Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

NGỖNG và NGHỀ NGỖNG


Bu ở núi đá Thiền Viện Chân Nguyên, Vũng Tàu

Bu và con gái Ngọc Tú


Ở blogspot, bác Vũ Nho có bài “ĐẦU XUÂN ĐỌC VỀ LOÀI DÊ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM” rất lý thú.  Khi nói về kinh nghiệm chăn nuôi phù hợp với năng lực hoàn cảnh, bài viết có dẫn ra câu:  “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng”.  Bác Vũ Nho nhận xét “Người Việt mình hay nói "nghề ngỗng" (để chỉ nghề thôi). Bây giờ lại có chuyện "không nghề nuôi ngỗng". Giải thích cho được ý nghĩa của câu tục ngữ này cũng không dễ!

*****

Bác tiến sĩ Vũ Nho có thâm niên mấy chục năm dạy văn chương ở Đại học mà bảo không dễ thì rõ ràng là khó, rất khó nữa đằng khác . Anh dân lục lộ - bu tui dám bàn “giàu  nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng”  kể như liều. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, chỗ nào sai sót xin bác Vũ Nho và bạn bè chỉ giáo cho vậy.
   Nhà giàu lắm của nhiều tiền sợ mất cắp thì phải nuôi chó giữ nhà không có chi lạ. Anh nghèo khó  nuôi dê là khôn ngoan. “Nuôi dê rất dễ, không tốn kém, không cần chuồng trại, các vùng núi chỉ cần thả dê sống trên núi đồi mà không tốn thực phẩm. Với giá bán cao, dê hiện là gia súc được nhiều hộ nông dân nuôi để xóa đói, giảm nghèo”(1). Câu “không nghề nuôi ngỗng” có ý chê bai người lêu lổng, ăn bám người khác, không chịu làm một nghề gì. Nhưng tại sao không nói không nghề nuôi thỏ, nuôi vịt…mà lại nuôi ngỗng. Vì trong dân gian vẫn có câu cửa miệng “anh này lông bông chẳng nghề ngỗng gì”. Đấy như là một dạng chơi chữ, nhằm gây cười, chứ thực ra nuôi ngỗng là một nghề nghiêm túc có từ lâu đời:
 “ngỗng được thuần hóa và chăn nuôi như một loại gia cầm để lấy thịt, trứng và lông, ngoài ra người ta còn nuôi chúng để giữ nhà, canh gác khá hiệu quả”(2). Chính ông Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn sau khi nghỉ việc đã lập trang trại nuôi  ngỗng trời khá hiệu quả (3). Rõ ràng anh lêu têu, siêng ăn nhác làm, thì khó mà làm nghề nuôi ngỗng cho tử tế  như người nông dân lam lũ và ngài Phó thủ tướng kia được.
      Theo sách TÌM HIỂU TIẾNG VIỆT LỊCH SỬ (4) thì tiếng Việt có những yếu tố mất nghĩa trong từ song tiết. Những từ này thường nằm trong tổ hợp song tiết đẳng lập với hai yếu tố lúc đầu vốn là đồng nghĩa. Sau này do một yếu tố mang tính trội hơn có khả năng biểu thị ý ngĩa của toàn tổ hợp nên yếu tố kia bị mất nghĩa hoàn toàn. Yếu tố mất nghĩa này trước kia vốn được sử dụng độc lập. Ví dụ hỏi han thì han trước kia vẫn được dùng với ý nghĩa là hỏi, chẳng hạn trong truyện Kiều. Câu 925 “Trước xe lơi lã han chào” và câu 3029 “Hai em hỏi trước han sau”. Trong Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi (5), bài số 18 có câu  “Chẳng âu ngặt chẳng âu già”, âu tức là lo, như ta vẫn nói lo âu. Và bài số 176 có câu “Cây kia toan đắn lại toan đo”,  thì đắn xưa cũng được dùng với nghĩa tính toán chiều dài chiều rộng. “Ta cũng có thể giải thích nghĩa của những yếu tố này bằng cách tìm hiểu từ nguyên của chúng. Ví dụ trong chợ búa thì búa là từ gốc Tày có nghĩa là chợ, trong súng ống thì súng là từ gốc Hán còn ống là từ gốc Tày có nghĩa là súng, trong chó má thì là từ gốc Tày có nghĩa là chó, trong xống áo thì xống là từ gốc Tày có nghĩa là quần, trong ngăn nắp thì nắp là từ gốc Môn - Khme có nghĩa là trật tự, trong ăn nhằm thì nhằm là từ gốc Môn - Khme có nghĩa là ăn, trong chim chóc  thì chóc là từ gốc Tày có nghĩa là chim, trong khô khốc thì khốc là từ gốc Môn - Khme có nghĩa là khô …”(6).
      Qua một loạt từ song tiết đã dẫn ra trên, bu tui có cơ sở để nói rằng trong nghề ngỗng thì nghề là từ gốc Hán (do chữ nghệ biến thể ra) còn ngỗng cũng là từ chỉ nghề, không phải để chỉ vật nuôi. Và như vậy chữ ngỗng trong nghề ngỗng phải là dấu hỏi chứ không thể là dấu ngã như khi ta viết ngỗng là con vật. Cái khó nữa là không biết ngổng (nghề ngổng) thuộc từ gốc Hán, gốc Tày, hay gốc Khme. Từ nga () trong chữ Hán là ngan hoặc ngỗng, vậy thì có thể nga dần dà biến thể ra ngỗng (vật nuôi) chăng.
   Và sau những gì đã nói làm xuất hiện câu hỏi là  ngổng trong nghề ngổng và ngỗng chỉ vật nuôi thì từ nào có trước, từ nào có sau trong lịch sử phát triển tiếng Việt. Vụ này kính nhờ  các bậc thức giả chỉ giáo cho, dân lục lộ là bu tui đây đang bó tay chấm com… hihi

*****


 (1) báo điện tử :  bariavungtau.com.vn
 (2) Theo :  vi.wikipedia.org
 (3) Báo điện tử : vtc.vn
 (4) Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử của Nguyễn Ngọc San. Nxb Đại học sư phạm 2003.
(5) Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, Nxb Văn học 2014
(6) Trang 197 sách Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử (chú thích 4)

56 nhận xét:

  1. Nghe câu nì đã nhiều, nhưng thú thiệt em chưa bao giờ nghĩ hay truy tìm gốc tích của nó, lại viết " ngỗng " là con ngỗng - chắc đại đa số cũng viết như em, nghĩ như em thui. Giờ qua chú Bu mới biết được nhiều điều thú vị từ câu tưởng chừng rất rất đơn giản này.
    Riêng một số từ như " hỏi han ", " ngăn nắp", " khô khốc "... thực sự em được học thì gọi chung là từ ghép : ghép 1 từ có nghĩa và 1 từ k có nghĩa cho ra 1 từ có nghĩa... em nhớ đại loại là vậy. Giờ đọc chú Bu phân tích, mới hay, từ nào cũng có nguồn gốc và ý nghĩa của nó, chả có từ nào là không có nghĩa. Vụ nì em thấy thích thú vô cùng nè.
    Cao kiến thì em không có, nhưng xí chỗ ngồi nghe chú Bu bình thì em giơ tay xí phần. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoan nghênh nhiệt liệt nhà thơ VĐT bóc tem bài viết này. Còm men hào hứng thế kia thì biết chắc nhà thơ không đến nỗi phải đọc đến bốn lần như bài Tản mạn tre phải không.
      Năm mới đã có gì thắng lợi mới chưa VĐT ơi

      Xóa
    2. có mà chú Bu, em khi nào đọc cũng lâu hết, nhất là bài của chú Bu nó mang tính...cung cấp thêm thông tin, tư liệu, nên em đọc hơi lâu và chậm. Để nhớ đó mà. có gì mai mốt đi đâu manmg ra...nổ khè bà con chơi. hì hì. Xạo quá.
      Nói thiệt là bài này dễ nhớ hơn, nên em đọc mau hơn bài tre hôm bữa.
      Năm mới chưa thấy gì mới hết chú bu ui, trừ 1 điểm là...em mới tăng thêm 2 ký. hì hì

