong lưới nhện, nhà sư sẵn lòng từ bi gỡ ruồi ra thì chú nhện thều thào: Nhà sư ơi, ngài cho nó sống tức là bắt tôi chết đói, vậy thì công bằng của ngài ở đâu.
      II- Đạo Phật có 5 điều răn cho các Phật tử tu tại gia gọi là ngũ giới:
      1- Không sát sinh
      2- Không trộm cắp
      3- Không tà dâm
      4- Không nói dối
      5 Không uống rượu
      Trần Nhân Tông lên làm vua khi 20 tuổi (1278) đã ngự giá đi đánh giặc Lào sau đó điều khiển các tưởng lĩnh hai lần chiến thắng quân Mông Cổ . Năm 1293 ông thoái vị, nhường ngôi cho Anh Tông và chuyên sâu vào Phật học. Ông được hậu thế tôn xưng là Phật Hoàng vì đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hậu thế chưa một ai chê bai ông phạm giớ sát sinh (vì giết giặc Mông Cổ và giặc Lào). Với vai trò Thái Thượng Hoàng Nhân Tông cùng với Anh Tông cũng cố quân đội tăng cường vũ khí để chống giặc ngoại xâm. Ông vừa là một vị Phật, vừa là người đứng đầu quốc gia có trách nhiệm đảm bảo an sinh cho một dân tộc.
      Người trồng rau sạch phải giết sâu phạm giới sát sinh, nhưng để mọi người chết vì ngộ độc do ăn rau không sạch thì tội sát sinh này còn nặng hơn. Bà hàng phở dẹp tiệm để khỏi sát sinh thì nên chuyển sang làm phở chay. Ở Sài Gòn dạo này phở chay mọc lên nhiều lắm, trong số đó có thể có bà hàng phở mà Nhật Thành dẫn ra chăng … hihi

      Xóa
    2. Em cũng từng ngòi nghe sư giảng về Phật pháp. Sư bảo trong chiến tranh, sư cũng đi đánh giặc, cũng bắn, cũng giết. hết kẻ thù rồi lại...tu tiếp. Rồi sư kể câu chuyện của thầy Cù Đàm với người đi săn, để tránh được tội sát sinh và tội nói dối, thầy Cù Đàm đã chuyển vị trí đứng của mình mà trả lời người đi săn: "Từ khi tôi đứng chỗ này, chẳng thấy con nai nào chạy qua đây cả!". Nhưng em nghĩ, đó là trường hợp có thế "xoay chuyển tình huống" được, còn nếu như, có một vụ tai nạn xẩy ra, người mẹ còn sống, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, còn người con thì đã thiệt mạng. Người mẹ luôn miệng hỏi: "Con tôi đâu?" Vậy phải trả lời thế nào để cùng lúc tránh được 2 tội đó?Thế mời thấy, cuộc đời đâu đơn giản, dễ dàng làm theo lời Phật dạy? Nhưng thôi, em sang để hỏi anh Bu một chuyện thế này:
      Ở chỗ em, dạo này mỗi khi có người mất, họ hay mời sư và đạo tràng đến làm lễ cầu siêu. Trong vòng 49 ngày thì cứ 1 tuần cầu siêu 1 lần.Rồi 100 ngày cầu siêu ở chùa, giỗ đầu cũng đến chùa cầu siêu, giỗ hết khó cũng cầu siêu. Em nghĩ nếu như 50 ngày, linh hồn siêu thoát rồi, sao lại còn cầu siêu nhiều thế? Có nên không?
      Còn việc mở quán cơm chay thì chỗ em cũng có vài ba chỗ rồi, nhưng ít người ăn nên gần như dẹp tiệm. Những người ăn chay hầu hết họ tự chế biến thức ăn ở nhà.Còn những người hay đi ăn nhà hàng thì lại không ăn chay.

      Xóa
    3. Bạn có câu hỏi rất hay, nó đụng đến tầng tầng lớp lớp của triết lý Phật giáo, nếu nói đại khái qua loa thì người nói không đang tâm mà người nghe cũng chán nản lắm.
      Cho nên bu tui sẽ viết hẳn một entry nói về vần đề bạn hỏi vào một lúc nào đó
      Bu nói là làm chỉ có nhanh hoặc chậm thôi.

      Xóa
  7. He he he... Bác Bu bảo không nên cãi nhau (ý nhầm, tranh luận) với người đẹp. Ấy vậy mà lại không "nhịn" được, giở những 3 cuốn sách liền cho thấy Đức Phật chỉ tu có 6 năm. Ba sách khác nhau mà nói cùng một thông tin thì đáng tin rồi. Song tôi vẫn muốn cô ( chị) Thương Thương dẫn sách nào ra chuyện Ngài tu 11 năm, trong đó có 6 năm khổ hạnh. Nếu không có sách thì có băng một vị cao tăng nào đó đã giảng. Điều đó sẽ hết sức thú vị. Có sách, sẽ làm chúng ta suy nghĩ thêm về TƯ LIỆU nào chính xác. Nếu băng hình thì vị cao tăng nào nói có đúng không? Cao tăng không dẫn được sách thì cần sửa để sau nói không SAI nữa. Tóm lại là tôi vẫn chờ xác nhận của Thương Thương!

