Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014


THƯA THẦY THÍCH NHẤT HẠNH (1)




Bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh



1- Tôi đọc bộ “Việt Nam Phật giáo sử luận” của thầy và rất tán đồng nhận xét của giáo sư Nguyễn Huệ Chi “Việt Nam Phật giáo sử luận  không có gì khác hơn là cũng cố niềm tin của bạn đọc vào các truyền thống văn hóa tốt đẹp, lâu đời của dân tộc chúng ta. Đó hiển nhiên là một định hướng chính xác”.  Ở một nơi khác  giáo sư Huệ Chi viết “Ý kiến Nguyễn Lang (1) không mấy khi làm người đọc khó chịu, dù có thể chỗ này chỗ khác vẫn chưa tán đồng…”.  Với tôi, khó chịu đến mức phản ứng thì không nhưng lấn cấn, vướng mắc thì có.  Ở trang 80 tập một, thầy viết “Có người hỏi nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật. Mâu Tử trả lời là “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, không phải phương thuốc nào thần diệu cũng do Biển Thước chế ra. Chu công xem Lão Đam như bậc thầy những điều này có được chép trong bảy kinh đâu?”
2- Câu trả lời của Mâu Tử không ăn nhập gì với câu hỏi. Hỏi tại sao các ông Nghiêu Thuấn, Chu Công, Khổng Tử, không theo đạo Phật thì lại trả lời tréo cẳng ngổng rằng không phải quyển kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, phương thuốc nào hay cũng do Biển Thước chế ra.
2- Nếu bảo người hỏi thiếu kiến thức lịch sử sợ thất thố với thầy Nhất Hạnh, với vong linh thầy Mâu Tử.  Nhưng vẫn nghĩ bụng, đáng lẽ thầy Mâu Tử phải trả lời đại ý rằng: Nghiêu Thuấn là hai ông vua được người Tàu tôn lên bậc thánh. Nghiêu (2356) tcn, Thuấn (2255) tcn, trong khi đó Thích Ca (563) tcn. Tức là Nghiêu Thuấn có trước Thích Ca khoảng 1800 năm, vậy làm sao mà bảo Nghiêu Thuấn theo đạo Phật cho được?  Đạo Phật có ở Ấn Độ gần như cùng thời với Khổng giáo ở bên Tàu. Nhưng Khổng Tử qua đời khoảng 650 năm (vào hạ bán thế kỉ thứ 2 scn) thì đạo Phật mới có mặt ở Bành Thành nước Tàu, vậy làm sao bảo Khổng Tử nói đến đạo Phật trong kinh truyện của mình cho được ???
3- Không hiểu sao Mâu Tử  còn nói “Chu Công xem Lão Đam như bậc thầy, những điều này có được chép trong bảy kinh đâu”.  Chu Công mà Mâu Tử nhắc đến là Chu Công Đán, người đã có công giúp Chu Vũ Vương lập ra nhà Chu (1122 - 256) tcn. Rõ ràng Chu Công Đán phải là người trưởng thành trước năm 1122 tcn, tức vào khoảng 1152. Trong khi đó Lão Đam tạm cho là cùng thời với Khổng Tử (551- 479), thì Chu Công có trước Lão Đam khoảng 650 năm.  Như vậy làm sao có chuyện “Chu Công xem lão Đam như bậc thầy” được
4- Mâu Tử vốn người Quảng Tây, cùng mẹ chạy loạn sang định cư và nhập tịch đất Giao Châu. Ông học rộng biết sâu, rất thông hiểu Khổng giáo, Lão giáo, nhưng lại là một Phật tử thuần thành. Ông viết sách Lý Hoặc Luận vào khoảng cuối thế kỉ thứ 2 scn, nhằm làm tiêu tan các mối nghi hoặc về đạo Phật.  Lý hoặc Luận của Mâu Tử là tác phẩm nói về Phật giáo đầu tiên của Giao Châu còn lưu lại đến ngày nay.
5- Thưa thầy Thích Nhất Hạnh, một học gỉa uyên bác cở Mâu Tử không thể không thông hiểu lịch sử. Vậy đoạn trích dẫn của Thầy làm người đọc là tôi đây rất lướng vướng, mong được thầy hoan hỉ giải đáp cho.

----------
 (1) Nguyễn Lang là Thiền sư  Thích Nhất Hạnh

49 nhận xét:

  1. Món này mình không sành, nên không dám có ý kiến gì. Nhưng tin chắng chắn rằng : Cài gì BU thích đều là điều tốt lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Nguyễn Hữu Toàn đã nhanh chân đọc bài này. Đợi thầy Nhất Hạnh khỏe bu sẽ tìm cách gửi cho thầy đọc, và giải đáp cho. Hữu Toàn mở blogspot mà trao đổi cho vui...

      Xóa
  2. Nhờ bác Bu khai sáng, em hiểu thêm một chút về sử luận. Cảm ơn bác Bu. Chúc bác buổi tối an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu bài viết làm cho Yên Vũ hiểu thêm cái gì đó thì bu tui cũng vui lắm
      Chúc Yên vũ vui tươi xinh đẹp mãi hoài

      Xóa
  3. Mục sở thị tủ sách khá đồ sộ của bác Bu rồi nên Giáo ko ngạc nhiên khi bác thông kinh sử như vậy! Pà kon chờ nghe thầy TNH trả lời nhe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Huhu thầy đang bệnh ở bên Tây, mong thầy chóng bình phục để khai sáng chúng sinh

      Xóa
  4. Hì hì, đúng, người hỏi câu đó có thể không rành niên đại của Nghiêu, Thuấn, Thích Ca hay Khổng Tử mới hỏi như thế, nhưng chẳng lẽ một người như thày Nhất Hạnh lại không biết để trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi? Nhưng câu liền ngay sau câu hỏi: "Mâu Tử trả lời là “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, không phải phương thuốc nào thần diệu cũng do Biển Thước chế ra. Chu công xem Lão Đam như bậc thầy những điều này có được chép trong bảy kinh đâu?” là câu Mâu Tử trả lời ai? về chuyện gì? Câu hỏi như thế nào? Trong trường hợp nào? Thì ta lại chưa biết, và khi thày NH đưa vào dùng như câu trả lời theo tôi có thể có một "ẩn ý" nào đó chăng? Bởi thày NH là "Thiền sư", mà nhiều khi tôi đọc thấy những vị Thiền sư ngày trước ăn nói (khi thuyết trước chúng), trả lời câu hỏi, hoặc có những hành động nhiều khi ta không hiểu được. Có phải thế chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đọc kỹ lại đoạn câu hỏi và câu trả lời hình như nhận ra rằng đây là câu hỏi của người cùng thời với Mâu Tử hỏi Mâu Tử, và Mâu Tử đã trả lời như thế chứ không phải là câu của ai đó hỏi thày NH và thày NH lấy một câu của Mâu Tử để trả lời. Nếu vậy thì tôi phải xem lại quyển VN Phật giáo sử luận mà tôi có trên kệ sách, xem đoạn câu hỏi và trả lời ấy đầu đuôi thế nào? Quyển của tôi in ba quyển nhập thành một khác của bác Bu, cho nên tìm cũng hơi khó.
      Nhưng theo như mục ghi số 5- (mục cuối cùng ở bài viết), thì bác Bu cũng hỏi là đoạn trích dẫn câu hỏi và câu trả lời của Mâu Tử làm bác Bu cũng rất lướng vướng, và mong được thày NH hoan hỉ giải đáp. Bây giờ khó rồi bác Bu, thày NH vừa qua ngã bệnh, thày sinh năm 1926 (bằng tuổi ông cụ của tôi), năm nay đã sắp 90 khó có thể trả lời được, vả lại quyển sách này thày NH viết từ trước năm 1975, có khi những chi tiết này thày chẳng còn nhớ nữa ấy chứ, :-)))

