Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

TRỊNH CÔNG SƠN NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI











Nguyễn Quốc Túy còn là giáo viên môn võ Karate



Chú em bu hiện sống ở Đà Lạt, vốn là thạc sĩ vật lý chất rắn nhưng yêu văn chương, yêu nhạc, đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn. Năm 2014 chú ấy dự thi viết “NhạcTrịnh trong tôi” do gia đình Trịnh Công Sơn kết hợp với báo Một Thế Giới tổ chức.  Bài viết “Trịnh Công Sơn, xin cho tôi” đạt một trong ba giải xuất sắc. Năm 2015 chú ấy lại dự thi  viết“Nhạc Trịnh trong tôi” với bài  “Trịnh Công Sơn, nối linh thiêng vào đời” và đạt một trong ba giải khuyến khích. Chú ấy tâm sự “em tâm đắc bài viết được giải khuyến khích này hơn bài năm ngoái được gải xuất sắc anh ạ”.  Bu giới thiệu cùng các bạn bài “Trịnh Công Sơn nối thiêng liêng vào đời” của tác giả Nguyễn Quốc Túy” (KenhKia.blogsot.com , facebook.com/quoctuydl)

*****

Con người là loài sinh vật tuyệt đối cô đơn trong vũ trụ này. Hắn sinh ra một mình, bước đi giữa đời một mình và cuối cùng qua bên kia thế giới cũng chỉ một mình. (Nguyễn Quốc Túy)

Chứng kiến những mất mát của người thân, những chết chóc đau thương trên quê hương đất nước do chiến tranh tàn khốc gây ra, Trịnh Công Sơn, với trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, có lẽ là người hiểu rất rõ nỗi cô đơn của phận người và giá trị hàn gắn của tình yêu đồng loại. Buồn thay, nhân loại vô minh dường như vẫn đang từng ngày đánh mất dần thứ tình yêu thiêng liêng ấy. Trịnh Công Sơn buồn bã nhận ra "Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Đóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...". Từ đó với trái tim không nguôi "yêu mọi người, cỏ cây, muôn loài", chàng nhạc sĩ tình nguyện dấn thân làm sứ giả nối vòng tay lớn, nối lại những yêu thương tưởng chừng đã rụng rơi đi nhiều trong trái tim người.

Vòng tay ấy khởi đầu từ người mẹ muôn vàn kính yêu và những người em ruột thịt thân thương trong gia đình, rồi vươn tới những bạn bè nhiều thế hệ, thuộc nhiều nghề nghiệp, sống ở nhiều vùng đất khác nhau. Họ hòa vào vòng tay chàng nhạc sĩ họ Trịnh một cách tự nguyện và đầy thiện chí cứ như đã thân nhau từ kiếp trước, nhóm nhạc do Trịnh Công Sơn lập ra cũng mang một cái tên thật gần gũi: Những Người Bạn.Tiếp theo thì đến lượt ai? Thử nghe chàng nhạc sĩ trần tình: "Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Đôi khi tôi là người tình" (Tin vào niềm tuyệt vọng). Ra thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận định rằng, ngoài nhạc phản chiến, "Hầu hết thì giờ còn lại đã được Trịnh Công Sơn dành cho tình ca. Tình ca đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn (Tình ca Trịnh Công Sơn). Thế thì đối tượng tiếp theo trong vòng tay của Trịnh không ai khác mà chính là người tình. Nói cho cùng, một người tình lãng du không đi tìm người tình thì còn tìm ai.Trong tiếng réo rắt của cây đàn lyre, hãy dõi theo Trịnh Công Sơn đi đến với người tình.

Mở đầu thiên tình sử "Đóa hoa vô thường" ta đã bắt gặp chàng khăn gói đi tìm em, tìm rất chân thành và tha thiết: "Tìm trên non ngàn..., tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Tìm lại trên sông những dấu hài..., tìm em xa gần", tìm tận "trong vô thường". Cũng chẳng cao sang gì, em ở đây chỉ "mình hạc xương mai" thôi, nhưng cũng như chàng Orpheus đi tìm nàng Eurydice tận địa ngục, Trịnh Công Sơn không hề ngã lòng: "Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh. Trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng đâu em". Kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi thường rất ngọt ngào: "Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn", và đương nhiên câu chuyện tiếp theo phải là "tôi mời em về đêm gội mưa trong. Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm" để "bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất".Đối diện với quá nhiều mất mát đau thương "người người yêu nhau đã mất nhau trong đời" (Còn có bao ngày), Trịnh Công Sơn luôn mang một nỗi thảng thốt thường trực về phận người để rồi khắc khoải mong "Bàn chân qua phố thấy người" (có một dòng sông đã qua đời", hay "Chờ từng sớm mai thấy lại mặt người" (Còn thấy mặt người). Ông khẩn thiết kêu gọi "Anh em trên khắp địa cầu hãy gần nhau" (Như tiếng thở dài) không ngoài mục đích để "dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới", thứ mà nhân loại đang rất cần để cứu chuộc thân phận, cứu chuộc thế giới.