      Xóa
    3. Phải tìm mọi cách đẻ không tăng cân VĐT ơi

      Xóa
  2. Thôi cho nó là từ ghép, chứ mà cứ phân tích rồi mổ xẻ, tìm tòi thế này vỡ bố đầu xong anh Bu ạ! Hihi!
    Vui chút chứ không dám bàn...Cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  3. Hehe khi mô đau đầu quá thì chạy sang Hòn Sỏi đọc thơ tình là khỏe liền à
    Đang bơ lơ gái già gọi hỏi
    Có phải ngươi Hòn sỏi đấy không?
    Gái biết rồi có cần ta nói
    Còn thằng nào mà chẳng phải ông(!)
    - - - - -
    hihi

    Trả lờiXóa
  4. Lí thú đây. Nhưng mà tui thì không tò mò mấy cái nghĩa đó nữa vì cũng đã...tìm tòi sơ sơ khi dạy nghĩa của từ cho hs. Điều tui nói lí thú là ở chỗ, đọc giọng văn, tưởng Bu đã ngoại...thất tuần cơ, hóa ra trẻ như thế!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô giáo ơi, bu tui có viết "Cái khó nữa là không biết ngổng (nghề ngổng) thuộc từ gốc Hán, gốc Tày, hay gốc Khme. Từ nga (鵝) trong chữ Hán là ngan hoặc ngỗng, vậy thì có thể nga dần dà biến thể ra ngỗng (vật nuôi) chăng" cô có thể giải thích cho được không

      Xóa
    2. Theo phương ngữ Trung bọn mình thì người ta nói "nghề ngổng" Bu à. Nếu so 2 cách nói: : Anh ta chẳng có nghề gì" và "Anh ta chẳng có nghề ngổng" gì" thì rõ ràng, từ "nghề" và "nghề ngổng" chỉ khác nhau về sắc thái. Từ "nghề ngổng" mang sắc thái chê bai, coi thường. Như vậy, theo mình, "nghề ngổng" chỉ là từ láy. Nếu ch nó là từ ghép thì chưa chính xác, nếu cho là cụm từ lại càng sai. Còn trong tiếng Việt, hiện tượng một số tiếng trong từ ghép bị mờ nghĩa hoặc mất nghĩa như: tre pheo, chợ búa, đường sá, vườn tược, áo xống...,hoặc một số từ hai tiếng như: bồ hóng, bồ kết...thì việc đi lí giải gốc tích phải có tài liệu đáng tin cậy làm cơ sở, còn chỉ dựa vào một số văn cảnh thì đang tranh cãi dài dài.
      Bu đã đưa ra vấn đề rất lí thú. Mình cũng chỉ góp đôi lời cho vui thôi, đúng sai chưa thẩm định. He he...

      Xóa
    3. Cô giáo ơi, theo Từ điển từ láy tiếng Việt thì "Nghề ngổng" (bu nghĩ nó là dẫu hỏi vì ngổng này không phải vật nuôi) là khẩu ngữ chớ không phải là phương ngữ (bạn xem trang 366 TĐTLTV). Cô giáo nói đúng, nghề ngổng là từ láy, và sách Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử gọi nó là từ song tiết . Trong TĐTLTV bu tui thống kê ra mấy từ: chim chóc, đắn đo, khô khốc, nghề ngổng, hỏi han, thì các từ ấy trong sách "Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử" đều gọi là từ song tiết mà một vế mất nghĩa hoàn toàn, (bạn xem chú thích 4 trong bài viết của bu). Từ đây lại đẻ ra câu hỏi Phân biệt từ láy và từ song tiết như thế nào??

      Xóa
    4. Thôi thì ta cứ sử dụng từ tiếng Việt sao cho hiểu dễ nhất, đúng nhất là được, Bu nhỉ? Mấy cái lằng nhằng ấy khá là đau đầu! Bu sang nhà giải đáp thắc mắc của NT đi nhé.

      Xóa
    5. Nhất trí cao với nhà văn Nhật Thành Hồ
      Bu sang ngay đây

      Xóa
  5. Hay, hay, bác Bu viết một bài rất hay, câu gốc đưa ra "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng", ta thấy có 3 vế, nghĩa chính xác của từng về là gì? và câu này là thành ngữ hay tục ngữ?

    Như bác Bu đã phân tích và giải nghĩa trong bài viết: "Giàu nuôi chó" bởi nhà giàu phải nuôi chó để giữ nhà, câu này dễ hiểu, vế thứ nhì "khó nuôi dê", nhà nghèo khó nuôi dê là khôn ngoan, bởi nuôi dê không cần chuồng trại, thả nó ngoài núi đồi cho ăn cây cỏ thiên nhiên là khỏe. Hoàn toàn đồng ý với bác Bu 2 vế trên, nếu câu dừng lại ở đây: "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê", thì đây là một câu tục ngữ, hiểu theo nghĩa đen, (tục ngữ là câu đúc kết kinh nghiệm dân gian về một việc gì, khác với thành ngữ là câu chỉ hiểu theo nghĩa bóng).

    Còn vế cuối "không nghề nuôi ngỗng" quả là khó giải thích. Bác Bu giải thích: Câu “không nghề nuôi ngỗng” có ý chê bai người lêu lổng, ăn bám người khác, không chịu làm một nghề gì. Cách giải thích như thế là hiểu theo nghĩa bóng chứ không phải nghĩa đen như 2 vế trên, mà hiểu theo nghĩa bóng như thế lại là câu thành ngữ chứ không phải tục ngữ. Một câu có 3 vế mà 2 vế đầu hiểu theo tục ngữ, 1 vế cuối hiểu theo thành ngữ, tôi nghĩ không ổn.

    Theo thiển ý thì câu trên là một câu tục ngữ, để đúc kết kinh nghiệm dân gian trong việc chăn nuôi gia súc. Hai vế đầu "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê" như bác Bu đã giải thích, còn vế cuối "không nghề nuôi ngỗng", thì đây đúng là vật nuôi lý tưởng của một anh không nghề ngỗng. Như bác Bu đã phân tích, người không nghề là người lêu lổng, ăn bám, không chịu làm một nghề gì, đúng như thế đó là người lười biếng. Kẻ chăn dê tuy không phải lo chuồng trại, không tốn thức ăn, nhưng vẫn phải bỏ công theo chăn đàn dê, đó vẫn là một cái nghề. Thế còn anh nuôi ngỗng?

    Ngỗng là một loài vật nuôi như vịt, sống dưới ao hồ, tự mò ốc tôm, tép mà sống, nhưng ngỗng khác vịt ở chỗ là con vật khá khôn, nó rất dữ, sẵn sàng tấn công kẻ lạ măt đến gần, vừa tấn công vừa kêu la inh ỏi, hồi nhỏ tôi đã từng bị đàn ngỗng hàng xóm đuổi cắn chạy tóe khói, vết mổ của nó bầm tím đối với trẻ nhỏ. Có nhà nuôi ngỗng để giữ nhà như nuôi chó vậy. Trong tuyền thuyết Hy Lạp tôi nhớ hình như có chuyện thành Troie đã từng thoát khỏi một cuộc tấn công của kẻ địch vào ban đêm, cũng là nhờ đàn ngỗng phát giác kêu báo động. Như vậy cách tốt nhất cho anh không có nghề nghiệp, lông bông (lười lĩnh) là đi nuôi ngỗng, vì con ngỗng tự kiếm ăn, lại tự bảo vệ được mình, khỏi phải mất công coi sóc nó như nuôi dê hay nuôi vịt.

    Theo tôi đây là câu tục ngữ, đúc kết kinh nghiệm dân gian nói về vật nuôi như chó, dê và ngỗng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn về chữ "ngổng" như bác Bu viết "nghể ngổng", khá lạ là tôi tra 2 quyển từ điển xưa là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huyình Tịnh Paulus Của (miền Nam), và Việt Nam Tự Điển (miền Bắc) của Hội Khai Trí Tiến Đức lại không có từ "ngổng". ĐNQÂTV có từ "ngõng" (dấu ngã): ngóc lên, "ngồng": vươn lên, "ngỗng": con ngỗng. VNTĐ có từ "ngỏng" (dầu hỏi): ngóc lên, "ngồng": vươn lên, "ngỗng": con ngỗng. Các từ điển tiếng Việt sau này mới có từ "ngổng".

