Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

TRÀ MY


Đường Hồ chí Minh trong thời chiến


Đường Hồ Chí Minh nhánh tây hiện nay


Bu và bà xã (nguyên mẫu Kỹ sư Lân và Liên trong câu chuyện Trà My)


Ảnh minh họa



Sắp đến ngày 30.4, truyền hình đưa nhiều hình ảnh Thanh niên Xung phong trên mặt trận cầu đường thời đánh Mỹ.  Trong bu ùa về bao kỷ niệm của một thời... Trà My là câu chuyện đã xẩy ra với bu năm 1972 xin kể lại với các bạn


Liên về đến nhà thấy chồng ngồi bên mâm cơm đậy lồng bàn chăm chú đọc tạp chí “Xưa &Nay”.
- Anh cũng lạ, hết mê Thiền học lại say đắm Xưa & Nay. Thôi, mời học giả gấp sách cầm đũa cho em nhờ.
Liên giở lồng bàn.
- Em cũng cầm đũa bát cho anh vui, chứ đang no lắm. Trưa nay em đi kiểm tra vốn vay một hộ nghèo, đúng lúc bà  chủ nhà có giỗ. Cụ mời riết quá không từ chối được.
- Ừ, giỗ là cách người nay nhớ lại người xưa. Dẫu có nghèo đến mấy thì người Việt mình cũng nghiêm túc trong ngày cúng giỗ.
- Anh à, bà cụ vay vốn ngân hàng ấy tên lá Lý. Tằn tiện mấy tháng trời mới đủ tiền làm một bữa giỗ thật tươm tất cho cô con gái đi Thanh niên Xung phong hy sinh năm 1972. Tội nghiệp, cô bé ấy nằm xuống khi  tròn 19 tuổi. Thấy cụ vừa kể về con gái vừa nước mắt lưng tròng mà em không cầm được nước mắt. Em xin phép cụ thắp hương cho người đã khuất. Chao ôi, cô gái trong ảnh thờ sao mà xinh thế, cứ như một diễn viên điện ảnh. Bà cụ lập cập mở cái hộp gỗ lấy cho em xem mấy chéo dù pháo sáng trắng tinh  “chị xem, đây là kỷ vật cuối cùng của em nó nhờ bạn gái mang về tặng mẹ. Nếu trời cho em nó sống thì sức khỏe và cảnh  nhà tôi đâu đến nông nỗi này…mà chị yên tâm, có vay thì có trả”.
    Lân buông đũa từ lúc nào, ngồi lặng, đột ngột hỏi Liên:
- Thế em có hỏi bà cụ tên cô gái ấy không?.
- Dạ có, Yến. Đúng rồi, Trần thị Yến.
     Lân thảng thốt:
- Sao! tên là Yến, em có nhớ nhầm không đấy.