Vòng tay lớn không chỉ kết nối giữa những con người, trái tim người Nghệ sĩ còn mang một tình yêu bao la với thiên nhiên cây cỏ: "Tôi yêu mọi người, cỏ cây muôn loài" (Tự tình khúc). Trịnh Công Sơn từng thổ lộ "Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên,...Tôi là người tình của thiên nhiên" (Phác thảo chân dung tôi). Trong rất nhiều bài hát của mình, Trịnh Công Sơn xem vạn vật như những người bạn, người tình thân thiết. Đối với Trịnh, "góc phố nào cũng thấy quê nhà..., màu hoa lá quen như mặt người" (Tình yêu tìm thấy). Vì thế ông hết lòng "tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hót cho cha" (Có nghe đời nghiêng). Không chỉ đi tìm em, Trịnh còn đi "tìm hạt bụi bay trong cuộc đời" (Môi hồng đào), ông khuyên mọi người hãy yêu nhau không chỉ để cho những người tình có nơi nương náu bình an trong trái tim của nhau mà còn để "cho gạch đá có tin vui" (Hãy yêu nhau đi).Trong "Để bắt đầu một hồi ức", Trịnh Công Sơn viết: "Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi". Quả nhiên, không phụ lòng người, đến lượt mình thiên nhiên cây cỏ cũng dang tay bầu bạn với Trịnh, với em: "Đông sang khoác vai tôi những ngày vui" (Môi hồng đào), "Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về..., ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ" (Biển nhớ), "Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ, đường dìu chân em đi..., cây trái níu chân về" (Tuổi đời mênh mông)...

Thiền Phật giáo quan niệm rằng vạn vật đều có phật tính, là người tiếp xúc với giáo lí nhà Phật từ sớm Trịnh Công Sơn hẳn thấm nhuần điều này. Vì thế, không có gì lạ khi thế giới vạn vật trong nhạc Trịnh cũng xôn xao như con người, cũng khát khao "xin cho về trọ gần nhau" (Ở trọ). Trong vòng tay nghìn trùng ấy, ta thấy có rừng núi giang tay với biển, có đêm vui đợi ngày, có thành phố tìm đến thôn xa, có "Dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi" (Bốn mùa thay lá)... Dường như thế giới loài người và vạn vật trong nhạc Trịnh Công Sơn hòa quyện với nhau rất khó mà tách bạch. Hát Trịnh Công Sơn đôi khi ta chợt giật mình không biết đâu là cuộc tình giữa tôi với em, giữa tôi với vạn vật hay giữa vạn vật sỏi đá với nhau. Đây là hẹn hò giữa mưa với hoa: "Những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà" (Bốn mùa thay lá); đây là cuộc tình rất khẽ giữa sương với phố: "Đêm bước về thật nhẹ, sương khoác mềm vai phố" (Hôm nay tôi nghe); còn đây là khắc khoải giữa thềm đá với mưa: "Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa" (Có nghe đời nghiêng)...Thế đấy, ngày sau ngay cả "sỏi đá cũng cần có nhau" (Diễm xưa) thì không lẽ những con tim đồng loại trong thế giới loài người lại không thể hòa chung một dòng máu mà "lại gần, gần lại với nhau, ngồi gần nhau hơn" (Lại gần với nhau).