      Xóa
    2. Bác Bu và Bác Ngọc Hiệp kính!
      Là anh Bu viết theo Phương ngữ, Ngỗng thành ngổng, anh em mình đọc và tự hiểu thôi, còn bác ạ Sỏi thấy Ngỗng là loại gia cầm ăn thực vật(cỏ) là chủ yếu nó không giống ngỗng trời(Thiên nga) nên cả tháng nó cũng không xuống nước cũng không sao. Câu tục ngữ của anh Bu đưa ra, thực tình Sỏi chỉ nghe thấy có "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê" còn "không ngề nuôi ngỗng" có thể được nối thêm cho vui thôi, đọc nhiều rồi thành như đã được công nhận, kiểu thành ngữ"sát thủ đầu mưng mủ" ấy.
      Là ý riêng của Sỏi anh nha!

      Xóa
    3. Cám ơn bạn Hòn Sỏi đã đọc comment và có phản hồi, tôi rất thích và trân trọng điều này, ở đây chúng ta vào bàn chơi cho vui, để đầu óc phải làm việc, chậm lão hóa. Xin có ý kiến nhanh.

      Về chữ "ngỗng" và "ngổng", trong entry bác Bu phân biệt rất rõ ràng hai từ, bác Bu còn khẳng định "ngổng" dấu hỏi chứ không phải dấu ngã như "ngỗng", bác Bu còn đặt câu hỏi "xuất hiện câu hỏi là ngổng trong nghề ngổng và ngỗng chỉ vật nuôi thì từ nào có trước, từ nào có sau trong lịch sử phát triển tiếng Việt". Như vậy bác Bu không viết theo phương ngữ như bạn Hòn Sỏi nhận định "Là anh Bu viết theo Phương ngữ, Ngỗng thành ngổng". (phải công nhận thỉnh thoảng bác Bu có viết không phân biệt hỏi ngã như bạn Hòn Sỏi nhận định, nhưng không phải trong trường hợp này).

      Thứ nhì về câu tục ngữ mà bạn Hòn Sỏi có ý kiến nói là thực tình Sỏi chỉ nghe thấy có "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê" còn "không ngề nuôi ngỗng" có thể được nối thêm cho vui thôi, đọc nhiều rồi thành như đã được công nhận, kiểu thành ngữ"sát thủ đầu mưng mủ" ấy". Tôi thử tra nhanh trên mạng thì thấy câu "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng", được trích dẫn trên nhiều bài báo, trong Từ điển bách khoa mở Wikipedia cũng có nói đến câu này, các bài viết đều viết nghiêm túc, nói đây là câu tục ngữ xưa. Tôi không nghĩ vế thứ 3 "không nghề nuôi ngỗng" là được nối thêm theo như kiểu dân gian nói ngoài đời cho vui như "sát thủ đầu mưng mủ", "nhỏ như con thỏ", "láo ngáo như con cáo"...

      Cũng là ý kiến riêng, góp ý thêm vào bài viết của bác Bu cho "xôm tụ".

      Xóa
    4. Về từ "nghề ngỗng" hoặc "nghề ngổng" (theo như bác Bu, hoặc phương ngữ miền Trung), như đã viết ở trên, tôi thử tra trong 2 quyển từ điển tiếng Việt xưa như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895-1896), in ở Saigon, Việt Nam Tự Điển (1931) in ở Hanoi, chỉ có chữ như đã nói bên trên, không có chữ "ngổng". Tôi tra tiếp trong từ điển Mường-Việt mà mình có (Viện Ngôn ngữ học-NXB Văn hóa Dân tộc-2002), chỉ có chữ "ngề" với nghĩa là "nghề" như tiếng Việt, quyển Từ điển Việt-Tày-Nùng (NXB Giáo dục-2006) cũng chỉ có chữ "nghề", nghĩa như chữ "nghề" tiếng Việt. Không có chữ "ngổng", hay "ngỗng" chỉ nghề nghiệp. Từ điển tiếng Việt sau này (trong Nam ngoài Bắc) mới có thêm từ "ngổng", có nghĩa là vươn cao lên.

      Trong Từ điển từ láy tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học, NXB Khoa học Xã hội-1998 đã xếp từ "nghề ngỗng" vào từ láy, như vậy theo quyển từ điển này thì chữ "ngỗng" đi sau chữ "nghề" chỉ là từ láy, không có ý nghĩa.

      Xóa
    5. Nhân đây cũng xin nói thêm về từ "phương ngữ" như tôi và các bạn dùng trong những comments bên trên. Dó là ta dùng theo thói quen, thực ra khi người miền Trung nói "nghề ngồng" (ngổng dấu hỏi) là "phương ngôn" chứ không phải "phương ngữ", bởi từ "ngổng" chỉ có thể tồn tại trong cách nói (ngôn), nếu khi viết mà viết là "nghề ngổng" là viết sai chính tả, nếu viết chính tả thì người miền Trung vẫn phải viết đúng là "nghề ngỗng" (ngỗng dấu ngã).

      Phương ngữ là tiếng cùng để chỉ một thứ (con vật, đồ vật...), mà khi viết (ngữ) thì mỗi miền viết khác nhau, chẳng hạn cùng để chỉ một con vật, thì miền Bắc viết là "con lợn", trong khi người miền Nam viết là "con heo".

      Xóa
    6. Cái reply cuối này của bác Ngọc Hiệp rất chuẩn. Sỏi nhất trí cao, Chính Sỏi đã nhiều lần là nạn nhân chỗ phương ngữ- phương ngôn và chính tả này. Nhưng mà cũng rất nhiều khi lạm dụng phương ngữ cố tình sai chính tả, Mà lại thấy tâm đắc bác ạ. Còn đúng và chuẩn chỉ thì xin thưa; Bác Bu là chúa sai chính tả (Ở chỗ các trọng âm) Mà thôi chuyện đúng sai lắm cái không kham nối, Không đỡ nổi, cũng giống như lấy rá đựng nước ấy mà.
      Nói đến "nghề ngỗng" bấy lâu Sỏi vẫn nghĩ đó là từ láy, tất cả những sắc thái biến thể của nó đều bắt nguồn từ chỗ "từ láy" Bác có thể tra Google Nhưng cái anh wikipedia là từ điển ba phải, anh không thích nghĩa của nó anh điền thêm vào cũng được ấy mà...Hihi!

      Xóa
    7. Nòi chung viết sai chính tả là điều khá phổ biến bây giờ, mấy ngày vừa qua trên báo đã nói tới chuyện ở tượng Bà mẹ VN anh hùng mới đây thôi cũng đã khắc sai chính tả thơ văn gì đó. Việt trên trang cá nhân (blog), thì sai chính tả (ai cũng có thể mắc phải, tôi cũng thế, nhiều hay ít, thường do thói quen) là điều có thể châm chước, nhưng trên các phương tiện truyền thông, hoặc nơi các tượng đài kỷ niệm có tính cách đại chúng, phổ biến, lâu dài, nhiều người đến xem, là điều không thể chấp nhận được, cái này do làm ẩu mà ra.

      Hôm qua có thời giờ tôi thử tra cứu trong sách vở (3 quyển từ điển về thành ngữ, tục ngữ: nhóm Vũ Dung, Nguyễn Lân, và 1 quyển của Viện Ngôn ngữ, cùng nhiều quyển sách khác viết về ca dao, thành ngữ, tục ngữ) lại không tìm thấy câu Giàu nuôi chó..., kể cả dưới dạng 2 vế hoặc 3 vế. Từ điển, sách viết về đề tài này rất nhiều ta không thể mua hết, không biết trong các quyển khác có câu này không? bạn nào tra ra được xin chỉ giùm.

      Còn chuyện tra trên những trang mạng, báo mạng, từ điển mở Wikipedia... tôi cũng vẫn thường hay tra nhanh, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo để biết thông tin, sau đó phải tra tiếp trên sách in nếu có thể.