***

… Thuở ấy, Lân mới ra trường, tóc còn vương mùi hoa sữa trên đường Nguyễn Du Hà Nội, lòng  đầy ắp hoài bảo và mộng mơ. Tuy chưa đảng viên  nhưng Lân vẫn được cấp trên  bổ nhiệm làm xê trưởng một xê Thanh niên Xung phong đóng dưới chân đèo Đá Đỏ. Ngày về đơn vị nhận việc, Lân cuốc bộ một lèo ba ngày liền  ngót trăm cây số, từ thị xã lên đèo Đá Đỏ.  Đến suối Trà thì Lân đói meo và mệt lử.  Đang vục nước lên mặt lên cổ cho tỉnh táo thì chợt nghe trong lùm cây  bên kia suối vang lên một giọng nữ trong trẻo  “Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi phải cúi đầu. Em đi bắc những nhịp cầu  nối những con đường Tổ quốc yêu thương, cho xe thẳng tới chiến trường…”  Lân lội sang bên kia bờ thì cũng đúng lúc cô gái vừa hát xuất hiện trước mặt. Một tay cô cầm con dao, tay kia xách bó môn nước xanh rờn. Tóc cô búi cao, trắng muốt mấy đóa trà my được cài rất khéo. Lân thực sự bị cô gái thu hút bởi dáng dấp thanh thoát trẻ trung, bởi khuôn mặt trái xoan, đôi mắt sáng dưới hàng mi cong..  Lân làm ra vẻ tỉnh khô:
-       Cô làm ơn cho hỏi đường về xê 3 còn mấy cây số nữa ạ.
-       Gần một cây số, mà anh có phải… là...
-       Là ai nào.
-       Là kỹ sư Hoàng Lân về làm xê trưởng xê 3 chúng em
-       A, sao cô biết tôi rõ thế
-       Dạ anh Lộ bí thư chi bộ xê 3 thông báo anh sẽ về đã ba hôm nay, và nhìn anh em đoán… không sai.
-       Vậy xin hỏi tên cô là gì nào.
-       Eo ơi, tên em xấu lắm, rồi thủ trưởng khắc biết. Bọn con gái xê em tên giống nhau: Ba sẵn sàng.
Nói rồi cô cười hồn nhiên, tiếng cười trong vắt như nước suối Trà vậy.
      Ba tháng ở xê 3, Lân được cấp trên khen là một chỉ huy kỹ thuật năng nổ, gan dạ. Ngoài công tác chuyên môn Lân còn là cây văn nghệ  của phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Bài thơ “Gặp gỡ” của Lân trên báo tường đơn vị được rất nhiều cô cậu chép vào sổ tay đọc thuộc.
Gặp em bên bờ suối
Chẳng biết họ tên gì
Mỗi bước chân em đi
Lá rừng xanh nghiêng nón
Anh nhờ hoa săn đón
Để dừng bước em qua
Em và hoa đứng lại
Suối rừng rộn lời ca
Gặp em rồi muốn hỏi
Tên gọi em là gì
Em mỉm cười chẳng nói
Anh gọi em Trà My
Trà My, em Trà My
Em lắc đầu chẳng phải
Tên em là cô gái
Mở đường cho xe đi
Thế nhưng trong một cuộc họp chi bộ, bí thư Trần Lộ đưa bài thơ Gặp gỡ ra mổ xẻ và lên án gay gắt. Nào là thơ sặc mùi tiểu tư sản, hình ảnh người chiến sĩ  Thanh niên Xung phong được thi vị hóa, xa rời thực tế. Trong khi các chiến sĩ giẫm lên chông gai bom đạn, giành giật từng đoạn đường với kẻ thù thì tác giả bảo mỗi bước chân em đi lá rừng xanh nghiêng nón.  Nào là bài thơ dựng lên một không khí bình yên giả tạo, một tình cảm bàng bạc, yếu đuối, làm giảm nghị lực chiến đấu của tuổi trẻ đơn vị ta. Tôi đề nghị Đoàn Thanh niên họp nghiêm khắc kiểm điểm tác giả, làm cho đồng chí ấy thấy được tính chất phản tuyên truyền của bài thơ Gặp gỡ. Cả xê 3 sợ khiếp vía, riêng cô Trà My mỗi lần gặp Lân ở chỗ đông người chỉ ý tứ gửi một ánh nhìn chia sẻ, đôi khi quay đi giấu một giọt nước mắt.
    Năm 1972 không lực Hoa Kì tăng cường đánh phá trên các tuyến đường  hòng chặn đứng tiếp tế của ta chi viện cho miền nam. Đèo Đá Đỏ  là một trọng điểm ác liệt, và xê 3 đã đổ nhiều máu xương. Một buổi trưa Lân họp các tổ trưởng giao nhiệm vụ mặt đường thì bí thư Trần Lộ nói,  đồng chí xê trưởng Hoàng Lân, bây giờ là 12 giờ trưa, đang là giờ cao điểm đánh phá, đề nghị  đồng chí để đến 2 giờ chiều hãy cho quân ra đường.  
Lân cứng rắn:
-  Công trường bộ và Tư lệnh binh trạm chỉ thị tôi đúng 5 giờ chiều nay bằng mọi giá phải thông xe toàn tuyến Đá Đỏ. Đấy là mệnh lệnh thép, không chấp hành là ra tòa án binh. Đồng chí điện xin cấp trên thay đổi giờ thông xe, tôi chấp hành ngay.
    Lộ im lặng bỏ đi và Lân lệnh cho quân cùng các phương tiện thi công ra mặt đường . Công việc hoàn thành tốt đẹp nhưng trên đường trở về lán, cả đơn vị bị một trận bom bi, một người hy sinh và một người  bị thương nặng .

