Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

THIẾU VUA… THỪA VUA !



Lịch sử Phật giáo Việt Nam 
I
Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế (514)
Thiền sư- Giáo sư Lê Mạnh Thát


 Tạp chí Sông Hương
Tuần báo ra ngày thứ bảy
(1.8.1936 - 27.3.1937)
Phan Khôi chủ biên


Thiếu và thừa cái gì nghe còn được, đằng này thiếu vua… thừa vua …thì hơi lạ. Lạ, nhưng được các học giả tiếng tăm nói đến một cách nghiêm túc.  Giáo sư tiến sĩ - Thượng tọa Lê Mạnh Thát  đưa ra nhiều phát hiện chấn động sử học nước nhà, trong đó ông khẳng định danh sách các vị vua Việt Nam (từ thuở lập quốc đến hết chế độ phong kiến)  thiếu đi một ông - ông Lý Miễu niên đại trong khoảng 390 – 470. Bạn nào muốn biết tường tận xin đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I trang 427 - 582 của giáo sư Thượng tọa Lê Mạnh Thát do nxb THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ấn hành lần thứ 2 năm 2003. (có sửa chữa bổ sung).
Ngược lại, học giả Phan Khôi cách nay gần 80 năm lại nói chuyện thừa vua trong bài HÃY BỎ TRIỆU ĐÀ VÀ DÒNG DÕI Y RA NGOÀI VIỆT SỬ (đăng trên tuần báo Sông Hương số 3 ra ngày 15 tháng 8 năm 1936 do chính ông làm chủ nhiệm). Bỏ đi tức là thừa. Dưới đây bu tui gõ lại bài viết của cụ Phan Khôi mời các bạn tham khảo, và có ý kiến..