      Chết, nhưng mà chỉ thấy khách vào đây nói, chưa thấy chủ nhà lên tiếng, hihi! Chắc bác Bu đang chuẩn bị tư liệu đây, tôi và bạn Hòn Sỏi chờ xem cao kiến.

      Xóa
    8. 1- Khi viết bài “Ngỗng và nghề ngỗng” bu tui không quan tâm câu “Giàu nuôi chó khó nuôi dê không nghề nuôi ngỗng” là tục ngữ hay thành ngữ, và giải thích nó ở dạng nghĩa bóng hay nghĩa đen. Người viết nhằm vào việc phân biệt “ngổng” trong “nghề ngổng” và “ngỗng” là con vật nuôi. Kết luận bài viết: “ngổng” trong “nghề ngổng” là từ thời xưa chỉ nghề chứ không phải chỉ con vật. Bu đã đưa ra một số cặp từ song tiết để chứng minh cho lập luận đó:
      Đắn đo: Đắn cũng có nghĩa là đo
      Lo âu: Âu cũng có nghĩa là lo
      Hỏi han: Han cũng có nghĩa là hỏi
      Súng ống: Ống cũng có nghĩa là súng
      Chim chóc: Chóc cũng có nghĩa là chim
      Ngăn nắp: Nắp cũng có nghĩa là gọn gàng
      Khô khốc: Khốc cũng có nghĩa là khô
      Ăn nhằm: Nhằm cũng có nghĩa là ăn
      Chó má: Má cũng có nghĩa là chó
      Nghề ngổng: Ngổng cũng có nghĩa là nghề, (theo kết luận của bu). Ngổng này dấu hỏi không phải dấu ngã như ngỗng là vật nuôi (ai đọc bu tui thấy hỏi ngã lẫn lộn, nhờ chỉ hộ để sửa sai, dốt nát tìm thầy mà)
      2- Cụm từ “không nghề nuôi ngỗng” xét về mặt thực tiển là vô lí. Việc nuôi ngỗng không dễ, và không phải là một thứ nghề chỉ để dành cho những người vốn dĩ lông bông. Và nói thế hóa ra coi thường nghề nuôi ngỗng sao (gần đây có thêm nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng làm nghề này… hihi). Trong dân gian, khi chê bai kẻ lêu têu, người ta nói “anh này chẳng nghề ngổng gì”. Chính “Từ điển từ láy tiếng Việt”, mục nghề ngỗng (trang 366) cũng ghi “Hàm ý chê bai”. Ở đây có sự trùng hợp hai từ ngỗng. Ngổng là nghề và ngỗng là vật nuôi. Dân gian thích hài hước, dựa vào từ song tiết “nghề ngổng” đặt thêm vế “không nghề nuôi ngỗng” nhằm chơi chữ, gây cười . Bạn Hòn Sỏi nhận xét rất có lý, cụm từ không nghề nuôi ngỗng: "có thể được nối thêm cho vui thôi”.
      3- Để xem câu “Giàu nuôi chó khó nuôi dê không nghề muôi ngỗng” là tục ngữ, hay thành ngữ, phương ngữ, bu đưa ra mấy định nghĩa (theo Từ điển tiếng Việt)
      * Tục ngữ: Câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiển của nhân dân.
      * Thành ngữ: Tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản
      * Phương ngữ: Biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ
      Như vậy câu “Giàu nuôi chó khó nuôi dê không nghề nuôi ngỗng” chỉ có tính chất tục ngữ ở phần “Giàu nuôi chó khó nuôi dê”, vì nó có vần, đúc rút được tri thức kinh nghiệm sống. còn “Không nghề nuôi ngỗng” không thể là tục ngữ mà chỉ là câu dân gian chơi chữ gây cười “cho vui” mà thôi. Toàn bộ câu trên cũng không có tính chất của một thành ngữ. Như đã nói “không nghề nuôi ngỗng” là một lời khuyên phi lý trong thực tiễn. Câu trên cũng không có tính chất của phương ngữ, vì ngỗng là vật nuôi mà cả trung nam bắc đều gọi là ngỗng, chứ không gọi thành tên khác. Khi cả ba miền gọi là “nước” mà dân Tuyên Hóa Quảng bình gọi là “nác” thì “nác” mới là phương ngữ.


      Xóa
    9. Bạn PNH
      Không hiểu sao dưới nhiều còm men của bạn chỉ có từ xóa chớ không có từ trả lời nên bu tui nói góp vào đây vậy.
      1- Các từ điển chỉ nói nghĩa các từ chớ không nói nguồn gốc các từ đó. Chẳng hạn TĐTLTV giải thích từ hỏi han : "Hỏi để biết, để bay tỏ sự quan tâm (nói khái quát). Từ điển không giải thích han là gì. Trong khi đó câu Kiều số 3029 viết "Hai em hỏi trước han sau" thì ta biết ngay han có nghĩa như hỏi. Từ láy HỎI HAN thì han không còn nghĩa nữa, nhưng thời Nguyễn Du han là hỏi.
      Bạn tra từ Ngỗng sẽ có : Chim cùng họ với vịt nhưng mình to và cổ dài hơn. Không có từ điển nào giải thích cấu tạo từng từ như quyển Tìm hiểu tiếng Viết lich sử của NXB sư Phạm
      2- Bạn có thể tham khảo thêm trả lời của bu với cô giáo dạy văn xứ Nghệ Nhậ Thành Hồ
      3- Chúng ta không ai làm nghề ngôn ngữ chẳng qua vỡ vac ra cho vui thôi khi quan điểm quá khác nhau thì Stop cho khỏi mất thì giờ mà không giải quyết được gì

      Xóa
    10. Qua ba đề mục bên trên có thể thấy rõ ý của bác bu khi viết entry rất thú vị này. Nói chung khi đọc mỗi người có một ý tưởng, triển khai từ bài viết, đấy mới là một bài viết hay. Vào nhà bác Bu tôi học được nhiều điều. Rất cám ơn chủ nhà :-)))

      Xóa
    11. Cảm ơn sự thấu hiểu của bạn. Chỉ có ở blogspot mới có thể nói ra và nhận biết sự thú vị nơi người khác còn bên phây thì bó tay

      Xóa
    12. Ủa, tôi vẫn coi được đầy đủ còm của mình khi vào nhà bác Bu.
      1- Cái khó của mình là có rất nhiều từ điển xưa nay, đáp ứng được cho những vấn đề phổ thông (giải thích từ...), nhưng đôi khi đụng đến chuyện hơi chuyên ngành, cần tìm hiểu sâu hơn thì anh em mình phải mò mẫm, tìm tòi đủ loại sách, mà cũng không chắc đúng.
      2- Tôi có quyển từ điển Giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học của Nguyễn Như ý chủ biên, NXB Giào Dục-2003. Trong sách có mục từ "Từ láy" và "Từ song tiết", nhưng ở mục "Từ láy", chỉ chép những ý kiến của nhiều người khi bàn về từ láy ở những sách khác vào đến mấy trang không thể chép hết ra đây, nhưng đọc hết vẫn... mù mờ, không biết hiểu ra sao. Còn mục "Từ song tiết" giải thích ngắn gọn: 1/- Từ mà trong thành phần cấu tạo có thể phân chia thành 2 âm tiết. 2/- Từ tiếng Việt bao gồm 2 âm tiết (2 tiếng), như vậy nhiều từ láy có 2 âm tiết, hay những từ có 2 âm tiết cùng có nghĩa như bác Bu viết trong bài là "Từ song tiết".
      3/- Nhất trí cao, mỗi người một lý lẽ, phải tự ráng mà hiểu thôi, như bàn về tôn giáo vậy, hì hì!

      Xóa
    13. Bạn nên ra nhà sách lùng mua quyển Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử của Nguyễn Ngọc San. Nxb Đại học sư phạm 2003.
      Rất nên đọc

      Xóa
    14. Tôi sẽ ráng tìm quyển này, đây là loại sách nếu gặp tôi sẽ mua ngay, chỉ sợ bây giờ không thể tìm ra.