      Xóa
    2. - Bu đã có viết đại thể: Người được Mâu Tử trả lời và sử sách ghi lại hẳn phải là một học giả. Ông này chắc phải có ẩn ý gì đó cao siêu thâm trầm lắm lắm, như là một công án thiền chăng? Nhưng sau đó bỏ ý này đi mà nói thẳng là một sự tréo cẳng ngổng hihi

      Xóa
  5. Theo lời giới thiệu của Gs Huệ Chi thì sách này đã được in từ năm 1973 ở bên Pháp đến năm 1994 thầy Nhất Hạnh sửa chữa và in lại ở Việt Nam. Đọc lời giới thiệu mới phục ông Huệ Chi quá giỏi. Rõ ràng người hỏi cùng thời với Mâu Tử, nhưng câu hỏi chứng tỏ ông ta không biết gì về các nhân vật lừng lẫy của lịch sử. Mâu tử cũng nói trật về Chu Công và Lão Đam. Giỏi như thầy TNH biết thừa chuyện này sao không ghí chú cho chúng sinh hiểu nếu sự hỏi và trả lời có ẩn ý gì đó Bu tui cho là thầy sơ suất. Mà PNH à bu tui định nói về vụ này khi mới mua sách cách nay khoảng 10 năm hihi.
    (sách mới ở trang 80 cuối mục NHỮNG CĂN BẢN VỀ GIÁO LÝ sát mục tiếp theo PHÁ MẶC CẢM TỰ TÔN VỀ TRUNG QUỐC)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thiết nghĩ đối với câu hỏi của người hỏi và câu trả lời của Mâu Tử (câu hỏi và câu trả lời cùng thời, nghĩa là vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 CN), lúc ấy Phật giáo mới du nhập vào Trung Hoa và Việt Nam chưa lâu, thời ấy sách vở, thông tin không nhiều, có những điều bây giờ ta thấy rõ ràng, đơn giản, chỉ cần giở sách hoặc tra trên mạng là biết ngay, nhưng cách nay gần hai ngàn năm thì muốn hiểu được không hề đơn giản.

      Ngay cả cái hiểu biết về PG thời Mâu Tử có khi cũng không thể bằng như cái hiểu biết về PG thời nay của bác Bu, vì đơn giản làm sao người thời ấy có được mấy quyển sách, hay kinh sách PG để mà tìm hiểu? Có lẽ khi đặt vào hoàn cảnh của người hỏi và người trả lời, ta sẽ lý giải được.

      Xóa
    2. Và những vấn đề khác tôi nghĩ cũng thế, cái quan trọng nhất là có được những thông tin cho dù là đơn giản bây giờ ai cũng biết thì cách nay cả ngàn năm là cực khó.

      Xóa
    3. Cảm ơn PNH đã đọc kĩ và có những nhận định gợi mở để trao đổi thêm.
      1- Về người hỏi thì bu nhất trí như PNH là anh ta thiếu thông tin. Nhưng người trả lời là Mâu tử thì hoàn toàn khác. Mâu tử (sinh khoảng 165 -170 cn) theo thầy TNH ông họ Mâu, tử là người có học, như ta nói Lão tử, Khổng tử, Trang tử. Tức là không chỉ có học mà ông ấy vào loại rất uyên bác. Trước khi là Phật tử Mâu tử thông thuộc Khổng Giáo và Lão giáo. Ông dùng kiến thức Khổng Lão để giải thích đạo Phật hùng biện đến nỗi có người nghi “Lời của ông giải thích đạo Phật sáng sủa đẹp đẻ, tôi nghi đó là do sự khéo léo của ông chứ không phải là do đạo Phật hay” (trang 80 tập I). Thầy Nhất Hạnh viết ở trang 38: “Người Phật tử này học Phật tại Giao Châu và viết quyển sách kia (tức Lý hoặc Luận, bu chú thêm) để đáp lại những kích bác về Phật giáo của những người không theo đạo Phật” . Sau khi Hán Linh đế qua đời, nước Tàu loạn, rất nhiều các bậc thức gỉa chạy sang định cư ở Giao Châu “Mâu tử thường đem ngũ kinh ra Vấn nạn nhiều đạo gia và thuật sĩ không làm sao mà đối đáp được” (trang 38). Nói sơ sơ vậy để thấy Mâu tử cực giỏi, cớ sao ông không chấn chỉnh cho người hỏi, thậm chí còn nói “Chu công xem Lão Đam là bậc thầy”??
      2- Đáng tiếc là thầy Nhất Hạnh không chú thích gì về đoạn này, và siêu giỏi như Gs Huệ Chi cũng không đề cấp đến.

      Xóa
    4. Tôi vẫn nghĩ với một người đặt câu hỏi cho Mâu Tử thì không phải là dở, người này cũng phải thân cận với Mâu Tử. Bác Bu cứ thử nghĩ xem, Phật giáo cách nay 100 năm đã khác PG bây giờ, cái hiểu của từng thời kỳ cũng có khác. Mâu Tử có thể hiểu làu làu Tú thư, Ngũ Kinh, Kinh dịch, nhưng có khi lại nói trái đất hình vuông chứ không phải hình tròn, là điều mà một học sinh lớp 5 bây giờ cũng biết.

      Cho nên tôi vẫn nghĩ muốn hiểu được những gì thời Mâu Tử, thời Thích Ca, thời Chúa Jesus tại thế... cần phải đặt mình vào không gian, thời gian, cái tri thức, bối cảnh lịch sử của thời đó...