---------------------------------------------------

Sử: có thế giới sử, có quốc sử
Quốc sử lấy gì làm nền?
Quốc sử là sử của một nước, chép những việc đã xẩy ra trong nước ấy. Mà có người mới có việc. Những người của một nước họp lại thành một dân tộc; do những người ấy gây ra cuộc thành bại hưng vong trong nước mà mới có quốc sử. Thế thì không cần giảng giải thêm nữa cũng đã đủ hiểu rằng quốc sử phải lấy dân tộc làm nền.
     Đó là một cái công lệ của sử học. Phàm nước nào đã có sử và trong nước đã có sử học đều phải tuân theo cái thông lệ ấy. Nếu có một nước nào nhận một người dân ngoại tộc vào nối lấy cái quốc thống của nước mình, ấy là điều điếm nhục cho lịch sử, cho cả học giới!
    Trước đây sáu bảy trăm năm, nước Tàu có hai lần bị ngoại tộc đếm chiếm trị. Hồ Nguyên và Mãn Thanh đều không phải con cháu Hoàng Đế mà nghiêm nhiên xưng Thiên tử trên sử Trung Hoa, làm cho bọn chí sĩ nước Tàu thấy mà đau lòng, có người đã nhận cho là cái nhục lớn.
    Tuy vậy, Hồ Nguyên và Mãn Thanh biên tập lịch sử của mình ngay từ lúc họ còn cường thịnh, họ có thần thiếp của họ, sai bảo làm gì mà chẳng làm. Điều ấy nghĩ cho kĩ cũng không đáng trách.
     Duy có ở nước ta, cũng ở vào đồng một trường hợp ấy, mà sau khi kẻ cường quyền đã bị tiêu diệt rồi, chính người nước mình làm sử lại truy nhận cho kẻ giặc làm vua, mới đáng lấy làm lạ thôi!
    Đó, tôi muốn nói về Triệu Đà, người đã nuốt nước Âu Lạc của chúng ta gồm vào bờ cõi mình, làm cho dân tộc ta từ đó về sau hơn một ngàn năm sa vào vòng nô lệ, mà rồi sau, bọn các ông Lê Văn Hưu, Võ Quỳnh, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ cho đến ông Trần Trọng Kim hiện giờ nữa, đều xưng cho là Vương, là Đế, để đứng đầu hàng vua chúa trên lịch sử nước Nam.
   Mở sử Tàu ra mà coi, ở đó có chép rõ ràng Triệu Đà là người huyện Chân Định (đất Tàu), không hề có dính líu một tí nào với con cháu Rồng Tiên cả.  Đà vốn làm quan lệnh ở Long Xuyên, là quan của nhà Tần, nhân nhà Tần có loạn dấy lên cướp lấy nước ta mà độc lập. Như thế, đối với nhà Tần Đà đã là phản thần, mà đối với nước ta, Đà cũng là cừu nhân mới phải; cớ sao lại tôn là vua của bản quốc  và cho nối lấy nghiệp cả của mười tám Hùng Vương?
    Nhưng mà, thảm hại thay! Cái việc thương luân bại lý ấy từ lúc pho sử Việt mới bắt đầu biên chép là đã có! Tôi muốn chỉ vào thuở nhà Trần, lần thứ nhất ông Lê Văn Hưu vâng mạng vua tu quốc sử đã nhè khởi thủy từ Triệu Võ Vương, tức Triệu Đà, mà tôn cho là vua khai quốc của nước ta. Kì thực Triệu Đà cùng con cháu y không lấy nghĩa gì xưng là vua của nước Nam này được hết. Sử gia nước Nam tôn y làm ông vua khai quốc, ấy là đã làm một việc vô nghĩa.
    Muốn rõ chỗ thị phi của sử tích ấy, ta nên xem xét cái đại thế nước ta về phía nam nước Tàu vào khoảng 200 năm trước Giáng sinh ra thế nào. Bấy giờ nước ta nguyên là nước Văn Lang của Hùng Vương đã đổi tên là Âu Lạc thuộc về Thục Phán làm vua cai trị. Còn hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây bây giờ, lúc đó là đất của mọi rợ, kêu bằng đất “Lục lương”, nhà Tần mới đem người đến khai khẩn và đặt quan coi giữ. Triệu Đà tức là một viên quan nhà Tần, ở trong cái phái bộ thực dân ấy,  thừa lúc bản quốc mình có loạn, bè cử binh đánh Thục Phán, chiếm nước Âu Lạc rồi lên ngôi vua. Sự tình như thế, rõ là Triệu Đà làm phản nhà Tần chiếm giữ chỗ đất mình đương làm quan nhảy lên làm vua, và gồm lấy luôn nước ta làm lãnh thổ. Nước ta khi ấy nên kể là đã mất mà mất vào tay Triệu Đà; Còn cái nước Nam Việt của Triệu Đà mới dựng lên ở bên Quảng Đông thật không phải là nước ta. Thế thì Triệu Đà cho đến dòng dõi của y dù có làm vua mấy đời cũng mặc, người nước ta sao được họ là vua của nước ta ?
    Nói cho ráo lẽ thì nước Văn Lang kể là đã mất từ đời Hùng Vương XVIII, vào tay Thục Phán.  Vì ông này chẳng rõ hương quán ở đâu, hoặc giả là một người dân ngoại tộc cũng nên. Nhưng được cái đóng đô tại Loa Thành , đất Bắc Ninh ngày nay, An Dương Vương dấy lên giữa chúng ta, thì nhận đi là vua của nước ta cũng còn được. Chớ còn họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác, tọa trấn tại thành Phiên Ngung, coi nước ta như một miếng thuộc địa, thì sao ta lại nhìn là vua trên quốc sử cho cam?
     Cái lầm lớn như thế, mà từ các sử gia đời xưa, bọn ông Lê Văn Hưu cho đến ông Ngô Sĩ Liên cũng đều không thoát khỏi, rất đỗi tới ông Trần Trọng Kim, một sử gia hiện đại, lẽ đáng không còn lầm nữa mới phải, vậy mà trong bản Việt Nam sử lược của ông, việc hưng vong của cha con ông cháu nhà họ Triệu  còn choán mất đến sáu trang!  Nếu trong một nước mà khoa sử học đã thành ra một khoa phổ thông thì đâu đến nỗi!
    Ấy là tại cái quan niệm sai lầm về lịch sử của người mình từ trước đến giờ vẫn còn chưa gột sạch. Lẩn quẩn trong cái quan niệm ấy, họ nhận vua tức là nước và có vua tức là có nước.  Trong khi nước của Hùng Vương đã mất, họ tưởng nhận cho Triệu Đà làm vua là nước tức khắc còn ngay, cho nên họ sốt sắng mà nhận liền đi. Không ngờ đâu nhận như thế là trái với cái công lệ của sử học.
    Hoặc có ai ngờ cho tôi sở dĩ có cái kiến giải này là tại quá trọng  về quốc gia chủ nghĩa, và cũng bởi cái chủ nghĩa ấy khích thích nên tôi mới viết bài này. Nhưng tự tôi thì tôi không nhận có điều ấy. Không cần phải cầu viện tới quốc gia chủ nghĩa, tôi chỉ căn cứ vào sử học, nắm lấy hai chữ “quốc sử” cũng đủ hô lên xin đồng bào ta, kẻ giữ quyền sở hữu về pho Việt sử, từ nay hãy bỏ dòng vua nhà họ Triệu ra ngoài.
     Sau họ Triệu, nước ta bị Bắc thuộc một ngàn năm. Thế thì chúng ta có tiếc chi mà chẳng cho nó Bắc thuộc sớm đi và thêm lên 96 năm nữa, nghĩa là kể ngay từ lúc Âu Lạc vào tay họ Triệu? Mất đi mà sau lấy lại được thì cũng như không mất, hơn là cái nước kể cho là còn trong 96 năm ấy mà phải nhận một người thù làm vua.  