Thực ra, thế giới vốn dĩ là một thể thống nhất, làm gì có sự phân chia. Trái đất này chỉ như một hòn bi xanh trong vũ trụ bao la, ở đó vạn vật, chúng sinh "vô tình ta cùng chọn nơi này làm quê hương" (Như một hòn bi xanh). Chẳng biết tự khi nào, nhân loại đầy tham sân si bỗng nhiên phân chia thế giới ra làm trăm ngàn mảnh rồi xâu xé giành giật nhau gây ra bao cảnh tang thương, đầu rơi máu chảy.Theo cái nhìn của Phật giáo, vũ trụ là sự vận động và tương tác lẫn nhau của các hiện tượng tiếp nối vô thỉ vô chung, không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà chúng nương tựa vào nhau tồn tại hài hoà nhau. Cùng một ý tưởng với Pháp duyên khởi của nhà Phật, nhà vật lí vĩ đại Stephen Hawking đã phát biểu trong tác phẩm “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” rằng: “Một con bướm vỗ cánh ở Tokyo có thể gây ra mưa ở công viên trung tâm ở New-york”. Trong Liên Hoa Kinh, các đại sư của Thiên Thai Tông cũng thường dạy rằng "toàn bộ vũ trụ nằm gọn trong đầu một hạt cải". Thế thì làm gì có sự phân biệt nào trong thế giới này, nói theo cách của Trịnh Công Sơn "Tôi là em và em cũng là tôi" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Thế thì tìm em cũng chính là tìm tôi, tôi kết nối với vũ trụ cũng như tôi kết nối với tôi vậy.Hóa ra, trong cuộc tìm kiếm vĩ đại để "níu tay nghìn trùng", Trịnh Công Sơn đâu chỉ định "nối tròn một vòng Việt Nam". Đất nước, quê hương chỉ là khởi điểm để Trịnh Công Sơn giang rộng vòng tay kết nối cả càn khôn vũ trụ. Và tận cùng vũ trụ ấy, tại nơi chốn cội nguồn, vòng tay Trịnh Công Sơn bắt gặp chính mình. Cuối cùng tôi đã tìm thấy tôi để "nối liền một vòng tử sinh".

Vòng tử sinh ấy đã kết thúc trên một phận người. Đã mười bốn năm Trịnh Công Sơn giã từ cõi tạm mà về với cõi thiên thu linh thiêng để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc thấm đẫm yêu thương vẫn đang từng ngày bền bỉ chảy tuôn như "dòng máu nối con tim đồng loại". Tự nhận rằng "Tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau" (Tin vào niềm tuyệt vọng) nên có một lần, trong Dã tràng ca, ông từng băn khoăn rằng tiếng hót của mình chỉ như là công việc của dã tràng xe cát: "Dã tràng xe cát hoài công...Công dã tràng muôn đời vỡ tan..., trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên". Không gì an ủi ông cho bằng chính lời bạn thân của ông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Anh Trịnh Công Sơn, anh hãy yên tâm nghỉ giấc ngàn thu, giữa những tài năng ngoại hạng đã tích lũy nên di sản văn hóa của nhân loại. Mỗi người nghe nhạc anh đều xây cất một mộ phần cao sang dành cho anh trong tâm tưởng của họ, để từ đó nghe tên anh từ thiên thu vang dội trên nền cẩm thạch".
Và như thế, Trịnh Công Sơn đã nối linh thiêng vào đời.


Nguyễn Quốc Túy

33 nhận xét:

  1. úi úi úi... Cái anh võ sư ấy làm em tối mắt rùi, chả đọc đuoc75 chữ nào nữa. Ngắn anh ấy thui. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ngắm mà viết thành ngắn... khổ, bị trai đẹp làm mờ mắt rùi . hic hic

      Xóa
    2. Ngắm no mắt rồi đọc nhà thơ CÓ KHI NÀO ơi
      CKN có thích học võ không để bu bảo thầy về SG dạy hihi

      Xóa
    3. em bắt thầy lun chú Bu ui. há há

      Xóa
    4. Hi hi, cái hình chụp đã hơn 10 năm rồi, giờ trông anh võ sư nhàu nhĩ lắm nàng Có Khi Nào ơi.