      Xóa
    5. Như bu tui đã nói người hỏi có thể thiếu thông tin nhưng siêu như Mâu Tử thì biết được người hỏi nhầm lẫn chỗ nào và sửa lại cho họ.
      Còn muốn biết Mâu tử giỏi tới mức nào thi PNH đọc lại phần nói về Mâu Tử ở VNPGSL của Nguyễn Lang

      Xóa
    6. Tôi nghĩ như trên bởi vì bây giờ ta thấy sách vở, thông tin nói Chu Công là Chu Công Đán, người sống ở thời mà bác Bu đã viết: "Rõ ràng Chu Công Đán phải là người trưởng thành trước năm 1122 tcn, tức vào khoảng 1152. Trong khi đó Lão Đam tạm cho là cùng thời với Khổng Tử (551- 479), thì Chu Công có trước Lão Đam khoảng 650 năm. Như vậy làm sao có chuyện “Chu Công xem lão Đam như bậc thầy” được". Và cũng như bác Bu đã cho biết, Mâu Tử thông thuộc làu làu kinh sử Trung Hoa thì lẽ nào lại không biết điều đó?
      Như vậy chỉ còn một cách suy luận là biết đâu ở thời Mâu Tử thì khi nói Chu Công không phải là ám chỉ Chu Công Đán?, người sống trước Lão Tử, mà Mâu Tử nói một "Chu Công" nào đó sống sau Lão Tử? Ngày xưa có cách nói kiểu như "Chu Công", mà không nói rõ tên họ khiến ngày nay mù mịt thế đó bác Bu, hihi!

      Xóa
    7. Tôi thử xem lại Sử ký Tư Mã Thiên trong mục Truyện Lão Tử, thấy chép Lão Tử làm quan sử giữ nhà chứa sách của nhà Chu, ông ở nhà Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi. Cho nên câu Mâu Tử nói "“Chu Công xem Lão Đam như bậc thầy, những điều này có được chép trong bảy kinh đâu” mà bác Bu đã trích dẫn bên trên, tôi nghĩ Chu Công mà Mâu Tử nói đến ở đây là vị Vua nhà Chu ở thời mà Lão Tử làm quan giữ nhà chứa sách của nhà Chu, chứ không phải là Chu Công Đán người sử sách nói sống trước đó đến cả gần ngàn năm.

      Xóa
  6. Hihi bàn thảo chán lại đẻ ra vụ Chu Công là ai. Theo bu tui Chu Công mà Mâu tử nhắc đến là ông Cơ Đán có công quá Lớn với nhà Chu nên gọi là Chu Công:

    Chu Công (chữ Hán: 周公), tên thật là Cơ Đán, là công thần khai quốc nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công giúp Chu Vũ Vương (Cơ Phát) lập ra nhà Chu (1122 - 256 trước Công nguyên), giành quyền thống trị Trung Hoa từ tay nhà Thương. Sau khi Chu Vũ Vương chết, Cơ Đán đã giúp vua mới là Chu Thành Vương xây dựng và phát triển nhà Chu thành một nước mạnh mẽ và có công xây dựng nên nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ trong quá khứ. Công lao to lớn của Cơ Đán với sự phát triển của văn hóa Trung Hoa khiến người ta gọi ông bằng chức vụ là Chu Công (quên đi cái tên Cơ Đán), khiến cho nhiều người lầm tưởng Chu Công là tên thật của ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi vừa thêm bên trên thì thấy còm tiếp của bác Bu, hihi, bàn tới lui như thế mới... khoái bác Bu, ít nhất là nó khiến cho đầu óc ta phải hoạt động.
      Theo bác Bu thì "Chu Công mà Mâu tử nhắc đến là ông Cơ Đán có công quá Lớn với nhà Chu nên gọi là Chu Công". Nếu vậy thì rõ ràng là ông Chu Công (Cơ Đán) này sống trước Lão Tử cả 650 năm làm sao biết Lão Tử?
      Mà Sử ký Tư Mã Thiên chép Lão Tử làm quan sử dưới thời nhà Chu, sau thấy nhà Chu suy mà bỏ đi, thì tôi mới nghĩ Chu Công mà Mâu Tử nói đến phải là người cùng thời với Lão Tử, chứ không phải là Chu Công (Cơ Đán) mà sách vở nhắc đến dưới cái tên Chu công.

      Xóa
  7. Tôi đã tìm ra đoạn mà bác Bu trích dẫn câu hỏi và câu trả lời của Mâu Tử bên trên trong sách tôi có (3 tập nhập 1 do NXB Văn Học xuất bản năm 2011). Đọc nguyên cả đoạn dài mấy trang sách, trong đó có những câu hỏi khác nữa hỏi Mâu Tử, thì tôi thấy câu trả lời của ông không đi thẳng vào vấn đề của người hỏi (trả lời trực tiếp), mà thường dùng lối nói ẩn dụ, so sánh để trả lời, chẳng hạn có người hỏi Mâu Tử tại sao Phật tử luôn luôn nói rằng vô vi của Phật không phải là vô vi của Lão, sao cần phân biệt như vậy? Mâu Tử trả lời: "Nếu ta chỉ gọi chung các thứ cỏ là cỏ, thì ta đâu thấy các loài cỏ khác nhau. Nếu ta chỉ gọi chung các kim loại là kim loại, thì ta đâu thấy các kim loại khác nhau. Sự vật có thể đồng loại nhưng dị tính".

    Cũng có câu hỏi khác: Tại sao học Phật rồi còn phải học kinh truyện làm gì nữa? Mâu Tử trả lời: "Khi người ta khát, người ta không đợi phải gặp sông Dương Tử hay Hoàng Hà mới uống. Gặp giếng hay gặp suối người ta cũng có thể uống để hết khát rồi".

    Như vậy câu trả lời của Mâu Tử trong entry của bác Bu, cũng là một câu trả lời theo lối ẩn dụ, so sánh, chứ không phải là câu trả lời trực tiếp. Tôi nghĩ tôi cũng có thể lý giải theo cách hiểu của mình.

    Trả lờiXóa
  8. Lại được anh Bu giới thiệu thêm một bài viết thật hay về Triết Lý của nhà Phật qua Thầy Thích Nhất Hạnh , quả thật em mới được thâm ý hơn về Đạo Phật của mình . Cảm ơn anh Bu nhiều lắm anh Bu nhé . Dạ , em cũng nghe nói Thầy đang bị bệnh , nhưng Thầy đã đỡ nhiều rồi đó anh Bu ơi ..

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn bác Bu về bài viết rất thú vị !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu vui mừng thấy bác Vũ Nho sang đọc.
      Cách nay gần 10 năm bu đã định viết, đến nay động bút thì thầy Nhất Hạnh ốm. Có lẽ chờ thầy khỏe mạnh bu sẽ tìm cách gửi tới thầy.