35 nhận xét:

  1. Em đọc hơi lâu.
    E chỉ được học sử theo chương trình của sách giáo khoa. Thỉnh thoảng có đọc thêm vài giai thoại bên ngoài chương trình học, nên có biết sơ sơ về Triệu Đà. Và may mắn câu chuyện em được đọc kể về Triệu Đà như 1 tên xâm lược nước ta.
    Chú Bu biết nhiều, qua chú Bu, em biết thêm được nhiều cái .
    Cuối tuần vui vẻ chú Bu uiiii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giá như chú bu làm thơ hay được như CKN thì hay biết bào hihihi

      Xóa
  2. A a a
    Bữa nay em mới thấy câu slogan của chú Bu nha . " muốn thanh cao lên trời mà ở ". Nghe ác thiệt. Em kết, em chôm xài mới được. Hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở cõi trần gian này mà nói chuyện thanh cao và trong sạch, thì hơi bị hiếm phải không ??

      Xóa
  3. Bài viết của cụ Phan Khôi rất hay. "Lịch sử" thì phải chép hết, nhưng "Quốc sử" thì phải lấy dân tộc làm nền. Và tiêu chí hàng đầu của việc viết sử là phải TRUNG THỰC., viết sử cũng là một bộ môn khoa học, ngoài việc trung thực, thì phải viết sao cho đầy đủ, dễ hiểu, điều này có cái khá lạ là người Trung Hoa hơn hẳn VN, họ có những nhà sử học lớn như Tư Mã Thiên với bộ Sử ký, và nhiều sách lịch sử khác. Việt Nam mãi đến đời tiền Lê gần cuối thế kỷ XV Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên mới biên soạn quyển Đại Việt sử ký, và phải sang đến thời hậu Lê, gần cuối thế kỷ XVII mới hoàn thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Xem thế mới hay cả ngàn năm việc viết sử của nước ta bị bỏ ngỏ. Tại sao thế? Trong khi nước ta không thiếu sĩ phu, nhưng có lẽ ngày xưa người ta chuộng thi ca, văn chương chữ nghĩa, đạo đức thánh hiền hơn là ghi chép lại lịch sử. Thi tuyển quan lại là một ví dụ. Mà hình như chuyện chuộng thi ca còn kéo dài đến tận ngày nay, khi tôi mới đọc được trên mạng nói, trước đây "ra ngõ gặp anh hùng thì bây giờ ra ngõ gặp nhà thơ", đi đâu cũng thấy nhà thơ

    Một điều quan trọng khác là cách viết lịch sử trong sách vở ngày xưa không khoa học, về tên tuổi, ngày tháng, sự kiện gì đáng ghi chép... Thêm cái chính sử triều nào cũng chỉ muốn chép cái gì có lợi cho thời của mình, bỏ mất đi những cái không lợi. Ngay gần đây thôi, năm 1975, chuyện chiếc xe tăng nào húc đổ cánh cổng dinh độc lập, ai soạn bản đầu hàng để ông Dương Văn Minh đọc... còn bị viết sai lệch.