      Xóa
    5. ka ka ka. Nhàu đâu em ủi đó. Láng tưng luôn. hì hì

      Xóa
  2. Em còn nhớ em đã đọc bài về Trịnh mà em chú Bu viết , chú Bu đã có chia sẻ trên blog rùi. Thú thiệt, đọc bài lần này, em không thấy hay như bài cũ ( dù bài này em chú tâm đắc hơn ) . có lẽ mỗi người mỗi ý.
    Em không biết nhiều về nhạc Trịnh, chỉ thấy nhà nhà mê, người người mê. Chỉ thấy thoáng bùn chút là người tài hoa vậy, yêu nhiều vậy, tâm hồn đẹp vậy, mà đến lúc buông tay, 1 người phụ nữ duy nhất bên cạnh - một nửa thật sự hình như chưa có phải k chú Bu ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như ông này na ná cái nhân vật mà CKN vừa mới viết. Yêu em Linh rồi yêu thêm em Mẫn. Nhưng chắc rồi cũng không yêu được ai...Con người ta lắm bi kịch quá CKN ơi

      Xóa
    2. Không nên hiểu về chữ "mê" ở đây như mê nhậu, mê gái...đó là một thứ nô lệ. Tui "mê" nhạc Trịnh đơn giản là vì mình tìm thấy bóng dáng mình trong nhạc ông, tìm thấy sự bình an khi hát nhạc ông.

      "1 người phụ nữ duy nhất bên cạnh" thì không có, nhưng Trịnh có 1001 phụ nữ...duy nhất nàng Có Khi Nào ạ.

      Xóa
    3. với em, mê là hơn thích , gần như yêu đấy ạ.
      Trời ui, 1001 thì sao gọi là duy nhất đc? Nhiều quá, khổ thân thui. hic hic. Anh thấy chú Bu không, 1 vợ nhiều con, chú ngày càng đẹp lộng lẫy lun á. Xí ! Chú Bu cho em nịnh chú chỗ này xí nhá. hì hì

      Xóa
  3. NT cũng giống Đan Thùy vậy. Nghe người ta mê nhạc Trịnh nhiều mà mình thì không mấy khi nghe để mà mê. Đơn giản là nơi này không có nhiều không gian để thưởng thức nhạc Trịnh, và riêng NT lại không có nhiều thời gian mà đến với nhạc Trịnh nữa.
    Bu bảo đọc xong GK sẽ góp ý qua mail, chắc chưa đọc được, đúng không? Nợ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có GK là đọc xong ngay, nhưng công nọ việc kia cứ liên miên...đến khi cần viết vài chữ thì quên hết phải đọc lại từ đầu. Hehe nợ trả lần cháo húp quanh thế nào bu tui cũng có vay có trả chờ nhé

      Xóa
  4. Sỏi vẫn thường đọc bài bên Blogger KK! Vì thích cái lối viết của tác giả nhưng không để ý quan hệ, nay mới biết KK là em của anh Bu!
    Bài viết này giống một công trình nghiên cứu về TCS thông qua tác phẩm ""Nhạc Trịnh""

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú Túy rất mê nhạc Trịnh, và phải mê mới làm Ban giam khảo để mắt tới
      Cảm ơn Sỏi đã sang đọc và nhận xét

      Xóa
    2. Nếu không có bạn bè động viên thì thực ra em không định dự thi. Thi thố bản chất của nó đã chứa đựng những điều không thật, không công bằng. Với lại, mang những điều tâm đắc, những tình cảm sâu đậm của mình ra thi thố thì chẳng có ý nghĩa gì.

      Không lẽ mang ông Jesus mí cả ông Thích Ca ra thi xem ai nói hay hơn.

      Xóa
  5. ....Biển sóng , biển sóng đừng trôi xa
    Bao năm chờ đợi sóng gần ta
    Biển sóng , biển sóng đừng âm u
    Đừng nuôi trong ấy trái tim thù
    Biển sóng , biển sóng đừng ... Xô ... Nhau
    Trịnh công Sơn
    Chào bác Bu . Một nhà vật lý học , một võ sĩ , một tay ngang mà viết được một bài luận khá hay . Lời bình giản dị mộc mạc dễ hiểu , giống như những ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn vậy . Phải là người gắn bó và yêu nhac Trịnh mới đồng cảm được và cảm nhận được triết lý nhân sinh mà nhạc sĩ muốn gửi tới cho chúng ta . Chỉ tiếc là bài viết bị khống chế trong đề tài ( Trịnh công Sơn . Nối linh thiêng vào đời ) nên không mở rộng ra thêm được những khía cạnh khác
    Trinh công Sơn ( 1939 --2001 ) đã được tổ chức wold peace Music trao tặng giải thưởng " Vì hoà bình nhân loại " tôi cũng rất thích nghe nhạc Trịnh với tiếng hát Khánh Ly , chứ những giọng hát khác không thích lắm vì không truyền tải được thông điệp mà nhạc mà nhạc sĩ muốn gửi gắm
    Cảm nhận của tôi với nhạc Trịnh là có ( Đạo trong Nhạc ) và có ( Thiền trong Nhạc ) hơn nữa trong nhạc có thơ và trong thơ có nhạc, thơ và nhac hoà quyện với nhau nên giúp ca từ dễ di vào lòng người , và sự lan toả cũng vì thế xa hơn
    Chúc bác Bu một tối cuối tuần vui vẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nối linh thiêng vào đời" là một câu trong ca khúc Nối vòng tay lớn của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tác giả lấy làm tựa đề cho bài viết.