      Xóa
  10. Bác Bu viết chậm vì mãi lo "thai nghén" đề tài chứ entry nào ra cũng đều rất thú vị. Vụ này chắc chúng ta nói với nhau chứ "Thiền sư" Nhất Hạnh sợ không qua khỏi rồi, nếu ngài khỏe lại cũng chưa chắc đủ minh mẩn để trả lời. Nam mô A Di Đà "Bụt"! PS: Cmt này có 3 chỗ trong ngoặc kép ("..."), hai chỗ sau là của thầy NH.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải thai nghén chi mô, chẳng qua thấy "Phây búc" cứ phây phây như các em chân dài 17,18 thì định sang đó cho vui hihi

      Xóa
  11. Tuyệt !!! Nam mô A di đà Bụt
    Thầy Nhất Hạnh kiêng kị chữ Phật mà chỉ nói Bụt
    Nhưng sách ông lại KHÔNG có tựa đề "VIỆT NAM BỤT GIÁO SỬ LUẬN" mà "VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN" ...chờ thầy khỏe để hỏi hihi

    Trả lờiXóa
  12. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  13. (Comment dài, xin đăng nhiều lần liên tiếp)

    Thưa hai Bác Bulukhin và Phạm Ngọc Hiệp, theo dõi cuộc đàm đạo sâu cao và thú vị của hai Bác, Ruchung tôi xin góp vài thiển ý, mong hai Bác vui lòng chỉ giáo:

    1.Vấn đề bác Bu nêu ra trong entry là rất thú vị và sự phản biện với 10 năm cân nhắc của Bác Bu về niên đại của Nghiêu (2356 tcn), Thuấn (2255 tcn), Khổng Tử (551- 479 tcn) và Đức Phật(525 tcn thuyết pháp) trong“Việt Nam Phật giáo sử luận” cũng rất chí lý. Tuy nhiên, xem kỹ, đó là phản biện chỉ dựa trên bề mặt ngôn từ của văn bản mà thôi. Câu chuyện trong lời chất vấn tưởng như bất thường này không nằm ở bề mặt ngôn từ của nó, vì Ruchung tôi tin rằng đối với bộ ba kỳ nhân: Người chất vấn, Mâu Tử và Thích thiền sư, thì vấn đề niên đại của các bậc thánh, hiền, tiên, phật chỉ là …chuyện nhỏ, không thể mê lầm. Phàm nhân như Ruchung tôi mà cũng chỉ cần vài mươi phút tra cứu thì mọi chuyện đã minh bạch rồi, phương chi…

    2. Câu hỏi ai đó chất vấn Mâu Tử cũng thật là cắc cớ: “Nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật.”. Để lách qua bề mặt ngôn từ của câu hỏi, nhằm thoát khỏi sự “vô lý” về niên đại của nó, theo Ruchung tôi cần chú ý đến khái niệm ĐẠO PHẬT (chứ không phải ĐỨC PHẬT) được sử dụng có chủ ý trong câu hỏi. ĐỨC PHẬT là ngài Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm), người Ấn Độ, sáng lập ra Đạo Phật, Ngài có ngày sinh, ngày xuất gia, ngày đốn ngộ và ngày viên tịch xác định ( khoảng TK VI hoặc V tcn). Do vậy, rõ ràng nếu hỏi: tại sao Nghiêu, Thuấn, Chu công, Khổng Tử không nói đến ĐỨC PHẬT (cùng sản phẩm Đạo Phật của ông) và cũng không theo ĐỨC PHẬT (cùng sản phẩm Đạo Phật của ông) thì đúng là câu hỏi thậm vô lý về niên đại và theo đó, sự phản biện của Bác Bu là hoàn toàn thỏa đáng. Tuy nhiên, câu hỏi lại đề cập đến ĐẠO PHẬT (chứ không phải ĐỨC PHẬT), chính vì thế , theo Ruchung tôi, từ đây nó không còn liên quan gì đến niên đại nữa mà xuyên thời gian mất rồi ! Tại sao lại như thế? Để giải quyết vấn đề này, cần phải đề cập đến một số thông tin về tư tưởng/tôn giáo bản địa Trung Hoa, về lòng tự tôn Trung Hoa, về sự du nhập của Đạo Phật vào Trung Hoa… trước đã.
    (Còn nữa)

    Trả lờiXóa
  14. (Tiếp theo)

    3. Dân tộc Trung Hoa tin rằng hoàng kim thời đại của họ là thời Nghiêu, Thuấn, hai ông vua mà họ tôn là bậc thánh. Người đời, thảy đều khen sự nghiệp của Nghiêu, Thuấn “vòi vọi, vĩ đại như trời”. Sau đó, thời tiên Tần lại ồ ạt xuất hiện các triết gia, bậc thầy, bậc “chư tử” lớn nhất của Trung Quốc : Khổng tử, Mặc Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…với những tác phẩm chứa đựng những tư tưởng, những sáng tạo vượt tầm thời đại. Người đời sau ngưỡng mộ gọi thời kỳ này là thời “tử học”, gọi những tác phẩm lớn của các chư tử là “kinh”. Trong số các “chư tử” này, nổi bật nhất là Khổng Tử gắn liền với Khổng Giáo và Lão Tử gắn liền với Lão Giáo. Đạo Khổng hữu vi, tích cực, Đạo Lão vô vi thâm thúy, minh triết, hai đạo bổ túc lẫn nhau, như mặt trăng và mặt trời, tạo nên nền triết học cổ đại Trung Quốc rực rỡ. Với nền văn minh sớm phát triển mang tầm nhân loại, với các bậc thánh Nghiêu, Thuấn, các bậc chư tử Chu Công, Khổng, Lão…Người Trung Hoa tự cho mình là xứ văn minh ở trung tâm không chỉ của con người, mà còn của "trời đất”, đó là cảm thức tự hào, tự tôn dân tộc , tự hào, tự tôn hệ tư tưởng Chu, Khổng chính đáng của người Trung Quốc. Tuy nhiên họ đã quá khích khi dựa vào đó xem những dân tộc ngoài cõi của mình đều là những Di Địch, Man Di chưa tiến hóa, cần phải đem văn minh Trung Hoa đến để giáo hóa. Chính cảm thức tự tôn quá khích này đã đem đến cho người Trung Quốc sự mê lầm xem thường các sản phẩm tư tưởng tuyệt vời của xứ khác, trong đó có ĐẠO PHẬT của Ấn Độ.