      Xóa
    15. Nhân bàn về chuyện "dê, ngỗng" của bác Bu, tôi xin chép lại câu chuyện dân gian trong "Truyện cổ nước Nam" của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, về nuôi dê và nuôi ngỗng. Truyện có tựa "Anh chăn dê và anh xách ngỗng". Truyện như sau:

      Xưa có một người, một hôm, đem đàn dê đi ăn, đang lúc ngồi nghỉ giữa đồng, thì thấy một người xách cái lồng, trong lồng có con ngỗng, cũng đến ngồi đó nghỉ chân.

      Hai người ngồi chuyện gẫu với nhau.

      Người chăn dê hỏi người xách ngỗng rằng:

      - Con ngỗng anh mua bao nhiêu? Tôi tưởng con ngỗng, một năm, sinh lợi chẳng là mấy. Âu là anh về bán quách con ngỗng này đi. Anh lấy tiền mua lấy môt đôi dê anh nuôi, chắc lợi được hơn nhiều...

      Người xách ngỗng nói lại với người chăn dê rằng:

      - Hai nghề ta đây cũng là nghề làm ăn cả. Nhưng tôi thiết nghĩ như cái nghề săn sóc đàn dê kia, khi chăn bờ bụi, khi chăn bãi bể, khi gặp nắng dữ, khi gặp mưa to, thì tôi tưởng công phu vất vả khó nhọc nhiều lắm. Mà cái lợi thật có được bao! Âu là anh nghe tôi, anh về bán phắt đàn dê này đi, anh lấy tiền mua một đôi ngỗng về mà nuôi, anh không phải khó nhọc nữa mà được lợi biết bao nhiêu... Này nhớ, đôi ngỗng mỗi năm nở ra đôi ba lứa, bán được rất nhiều tiền, đôi ngỗng lại dũi cho trong vườn sạch cỏ, không phải quét tước mấy. Quý nữa là đêm đến anh ngủ được yên giấc, vì đã có ngỗng nó giữ nhà cho anh...

      Người chăn dê nghe nói đến đấy, lấy làm lạ hỏi:

      - Anh nói cái gì? Ngỗng mà giữa nhà...

      - Ừ, ngỗng giữ nhà... Thế anh không nghe nói chuyện, xưa có ông quan trong nhà nuôi một đôi ngỗng nó sinh nở nhiều, khi thì bán trứng, khi thì bán con, chẳng bao lâu làm ăn trở nên giàu có ư? Ấy tại giàu có, mà một đêm kẻ trộm nó vào rình nhà ông, định lấy của, nhưng vừa vào đến nơi, đàn ngỗng trong nhà coạc coạc ầm lên, người nhà chạy ra bắt được trộm. Đấy có phải là nhờ có ngỗng mà ta không mất của không?

      Anh chăn dê nghe câu chuyện lấy làm phải, trong bụng phân vân chưa biết có nên bỏ nghề chăn dê để nuôi ngỗng không.

      câu chuyện còn một đọan nữa, nói về khi 2 anh chăn dê và nuôi ngỗng ra đi, có 2 viên quan hay chữ nhìn thấy cảnh một anh dắt đàn dê và một anh xách lồng ngỗng, mới làm thơ tả về 2 anh, đoạn sau này xét thấy không liên quan đến câu chuyện của 2 anh "dê ngỗng" nên tôi không chép ra đây.

      Qua câu chuyện cổ tích dân gian nêu trên, với lý luận của anh nuôi ngỗng, ta có thể thấy con ngỗng là vật nuôi lý tưởng của một anh chàng lười biếng, "vô công rỗi nghề" (không nghề), không tốn cái ăn cho ngỗng, vì ngỗng chỉ ăn cỏ, dọn sạch cỏ trong vườn, ban đêm còn biết coi nhà, lấy trứng, lấy ngỗng đem bán. Câu chuyện dân gian có nhiều liên quan đến câu "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng", hoàn toàn có thể là một câu tục ngữ, chỉ kinh nghiệm dân gian chăn nuôi ngày xưa, trong đó nêu lên tính cách của vật nuôi, người nuôi, và nghề nuôi, dĩ nhiên là chuyện dân gian, với ít nhiều ẩn dụ. Nó khác xa lơ xa lắc với việc lập trang trại nuôi ngỗng của ông phó Thủ tướng ngày nay, cần rất nhiều vốn liếng, công sức, đấy là việc chăn nuôi công nghiệp.

      Xóa
    16. Đấy cũng là một cách ghi nhận của PNH
      Anh nuôi dê chưa hề nuôi ngổng, anh nuôi ngỗng chưa hề nuôi dê, và anh nào cũng nghỉ là con vật mình nuôi có lợi hơn cả. Là người thứ ba xem xét vụ này bu thấy nuôi dê là cách làm ăn có thể đưa lên quy mô lớn. Dê cho thịt và sữa, sữa dê của Hà Lan, Đan Mạch, đắt vô cùng vì nó rất bổ dưỡng cho trẻ nhỏ. Nuôi ngỗng chưa thấy chỗ nào có trang trại lớn ngoại trừ trang trại ông Nguyễn Công Tạn. Mà thực ra nuôi ngỗng chỉ để nó ăn cỏ trong vườn thì có ngày ngỗng chết đói, Muốn nó phát triển và sinh lợi phải cho nó ăn thêm những thức ăn có dinh dưỡng và sinh tố. Có như thế một số nước phương tây mới có đủ gan ngỗng đóng hộp xuất khẩu toàn thế giới. Bu đã có nói dân gian có từ song tiết "nghề ngổng" trong đó ngổng cũng là nghề, cho nên không nghề nuôi ngổng là cách chơi chữ gây cười cho vui mà thôi. Chứ đã không nghề (do lười, do vụng...) thì không thể nuôi ngỗng thành công và lời khuyên này không khả thi chút nào. Kết luận của bu là câu "giàu nuôi chó, khó nuôi dê không nghề nuôi ngỗng" thì chỉ có "giàu nuôi chó khó nuôi dê" là tục ngữ còn "không nghề nuôi ngỗng " thì không thẻ là tục ngữ được, vì nó không đúc rút tri thức và kinh nghiệm gì của người dân lao động cả.

      Xóa
    17. Qua câu truyện cổ tích bên trên tôi thấy:

      1/ Vế thứ nhất, giàu nuôi chó thì khỏi phải bàn tới, nghĩa đã rõ ràng.

      2/ Vế thứ nhì, "khó nuôi dê", nếu theo câu nói trong truyện của anh nuôi ngỗng nói với anh nuôi dê: "Nhưng tôi thiết nghĩ như cái nghề săn sóc đàn dê kia, khi chăn bờ bụi, khi chăn bãi bể, khi gặp nắng dữ, khi gặp mưa to, thì tôi tưởng công phu vất vả khó nhọc nhiều lắm". Ở đây tôi xin nhấn mạnh chữ "khó nhọc nhiều lắm", trong truyện, anh nuôi ngỗng cho là cái nghề nuôi dê của anh kia "khó nhọc nhiều lắm". Câu "khó nuôi dê", chữ "khó", có thể hiểu theo câu truyện là "khó nhọc, phải bỏ công sức rất nhiều", thay vì "khó" là "nghèo khó". Như vậy theo anh nuôi ngỗng chỉ có người "bỏ nhiều công sức, khó nhọc" mới nuôi dê được.

      Có một câu tục ngữ cũng đúc kết kinh nghiệm về chăn nuôi, tượng tự như 2 vế đầu của câu bác Bu: "Giàu nuôi lợn đực, khó nuôi lợn nái", hoặc "Giàu nuôi lợn đực, khổ cực nuôi lợn nái" (lợn đực không sinh đẻ, nuôi không có lợi, người giàu dư dả mới nuôi, còn nuôi lợn nái vất vả (khó, khổ cực), nhưng có lợi hơn lợn đực vì lợn nái đẻ nhiều lứa. Chữ khó ở đây chỉ khó khăn, khổ cực. Nuôi dê trong câu "khó nuôi dê" cũng thế chăng? Bởi ta biết ngày xưa kẻ có đàn dê vài chục con, hoặc thậm chí năm, mười con mà nuôi chắc không thể liệt vào hàng "khó" (nghèo khó).