      Xóa
  6. Nhạc sĩ TCS đã cho ra những bài hát thật hay và có ý nghĩa vô cùng . Mỗi thể loại đều được tác giả nêu lên hết những cung bậc của cuộc sống : sướng , vui , buồn, khổ ....nghe xong rùi lại muốn nghe nữa bởi lẽ những bài hát của ông thì đầy chất thơ và rất lãng mạn ...

    Trả lờiXóa
  7. Lại làm phiền bác Bu rồi , cũng bởi bài viết của chú Tuý hay quá . Mỗi con người ai cũng có một miền ký ức , không phân biệt sang hèn . Nay đọc bài viết này của chú Tuý , cả một kỷ niệm quá khứ tràn về kể bác Bu nghe . Hồi nhỏ ở ngoài Bắc tầm năm1972 có mấy chú bộ đội ở trong chiến trường B ghé nhà cho tôi một cái đài nhỏ bằng bàn tay . Bác Bu biết không ? Đối với tôi lúc đó là cả một sự huyền diệu mà trời phật ban cho . Đêm đêm đóng chặt cửa nhà , chui vào chăn mở nho nhỏ để nghe tiếng nói của phía " Bên kia " cũng từ đó tôi mới biết ngoài những giọng ca tự phong ở Miền Bắc , còn có những nền âm nhạc khác , cũng từ ấy tôi mới biết ca sĩ Thanh Thuý , ca sĩ Thái Thanh , ca sĩ Khánh Ly , ca sĩ Lê Thu .v.v.v
    Năm 1982 một lần từ Dầu Tiếng xuống thăm em gái ở Vũng Tàu , hai anh em ngồi uống cà phê ở bãi dâu , tình cờ chủ quán mở băng cát séc bài Biển Nhớ , nói bác Bu nghe tôi phê luôn . Từ đó mỗi khi nghe nhạc Trịnh lại khó quên . Không biết tôi có phải là một tín đồ theo ông Trịnh hay không
    Nay đọc bài viết của chú Tín , có một nỗi niềm trào dâng ,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được bạn Alaykum Salam sang đọc là quý hóa rồ, đâu dám nói là phiền
      Hồi còn tỉnh BÌNH TRỊ THIÊN bu tui ở Huế, cùng phường với Trịnh Công Sơn.
      Một buổi sáng Sơn cầm ổ mì vừa nhai vừa dự họp phường, tất nhiên cả bu và Sơn bấm nhau ngồi sau cùng. Phường không có ghế mọi người ngồi bệt xuống nền xi măng. Sơn cho bu mượn một chiếc dép râu làm ghế tạm (bu đi giày). Bu hỏi sao ông không sang Mỹ với Khánh Ly sơn bảo "bên nớ không có ruốc tui không sống nỗi"...Mới đó mà tất cả đã thành kỉ niệm xa vời...

      Xóa
    2. Xin chào và cám ơn bác Alaykum Salam vì những lời nhận xét của bác. Tui tâm đắc với những cảm nhận của bác về nhạc Trịnh, kể cả nhận xét về giọng hát Khánh Ly trong việc chuyển tải nhạc Trịnh.
      Thực ra có cả 1001 khía cạnh có thể viết về nhạc Trịnh, đơn giản nhạc của ông chiêm nghiệm về những buồn vui đời người. Trừ trẻ con, những ai từng trải qua những khổ đau ở đời đều dễ dàng tìm thấy một phần mình trong nhạc Trịnh.