    Chuyện sử Việt người mình còn dài lắm...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chuyện sử nước ta quả là bất tận ngôn.
      1- Bộ sử cổ nhất nước ta có tên là ""Đại Việt sử lược" khuyết danh, do ông Nguyễn Gia Tường dich trong thời VNCH. Sau này Việt cộng in lại ở SG năm 1993 do ông Nguyễn khắc Thuần hiệu đính . Bản gốc của ĐVSL tàng trử ở "Tứ khố toàn thư" của triều Mãn Thanh. Ông thủ thư của Mãn Thanh là Tiền Hy Tộ bỏ đi chữ "đại" chỉ còn lại "Việt sử lược" với lập luận nước Nam nhỏ bé, là đất phiên thuộc của thiên triều thì làm sao mà gọi là "đại" được.
      2- Trong ĐVSL nói trên có ghi đời Triệu Vũ đế tức Triệu Đà. Tiếp theo là Triệu Văn Vương, Triệu Minh Vương, Triệu Ai Vương, Triệu Dương Vương. Về sau này các sử gia như Ngô Sĩ Liên viết ĐVSKTT, Quốc sử quán nhà Nguyễn viết Khâm Định Việt sử Thông Giám cương mục ...cho đến ông Trần Trọng Kim (thế kỉ 20) viết Việt Nam sử lược cũng đều chép lại Họ Triệu như ĐVSL. Ông Phan Khôi vạch ra cái sai của các sử gia là xác đáng
      3- Còn lạ ở chỗ là Viện Sử học hiện nay gồm nhiều giáo sư giáo sung chữ nghĩa đầy mình mà không thấy ai nói gì về vụ này cả. Tính ra từ khi cụ Phan Khôi viết ra (1937) đến nay đã 78 năm rồi....
      4- Còn chuyện bài thơ Nam Quốc Sơ Hà nữa. Sách thì bảo xuất hiện từ thời Tấn Nam vương (960 - 965, con Ngô Quyền ) đi đánh giặc Lý Huy, sách thì bảo xuất hiện khi Lý Thường Kiệt đánh Tống năm 1076.
      5- Bu tui định làm một bài "Dân ta phải học sử ta" như lời dạy của cụ Hồ, nhưng học thế nào đây cụ ơi là cụ …hihihi

      Xóa
  4. Đúng là các đời vua của nước Nam ta em không thể nắm hết được. Nhưng em không hề nghĩ Triệu Đà lại được kể đến như một vị vua khai quốc. Vì câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy đã kể rõ Triệu Đà là một tên đi xâm lược.
    Thật may qua nhà bác Bu em lại được biết thêm điều này. Cảm ơn bác Bu nhiều ạ.

    Trả lờiXóa
  5. Ôi cái sử của Việt Nam cuốc!
    Em cũng quá nhiều lần nói đến theo quan điểm và nhận thức của mình, nhưng việc nói thì nói vậy thôi.
    Sử dân tọc thì lấy chính trị cuốc da làm trọng, vì mục đích chính trị thì còn gì trung thực, sử không trung thực là sử đểu, Phan Đình Giót bị pháo chèn thân đấy chứ! Anh hùng đuốc sống Lê Văn Tám là nhân vật có trong sách giáo khoa cả đấy chứ, Làm gì có thằng nào là Lê Văn Tám. Đấy là sử đã được lưu truyền trong sử sách mới ngày hôm qua đây thôi. Sử hiện đại còn đang thế chứ nói gì gần hai trăm năm triều Nguyễn, bao công tích cũng bị người ta phủ định mấy chục năm rồi. Chưa nói gì đến xa xưa hơn, đến như Dương Vân Nga một con bớp lừng danh cả ngàn năm không ai thắp cho nén hương , bỗng dưng được mấy ông viết sử dựng lên thành anh hùng dân tộc. Ngay bây giờ và ngày hôm nay cũng không có một sử gia nào tâm huyết với nghề sử, các ông ấy cũng chỉ vì tiền và vì để được nổi tiếng thôi. Không có gì đáng tin bác ạ.
    Nhất trí với anh không nhận 96 năm của họ Triệu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Học sinh ta hiên nay rất dốt sử, chúng không chịu học. Vậy tương lai làm sao để có được các sử gia giỏi đây. Chưa nói chuyện có ngươi bi quan bảo rằng: Lịch sử là nói lên cái tệ hại ngày hôm qua để chịu đựng được cái tệ hại ngày hôm nay.