    4. Thuyết phổ thông nhất được coi là thuyết công truyền ở Trung Quốc cho rằng Phật giáo bắt đầu vào xứ này từ đời Minh đế, năm 67 đầu công lịch. Cũng từ đó, Đạo Phật gặp rất nhiều thử thách từ sự tự tôn dân tộc, sự tự tôn hệ tư tưởng Chu, Khổng của người Trung Quốc. Với kẻ sỹ Trung Quốc, như mặc định, những gì ngoài các “kinh” (tác phẩm) của Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng và các chư tử khác, đều bị cho là Dị giáo, Tà giáo và thấp kém, đáng tẩy chay. Hơn thế nữa, đa số hệ tư tưởng cổ đại Trung Quốc mà tiêu biểu là Khổng giáo có thái độ nhập thế, trong khi đó thì Đạo Phât lại có thái độ xuất thế, nên thật khó điều hòa. Do đó, suốt thời gian xâm nhập vào xứ Khổng giáo này, Đạo Phật đã gặp rất nhiều cấp độ phản ứng từ thờ ơ lạnh nhạt, đến chất vấn phản biện (như phản ánh trong “kinh” LÍ HOẶC LUẬN của Mâu Tử mà bác Bu đề cập), thậm chí cả gặp nạn ở tầm quốc gia. Lịch sử ghi nhận trước sau Đạo Phật gặp nạn bốn lần (gọi là tứ pháp nạn) ở Trung Quốc do bị vua phế vì cho là có hại cho văn hóa, quốc gia ở các đời Bắc Ngụy, Bắc Chu, Đường và Hậu Chu. May thay, ở xứ này, Đạo Phật đã gặp được một chiếc phao cứu sinh quý giá đó là Đạo giáo của Lão Tử. Hai đạo này có những điểm giống nhau: đều xuất thế, thờ phụng, trầm tư, hướng về Tây phương cực lạc…do đó tín đồ Đạo giáo cho rằng Phật với Lão là một và là những người Hán đầu tiên theo Đạo Phât, dần đem Đạo Phật đến sự phát triển cực thịnh ở đời Đường, hơn cả ở Ấn Độ.

    Trả lờiXóa
  15. (Tiếp theo)

    5. Đến đây, việc lách qua bề mặt ngôn từ của câu hỏi: “Nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật.” nhằm thoát khỏi sự “vô lý” về niên đại của nó cần xác định thêm một dữ liệu nữa: người chất vấn Mâu Tử là ai? Dĩ nhiên ông phải là người cùng thời với Mâu Tử và quan trọng hơn, với câu hỏi nhằm bài bác Đạo Phật này cho thấy ông là một tín đồ Khổng Giáo thuần thành! Xuất phát từ tư tưởng “trung tâm thiên hạ”, cũng như các Nho gia khác, với ông chỉ có Nghiêu, Thuấn, Chu Công , Khổng tử và các “kinh” (tác phẩm) của họ, trong đó có Khổng Giáo là nhất thiên hạ là tuyệt đích mà thôi! Ông coi tài năng bất biến và không ai sánh nổi của Nghiêu, Thuấn, Chu Công , Khổng tử là “phương tiện đo” để đo lường giá trị của những tư tưởng hiện hành. Phàm là những gì mà Nghiêu, Thuấn, Chu Công , Khổng tử không viết ra trong kinh truyện của họ là do thứ đó vô giá trị và thấp cấp nên các thánh không (thèm) viết mà thôi. Như vậy, theo người chất vấn Mâu Tử và các tín đồ Khổng giáo thì các Đạo ( Khổng, Lão, Phật…) là thứ có sẵn trong trời đất, có sẵn trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thế lực vô hình mà Nghiêu, Thuấn, Chu Công , Khổng tử , với nhãn quan thần thánh của mình đã lựa chọn những gì tinh túy nhất viết ra thành kinh sách để giáo hóa thiên hạ, trong đó các Ngài đã không lựa chọn Đạo Phật ( không nói đến đạo Phật trong kinh truyện) . Vậy nên qua câu hỏi “Nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật.” người chất vấn đưa ra một thông điệp ngầm nhưng rất rõ ràng rằng: “ Do đạo Phật không quan trọng (bằng Khổng giáo và các Đạo khác) nên Nghiêu, Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không (thèm) nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không (thèm) theo đạo Phật mới còn đó để sau này Tất Đạt Đa Cồ Đàm viết ra!. Như vậy, hà tất phải theo Đạo Phật. một thứ không quan trọng, một thứ Dị giáo!”. Rõ ràng ở đây niên đại không còn ý nghĩa vì sự thật là không ai đề cập đến niên đại cả.

    6. Về câu trả lời của Mâu Tử : “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật…” mà bác Bu cho là tréo cẳng ngỗng, không ăn nhập gì với câu hỏi, theo Ruchung tôi đó là cách trả lời bắc cầu đầy ngụ ý thường gặp của các bậc nho học. Mâu Tử đã tự tin dùng một sự thật hiển nhiên này để ám chỉ đến một sự thật hiển nhiên khác, không cần phải tốn công nói ra mà người đối thoại, một nho gia, ắt phải tự hiểu. “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật…” là một sự thật hiển nhiên, bằng chứng là cuốn “Đạo đức kinh”, một tác phẩm (kinh) thuộc hàng lí thú hấp dẫn nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại , ai cũng biết, là do Lão Tử viết ra. Chỉ cần như thế là đủ, vì từ đây người đối thoại sẽ hiểu “ Đạo Phật không phải do Khổng Tử tác thuật nhưng phông phải vì thế mà nó không hay, không phải vì thế mà nó là Tà Đạo!”
    Sau cuộc đối thoại này, người chất vấn đã gia nhập Phật giáo và trở thành một tín đồ Phật giáo thuần thành đấy Bác Bu a.

    7. Ruchung tôi ở nơi biên viễn, xa các trung tâm Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, thiếu thông tin và “không khí” trao đổi, bất quá cũng là Di Địch của các nơi ấy, nếu có gì sàm ngôn mong các bác Bulukhin, Phạm Ngọc Hiệp, Nano lượng thứ và chỉ giáo.

    (Hết)

    Trả lờiXóa
  16. Cám ơn bác Ruchung đã nhắc đến. Tôi cũng đã đọc kỹ hết những comments của bác Ruchung, và nhất là đã đọc kỹ chương thày Nhất Hạnh đã viết về Mâu Tử và tác phẩm Lý Hoặc Luận của ông trong VN PG sử luận. Phải đọc kỹ nguyên cả chương này thì may ra ta mới hiểu được tổng thể của vấn đề, như Mâu Tử và người hỏi là ai (xin không nhắc lại vì thêm dài dòng)? Sống ở thời nào, ở đâu? Trong Lý Hoặc Luận chỉ có một câu hỏi như thế hay còn nhiếu câu hỏi khác? Cái khuynh hướng hỏi và trả lời trong Lý Hoặc Luận như thế nào? Chứ nếu chỉ mang mỗi một câu hỏi và câu trả lời ra bàn như trên thì tôi e rằng như chuyện sờ voi ấy, chỉ nắm được mỗi cái tai voi, hoặc chân voi rồi suy đoán là con voi tựa như cái quạt lúa, hay tựa như cái cột nhà.