      Trong khuôn khổ cuộc thi chỉ với chủ đề "Nối vòng tay lớn", cũng là tên bài hát nói lên khát vọng của Trịnh (và mọi con dân Việt) về một vòng tay lớn kết nối sơn hà, vì thế,bài viết không thể nói cùng lúc nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, nếu bác đọc kỹ, vòng tay lớn trong bài viết của tui đã mở rộng hơn tới cả càn khôn, vũ trụ. Ở đó có vòng tay kết nối giữa những con người; có nghĩa tình giữa con người với vạn vật và có kết nối giữa vạn vật sỏi đá với nhau. Hơn thế nữa, còn có kết nối giữa người chết với người sống, giữa cõi linh thiêng với đời sống thực, như câu hát "người chết nối linh thiêng vào đời" trong bài Nối vòng tay lớn.

      Đó cũng là ý đồ của tác giả bài viết: vòng tay phải mở rộng ra như thế mới là vòng tay lớn, nó không thể gói tròn trong một quốc gia. Thứ nữa, trong vòng tay lớn ấy, tuy mỗi cá thể là riêng biệt, là "cô đơn", nhưng tất cả đều có tác động qua lại lẫn nhau, kể cả khi con người chết đi, thì linh hồn họ vẫn hàng ngày hàng giờ "nối linh thiêng vào đời".

      Trịnh Công Sơn là một trong những linh hồn như vậy.
      Thì đấy, nhân loại vẫn không ngừng viết, nói, hát về ông, thế thì chả phải Trịnh đang nối linh thiêng vào đời là gì, bác Salam nhỉ.

      Đôi điều tâm sự thêm, mong bác không lấy làm phiền lòng. Chúc bác cùng gia quyến luôn bình an, vui khỏe.

      Xóa
  8. 1. Trước hết, em cám ơn anh Bu đã "giới thiệu sản phẩm" trên blog của anh.
    NHân tiện bài của em là "TCS nối linh thiêng vào đời" (Chứ không phải thiêng liêng), một đoạn trong câu hát của bài NỐI VÒNG TAY LƠN: "Người chết nối linh thiêng vào đời". Ngoài ra, anh Bu bỏ mất một câu dẫn mở đầu khá quan trọng của bài, nó thế này: "Con người là loài sinh vật tuyệt đối cô đơn trong vũ trụ này. Hắn sinh ra một mình, bước đi giữa đời một mình và cuối cùng qua bên kia thế giới cũng chỉ một mình".
    2. Thứ đến, xin cám ơn quý anh chị đã có ý kiến đánh giá bài viết, những cảm nhận về một khía cạnh nhạc Trịnh mà tác giả tâm đắc. Xin mạn phép mượn "đất" nhà anh Bu để hầu chuyện quý anh chị xung quanh bài viết ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui đã bổ sung những sơ sót chú vừa nhắc tới

      Xóa
  9. " Con người là sinh vật tuyệt đối cô đơn trong vũ trụ này. Hắn sinh ra một mình, bước đi giữa đời một mình và cuối cùng qua bên kia thế giới cũng chỉ một mình "
    Lời dẫn hay quá , đó là chìa khoá dẫn dắt người đọc thâm nhập vào bài vết ,đó cũng là cốt lõi của bài viết , cũng có thể dùng cho lời kết của bài viết này . Đọc lời dẫn này sao lại thấy giống như cuộc đời của một nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa bạc mệnh , cống hiến cho đời rất nhiều , suôt đời đi kiếm tìm như một kẻ lãng du , cuối đời lại chết trong cô độc không có một bóng hồng nào bên cạnh. Thanks

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Alaykum Salam cái câu đó của Nguyễn QuốcTúy chớ không phải của Trịnh Công Sơn. Bu tui đính chính lại rồi

      Xóa
    2. Bác Salam nhận xét đúng, câu dẫn này chinh là chìa khóa để đi vào bài viết. Nhưng nó không mang nghĩa tiêu cực, không phải là lời thở than. Phúc lạc trong sự cô độc, trong tính "một mình" mới là hạnh phúc đích thực. Chỉ là vì đa số chúng ta "còn trần gian thế" nên chưa cảm nhận được mà thôi.