      Xóa
  6. Bài viết thật hay và rất có ý nghĩa về lịch sử của dân tộc thời đại Vua Chúa ! Quả thật không đọc được bài viết này của anh Bu , cũng như các bạn Yên Vũ và Có Khi Nào , em cũng vẫn nghĩ Triệu Đà là tên xâm lược đó chứ !! giờ nhờ anh em mới được học hỏi thêm kiến thức này ! Thật rất thú vị ! Cảm ơn anh Bu nhiều lắm anh Bu nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mà các sử gia hiện nay bỏ ngoài tai ý kiến này của ông Phan Khôi vẫn dạy học trò là Triệu Đà là một ông vua nước ta.

      Xóa
    2. Và như thế trong môn Sử học ở trường ,các em học sinh vẫn đã phải tiếp thu kiến thức Triệu Đà là vua nước ta ...chán thật anh Bu nhỉ ?

      Xóa
    3. Sự thể rành rành như thế mà không hiểu tại sao các nhà sử học của đảng và nhà nước im re hay là sợ mất lòng thiên triều???

      Xóa
  7. Nước ta chưa có tay sử gia nào có thể sánh ngang Tư Mã Thiên của TQ. Bởi vậy mới thành chuyện tiếu lâm cho cụ Phan... phản pháo! Bravo cụ Phan!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Tư Mã Thiên là đại sử gia không chỉ của Tàu mà còn của nhân loại.Cụ Nguyễn Hiến Lê có viết "Tư Mã Thiên đã tốn công tra cứu trong tất cả các sách cổ , thận trọng ghi chép hết những ý kiến khác nhau của nhiều người và gợi người sau nhiềm điểm nghi vấn"
      2- Một trong những điểm nghi vấn ấy là Lão tử có gặp Khổng tử không, hai người có sống cùng thời không??
      Cho đến nay các học giả thượng thặng về cổ sử của Tàu vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng được đa số chấp nhận....

      Xóa
  8. Sử cũ còn cần xem lại, chứ những quyển "Tân sử" không rõ thế nào ha bác Bu?

    Trả lờiXóa
  9. Ngay từ hồi nhỏ, mình học lịch sử, đã biết Triệu Đà là tên gian manh xâm lược rồi bác Bu à. Nay đọc bài này, thật là sáng mắt sáng lòng thêm chút nữa về quốc sử nước ta. Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
  10. Lâu lâu lại găp Ngọc Yến vui lắm
    Ngọc Yến bỏ blosgpot rồi sao.

    Trả lờiXóa
  11. Bác Bu đọc nhiều, liên tưởng nhiều, lại thủ đắc một tủ sách hàng ngàn đầu sách, đặc biệt lại thường xuyên làm mới đầu óc bằng việc tiếp cận thông tin mới, mua và đọc nên cung cấp được nhiều thông tin bổ ích. Tính ra, cho rằng cụ Phan Khôi viết chuyện Triệu Đà từ năm 1936-37 thì 20 năm sau, cho rằng các ông Văn Tân, Hà Huy Giáp không nghe "thằng Nhân văn Giai phẩm" nói nhưng những nhà sử học ở MNVN như Phạm Văn Sơn, Phan Khoang, những giáo sư đại học như Linh mục Nguyễn Phương, Nguyễn Thế Anh cũng không thấy đề cập!. Đến thập niên 1980, bộ Lịch sử VN của (hình như) nxb KHXH cũng bỏ qua chuyện này ở tập 1 để dẫn đến tình trạng "thừa vua" như đầu đề RẤT HAY của bài viết này là điều lạ! Phải chăng hiện nay, người ta chỉ chú ý vào những gì liên quan đến uy tín của Đảng và chế độ?
    HN là dân học sử, dạy sử, rất đồng tình với bác Bu, bác Hiệp nhất là bác Hòn Sỏi và HN dạy sử 12 hàng chục năm mà hôm qua đọc được một entry của blogger Nguyễn Hoa Lư trên worldpress: "Lịch sử 12 - thương tình con trẻ thơ ngây" thấy thật sâu sắc và chí lý mặc dầu tác giả là giảng viên môn Toán!
    Rãnh, bác Bu khai thác các vấn đề thầy Lê Mạnh Thát đề cập thì cứ gọi là viết entry đến...già. Cám ơn bác Bu nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khai thác cho được Thiền sư Lê Mạnh Thát không dễ dàng gì bác HN à. Đọc sách ông này cứ như đi trong mê hồn trận. Tuy nhiên dần dà bu tui cũng phải lần mò xem sao...