      3/ Trong truyện anh chàng nuôi ngỗng đã nói về chuyện nuôi ngỗng của mình thật "khỏe", không cần bỏ tiền mua thức ăn cho ngỗng (ngỗng ăn cỏ trong vườn, đỡ mất công dọn cỏ), có lẽ thỉnh thoảng cũng chỉ cho ăn thêm cơm thừa canh cặn như nuôi gà vịt khi xưa ở nhà quê, không cần phải bỏ công canh chừng sợ đi lạc và bị bắt trộm như dê, vịt, vì ngỗng còn canh nhà, gác trộm được cho cả người, do đó ngỗng tự bảo vệ được. Và lâu lâu lại có trứng, có ngỗng thịt bán. Thật là một vật nuôi tiện lợi đôi ba bề cho một kẻ không nghề, lười biếng.

      Cho nên ở cuối câu truyện anh chàng nuôi dê mới phân vân, không biết có nên bỏ nghề nuôi dê mà đi nuôi ngỗng.

      Tôi vẫn chưa tìm được ở sách nào có câu 3 vế như bác Bu đưa ra, nhưng hoàn toàn có thể giải thích câu này như một câu tục ngữ như tôi đã thử lý giải.

      Điều nữa là khi nói tới chuyện nuôi dê, nuôi ngỗng trong thành ngữ, tục ngữ dân gian, nghĩa là một câu đã "xưa xưa" trong dân gian, muốn hiểu đúng "ngữ cảnh" của thành ngữ, tục ngữ, phải đặt hoàn cảnh vào không gian, thời gian "xưa xưa" cũa dân gian ấy (dĩ nhiên khó mà xác định được "xưa xưa" là đã bao lâu). Chứ nếu cứ lấy những tiêu chuẩn như sữa, phó mát Đan Mạch, Hà Lan, hay Vinamilk..., hoặc pa tê gan ngỗng, thịt, lông ngỗng xuất khẩu ngày nay, thì đúng là việc chăn, nuôi trong tục ngữ ngày xưa không thể "đáp ứng" được yêu cầu.

      Cuối cùng về chữ "ngổng" được bác Bu hiểu "ngổng" cũng là từ để chỉ nghề, "nghề ngổng" tương đương với từ "nghề ngỗng". Trong entrey bác Bu có đặt câu hỏi: "ngổng trong nghề ngổng và ngỗng chỉ vật nuôi thì từ nào có trước, từ nào có sau trong lịch sử phát triển tiếng Việt", tôi đã có ý kiến trong cái còm bên trên, sau khi đã tra nhiều quyển tứ điển xưa nay, kể cả từ điển, Mường-Việt, Việt-Tày-Nùng. Chỉ có chữ "ngỏng" (không có dấu mũ) với ý nghĩa cất cao lên, chẳng hạn như trong từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên-Hà Nội 1967), Hoàng Phê chủ biên (1997). Tôi nhấn mạnh vào 2 quyển từ điển phía Bắc này, vì người miền Bắc có thể viết "thầy" thay vì "thày", "Cộng hòa" thay vì "Cọng hòa" như miền Nam, cũng không có từ "ngổng" (có dấu mũ) như bác Bu viết. Còn từ "ngỗng" để chỉ con ngỗng (không có nghĩa là nghề) thì đã có từ lâu lắm rồi.

      Như vậy, có thể tạm nói từ "Ngổng", không có trong từ điển tiếng Việt, ít nhất cũng trong mấy quyển tôi đã tra.

      Xóa
    18. "Bu đã có nói dân gian có từ song tiết "nghề ngổng" trong đó ngổng cũng là nghề, cho nên không nghề nuôi ngổng là cách chơi chữ gây cười cho vui mà thôi".

      Một khi không có từ "ngổng", hoặc có mà cả từ "ngổng", lẫn "ngỗng" (trong "nghề ngỗng"), đều không có ý nghĩa là "nghề" (từ điển đã giải thích), như bác Bu đã giải thích trong "chợ búa" (búa cũng có nghĩa là chợ, bản thân chữ búa đứng một mình trong tiếng tày đã có nghĩa là chợ),"chó má" (má cũng có nghĩa là chó, như trường hợp chữ búa)... thì sẽ không tồn tại câu bác Bu nói "cho nên không nghề nuôi ngổng là cách chơi chữ gây cười cho vui mà thôi".

      Nếu bác Bu chứng minh được chữ "ngổng", hoặc "ngỗng" (trong "nghể ngổng" như cách viết của bác Bu), hoặc "nghề ngỗng" (như cách viết trong sách vở), cũng có nghĩa là "nghề", như "búa" trong "chợ búa", "má" trong "chó má"... nguồn gốc ở tiếng của dân tộc nào, hay sách vở đáng tin nào, thì đó sẽ là một phát hiện thú vị, và tôi sẽ đồng ý ngay với bác Bu về cách hiểu chơi chữ gây cười của câu "không nghề nuôi ngỗng".

      Xóa
    19. Bu tui qua một loạt các từ song tiết trong đó một từ đã mất nghĩa như đã dẫn ra để nói rằng ngổng trong nghề ngổng là nghề. Bạn đọc không cho là như vậy thì bu cũng biết vậy. Còn dẫn sách của một tác giả uy tín nói rằng ngổng trong nghề ngổng là nghề thi bu tui chưa tìm được. Thực ra tác giả Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử là Nguyễn Ngọc San. cũng không làm việc chứng minh mà chỉ liệt kê ra mà thôi. Ông ta có thể chứng minh ở một tài liệu nào đó nhưng viết ra quá dài nên không giới thiệu phần chứng minh. Bu tui tin ông San còn người khác không tin là việc của họ. Riêng chữ Han trong truyện Kiều và chữ âu trong Quốc âm thi tập thì rành rành ra đó. Ông Nguyễn Trãi và ông Nguyễn Du đã chứng minh cho chúng ta rồi,

      Xóa
    20. Cái khó ở chỗ đó bác Bu, bởi không phải bất cứ từ song tiết nào cũng là 2 từ, mà mỗi từ khi tách ra đứng riêng rẽ đều có ý nghĩa như nhau, như "chợ búa", "chó má", "súng ống", "áo xống"... (như bác viết từ gốc Tày), hoặc "ngăn nắp", "khô khốc", "chim chóc"... (từ gốc Môn-Khmer), hay như từ "lo âu" của Nguyễn Trãi sử dụng trong Quốc Âm Thi tập, "hỏi han" của Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều, mà bác Bu đã trích dẫn.

      Tôi có thể nói thêm từ "mắt mỏ", mà ngày nay ta viết là "mắc mỏ", có nguồn gốc từ tiếng Mường gồm chữ "mắt" có nghĩa là "đắt", và chữ "mó" cũng có nghĩa là "đắt". Từ "bông, hoa", ta thường hiểu từ "bông" là tiếng miền Nam, để thay thế cho từ "hoa" vì kỵ húy chữ "Hoa", trong tiếng Mường lại có từ "pông" để chỉ "hoa", và "wa" cũng để chỉ "hoa", hai từ này cũng như "mắt mó" của họ, có thể tách ra đứng riêng biệt, có ý nghĩa như nhau.

      Nhưng những từ như thế này phải có dẫn chứng từng trường hợp, không thể dùng phép "tương tự", "tương cận" để kéo theo những chữ khác na ná vào, vì chắc bác đã rõ, trong tiếng Việt những từ song tiết như thế, mà hai chữ tách riêng không có ý nghĩa như nhau là rất nhiều. Trong việc xác định như thế này, cần phải chứng minh nguồn gốc (như xác định từ tiếng Tày, Môn-Khmer, Mường...), việc chỉ liệt kê từ ngữ suông mà không xác định nguồn gốc từ đâu (chẳng hạn bác nói như ông San) là không đủ nói lên được điều gì.