***

Lân chạy cắt rừng để đến trạm xá công trường nhanh hơn. Trà My đang được các thầy thuốc truyền máu, người em trắng toát bông băng. Em còn tỉnh táo, mỉm cười khi Lân khổ sở ngồi xuống bên cạnh. Nắm tay em trong hai bàn tay của mình Lân nói như người hụt hơi…Trà My…em hiểu cho anh …Em hiểu anh mà…ở vào địa vị anh em cũng phải quyết định như thế…Thì đã có lần anh nói với quân Xê 3 chúng em, thắng Mỹ trên mặt trận cầu đường cũng phải đổ máu…Kìa, em có chết đâu mà anh khóc…Trà My lấy dưới gối lên một gói báo đã buộc dây cẩn thận đưa Lân, anh có dịp về thị xã công tác ghé đưa cho mẹ em mấy chéo dù pháo sáng này, địa chỉ em đã ghi  trên giấy. Chiều hôm sau, trạm xá định đưa Trà My lên tuyến trên nhưng sức khỏe em xấu đi đột ngột, bàn tay em trong tay Lân lạnh dần, lạnh dần …Yến quay lại nhìn Lân lần cuối rồi vĩnh viễn ra đi.  

***

Sau câu hỏi thảng thốt với Liên, Lân ngồi thừ ra, đôi mắt thất thần nhìn vào khoảng không và nói như kẻ mộng du,  Trà My…sau bi kịch đèo Đá Đỏ năm ấy, không hiểu sao người ta chuyển anh vào Đường 16, với nhữngVít Thù Lù, Làng Ho, Dốc Khỉ…anh phải nhờ bạn em đưa quà của em về cho mẹ…  Liên lo lắng lắc mạnh vai Lân, anh! anh làm sao thế, anh đang nói với Trà My nào vậy. Lân tỉnh ra, à Trà My là tên anh đặt cho Yến khi gặp cô ấy lần đầu ở suối Trà năm 1972. Suối ấy có rất nhiều hoa trà,  dân bản mới gọi suối Trà.  Anh nhớ như in  hôm ấy Yến tóc búi cao,  ngấn cổ trắng và hoa trà cài trên tóc cũng trắng, tất cả Yến như một đóa trà my tinh khiết, trắng trong. Mà Liên ạ, anh thấy mẹ Lý nói  đúng, có vay có trả. Với cuộc chiến này anh không có lỗi, thậm chí còn có công, nhưng với mẹ Lý anh vẫn mặc cảm là người vay, đúng hơn là người cướp đoạt nguồn hạnh phúc vô song của mẹ.  Anh đọc  lịch sử cổ kim đông tây nhưng lãng quên quá khứ do chính mình góp phần tạo nên.  Nhà Yến cách ta chưa đến 10 cây số mà anh đã  đi ngót một phần tư thế kỉ, và người đến đích trước lại là em, với công việc cho vay hộ nghèo …Liên reo lên, thôi em bàn thế này nhé, hôm nay là ngày giỗ của Yến, vợ chồng mình đưa hai con đến thăm mẹ Lý, bảo hai con có thêm một bà ngoại.  Mà...ừ nhỉ, tại sao em không phải là Yến con gái cưng của mẹ Lý chứ…Liên nhanh nhẩu mặc áo quần đẹp cho hai con,  chuẩn bị hương trầm, hoa quả. Liên rất vui nhưng trong đôi mắt lại  ngân ngấn nước. 

20 nhận xét:

  1. Chuyện về một thời đạn bom bao giờ cũng làm ta xúc động.
    Nhưng em thắc mắc, sao hai người "có duyên" với nhau từ phút đầu tiên khi lân đến nhận nhiệm vụ thế mà chẳng hiểu sao không biết về quê của nhau? Vì nếu biết, chắc 10 km không đến nỗi phải sau 1/4 thế kỉ Lân mới vô tình biết nhà Lý qua vợ của mình.
    Tiếng reo của Liên và việc quyết định cùng chồng con trở lại nhà mẹ Lý ngay hôm đó sau khi nghe Lân kể cũng có vẻ hơi vội quá chăng?
    Mà anh xem lại nhé, rất nhiều dấu kết thúc câu bị bỏ sót đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà mẹ Lý trước chiến tranh cách thị xã Đồng Hới (nay là thành phố) chưa đến 10 cây số. Từ 1965 trở đi Thị xã bị bom Mỹ san phẳng, vùng lân cận thị xã trong đó có nhà mẹ Lý bị vạ lây, dân ở đó bỏ làng sơ tán lên vùng Trạng toàn núi rừng. Địa chỉ Yến nói với bu là chỗ sơ tán chứ không phải nơi quê cũ. 1976 nhập tỉnh Bình Trị Thiên năm, 1989 lại trở về tỉnh cũ lúc này bu tui làm giám đốc một công ty Tư vấn khảo sát thiết kế giao thông, vợ ở phòng tín dụng ngân hàng Nông nghiệp chuyên cho vay. Với các hộ nghèo thì lâu lâu phải đi kiểm tra sử dụng vốn. Câu chuyện trên xẩy ra vào khoảng 1997 tức 25 năm sau 1972.
      Nói thiệt bạn, bu tui có đến xứ Trạng duy nhất một lần, lúc này hầu hết dân sơ tán đã về lại quê cũ. Bu hỏi thăm bà Lý không ai biết, và không cố công tìm kiếm, đấy là cái tội của bu vậy. Mà Lý là tên thật của bà, chứ hồi ở chỗ sơ tán người gọi bà bằng tên người con trai đầu đã hy sinh ở Quảng Trị. Hôm đó vợ chồng bu đi ngay vì còn trong ngày giỗ Yến lên ngày cho bà vui, với lại Hà (bà xã bu) thấy chồng khổ sở với kỷ niệm xưa thì muốn đi ngay. Ông giám đốc đi thì có xe con chở liền, không đụng đến xe máy cho lích kích… hihi
      Bây giờ nhắc lại chuyện này nghe lâm li, chứ hồi đó thân thiết một cô gái như bông như hoa sau đó cô ta hy sinh vì bom đạn là chuyện thường. Bu tui hồi đó mặt mũi “sáng sủa chiều sủa”. Đã có chuyện hàng chục em lội suối trèo rừng đi coi mặt mũi cha Kỹ sư có khác chi người thường không… hehe. Giá có tài viết văn như Nhật Thành thì bu tui có khi phải viết cả ngàn trang chưa hết chuyện….

      Xóa
  2. đọc mà ... xúc động quá chú Bu ơi. Tự dưng thấy ước chi được thấy đóa Trà My ấy. một ký ức buồn, đau, nhưng quá đẹp để nhớ mãi.
    Thật sự vui vì cuối cùng người mẹ đáng thương ấy cũng có những người con tìm về ( dù không ruột thịt gì )
    Em mê chú Bu kể chuyện ngày xưa đi đánh giặc của chú như vầy nè. Rảnh kể nghe nữa chú Bu hén !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rãnh chú sẽ kể, tiếc là chú không có tài như CÓ KHI NÀO cho nên chuyện hay kẻ ra nghe dở ẹc hà. Chú đang định kể chuyện với tựa đề LẦN ĐẦU. Đúng lần đầu chú được một cô gái tên là THƯƠNG đẹp như hoa lan rừng ôm hôn khi chú sốt mê man nằm trong trạm xá công trường. Tỉnh ra thì Thương đã biến mất ...biến một lèo cho đến hôm nay ...

      Xóa
  3. Một câu chuyện hay , nhưng buồn như chính tên gọi của nó " Trà My " vậy
    Vâng , một thời đạn bom , một thời hào hùng , một thời tuổi trẻ . Tôi tự hỏi , có tượng đài nào đủ lớn để làm vơi đi nỗi đau của mẹ Lý khi cả hai đứa con , một trai và một gái đã ngã xuống khi tuổi vừa đôi mươi . Trong cuộc chiến , sự nguy hiểm giữa thanh niên xung và người lính là như nhau , nhưng sự vất vả , gian khổ thì hơn nhiều . Nhưng chế độ đãi ngộ thời hậu chiến không bằng nhau đó là một thiệt thòi cho họ . Tình cảm của bác Bu dành cho người đồng đội thủa xưa thật đáng quý . Hình như những thế hệ trước họ sống , tình cảm họ dành cho nhau trong sáng hơn , trung thực hơn
    Tôi chỉ có một băn khoăn nhỏ , đó là cuộc sống của mẹ Lý sau hoà bình , khi mất đi hai chỗ dựa là hai đứa con , mẹ sống ra sao ? Bởi vì tôi từng biết có nhiều bà mẹ liệt sĩ sống rất vất vả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cảm ơn bạn Alaykum Salam chia sẻ bài viết của bu
      Bạn đọc trả lời của bu với Nhật Thành Hồ thì biết thêm về câu chuyện
      Trước khi Bu chuyển vào ở Vũng Tàu thì bà Lý đã là người thiên cổ rồi
      Đúng là hậu chiến có nhiều người thiệt thòi lắm