      Xóa
  12. Tôi có đọc Đại Việt SKTT, có biết chuyện Triệu Đà như là ông vua của nước ta.
    Khi sách GK Văn THPT đưa " Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy" vào chương trình, học sinh hiển nhiên coi Triệu Đà là kẻ xâm lược. Tôi có nghe nói Triệu Đà lấy vợ người Thái Bình, và ở TB vẫn có đền thờ Triệu Đà. Chả cứ gì các nhà Sử học, Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại cáo viết : Từ Triệu, Đinh, Lí Trần bao đời gây nền đọc lập...TRIỆU ấy là Triệu Đà chứ không phải là Triệu Quang Phục. Có một bản diễn ca viết "Triệu Đà là tổ nước ta...". Chẳng biết đường nào mà lần. Sử ta có chỗ mù mờ, chả có ai dám nói thẳng như cụ Phan Khôi. Các nhà Sử học lờ chuyện này, âu cũng là một cái ĐẠI DỞ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nguyễn Trãi cũng như các sử gỉa viết Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục có lẽ viết theo Đại Việt sử lược (khuyết danh)...Cái đáng trách các sử gia bây giờf la khi tái bản ĐVSKTT và KĐVSTGCM không viết lại lời giới thiệu cho rõ ràng.

      Xóa
  13. Thực ra vấn đề Phan Khôi nói trong entry bác Bu đã trích dẫn (sách sử VN coi Triệu Đà (nhà Triệu) như một ông vua của VN, tương tự như Nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê...), ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT trong một quyển sách Lịch sử khác viết về sau này, quyển LỊCH SỬ VIỆT NAM do HỘI ĐỒNG KHOA HỌC XÃ HỘI TP. HỒ CHÍ MINH - VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, nhóm chủ biên Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Mạc Đường, NXB Trẻ tái bản lần thứ ba- 2008.

    Quyển này tôi thấy viết rõ ràng, chính xác hơn hẳn các quyển sử khác. Nơi chương VI - Quốc hiệu và cương vực (VN) qua các thời đại, coi thời kỳ Triệu Đà lập ra nước Nam Việt (207-111 tr. CN) của nước ta là THỜI KỲ ĐẤU TRANH DÀNH ĐỘC LẬP, tức là vẫn coi nước ta bị lệ thuộc, sách viết Triệu Đà chỉ là một quan úy của nhà Tần nổi lên tự lập, và coi nước ta lúc bấy giờ "Thuộc nhà Triệu" chứ không phải "Kỷ nhà Triệu" như ĐVSKTT, hoặc "Nhà Triệu" như VN Sử lược của Trần Trọng Kim.

    Như vậy đã rõ, sách viết về Lịch sử VN bây giờ không còn coi Triệu Đà như một vị vua của nước Việt. Vấn đề còn lại là SÁCH GIÁO KHOA về Lịch sử bây giờ dạy học sinh thời kỳ ấy ra sao? Có theo sách sử bộ mới không, hay vẫn theo sách sử cũ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Bu tui nhất trí với bạn là vấn đề Triệu Đà đã được một số sách sử hiện nay giải quyết. Tuy nhiên nhìn chung bộ môn sử học thì sự gải quyết chưa triệt để . Bằng chứng là những sáich như Đại Việt SKTT Khâm định Việt sử TGCM khi tái bản không có lời giới thiệu cho rõ ràng minh bạch làm người đọc nhầm lẫn
      2- Ngoài quyển sử PNH giới thiệu thì còn có hai quyển nữa cũng khẳng định Triệu Đà là kẻ xâm lược không thể là vua của Việt Nam, hai quyển đó là:
      - Lịch sử Việt Nam Tập I của UBKH Xã hội Việt Nam do Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn giới thiệu in năm 1976
      - Lịch sử Việt Nam tập I của Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh do nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp xb năm 1983
      Trước những sách nói trên thì sử gia Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) đã khẳng định Triệu Đà là kẻ xâm lược trong sách VIỆT SỬ TIÊU ÁN nxb Thanh niên năm 2001.
      3- Bu tui từ cảm hứng THIẾU VUA do ông Lê Mạnh Thát đề xướng mà nghĩ đến THỪA VUA của cụ Phan Khôi. Đưa ra phản đề cho có có vẻ văn nghệ vậy....