    Sau khi đọc kỹ như tôi đã viết thì tôi nhận thấy:

    1- Mâu Tử là một người uyên bác, sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 2, ông thông hiểu Lão, Nho, Ngũ kinh, sang xứ Giao Châu học thêm Phật và cũng rất giỏi, lúc ấy ở Giao Châu đạo Phật đã phát triển..
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. (Tiếp)

      2- Người hỏi câu trên (và nhiều câu khác nữa), là người cũng giỏi về Khổng, nhưng không rành về đạo Phật. Câu hỏi mang tính "bài bác" đạo Phật. Tôi nói câu này bởi lẽ:
      a/ Người hỏi là người rành vể Nghiêu Thuấn, Chu Công, Khổng Tử( chắc chắn phải biết niên đại của những người này), nhưng không rành về đạo Phật. Theo sách vở thì đạo Phật vào Giao Châu hoặc Trung Hoa thời gian khoảng đầu thiên niên kỷ tức là đầu Công Nguyên, hoặc có trước một, hai thế kỷ đi nữa thì cũng SAU thời của Nghiêu Thuấn, Chu Công, Khổng Tử rất xa. Cái ý thứ nhì là câu hỏi mang tính bài bác đạo Phật. Tại sao đạo Phật quan trọng (hay) như thế (có lẽ là qua những gì Mâu Tử giảng giải về đạo Phật), thì tại sao những người hiền tài như Nghiêu Thuấn, Chu Công, Khổng Tử lại không biết?, như vậy là hàm ý chê đạo Phật.

      b/ Dĩ nhiên là Mâu Tử biết rõ ý định và hiểu biết về đạo Phật của người hỏi, khi Mâu Tử trả lời, có 2 ý trong đó:
      Ý thứ nhất:
      - “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, không phải phương thuốc nào thần diệu cũng do Biển Thước chế ra". Câu này ý nói "không phải cái gì hay, đẹp (kinh) cũng đều là do Khổng Khâu sáng tác, hoặc không phải phương thuốc thần diệu nào cũng đều do Biển thước chế ra". Ý này đối chọi lại với ý trong câu hỏi là "không nhất thiết triết lý quan trọng như đạo Phật mà những bậc hiền tài phải biết", cũng như "kinh hay không phải chỉ do Khổng Khâu, thuốc tốt không phải chỉ do Biển Thước".
      Ý thứ nhì:
      - "Chu công xem Lão Đam như bậc thầy những điều này có được chép trong bảy kinh đâu?”. Ở đây sau khi đọc kỹ tôi đồng ý với bác Bu Chu Công ở đây chính là Chu Công Đán, người sống trước Lão Tử rất xa. Nhưng tại sao Mâu Tử lại nói "Chu Công xem Lão Đam như bậc thầy", tức là biết Lão Đam? Như tôi đã đọc kỹ những câu trả lời khác của Mâu Tử trong Lý Hoặc Luận, thì thấy ông đã trả lời theo lối ẩn dụ, so sánh (như nhiều cách trả lời về câu hỏi trong sách Thiền, Phật giáo). Xem lại tiểu sử của Chu Công thì thấy cuối cùng thì Chu Công bỏ đi ở ẩn, sau khi giúp nhà Chu rất nhiều. Điều này cũng như Lão Đam về sau này đã đi ở ẩn sau khi đã ra làm chức quan giữ kho sách cho nhà Chu, và tư tưởng của Lão Đam (Lão Tử) như ta đã biết, xuyên suốt cái lý ẩn dật, sống xa rời danh lợi, hòa hợp với thiên nhiên. Sống trước Lão Đam mấy trăm năm, nhưng tư tưởng và hành động (ở ẩn) của Chu Công chẳng phải là đã giống như Lão Đam hay sao? Như vậy câu "Chu công xem Lão Đam như bậc thầy những điều này có được chép trong bảy kinh đâu?” có lý lẽ của nó chứ không nghịch lý hay vô lý (điều này làm sao bảy kinh chép được). Câu này rõ ràng cũng mang tính ẩn dụ, như những câu trả lời khác của Mâu Tử trong Lý Hoặc Luận.
      Cuối cùng như bác Ruchung đã viết bên trên, thì người đặt câu hỏi đã xuất gia sau khi đã nghe Mâu Tử trả lời. Trong sách thày Nhất Hạnh cũng cho biết như thế.

      Sau hết là nhân việc bác Bu viết điều này ra mới có chuyện để bàn chơi (tán dóc) với anh em, hihi, chứ đợi thày Nhất Hạnh khỏe thì chắc lâu quá, mà cho dù có khỏe cũng khó lòng thày "để ý đến" câu hỏi của bác Bu (cũng như của anh em mình) để mà trả lời.

      Xóa
    2. KÍNH THƯA HAI BÁC RUCHUNG VÀ PNH, thưa bác NANO

      Bu tui vô cùng hoan hỉ thấy hai bác đã đọc và bình phẩm kỹ càng bài viết của bu. Giờ này đây bu tui phải uống thuốc cảm liều cao để khăn gói ra Hà Nội dự lễ cưới con một người bạn. Do vậy chưa thể hầu chuyện hai bác cho có đầu có đuôi được. Sau khi hồi hương bu tui sẽ có lời thưa lại, Sợ lúc đó các bác quên mất bu tui thì buồn lám
      2- Bác Na No có vào đọc nhưng chưa chỉ bảo gì. Biết bác đang lão thể bất an nhưng đọc ba thứ này xem như vận động bộ óc không có gì tổn hai. Mong bác chiếu cố cho
      3- Cái xì pót này đang buổi chợ chiều, người ta đổ xô sang Phây búc. Bởi vậy các bác tham gia làm nóng cái xì pót nay lên cũng là góp phần duy trì và chấn hưng văn hóa bờ lốc vậy.
      Tạm biệt các bác