      Xóa
    21. Bu tui hoàn toàn đồng ý với ý kiến này của PNH.
      Đúng là bu suy đoán một số từ song tiết trong sách của ông SAN để kết luận ngỗng trong nghề ngổng cũng là nghề , Và khi ngỗng không phải là con vật thì nó mang dấu hỏi. Bu đưa ra luận điểm này để cù, để chọc gan người đọc, để biết đâu có vị thức giả cao thủ nào đó chỉ bảo cho, tiếc là chưa có. Chỉ anh lục lộ với anh xây dựng nói với nhau thôi
      Trong quyển từ điển tiếng láy Việt Nam có 5000 từ láy, bu mới tìm được một số từ trong đó là song tiết mà hai vế vốn có cùng nghĩa: Chim chóc(83), đắn đo (117), khô khốc (205), Nghề Ngỗng (366), hỏi han (167)
      Từ nghề ngỗng được giair thích : dt (kng) (Thường dùng có kèm ý phủ định). Nghề làm để sinh sống, cái gọi là nghề, (hàm ý chê bai). Chẳng có nghề ngỗng gì chỉ lông bông suốt ngày.
      Dẫu có suy đoán mạnh mẽ đến đâu bui tui cũng không dám nói 4995 từ còn lại là song tiết mà cả hai vế vốn có cùng nghĩa như nhau, đây là chuyện quá khó
      Ông Phan Ngọc có đưa ra thuyết tính đối xứng trong tiếng Việt, cũng khó lắm chớ không dễ tí nào

      Xóa
    22. Tôi rất đồng ý với bác Bu trong những từ Chim chóc, đắn đo, khô khốc, hỏi han, nếu hai từ (hai vế) tách ra độc lập thì đều có cùng một nghĩa giống nhau. nhưng từ Nghề Ngỗng có nghĩa là "nghề làm để sinh sống", nếu ta tách làm 2 từ riêng biệt, thì từ Nghề có nghĩa là "nghề làm để sinh sống" (nghề nghiệp), còn từ "Ngỗng" không thể giải thích được là "nghề nghiệp) như từ Nghề, như vậy từ Ngỗng chỉ khi ghép với từ Nghề thành Nghề Ngỗng, thì cả cụm từ này mới có thể hiểu là "nghề nghiệp".

      Có một từ khác tương tự tôi thử tìm hiểu là từ "cây cối", được nhiều từ điển (chẳng hạn Đại Nam Quấc âm tự vị, hoặc VN Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức) giải thích là "tiếng để gọi chung các thứ cây", tra nhiều từ điển, sách vở khác thì tôi không tìm đâu ra sách nào giải thích chữ "cối" đứng một mình cũng có nghĩa là "cây". Cho nên tôi cũng chỉ tạm hiểu là cụm từ "cây cối" mới được hiểu là chỉ chung các loài cây, còn từ "cối" đứng riêng biệt thì không hề chỉ "cây".

      Xóa
    23. Tôi cũng đồng ý với bác Bu là chuyện "Ông Phan Ngọc có đưa ra thuyết tính đối xứng trong tiếng Việt, cũng khó lắm chớ không dễ tí nào", nhưng là khi ông ấy nói về cả một "thuyết tính đối xứng trong tiếng Việt", chứ từng từ ngữ riêng biệt như mình đang nói tới, tôi nghĩ mình vẫn có thể xem xét tương đối rõ ràng.

      Xóa
    24. Nếu có một học giả nào đó bảo rằng ngổng trong nghề ngổng là nghề thì chúng ta không còn gì để nói nữa. Bu tui nói hoài rằng từ 9 từ song ngữ (bu đã dẫn ra trong bài viết) suy luận ra ngổng trong nghề ngỗng là nghề. Bạn bào không phải không phải như vậy thì bạn cứ việc giữ lấy ý kiến của mình và đương nhiên không ai lay chuyển bu tui nói khác đi được. Chúng ta chấp nhận tồn tại hai quan niệm khác nhau. Trọng tài vấn đề này phải là nhà ngôn ngữ cực giỏi còn chúng ta chỉ vở vạc ra cho vui chớ không ai đạt đến chân lý

      Xóa
    25. Hì hì, nhà ngôn ngữ cực giỏi cũng không thể đạt đến chân lý, ở đây tôi chỉ mong đạt được cái "có lý". Cho nên là mình dừng ở đây vậy.

      Xóa
  6. Quả thật em vốn dốt đặc về ngữ nghĩa rùi nên cũng xin mạn phép giống như nhà thơ VĐT là xin có được một chỗ để ngồi nghe anh Bu và các bậc tiền bối bàn luận về chữ " ngỗng " có dấu hỏi hay dấu ngã trong câu "không nghề nuôi ngỗng" này ...Đúng là một đề tài rất thú vị đó cơ !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mời bạn tiếp tục đọc những nhận xét cũng thú vị lắm

      Xóa
  7. Từ điển sống là đây, nếu có từ gì không hiểu trong muôn vàn từ ngữ VN phong phú, có lẽ cứ sang nhà bác Bu, sẽ được mở mang tầm mắt. hihi. Chúc bác Bu ngày an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ hỏi bác biết thì thưa thốt không biết dựa cột nghe phải không Violet

      Xóa
  8. Cháu sang đọc bài, ngắm hình rồi về ạ.
    Hihi... bạn NT nhà chú có khuôn mặt thật giống chú, hai cha con có nụ cười thật hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngọc Tú sinh 1981 đã có hai con trai thằng anh học lớp 1 thằng em đi mẫu giáo

      Xóa
  9. Bạn HÒN SỎI
    Bu tui rất nhất trí với bạn phần "không nghề nuôi ngỗng" là người ta thêm vào cho vui thôi. Bu đã đưa ý kiến này vào trong bài trả lời PNH
    Vấn để phương ngữ bu có nói tới ở phần trên
    Khi nào bu có nhầm lẫn chính tả nhờ Sỏi nhắc nhỡ nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, "nhắc nhở" dấu hỏi bác Bu, đấy chỉ là thói quen khi viết của người từng miền, người miền Nam hay viết sai chính tả ở hỏi, ngã nơi trọng âm. Nhưng bây giờ có những người viết sai ở phụ âm trong từ như "lát nền nhà" thành "nát lền nhà" thì bó tay (hồi tôi còn đi làm trong cơ quan có anh bạn từ miền Bắc vào, kỹ sư xây dựng mà trong văn bản hường viết như thế).

      Xóa
    2. Cơ quan tôi hồi ở Đồng Hới có hợp đồng với một anh Kỹ sư rất giỏi, anh này có cái lạ hôm nay viết dấu hỏi, hôm sau viết dấu ngã, cậu đánh máy phải dùng từ điển chính ta để đánh cho đúng. Anh ấy có bố là tiến sỹ cuối cùng triều Nguyễn, hiện đang ở Đà Nẵng
      Tôi có tật suy nghỉ nhanh hơn ngón tay gõ cho nên nhầm lẫn tùm lum. Khổ nỗi blogspot nó không cho sửa chữa

      Xóa
  10. Sang nhà bác Bu thấy dạo này sức viết của bác sung quá! Những điều bác Bu viết đối với CT thật lí thú và rộng sâu, CT được mở mắt nhiều nên chỉ đứng ngắm đi ngắm lại chứ chả biết nói gì vì sợ quê:)
    Hôm nay tự dưng thời tiết oi nóng, đầu hơi k bình thường, vài ý nghĩ chợt từ đâu tới, đánh liều thưa lên, có gì bacs Bu đại xá ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mời bạn CẦU TRE cứ tự nhiên sang đọc và tự nhiên có ý kiến, cứ có người quan tâm đến là vui rồi. Có bạn viết "Cháu sang đọc bài, ngắm hình rồi về ạ." bu lại càng khoái hihi

      Xóa
  11. Kì cạch gõ mà cái còm chạy mất tiêu rùi:((

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc quá nhỉ, giá CẦU TRE viết lại từ đầu thì bu vui biết mấy