      Xóa
  14. Triệu Đà tức là một viên quan nhà Tần, ở trong cái phái bộ thực dân ấy, thừa lúc bản quốc mình có loạn, bè cử binh đánh Thục Phán, chiếm nước Âu Lạc rồi lên ngôi vua. Sự tình như thế, rõ là Triệu Đà làm phản nhà Tần chiếm giữ chỗ đất mình đương làm quan nhảy lên làm vua, và gồm lấy luôn nước ta làm lãnh thổ. Nước ta khi ấy nên kể là đã mất mà mất vào tay Triệu Đà; Còn cái nước Nam Việt của Triệu Đà mới dựng lên ở bên Quảng Đông thật không phải là nước ta. Thế thì Triệu Đà cho đến dòng dõi của y dù có làm vua mấy đời cũng mặc, người nước ta sao được họ là vua của nước ta ?

    Đọc bài của anh, em hiểu được nhiều điều hơn, dù ngày trước, em cũng thú thật là k am tường về lịch sử nước mình cho lắm, hic hic

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà thơ thỉnh thoảng có đọcc lịch sử hihihi

      Xóa
  15. Sự thật thì Triệu Đà hay đã là vua cả một vùng rộng lớn trong đó có Việt Nam. Sự thật không thể chối bỏ đó bác Bu. Cho dù có viết thế nào, đánh giá thế nào thì sự thật vẫn thế, trần trụi thưa bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là Triệu Đà làm vua một nước lớn trong đó có giống Việt ta và nhiều giống Việt khác thuốc Tàu.. Nhưng Triệu Đà không phải giống nòi ta mà là người Tàu làm quan đời Tần.
      Nếu xem An Dương Vương là Vua Việt Ta thì Triệu Đà đánh bại An Dương vương rõ là một tên xâm lược, không thể xem ông ta là vua của chính sử Việt Nam. Đấy là nói theo sách..
      .Đến An Dương Vương mà còn có người cho là giặc thì vấn đề còn lôi thôi lắm (Bu đã đọc bài An Dương vương bên trang của bạn).

      Xóa
  16. Việc cụ Phan Khôi nói các sử gia đã giải quyết rồi bác Bu ạ, tuy nhiên, cũng còn có người nghĩ theo cách của cụ Trần Trọng Kim, nhưng là ý kiến ngoài chính thống.
    Vụ này lại xới lại mấy chữ Nam Việt Triệu Tổ của em... Các đàn anh vẫn ngậm miệng hết mwois buồn chứ ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Bu đọc Lê Mạnh Thát thấy bảo thiếu vua thì nói chuyện thừa vua cho nó tương phản..Chớ cũng biết là một vài quyển sử đã kết luận về Triệu đà rồi cụ thể là
      - Lịch sử Việt Nam in lần thứ 2 năm 1976 của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam do viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn chỉ đạo và viết lời giới thiệu
      - Lịch sử Việt Nam của Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quúoc Vượng, Lương Ninh, do nxb Đai học và Trung học chuyên nghiệp ấn hành năm 1983.
      2- Tuy nhiên phải nói rằng khi xuất bản các quyển sử như ĐVSKTT, KĐVSTGCM, VNSL...không có nhà sử học nào viết lại lời giới thiệu để nói cho rõ

      Xóa
  17. Phusa chưa bao giờ nghe nói Triệu Đà là vua nước Việt mà trong ký ức phổ thông của mình thì Triệu Đà chỉ là vua sứ Tàu đã âm mưu cướp nỏ thần của An Dương Vương trong truyền thuyết " TRỌNG THUỶ MỴ CHÂU" để ông phải tự sát, đó là trong Sgk cấp 1-PS nghĩ truyền thuyết nghĩa là hư cấu ít nhất 50% nên cũng không nghĩ là nhũng nhân vật này có thật, sao lại có thể nghĩ TĐ là vua chứ? Còn sau này học LS cũng không nghe nói TĐ là vua nước Việt bao giờ .
    Bác Bu quả thật là người xuôi thông kinh sử, đáng nể quá

    Trả lờiXóa