      Xóa
  17. Đọc bài này và các lời bình, quả thật là thú vị bạn Bu à.
    Tôi nghĩ 'thiền sư' khi nhìn cái gì thì phải nhìn bằng 'tâm nhãn', viết, chủ yếu là viết 'tư tưởng' chứ không phải là tư liệu, mà tôi thấy các nhà nghiên cứu của mình trước đây, viết cái gì cũng phải dựa lưng tư tưởng Tàu một tí! (cũng như các nhà nghiên cứu 'lề phải' phải dựa hơi triết học Mác-Lênin một tí!), cái đó làm sao mà dẫn người đọc (và cả ta) thấy được cái 'đạo' được!
    Tôi sẽ rất tức cười nếu có ai hỏi 'đạo Phật hay vậy sao không thấy nói trong kinh Thánh?', hay 'Đạo Thiên Chúa hay vậy sao không thấy nói trong kinh Phật?', 'đạo TC có 2 tỉ tín đồ nên 'hay' hơn đạo Phật - có 1 tỉ tín đồ !', v..v..., cái đó được bạn Phạm Ngọc Hiệp gọi là 'người mù sờ voi' (cười), vì đạo nào cũng là đạo, cái gì đã gọi là 'đạo' thì phải hàm chứa (các) chân lý, vì thế, chúng chỉ là một, nếu nhìn bằng tâm nhãn.
    Bình tí cho vui thôi bạn Bu à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng mà Nha Gom La Bang VN à, quyển sách của thầy Nhất Hạnh là Việt Nam Phật giáo sử luận, nôm na là luân về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đã là sử thì phải dùng đến tư liệu lịch sử. Điều này được Gs HUỆ CHI nói rõ trong lời giới thiệu sách. Những tác phẩm cúa thầy nói về Phật giáo thì rõ là thầy nhìn mọi việc bằng tâm nhãn.chẳng hạn nhìn vào rác thấy hoa, nhìn vào hoa thấy rác..Việc người nào đó hỏi Mâu tử và Mâu tử trả lời theo bu tui chỉ là sự kiện. Bảo Chu công tôn Lão Đam là là bậc thầy là không đúng với sự kiện vì Chu Công sống trước Lão Đam tới 650 năm, Theo bạn thì Mâu tử nhìn sự kiện này bằng tâm nhãn hay thầy Nhất Hạnh nói lại sự kiện sau khi bị tâm nhãn đã đảo ngược thời gian vật lí.

      Xóa
    2. Nhân đọc comment của bác Bu cho bạn Nha Gom La Bang VN: "quyển sách của thầy Nhất Hạnh là Việt Nam Phật giáo sử luận, nôm na là luân về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đã là sử thì phải dùng đến tư liệu lịch sử. Điều này được Gs HUỆ CHI nói rõ trong lời giới thiệu sách... Việc người nào đó hỏi Mâu tử và Mâu tử trả lời theo bu tui chỉ là sự kiện. Bảo Chu công tôn Lão Đam là bậc thầy là không đúng với sự kiện vì Chu Công sống trước Lão Đam tới 650 năm".
      Tôi hiểu ý bác Bu trong đoạn viết này, là không thể đem sự kiện (mà nhất là) sự kiện không đúng với lịch sử ra để luận về Lịch sử PGVN, vì đã là sử "thì phải dùng đến tư liệu lịch sử" chứ không thể dùng "sự kiện lịch sử" được.
      Theo tôi thì thiền sư Nhất Hạnh không dùng MỘT câu hỏi mà bác Bu đã trích dẫn để luận về lịch sử PGVN. Tức là không dùng "MỘT sự kiện lịch sử" để luận về Sử. Ngay từ đầu mục LÝ HOẶC LUẬN CỦA MÂU TỬ trong quyển VNPG Sử luận, Thiền sư Nhất Hạnh đã viết rõ: "Nhờ có tác phẩm của Mâu Tử (ở đây là quyển Lý Hoặc Luận) và cũng nhờ có kinh Tứ Thập Nhị Chương mà ta biết được khá rõ rệt tư tưởng, tín ngưỡng và tình trạng Phật Giáo Giao Châu trong thế kỷ thứ hai", và ý nghĩa của Lý học Luận là: "Những luận lý để làm tiêu tan các mối nghi hoặc về Phật Giáo".
      Như vậy là Thiền sư Nhất Hạnh đã dùng quyển Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, tức là một tư liệu lịch sử để luận về lịch sử PGVN chứ không dùng MỘT sự kiện. Việc trích dẫn NHỮNG câu hỏi và câu trả lời trong Lý Hoặc Luận có trong quyển VNPG Sử luận (là những sự kiện), chỉ để thuyết minh cho người đọc hiểu rõ hơn về quyển sách Lý Hoặc Luận mà thôi.

      Xóa
    3. "và ý nghĩa của Lý học Luận là:", xin đọc: "và ý nghĩa của Lý Hoặc Luận là:".

      Xóa
  18. (Với Bác Phạm Ngọc Hiệp)
    Ruchung tôi, trong comment cửa mình không định / không đủ khả năng bàn về con voi (Lý hoặc luận), lại càng không võ đoán qua cái vòi, cái tai mà khẳng quyết về toàn bộ con voi khổng lồ này! Ruchung tôi chỉ bàn về cái vòi và cái tai con voi được đề cập đến trong entry của Bác Bu mà thôi, vì nó cũng là một chỉnh thể trên cơ sở công năng của nó. Do vậy, theo Ruchung tôi, trong khi chưa có điều kiên (và entry bác Bu cũng không yêu cầu) bàn về toàn bộ con voi, thì thì bàn riêng về cái vòi, cái tai của nó cũng...lọn nghĩa và đúng "đầu bài" bác Bu đặt ra vậy
    - Về "cái vòi": Dẫn câu hỏi “Có người hỏi nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật..." (Ruchung tôi lấy phần này của "cái vòi" để bàn thôi), bác Bu cho rằng bộ ba người hỏi, Mâu Tử, Thích thiền sư đã có nhầm lẫn về niên đại. Ruchung tôi đã luận lý để chứng minh (chẳng biết đúng hay sai) trong comment rằng : họ không hề có nhầm lẫn nào cả!
    - Về "cái tai": Dẫn câu trả lời của Mây Tử: “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật..." (Ruchung tôi lấy phần này của "cái tai" để bàn thôi) bác Bu cho rằng Mâu Tử trả lời tréo cẳng ngỗng, không ăn nhập gì với câu hỏi, Ruchung tôi đã luận lý để chứng minh (chẳng biết đúng hay sai) trong comment rằng Mâu Tử không hề trả lời tréo cẳng ngỗng!
    Thế thôi!
    Xem toàn bộ các comment của bác Phạm Ngọc Hiệp, chưa thấy bác đồng tình hay phản bác thẳng vào "thắc mắc" về cái vòi, cái tai này trong entry của bác Bu. Có lẽ bác Phạm Ngọc Hiệp cần phải xem xét toàn bộ con voi để có đủ điều kiện chắc chắn mà thể hiện quan điểm của mình về cái vòi, cái tai của nó theo yêu cầu của bác Bu. Đó là cách tiếp cận chắc chắn của bác, rất đáng tôn trọng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Ruchung về comment trên.
      Thật sự là tôi không có ý định phản bác về điều gì trong bài viết của bác Bu, phản bác cái nghịch lý của Mâu Tử khi viết, hay phản bác ý kiến của bất cứ ai trong entry này. Tôi thực sự trân trọng tất cả các ý kiến, cũng như bài viết của bác Bu. Với bản thân tôi chỉ đưa ra những nhận định của mình, và tôi luôn biết có nhiều khi những nhận định của mình về một vấn đề gì đó không đúng chút nào hết.
      Tôi lấy ví dụ "con voi" trong comment trên của tôi, chỉ là tôi muốn xét một vấn đề trên cái tổng thể của nó, nhất là khi "luận" về triết lý của Phật giáo (tôi dùng chữ "luận" trong ngoặc kép, bởi tôi nghĩ ở đây là mình (bản thân) lạm bàn chơi, chứ không đủ trình độ Phật pháp để luận). Như bác đã thấy những comments bên trên của tôi, khi tôi chỉ mới đọc MỘT câu hỏi và câu trả lời trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử mà bác Bu đã viết bên trên, tôi đã nghĩ khác, và khi tôi đọc hết phần thày Nhất Hạnh viết về Lý Hoặc Luận của Mâu Tử trong VNPG sử luận (trong đó có NHIỀU câu hỏi và câu trả lời), tôi đã nghĩ khác.
      Trước khi dứt lời tôi vẫn xin được nhắc lại, khi bàn về triết lý, triết học (ở đây xin tạm được coi như thế, chứ bản thân tôi vẫn khẳng định là mình không đủ trình độ để bàn về những vấn đề này), rất khó để luận Đúng - Sai, cũng như Đức Phật đã từng nói "Ta có tám vạn bốn ngàn Pháp môn để dạy cho chúng sinh". Vâng, tùy từng mỗi người mà hiểu.
      Một lần nữa cám ơn bác đã có lời nhận xét.