      Nhân tiện, xin được bàn đến băn khoăn của bác (và cả nàng nhà thơ Có Khi Nào) về "một nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa bạc mệnh , cống hiến cho đời rất nhiều , suôt đời đi kiếm tìm như một kẻ lãng du , cuối đời lại chết trong cô độc không có một bóng hồng nào bên cạnh" (Salam) hay "người tài hoa vậy, yêu nhiều vậy, tâm hồn đẹp vậy, mà đến lúc buông tay, 1 người phụ nữ duy nhất bên cạnh - một nửa thật sự hình như chưa có" (Có Khi Nào).
      Chúng ta thường hay nhận xét mọi sự việc xung quanh dựa trên cái lăng kính của chính mình, dựa trên số đông, mà quên rằng mỗi cá nhân là một vũ trụ. Không có hai cá nhân nào là giống nhau, không có sự vật nào là giống sự vật nào. Nếu thế thật không công bằng khi "bắt" nhạc sĩ họ Trịnh cũng cưới một ả nào đấy rồi sinh con đàn cháu đống. Ta không có cắn cứ nào để khẳng định Trịnh là bạc mệnh, là bất hạnh cả. Nếu ông hoàn toàn hài lòng với những gì đang có của mình thì sao? Chúng ta còn mong gì hơn thế? Liệu một ông Trịnh tối ngày lo gạo cơm mắm muối, lo làm giàu trong một gia đình vợ con đùm đề nào đấy thì có hạnh phúc hơn không?...Ngoài ra, cũng xin lưu ý rằng, Thái tử Tất Đạt Đa, tiền thân Phật Thích Ca, từng có một bóng hồng (chắc thuộc hàng hoa hậu) cung cúc hầu hạ. Thế nhưng, sau khi từ bỏ bóng hồng này mà dứt áo ra đi thì ngài mới tìm được hạnh phúc đích thực khộng chỉ cho riêng ông mà cho cả nhân loại tới tận bây giờ.

      Xóa
  10. Cháu thích nhạc Trịnh, đơn giản vì cháu thấy sự gần gũi , quen thuộc với những giai điệu, ca từ của tác giả. Cảm ơn chú đã cho cháu đọc bài viết của em trai chú. Híc, cũng như Đan Thùy, cháu thấy chú ấy ... đẹp trai :D

    Trả lờiXóa
  11. Cảm ơn chú Tuý đẫ trả lòi rất thấu đáo. Lần đầu tiên đọc bài của Chú tôi cảm nhận được chúng mình có một ít đồng cảm với nhau . Có nhiều người cũng viết về nhạc Trịnh tôi có cảm giác họ viết cho bạn văn , hay giới trí thức đọc với nhau thì phải , lời lẽ hàn lâm , lời văn thì bay bướm hoa lá cành không hợp với số đông độc giả có trình độ không bằng họ . Họ quên mất một điều văn , thơ muốn sống được phải cần số đông độc giả này nếu không muốn bài viết cất vào kho hay chìm vào quên lãng
    Tôi thích cách hành văn của Chú và bác Bu vì nó mộc mạc ,giản dị trong thanh cao , dễ đi vào lòng với bất cứ độc giả nào. Mong được đọc thêm nhiều bài viết của Chú. Good night

    Trả lờiXóa
  12. Tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao bài viết hay như thế lại không được giải cao ? Bình luận về nhạc Trịnh như vậy là đạt. Nhưng mục đích của cuộc thi " Trịnh công Sơn , nối linh thiêng vào đời " thì lại khác : gần kỷ niêm 40 năm thống nhất đất nước " Một triệu người vui thì có một triệu người buồn " muốn dùng bài hát này để xoa dịu vết thương chiến tranh , mong muốn hoà hợp và hoà giải dân tộc , những người con đất việt nên xoá bỏ hận thù , chung tay xây dựng đất nước " oán thù nên cởi chớ không nên buộc " ở bài bình này chưa nêu bật được vấn đề đó nên không đạt được giải cao
    Mấy suy nghĩ như vậy không biết có đúng không ? Thân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ bác Salam nhận định đúng. Bác có thể đọc thêm về các bài đạt giải theo cái link này:

      http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/ca-nhac/cong-bo-giai-thuong-nhac-trinh-trong-toi-170373.html

      Xóa
  13. Bài viết ất sâu sắc chứng tỏ tác giả đã cảm thụ rất kỹ âm nhạc Trịnh Công Sơn. Việc vận dụng giáo lý là Phật để lý giải nhạc Trịnh là điều thú vị. Cám ơn tác giả, cám ơn anh Bu, hình như dây là lần thứ hai HN thấy bác Bu giới thiệu người em mình trên blog này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là lần thứ 2 HN à
      Cảm ơn bạn đã tạm rời FB về với blog và sang đọc bu

      Xóa