      Xóa
  12. • Theo CT, có thể hiểu câu trên là câu tục ngữ ghi lại một kinh nghiệm sống của con người. Là bởi:
    1. Giàu nuôi chó: Con chó là con vật tinh khôn, có thể dạy được và có bản năng coi giữ và trung thành vào hàng vô địch. Nhưng khác với dê và ngỗng, nó không biết tự kiếm ăn. Vậy nhưng nó lại ăn khá nhiều, ngang hoặc hơn một người ăn khỏe. Người nghèo đến miếng ăn cho mình còn khó nói chi cho chó. Nếu cứ nuôi có thể dẫn đến cảnh ngộ thương tâm như lão Hạc phải nuốt nước mắt bán đi cậu Vàng yêu quí của mình. Trong khi nhà giàu có thể nuôi hàng đàn chó mà không lo. Miếng ăn tiền bạc với họ chỉ là việc nhỏ, sự trung thành tuyệt đối để bầu bạn và bảo vệ con người, tài sản mới là chuyện lớn…
    2. Khó nuôi dê: vế này CT không có ý gì thêm
    3. Không nghề nuôi ngỗng: CT không có hiểu nhiều về ngỗng nhưng như bác Bu nói thì nuôi ngỗng không hề dễ. Tuy đã được thuần hóa nhưng không như chó - chỉ cần chủ cho ăn là đủ - ngỗng ít khôn, khó tính và cần sự chăm sóc chu đáo cẩn thận, tỉ mỉ rất nhiều, nếu không ngỗng sẽ gầy, sẽ thành ngỗng trời hoặc ngỗng nhà người ta… Người không có nghề (chứ không phải nghèo nha/CT căn cứ vào cấu trúc của câu tục ngữ thì cho rằng dân gian có ý phân biệt kẻ khó với kẻ không nghề ạ. Khó nghèo chưa chắc đã phải vì không nghề, và không nghề chưa hẳn ai cũng nghèo…); muốn có nghề( để nhất nghệ tinh nhất thân vinh) thì cần nhiều điều kiện, qua câu tục ngữ này thì có lẽ dân gian muốn đề cao sự chăm chỉ, cần cù, kiên trì, nhẫn nại, chịu khó tìm hiểu học hỏi cho đó là yếu tố đầu tiên để lập nghiệp chăng?
    • Từ hướng suy nghĩ như trên, CT cho phép mình hiểu đây là câu tục ngữ dân gian muốn để lại kinh nghiệm sống. Ý nghĩa của nó không chỉ đơn thuần chỉ là kinh nghiệm về việc nuôi vật nuôi trong nhà mà rộng hơn nữa..
    • Lời khuyên của nó đúng sai thế nào chưa bàn tới nhưng CT vẫn nhớ hồi nhỏ khi được người lớn cho đi chơi, tới những nhà giàu vừa thích vì có nhiều vật lạ nhưng vừa sợ vì thường chó hoặc rất to hoặc rất nhiều, rất dữ. Đặc biệt nhà có nhiều con gái hay con gái đẹp (cái này thì CT nghe cha chú mình nói còn khi đó CT không biết thế nào là đẹp) thì chó vô cùng dữ.
    Cạnh nhà CT có một gia đình nghèo không không biết nhưng nhà cửa rất nhếch nhác bừa bộn- họ hầu như không thân được với nhà nào vì họ sống theo kiểu bụi bụi anh chị đường chợ nên mọi người rất ngại- và họ nuôi một đàn dê suốt, trong khi xung quanh không ai biết nuôi. Lúc đó CT thấy lạ, không hiểu sao họ lại nuôi dê ở thành phố được. Giờ thì đã hơi hiểu rồi. CT cũng nhớ hình ảnh vất vả của những người chăn vịt, họ rong ruổi với đàn vịt hang ngày, qua hết đồng này đồng khác, CT rất thán phục khi một ng có thể lùa đàn vịt 3-4 trăm con hang cây số, qua đường xe cộ, qua ruộng có thức ăn mà đàn vịt không hề phá đàn. Cũng đôi khi có chuyện người chủ vịt đi hỏi khắp xóm trên xã dưới để tìm những con vịt hoặc cả đàn vịt lạc của họ...
    • Vài suy nghĩ mong được bác bu và ai đó quan tâm chỉ giáo ạ! 

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều bu sắp nói đây là lời bạn chớ không đủ tri thức để chỉ giáo.
      1- bu tui chép lại đinh nghĩa TỤC NGỮ
      * Tục ngữ: Câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiển của nhân dân.
      2- bu tui chép lại ý kiến mình trong trả lời PNH ngày 14.3
      Như vậy câu “Giàu nuôi chó khó nuôi dê không nghề nuôi ngỗng” chỉ có tính chất tục ngữ ở phần “Giàu nuôi chó khó nuôi dê”, vì nó có vần, đúc rút được tri thức kinh nghiệm sống.còn “Không nghề nuôi ngỗng” không thể là tục ngữ mà chỉ là câu dân gian chơi chữ gây cười “cho vui” mà thôi.
      3- Chép thêm trả lời PNH ngày 20.3.
      "không nghề nuôi ngổng" là cách chơi chữ gây cười cho vui mà thôi. Chứ đã không nghề (do lười, do vụng...) thì không thể nuôi ngỗng thành công được, và lời khuyên này không khả thi chút nào.
      Kết luận của bu là câu "giàu nuôi chó, khó nuôi dê không nghề nuôi ngỗng" chỉ có "giàu nuôi chó khó nuôi dê" là tục ngữ còn "không nghề nuôi ngỗng " thì không thẻ là tục ngữ được, vì nó không đúc rút tri thức và kinh nghiệm gì của người dân lao động cả.
      Mời CẦU TRE xem toàn bộ hai trả lời trên cho đầy đủ hơn

      Xóa
  13. Vâng, CT đã đọc tất cả và thấy rằng hiểu câu trên là tục ngữ ghi lại ki,h nghiệm về vật nuôi, người nuôi.. hay cho rằng vế thứ 3 của câu không phải đã có ở câu gốc mà do người sau thêm vào để đùa vui đều có những căn cứ chấp nhận được...
    + VHDG vốn không cố định về mặt văn bản
    + ngỗng trong nghề ngỗng chưa chứng minh được là từ song tiết song cũng không CM đc nó không phải là từ song tiết...
    + ng giàu thường nuôi chó vì nó trung thành, coi giữ nhà cửa và bảo vệ con ng tốt, người nghèo khó thường nuôi dê vì nó giúp họ thoát nghèo, anh không nghề lười nhác thì thường nuôi ngỗng vì nó giúp anh ta thỏa mãn thói lười mà vẫn có cái ăn. (hiểu như thế này là quá thống nhất phải không ạ)
    + không có nghề thì phải học để thành nghề(nuôi nghề) chứ không thể khác phải không ạ!
    + nuôi côn,g nghiệp là cách làm ăn mới xuất hiện hai ba mươi năm trở lại đây, còn nuôi vịt nuôi ngỗng theo kiểu chăn thả hàng đàn như cách chăn của gđình nhân vật người cha trong "Cánh đồng bất tận" của NNT thì đã có từ lâu lắm rồi phải không ạ, và cách chăn thả ấy không phải là nuôi CN nhưng vất vả nhiều...
    + CT vẫn thắc mắc nếu nuôi ngỗng dễ như thế sao con vật này k đc nuôi phổ biến? CT hỏi anh hàng xóm quê ở ĐB Bắc bộ thì anh bảo nuôi ngỗng khó hơn vịt nhiều..:)

    Trả lờiXóa
  14. Xin lỗi bác bu, do vội đăng nên ý ở dấu + thứ 2 CT diễn đạt không chuẩn. Phải là "từ "nghề ngỗng" chưa chứng minh được..." ...

    Trả lờiXóa
  15. Cảm ơn bạn Cầu Tre rất nhiều
    Như bu đã nói với ông PNH, bu chỉ xáo xới lên vấn đề để mọi người cùng suy ngẫm
    Bu tui là anh lục lộ không phải nhà ngôn ngữ
    Mà có nhà ngôn ngữ thật thì câu chuyện này cũng không dễ dàng đi đến kết luận mà ai cũng nhất trí được.

    Trả lờiXóa