      Xóa
  19. Em đọc bài xong, đọc kỹ comment của 3 vị cao thủ, thấm thía câu :" sự học là vô biên", thấy mình may mắn làm sao khi đc quen biết với 3 vị. Em còn nhớ anh Ruchung phân tích ý nghĩa tên em tỉ mỉ thế nào. Giờ qua thắc mắc của chú Bu, các anh, các chú tranh luận mở ra nhiều cái khiến tụi trẻ như em đc dịp mở rộng tầm nhìn.
    Phục lắm lắm lun !
    À, em thấy nick chú Bu bên face rùi. Hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐAN THÙY muốn nhắc đến lời bàn này phải không?

      chung Ru 10:33 Ngày 18 tháng 11 năm 2013
      Entry nói về các chữ triện VÂN ANH, THU THỦY, nhưng xin phép các Bác NA và BU cho Ruchung tôi bàn về chữ ĐAN THÙY vậy.
      1. ĐAN THÙY, theo Ruchung tôi nên chọn nghĩa là CÂY TRÚC ĐỨNG MỘT MÌNH các Bác ạ. Tự dạng: 單 箠
      2. Bậc sinh thành Đan Thùy không viết ra chữ Hán tên con mình. Cô giáo dạy tiếng Hoa đã viết và giảng nghĩa nhưng Đan Thùy lại quên mất. Có người đã giảng (diễn nôm) Đan Thùy là “cô gái có tấm lòng son”... Do không có gốc chữ Hán định vị và ràng buộc tên cô ấy là chữ Đan Thùy nào, nên ta có quyền chọn cho cô ấy một “tên chữ” hay nhất, thâm hậu nhất, “vận vào người” cô ấy nhất có thể được, trong những chữ Hán Đan và Thùy mà chúng ta biết. Bởi vì, tên người, ngoài chức năng là ký hiệu để phân biệt người này với người kia, còn có những chức năng khác quan trọng hơn nhiều: thông tin, gửi gắm kỳ vọng của bậc sinh thành, thẩm mỹ…, nhất là với tên một cô gái!
      3. Do chữ Hán rất phong phú, đa nghĩa và súc tích, nên không ai có thể tự cho chữ mình chọn ngược (dịch ngược) kiểu này là duy nhất đúng, là “bất khả di” . Cốt là nó phải có nghĩa và đúng cái đã, rồi nói đến sự hay sau vậy!
      4. ĐAN THÙY單 箠 trong trường hợp này có:
      - Chữ ĐAN 單 có nghĩa là “đơn”, “một mình”, “cô đơn”…(Bác Bu đã giảng trong comment)
      - Chữ THÙY 箠 có nghĩa là: “tên một loài trúc”.
      Có điều đặc biệt là chữ 箠 này trong Từ điển Thiều Chửu không có ở mục từ THÙY mà chỉ giảng ở mục từ CHỦY (trang 460) với các nghĩa: “roi đánh ngựa”, “hình phạt đánh trượng”. Tuy nhiên ở Từ điển Hán- Việt của Nguyễn Tôn Nhan, ở mục từ CHỦY 箠 (trang 604) lại cho biết thêm nó còn có âm THÙY 箠 với nghĩa : “tên một loài trúc”

      5. Như vậy vả chăng ĐAN THÙY單 箠 là CÂY TRÚC ĐỨNG MỘT MÌNH. Mà “cây trúc đứng một mình” là CÂY TRÚC XINH, CÂY TRÚC KHÔN / TRÍ TUỆ vậy!
      Ca dao: “Trúc xinh trúc đứng đầu đình (cũng là một mình, khôn thế!) / Em xinh em đứng một mình cũng xinh…”
      Dân ca: “Cây (i) trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc / Qua (i) lối nọ (i) như bờ ao (cũng là một mình, trí tuệ thế) / Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng / đứng nơi nào qua lối như cũng xinh (láy)…”
      6. Phàm là phụ nữ ai lại chẳng muốn ví mình với CÂY TRÚC XINH!

      Xóa
    2. Chả thế mà nàng Thu Thủy đứng cả năm bên cây trúc xinh mà chưa thấy mỏi chân

      Xóa
    3. Nàng TT chọn vị trí sai Bác NANO ạ, thật tiếc! Ai đời hai cây trúc xinh lại đứng vào với nhau, nên nó "nhòe" nhau ra.

      Xóa
    4. Dạ đúng rồi, em mang cả lời giảng ấy qua blog em , em lưu lại luôn rùi. Quý lắm lun á, đó giờ có ai giảng tên em cho em nghe mà sướng tai, sướng bụng quá chừng chừng như vậy đâu. Em cảm ơn các anh, các chú nhiều lắm . hì hì

      Xóa
  20. Lâu lắm chú chỉ thấy "Em chẳng biết buồn đâu" là sao nhà thơ ơi

    Trả lờiXóa
  21. Các đại trưởng lão thảo luận về sách của đại Thiền sư... Thú vị và bổ ích. Cám ơn các bác.

    Trả lờiXóa
  22. Cháu sang đọc thôi chú Bu ơi! Mà cũng đọc từ từ,mỗi hôm một ít!
    Chú khỏe không? Mong mùa đông nơi chú luôn ấm áp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có dài lắm đâu mà phải đọc từ từ Chu Ngọc ơi
      Nhớ rát quá chú vừa đi gặp mùa đông về đây

      Xóa