    Trả lờiXóa
  8. Bác Vũ Nho kính mến

    1- Nói thiệt bác, tranh luận tay đôi với người đẹp mà dồn họ vào chỗ bí thấy nó nhẫn tâm thế nào ấy. Còn viết lên FB hoặc blog thì không sao. Khi mình gõ bàn phím không bị đôi mắt trầm ngư lạc nhạn kia khống chế là yên tâm rồi… hihi.
    Ngày 5.5.2015 nàng Thương Thương cùng với anh cố vấn Phật học tên là Châu Ngọc đến nhà bu, câu đầu tiên TT hỏi: anh bu đã đọc trả lời của TT trên facebook chưa. Tôi đọc rồi và đọc đến ba lần chớ không phải một. Nay TT đến để mục sở thị quyển ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ coi thử sau khi xuất gia, ngài Thái tử tu 11 năm hay chỉ có 6 năm thôi
    2- Bu tui dở sách, chỉ vào trang 123,124: Nói rằng Thái tử xuất gia năm 29 tuổi (534 ttl) lại chỉ vào trang 144 nói rằng năm 35 tuổi Thái tử thành Phật (năm 528 ttl) như vậy Thái tử chỉ tu trong 6 năm. TT gật gù, em tâm phục khẩu phục rồi. Bây chừ anh bu chỉ cho em xem các ông thầy mà Thái tử đã học, sau đó ông tu khổ hạnh bao nhiêu lâu. Bu tui chỉ vào trạng 126 đọc một dòng kinh Trung bộ do chính Thái tử nói ra “Sau khi đã xuất gia tầm cầu cái thánh thiện tối thắng an tịnh ta đến Àlàra Kàlàma và nói “Bạch tôn giả Kàlàma, vãn sinh ước mong sống đời Phạm hạnh theo giáo pháp và giới luật của tôn giả…” nhưng không bao lâu Thái tử thất vọng “Giáo pháp này không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt , an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, mà chỉ đưa đến Vô Sở Hữu Xứ” vì thế ta chán ngán, không muốn chấp nhận giáo pháp này nữa, ta bác bỏ nó và ra đi” (kinh Trung bộ trang 127).
    Rời tôn giả Àlàra Kàlàma thái tử đến học với giáo chủ Uddaka Ràmaputta. Giáo lý của tôn giả này dẫn đến Phi Tưởng Phi Phi tưởng xứ. Sự học tập của Thái tử rất tấn tới, ngài giáo chủ Uddaka Ràmaputta có nhã ý mời Thái tử nhận chức lãnh đạo độc nhất của hội chúng. Như Thái tử mong cầu giải thoát khổ đau chứ không phải lãnh đạo một giáo phái. Kinh Tương ưng trang 131 viết “Ngài liền rời bỏ vị này và tiếp tục du hành. Việc học tập của ngài theo hai vị sư kia đã kéo dài không đầy một năm, có lẽ chừng sáu tháng mà thôi”
    3- Bu bảo Thương Thương và anh Châu Ngọc: Hai vị thấy chưa, kinh nguyên thủy cho hay Thái tử Tất Đạt Đa chỉ tu trong sáu năm trong đó tu với thầy Àlàra Kàlàma và thầy Uddaka Ràmaputta chỉ khoảng sáu tháng, năm năm rưỡi còn lại ngài tu khổ hạnh cho đến lhi thành Phật.
    4- Thương Thương xác nhận: Hôm 3.5 tại nhà em, do lòng hiếu thắng em nói đại là Thái từ tu 11 năm trong đó có sáu năm khổ hạnh. Em không có sách gì ngoài mấy quyển sổ ghi chép qua pháp thoại của các thầy. Em chăm nghe đĩa vì nghe nó kết hợp làm được nhiều việc, tưới cây, nấu bếp, trang điểm… chớ đọc sách thì buồn ngủ lắm thôi. Từ nay anh bu năng xuống giảng giải Phật pháp cho em nghe với, thực sự em kính nể kho sách Phật giáo nhà anh.