      Xóa
  4. Câu chuyện nào của chú Bu về một thời tuổi trẻ, thì nhân vật nữ vẫn luôn là những đóa hoa xinh đẹp, trong trẻo và thoắt ẩn thoắt hiện như một giấc mơ vậy.
    Cháu rưng rưng... khi đọc câu chuyện này. Hình ảnh cụ Lý sao mà thương thế. Và hẳn nhiên, ở mỗi cuộc chiến nào cũng có biết bao nhiêu bà mẹ như cụ Lý, con đã hi sinh rồi nhưng lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm thương nhớ, hoài niệm. Thật xót xa biết bao.
    Hình ảnh Liên thật đáng yêu với tấm lòng của một người cán bộ tận tâm và tình yêu thương con người. Nhờ Liên có tấm lòng nhân hậu, đồng cảm với những cảnh đời như thế mà Lân mới kết nối được với quá khứ và mang đến cho cụ Lý một niềm vui được gặp lại con mình trong những câu chuyện kể.

    Trả lờiXóa
  5. Anh chồng đi 25 năm nhưng đến đích trước là người vợ.
    Ở đời này được tập hợp vô số chuyện ngẫu nhiên phải không Yên Vũ

    Trả lờiXóa
  6. Có được bà vợ như vậy là tuyệt vời rồi,vẹn cả nhiều đường !

    Trả lờiXóa
  7. Câu chuyện cảm động và hay. Nhưng còn cảm động ở cái tình cảm bao dung và nghĩa cử của người vợ... Bác Bu thiệt có phước lớn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế mà ngày nay bu tui không chịu tu tập chi cả Giao Lang ơi, chỉ tự dặn mình thân khẩu ý đừng tạo nên ác nghiệp chớ lười lên chùa lười gặp sư ...

      Xóa
  8. Đọc xong mà em thấy lòng ...như thế nào ấy ? Rõ anh Bu có rất nhiều ký ức thật đẹp về những năm tháng bom đạn trong chiến tranh cùng với các đồng chí của mình ! Em nghĩ anh và chị đang làm thật tốt với những gì mà anh chị có thể để làm xoa dịu nỗi đau mất mát của người mẹ đang tuổi về chiều mà lại cô đơn như thế ....chắc giờ cũng còn nhiều trường hợp như người mẹ kể trên phải không anh Bu nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đất nước ta những người mẹ như bà Lý tậm chí còn đau khổ hơncòn nhiều lắm Nang Tuyet à...

      Xóa
  9. Bà cụ mẹ liệt sỹ là hộ nghèo phải vay vốn và tằn tiện mấy tháng trời mới có tiền làm giỗ cho con thì thật đáng buồn cho xã hội mình phải không bác :(

    Trả lờiXóa
  10. Vay chăn nuôi nhỏ lẻ như bà mẹ Lý thì trả được nợ là may chứ khó mà khấm khá lên được, dịch bệnh ở người, ở súc vật ngày một nhiều lên, đến tổ chức WHO còn bó tay Marguerte Bangtam ơi

    Trả lờiXóa
  11. Anh gợi lại ngày xưa trong mỗi con người. Sỏi thấy xúc động khi đọc chuyện này, Thực ra Sỏi nghĩ câu chuyện và cách kể đủ và đậm tư cách của môtj chuyện ngắn hay.
    Dù bây giờ có đủ đầy thế nào, vẫn mơ ước và khát thèm quay quắt về ngày xưa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sắp tới 30.4 ti vi đài báo nhắc lại thời đánh Mỹ bu tui quay quắt nhớ lại thời ở với các bạn TNXP đảm bảo giao thông trên những tuyến đường, có lẻ dần dà phải ghi lại Sỏi ạ.

      Xóa
  12. Bu sang coi tui nói xấu con gái Đô Lương tề.

    Trả lờiXóa