    Trả lờiXóa
  9. Giữa Phật giáo Nguyên thủy (PGNT) và Phật giáo Đại thừa (PGĐT) tôi cũng nghiêng về Phật giáo Nguyên thủy. Cùng ngưỡng vọng Đức Phật Thích Ca, nhưng PGNT xem Ngài như một Đạo sư (Người chỉ đường), chứ không phải như Một cứu cánh (Con đường). Chỉ cần đọc cái căn bản nhất là chuyện Đức Phật Đản sinh, ta cũng đã thấy sự khác biệt lớn lao đó. Sách vở của PGĐT ghi khi Ngài Đản sinh có rồng hiện ra phun nước, có 7 đóa hoa sen vàng đỡ bước chân...v.v... Còn sách của PGNT (chẳng hạn quyển Đức Phật và Phật Pháp), chỉ ghi "Nhằm ngày trăng tròn tháng năm, năm 623 trước D.L., trong vườn Lumbini (Lâm Tì Ni) tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) bên ranh giới Ấn Độ của xứ Népal ngày nay, có hạ sanh một hoàng tử mà về sau trở thành vị giáo chủ vĩ đại nhất trên thế gian... Ở đoạn khác sách viết: "Không phải khi sanh ra Ngài đã là Phật, mà Ngài trở thành Phật do sự nỗ lực của mình".
    Cái khác biệt dễ nhìn thấy ở đây là PGĐT có dáng dấp của một Tôn giáo, với nhiều nghi lễ, nghi thức có tính chất cầu xin (như cúng thất, cầu siêu, cầu an, cúng thí thực... thậm chí là cúng sao giải hạn...) với một Đức Phật Toàn Năng ngay từ lúc lọt lòng, giống như một Thượng đế biết ban phép lạ.
    Còn PGNT nghiêng về việc coi Phật Pháp là một hệ thống triết học và luân lý giúp cho con người dẫn đến Giác ngộ, chẳng hạn như câu kinh Pháp Cú ghi nhận lời Đức Phật: "Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư". Hay trong Trường A Hàm: "Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác".
    Những người như bác Bu, hoặc có thể có tôi nữa, thích tìm hiểu về tôn giáo, nhưng lại khó có thể trở thành tín đồ của một đạo nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đôi khi bu tui cũng không biết mình đang thiên về Phật giáo Nguyên Thủy hay Phật giáo Phát Triển nữa. Nếu tất cả những gì Phật thuyết ra 2500 trước là tuyệt đối hoàn hảo không cần thêm bớt gì nữa hóa ra ta chấp nhận sự vô thường, không khác chi hô khẩu hiệu chủ nghĩa Mác Lê muôn năm. Trong khi đó trên quê hương của mình, chủ nghĩa này chỉ thọ được 70 năm. Tức là thuyết “chư hành vô thường, chư pháp vô ngã” của nhà Phật ứng nghiệm. Phật giáo Phát Triển để chống lại cái vô thường bảo thủ ấy nhưng phát triển đến mức vô tội vạ thì lại quá tệ hại. Dựa vào chiêu bài nhập thế, Phật giáo Phát Triển biến thầy chùa thành thầy cúng, và mọi băng hoại suy đạo đức xẩy ra trong nhà chùa không kém ngoài đời là mấy.
      Riêng ông Thích Ca được Đại Sư Tinh Vân bên Tàu biến ra ông thần trong thần thoại là điều không ai chấp nhận được
      Tuy nhiên công bằng mà nói thì mọi phát kiến khoa học có tính chất dự báo thì phật Giáo Phát triển tuyệt giỏi. Đến như Albert Einstein phải nói lên rằng đạo Phật không chỉ là một khoa học mà nó còn trùm lên mọi khoa học.

      Xóa
  10. He he he...Tôi rất khâm phục tinh thần cầu thị của Thương Thương. Vậy là cả hai bên đều có "nhân nhượng" nhau, song chân lí chỉ có một. Bác Bu đã không vì ngại ngùng làm mếch lòng, tổn thương người đẹp mà viết bài này. Thương Thương cũng thừa nhận là không có sách, chỉ nghe thôi. Thêm nữa, bác Bu lại còn dẫn chứng sách rằng tuy 6 năm, nhưng lại chia ra đoạn đầu 6 tháng, đoạn còn lại hơn năm năm! Bây giờ thì Thương Thương đã rõ, mọi ngườ cùng rõ! Xin chia vui với hai người và mọi người! Và xin gửi lời khâm phục sự thẳng thắn, trung thực của bác Bu cùng Thương Thương!

    Trả lờiXóa
  11. Rất cảm ơn bác Vũ Nho trăm công việc việc mà vẫn theo dõi vụ tranh luân câu chuyện Phật giáo này. Dạy văn chương mà đọc ba thứ khô như ngói chắc bác ngán lắm...hihi
    Không hiểu sao dạo này bu tui đâm đổ nợ, một ông bạn thân trên SG hỏi có phải kinh Đại thừa kinh Tiểu thừa đều do đức Phật thuyết cả không.
    Một người đẹp tên là Nhật Thành vừa cô giáo vừa là nhà văn hỏi bu (trong trang này) tại sao một người chết mà cầu siêu đi, cầu siêu lại nhiều lần vậy, có thừa ra không. Có lẽ phải trả lời em nhà văn này trước vì nghe đâu trung tuần tháng 6 này em vào thành phố biển Vũng Tàu huhu
    Bác nên vào trang Nhật Thành nói chuyện văn chương với nàng cho vui. Nhật Thành cởi mở vui tính và thiệt tình lắm bác ạ

    Trả lờiXóa
  12. Cám ơn gợi ý của bác Bu!
    Có điều kiện tôi sẽ ghé trang Nhật Thành!

    Trả lờiXóa